Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Trần Đăng Tuấn : Thư ngỏ gửi Bộ trưởng LĐ-TB-XH

Link : http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130131/thu-ngo-gui-bo-truong-ld-tb-xh.aspx


Trần Đăng Tuấn
Em bé vùng cao và suất cơm thiếu chất mà nhà báo Trần Đăng Tuấn bắt gặp - Ảnh: Trần Đăng Tuấn
Em bé vùng cao và suất cơm thiếu chất mà nhà báo Trần Đăng Tuấn bắt gặp - Ảnh: Trần Đăng Tuấn 
Thưa Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền,
Xin được nói thật với Bộ trưởng: liên quan đến bữa ăn của học sinh vùng cao, nếu cuộc rà soát không thật sự cặn kẽ, có thể rồi ngành này ngành kia đều báo cáo: chính sách hỗ trợ nhà nước nhiều, cơ bản là đã triển khai, tiền đã về đến đối tượng, dù có khó khăn nhưng tình hình ăn uống của các em không quá thiếu thốn như dư luận nêu…
Vài điều nhìn thấy, xin được chia sẻ với Bộ trưởng:
Lên vùng cao, chúng tôi không chỉ nhìn, mà còn ghi hình lại nhiều cảnh ăn uống của học sinh. Có đủ mọi cảnh: 1-Có những học sinh buổi trưa nhịn ăn vì không có gì mang theo đến lớp. Có những bé mầm non đến bữa thì cô giáo phải “véo” từ các nắm cơm của các em khác dồn lại để cho cháu ăn. 2- Có những học sinh không ăn cơm, mà ăn bí, ăn củ. 3- Học sinh có đủ cơm ăn, nhưng thức ăn là măng, muối riềng, muối ớt 4- Học sinh ăn cơm có chút thức ăn mang từ nhà là chút cá khô hay thi thoảng (rất hiếm) có miếng thịt.
Trong các cảnh trên, phải nói rằng cảnh thứ ba (có cơm nhưng không thức ăn nhiều dinh dưỡng) là phổ biến nhất  (nhân thể xin nói chính vì vậy, chương trình nhỏ của chúng tôi giúp các em lấy tên là “Cơm có thịt”, chứ không phải là “Ăn có cơm”. Dù rằng, xin nhắc lại, cảnh thiếu cả cơm vẫn có).
Riêng học sinh bán trú, bức tranh khác biệt: Trước khi tiền hỗ trợ của nhà nước đến, các em ăn cơm như cảnh thứ ba. Khi đã nhận được tiền hỗ trợ và có tổ chức nấu ăn tập trung, các em đã có chút thức ăn, nhưng cũng còn đạm bạc.
Tại sao chính sách hỗ trợ đã bao phủ phần rất lớn học sinh (học sinh nội trú, học sinh bán trú, mầm non 3, 4 và 5 tuổi, một số tỉnh có hỗ trợ cả học sinh ngoài diện hỗ trợ của chính phủ) mà các em đã rất lâu và nay còn ăn cơm không có thức ăn? 
Là do cách đưa tiền hỗ trợ về cho các em.
Thứ nhất, có quyết định của Thủ tướng nhưng triển khai rất chậm: ở những vùng Tây Bắc mà chúng tôi biết, Quyết định 85/2010/QĐ-TTg hỗ trợ học sinh bán trú phải một năm sau mới có thông tư liên bộ hướng dẫn, và tiền dĩ nhiên đến còn muộn hơn. Chủ trương hỗ trợ ăn trưa cho trẻ 5 tuổi theo Quyết định 239/QĐ-TTg thành hiện thực chỉ sau 2 năm. Tiền hỗ trợ trẻ mầm non 3, 4 tuổi theo Quyết định 60/2011/QĐ-TTg sau 13 tháng, đến hôm nay chỗ đã chi, chỗ chưa, vì có tiền nhưng chưa có hướng dẫn!
Nếu là tiền xây dựng công trình, thì tiền về muộn công trình được xây muộn. Nhưng trẻ con có đợi được như công trình đâu. Khi tiền đến thì trẻ mầm non đã lên lớp một, lớp hai, học sinh tiểu học, trung học đã về nghỉ hè. Tiền được truy lĩnh, và được trao cho phụ huynh. Bộ trưởng thừa biết “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, thành một bữa rượu liên hoan, hay hiếu hỷ, trả nợ… Vậy là ngân sách vẫn bỏ ra số tiền như dự trù, người (ngành) cấp phát báo cáo đã thực hiện xong nhiệm vụ giải ngân, nhưng còn đâu là mục tiêu tăng dinh dưỡng cho trẻ nhà nghèo có sức khỏe học trên lớp? Thiết tưởng hỗ trợ trẻ em phải như bố mẹ nuôi con, có bố mẹ nào nuôi kiểu no dồn đói góp như vậy?
Thứ hai: Các cụ dạy “của cho không bằng cách cho”. Khổ thay “của” ở đây là tiền nước, tiền dân, nhưng quyết định cách “cho” lại là những cấp quan chức ở giữa. Thưa thật với Bộ trưởng, tôi không hiểu nổi những quy định chi tiền kiểu này: trẻ học từ tháng 9 đến hết tháng 5, tiền ăn trưa chi hai đợt tháng 11 và tháng 4. Thử hỏi từ tháng 9 đến tháng 11, các thầy cô lấy tiền đâu để nấu ăn cho học sinh? Vâng, quả thật tôi đã gặp thầy cô lấy tiền túi ra tạm ứng, tôi cũng đã thấy các trường “cắm nợ” ngoài chợ. Nhưng chỉ ít nơi có thể làm thế và liệu chúng ta có thể đòi hỏi họ làm thế không? Còn tiền đợt tháng 4 thì nhiều khi đến học sinh đã nghỉ hè. Làm sao thầy cô giáo dám giữ lại qua hè để ứng cho năm học sau (vì danh sách học sinh mỗi năm một khác). Tôi muốn hỏi người đưa ra quy định này: ông (bà) có cho con ăn theo kiểu mỗi năm chi tiền hai lần không?
Thứ ba: Tôi khẳng định rằng hỗ trợ dinh dưỡng cho học sinh nhất định phải qua con đường nấu ăn cho các em ngay tại trường. Nếu phát thẳng không có gì đảm bảo nó thành cơm, rau, thịt cho các em. Ngay tại nơi mà dư luận xôn xao chuyện học sinh ăn thịt chuột, cũng theo báo chí thì trên đó mỗi học sinh có chế độ hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Nguyên do chắc cũng không ngoài cái “cách cho”.
Điều cuối cùng: Cũng là học sinh, cũng nghèo như nhau thôi, nhưng học sinh bán trú nhà xa, được hỗ trợ hằng tháng thì được ăn miếng cơm nóng có chút thức ăn. Còn học sinh nhà gần hơn, nhưng đủ xa để trưa vẫn phải ở lại lớp, thì mang cặp lồng cơm. Chúng tôi đã mở xem không biết bao nhiêu cặp lồng hoặc gói lá như thế và những gì trông thấy thật xót lòng. Xin nhà nước quan tâm đến “học sinh cặp lồng”. Hãy tiết kiệm các khoản chi khác để hỗ trợ cho tất cả trẻ nghèo miền núi. Và hãy tạo điều kiện để mọi tấm lòng yêu trẻ nghèo cùng nhà nước đến với các em. Làm như vậy được thì chuyện miếng ăn và tấm áo  cho các em không quá khó!
TĐT

