Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Em bé gái trên Đại Lộ Kinh Hoàng của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972

Em bé ngày xưa, nay là Trung Tá Kimberly M. Mitchell
Vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, một em bé 4 tháng tuổi nằm trên xác mẹ trên Đại Lộ Kinh Hoàng; em đang trườn người trên bụng mẹ tìm vú để bú nhưng mẹ đã chết từ bao giờ. Một người lính Quân Cụ chạy ngang, bồng em bé bỏ vào chiếc nón lá rồi chạy qua cầu Mỹ Chánh, trao lại cho một Thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến đang hành quân.
Bao năm trôi qua, em bé mồ côi mẹ nay trở thành Trung Tá trong Quân Lực Hoa Kỳ còn người Thiếu úy TQLC sang Hoa Kỳ theo diện HO nay đang định cư tại tiểu bang New Mexico. Hai người vừa gặp nhau sau 41 năm bặt vô âm tín. Ngày Thứ Ba 2 tháng 4, 2013 vừa qua, nhân dịp sang California dự lễ cưới, người Thiếu Úy TQLC này đã kể cho phóng viên Viễn Đông câu chuyện cảm động và ly kỳ ngay tại khách sạn nơi ông đang tạm cư ngụ.
Người Thiếu Úy TQLC tên là Trần Khắc Báo. Vào thời điểm 1972 ông còn độc thân và phục vụ tại Đại Đội Vận Tải Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, được biệt phái sang Phòng 4 của Sư Đoàn làm sĩ quan phụ trách chuyển vận. Vào sáng 1 tháng 5 năm 1972, Thiếu Úy Báo được lệnh cấp trên, cùng một số đồng đội mở cuộc hành quân để giúp di chuyển Tiểu Đoàn 7 TQLC ra khỏi vùng vừa bị thất thủ thuộc tỉnh Quảng Trị vì một số đông quân nhân bị thất lạc không tìm thấy vị chỉ huy của họ. Ngoài ra, ông cũng xin lệnh giúp di tản các Quân, Dân, Cán, Chính khác đang tìm đường chạy về phía nam sông Mỹ Chánh là nơi quân đội VNCH còn đang trấn giữ; ông được cấp trên chấp thuận.
Khi đơn vị ông đến cầu Mỹ Chánh (Quảng Trị) thì nơi đây là phòng tuyến cuối cùng của VNCH để ngăn chặn quân Bắc Việt tràn xuống phía Nam. Ông đã chỉ huy 20 quân xa GMC thực hiện cấp tốc cuộc di tản suốt ngày. Đến khoảng 4 hay 5 giờ chiều ông Trần Khắc Báo nhìn thấy thấp thoáng bên kia cầu còn một người đang ôm chiếc nón lá thất thểu đi qua với dáng điệu hết sức mỏi mệt. Ông định chạy qua giúp người này nhưng vị Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 TQLC đang trách nhiệm trấn giữ tại đó la lớn:
ông Trần Khắc Báo trong ngày hội ngộ
“Cây cầu tao đã gài mìn, có thể nổ và sẵn sàng phá hủy khi thấy chiến xa Việt Cộng xuất hiện, đừng chạy qua, mày sẽ bị bỏ lại bên đó không về lại được đâu nghe!”
Ông cố nài nỉ:
“Đại Bàng chờ em một chút, cho em cứu người cuối cùng này.”
Và ông chạy đến đưa người này qua cầu. Thấy người này đi không nổi, thất tha thất thểu mà tay còn cố ôm vòng chiếc nón lá, Thiếu Úy Báo nói đùa:
“Đi không nổi mà còn mang theo vàng bạc châu báu gì nữa đây cha nội?”
Người ôm vòng chiếc nón lá nói:
“Em là lính Quân Cụ thuộc Tiểu Khu Quảng Trị, trên đường chạy về đây em thấy cảnh tượng hết sức thương tâm này, mẹ nó đã chết từ bao giờ không biết và nó đang trườn mình trên bụng mẹ nó tìm vú để bú, em cầm lòng không được nên bế nó bỏ vào chiếc nón lá mang đến đây trao cho Thiếu Úy, xin ông ráng cứu nó vì em kiệt sức rồi, không thể đi xa được nữa và cũng không có cách gì giúp em bé này.”
Nói xong anh ta trao chiếc nón lá có em bé cho thiếu úy Báo.
Ngừng một chút, ông Báo nói với chúng tôi:
“Mình là người lính VNCH, mình đã được huấn luyện và thuộc nằm lòng tinh thần ‘Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm’ nên lúc đó tôi nghĩ trách nhiệm của mình là lo cho dân nên tôi nhận đứa bé và nói với người lính Quân Cụ: ‘Thôi được rồi, để tôi lo cho nó, còn anh, anh cũng lo cho sức khỏe của anh, lên GMC đi để chúng tôi đưa anh về vùng an toàn."
Sau đó, người sĩ quan TQLC ôm em bé leo lên chiếc xe Jeep chạy về Phong Điền, cách đó khoảng 20 cây số. Trên đường đi, ông Báo cảm thấy rất bối rối vì em bé khóc không thành tiếng vì đói, khát mà ông thì còn là một thanh niên trẻ (lúc đó mới 24 tuổi) chưa có kinh nghiệm gì nên ông hỏi người tài xế, bây giờ phải làm sao? Người tài xế tên Tài trả lời:
“Ông thầy cho nó bú đi! Ông thầy không có sữa thì lấy bi đông nước chấm đầu ngón tay vào nước để vào miệng nó cho nó bú.”
Ông Báo làm theo lời chỉ và em bé nín khóc rồi nằm im cho đến khi ông đưa em vào Phòng Xã Hội của Lữ Đoàn TQLC. Tại đây, gặp Thiếu tá Nhiều, Trưởng Phòng 4 TQLC, ông trao em bé cho Thiếu tá Nhiều và nói:
“Thiếu tá, tôi có lượm một em bé ngoài mặt trận, xin giao cho Thiếu tá.”
