Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Dương Quốc Chính: TRAO ĐỔI VỚI ANH HỒ ĐẮC NGÃ VỀ GIÁO DỤC KHAI PHÓNG

 TRAO ĐỔI VỚI ANH HỒ ĐẮC NGÃ VỀ GIÁO DỤC KHAI PHÓNG

Anh Ngã hình như là Gs dạy ĐH ở Mỹ, hình như về marketing, mình không quan tâm lắm. Gần đây anh hay viết các status tỏ ý nghi ngờ và phản đối giáo dục khai phóng. Tuy nhiên, cách anh phản đối là dựa vào từ Liberal trong cụm từ Liberal Arts (giáo dục khai phóng). Anh hiểu từ này theo nghĩa của khoa học chính trị có nghĩa là Chủ nghĩa tự do hiện đại của cánh tả (phân biệt với tự do truyền thống của cánh hữu).

Từ khái niệm Liberal của cánh tả đó, anh dán nhãn Liberal Arts (GD KP) là sản phẩm của cánh tả. Từ đó anh đả kích những nhược điểm của cánh tả, rồi suy ra đó chính là hệ quả của GD KP. Điển hình là việc anh dẫn ra những hệ luỵ ở các bang cánh tả (đảng DC nắm quyền) bên Mỹ rồi che’m là đó là các bang KHAI PHÓNG nó vậy, từ đó suy ra Liberal Arts là có hại hoặc ít ra là chả có gì ưu việt như người ta tuyên truyền cả.

Từ quan điểm trên, anh Ngã viết ở nhiều status khác nhau, mình sẽ copy dần vào phần comment, anh viết thêm 1 status mới, để thách thức những ai cổ vũ cho GD KP, là phải dẫn ra các số liệu, bằng chứng, cho thấy tính ưu việt của GD KP.

Dưới đây là trao đổi của mình ở status đó, vì khá dài, nên mình thấy cần copy lại để lưu trữ và trao đổi thêm ở nhà mình để có thêm thông tin. Vì mình thấy ở nhà anh Ngã không có mấy ai hiểu về GD KP cả. Lưu ý đọc khái niệm về GD KP mình post ở comment thì mới hiểu hết nội dung trao đổi.

DQC:

Đầu tiên cần hiểu thế nào là GD KP đã, như anh thì tôi thấy hiểu sai bét về khái niệm rồi, ít ra là với khái niệm GD KP phổ quát mà tôi biết. Thế nên đọc anh phản đối nó tôi thấy buồn cười. Kiểu như gặp 1 thằng cứ chửi ông ổng thằng A, nhưng 1 lúc sau tìm hiểu hoá ra thằng A đó lại là thằng B.

Thứ 2 là cần phân định rõ GD KP ở cấp học nào, không thể che’m chung chung là GD KP được. Vì mỗi cấp học lại có cách GD khác nhau và càng lên cao càng có tính chuyên sâu tức là giảm đi tính khai phóng.

GD KP ở đây được hiểu là GD TỔNG QUÁT không phải là khái niệm Liberal trong khoa học chính trị, để nhắc tới cánh tả. Tả hay hữu nó không liên quan đến GD khai phóng.

GD KP chỉ nên được phổ cập ở cấp phổ thông, còn lên ĐH và cao hơn thì cần phân ra 2 nhánh. GDKP thực ra chỉ phù hợp với các nghề nghiệp cần kiến thức tổng quát rất cao như triết gia, chính trị gia, luật sư, nhà văn, sử gia, kinh tế gia ở tầm vĩ mô (nghiên cứu)…Còn 1 số ngành hẹp kiểu Bs chuyên khoa, nhà khoa học chuyên ngành sâu…thì không thể học tổng quát, cơ bản cũng vì họ học hay nghiên cứu quá sâu 1 cái thì chả có thời gian để tìm hiểu những cái khác ít liên quan.

Vì thế nếu có tranh cãi GD nào ưu việt hơn thì chỉ nên tranh cãi ở vùng giao của 2 kiểu GD. Tức là ở GD phổ thông và với các trường đào tạo nhóm ngành cần kiến thức tổng quát kể trên.

Tôi thì tin là rất khó để có con số thống kê chính xác về hiệu quả của GD. Bởi vì kiến thức của mỗi người không chỉ đến từ trường lớp mà còn từ xã hội. Ví dụ như tôi học ở trường XHCN, chả có tý khai phóng mẹ gì hết, tức là không được dạy tổng quát, nhưng tôi vẫn biết được cơ bản tất cả những thứ không được dạy. Nên khảo sát bọn như tôi rồi vu cho giáo dục là sai bét.

Hơn nữa, giáo dục là việc lâu dài. Muốn có số liệu thống kê thì cần khảo sát vài chục năm mà cũng chỉ ra con số tương đối.

Đại khái việc khảo sát này nó cũng gần như khảo sát để biết được uống rượu nhiều thì hại gan hay hút thuốc nhiều thì hại phổi. Nên nhớ là không phải ai nghiện rượu hay thuốc lá đều bị bệnh gan hay phổi! Mà người có bệnh gan hay phổi chưa chắc đã nghiện rượu hay thuốc.

Nên đòi 1 số liệu thống kê chính xác là không đơn giản.

Tóm lại, anh muốn chứng minh GD KP là vô ích hay có hại thì anh cũng có thể tự làm hay tự tìm kết quả khảo sát như anh mong muốn ở status. Tôi thấy có anh hăng hái đả kích nó chứ có thấy ai cố gắng thuyết phục anh phải tin vào nó đâu, vì thuyết phục anh có được gì đâu!? Nên anh phê phán nó thì anh cứ việc chứng minh nó sai. Giống người buộc tội thì phải chứng minh bị cáo có tội ấy.

Còn về cá nhân tôi, tất nhiên tôi không thể có được số liệu anh yêu cầu vì Việt Nam làm gì có GD KP mà khảo sát. Anh ở Mỹ thì anh tự tìm đi. Còn không tìm nổi thì tức là chính anh cũng không hề có số liệu gì khoa học để phản đối nó. Vậy cứ cố gân cổ để chê bai cũng là vô ích. Nhất là chê bai theo kiểu gán nhãn cánh tả cho nó rồi tấn công cánh tả để suy ra nó sai! Kiểu đó rất là nguỵ khoa học.

HĐN:

Dương Quốc Chính túm lại là anh không có bằng chứng khoa học phải không? next!

DQC:

Nga Ho-Dac anh có bằng chứng khoa học để phản đối nó không?

HĐN:

Dương Quốc Chính ủa, anh có học khoa học và logic bao giờ chưa mà nói ngộ vậy? 1 viên thuốc mặc định là không được uống cho đến khi có bằng chứng là hiệu quả lớn hơn rủi ro.

DQC:

Nga Ho-Dac anh máy móc về khoa học và dốt lịch sử nên mới comment ngớ ngẩn như trên. GD KP nó có từ thời cổ đại rồi. GD của châu Âu và Mỹ cũng đều có nền tảng KP từ thời đó đến giai đoạn cận đại.

Đến thời hiện đại thì vì kiến thức ngày càng nhiều nên đào tạo khai phóng (với nghĩa tổng quát) là bất khả thi với 1 số ngành cần tính chuyên sâu rất cao kiểu vật lý hạt nhân, BS chuyên khoa…và ngày càng nhiều ngành nghề chuyên sâu như vậy.