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Nguyễn Đại : Mất ăn mất ngủ vì Bắc Triều Tiên

Link : http://huynhngocchenh.blogspot.com.es/2013/01/mat-mat-ngu-vi-bac-trieu-tien.html

Nguyễn Đại
images

Như lời ông đại tá – PGS – TS Trần Đăng Thanh (*) thì ta phải học tập Bắc Triều Tiên (BTT): “có vũ khí nguyên tử làm thế giới mất ăn mất ngủ”. Tôi không hiểu làm cho người khác mất ăn mất ngủ thì có gì hay mà phải học! Không biết có ông bố nào dạy con “mày phải học thằng ăn trộm, ăn cướp có nghề, nó làm cho nhân dân mất ăn mất ngủ!” không. Nói như ông Thanh sao hồi trước ta không học luôn Polpot, Hitle vì làm TG mất ăn mất ngủ cho nó tiện. Trong khi bao nhiêu nước có rất ít sức mạnh quân đội mà họ vẫn sống văn minh, sống đàng hoàng, giàu có thì không học. Có sức mạnh quân đội để… canh giữ cho hòa bình thế giới thì còn đáng học, chứ ai lại đi học thằng Chí Phèo làm cả làng Vũ Đại mất ăn mất ngủ bao giờ!
 Tuy nhiên, có một thực tế là những người có lương tri đang mất ăn mất ngủ vì chuyện ăn thịt người ở BTT. Cách đây vài chục năm, Mao Trạch Đông đã đưa nhân dân Trung Quốc vào hoàn cảnh phải ăn thịt người trong thời kỳ đại nhảy vọt thì nay đến phiên BTT.
Câu chuyện Triều Tiên là một thực tiễn rõ nét nhất về sự khác biệt giữa dân chủ và độc tài. Cùng con người, cùng tố chất, cùng hoàn cảnh địa lý, thế mà kinh tế chênh lệch khủng khiếp. Nam Triều Tiên (NTT) là nền kinh tế lớn nằm trong TOP 10 thế giới, thu nhập bình quân đầu người trên 25.000 USD, GDP khoảng 900 tỷ USD. Bắc Triều Tiên (BTT) thì đang đối diện với nạn đói, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.000 USD và GDP khoảng 20 tỷ USD.
Nếu như những “tuyên truyền viên” còn có lý do cho rằng miền nam Việt Nam giàu hơn miền bắc là do “tiền của Mỹ” thì chắc hẳn chẳng còn lý do gì cho câu chuyện Triều Tiên nói trên. “Do NTT được Mỹ đầu tư ư?” Thì nước nào muốn phát triển chẳng cần đầu tư! Có chính sách tốt, có kinh tế thị trường lành mạnh thì người ta mới đầu tư! Mà BTT cũng được Trung Quốc đầu tư đấy chứ. “Do BTT bị cấm vận ư?” Thế tại sao người ta cấm vận? Rừng rú, mọi rợ, tàn ác thì có quốc gia văn minh nào dám đến gần. Nói “nghèo do cấm vận” chẳng khác gì tự thú “tao khốn nạn nên người ta lánh xa tao”. “Do đổ tiền làm tên lửa hạt nhân ư?” Dân thì đói nhăn răng còn anh thì vét cạn tiền chơi tên lửa! Y như Liên Xô thời trước. Mỹ làm ra 10 đồng, chi 3 đồng vô vũ khí và lên mặt trăng. Liên Xô làm ra 3 đồng, chi luôn 3 đồng vô vũ khí và lên mặt trăng cho không thua kém bọn tư bản. Lên tới mặt trăng thì đất nước tan rã.
Như trên đã nói, BTT và NTT chỉ khác nhau ở một thứ là chế độ chính trị, còn lại các điều kiện khác là như nhau. Cả 2 có điểm xuất phát như nhau tính tại thời điểm 1953 – năm kết thúc nội chiến, văn hóa như nhau, trí tuệ như nhau. Quái lạ là ở BTT, điều kiện chính trị… ưu việt hơn NTT nhiều:
-        Được trang bị chủ nghĩa Mác – Lê nin vô địch, sau đó phát triển thành chủ nghĩa Chủ Thể
-        Có một người cầm lái vĩ đại là Kim Nhật Thành, vĩ đại đến nỗi trở thành chủ tịch vĩnh viễn.
-        Nếu nói về ổn định chính trị thì chẳng có quốc gia nào bì lại với BTT. Kim ông nắm quyền đến chết truyền ngôi cho Kim cha. Kim cha nắm quyền đến chết truyền ngôi cho Kim con hiện nay. Không hề có cạnh tranh, quyền lực cha truyền con nối, rất ổn định.
-        Có sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của một đảng duy nhất đỉnh cao trí tuệ là Đảng Lao Động Triều Tiên.
-        Có một sự đoàn kết nhất trí cao độ. Có khoảng 100 đầu sách ca ngợi Kim ông, 70 đầu sách ca ngợ Kim cha. Bầu cử quốc hội ở BTT luôn đạt 99% phiếu ủng hộ ứng cử viên… duy nhất thuộc Đảng Lao Động.
-        Đặc biệt ưu việt internet, điện thoại di động bị cấm cho nên nhân dân không bị nước ngoài đầu độc. Người dân yêu thương lãnh tụ còn hơn cha mẹ của mình. Lãnh tụ chết là kéo nhau ra ngoài đường khóc tè le toét loét. Thậm chí lãnh đạo chưa chết, đi thăm trường học, giáo viên và học trò cũng khóc hu hu.
-        Không chỉ nhân dân, đến cả trời đất cũng thương yêu lãnh tụ. Sự ra đời của Kim Chính Nhật tại núi Paektu đã được báo trước bởi một con chim nhạn, và một điềm triệu là sự xuất hiện của một cầu vồng đôi bắc qua núi cùng một ngôi sao mới trên bầu trời.
Nói chung, thể chế chính trị của BTT là cực kỳ ưu việt. Còn NTT thì chỉ có một thể chế bình như hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có. Đó là nền chính trị đa đảng, nhân dân trực tiếp bầu ra Tổng Thống (dân chủ không tập trung). NTT khác BTT chỉ có thế và giàu có gấp 40 lần BTT.
Có những điều khó giải thích đến độ phải dùng đến tâm linh. Tại sao đất nước BTT nghèo đói thì giải thích được. Nhưng người dân BTT có tội tình gì với trời đất mà phải khốn nạn đến thế để cha con họ Kim giàu sụ (tài sản khoảng 4 tỷ USD) thì đúng là chịu!
Quả là BTT làm thế giới mất ăn mất ngủ.
Nguyễn Đại – 30/1/2013