Ông này nhìn ông Báo cười và nói:
“Mày đi đánh giặc mà còn con rơi con rớt tùm lum!”
Ông Báo thanh minh:
“Không! Tôi lượm nó ngoài mặt trận; nó đang nằm trên xác mẹ nó.” Thiếu tá Nhiều bảo:
“Thôi, đem em bé giao cho Phòng Xã Hội để họ làm thủ tục lo cho nó.” Sau đó, ông Báo đưa em bé cho một nữ quân nhân phụ trách xã hội. Cô này nói với ông:
“Thiếu úy giao thì Thiếu úy phải có trách nhiệm, vì em bé này ở ngoài mặt trận thì Thiếu úy phải cho nó cái tên và tên họ Thiếu úy nữa để sau này nó biết cội nguồn của nó mà tìm.”
Lúc đó, ông còn độc thân nhưng trong thâm tâm ông vốn nghĩ rằng sau này khi ông cưới vợ, nếu có con gái ông sẽ đặt tên là Bích, nếu con trai ông sẽ đặt tên là Bảo, nên sau khi nghe người nữ quân nhân nói, ông Báo đặt ngay cho em bé cái tên là Trần Thị Ngọc Bích.
Sau đó ông trở về đơn vị và cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt cho tới tháng 3/1975, đơn vị ông bị thất thủ cùng Lữ Đoàn 2 TQLC ở Huế và ông Báo bị bắt làm tù binh. Mãi đến năm 1981 ông được thả về. Tháng 9/1994 ông được sang định cư tại thành phố Albuqueque, tiểu bang New Mexico…
EM BÉ MỒ CÔI GẶP MAY MẮN
Em bé Trần Thị Ngọc Bích được Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC đem đến Cô Nhi Viện Thánh Tâm Đà Nẵng giao cho các Dì Phước chăm sóc. Số hồ sơ của em là 899.
Một hôm có ông Trung Sĩ Hoa Kỳ thuộc binh chủng Không Quân phục vụ tại phi trường Đà Nẵng tên là James Mitchell vô Cô Nhi Viện xin nhận một trong các em tại đây làm con nuôi. Em Trần Thị Ngọc Bích may mắn lọt vào mắt xanh của ông James Mitchell và trở thành thành viên của gia đình này từ đó đến nay.
Sau khi rời khỏi binh chủng Không Quân, ông James Mitchell trở về Hoa Kỳ vào cuối năm 1972. Ông quyết định mang theo đứa con nuôi Trần Thị Ngọc Bích, lúc đó em mới được 6 tháng.
Hai ông bà Mitchell đặt tên Mỹ cho em là Kimberly Mitchell. Em ở tại trang trại của gia đình tại Solon Springs, tiểu bang Wisconsin. Kimberly Mitchell lớn lên tại đây và được bố mẹ nuôi rất thương yêu, coi như con ruột. Em được đi học, tham gia thể thao và vào hội thanh niên. Lớn lên em vừa đi học vừa phụ giúp cha mẹ nuôi bò và làm phó mát. Cái tên Trần Thị Ngọc Bích đã bị quên lãng từ đó, và Kimberly Mitchell cho biết, mỗi khi nghe ai nói gì về Việt Nam, cô thường tự hỏi, Việt Nam là đâu nhỉ?
Khi đã có trí khôn, Kimberly Mitchell nhận thấy mình không phải người Mỹ như bố mẹ, không phải con lai, không phải người Tàu. Cô không biết mình là người nước nào và cứ mang cái thắc mắc đó mãi mà không ai có thể trả lời cho cô.
Một hôm, Kimberly Mitchell đánh bạo hỏi bố:
“Con muốn biết con người gì, nguồn gốc con ở đâu? Tại sao con lại là con bố mẹ?”
Bố nuôi James giải thích cho cô:
“Con là người Việt Nam, bố mẹ xin con từ trong viện mồ côi ở Đà Nẵng, Việt Nam. Nếu con muốn tìm nguồn cội của con, con có thể về Đà Nẵng, may ra tìm được tông tích của gia đình con.”
Ngay từ khi Kimberly còn học lớp ba, bố nuôi em đã muốn sau này cho Kimberly gia nhập Không Quân nhân khi cô được chọn tham dự hội thảo về nghệ thuật lãnh đạo dành cho những học sinh xuất sắc. Nhưng rồi định mệnh xui khiến, cô lại theo Hải Quân. Trong thời gian theo học, Kimberly Mitchell phải bỏ học một năm vì bố nuôi qua đời năm 1991 trong một tai nạn tại trang trại của gia đình. Sau đó cô trở lại trường và tiếp tục học. Năm 1996 cô tốt nghiệp Cơ Khí Hàng Hải và phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ và hiện nay mang cấp bậc Trung Tá, Phó Giám Đốc Văn Phòng Trợ Giúp Quân Nhân và Thân Nhân tại Ngũ Giác Đài.
Năm 2011, Kimberly Mitchell trở về cố hương với tư cách một nữ Trung Tá Hải Quân, Quân Lực Hoa Kỳ, mong gặp lại người thân. Đến Viện Nuôi Trẻ Mồ Côi Thánh Tâm ở Đà Nẵng, cô may mắn gặp được Sơ Mary, người tiếp nhận cô năm 1972 từ một nữ quân nhân Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC. Giây phút thật cảm động, nhưng Kimberly chỉ được Sơ Mary cho biết:
“Lúc người ta mang con tới đây, con mới có 4 tháng và họ đặt tên con là Trần Thị Ngọc Bích. Họ nói mẹ con đã chết trên Đại Lộ Kinh Hoàng, con được một người lính VNCH cứu đem đến đây giao cho Cô Nhi Viện rồi đi mất, vì lúc đó chiến tranh tàn khốc lắm.”
Kimberly không biết gì hơn và cô quay trở lại Mỹ. Sau khi đã biết mình là người Việt Nam, thỉnh thoảng cô viết trên website câu chuyện của mình.
GẶP LẠI CỐ NHÂN