Từ đó người ta mới phát triển GD chuyên ngành hẹp kết hợp với GD tổng quát. Tuỳ lựa chọn của mỗi cá nhân. Vì thế ở cấp ĐH và sau ĐH người ta mới phát triển GD chuyên sâu và không ai phản đối chuyện đó cả. Hiện nay Mỹ vẫn duy trì KP nhiều hơn Tây Âu ở cấp ĐH và sau ĐH. Có thể do triết lý GD của họ thôi. Nhưng không có nơi nào chỉ toàn có GD KP cả.

Tóm lại là GD KP này nó không như liều thuốc mới tinh kiểu vaccine covid vừa rồi, mà nó như cơm hay bánh mì, vì nó có từ xa xưa rồi. Anh ăn cơm hay bánh mì anh có cần đọc hướng dẫn sử dụng và xem các thành phần hoá học của nó không?

Anh càng chém càng thấy anh chả có chút kiến thức gì về GD KP cả. Nhưng chửi lại rất là hung hăng!

—————

Tranh luận (thực ra GS Nga chả tranh luận gì!) tạm ngưng và mình cũng đã nêu khá đầy đủ quan điểm rồi. Về khái niệm GD KP mình đã viết status rất lâu rồi, link để ở comment. Mọi người cần đọc để hiểu rõ (đọc cả comment) tránh để như GS Ngã chê môn bóng đá nhưng lại nói về môn bóng chuyền.

Xin lưu ý 1 điều nữa là GD KP thực ra không hề là mới, là trend ở phương Tây. Vì nó có từ thời cổ đại, từ thời dân chủ Athens (Hy Lạp) cơ. GD phương Tây cơ bản đều dựa trên nền GD KP này, nó như cơm ăn nước uống trong GD phổ thông và VNCH cũng đã dựa trên nền tảng này để thiết lập nền GD của họ với “slogan” NHÂN BẢN, DÂN TỘC, KHAI PHÓNG. Chỉ tới thời hiện đại, do lượng kiến thức ngày càng lớn và chuyên sâu nên GD phương Tây mới đứng trước ngã rẽ là cần có giáo dục chuyên sâu cùng với GD khai phóng. Từ đó 2 phương pháp giáo dục này tồn tại song hành và GD Mỹ vẫn duy trì khai phóng nhiều hơn Tây Âu.

Còn GD XHCN từ xưa đến giờ là thiên về chuyên sâu và không khai phóng, dù ở cấp phổ thông. Chẳng hạn, các môn khai phóng bắt buộc có từ thời cổ đại đều không được dạy ở trường phổ thông XHCN, đó là môn Logic, tranh luận (hùng biện). Phương pháp GD cũng không thiên về tranh luận giữa thày và trò hay giữa các Hs, tức là thiên về nhồi sọ 1 chiều.

GD XHCN thiên về đào tạo ra các chuyên gia ở cấp ĐH và cả sau ĐH và chương trình bị kiểm soát ở các môn xã hội. Do đó trí thức XHCN thường không có kiến thức rộng nhất là về xã hội như khoa học chính trị, lịch sử, luật… Chính thế nên mình mới bảo nhiều GS TS người Việt sang bển sống nhưng đem theo não trạng chính trị của Hs phổ thông. Xét về mặt chính trị, con bo` dắt sang Tây vẫn là con bò.

Chính vì GD KP vốn là nền tảng của GD phương Tây, VNCH cũng áp dụng, nên bị coi là GD phản động. Vì thế nên vẫn có thế lực dè bỉu đả kích nó như 1 thứ phế phẩm, không hiệu quả. Nhiều người Việt vì thế mà lảng tránh các trường ĐH có chương trình dạng khai phóng. Chuyện này không lạ. Bởi GD khai phóng hiện đại là để đào tạo ra trí thức có kiến thức tổng quát nên nhiều người cho là không hiệu quả, chả biết cái gì sâu. Nhưng thực ra, học khai phóng sẽ rất hiệu quả với các ngành cần kiến thức rộng và đặc biệt cần với giới lãnh đạo, chính trị gia. Đa số người Việt chỉ có tâm lý thực dụng, não trạng làm thuê culi, chứ không mấy ai mong muốn con mình sẽ thành nhà quản lý hay chính trị gia. Giấc mơ con đè nát cuộc đời con. Chuyện này mình đã viết ở 1 status khác phân tích về cách dạy con của 2 bà mẹ nhà giàu và nhà nghèo.

Hiện tại, GD Việt Nam vẫn chưa có tính khai phóng, dù ở cấp phổ thông, do các môn khai phóng cơ bản còn chưa được dạy. Nên việc cổ vũ cho GD KP vẫn là cần thiết để ít nhất Hs phải biết cách tranh luận, phản biện và tư duy độc lập.

Đỗ Trí Hùng: ĂN CHAY và ĂN MẶN

 ĂN CHAY và ĂN MẶN

1 -  Tôi không bàn về cái sự ăn, rằng chay hay mặn thì cái nào đúng, mà tôi chỉ nêu ra vài luận điểm làm cơ sở cho suy tư triết học về vấn đề ĂN aka HỐC aka ĐỚP mà thôi.

Đầu tiên, nếu các bạn tin vào quan điểm nhà “ thiết kế vĩ đại” như là Chúa, hay Tự Nhiên, hay Tạo Hóa.v.v.. gì cũng được, thì bạn sẽ phải tin rằng mọi sự trên đời từ đất trời cây cỏ đến muông thú và cuối cùng là con người, sẽ không thể nằm ngoài sự “ qui định” của các thế lực trên.

Đại khái như thế này:

Nếu con nai, con hoẵng được tự nhiên “thiết kế” là loài ăn cỏ, thì bạn có mang tảng bích tết thơm lừng hay đĩa sườn cừu rán hôi hổi béo ngậy đến trước mũi nó, nó cũng quay đi!

Hay con sư tử, con báo đốm được tự nhiên “ thiết kế” là loài ăn thịt, thì bạn có mang rau cải mèo xào tỏi rắc thêm nấm … linh chi, chắc chắn lũ mãnh thú này cũng nguẩy đít mà không thèm ngửi.

Chúng sẽ chỉ ăn thứ mà thiên nhiên thiết kế ngay trong cơ thể chúng, đòi hỏi chúng phải ăn. Nói cách khác, thiên nhiên tạo ra cơ thể chúng theo cái cách mà chúng sẽ thèm muốn những thứ phù hợp với cơ thể đó.

Giờ là câu hỏi:

Con người ta thèm ăn gì?

Rất may, thèm đủ thứ, nghĩa là tạo hóa cho phép ta có thể ăn đủ thứ!

2 – Nếu tự nhiên thiết kế tôi có quả dương vật, thì thứ tôi thèm dứt khoát là phụ nữ có quả âm hộ. Nếu tự nhiên thiết kế tôi thuộc giới tính thứ ba, thì thứ tôi thèm lại là gã đàn ông có quả mông to, khi đó, nhìn phụ nữ tôi hoàn toàn dửng dưng.

Nói về những thứ ta thèm, đều do tự nhiên qui định tất. 