Món ăn Khmer : Snau chụa tơ rây


* Snau chụa tơ rây: Nguyên liệu (1 con cá lóc 0,5-1,0kg, 1 gốc cây xả, 1 cây ngò gai, 1 cây rau quế, 1 cây hành lá, 2 lá chanh, 1 quả chanh, ớt, đường, muối, nước mắm, bột ngọt, dầu thực vật). Cách làm – Cá lóc làm sạch cắt khúc, nấu nước sôi nêm đường, muối (đường gấp 1,5 muối), cây xả đập dập, dầu thực vật. Thả cá vào đun sôi 5 phút cho chín cá, bắc xuống nêm chút xíu nước mắm, bột ngọt, ngò gai - rau quế - hành lá - lá chanh xắt nhỏ, 1 chút ớt cay vừa phải. Múc ra tô hãy vắt chanh cho vừa miệng, ăn nóng (vắt chanh trước khi ăn).
Lưu ý : Có thể thay cá bằng thịt gà cũng rất ngon nhưng không gọi là Snau chụa tơ rây” (tơ rây có nghĩa con cá).

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Mai Thanh Hải : Chúng nó ăn uống thế này đây, thưa Thủ tướng!…

Link : http://maithanhhaiddk.blogspot.com/2013/01/chung-no-uong-nay-ay-thua-thu-tuong.html

