Thứ Năm, 16 tháng 5, 2024

Nguyễn Thanh Huy: HẠNH ĐẦU ĐÀ CÓ ĐÁNG LO ?

HẠNH ĐẦU ĐÀ CÓ ĐÁNG LO ?

Từ khi sư Minh Tuệ xuất hiện thì khái niệm “đầu đà” mới được nhiều người biết tới. Cũng phải thôi, vì đại chúng lâu nay có thấy vị sư nào tu như thế đâu. Hai tiếng “đầu đà” bỗng nhiên được bàn luận xôn xao muôn nơi khắp nẻo. 

Có một nhân vật lịch sử, được suy tôn Phật hoàng, đó là vua Trần Nhân Tông (陳仁宗), sinh ngày 7/12/1258 , nhập diệt 14/12/1308.

Ông là bậc minh quân, là một chính trị gia kiệt xuất, là nhà quân sự lỗi lạc, là nhà văn hóa lớn và là nhà thơ tài hoa. Đồng thời ông còn là một thiền sư, nhưng không mấy ai nhớ, ông từng tu theo hạnh đầu đà.

Sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ 3, vua nhường ngôi cho thái tử, xuất gia tu hành, lên núi Yên Tử thiền định, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sau lại đổi thành Trúc Lâm đại sĩ.

Nhắc lại sử để ôn cố tri tân, để thấy rằng xưa cha ông đã làm thì nay càng nên trân trọng, nhất là khi nhân loại đang có nhiều khủng hoảng, suy vi giữa thời mạt thế.

Hạnh tu này không cần phân tích nữa mà chỉ nên tán thán. Ai lựa chọn con đường này, tất yếu, sẽ nhận được sự kính trọng, ngưỡng vọng của tha nhân.

Đạo Phật là một tôn giáo từ bi và trí tuệ, giúp con người biết thương yêu  nhau hơn, giúp con người thoát khỏi những trần lao nơi cõi tạm.

Trong các giáo lý nhà Phật, chữ Duyên là một khái niệm quan trọng. Vì nó chính là sự tiếp nối trong quá trình chuyển từ nhân thành quả. Duyên chính là điều kiện sinh ra vạn pháp. Sự tồn tại của mỗi cá nhân trên đời này cũng nhờ duyên. Do vậy sự có mặt hôm nay của một ông sư tu hạnh đầu đà (học theo lời Đức Phật) chẳng phải cũng do duyên đó sao!

Sư Minh Tuệ xuất hiện với diện mạo và hành trạng là một thân hình còm nhom nhỏ bé, một cái đầu trọc, một bộ y chấp vá và chỉ biết đi bộ, vậy thì có gì đáng lo? Hay chính cái bộ dạng dị hợm này mà toát lên một loại sức mạnh ghê gớm? Hay sự ghê gớm của ông chính từ chỗ ông chẳng có bất cứ thứ gì, từ tiền bạc, ô tô, nhà cửa, ngay cả đến miếng ăn cũng phải đi xin?

Lạ nhi? Thật khó nghĩ cho thông!

Nỗi sợ của con người thực chất là do chúng ta thường làm những việc bất thiện, điều đó nó ám vào tâm trí những lo lắng, bất an. Ngược lại khi con người buông xả và hành thiện thì tự khắc trong tâm an minh.

Sư Minh Tuệ, đời ổng, đã xác định ngay cái thân mạng còn không tiếc nên sư mới chọn cách tu mà hành cái xác đó thôi. Còm cỏi, đen đúa, chai sạn…

Suốt ngày sư đi, đi mấy năm như thế rồi, có làm sao đâu! Vì trên đời này chắc chắn không có một luật pháp nào phi nhân đến độ không cho con người ta tu/ tự tu.

Tu là gì? Là sửa, sửa sao cho con người mình ngày một tốt hơn. 

Đến nay, sư đi, thiên hạ kéo theo, kẻ hiếu kì quay phim chụp ảnh, người lợi dụng làm điều xằng bậy, kẻ u mê cuồng tín lên đồng…

Tất cả những điều ấy sư chắc chắn chẳng mong cầu, vì cái sư cần là những trải nghiệm và sự tĩnh lặng để tu tâm. Nhưng vốn là một hành giả hành thiền nên sư phải cố dằn tâm chế ngự. Sư không trách ai, không giận ai thì đúng ra chúng ta càng phải cảm thông và chia sẻ với ông hơn.