Nhưng, tự nhiên, hay tạo hóa, hay Chúa rất nhân từ, đã ban cho con người ý thức, hay lý trí, để ta hiểu biết giới tự nhiên, hiểu biết chính ta, để ta có thể KIỀM CHẾ SỰ THÈM MUỐN đó…

Và cao hơn, chính nhờ ý thức ta còn có khả năng LỰA CHỌN

Nếu tôi lựa chọn cách ăn sao cho quả dương vật của tôi không còn dùng vào việc giao hợp nữa, chỉ dùng vào việc đi đái thôi, thì đó là LỰA CHỌN của tôi, thậm chí lựa chọn này hoàn toàn là việc kháng cự lại tự nhiên, aka tạo hóa, aka Chúa trời.

Tất nhiên, lựa chọn cách ăn uống nào đó để chuyển quả dương vật cứng cáp thành quả dương vật liệt, aka liệt dương, ta còn có thể gọi là “ diệt trừ ham muốn”, vì ham muốn thì sinh sân si, sinh ác độc mà…

Tương tự như vậy, việc bạn chọn ĂN CHAY hay ĂN MẶN là lựa chọn của bạn, nót tự nhiên, vì không tự nhiên nào, tạo hóa nào, hay đức Chúa đức Phật nào buộc bạn phải ăn chay hay ăn mặn cả…

3 – Sở dĩ tôi biên quả bài này, vì hôm nay là ngày tạo nghiệp của tôi, nên tôi tạo mẹ luôn đến cùng cho vui…

Ấy là có ông em dân thể thao, rất quí tôi vì tôi U60 mà nom phong độ như U16, vốn là chuyên gia về dinh dưỡng thể hình, em tôi rất bức xúc khi có quả “Hiền triết phương đông”, lên núi tu hành rồi sưu tầm tài liệu chỉ để khẳng định rằng, người là sinh vật ăn chay và ngồi thiền….

Ăn chay và ngồi thiền thì đi ngược với tinh thần gymer rồi, nên ông em tôi mới bức xúc.

Ăn chay và thiền, tốt thôi, đó là quyền lựa chọn cách sống của bạn, cũng như bạn lựa chọn một lý tưởng, một chủ nghĩa, một thương hiệu thời trang, một thần tượng… chỉ vì những thứ đó phù hợp với tinh thần, với văn hóa, với cách nghĩ của bạn.

Nhưng bạn khẳng định rằng, đó chính là tự nhiên, là tạo hóa, là “thiết kế vĩ đại” thì tôi khẳng định luôn, rằng bạn nói bậy. Vì sao?Xin đọc lại mục 1

Nhân tiện, có thuyết cho rằng sống chậm kiểu như con rùa ấy thì sẽ khỏe và thọ lâu, nên ta ngồi thiền cả ngày, ngồi một chỗ là rất tốt.

Nhưng có thuyết khác, rằng ta muốn khỏe và trẻ lâu thì phải vận động, nào chạy bộ, nào aerobic, gymer…. Các kiểu!

Vậy thuyết nào đúng hả các anh chị mõm bò yêu quí?

4 – Quay lại với nhà hiền triết phương đông

“ Nhà hiền triết phương đông” này lên núi ngồi ngâm cứu, gần đây biên bài phản đối chương trình “cơm có thịt” hay “quĩ trẻ em nghèo vùng cao” của anh Trần Đăng Tuấn sư huynh tôi, rằng cho trẻ con ăn thịt là phản khoa học, tôi cười tóe mẹ rắm với hiền triết he he…

Anh hiền triết này lôi cấu trúc ruột non ruột già, độ dài độ ngắn, độ to độ nhỏ, độ khít độ nở của khấu đuôi, dạ dày, đại tràng.v.v.… của loài bò rồi so với loài người, rồi bảo đó là những cấu trúc giống nhau, suy ra con người là loài ăn thực vật…

Rồi thì kích thước và hình dáng bộ nhá răng bàn cuốc cũng giống y hệt răng con bò, nên con người là loài nhai cỏ và nhai rơm… à không, nhai rau

Ừ nhỉ, giống con bò đủ thứ, còn mỗi việc, sao con người không chịu hốc món cỏ dại hay rơm khô, mà nhà hiền triết không giải thích lý do, là sao?

Nhân tiện, theo lập luận này, thì trên thế giới có nhóm người không phải là người, mà vẫn tồn tại như người.

Đó chính là người Mông Cổ.

Dân thảo nguyên bao la, gia súc nhiều hơn rau, hay nói cách khác rau chính là gia súc, trong khi món thực vật duy nhất nơi đây chỉ mỗi … món cỏ, thì người mông cổ dứt khoát không chịu ăn.

Vậy người mông cổ không phải là người, hay họ là người nhưng được tạo hóa thiết kế riêng để ăn thịt?

Và lũ gà mổ thóc, tức thực vật, mổ mẹ luôn cả sâu bọ, tức động vật, trong khi không hề có răng thì sao? Bọn đại bàng và một số loài chim lớn, thuộc dạng này. Bọn chó hoang, gấu rừng, chó sói.v.v. cũng thế ăn cả thịt cả rau củ....

Câu trả lời, chúng được xếp vào loài ăn tạp, đứng đầu loài ăn tạp chính là con người chúng ta các anh chị ạ, vui nhé, nghĩa là cái đéo gì chúng ta cũng được phép ăn và hoàn toàn ăn được….

3 – Có ông bố bà mẹ bỉm sữa nào quanh đây, cho con ăn chay từ bé không nhỉ? Vì con người được tự nhiên thiết kế để ăn thực vật, nên cho trẻ ăn chay từ khi rời vú mẹ là chuẩn đấy…

Nhưng ăn sao cho nó đừng suy dinh dưỡng rồi còi xương rồi chậm phát triển vì thiếu chất, thì lúc ấy chỉ nên trách mình chứ trách ai!

Cho nên, hãy cho con ăn đủ chất, đến khi nó trưởng thành, ý thức phát triển đủ để có khả năng LỰA CHỌN, khi đó nó sẽ tự quyết định mình nên ăn gì, sống ra sao, tin theo chủ thuyết nào và lấy con nào làm vợ, làm chồng...

Còn khi nó bé, đừng có áp đặt nó!

Ảnh minh họa, món gà quay bất hủ, nếu chúa qui định tôi là loài ăn rau, sao nhìn hình này tôi lại thèm nhỏ rãi ra, là sao?

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

Đào Hiếu: NHỮNG CON GÀ NUỐT DÂY THUN

 NHỮNG CON GÀ NUỐT DÂY THUN

Tác giả: Đào Hiếu.

*

Tại sao con gà lại nuốt dây thun?

Vì cọng thun trông giống một con giun đất. Những con gà bị nhốt trong chuồng, suốt đời chỉ ăn thực phẩm công nghiệp, chợt nhìn thấy con giun đất thì mừng lắm, bèn đớp lấy.

Cọng thun vô nằm trong dạ dày, không tiêu hóa được, lừ đừ, ngắc ngoải, ủ rũ như kẻ mất hồn.

Tôi cũng đã từng nuốt một cọng thun như vậy. Thoạt tiên đôi mắt sáng lên, mừng rỡ. Đớp một phát, sướng điên người. Nuốt vô cổ họng, con giun bằng cao su chạy tới đâu hạnh phúc chạy theo tới đó. Hạnh phúc ấy ngân nga, lan tỏa trong từng cảm xúc. Cho đến khi nó phát ách trong dạ dày.

Cũng may bây giờ tôi đã khạc cọng thun ra được. Thấy mình dễ thở. Thấy mình sống.

Nhưng mình vẫn là một con gà trong chuồng.