Mai Thanh Hải
533595_184007265056334_1000127286_n


Từ sáng đến tối, thấy các thể loại báo chí rầm rộ đăng tin bài phản ánh, ca ngợi việc Thủ tướng, sau khi đọc một số báo, trong đó nhất là báo Tuổi trẻ TP.HCM, đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các địa phương miền núi – biên giới phía Bắc kiểm tra, làm rõ và báo cáo việc học sinh thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở… em buồn nẫu.
Vẫn biết Thủ tướng “trăm công nghìn việc”, lãnh đạo các Bộ ngành – địa phương “trăm việc nghìn công”, các chuyên viên cấp dưới cũng “công công việc việc”, nhưng đến giờ mới vỡ ra và cấp tập chỉ đạo, thì buồn quá.
Những chuyện thế này, báo chí – cơ quan phản ánh, tuyên truyền chính sách, thực tế cuộc sống từ Trung ương xuống địa phương và ngược lại (đó là chưa kể tới các thể loại báo tỉnh, huyện ngốn hàng đống tiền Ngân sách nuôi cả bãi biên chế), có biết không, khi các nhà báo dịp nào cũng lũ lượt lên biên giới – miền núi?.
Biết chứ!. Cũng kêu… be bé đấy chứ, nhưng hình như không đúng thời điểm, nên chỉ có chị Thời sự VTV với phóng sự ăn thịt chuột ở Sơn La và anh Tuổi trẻ, dịp đi rải quà khắp các tỉnh, kêu váng lên, nhờ Giời mà Thủ tướng biết.
Thưa Thủ tướng, dặm dài miền núi – biên giới, chẳng phải chỉ riêng Tây Bắc, chúng em gặp mãi thành quen, nói mãi thành nhàm, với những cảnh này rồi ạ!.
Chả dám nói là những đứa học sinh lít nhít Nội trú, Bán trú ở đầy điểm bản, xã huyện không cơm, không áo, không dép mũ, không sách vở, không trường lớp (nói vậy, bị quy… “nói xấu chế độ” ngay), mà chỉ nói là thiếu, rất thiếu và cực thiếu.
Bây giờ, Thủ tướng và mọi người mới được nghe chuyện học sinh Sơn La bẫy chuột để “kiếm tý tươi”, chứ năm 2005, khi công tác tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang), cánh nhà báo chúng em đã chứng kiến cảnh bọn trẻ bẫy chuột, nướng ăn với cơm vì không còn bất cứ thứ gì, ngoài muối trắng. May mà vẫn còn hình ảnh chụp lại, cho Thủ tướng xem…
Với bọn Bán trú. Chúng nó có cơm ăn đấy chứ (mà hết thảy chúng nó, đến mùa giáp hạt, hết gạo thì còn ngô xay), nhưng cơm ăn bữa trưa được mang đi từ sáng, với thức ăn là muối trắng kèm với hoặc măng ớt, hoặc măng luộc hoặc… ăn không.
Nhà nào “có điều kiện lắm”, cũng chỉ vài con cá khô kho mặn chát, to bằng đầu đũa là cùng.
Với bọn trẻ con Nội trú. Nấu 1 nồi cơm, ăn cả ngày, với bất cứ gì chúng có: Muối trắng, cá khô, dưa kho, măng ớt và thậm chí cơm trộn với… nước lã. Cuối tuần nghỉ học sớm về bản với gia đình, đầu tuần lễ mễ xách gạo – thức ăn, vác củi lủi thủi đến Trường học, tự nấu – tự “cân đối” số đồ ăn – chất đốt dùng cho cả tuần.
Đứa nào ăn khỏe, hết gạo sớm, đói là chuyện thường nhật, chả xa xôi…
Thủ tướng hỏi, các Bộ ngành – địa phương sẽ nói ngay “có chế độ Nhà nước”.
Nhưng xin thưa, mấy đồng còm cõi hỗ trợ thêm cho con trẻ, có khi hết năm học, trẻ con nghỉ hè ráo rồi, mới lững thững bò về đến xã và thành “khoản” chuyển cho bố mẹ chúng biến thành bia rượu – nhậu nhẹt và năm học sau, bọn trẻ lại mòn mỏi đến Trường với cơm không, muối trắng, nước suối, như chẳng hề có sự quan tâm.
Thủ tướng trách, nhưng đừng trách các thầy cô giáo cắm bản, ngày ngày xót xa nhìn bữa ăn của trẻ con.
Họ cũng còi cọc đồng lương, nơi rẻo cao mua cái gì cũng theo giá thị trường đắt đỏ, nuôi đến thân mình còn khó, nói gì tuổi thanh xuân chôn trong chốn đồng rừng, để mà chia sẻ hết cho học sinh, dẫu con cá khô – bát mì tôm, nhúm muối trắng, cũng san cho trẻ con vì niềm thương đồng loại.
Thôi thì Thủ tướng bận việc nhớn, lãnh đạo Bộ ngành – địa phương bận việc bé, các chuyên viên – cán bộ chuyên trách lo những việc tý xíu, bụng to khó trèo đèo vượt suối, lại tiết kiệm từng đồng công tác phí, nên để bọn lọ mọ chúng em, chuyển cho Thủ tướng vài tấm hình ghi được ở những nơi tụi em kêu goi – huy động đồng bào góp từng con cá, chai mắm, thùng mì tôm, lọ ruốc, bao gạo, manh áo, chiếc nồi… mang đến giúp bọn lít nhít vùng núi cao – biên giới ấy.
Vài tấm hình thôi, ở ngay Trạm Tấu, Mù Căng Chải (Yên Bái), Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Bắc Mê – Đồng Văn (Hà Giang), Bát Xát (Lào Cai), Bảo Lạc (Cao Bằng), Điện Biên Đông (Điện Biên) mà chúng em đã làm cái việc, bây giờ mọi người hay gọi là “thiện nguyện”, để nói với Thủ tướng: “CHÚNG NÓ ĂN THẾ NÀY ĐÂY, THƯA THỦ TƯỚNG!”…
*****
TB: Nếu Thủ tướng quan tâm thật đến những hình ảnh này, xin tìm hiểu hoạt động của những nhóm thiện nguyện, bao lâu nay… “xã hội hóa” việc tiếp tế lương thực – thực phẩm – vật dụng – cơ sở vật chất giúp đỡ học sinh miền núi.

Và nhất là Thủ tướng chỉ đạo các địa phương giúp đỡ các hoạt động này, đừng chối từ – thoái thác, đòi hành chính hóa (làm thiện nguyện phải có công văn – dấu đỏ), như 1 Tỉnh ủy viên ở Hà Giang, với chúng em mới ngay đây…


Xin đội ơn Thủ tướng!..

———————————————————————————————————————————-

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Bùi Chí Vinh : Suy nghĩ từ tuyên bố đầy khí phách của Tổng thống Aquino

Link : http://quechoa.vn/2013/01/28/suy-nghi-tu-tuyen-bo-day-khi-phach-cua-tong-thong-aquino/


Bùi Chí Vinh 
Khi đưa vấn đề Trung Quốc xâm lược biển Đông ra Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là Tổng Thống Philippines đã làm thay rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tổng Thống Aquino đã tuyên bố như sau: “Chúng tôi không đe dọa ai cả, bởi nếu chúng tôi không đứng lên đòi hỏi quyền lợi, ai sẽ đứng lên làm điều đó ?”
Ai sẽ đứng lên làm điều đó thay chúng tôi?
Nước Mỹ ư? Chẳng ai cho không lòng hào sảng
Mất Scarborough nghĩa là mất luôn cả bầu trời
Nghe đồn láng giềng Việt Nam có câu “Đèn nhà ai nhà nấy sáng”
Đâu phải một quốc gia lắm quần đảo như Philippines là được quyền quên luôn bãi cạn
Bãi cạn Scarborough đẻ ra san hô, quặng mỏ, linh hồn
Bãi cạn của nhân dân không phải là món quà mua bán
Cho thứ đất nước đẻ ra ác mộng đường lưỡi bò liếm từ đỉnh đến… trôn !
Chúng tôi không đứng lên đòi hỏi quyền lợi thì ai sẽ đứng lên?
Nhật Bản, Hàn Quốc ư ? Những đồng minh chỉ quan tâm thị trường chiến lược
Hiểm họa trên biển Đông không phải… “phần mềm”
Mà thuộc “ổ cứng” trường kỳ của đại cường hào Trung Quốc
Thà làm “châu chấu đá xe” còn hơn chịu 1000 năm Bắc thuộc
Chịu khống chế bởi truyền thông, chịu áp lực bởi truyền hình
Tại sao không dám đứng thẳng người mà cúi đầu khiếp nhược
Mà rên rỉ đớn hèn rằng “tàu lạ”… linh tinh!
Giặc đến nhà, đàn bà cũng chấp nhận hy sinh
Chúng tôi không đe dọa ai” không thích làm con… ngáo ộp!
Đánh giặc là đánh từ Tổng Thống tới dân đen chứ không đánh một mình
Cám ơn Aquino dạy bài học danh dự vỡ lòng về tình ái quốc!
28-01-2013