Ông Trần Khắc Báo đưa cho chúng tôi xem một số hình ảnh, một số báo tiếng Việt và mấy tờ báo tiếng Anh đăng hình cuộc gặp gỡ giữa gia đình ông và cô Trần Thị Ngọc Bích, và nói:
“Sau khi ra tù Việt Cộng, tôi cũng cố tìm hiểu xem em bé Trần Thị Ngọc Bích nay ra sao, kể cả người lính Quân Cụ năm xưa, nhưng tất cả đều bặt vô âm tín. Một hôm tình cờ tôi đọc được một bài viết của tác giả Trúc Giang trên tờ Việt Báo Hải Ngoại số 66 phát hành tại New Jersey, tác giả kể lại câu chuyện đi Mỹ của một em bé trong cô nhi viện Đà Nẵng mang tên Trần Thị Ngọc Bích. Đọc xong tôi rất xúc động pha lẫn vui mừng, vì có thể 80, 90% cô Ngọc Bích đó là do mình cứu và đặt tên cho cô.”
Sau đó, ông nhờ người bạn tên là Đào Thị Lệ làm việc trong New York Life, có chồng người Mỹ và có em cũng ở trong Hải Quân Hoa Kỳ, liên lạc tìm kiếm Mitchell. Và chính cô Đào Thị Lệ là người đầu tiên trực tiếp nói chuyện với Trần Thị Ngọc Bích đang làm việc tại Ngũ Giác Đài.
Theo ông nghĩ, có thể cô Mitchell bán tín bán nghi, không biết chuyện này có đúng không hay là chuyện “thấy người sang bắt quàng làm họ” như ông cha mình thường nói. Nhưng sau khi nói chuyện với ông Trần Khắc Báo, Mitchell quyết định tổ chức một cuộc hội ngộ trước các cơ quan truyền thông. Cô xin phép đơn vị và mời được 7 đài truyền hình cùng một số phóng viên báo chí từ Washington, D.C cũng như nhiều nơi về tham dự.
Cuộc hội ngộ, theo ông Báo cho biết, hoàn toàn do cô Kimberly Mitchell quyết định, địa điểm là trụ sở Hội Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia New Mexico vào Thứ Sáu, ngày 29.8.2012. Cô đến phi trường vào tối Thứ Năm 28.8, gia đình ông Báo ngỏ ý ra phi trường đón nhưng cô cho cô Đào Thị Lệ biết là cô không muốn gia đình đón ở phi trường cũng như đưa vào khách sạn. Cô muốn dành giây phút thật cảm động và ý nghĩa này trước mặt mọi người, đặc biệt là trước mặt các cơ quan truyền thông, và cô muốn ông Báo mặc bộ quân phục TQLC như khi ông tiếp nhận cô đưa đến Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC cách nay 41 năm.
ông Trần Khắc Báo và Kimberly Mitchell
GIÂY PHÚT XÚC ĐỘNG
Gia đình ông Trần Khắc Báo gồm vợ và con gái cùng có mặt. Khi ông Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia hỏi cô Kimberly Mitchell:
“Cô đến đây tìm ai?”
Cô trả lời:
“Tôi muốn tìm ông Trần Khắc Báo.”
Vị Chủ Tịch quay sang ông Báo đang mặc quân phục và giới thiệu:
“Đây là ông Trần Khắc Báo.”
Lập tức, Kimberly Mitchell Trần Thị Ngọc Bích tiến lại ôm lấy ông Báo và cả hai cùng khóc nức nở.
Giây phút xúc động qua đi, cô Kimberly hỏi ông Trần Ngọc Báo:
“Ông là người đã cứu mạng tôi, tôi mới có ngày hôm nay; tôi xin cám ơn ông, và bây giờ ông muốn gì ở tôi?”
Ông Trần Khắc Báo nói :
“Thực sự bây giờ tôi chỉ muốn cô nói với tôi một lời bằng tiếng Việt, cô hãy kêu tôi là “Tía”. Vì tất cả các con tôi đều gọi tôi bằng Tía, tôi xem cô cũng như con tôi, tôi chỉ mong điều đó.”
Và Kimberly Mitchell đã gọi “Tía”.
Ông nói với chúng tôi:
“Bấy giờ tôi thực sự mãn nguyện.”
Trả lời các câu hỏi của chúng tôi, ông Trần Khắc Báo cho biết, cô Kimberly chưa lập gia đình và cô có hứa sẽ thường xuyên liên lạc với gia đình ông. Ông có nhắc cô Kimberly điều này, rằng cô không phải là đứa trẻ bị bỏ rơi. Cô đã được những người lính VNCH có tinh thần trách nhiệm cứu sống trên bụng mẹ cô đã chết, và chính ông đã đặt tên cho cô là Trần Thị Ngọc Bích. Ông cũng mong rằng sau này, cô có thể trở lại Quảng Trị, may ra có thể tìm ra tung tích cha cô hoặc người thân của mình. Ông Trần Khắc Báo cũng cho biết, ông mất liên lạc với người lính Quân Cụ từ lúc hai người giao nhận đứa bé đến nay.
Trong cuộc hội ngộ, trả lời câu hỏi của các phóng viên Hoa Kỳ, nữ Trung Tá Kimberly Mitchell cho biết, cô có hai cái may. Cái may thứ nhất là cô được tìm thấy và mang tới trại mồ côi. Cái may thứ hai là được ông bà James Mitchell bước vào trại mồ côi và nói với các Sơ rằng, ông muốn nhận em bé này làm con nuôi.”
Câu chuyện sau 41 năm kết thúc tốt đẹp, cô Trần Thị Ngọc Bích đúng là viên ngọc quý trên Đại Lộ Kinh Hoàng như ý nguyện của người đã cứu mạng em, vì chính cô đã làm vẻ vang cho dân tộc Việt khi cố gắng học hành để trở nên người lãnh đạo xuất sắc trong Quân Lực Hoa Kỳ, một quân lực hùng mạnh vào bậc nhất thế giới.
Người quân nhân binh chủng Quân Cụ và người sĩ quan TQLC Trần Khắc Báo đã thể hiện tinh thần của một quân nhân Quân Lực VNCH, luôn đặt Tổ Quốc – Danh Dự và Trách Nhiệm trên hết.
THANH PHONG