*

Trí thức Việt Nam không thiếu những con gà nuốt (hoặc bị bắt nuốt) dây thun. Các anh ở miền Bắc thì cọng thun của các anh là “chủ nghĩa Mác–Lênin”, chúng tôi ở miền Nam, cọng thun của chúng tôi là “chống Mỹ cứu nước”.

Chưa hết, Tôi biết có một số ít người Việt ở hải ngoại, cho đến giờ, lòng vẫn còn trĩu nặng hận thù, và đó chính là “cọng thun” mà họ đã nuốt phải.

Cọng thun có thể có màu đỏ, màu vàng hay màu xanh nhưng chúng đều là cọng thun làm bằng cao su, chứ không phải là con giun đất. Chúng đều là con giun giả. Nhìn thấy nó thì sáng mắt lên, nuốt vô thì sướng cái miệng, nhưng nó không phải là thức ăn, không tiêu hóa được, nó sẽ làm ta ngạt thở, lù đù, ủ rũ, ngắc ngoải…

Chúng ta đều có nhiệt tâm, thiện ý với đất nước, với dân tộc, nhưng đừng bao giờ quên rằng cả thế giới này, cả nhân loại này tuy đông đảo là vậy, trẻ trung là vậy, tài ba là vậy… nhưng chỉ là những thứ mà giới cầm quyền và bọn tài phiệt cá cược với nhau trong canh bạc khổng lồ mà chúng đang chơi trên máu của dân nghèo và trên tinh dịch của chúng.

Những người gọi là trí thức như chúng ta cũng chỉ là những lá bài vô danh trong tay bọn chúng mà thôi. Chúng vừa đánh bạc vừa thảy ra ngoài rìa những cọng thun và chúng ta tưởng đó là những con giun đất, chúng ta đớp lấy.

*

Vừa rồi tôi có đọc bài trả lời phỏng vấn của Dương Tường và bài viết của Vương Trí Nhàn về Nguyễn Khải.

Đọc xong tôi thấy quá bất nhẫn.

Tôi biết rất ít về Nguyễn Khải. Tôi cũng đọc Nguyễn Khải không nhiều. Tôi lại càng lù mù về Chế Lan Viên, Dương Tường và Vương Trí Nhàn, nhưng có điều tôi biết chắc chắn, rằng các vị ấy cũng chỉ là những con gà được nuôi chung trong một cái chuồng mà thôi. Và tất cả đều có ít nhất vài cọng thun trong cổ họng! Vậy thì hãy giúp nhau khạc cái cọng thun ấy ra cho nó dễ thở, việc gì đến chết rồi mà vẫn còn chì chiết lẫn nhau?

Tất nhiên, tôi hiểu, trong cái chuồng gà khổng lồ ấy cũng có những con gà nòi thuộc loại “chân xanh mắt ếch chém chết không chừa”. Những con này được chủ nuôi kỹ hơn, tiêu chuẩn cao hơn, để có sức mà “đá” đồng loại. Nhưng số phận những con gà đá đó như thế nào?

Trước khi đá, người chủ cho ăn thịt bò, nhái bén, cào cào châu chấu. Tiếp đến người chủ lấy những cái cựa bằng sắt nhọn hoắc, bén như dao cạo, cột nối thêm vào cái cựa gà. Hai con gà được đặt đối diện nhau, khiêu khích nhau bằng những cú đá nhử. Những chú gà phùng mang trợn mắt. Và chúng được thả ra. Đá nhau cho đến chết. Nếu không chết thì cũng bị những cái cựa sắt đâm cho mù mắt, gãy cổ, ôm đầu máu chạy thẳng vào… nồi nước sôi.

Rốt cuộc chỉ có thằng chủ gà là hưởng lợi. Thắng thì được tiền, thua thì được bữa nhậu rai rai…

*

Ôi, những con gà!

Làm cái kiếp gà khổ như vậy, huống chi lại là gà nuốt dây thun.

Thưa các anh – kể cả số ít các anh đang ở hải ngoại mà trong cổ họng vẫn còn mắc kẹt một cọng thun thù hận – chúng ta hãy giúp nhau khạc cái cọng thun ấy ra. Chúng ta không còn trẻ nữa nhưng chúng ta có ngòi bút, có tấm lòng. Chỉ cần thêm một chút cảm thông.

Hãy tìm cách khạc cọng thun ra đã, rồi mới nói tới chuyện chống độc tài, chống tham nhũng, rồi mới nói tới tự do, nhân quyền, hòa hợp dân tộc.

Khạc được cọng thun ra rồi chúng ta mới dám viết, dám nói, dám bày tỏ chính kiến của mình.

Khạc được cọng thun ra rồi chúng ta mới bớt hằn học, bớt cằn nhằn (vì đang bị nghẹt thở) mỗi khi có ai nhắc đến quá khứ.

Hãy coi nhau như anh em và đấu tranh vì một nước Việt Nam dân chủ, có một quốc hội thực sự đại diện cho nhân dân để kìm chế tham nhũng, độc tài, để có tự do chính trị, tự do sáng tác, tự do công bố tác phẩm, tự do tư tưởng.

*

Một anh bạn cũ, ở nước ngoài về thăm quê, rủ tôi đi uống cà phê. Anh nói:

 -Tôi đọc nhiều bài và sách của ông rồi. Ông thấy chưa? Theo đế quốc cũng dở mà theo kháng chiến càng dở hơn. Cứ như tôi không theo ai cả. Lại hay.

Nghe vậy, tôi bèn kể một câu chuyện ngụ ngôn:

“A và B cùng đứng trên bờ sông, cùng nhìn thấy một người sắp chết đuối đang kêu cứu. A bảo: mày cứu người ta đi. B nói: tao nhát lắm. Thế là A nhảy xuống sông. Nhưng vì luồng nước mạnh quá, khi A tiếp cận được nạn nhân thì người đó đã chết, A phải vất vả lắm mới kéo được cái xác lên bờ. Mình mẩy A bầm dập vì bị sóng xô vào đá. B thấy vậy, cả cười mà rằng:

 -Cứu cũng chết, mà không cứu cũng chết. Thà đứng trên bờ mà nhìn như tao thì có phải khôn ngoan hơn không?

Đó là sự ngụy biện của những người vô cảm.

Còn thế hệ trẻ hiện nay thì sao?

Họ đang bị “chủ nghĩa điện thoại di động” mê hoặc và xâm lược. Không ai có thể xóa bỏ lý tưởng của thanh niên hiệu quả và nhanh chóng bằng cuộc xâm lăng của điện thoại di động.

Thế chiến thứ 3 thực sự đang bắt đầu bằng “những con dế dễ thương” ấy. Chúng ta không thể trách cứ, không thể lên án cuộc chiến tranh ấy. Vì nó là khoa học kỹ thuật, vì nó là văn minh hiện đại. Vì nó là tiện ích.

Đó là một cuộc chiến tranh không đổ máu, không có thương vong, nhưng thực sự nó đã tàn sát không thương tiếc ý thức công dân, mọi mầm mống phản kháng, mọi nhen nhóm đấu tranh cho một lý tưởng, cho một lẽ phải nào đó.

Cùng với sự kìm kẹp xã hội, chính trị và tư tưởng thì “chủ nghĩa điện thoại di động” là một “vũ khí hủy diệt hàng loạt” mà các chế độ độc tài được “thời đại kỹ thuật số” biếu không, để vô hiệu hóa giới trẻ một cách ngoạn mục nhất.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn hy vọng ở họ. Vì thực tế ở Việt Nam đã lác đác xuất hiện những gương mặt trí thức trẻ dũng cảm đấu tranh cho dân chủ. Đó là những con người rất đẹp. Nét đẹp ấy sẽ làm chúng ta quên hết những tị hiềm, những vụn vặt của đời sống để hướng tới những giá trị cao cả hơn. 