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

military.china.com : VN HÃY NHÌN LẠI LỊCH SỬ – NGÔ ĐÌNH DIỆM CHÍNH LÀ VẾT XE ĐỔ

Link : http://anhbasam.wordpress.com/2013/01/26/1573-vn-hay-nhin-lai-lich-su-ngo-dinh-diem-chinh-la-vet-xe-do/#more-90971


CHUYÊN GIA: XIN KHUYÊN VIỆT NAM HÃY NHÌN LẠI LỊCH SỬ – NGÔ ĐÌNH DIỆM CỦA NAM VIỆT[i] CHÍNH LÀ VẾT XE ĐỔ

25.12.2012

(Tác giả là nghiên cứu viên Viện nghiên cứu KHXH Quảng Tây, Trung Quốc)
Người dịch:  XYZ


Ngô Đình Diệm sinh ngày 3.1.1901 tại Huế, Việt Nam. Tháng 10 năm 1955 thiết lập Việt Nam cộng hòa, đồng thời nhậm chức tổng thống khóa đầu tiên. Trong thời gian nhậm chức đã ra sức đàn áp người theo cộng sản và tín đồ Phật giáo, khiến cho mâu thuẫn xã hội gay gắt chưa từng có. Ngày 1.11.1963, đã bị quân nhân đảo chính giết chết ở tuổi 62.


Nghe nói Việt Nam lập ra một “Đội bóng đá chống Trung Quốc”, khi các cầu thủ thi đấu đều hô lên những câu khẩu hiệu chống Trung Quốc, khi được phóng viên chụp ảnh sẽ giương biểu ngữ “Ngăn chặn đường 9 đoạn”. Tại một đất nước mà chính phủ có sức kiểm soát xã hội mạnh, chúng ta rất khó hình dung được rằng, sự xuất hiện của một đội bóng mang ý nghĩa chính trị như vậy mà lại là do “sai sót” của nhà cầm quyền.

Mấy năm vừa qua, về yêu cầu lãnh thổ đối với Nam Hải[ii], Việt Nam luôn đi rất “nhịp nhàng”. Trước khi hoàn thành việc phân chia Vịnh Bắc Bộ Trung-Việt và phân giới cắm mốc ở biên giới Trung-Việt, chính phủ Việt Nam không hề đề cập đến quần đảo Tây Sa[iii]. Sau khi hoàn thành việc phân chia Vịnh Bắc Bộ, đến năm 2008, Việt Nam liền bắt đầu đưa ra vấn đề “phân giới quần đảo Tây Sa”, tức cái gọi là “phân giới ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ”, song lại không nói là phân chia như thế nào, mà cũng chẳng xác định thời gian. Mãi đến khi biên giới đất liền Trung-Việt đã được hoạch định và cắm mốc toàn bộ, Việt Nam mới chính thức đề xuất yêu cầu về “chủ quyền toàn bộ” đối với các quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa[iv]

Vào thập kỷ 50 thế kỷ trước,  “Địa lý Việt Nam” đã vạch ranh giới Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam đến 109° Kinh đông, tuy nhiên bản đồ Việt Nam hiện giờ lại kéo điểm này đến 118° Kinh đông, trùm lên cả quần đảo Tây Sa quần đảo Nam Sa. Sách giáo khoa lịch sử sau ngày Việt Nam thống nhất Nam-Bắc, nhất là trong giáo trình quốc phòng, lại càng coi cái gọi là “Phương Bắc xâm lược” là mối uy hiếp lớn nhất, đồng thời từng bước đưa quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa vào bản đồ Việt Nam. Những điều này đương nhiên sẽ tác động đến tình cảm của dân chúng Việt Nam. Đội bóng đá chống Trung Quốc này cho dù không có chính phủ làm nền, thì cũng chắc chắn là sản phẩm của sự giáo dục quốc phòng mạnh mẽ và kỹ lưỡng từ chính phủ Việt Nam.

Điều khiến cho người ta thấy khó hiểu là, trong giáo trình quốc phòng của Việt Nam tuyệt nhiên không có trang nào nói về Mỹ xâm lược. Về điều này người Việt Nam thường nói, người Việt Nam chúng tôi không thù dai, song đối với Trung Quốc thì họ lại không thế. Một điều nữa cũng khiến cho người ta thấy khó hiểu là, trong rất nhiều tình huống, Việt Nam làm mờ nhạt, thậm chí xóa bỏ hẳn sự viện trợ của Trung Quốc đối với mình, như ở Chiến dịch Điện Biên Phủ mang ý nghĩa lịch sử trọng đại trong chiến tranh chống Pháp của Việt Nam, Trung Quốc đã dành sự viện trợ to lớn cho Việt Nam, nhưng trong sách lịch sử của Việt Nam không tìm thấy một chữ nào.

Khỏi cần phải nói, trong thẳm sâu tâm hồn của một số người Việt Nam vẫn nuôi giấc mộng mưu đồ khôi phục lại cái gọi là “Liên bang Đông Dương” 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia trong thời kỳ thực dân Pháp. Trong số 3 nước khi ấy, thực dân Pháp đặt kỳ vọng nhất chính là Việt Nam. Còn người Pháp khi ấy đã có tác động rất lớn đến thế giới quan của một bộ phận người Việt Nam về việc mở rộng thuộc địa trên thế giới, đặc biệt là trên biển. Trong đó có một chi tiết không thể không nhắc đến:  Vào thập niên 30 thế kỷ trước, thực dân Pháp đã dùng pháo hạm để đánh đuổi ngư dân Trung Quốc trên 9 hòn đảo thuộc quần đảo Nam Sa.