Lẽ ra, với tinh thần từ bi, bác ái của đạo Phật thì sư sẽ nhận được lòng bao dung, che chở từ những người đồng tu, đồng đạo; hoặc họ ở ngôi cao với những phẩm này hàm nọ thì cũng nên có chút lòng bố thí. Đằng này thì…

Sư Minh Tuệ bị tước luôn quyền được làm một tu sĩ (với tư cách là người tu, đệ tử của Thích Ca). Phải chăng theo Phật là một đặc quyền được cấp phát? Hay Đức Phật là độc quyền của riêng ai?

Nhà Phật xưa nay vẫn dạy con người nên biết sám hối để chuộc lỗi lầm, để tâm được an nhiên thanh thản. Đạo Phật cũng luôn dạy kẻ sai đường biết “hồi đầu thị ngạn”.

Vậy, nếu một quyết định vội vàng, thiếu từ bi, phi bác ái; liệu rằng, với tư cách  con Phật “chính danh”, những ai đó có đủ dũng khí mà thành tâm sám hối hay không ?

———

P/s: Tôi vẫn thích gọi “Sư Minh Tuệ”, vì ngôn ngữ là của một cộng đồng. không ai có quyền áp đặt. 

———

Nha Trang, 17/05/2024

Nguyễn Thanh Huy

https://www.facebook.com/share/3zEvDfe7B2mstuc2/?mibextid=oFDknk

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2024

FB Matthew NChuong: "NHÂN" (Human being) BAO QUÁT, SÂU RỘNG HƠN "DÂN" (Citizen)

Mọi người đều biết đến quyền ứng cử và bầu cử tại Mỹ, từ lá phiếu của người dân, tức thực hiện dân chủ. Nhưng, vì sao tiêu ngữ của nước Mỹ đặt giá trị nền tảng là TỰ DO (Liberty), không ghi "Dân chủ" (Democracy)? 

"NHÂN" (Human being) BAO QUÁT, SÂU RỘNG HƠN "DÂN" (Citizen)

Tiêu ngữ (motto) của nước Mỹ tôn vinh 3 giá trị nền tảng sau: "Liberty" (TỰ DO) - "E Pluribus Unum" ("Từ nhiều nên một", HIỆP NHỨT) - "In God we trust". 

&1&

Vì sao nước Mỹ chọn TỰ DO, không phải "Dân chủ", để làm giá trị cốt lõi? Xin kể một dữ kiện nổi đình nổi đám trong dòng sử Mỹ quốc, qua đó có thể hiểu rõ hơn. 

... Vào năm 1857, trong vụ kiện nổi tiếng Dred Scott với Sandford, Tối cao pháp viện Mỹ với 7 vị chánh ản theo đảng Dân Chủ bỏ phiếu ủng hộ chế độ nô lệ, trong khi chỉ có 2 vị chánh án theo đảng Cộng Hòa phản đối. 

Sự đối kháng này đã dẫn tới cuộc nội chiến. Tổng thống Abraham Lincoln (đảng Cộng Hòa) trở thành bên thắng trận, sau đó, đã ban hành đạo luật giải phóng chế độ nô lệ!

Có lẽ nhiều người sẽ lấy làm khó hiểu tại sao đảng Dân Chủ ủng hộ chế độ nô lệ, vào thế kỷ 19, dường như đi ngược với tôn chỉ "Dân Chủ" thì phải? Ồ, không, vẫn-là-dân-chủ nếu bạn hiểu đúng khái niệm này!

Khác với quân chủ (thẩm quyền quyết định nằm ở nhà vua), thiết chế dân chủ khẳng định thẩm quyền nằm ở các lá phiếu của người dân. Vấn đề ở chỗ: những ai được xem là "dân", nói rõ hơn, những ai được định nghĩa là "công dân"?

Tòa án trong vụ kiện lừng danh nêu trên, khi đó, họ phán quyết: "nô lệ không phải là công dân, họ là tài sản". Những người thủ đắc quyền công dân (ngoại trừ nô lệ vì bị xem là "tài sản"), họ được quyền bỏ phiếu, do đó rõ ràng là quyền làm chủ vẫn thuộc về công dân đó đa! 