Đ.H

Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2023

Dũng Phan: TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT: TA ĐÃ LÃNG QUÊN AI?

 TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT: TA ĐÃ LÃNG QUÊN AI?

Hôm nay, tôi sẽ kể cho các bạn nghe về người giỏi nhất dưới trướng của vua Gia Long: tả quân Lê Văn Duyệt. Về cái cách ông đã xây dựng một vùng đất, cho người dân sống trong hạnh phúc, an lành. Lịch sử thời bình, cần những bài học về những con người như thế này.

Ông đã bị lãng quên, sự lãng quên của sử sách dành cho ông khiến những người có tâm với lịch sử phải đau lòng. Lê Văn Duyệt, hãy nhớ tên vị tả quân này. Bởi 3 thế kỷ trước, vào buổi đầu sơ khai của lịch sử vùng đất Nam Kỳ. Ngài đã một tay gây dựng cơ đồ, tạo nên nền tảng giàu mạnh cho vùng đất phía Nam đất nước ngày nay, với Gia Định – SaiGon là trung tâm.

***

Ta sẽ bắt đầu bằng một câu chuyện:

Năm 1807, Lê Văn Duyệt nhận lệnh vua đi dẹp loạn Mọi Vách Đá. Thay vì thẳng tay đàn áp quân khởi nghĩa, tả quân Lê Văn Duyệt ra lệnh chém đầu chưởng cơ Lê Quốc Huy, tên đại thần tham nhũng, tàn ác, nguyên nhân chính khiến người dân bất mãn với triều đình và hình thành nên cuộc khởi nghĩa.

Tôi tin rằng khi kể câu chuyện này, rất ít người được nghe. Lê Văn Duyệt đã làm một việc mà trước giờ không ai làm. Hành động xuất phát từ lòng thương dân và sự căm ghét những kẻ tham nhũng, tàn hại dân. Các cuộc khởi nghĩa nổ ra, triều đình đưa quân đến dẹp. Nhưng chưa bao giờ nghĩ ngược lại: nếu dân không bị đàn áp, bị bóc lột, thì dân khởi nghĩa làm cái gì? Hành động của Lê Văn Duyệt lập tức có đáp án: chỉ một năm sau khi chém Lê Quốc Huy, Mọi Vách Đá tự động tan rã.

Năm 1819, khi đi thị sát hai tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An. Hai vùng đất nổi tiếng nhiều nhân tài nhưng cũng lắm kiêu binh. Lê Văn Duyệt thẳng tay trừng trị những kẻ tham quan ô lại ở trong vùng, vỗ yên dân chúng. Mọi ý đồ nổi loạn chấm dứt.

Kẻ thù không bao giờ là dân. Kẻ thù là những con sâu đục khoét bên trong.

Vào cái giai đoạn mà nhà Nguyễn có một sự đề phòng nhất định cho Cơ Đốc Giáo cũng như “bế quan tỏa cảng” thì ở Gia Định – Chợ Lớn điều này không hề xảy ra. Lê Văn Duyệt đã tạo nên một vùng đất trong mơ với bàn tay giang rộng đón mời tất cả, không phân biệt nghèo hèn, tôn giáo, sắc tộc. Khi 2 giáo mục bị Minh Mạng bắt giữ, chính Lê Văn Duyệt đến tận nơi xin thả người. Chợ Lớn chính nhờ nền tảng của ông mà phát triển đến tận ngày nay. Các dân tộc Hoa, Việt, Ấn, Miến Điện, Chiêm Thành, Vạn Tượng ... đều đoàn kết và yêu thương nhau.

Nếu nhà Nguyễn “bế quan tỏa cảng” thì Gia Định lại mở rộng cửa cho thuyền vào, Lê Van Duyệt đã nói “Cái nhà đóng cửa cài then thì sao gió vào được. Gió không vào được thì sao người khỏe được.” Ông khuyến nông, trọng thương biến vùng đất trở nên giàu có vô cùng, và được cai quản bằng sự thượng tôn pháp luật. Con kênh Vĩnh Tế được xây dựng, nói theo ngôn ngữ hiện đại của dân xây dựng: nếu Thoại Ngọc Hầu là chỉ huy trưởng, thì Lê Văn Duyệt là trưởng ban quản lý dự án của công trình. Bằng một cái tầm của một bậc vĩ nhân đã xây nên con kênh quan trọng nhất thời phong kiến Việt Nam không chỉ trên lĩnh vực quân sự mà cả kinh tế.

Chứng kiến những điều ấy, cụ Phan Thanh Giản đã nói “Gia Định thật có phúc khi có được một tổng trấn như đại quan.”

Những gì tả quân Lê Văn Duyệt làm đôi khi ngược hẳn với chính sách ở Phú Xuân – Huế. Nhưng ông vẫn làm bởi sau lưng của ông là dân, vì dân mà ông làm, chứ không phải vì cá nhân nào cả. Ông làm cho người dân được no đủ. Với ông, thế là đủ. Nhưng sau này ông mất đi, Minh Mạng đã phủ nhận ông. Con trai nuôi của ông là Lê Văn Khôi đã vì đè nén mà đứng khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa bị chìm trong bể máu (chúng tôi sẽ có 1 bài dành cho chuyện này sau).

Tả quân sẵn sàng khoan dung với giặc nếu kẻ thù có lòng hối cải, nhưng nếu chống lại thì ông thẳng tay trừng trị cực kỳ tàn bạo. Ông đặt thượng tôn pháp luật lên hàng đầu. Kẻ ăn năn thì tiếp nhận, kẻ ngoan cố thì lãnh đòn.

Năm 1822, một phái đoàn Anh do ông Crawfurd dẫn đầu đã đến Gia Định. Sau này trong hồi ký của mình, Crawfurd đã viết những dòng sau về Gia Định thế kỷ 19.

“Tôi bất ngờ thấy rằng nó (thành Gia Định) không thua gì kinh đô nước Xiêm. Tôi có cảm giác rằng đây là một vùng đất lý tưởng.

Tất cả đều được sống trong bầu không khí an lành. Trộm cướp không có, người ăn mày rất hiếm. Tổng trấn rất nhân từ, tha cả bọn giặc, bọn phỉ, bọn trộm cướp nếu chúng ăn năn. Nhưng ông lại rất tàn bạo với kẻ không quy phục triều đình. Chưa ở đâu, kỷ cương phép nước được tôn trọng như ở đây. Một vị quan nhỏ ra đường ghẹo gái cũng bị cách chức lưu đày, một đứa con vô lễ chửi mẹ mà tổng trấn biết được, ngài phạt cực nặng".

Đối lập với Bắc Kỳ và Trung Kỳ đang vất vả. Gia Định thành ngày đó là thiên đường của người Việt.

Nhưng vì sao ông bị phủ nhận? Vì ông bị vua Minh Mạng thanh trừng? Hay vì ông là người theo phò Nguyễn Ánh, đánh Tây Sơn?

Dù lý do nào đi nữa, sự phủ nhận và sự thiếu vắng tên ông thời điểm bây giớ cũng khiến những người có tâm với sử nhà đau lòng.