Tháng 1 năm tới, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam sẽ nhậm chức Tổng thư ký ASEAN. Đến lúc ấy, chúng ta buộc phải liên tưởng quả đá phạt của Đội bóng đá chống Trung Quốc với việc thiết kế tương lai cho ASEAN của Việt Nam. Chúng ta có lý do để lo lắng rằng, sau khi người Việt Nam nhậm chức Tổng thư ký ASEAN, liệu sẽ có dùng đến tranh chấp Nam Hải để hợp nhất toàn thể ASEAN, hay là bắt cóc toàn bộ ASEAN?

Tất nhiên người Việt Nam cũng phải cẩn thận, bởi trong ASEAN có rất nhiều nước đứng ngoài tranh chấp Nam Hải không hề muốn bị cuốn vào tranh chấp, do Việt Nam “tự tung tự tác” về mặt ngoại giao mà ASEAN cũng có thể sẽ phải đối mặt với cục diện đầy rủi ro bị chia rẽ.

Đúng vậy, Phương Tây không muốn nhìn thấy một nước Trung Quốc lớn mạnh và trỗi dậy. Song, đất nước mà dựa vào thế lực của Mỹ để thực hiện lợi ích cốt lõi của mình dường như vẫn còn hiếm gặp. Hãy suy nghĩ về cách Hoa Kỳ đã bỏ rơi cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos và cựu Tổng thống Indonesia  Suharto một cách dứt khoát làm sao, rồi hãy suy nghĩ rằng nếu như Mỹ một lòng một dạ hỗ trợ Aung San Suu Kyi, thì 2 ngày trước đó Mỹ đến lôi kéo phe quân nhân Myanmar là có ý gì? Xin khuyên chính phủ Việt Nam nên nhìn lại lịch sử cho kỹ, nếu không, Ngô Đình Diệm của Nam Việt đã chẳng phải là vết xe đổ đó rồi sao.

Nguồn: military.china.com


Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Số phận con tầu HQ-10…





(Mail thông tin của Nguyễn Quang Duy-Úc)

Kính gởi: Chị Huỳnh Thị Sinh, phu nhân của Hạm trưởng HQ-10 Ngụy Văn Thà.

Cùng thân nhân của các anh Lê Văn Tây, Đinh Hoàng Mai, và các anh chiến sĩ khác đã hy sinh cùng HQ-10.

Nhân có lá thư của những đồng bào miền Bắc gởi cho chị nhân ngày tưởng niệm lần thứ 39 HQ-10 đền nợ nước, tôi muốn cho chị cùng mọi người biết một chút tin tức về HQ-10 mà tôi tận mắt nhìn thấy khi đang trên lộ trình đến Hong Kong. Câu chuyện như thế này:

Vào ngày 24 tháng 7 năm 1979 chúng tôi vượt biển từ một tỉnh miền Trung. Trực chỉ hướng đông đi về Subic Bay/Manila của Phi Luật Tân. Nhưng sau khoảng 5 hay 6 ngày gì đó thì thuyền chúng tôi hết nước (việc bốc dầu và nước bị bại lộ, cả thuyền chỉ có hai can nước, nhưng vẫn liều lĩnh đi). Mọi người không dám đi tiếp vì sợ chết khát. Lúc đó mọi người quyết định đi về hướng bắc và tây bắc chút xíu để tìm đảo Hoàng Sa để kiếm nước. Nhưng cũng không biết là đi bao lâu sẽ tới (vì la bàn và hải đồ là đồ chợ trời, không được chính xác cho lắm), nhưng vẫn cứ đi. Thì khoảng gần hai ngày sau (lúc này có lẽ là cuối tháng bảy hoặc đầu tháng 8 gì đó) thì thuyền chúng tôi lọt vào một vùng san hô bạt ngàn.

Sợ vỡ thuyền cho nên chúng tôi đi rất chậm để tránh đụng san hô, thì vào lúc khoảng 5:30pm chiều, mặt trời đụng mặt nước ở ngay cuối chân trời, thì bỗng dưng chúng tôi nhìn thấy một xác tàu sắt khổng lồ, chéo phía trước mặt bên tay trái (hướng tây). Vì tôi là người ngồi ngay mủi thuyền để hướng dẫn tránh san hô, lúc đó tôi tưởng là gặp tàu của Trung cộng. Nên tôi chăm chú quan sát để coi thử có chữ tàu hay cờ tàu trên đó không. Khi thuyền tôi tiến đến gần hơn thì tôi bỗng sững sờ chết lặng khi hàng chữ HQ-10 hiện ra trước mắt. Hàng chữ còn rất rõ, chưa bị rỉ sét, hay trầy tróc. Lúc này thuyền chúng tôi chỉ còn cách HQ-10 chừng 100 thước, và san hô rất cao gần đụng mặt nước, cho nên thuyền tôi không dám lại gần vì trời đang sụp tối. Mọi người chỉ biết cho thuyền chạy thật là chậm để có thể thu gom cái hình ảnh đó vào trong đầu trong khoảng nữa giờ đồng hồ đó. Những gì tôi nhìn thấy tận mắt là:

1. Tàu HQ-10 nằm chết trên một vùng san hô rộng lớn, giống như tàu bị mắt cạn vậy. Đầu quay về hướng Nam và Tây Nam (chúng tôi đang đi về hướng bắc đến Hồng Kông). Tàu chưa bị rỉ sét gì nhiều. Lúc tôi nhìn thấy thì hơn 70% nước sơn vẫn còn nguyên vẹn. Tôi thấy không có dấu vết đạn (lớn) bên hông trái của tàu (chúng tôi chỉ nhìn thấy bên này thôi, không thể nhìn thấy hông bên kia).

2. Đài chỉ huy bị tan nát (chắc do đạn của Trung cộng). Tàu bị đứt ở khoảng giữa làm hai khúc, giống như bị cưa đôi bằng thủy lôi bắn tập trung vào khoảng giữa; nếu hầm đạn của tàu nằm ở khoảng giữa và bị nổ cũng có thể cưa đôi thân tàu làm hai phần.)