Hay nói cách khác, họ đang thực thi dân chủ (chớ đâu phải quân chủ).

Nô lệ, theo quan điểm đảng Dân Chủ (hồi thế kỷ 19), không phải là "Dân".

Đó là chuyện đã qua, thuộc về dĩ vãng. Nhưng, qua đây, để hiểu dân chủ tức là dân làm chủ <=> Vấn đề nằm ở chỗ: những ai thủ đắc vai trò của "dân", về mặt pháp luật những ai thủ đắc "quyền công dân"? Có là "công dân" thì mới làm chủ, còn không phải "công dân" thì khỏi chủ gì hết trơn. 

&2&

Đến đây, cần nhấn mạnh, ngay cả nô lệ hoặc bị tống giam tước quyền "công dân" thì họ vẫn là NGƯỜI, là những con người! 

Mỗi con người ("NHÂN", Human being), trong chúng ta. đều có hai chiều kích:

- chiều kích hàng ngang, còn gọi là "chiều kích xã hội", tương quan giữa con người với nhau trong xã hội/quốc gia;

- chiều kích hàng dọc, tức tương quan với chính mình (suy xét lương tâm) và với những thực tại siêu nhiên, tâm linh (tôn giáo, tín ngưỡng là một hình thái biểu hiện cho chiều kích này).

Theo chiều kích hàng ngang, "NHÂN" trở thành "Dân", mỗi con người khi ấy được hiểu là sinh thế xã hội, sinh thể chính trị. Tức "Dân" là một khía cạnh trong cuộc sống của "NHÂN".

Còn "NHÂN" thì rộng hơn ý niệm "Dân", vì gồm không chỉ chiều kích hàng ngang mà còn cả chiều kích hàng dọc.

Một khi giản lược con người chỉ còn là sinh thể xã hội, sinh thể chính trị (theo chiều kích hàng ngang), "NHÂN" chỉ còn là "Dân" - mà do vậy, tùy bối cảnh chính trị mà ý niệm "Dân" khó tránh khỏi sự thiên lệch, chọn lọc, phân loại theo môi trường giai cấp này kia...

&3&

Mỗi con người cần được nhìn nhận là "NHÂN", nhấn mạnh "Nhân Bản" (nghĩa là "lấy con người là gốc"): con người được nhìn toàn diện cả chiều kích hàng ngang lẫn hàng dọc.

Vậy, đâu là giá trị nền tảng của "NHÂN"? 

Đó chính là TỰ DO (Liberty) mà nhờ đó, phẩm giá con người được tôn trọng và phát triển.

Có TỰ DO (LIBERTY) => ắt sẽ có Dân Chủ (Democracy)

Nhưng có Dân Chủ thì vẫn có thể nô lệ, chưa hoàn toàn Tự Do. 

&4&

Đến đây quí bạn ắt đã tỏ tường vì sao "TỰ DO" (Liberty) được chọn làm một giá trị nền tảng trong tiêu ngữ (motto) của nước Mỹ - gồm cả thảy 3 giá trị. 

Hai giá trị nền tảng còn lại, được đề cao, là: 

* "E PLURIBUS UNUM" - cụm chữ Latin này mang nghĩa "one from many parts", "từ nhiều nên một". Nghĩa là: "HIỆP NHỨT" - mọi người cùng hợp tác làm việc với nhau.

* "IN GOD WE TRUST": minh định nước Mỹ là quốc gia đề cao tầm quan trọng của tôn giáo, của tín ngưỡng.

Chữ "GOD", trong bối cảnh văn hóa thời kỳ lập quốc của nước Mỹ, mang ý nghĩa là "Thiên Chúa", "Đức Chúa Trời".

Theo tiến trình phát triển về sau, câu "In God we trust" được quảng diễn trở thành sự xác tín dựa trên Đức Tin tôn giáo mỗi người.

Vì sao phải nhấn mạnh vào ĐỨC TIN? Vì nếu Đức Tin tôn giáo bị cấm đoán, con người ("Nhân") bị cắt xén chiều kích hàng dọc, giản lược ngay lập tức chỉ còn là "Dân" (chiều kích hàng ngang).