Chúng ta luôn nói về chống tham nhũng. 200 năm trước, tả quân sau khi chém đầu Huỳnh Công Lý – cha vợ nhà vua vì tham nhũng (đừng tưởng Việt Nam không có Bao Công nhé). Ngài đã dâng tấu cho Minh Mạng, nội dung bản tấu như sau: “Chống tham nhũng như chống mối, phải chống từ nóc chống xuống. Đám quan tham nhũng như bầy mối. Mối càng to, đục khoét càng dữ. Không diệt trừ tận gốc thì nhà sập. Lúc ấy bệ hạ và quần thần muốn đỡ cũng đỡ không nổi đâu”

Tiếng lòng ấy 200 năm sau vẫn còn nguyên giá trị!

Tôi xin kết bài này bằng một câu trong báo An Ninh Thế Giới, số 3, tháng 3-2008: “Lịch sử phức tạp có thể mang định kiến, chủ quan và sai lầm. Nhưng lòng dân thì luôn sáng suốt và giản dị, ai thương dân, đó là người yêu nước. Những con người như thế vẫn luôn được dân xem như những bậc anh hùng. Đền thờ ông được dựng nhiều nơi.“

P/S:

Nếu có dịp, ghé qua Bình Thạnh, bạn sẽ được nghe về cái tên “Lăng Ông Bà Chiểu”. Đấy chính là lăng của tả quân Lê Văn Duyệt. Rất đẹp và sừng sững còn mãi với thời gian. Và mình cho các bạn ở TPHCM thêm một kiến thức lịch sử nữa: đường Cách Mạng Tháng 8 trước 1975 là đường Lê Văn Duyệt.

DŨNG PHAN

8 Saigon

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2023

Ăn trưa cùng Tony: Ăn cháo quý bát

 Ăn cháo quý bát

1. Sáng nay thấy chị Mỹ ngồi khóc, mình hỏi thì chị bảo "Hùng nó giật sạch sẽ các mối hàng của chị rồi". Hùng là cánh tay phải, chị đến tận trường ĐH để tuyển Hùng về làm, đầu tiên cho phụ trách chứng từ, rồi dắt đi nước ngoài đàm phán với các nhà cung cấp máy móc thiết bị, nhập về bán lại. Mỹ tin tưởng Hùng hết mực, cơ cấu sau này Hùng làm sếp, còn chị mở mảng khác để công ty lớn rộng ra hơn, thu nhập Hùng ngon lắm, luôn miệng là chưa bao giờ nghĩ được vậy, ơn chị Mỹ nhiều, không có chị em giờ vẫn thất nghiệp, em sẽ theo chị đến khi nào chị đuổi em thì em mới đi. Tưởng thật nên chị Mỹ ra sức đào tạo, hòng sau này thành cổ đông với nhau.

Công ty chị chuyên cung cấp máy móc thiết bị cho các trường học, bệnh viện. Một bữa thì Hùng mở một công ty riêng, có logo cũng na ná logo công ty cũ, nhắn hết hệ thống khách hàng, bảo là em ra riêng rồi, chị Mỹ bán anh 10 đồng em để anh 6 đồng thôi, giá gốc có 5 đồng à, chị Mỹ ăn dày, em ra riêng sẽ đem lợi cho mọi người. Khách ham rẻ, chuyển qua Hùng mua, chị Mỹ khốn đốn vì bị huỷ hàng loạt hợp đồng, máy móc nhập để đầy kho, còn bị đàm tiếu là ăn dày, biết tỏng giá mua, có khách còn nhắn "Mỹ ơi sao em ăn dày thế, lãi những gấp đôi, Hùng vừa nhắn cho chị biết hết nội bộ công ty em rồi". Chị uất ức, bảo là nuôi ong tay áo, ăn cháo đá bát, Hùng là thứ phản chủ, tham lam vì lợi bản thân mà trở thành kẻ đê hèn bất nghĩa. Hùng thì nghĩ là thị trường mênh mông, trăm người bán vạn người mua, tranh nhau làm, ai rẻ hơn người đó thắng, đâu có gì mà gọi là vô đạo đức. Ai mua còn được Hùng bonus vài chuyện thâm cung bí sử thuộc đời tư chị Mỹ cho người tò mò, để vui, kết thân hơn, dễ mua hàng hơn.

Đó là câu chuyện phổ biến trong kinh doanh ở Việt Nam. Xưa mình làm việc ở Hongkong, người thương gia Hoa Kiều có câu "yêu nghề kính nghiệp", "nước sông không phạm nước giếng", "ra kinh doanh riêng tuyệt đối không làm chung nghề chủ cũ". Khi vào làm, trong nghề thương mại có bộ quy tắc riêng, ngầm hiểu như một chuẩn mực đạo đức, là "ăn cây nào rào cây nấy", mình đi làm là được lương, được thu nhập, còn cái business đó là của chủ. Mình kính trọng chủ thì nhân viên sau này sẽ kính trọng mình. Mọi thứ đều có quả báo. Mình thấy người ta lãi mà sinh lòng tham, muốn chiếm đoạt về cho bản thân mình thì sẽ phạm tội bất nghĩa vô ơn, vì trước đó, bản thân mình đâu có biết cái này đâu, cái nghề này đâu phải mình nghĩ ra đâu. Mình vô làm là được đào tạo về tư duy, là biết cách làm, nếu muốn làm riêng thì áp dụng cái tư duy đó, cái cách làm đó vô cho mặt hàng khác, ngành nghề khác. Khách hàng và mặt hàng là cái bí mật riêng của chủ, chớ có lấy thành của riêng.

Có tỷ tỷ dân trên trái đất và vạn vạn ngành nghề, há cớ chui vô cái ống hẹp chút xíu rồi giành giật nhau. Làm cái khác cho mở rộng đầu óc, đời người không lẽ làm miết một ngành. Dù thế nào thì cũng có ít nhiều cạnh tranh nếu làm cùng ngành. Và mình mang tiếng bất nghĩa, khách hàng vì lợi nó đến với mình lúc đó, nhưng trong lòng họ nghĩ khác, không tôn trọng mình đâu. Họ cũng sợ vài bữa, mình đâm chọt, chỉ điểm cho nhân viên của họ tách riêng ra, cạnh tranh với chủ cũ. Nhân viên cũng không tôn trọng mình, nó nghĩ, sếp mình cũng giật mối chủ cũ mà ra, vài bữa mình cũng giật. Cứng cáp chút là giật. Làm ăn mà cứ đề phòng nhau, sao lớn được? Sống chung mà cứ lo lắng nghi ngờ nhau, kiểu như vợ chồng sợ người kia ngoại tình, thì làm gì có hạnh phúc?

2. Nên các bạn lưu ý, mình đi làm là được thu nhập, được tư duy, được cơ hội này cơ hội khác, được chủ tin tưởng thì đó là phúc của mình, mình giữ đạo đức thì sau này sẽ có lộc. Nếu ra KD riêng thì PHẢI chọn cái khác mà làm, chủ cũ làm cà phê thì mình làm trà, ca cao. Chủ cũ làm máy móc thì mình làm dệt may. Chủ cũ làm du lịch thì mình làm vận tải, có thể thành mối cung cấp xe cộ cho chủ cũ chẳng hạn. Từng làm quán phở, nắm hết bí mật thì ra riêng mở quán bún bò, quán hủ tíu, cách làm tương tự là được.