Nguồn: THỜI BÁO (The Vietnamese Newspaper)

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

CHUYỆN CỦA CHIM YẾN

Lời bàn: Câu chuyện dưới đây chưa hẳn đã phù hợp với công nghệ nuôi yến hiện nay, người ta xây nhà nuôi yến và lấy tổ khi chim con đã lớn...

Dù có bổ đến đâu xin đừng ăn hay uống Nước Yến hay Yến Sào.
Nam Mô A Di Đà Phật....Tội lắm người ơi !
Có 1 lần lâu lắm rồi tôi có gặp 1 ông Tàu VN nói ngày xưa ở VN trước năm 75 có lần ông trúng thầu để lấy tổ yến...
Sau lần đó ông giải nghệ luôn vì thấy ác độc quá..
Ông nói tội lắm cô ơi...đôi khi phải vất trứng yến hay chim non xuống biển để lấy tổ...
Chim mẹ bay về quanh quẩn nơi tổ yến đã mất kêu thảm thiết lắm...
Nghe ông nói mà tôi ứa nước mắt thương cho chim mẹ......
Câu chuyện ray rứt lòng người.
Xé gió biển, đôi cánh nhỏ dang rộng hết cỡ, lượn lên mất hút trên không trung rồi bất thần lao xuống hết tốc lực. Chẳng có gì ngăn cản nổi, Yến mẹ lao đầu vào vách đá dựng đứng. Để lại trên vách núi vệt máu tươi uất nghẹn và tiếng kêu khản đặc xé lòng của chim trống…
Cảnh tượng đó lặp đi lặp lại trong những ngày vào mùa, mùa mà một loài hân hoan trên sự chết chóc đau thương của một loài khác. Mùa khai thác Tổ Yến.
Yến, sống trung thành - chết thuỷ chung. Một đôi Yến khi đã sống cùng nhau là trọn đời trọn kiếp. Khi đã xây tổ ở đâu là vĩnh viễn không dời đi nữa. Tập tính đó giết hại Yến. Người vẫn thầm ngưỡng mộ và tự hỏi: Trong hàng ngàn chim Yến bay rợp biển kia mà vì sao các cặp đôi không bao giờ nhầm lẫn, không đời nào lang chạ? Hàng vạn tổ Yến ken đặc trên vách đá đó mà Yến luôn về đúng nhà của mình. Không bao giờ chiếm tổ chim khác? Rồi người lợi dụng triệt để đặc tính này để dụ Yến, nuôi Yến, lấy tổ Yến và vô tâm nhìn xác Yến…
Nếu không may gặp một thợ hái tổ không chuyên hay thiếu kinh nghiệm. Không chừa lại một phần tổ, hoặc lấy đúng chiếc tổ của Yến sắp sinh. Chim mẹ trở về trong tình trạng mất tổ, không chịu nỗi đau đớn vì cơn chuyển dạ. Yến sẽ quẩn và chọn cách gieo mình vào vách núi, chính nơi đã xây mái ấm để quyên sinh.
Đa số chim Yến trống sau đó bay lượn điên cuồng, kêu gào thảm thiết rồi lao thẳng vào đúng chỗ vợ chết. Nên các vệt máu khô buồn in lại trên vách đá lạnh lẽo thường là vệt đôi bên nhau, thậm chí là chồng lên nhau. Nếu không tự tử, chim Yến trống sẽ sống cô độc suốt quãng đời còn lại.
Xưa, kẻ cùng đinh mạt vận mới phải ra nơi heo hút, leo trèo nguy hiểm tìm hái tổ Yến để mong đổi đời. Thường thì khi có chút vốn họ bỏ nghề và ăn năn sám hối. Họ không đời nào muốn con cái tiếp tục cái việc quá sức mạo hiểm, quá sức thất đức. Và đó là lý do không có "nghề lấy tổ Yến gia truyền” là vậy.
Nay, lòng tham con người vô cùng vô tận.
Tạo hoá không ban phát cho ai tất cả. Loài chim hiền hoà xinh đẹp và thuỷ chung đó lại có đôi chân cực ngắn và mềm yếu. Yến dường như không thể đậu trên mặt đất, Yến treo thân trên vách cheo leo lúc đêm về. Còn lại gần như bay suốt, liên tục từ 12-15 giờ mỗi ngày. Săn mồi và ăn trong khi đang bay, ngủ trong lúc bay, thậm chí là “làm chuyện vợ chồng” trên không luôn.
Bù lại, Mẹ Thiên Nhiên dạy Yến cách sinh tồn, mách bảo Yến sống trên cao, làm tổ nơi vách núi thẳng đứng, hẻo lánh và trơn trượt. Hòng tránh loài ăn thịt hiểm ác như rắn hay cú vọ. Có điều, ngay cả thiên nhiên cũng không biết được có loài ăn…tạp còn tàn độc hơn thú dữ. Loài có thể chinh phục bất cứ núi cao vực sâu hiểm trở nào hầu nhét cho đầy lòng tham tanh tưởi. Loài đã làm những cuộc tàn xác đẫm máu mang tên “Yến Sào”.
Yến chống chọi để tồn tại, tạo hoá không đành lòng diệt vong một biểu tượng của tình yêu, tình mẫu tử. Trong thiên nhiên hoang dã, chắc Yến là loài duy nhất được mệnh danh “rút ruột cho con” nhờ đặc tính làm tổ bằng nước dãi. Cả chim mẹ và chim cha cùng nhau xây tổ. Nước dãi kết dính cây cỏ và chính những chiếc lông rứt ra đau đớn thành chiếc tổ kỳ diệu. Con người ranh mãnh khi lấy tổ yến đã cố tình chừa một ít. Yến hồn nhiên xây lại, dãi không đủ cho mùa sinh nên thổ huyết ra xây. Tước lông đến xơ rơ đôi cánh, trơ da thịt trân mình chịu đựng cơn gió biển rít buốt đến xương tuỷ. Cho đến chết đi rồi Yến vẫn không thể hiểu được loài man rợ hoan hỉ gọi đó là “Hồng Yến”!“

Sưu Tầm

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Câu chuyện tình yêu không kể xiết của bà Aung San Suu Kyi của đất nước Miến Điện

Hằng Thanh dịch
Người cần được cảm ơn nhiều nhất lúc này, khi người dân Myanmar hân hoan mừng kết quả cuộc bầu cử, là ông Michael Aris, chồng bà Aung San Suu Kyi, bởi sự hy sinh vô bờ của ông cho đất nước Myanmar. Chính TY lớn lao của ông đã cho Myanmar có được một Aung San Suu Kyi hôm nay cùng bước ngoặt của dân tộc... 
Giờ thì, giấc mơ của họ đã thành hiện thực. 
Hãy đọc và nếu muốn, hãy khóc cho HP của người dân Myanmar và đừng quên khóc cho Michael Ari...
"Đó là năm 1995, là lần cuối cùng Michael và Suu được phép gặp nhau. Ba năm sau, ông được biết ông bị ung thư giai đoạn cuối. Ông gọi cho vợ để báo tin xấu và ngay lập tức xin visa đi Miến Điện để ông có thể nói lời từ biệt với bà. Khi đơn xin của ông bị từ chối, ông đã liên tục xin thêm 30 lần nữa, trong khi sức khỏe ông xuống dốc nhanh chóng. Một số nhân vật nổi tiếng - trong đó có Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Clinton - đã viết thư khiếu nại với chính quyền độc tài Miến, nhưng tất cả đều vô ích. Cuối cùng, một quan chức quân sự đến để gặp Suu. Họ cho phép bà đi gặp chồng nhưng với điều kiện bà phải từ bỏ đấu tranh và trở về sống ở Anh Quốc .
Sự lựa chọn âm thầm ám ảnh bà suốt 10 năm xa cách chồng con bây giờ đã trở thành một tối hậu thư rõ ràng: bà phải chọn giữa gia đình và tổ quốc. Bà đã rất đau lòng. Nếu bà rời khỏi Miến Điện, cả hai đều biết điều đó có nghĩa là lưu vong lâu dài - là tất cả những gì họ đã cùng nhau chiến đấu vì dân chủ tự do cho Miến Điện sẽ tiêu tan. Suu gọi cho Michael từ Đại sứ quán Anh hỏi ý kiến ông, và ông kiên quyết nói với bà đừng bao giờ nghĩ đến việc đó, ông nói bà cứ yên tâm đấu tranh cho quê hương.
Khi tôi gặp người em sinh đôi của Michael, ông Anthony, ông nói với tôi một điều ông chưa bao giờ nói với bất cứ ai trước đây. Ông nói rằng khi bà Suu Kyi nhận ra rằng bà sẽ không bao giờ nhìn thấy Michael một lần nữa, bà đã mặc chiếc váy màu ông thích nhất, gắn một bông hồng trên mái tóc của mình, và đã đi đến Đại sứ quán Anh, ghi lại một đoạn video nói lời chia tay với chồng, trong đó bà nói với ông rằng tình yêu ông dành cho bà là điểm tựa duy nhất trong bao nhiêu năm qua của bà. Đoạn video đó được chuyển lậu ra khỏi Miến Điện, nhưng khi đến được Anh Quốc thì ông Michael đã qua đời 2 ngày trước đó . Ông không được nhìn thấy mặt bà cũng không nghe được những lời cuối cùng của bà, sau hơn 10 năm xa cách .