Mà "Dân" thì tùy vào quan niệm của nhà cầm quyền có sự phân loại, "dán nhãn" được phép là "dân" ("công dân") hoặc không, hoặc là "công dân" loại hai, loại ba.v.v...

* Hiện nay người dân Mỹ có đức tin tôn giáo chiếm đến 76,5% dân số. Trong đó:

- Christians (Cơ Đốc nhân Tin Lành, Ki-tô hữu Công giáo...) khoảng 70,6%, 

- Các tôn giáo khác: 5,9%, gồm:

tín đồ Do Thái giáo (Jewish) 1,9%, tín đồ đạo Hồi (Muslim) 0,9%, Phật tử (Buddhist) 0,7%, và nhiều tôn giáo nhỏ khác. 

TÓM LẠI:

Khi nhìn con người là "NHÂN" chớ không chỉ là "Dân", ắt phải đề cao và tôn trọng TỰ DO. Có Tự Do, như vậy, mới bảo đảm được việc thực thi dân chủ ở chiều sâu nhứt.

Gắn liền với TỰ DO (Liberty) là tinh thần HIỆP NHỨT ("E Pluribus Unum") và giá trị ĐỨC TIN (tâm linh) sâu xa cho cuộc hiện hữu của mỗi con người ("In God we trust").

Ba 3 giá trị nền tảng: 

LIBERTY - "E PLURIBUS UNUM" - "IN GOD WE TRUST".

Tức: TỰ DO - HIỆP NHỨT - ĐỨC TIN.

Theo Facebook Matthew NChuong

----------------------------------------------------------------

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2024

FB Hồ Phương Trinh: MÙA HẠN của người nông dân.

MÙA HẠN của người nông dân.

Người nông dân ở đây là tui đó. 

Mấy hôm nay lo viết chuyện hạn, mặn, lũ chung chung thì bây giờ viết chuyện của mình đây.

Vùng tứ giác Long Xuyên có bốn góc : phía bắc là Châu Đốc, đông là Long Xuyên, nam là Rạch Giá và tây là Hà Tiên. Bốn cạnh là: cạnh Châu Đốc Long Xuyên là sông Hậu, cạnh Long Xuyên Rạch Giá là kinh đào Thoại Hà, cạnh Rạch Giá Hà Tiên là kinh đào Rạch Giá Hà Tiên, cạnh Hà Tiên Châu Đốc là kinh đào Vĩnh Tế. Các con kinh này được đào từ thời nhà Nguyễn và thời Pháp.

Người nông dân ở mé sát sông Hậu. Mỗi năm vùng tứ giác bị ngập nước ba, bốn tháng. Ngập không phải vì đất thấp, đất ở đây cao hơn vùng ven biển Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu v.v... 

Nước ngập là vì mùa lũ của sông Mekong lượng nước quá nhiều dòng sông không chảy kịp nên nước tràn bờ gây ngập, mà nước tràn dâng từ từ, nếu nhà ai sàn hơi thấp hay lẫm lúa nào hơi thấp mà sợ ngập thì người ta có hẳn 1-2 tháng để kê dọn.

Vì sao các dòng sông lớn như sông Hoàng Hà, Dương Tử (TQ), sông Hồng VN khi lũ về thì nước dâng đột ngột cuốn trôi mọi thứ, và khi nước rút thì để lại cảnh tan hoang nhưng lũ sông Mekong thì lại hiền hòa, dâng từ từ rút từ từ, chẳng cuốn trôi cái gì. Lũ sông Mekong lên xuống có quy luật thời gian chứ không bất ngờ, chỉ có mực nước cao thấp tùy năm.

Sông Mekong nhờ có Biển Hồ Tonle Sap ở Campuchia chứa nước trong mùa lũ nên dòng lũ chảy về sông Tiền sông Hậu trở nên hiền hòa và có quy luật.

Khi nước dâng lên thì cả vùng tứ giác chìm trong nước 2-4m. Khi nước rút thì vì không phải đất thấp nên nước tự động rút ra kinh, rạch sông, và đất cạn khô luôn. Ngày xưa, trước khi Pháp đào hệ thống kinh dẫn nước thì vùng tứ giác trong mùa khô hạn không thể trồng cấy vì không có nước tưới. 

Thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ đã đào hệ thống kinh như bàn cờ trong vùng này để đưa nước vào ruộng, làm cho vùng này được khai phá và trở nên trù phú. Nông dân làm một vụ lúa một vụ màu. Đậu xanh Long Xuyên rất nổi tiếng chắc nhiều người biết?

Đất của người nông dân này trong vùng tứ giác, phía cạnh sông Hậu, gần Châu Đốc. Cách nay 30 năm thì mùa nước nổi nhìn ra phía sau nhà là đồng nước mênh mông, các con kinh dẫn nước chìm dưới nước, chỉ nhận ra nhờ các cây ven bờ kinh. Người nông dân muốn chăn nuôi nên đã đào đắp miếng đất của mình để mùa nước nổi không bị ngập. Đó là lý do người nông dân có miếng vườn giữa xứ ruộng vậy.

Đất cao không bị ngập thì phải cao hơn mặt ruộng 2 mét. Mùa hạn này thì đất lại quá cao. Các con kinh thông lưu dẫn nước tưới ruộng thì phải bơm nước lên ruộng, đắp bờ giữ nước mới trồng lúa nước được. Miếng vườn của người nông dân không có mương liếp như miệt vườn, lại quá cao so với mặt ruộng nên càng bị thiếu nước.

Tuy có cái hầm (ao) nước nhưng muốn tưới cây phải bơm lên. Mà vườn thì trồng cây tùm lum không cần thu hoạch kiếm tiền nên người nông dân không tưới luôn.

Giờ cuối mùa hạn xem lại thì thấy:

- Cây dừa, cây cau chịu hạn rất dở. Người nông dân vì nhớ quê ở Bến Tre nên trồng dừa trồng cau. Mấy cây dừa trồng ở bậc thềm của hầm, tức thấp hơn mặt vườn 1m mà cũng bị xơ xác héo hon.

-Cây so đũa vẫn cho bông trong suốt mùa hạn. Cây này chịu hạn xuất sắc.

- Cây me vẫn xanh tốt, ra lá non. Cây me chịu hạn tốt mà chịu ngập 3-4 tháng cũng không sao.

- Cây mai: toàn bộ vườn mai rụng hết lá, đang có nụ chi chít, một vài cây đã nở bông, kết trái. Nếu mưa đầu mùa đổ xuống nay mai thì vườn mai sẽ nở tưng bừng.

- Cây sake chịu hạn dở ẹt. Người nông dân ưu tiên tưới nó suốt mùa mà nó vẫn héo hon, tuy không chết.

- Cây chuối chịu đựng suốt mùa, nhiều cây lá vàng khô héo nhưng không chết. Một số cây vẫn đang có trái.

- Cây ổi, bưởi, đu đủ thì tưới cầm chừng. Chỉ đu đủ là có trái suốt, rất ngọt.

Tóm lại là đất vùng tứ giác Long Xuyên không có thấp. Ai đó nghe vùng này bị ngập 3-4 tháng tưởng nó thấp là không đúng đâu.

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

Nguyễn Gia Việt - Miền Tây: Lòng người và sự khắc nghiệt

 Miền Tây: Lòng người và sự khắc nghiệt

<Nguyễn Gia Việt>

"Qua hỏi chú em mày?Tới nước mà không có để uống, để tắm, để giặt đồ thì nhắm Miền Tây còn cái gì để gọi là tồn tại?"

Một ông già nói.

Tự dưng giựt mình! Thiếu nước là cái gần đây. Vùng châu thổ Cửu Long là vùng có trẻ em bỏ học cao nhứt nước, trẻ em Miền Tây cũng không được thụ hưởng giáo dục tốt bằng các vùng khác

Trong 10 người dân Miền Tây chỉ có 1 người là tốt nghiệp cấp 3, nơi này có người  ly hương cao nhứt VN.

Chúng ta đau lòng khi biết rằng vùng châu thổ Cửu Long có "thành tích" giáo dục như sau: Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ là 94,2%, thấp hơn bình quân cả nước (95,8%) và thấp nhứt nước, chỉ trên ...Tây Nguyên (91,3%)

Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã tốt nghiệp THPT trong cả nước là 17,3%. Tỷ lệ này ở ĐBSCL chỉ là 11,3%, thấp nhứt cả nước.

Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong cả nước là 19,2%. Tỷ lệ này ở, ĐBSCL chỉ là 9,7%, thấp nhứt cả nước.

Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường trong cả nước là 8,3%. Tỷ lệ này ở ĐBSCL là 13,3%, cao nhứt cả nước, đồng hạng với ... Tây Nguyên.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tỷ lệ dân số được đào tạo từ đại học trở lên thấp nhứt, chiếm 5,2%.

Đồng bằng sông Hồng là vùng có tỷ lệ dân số đã qua đào tạo cao nhứt cả nước, cứ 100 người từ 15 tuổi trở lên thì gần 28 người có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Trẻ em, tương lai của Miền Tây cũng không được thụ hưởng giáo dục tốt bằng các vùng khác.

Học sinh Miền Tây bỏ học nhiều gấp 3 cả nước.

Miền Tây thân yêu của chúng ta dẫn đầu cả nước về bỏ học và ly hương, tha phương cầu thực.

Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019, Đồng bằng sông Cửu Long là ly hương cao nhứt nước,trong 1000 người dân Miền Tây thì có 22 người ly hương tha phương cầu thực.

Số dân Miền Tây rời quê ra đi ly hương trong 10 năm qua hơn 1,3 triệu người, lớn hơn dân số một tỉnh trong vùng.

Sông ngày càng ô nhiễm, nước không về, mặn xâm nhập sâu , rồi ruộng đồng khô cháy, nước uống không có đủ, miếng ăn khó tìm, lại không biết làm gì ra tiền sống ở quê, thế là họ ly hương, nhà cửa đóng hết, xóm làng vắng tiếng người tiếng chó.

Sản xuất, cung cấp lương thực, vựa lúa, giữ an ninh lương thực (54%) cho VN nhưng nhiều dân Miền Tây đong gạo lon gạo lít, ba bốn đời ăn nhờ ở đậu.

Nhớ hồi xưa còn lũ tràn đồng thì chánh quyền làm đê bao bọc ngăn nước để làm vụ 4, hậu quả đồng ruộng bạc màu đầy thuốc xịt rầy, nước tràn về đô thị ngập mút mùa. Và giờ khô hạn thì khô queo.

Theo Tạp chí khoa học Nature Communications, khu vực hạ nguồn sông Mê Kông - thực tế chỉ còn cao hơn mực nước biển trung bình 0,8m, chênh lệch gần 2m so với các dữ liệu vệ tinh thường được nêu ra, vốn không chính xác khi ước lượng cao độ thẳng của các khu vực trũng (2,6m).

Với tốc độ chìm như hiện nay trong 57 năm tới nước biển sẽ “xóa” khoảng cách 0,8m này, đồng nghĩa số người dân chịu ảnh hưởng bởi nước biển dâng ở ĐBSCL tăng gấp đôi so với dự báo trước đó.

Nay mai dòng tộc Hun của Hun Sen làm kinh Phù Nam Techo là coi như gần như đánh trống khai tử Miền Tây.

Hết lễ, nhìn dòng xe sáng rực trên quốc lộ hướng về Sài Gòn, Bình Dương mà buồn. Cách đây mấy ngày thì đông nghẹt hướng về Miền Tây. Đó là tha hương, tha phương cầu thực, Biết tới chừng nào người Miền Tây có thể sống được trên quê hương mình?

Bạn có bao giờ bước chưn qua khu "mới" như Bình Tân, Bình Chánh miệt Bình Hưng Hòa, Vĩnh Lộc, Đa Phước...và bước vô một ma trận hẻm nhà  trọ của công nhân, người lao động chưa?

Những khu nhà trọ thấp lè tè nóng nực nằm vắt mình bên những con kinh ,con mương nước đen thùi lùi hôi rình là nơi tập trung nhiều công nhân xa xứ gửi thân trong những dãy nhà trọ tồi tàn đó.

Tiền nào của đó,mướn phòng trong nội thành thì mắc, muốn rẻ mời ra ngoại thành, khu gần rác, gần kinh thúi càng rẻ hơn, hợp với đồng lương.