Đạo làm kinh doanh, chớ có bất nghĩa. Ai bất nghĩa, kết cục đều không tốt đẹp. Cái business đó sẽ sớm nở, tối tàn. Vì trời đất không phải cho mình cái nghề đó, mình vì tham lam mà giật mối của người mình từng chịu ơn. Người mình từng chịu ơn thì thì trả ơn, đừng có khiến người ta uất ức, cảm giác bị bội phản. Họ sẽ gửi những thông điệp uất giận đó lên vũ trụ, trời cao ở trên xuống xuống phán xét, thấy mình tham lam vậy sẽ tìm cách chặn lại, khiến mình sẽ mất cái này cái kia để bù trừ. Đó là về tâm linh, còn giữa người với người, trái đất tròn, đừng làm điều lén lút, gặp nhau tay bắt mặt mừng ôn kể chuyện ngày xưa chứ đừng có ngại ngùng mắc cỡ xấu hổ. Đừng vì lợi cá nhân mà phụ người, hổ thẹn mãi trong lòng. Phải kính nghiệp nếu chọn con đường thương mại.

3. Trong trời đất mênh mông, tìm đường khác mà đi, tìm nghề khác mà làm, gặp nhau ngẩng mặt kiêu hãnh. Người ta cho mình ăn cháo xong, mình từng được no bụng, thì biết ơn. Rửa sạch chén bát trả cho người ta, rồi tự sắm cái chén cái bát khác mà ăn sơn hào hải vị. Mình tự nấu đi, theo công thức của riêng mình. Đừng có ăn cắp của người ta, tham lam tham nhũng làm mình mất giá trị. Con cái sau này nó biết cha nó mẹ nó bất lương như thế, nó cũng không tôn trọng mình nữa. Tiền sạch xài mới sướng.

Nguồn : Ăn trưa cùng Tony

Trần Đình Thu: Bí mật cuối cùng về TT.Kh

 Bí mật cuối cùng về TT.Kh

*Tôi không phải là TT.Kh

Cuối năm 2004, tôi viết xong bản thảo cuốn sách “Giải mã nghi án văn học TT.Kh”. Tôi vui mừng gửi ngay bản thảo cho anh Đào Hiếu, biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ để anh ấy chuẩn bị in thành sách. Lúc đó tôi là cộng tác viên khá thân thiết của nhà xuất bản này, đã in mấy đầu sách theo diện kế hoạch A ở đây rồi. Anh Đào Hiếu đọc xong bản thảo cuốn sách, mời tôi đến nhà xuất bản, nói: “Cuốn sách này không in được ông à”. Tôi hỏi anh lý do vì sao, anh trả lời: “Khi đọc phần đầu, là phần giải mã của ông, tôi tin chắc một trăm phần trăm bà Trần Thị Vân Chung đúng là TT.Kh. Nhưng khi đọc qua phần phụ lục, tới bức thư của bà Trần Thị Vân Chung gửi báo giới thì tôi tin chắc một trăm phần trăm bà Trần Thị Vân Chung không phải là TT.Kh. Do đó tôi quyết định đề nghị ban giám đốc không in cuốn sách này của ông”.

Chờ anh Hiếu nói xong, tôi phân tích: “Tôi làm nghiên cứu nên rất tôn trọng sự thật khách quan. Vì thế mà tôi đưa bức thư vào. Nếu tôi có ý này khác, trong bản thảo của tôi, tôi lờ đi bức thư của bà Trần Thị Vân Chung, không đưa nó vào phần phụ lục, thì chắc chắn bây giờ anh đã “tin chắc một trăm phần trăm” bà Trần Thị Vân Chung chính là TT.Kh và cho in ngay cuốn sách này mà không có ý kiến thắc mắc gì. Tôi xin anh, anh hãy in cuốn sách đi, tôi tin cuốn sách của tôi có khả năng làm sáng tỏ một nghi án văn chương vốn quá tù mù lâu nay”.

Vậy bức thư của bà Trần Thị Vân Chung thế nào mà làm đổ toàn bộ phần giải mã của tôi phía trước? Tôi xin ngừng lại một chút để nhắc lại sự ra đời của bức thư này.

Quãng giữa năm 1994, ông Thế Phong cho xuất bản một cuốn sách có tựa là “TT.Kh nàng là ai?”. Cuốn sách đã làm nổ tung dư luận khi đưa ra một “ứng viên sáng giá” vào vị trí TT.Kh: bà Trần Thị Vân Chung. Trước khi cuốn sách này ra đời, những người được xếp vào diện nghi vấn TT.Kh toàn là đàn ông như Nguyễn Bính, Thâm Tâm...

Vài tuần sau khi cuốn sách phát hành, đặc san Văn Hóa của Bộ Văn Hóa cùng với báo Thanh Niên đồng loạt đăng tải bài phân tích cuốn sách. Báo Thanh Niên thì chủ yếu đăng bài phê phán còn đặc san Văn Hóa thì ủng hộ. Dư luận xôn xao quá khiến con cháu bà Vân Chung ở Sài Gòn gọi điện sang Pháp thông tin cho bà. Một thời gian sau, từ Pháp, bà Trần Thị Vân Chung có thư ngỏ gửi cho báo giới trong nước. Đó chính là bức thư tôi nhắc ở trên. Bức thư từ đầu đã phang ngay một câu làm nản lòng tất cả những ai muốn tin bà Trần Thị Vân Chung chính là TT.Kh. Bức thư viết: Điều trước nhất tôi xin thưa: “Tôi không phải là TT.Kh!”.

Chính cái câu này mà trong vòng 10 năm sau đó, từ 1994 đến 2004, giới yêu thơ không ai còn hứng thú nhắc đến cái tên bà Trần Thị Vân Chung khi đề cập về nghi án TT.Kh. Cũng chính cái câu này mà anh Đào Hiếu từ chối in cuốn sách của tôi. Thì bởi vì, chính bà ấy đã tuyên bố thế cơ mà!

Thế mà lạ lùng thay, khi lật lại tư liệu, “giám định” các bài thơ rồi lấy kết quả so sánh với các “nghi can”, tôi thấy rằng không ai phù hợp với TT.Kh hơn bà Trần Thị Vân Chung. Điều này khiến chính tôi cũng thắc mắc: Vậy thì, hà cớ gì mười năm trước, bà Trần Thị Vân Chung nhảy bổ ra la làng “Tôi không phải là TT.Kh”?

*Chung quanh bức thư

Có rất nhiều độc giả chất vấn tôi, nếu ông cho rằng bà Trần Thị Vân Chung chính là TT.Kh, tại sao khi ông Thế Phong in cuốn sách, bà ấy đã không nhận mình thì thôi, ngược lại còn phản đối? Trong cuốn sách của tôi, ở phần giải mã, tôi đưa ra các tiêu chí về người có thể là TT.Kh thế này: Thứ nhất, TT.Kh phải là một người phụ nữ. Thứ hai, TT.Kh phải là người thân thiết với nhà văn Thanh Châu, cụ thể hơn người đó phải là người yêu của nhà văn Thanh Châu. Nay tôi nghĩ, sau này nếu tái bản có sửa chữa, chắc tôi phải đưa thêm một tiêu chí nữa: TT.Kh phải là người có thể nhảy bổ ra la làng mình không phải là TT.Kh nếu có ai đó nói mình chính là TT.Kh.