Trong nhiều năm sau đó, khi hồ sơ nhân quyền của Miến Điện ngày càng xấu đi, dường như sự hy sinh của gia đình Aris có thể là vô ích. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây chính quyền quân đội độc tài cuối cùng đã công bố đồng ý thay đổi chính trị. Và 22 năm đấu tranh không ngừng nghỉ của bà Suu Kyi đã tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi này - khi nó thực sự xảy ra - cũng như Mandela đã thành công đấu tranh cho Nam Phi.
Giống như họ luôn vẫn tin, giấc mơ dân chủ của bà Suu Kyi và ông Micheal vẫn có thể trở thành hiện thực."

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

Nguyễn Văn Hoàng : KHÔNG THỂ KHÔNG CẢM ƠN... TẬP CẬN BÌNH

Cả giận đã khiến Tập Cận Bình mất khôn, đã khiến vị Tiến sĩ luật kiêm Kỹ sư hóa học hành xử như một tay buôn cò con hạng xoàng.
Hãy mổ xẻ lời mời của Tập với Thủ tướng Dũng. Đại hội 12 dự trù tiến hành vào tháng 2 tới đây, từ nay đến đó chỉ vỏn vẹn còn vài tháng để chuẩn bị và ông Dũng chỉ có thể đi Trung Quốc sau đại hội mà ông Dũng nghỉ thì không thể đi. Mời thăm cho thấy Tập đã nắm rõ việc ông Dũng sẽ làm tổng bí thư trong nhiệm kỳ tới đây và kịch bản đó chắc chắn có sự hậu thuẫn nhưng không từ phía Trung Quốc (một mình ông Dũng tạo dựng thì e hơi quá mà Tập thì không dại đưa kẻ có tư tưởng hướng Mỹ, có con gái lấy người Mỹ lên nắm quyền). Như vậy nhận định Tập sang Việt Nam để chỉ đạo nhân sự là sai.
Phát ngôn của Tập tại Singapore ngay sau hôm rời Việt Nam “những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời xa xưa” cũng khiến phán đoán Tập sang Việt Nam để xoa dịu, giảm căng thẳng về Biển Đông... sai nốt. Không ai dập đám cháy bằng cách... thêm dầu. Tuyên bố chủ quyền không thiếu gì lúc và không cần gấp đến mức để cả thế giới bỉ bai vừa ăn xong đã... ỉa.
Người có ăn học địa vị như Tập thừa hiểu nên nói vào lúc nào để đỡ bị chửi là lật mặt, sấp ngửa, tráo trở nhưng giận giữ đã khiến Tập mất kiểm soát. Việc ông Dũng lên Tổng bí thư đã trái ý Tập, cộng thêm sáng 6/11, cùng thời điểm Tập đang ở Hà Nội, Hà Nội đã đồng ý cho tàu của Lực lượng phòng vệ biển của Nhật Bản vào Cam Ranh. Vô cùng lạ là xưa nay tuyệt nhiên không hề thấy Nhật đề cập muốn vào Cam Ranh mà để đi đến thỏa thuận rõ là phải có thời gian, sự bàn tính, trả giá. Chủ tịch Trương Tấn Sang mới tuyên bố tại Mỹ hôm 28/9/2015, "VN sẽ không mở cửa Cam Ranh cho nước ngoài trong hợp tác quốc phòng" nhưng đùng một cái ký kết đồng ý cho Nhật vào mà Nhật lại là đồng minh thân cận của Mỹ và quan hệ giữa Nhật và Trung Quốc thế nào thì không cần bàn nữa. Điều đó đồng nghĩa quân đội Nhật sẽ xuất hiện tại Cam Ranh, đồng nghĩa hoạt động của Hải quân Nhật sẽ mở rộng tại Biển Đông (Kyodo). Không nhảy dựng lên sao khi "Cam Ranh là khắc tinh của đường lưỡi bò" - nơi theo chuyên gia Hiroyuki Noguchi, từ giữa những năm 1980 đến nửa đầu những năm 1990, Trung Quốc nhiều lần ngỏ ý muốn thuê thậm chí hăm dọa nhưng vẫn bị từ chối... Và cộng thêm nữa, Hải quân Việt Nam và Nhật Bản tới đây sẽ tiến hành tập trận.
Thế nên có thể khẳng định chuyến đi của Tập sang Việt Nam là để thăm dò, nắn gân, dọa nạt,nhưng khi thấy rõ ngô khoai thì Tập hộc lên "rớt mặt nạ" lộ nguyên hình. Điều đó cho thấy đây là chuyến đi thảm bại của Tập.
Không thể không thừa nhận bề ngoài đón tiếp Tập trọng thể nhưng cùng lúc, lãnh đạo Việt Nam đã cho Tập một cú giữa mặt rõ đau. Điều đó lần nữa khẳng định nhận định Việt Nam theo Mỹ và sẽ diễn ra trong một tương lai thật gần. Nhờ Tập công du mới tỏ rõ nước cờ, tương lai sáng lán cho đất nước, con người Việt Nam nên không thể không cám ơn... Tập Cận Bình.

N.V.H

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Bùi Thanh Hiếu : Chưa li hôn đã chia tài sản.