Có dãy nhà trọ hơn 10 căn phòng, mỗi căn phòng chỉ 7m2 nhưng có đến 5 tới 6 công nhân tá túc và chỉ có một cái cầu tiêu, một cái nhà tắm. Sáng sớm đứng sắp hàng để làm cái nhiệm vụ "xả" trước khi vào nhà  máy.

Rồi ăn uống thì mua sơ sịa ngoài chợ công nhân bó rau, con cá ươn ịch, miếng tàu hủ mỏng dánh, quơ vài đũa cho xong bữa.

Vậy mà họ cũng lấy vợ lấy chồng, sanh con và những em bé cũng lớn lên trong những khu nhà trọ đó. Sanh đời con tiếp tục để làm nhiệm vụ vinh quang là oằn lưng ra làm culi tiếp tục nuôi sống những chánh sách tốt đẹp trên tivi của nhà cầm quyền.

Nhà trọ công nhân không mơ mộng như "gác trọ" của Mạnh Phát đâu, làm gì có cảnh "Gửi hồn chìm vào đôi mắt. Ái ân chưa tròn để ngàn đời nhớ nhau"? Ở đó chỉ có tiếng các ông nhậu nhẹt, tiếng karaoke kẹo kéo lè nhè, ầm ầm và tiếng cự nự, chửi thề, xong ...hết.

Nhớ ông Lam Phương có bài nhạc si tình về một người tha phương ra nước ngoài:

"Hồn theo làn khói về nơi mộng mơ.

Chim non mỏi cánh tung gió chơi vơi.

Thẫn thờ nghe tiếng chuông ban chiều,

ngỡ rằng câu hát mỹ miều

vì đời mình chỉ biết cô liêu"

Nhưng cái kiếp tha hương của người Miền Tây ngày nay không có đẹp như vậy đâu.

Người Miền Tây ly hương tìm cơ hội thoát nghèo. Họ ra đi bỏ lại những mỹ từ về "vùng đất trù phú bậc nhứt" và những những con số kinh khủng.

Miền Tây thân yêu của chúng ta dẫn đầu cả nước về bán vé số , chúng ta có một hệ thống các công ty vé số ngàn tỷ , phát triểnnhứt nước.

Nhiều người thốt lên "Ở đây có cả nền kinh tế vé số”

Miền Tây - thủ phủ vé số cả nước, người dân dồn tiền mua vé số mong đổi đời, cách duy nhứt thoát nghèo, người bán vé số đông nhứt và học trò bỏ học đi bán vé số.

Nhìn qua những cái "nền" cho tương lai sự phát triển thì Miền Tây đội sổ, nói kiểu ông bà mình là "bù trất! chết tía mày rồi con ơi!" 

Chúng ta có văn hiến, có nét riêng, có đồng bằng nhưng không có số phận, thời thế, hình như thận phận nó là vậy!

Mọi thứ là con người. (Khi viết bài này một lát chắc chắn sẽ có nhiều bạn xưng là dân Miền Tây vào chửi với lý do Miền Tây rất giàu đẹp, no ấm, sao lại nói kiểu kỳ cục như vậy?) 

Câu hò, điệu lý, những chiều hoàng hôn ở Miền Tây buồn rười rượi.

Người Phương Nam hịch hạp, trượng nghĩa, nghèo vậy nhưng nghe ngoài đâu đó có chuyện là vét nồi vét khạp thuê xe chạy ra cứu trợ rất hồn nhiên, cứu "trái cây" miền khác cũng rât vô tư và cũng không dám nghĩ  ngược lại rằng "Mốt Miền Tây bị đói, hạn mặn thì đồng bào đâu đó  có mướn xe chạy vô cứu đồng bào Miền Tây không? một gói mì tôm cũng đặng"    

Câu vọng cổ buồn xổ từ ngọn cây tới gốc cây, khói chiều cũng hổng thể nào vui

Miền Tây quê chúng ta, ở vài nơi nào đó có những bà già có mơ ước rất đơn sơ kiểu "Ngoại giờ có ước muốn gì ngoại?". 

Trả lời:

-"Ngoại không mong gì nhiều, chỉ thèm có nước mát tắm một bữa đã đời rồi chết cũng an lòng!" 

Miền Tây ơi là Miền Tây! Sao ngày càng tệ hệ vậy?

Thực trạng này là do Ông Trời phải không?