3. Phần sau của tàu vẫn còn nguyên vẹn, nhưng rỉ sét nhiều hơn phần trước.

Đó là những gì chúng tôi nhìn thấy ở Hoàng Sa. Nhờ nhìn thấy xác tầu HQ-10 mà chúng tôi mới biết HQ-10 đã không chìm vào lòng đại dương như nhiều người tưởng.

Và nhờ nhìn thấy hàng chữ HQ-10 mà chúng tôi mới biết mình đang ở trong khu vực Hoàng Sa, và anh hoa tiêu đã chấm lại tọa độ để đi tiếp. Đi đến sáng thì chúng tôi ra khỏi Hoàng Sa mà không gặp lính Trung cộng trên đảo hay trên biển.

Kể từ đó (tháng 8 năm 1979) cho đến nay thì tôi không biết tàu HQ-10 có còn ở đó nữa hay không, hay là bị bọn Tàu kéo về lấy sắt vụn rồi.

Một lần nữa, tôi chỉ muốn cho Chị và mọi người biết là HQ-10 (và thân xác anh Hạm Trưởng cùng đồng đội của anh) nằm chết trên bãi san hô ở Hoàng Sa, chứ không có bị chìm vào lòng đại dương như nhiều người tưởng đâu.

Kính thư,
19/1/2013
hoangkybac

Link liên quan : Ngụy Văn Thà bất diệt http://quangdonquixote.blogspot.com/2013/01/nguy-van-tha-bat-diet.html

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Lưu Hiểu Ba : Chúng ta bị công lí của chính mình đè bẹp