Chủ tịch Tập đến Việt Nam lần này trên cương vị người lãnh đạo tối cao nhất của Trung Quốc. Việt Nam chào đón chủ tịch Tập với 21 phát đại bác, nghi thức ngoại giao cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia đến thăm chính thức Việt Nam.
Nhưng lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam không được nhân dân Việt Nam thời CNXH chào đón, đặc biệt là là nguyên thủ của một nước CNXH lớn. Nhiều cuộc biểu tình phản đối ông Tập đã diễn ra ở hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn trước và ngay trong ngày ông Tập đến Việt Nam. Mặc dù các cuộc biểu tình đã bị đàn áp thô bạo, nhưng vẫn kịp xảy ra trong khoảnh khắc ngắn ngủi đủ để dư luận thấy được thái độ không hoanh nghênh của dân chúng Việt Nam với lãnh đạo Trung Quốc. Nhữnh khoản khắc đủ để các hãng thông tấn quốc tế lớn như BBC, RFI...có được hình ảnh về cuộc biểu tình phản đối này.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu phía công an Việt Nam có thực sự không muốn cuộc biểu tình này diễn ra, nhưng do yếu kém công an đã không kiểm soát được để ngăn chặn ngay từ đầu, hay vì những người biểu tình có những đối sách bất ngờ khiến công an không kịp trở tay. Hoặc phía công an muốn nó xảy ra rồi đàn áp, giải tán.?
Mặc dù thông tin về biểu tình đã có trước đó, số lượng người tham gia không quá nhiều và cũng không quá xa lạ với những hồ sơ mà công an Việt Nam có. Thế nhưng công an Việt Nam vẫn để biểu tình chống ông Tập nổ ra. Câu trả lời là, nhà nước Việt Nam cố tình để cho Tập thấy trong nội bộ nhân dân Việt Nam có những ý kiến phản đối gay gắt quan hệ Việt Trung. Nhà nước Việt Nam đang rất khó khăn khi giải quyết vấn đề này. Thậm chí phải dùng đến vũ lực, đánh đập đổ máu để ngăn cản, trấn áp biểu tình.
Đương nhiên thì Tập hiểu thông điệp mà phía Việt Nam ngầm đưa ra, thông điệp đó cũng muốn biện bạch về những đường lối gần đây của nhà nước Việt Nam đang dần chuyển dịch xa rời tầm khống chế của Trung Quốc. Bởi vì thế, Tập đem theo uỷ viên bộ chính trị , chủ nhiệm ban nghiên cứu chính sách trung ương Vương Hộ Ninh để bàn về đối sách mới trong quan hệ hai đảng cộng sản Việt Trung.
Cùng ngày Tập đến Việt Nam, Hoa Kỳ công bố toàn văn hiệp định TPP mà Việt Nam tham gia, trong hiệp định này thì Việt Nam sẽ buộc phải cho phép công nhân được lập công đoàn độc lập không chịu sự lãnh đạo của nhà nước, điều mà Trung Quốc chưa có. Trước nay chính sách hành chính, mô hình quản lý xã hội ở Việt Nam đều sao chép từ Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên một chính sách quan trọng như vậy, Việt Nam không làm theo Trung Quốc mà thay đổi theo điều kiện của Hoa Kỳ.
Cũng trong ngày 5 tháng 11 bộ trưởng quốc phòng Nhật có mặt tại Cam Ranh. Trước đó vài ngày, vào ngày 2 tháng 11 Nhật đã tặng Việt Nam hai tàu tuần tra với mục đích giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền trên biển Đông. Ông Nakatani sẽ gặp bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh để thảo luận về việc Trung Quốc bồi đắp đảo quy mô lớn ở Biển Đông, đồng thời giải thích cho ông Thanh rõ điều luật an ninh Nhật ban hành mới đây cho phép binh sĩ Nhật mở rộng vai trò ở nước khác.
Trước những phản ứng của người dân Việt Nam, động thái của Hoa Kỳ, Nhât Bản. Tập Cận Bình đã khôn ngoan khi không tỏ vẻ trịch thượng, uy quyền của bậc thiên tử đến chư hầu. Phát biểu của ông Tập khá mềm mỏng, nhũn nhặn. Ông chú ý khơi lại tình cảm hai nước, ông đến thăm lăng chủ tịch Hồ Chí Minh vẻ thành kính, nhắc nhở lại truyền thống thân thiết hai nước anh em. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng hứa hẹn kiểm soát tốt bất đồng trên biển và rút ngắn chênh lệch cán cân thương mại giữa hai nước.
Chuyến đi của Tập Cận Bình đến Việt Nam là chuyến đi khá yếu thế nhất của lãnh đạo Trung Quốc từ khi hai nước đặt quan hệ đến nay. Cho dù các cấp lãnh đạo Việt Nam tiếp đón Tập theo nghi thức đầy đủ và cao cấp nhất. Nhưng sự thiếu nhiệt tình, thiếu tận tâm của các cấp lãnh đạo Việt Nam phảng phất qua những lời trao đổi giữa hai bên trong hội đàm. Có thể sự lạnh nhạt của lãnh đạo Việt Nam không đủ lớn để dễ dàng trông thấy, dù sao thì trước một cường quốc đàn anh mà Việt Nam làm nô dịch bao năm nay thì sự lạnh nhạt khó thể thấy là điều đương nhiên. Nhìn những văn bản ký kết song phương giữa hai nước Việt Trung lần này dược công bố thì rõ ràng là những hiệp định không xứng tầm so với chuyến đi của một ông lớn như Tập Cận Bình.
Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác song phương gồm:
- Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2016 - 2020.
- Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân giữa Chính phủ hai nước.
- Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Đức Thiên) giữa Chính phủ hai nước
Điều đặc biệt rất lớn ở lần gặp này là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ động đề xuất một số phương hướng lớn để làm sâu sắc thêm quan hệ hai đảng, hai nước trong thời gian tới. Trước nay mọi việc trong quan hệ hai Đảng hầu như Việt Nam đều lệ thuộc nghe chỉ đạo của TQ. Chắc chắn việc đề xuất của ông Trọng không phải là điều Tập Cận Bình muốn nghe. Những đề xuất của ông Trọng được báo chí Việt Nam mô tả có những cụm từ như bình đẳng, cân bằng, thực chất, hiệu quả và đôi bên cùng có lợi. Điều đó có thể phần nào cho thấy, những đề xuất của ông Trọng là những đòi hỏi giảm thiểu những thiệt thòi về kinh tế của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc. Một nghĩa khác thì đề xuất của ông Trọng còn ám chỉ rằng, nếu Trung Quốc không có những thay đổi để Việt Nam có được sự công bằng trong quan hệ kinh tế, thì điều đó sẽ ảnh hưởng lớn tới quan hệ hai Đảng, hai nước.
Gạt bỏ những đám mây mù của ngôn ngữ ngoại giao ca ngợi truyền thống tốt đẹp giữa hai nước cộng sản anh em này, đang tràn ngập trên báo chí như mọi khi. Trông vào thực chất chuyến đi của Tập, đã không mang lại sự thuần phục của Việt Nam đối với Trung Quốc như trước đây.
Tuy nhiên dự liệu trước sự xa dần của Việt Nam khỏi vòng tay mình, Trung Quốc đã thành công trong việc bắt Việt Nam chấp nhận những gì mà người Trung Quốc đã chiếm đoạt của Việt Nam. Quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa mà Trung Quốc chiếm giữ đã không được nhắc tới trong hội đàm, phần lớn thác Bản Giốc chính thức được hiệp định hoá công nhận quyền sở hữu của Trung Quốc. Việt Nam tiếp tục phải thực hiện những tuyên bố, cam kết, hiệp định đã ký với Trung Quốc trước đây trên nhiều lãnh vực văn hoá, kinh tế, quốc phòng, quan điểm về Đài Loan.
Cả hai bên Trung Việt dường như đã tính ngầm đến một cuộc ly hôn ở tương lai. Chuyến đi của Tập đến Việt Nam là để xác nhận lại tài sản, quyền lợi của của Trung Quốc ở Việt Nam. Nếu như sau này Việt Nam rất khoát thoát khỏi ảnh hưởng Trung Quốc, Việt Nam phải bằng lòng chấp nhận những gì Trung Quốc đã chiếm giữ, đồng thời sau này phải bảo đảm cho quyền lợi kinh tế , an ninh của Trung Quốc trên đất Việt Nam, ở những nơi mà tập đoàn kinh tế Trung Quốc đã đầu tư.

Trong cuộc chơi giữa hai bên này, dù dứt gánh bây giờ thì Trung Quốc vẫn nắm được nhiều mối lợi, nếu tiếp tục quan hệ như cũ thì các mối lợi thuộc về Trung Quốc chỉ có hơn chứ không có giảm. Hơn nữa những nhà lãnh đạọ Việt Nam chưa thoát được miếng mồi hấp dẫn của Trung Quốc cam kết bảo vệ cho ĐCSVN quyền cai trị ở Việt Nam. Chỉ chừng nào ĐCSVN tự lực được mình giữ quyền cai trị đất nước mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của Trung Quốc, hoặc ĐCSVN tự ý thức rằng sự phát triển của đất nước quan trọng hơn sự cai trị của ĐCSVN..lúc đó cuộc hôn nhân quái dị này mới chấm dứt thực sự.

Lang Anh : Mr Xi Jinping, xin chào đón ông nhưng Đảng Cộng Sản Việt Nam, các ông đang làm gì để gìn giữ đất nước?

Ngày 16/03/2014, sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức dưới sự giám sát của lính Nga, Crimea được sát nhập vào Liên Bang Nga theo một quyết định của Tổng Thống Vladimir Putin. Dù người Nga lập luận rằng quyết định này dựa trên cơ sở 96% người tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea đã đồng ý sát nhập vào Nga, nhưng luật pháp quốc tế có những nguyên tắc căn bản khác, vì lãnh thổ Crimea trước ngày 16/03/2014 thuộc về Ucraine theo mọi hiệp định quốc tế mà chính nước Nga là một bên ký kết.
Câu chuyện về Crimea đến giờ vẫn chưa thôi chấm dứt, bằng sức mạnh của mình, hiện tại nó đang nằm trọn vẹn trong sự khống chế của nước Nga, và người Ucraine chưa bao giờ thôi nói về nó. Một bộ phận khác của thế giới cũng chưa thôi nói về Crimea, nhưng nhiều xu thế cho thấy các nước xung quanh Nga đang phải dần chấp nhận sự thật: Crimea sẽ không thể trở về Ucraine, hoặc sẽ không thể trở về trong ngắn hạn.
Ở Crimea, khi các đơn vị lính Nga bắt đầu thâm nhập một cách chuyên nghiệp và mau lẹ, người Ucraine từ chối chiến đấu. Họ co cụm trong các căn cứ, phó mặc cho tình hình diễn ra và khi bị tước vũ khí, họ không bắn lại đối phương dù chỉ vài phát đạn. Tương quan lực lượng song phương đương nhiên là một vấn đề khiến Ucraine lùi bước. Có lẽ trong thâm tâm, họ coi Crimea là cái giá phải trả để Ucraine thoát Nga và gia nhập được EU. Tuy nhiên, có Crimea một cách dễ dàng, người Nga không dừng lại. Ucraine ngay sau đó có thêm lò lửa Donbass. Cuộc nội chiến với sự can thiệp của lính Nga đến giờ đã kéo dài ngót 2 năm, hủy diệt hạ tầng miền Đông Ucraine và ngày càng đẩy đất nước này vào hỗn loạn. Sự hèn nhát của người Ucraine ở Crimea để giữ lấy hòa bình với Nga đã chẳng mang lại cái gọi là hòa bình cho đất nước này. Đến nay, họ vừa mất lãnh thổ và nhận lấy cả chiến tranh.
Dù thế giới phần lớn đều ủng hộ Ucraine, và hành động xâm lược của Putin cũng đã khiến nước Nga phải trả giá nặng nề. Nền kinh tế bị cô lập, các biện pháp kinh tài tổng hợp của Mỹ và Phương Tây khiến nước Nga lao dốc, tiền tệ mất giá nặng, dự trữ quốc gia sụt giảm và GDP thì tăng trưởng với tốc độ âm. Hiện nay thì Putin vẫn đang rất hung hăng, nhưng thực tế nước Nga đang phải tiêu bằng của để dành, mà với tốc độ hiện nay thì số đó sẽ cạn kiệt vào năm 2016. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa Ucraine sẽ có lại được Crimea, hay khói lửa ở Donbass sẽ nguội đi trong vài năm tới.
Dù Ucraine luôn hô hào thế giới phải giúp đỡ họ lấy lại Crimea, nhưng hãy xem quan niệm đích thực của những người ngoài cuộc về vấn đề này thế nào? Tổng thống Belarus Lukashenko, đã có một tuyên bố với báo chí Ucraine khiến đất nước này câm lặng:
“Nếu nó (Crimea) là lãnh thổ của các bạn (Ucraine), bạn cần phải chiến đấu vì nó. Nếu như bạn đã không chiến đấu vì nó, thì nó không phải là đất của các bạn nữa”
Sự thật quá đơn giản và tàn nhẫn, nhưng cũng rất logic và phản ánh bản chất vấn đề. Câu chuyện Ucraine và Crimea cho thấy, khi nhường nhịn để tìm kiếm hòa bình trước một kẻ xâm lược hung hăng, bạn sẽ chẳng thể có nổi hòa bình và còn mất nhiều hơn thế.