Link : http://quechoa.vn/2013/01/21/chung-ta-bi-cong-li-cua-chinh-minh-de-bep/


Lưu Hiểu Ba
Phạm Thị Hoài dịch
imagesPTH: Tiểu luận sau đây của Lưu Hiểu Ba được in trên tờ Central Daily News ở Đài Loan ngày 5-6-1993, nhân 4 năm Sự kiện Thiên An Môn. Lời phê bình các khuyết điểm của giới trí thức phản kháng Trung Quốc và phong trào sinh viên năm 1989 xuất phát từ trải nghiệm trực tiếp của ông. Khi phong trào nổ ra, ông đã bỏ dở chương trình nghiên cứu và giảng dạy của mình tại một số trường đại học Hoa Kỳ, mua một tấm vé không khứ hồi bay về Bắc Kinh ngày 27-4-1989 để hỗ trợ các sinh viên của mình trên Quảng trường. Tại đây, ông hướng dẫn và tranh luận với các sinh viên về phương pháp và mục đích đấu tranh, tham gia những cuộc đàm phán giữa sinh viên và chính quyền, và tham gia tuyệt thực ở giai đoạn cuối từ ngày 2-6. Ông bị coi là một trong những kẻ “giật dây” của phong trào và bị kết án tù lần thứ nhất, đến đầu năm 1991. Song ngay cả với tiểu sử ấy, các ý kiến phê phán của ông vẫn gây sóng gió trong phong trào dân chủ Trung Quốc, nhất là với những gia đình nạn nhân của vụ thảm sát 4-6.
Giới thiệu tiểu luận này trong bản dịch tiếng Việt, tôi tin rằng nó sẽ là một tham khảo bổ ích cho phong trào dân chủ Việt.
_______________
Giới trí thức phản kháng và các lãnh tụ sinh viên Trung Quốc, những người tự thấy mình là anh hùng và chiến sĩ dân chủ, đều chỉ biết đến dân chủ từ sách vở. Họ không có khái niệm gì về việc thực hành nền dân chủ đó. Họ không hề biết phải xây dựng nền dân chủ như một hệ thống chính trị và một tòa nhà pháp lí như thế nào và phải đưa những nội dung gì vào đó. Trước khi phong trào dân chủ năm 1989 nổ ra, nhà vật lí thiên văn, giáo sư Phương Lệ Chi, được coi là một Sakharov của Trung Quốc, đã bỏ qua cơ hội bảo vệ quyền con người theo đúng luật pháp. Ông được Tổng thống Bush mời gặp nhưng bị chính quyền cản trở. Và ông đã lặng lẽ chấp nhận, không một lời phản đối. Cả đến khi phong trào dân chủ bùng nổ, ông Lưu Tân Nhạn, nhà bất đồng chính kiến được coi là “lương tâm xã hội của Trung Hoa”, vẫn đề cao chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội. Vẫn giữ nguyên lòng trung thành từng mất rồi lại được khôi phục của mình. Còn phong trào hiện tại thì được lãnh đạo bởi những người thậm chí không hiểu cả những nguyên lí cơ bản của dân chủ. Như thế, làm sao mà thành công được? Tình trạng đó chỉ có thể sinh ra những than vãn hời hợt về hệ tư tưởng.
Khi cảm giác về nghĩa vụ gánh vác một sứ mệnh lịch sử bị đẩy lên thái quá, các sinh viên đã đánh mất khả năng tỉnh táo để tự nhận định và khả năng tự kiềm chế để đạt hiệu quả cao. Họ không biết rằng những đôi vai mảnh khảnh của họ không gánh nổi một định mệnh nặng trĩu như vậy. Họ không cưỡng được sự cám dỗ rằng mình có thể đem lại công lí và tưởng rằng cứ lấy sinh mạng ra trả giá thì chính quyền sẽ buộc phải nhượng bộ hơn – mà không hề nhận ra rằng điều đó rốt cuộc là vô nghĩa. Mạng người có gây nổi một ấn tượng nào với chính quyền không? Có đánh thức nổi đám đông đang ngủ vùi không? Cái chết có đem đổi lấy công lí được không? Chẳng lẽ chỉ những ai sẵn sàng hi sinh tính mạng mới có quyền bàn về công lí chăng? Người ta trách các sinh viên là chỉ đầy lòng dũng cảm và nhiệt huyết mà không đủ lí trí. Không có gì đáng ngạc nhiên, khi cô Sài Linh, lãnh tụ đứng đầu phong trào sinh viên, sau này thoát được ra nước ngoài tị nạn, phát biếu: “Trên Quảng trường Thiên An Môn khi đó, quan trọng nhất là đức hi sinh và lòng dũng cảm chứ không phải đầu óc và lí trí. Chúng tôi là những anh hùng của phong trào dân chủ 1989.”
Từ trên bốn thập kỉ nay Trung Quốc không hề có kinh nghiệm gì với dân chủ. Hàng ngày chúng ta chỉ trải qua và chứng kiến những tranh giành và thủ đoạn tàn bạo của hệ thống chuyên chế. Khi tham gia một cuộc cách mạng, chẳng hạn như Cách mạng Văn hóa, chúng ta lập tức thấy mình là những nhà cách mạng vĩ đại nhất. Khi gia nhập phong trào dân chủ, chúng ta thấy mình dân chủ hơn người. Chúng ta tuyệt thực cho dân chủ. Chúng ta hi sinh cho dân chủ. Vì thế chúng ta đinh ninh rằng mọi hành động của mình đều bắt nguồn từ công lí cao nhất, rằng tiếng nói của mình là chân lí duy nhất, rằng mình sở hữu quyền lực tuyệt đối. Như thế, chân lí trở nên tuyệt đối, công lí trở nên tùy tiện và dẫn đến cưỡng bức, còn dân chủ thì trở thành một đặc quyền. Quảng trường Thiên An Môn đã biến thành một phòng thí nghiệm thử chân lí, thử độ cứng của bản lĩnh và độ sâu của ý thức về phẩm giá. Nó cũng đã biến thành nơi mà người ta vừa dấn thân cho công lí, vừa thực thi quyền lực. Không có mặt ở đó, không đến đó để bày tỏ con người mình, là chống lại dân chủ và chống lại công lí, là hèn nhát. Quảng trường Thiên An Môn đã biến thành hòn đá thử lửa. “Tôi đã có mặt ở đó”, “Tôi cũng từng đến đó”, những câu nói ấy đã được coi là chứng chỉ của ý thức dân chủ và lương tri xã hội.
Chúng ta làm cách mạng, chúng ta thực hành dân chủ, chúng ta không cần hợp tác, chúng ta tùy ý kết bè kéo cánh, chúng ta lập ra các tổ chức, chúng ta cử người lãnh đạo, chúng ta lập các hội công nhân và sinh viên tự quản, chúng ta tuyệt thực, chúng ta tổ chức các nhóm tranh luận, các nhóm trí thức, phóng viên, cảm tử quân, chí nguyện quân và hướng đạo sinh. Không ai chịu nghe ai, chẳng người nào chịu dưới trướng người nào.
Chúng ta làm cách mạng, chúng ta thực hành dân chủ, chúng ta căm thù Đảng Cộng sản tột độ và lên án Đảng bằng những bộ quần áo đẫm máu trên thân thể chúng ta. Chúng ta nghiến răng chửi kẻ khác, chúng ta thỏa sức bôi nhọ, chúng ta cho phép mình nói những điều như: chúng tao sẽ bắn vỡ sọ mày, chúng tao sẽ bỏ mày vào vạc chiên, chúng tao sẽ chôn sống mày. Chúng ta cho phép mình chửi rủa và thậm chí hành hung những kẻ không đi cùng chúng ta. Chúng ta cho phép mình thanh toán ân oán giang hồ cá nhân, nhân danh công lí.
Chúng ta làm cách mạng, chúng ta thực hành dân chủ, chúng ta ngang nhiên truyền bá những điều bịa đặt, chúng ta phao tin vịt giữa thanh thiên bạch nhật. Ai phản bác thì chúng ta khăng khăng rằng mình có quyền làm như thế hoặc tìm cách đánh lận rẻ tiền. Chúng ta cho phép mình phao lên rằng Đặng Tiểu Bình đã chết, Lý Bằng đã bỏ trốn, Dương Thượng Côn đã bị đánh đổ, Triệu Tử Dương đã được khôi phục danh dự, Vạn Lý đã thành lập một nội các mới ở Canada. Quảng trường Thiên An Môn, biểu tượng của phong trào dân chủ, biến thành một lò chế tin đồn, càng ngày càng tung ra nhiều điều dối trá. Một số người tham gia sự kiện ngày 4 tháng Sáu sau này thoát được ra nước ngoài thì đảo lộn tình tiết, thêu dệt tin đồn và dùng miệng mà phun ngập máu ra Quảng trường. Để có lợi cho bản thân, họ cố ý phóng đại tội ác và sự tàn bạo của Đảng Cộng sản. Báo chí quốc tế vì thế mà bị xỏ mũi.
Chúng ta làm cách mạng, chúng ta thực hành dân chủ, chúng ta chỉ cho riêng mình quyền tự do ngôn luận và cấm người khác được hưởng quyền ấy. Chúng ta cũng hành xử hệt như Mao Trạch Đông và không dung thứ một chính kiến nào khác. Hệt như đám tay sai của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chúng ta cũng kiểm duyệt những hình ảnh không hợp ý ta do phóng viên chụp được, chúng ta cũng tịch thu phim và đập nát máy ảnh. Để chính quyền hết cớ đàn áp, chúng ta đã nộp cho công an ba thanh niên Hồ Nam, là những người đã phun mầu lên chân dung Mao, để rồi họ bị kết án 15, 18 và 20 năm đọa đày trong ngục tối.
“Công lí của phong trào dân chủ” đã trở thành một hăm dọa, hễ ai có chính kiến khác là bị gây áp lực và đành câm miệng. Cuộc tuyệt thực đã phong các sinh viên lên hàng những vị thánh bất khả xâm phạm của cách mạng. Vì họ sẵn sàng hi sinh mạng sống, nên chẳng ai dám hé răng phê bình họ nữa. Vậy là các “anh hùng” thì tắt công tắc lí trí, những người còn lại thì lặng im.
Những điều vừa trình bày có thể giải thích, vì sao một công lí trên giấy thì được săn lùng cuồng nhiệt, còn công lí tỉnh táo của hiện thực thì bị gạt ra ngoài.
Nguồn: Dịch theo bản tiếng Đức trong Bei Ling, Der Freiheit geopfert, Riva, München 2011