Ngày hôm nay, 05/11/2015, ông Tập Cận Bình tới Việt Nam, chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cao nhất Trung Quốc tới nước láng giềng nằm kề sát sau 10 năm, dù trong thời gian 10 năm đó, số lần thăm viếng của các đời Tổng Bí Thư Việt Nam sang Trung Quốc là không đếm hết. Điều đó trước hết nói lên tính quỵ lụy trong quan hệ ngoại giao quốc tế, với một cái gì đó không sòng phẳng. Ngoại giao song phương phải là đối đẳng, nếu anh đã không muốn thăm tôi, thì có lẽ tôi cũng nên để những đồng sự khác của mình đến gặp anh thay vì trực tiếp tới nhà anh. Tuy nhiên, trong suốt 10 năm qua, Việt Nam tự hành xử để chà đạp lên tư cách của mình trong quan hệ song phương. Để đổi lấy thái độ ngày càng lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông. Chiến hạm của Trung Quốc ngày một vươn xa hơn về phía Nam, và kinh tế thì ngày càng lệ thuộc chặt vào Tàu với những chính sách tổng hợp mà Trung Nam Hải áp dụng. Chỉ đến khi sức ép âm ỉ trong xã hội Việt Nam khiến chính quyền ngồi trên đống lửa và buộc phải quay sang phương Tây để tìm kiếm sự tương trợ. Sau chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, tự nhiên, người ta thấy thông tin Tập Cận Bình sẽ đến Việt Nam. Vậy ông ta đến là để làm gì?
Tập Cận Bình sẽ trả lại Hoàng Sa chăng? Hay ông ta sẽ trả nốt cả Trường Sa, những thứ mà lính Trung Quốc đã tấn công Việt Nam để đoạt lấy? Đảng Cộng Sản Việt Nam và chính phủ Việt Nam, theo nguyên tắc ngoại giao, các ông đang đón tiếp Tập Cận Bình và cần phải làm thế, nhưng có một câu hỏi mà các ông buộc phải trả lời: Chính các ông, những người đã để mất lãnh thổ khi mình đang cai trị, các ông đang làm gì để gìn giữ đất nước?
Trong nhiều năm nay, Việt Nam luôn phát ngôn theo luận điệu của người Tàu: “Phải gìn giữ cái gọi là đại cục trong quan hệ song phương. Đại cục nghe rất hay, nhưng đó là thứ đại cục nào? Thứ đại cục đã và đang dẫn đến việc mất dần lãnh thổ, thứ đại cục dẫn đến kinh tế ngày một lệ thuộc và thứ đại cục dẫn tới người dân ngày một chết dần với thực phẩm tẩm độc với đủ loại hóa chất từ bên kia biên giới? Ngày hôm nay, Tập Cận Bình đến Việt Nam, tất nhiên sẽ vẫn là chiêu bài “Đại Cục” và chẳng có gì khác, nhưng Đảng Cộng Sản Việt Nam, các ông cần cho những người đang phải ngày ngày còng lưng đóng thuế nuôi chính các ông biết, các ông sẽ gìn giữ đất nước bằng cách thức nào?
Hoàng Sa và một phần Trường Sa giờ đã nằm trọn trong tay Trung Quốc. Tàu cá ngư dân Việt Nam bị khủng bố chật vật trên biển, những nơi các ông luôn tuyên bố thuộc lãnh thổ Việt Nam và cam đoan người dân có quyền đến đó đánh cá. Các ông từ chối chiến đấu để giành lại lãnh thổ đã mất, vì các ông yếu hơn. Rất có lý. Nhưng việc các ông dẫn dắt đất nước ngày một lệ thuộc nặng nề vào kẻ xâm lược mình, để người Trung Quốc tung hoành trên lãnh thổ Việt Nam, tự do buôn bán, tự do phá hoại kinh tế như chốn không người, vậy các ông đang gìn giữ đất nước theo cách nào vậy? Các ông yếu hơn, rất tốt, vì cả nước nghèo, rất đúng. Nhưng chính xác nên nhìn nhận là chỉ người dân nghèo còn quan chức và con cháu các ông thì đều rất giàu, và sự thực đó đều là nhờ vào tài năng cai trị của chính các ông. Tuy nhiên, khi thực trạng đang yếu thì cũng đành chấp nhận, nhưng việc chính các ông tước quyền của người Việt nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, điều mà người Philipin đang làm và làm rất tốt, trước hành vi xâm lăng của Trung Quốc, vậy Đảng Cộng Sản Việt Nam, các ông đang gìn giữ đất nước kiểu gì vậy? Các ông từ chối chiến đấu cả về quân sự và pháp lý cho lãnh thổ đất nước, và các ông bắt bớ nốt những người Việt nam thể hiện chính kiến phản đối sự xâm lăng của Trung quốc vì cái đại cục mà Trung quốc tuyên truyền, vậy các ông đang gìn giữ đất nước kiểu gì vậy?
Hôm nay ông Tập Cận Bình sẽ được các ông đón mừng chu đáo. Ông Tập cũng sẽ phát biểu trước 500 vị đại diện dân cử của quốc hội Việt Nam. Ông ta sẽ nói về “Đại Cục”, về hòa bình, trong lúc chiến hạm của ông ta ở Biển Đông thi không bao giờ dừng lại. Vậy các vị Đảng Cộng Sản Việt Nam, các vị đại diện “dân bầu”, các vị sẽ nói gì với Tập Cận Bình để gìn giữ đất nước này?
Các ông vẫn ngày ngày cần mẫn phản đối bằng mồm, giống người Ucraine, cho các hành vi xâm lăng của Trung Quốc. Các ông vẫn hô hào bằng mồm để quốc tế ủng hộ các ông. Nhưng các ông sẽ trả lời ra sao khi thế giới nói đến đúng câu mà ông Lukashenko đã nói với người Ucraine “Khi các bạn không làm gì để bảo vệ lãnh thổ của mình, thì đó không phải là đất của các bạn nữa”

Các ông, phải, chính Đảng Cộng Sản Việt Nam, với cái quyền cai trị mà chính các ông đã ghi vào Điều 4 Hiến pháp, khi từ chối mọi biện pháp đấu tranh có hiệu quả để giành lại đất nước, khi bịt miệng nốt người dân của mình để gìn giữ ngọn cờ “đại cục” cho phía xâm lăng, các ông đang gìn giữ đất nước kiểu gì vậy?