Khi cuốn sách “Giải mã…” của tôi in ở Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn sau đó, rút kinh nghiệm từ vụ biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ từ chối bản thảo, tôi viết thêm một phần ngắn, phân tích lý do tại sao bà Trần Thị Vân Chung viết thư phản đối, tuyên bố thẳng mình không phải là TT.Kh. Xin trích một đoạn: “TT.Kh không bao giờ làm cái việc đứng ra nhận mình đâu. Không nhận mình thì mới đúng là TT.Kh. Chứ còn bây giờ giả sử có người nào đó đứng ra nhận mình là TT.Kh thì tôi có thể nói ngay rằng đó chắc chắn không phải là TT.Kh”.

Khi viết cuốn sách, tôi có đến gặp bà Thư Linh để tìm kiếm tư liệu. Bà Thư Linh là bạn của bà Trần Thị Vân Chung. Cuốn sách của ông Thế Phong cốt lõi là dựa vào lời kể của bà Thư Linh. Trong một bữa đám giỗ ở nhà bà Thư Linh, có người kể vừa mới gặp TT.Kh ngoài Bắc, TT.Kh giờ già yếu lắm rồi. Bà Thư Linh nghe thế bức xúc quá, cãi lại TT.Kh làm gì mà ở ngoài Bắc, TT.Kh đang ở Pháp mà! Xong bà tiết lộ luôn câu chuyện bà Trần Thị Vân Chung từng tâm sự với bà thế nào. Ông Thế Phong thu nhặt tư liệu từ bữa giỗ đó, viết thành cuốn sách “TT.Kh nàng là ai?”. Cho nên vào năm 1994, song song với việc gửi thư ngỏ cho báo giới, bà Trần Thị Vân Chung còn gửi một thư riêng cho bà Thư Linh (khi có điều kiện tôi sẽ phân tích các thư này trong một bài báo). Bức thư trách móc bà Thư Linh nặng nề. Bà Thư Linh cho biết, kể từ năm 1994, sau bức thư đó của bà Vân Chung gửi từ Pháp về, bà Vân Chung tuyệt giao với bà Thư Linh luôn. Vì thế tôi đặt vấn đề: Không phải là TT.Kh thì thôi chứ làm gì mà bức xúc đến mức độ phải tuyệt giao với một người bạn cũ của mình. Chỉ cần nói một câu ngắn gọn, quý vị nhầm rồi, tôi không phải là TT.Kh là đủ.

Trong cuốn sách “Giải mã…”, tôi có phân tích tính cách của TT.Kh để so sánh với tính cách của bà Trần Thị Vân Chung: “Tôi nhớ lại những câu thơ của TT.Kh thuở xưa cũng nặng nề u ám như thế. Chẳng hạn như câu thơ “Là giết đời nhau đấy biết không/Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung...”. Độc giả có thấy rằng, nếu bà Thư Linh chỉ phạm “cái tội” như bà Vân Chung nói là “vu khống” cho bà là TT.Kh trong khi bà không phải là TT.Kh thì “cái tội” ấy có gì nghiêm trọng đâu. Người ta nói mình là TT.Kh chứ có nói gì xúc phạm danh dự nhân phẩm đâu mà phải giận dữ ghê thế! Sự giận dữ trong bức thư này thực tế vượt ra ngoài ranh giới bình thường. Nó cho thấy chỉ có bà Thư Linh phạm vào những “cái tội” như vi phạm lời thề không tiết lộ thân phận của bà Vân Chung chẳng hạn thì mới có sự giận dữ như vậy”.

Năm 1994, cuốn sách của ông Thế Phong tiết lộ rõ, nhà văn Thanh Châu chính là người yêu của bà Trần Thị Vân Chung, tức người yêu của TT.Kh. Sau năm 1975, ông Thanh Châu vào Sài Gòn lang thang nơi này qua nơi khác để tìm thăm bà Vân Chung. Khi vụ việc gây xôn xao dư luận, trong thư ngỏ của mình, bà Trần Thị Vân Chung phủ nhận luôn mối quan hệ yêu đương với ông Thanh Châu. Điều này khiến tôi bối rối hết sức. Vì kết quả giải mã của tôi cho thấy: TT.Kh phải là người yêu của nhà văn Thanh Châu, tác giả của truyện ngắn Hoa ti gôn in trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy vào năm 1937. Tôi quyết định kiểm chứng bằng cách đến gặp ông Thanh Châu để hỏi thẳng. Tôi dự tính, chỉ cần ông Thanh Châu thừa nhận ông và bà Trần Thị Vân Chung yêu nhau là đủ, không cần ông ấy phải thừa nhận Trần Thị Vân Chung chính là TT.Kh. Tôi rủ nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đi theo để làm chứng cho cuộc “thẩm định lịch sử” này. Tại nhà ông Thanh Châu, tôi đã gí sát máy ghi âm vào ông và hỏi đến ba lần. Ông Thanh Châu cũng xác nhận đến ba lần, bà Vân Chung chính là người yêu của ông. Thế là đủ. Nhưng tôi có máu tham, hỏi thêm một câu, bà Trần Thị Vân Chung có phải là TT.Kh không thì ông lắc đầu nguầy nguậy. Tôi thì đã lường trước nên coi đây là chuyện bình thường, nhưng nhà văn Nguyễn Khoa Đang lại thất vọng. Về nhà, tôi giải thích với anh: chờ đợi câu trả lời Trần Thị Vân Chung chính là TT.Kh là một tham vọng quá lớn. Không thể có lời xác nhận này. Vì câu thơ thuở xưa đã viết: “Cố quên đi nhé câm mà nín”. Người ta đã thề thốt thế rồi, làm sao tiết lộ?

Ông Thanh Châu nay đã về cõi vĩnh hằng, bà Vân Chung nếu còn sống cũng đã quá lớn tuổi. Không còn ai đứng ra để khẳng định hay phủ định. Nhưng tôi tin rằng, chỉ có người không nhận mình là TT.Kh mới có thể là TT.Kh.

* Trần Đình Thu

Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2023

Bốn tháng trên đảo Hoàng Sa

Bốn tháng trên đảo Hoàng Sa

Hồi ký của HOA NGHIÊM

Một quân nhân Việt Nam Cộng Hòa ghi lại những ngày nhọc nhằn lẫn thích thú khi theo gót Robinson Crusoe sống một thời gian trên hòn đảo hoang vắng. Ảnh chụp bài viết trên bán nguyệt san Thời Nay số 284 (1972)

---

Đại đội chúng tôi còn năm hôm nữa sẽ xuống tàu ra đồn trú ở đảo Hoàng Sa. Đơn vị chúng tôi là đại đội tiếp lực đóng tại Vĩnh Điện thuộc Tiểu đoàn X. Sau những năm dài vào sinh ra tử chiến đấu cam go, nay có dịp xả hơi nên tuy phải đổi ra một đảo hoang vắng mọi người đều có vẻ thoải mái. Ngay từ khi mới nhận được lệnh, chúng tôi liền giở thư báo tin cho người nhà biết và mua sắm các loại vật dụng cùng thực phẩm cần thiết.

Biết rằng Hoàng Sa là một quần đảo hoang vu không có dân cư, để chuẩn bị thức ăn tươi, ngoài số quan nhu vật thực do đơn vị đảm trách, các trung đội họp nhau vạch kết hoạch chung tiền mua hạt giống rau củ, đậu cà, mua gà con, heo giống đem theo nuôi, người ta còn mua cả lưỡi câu, lưới, chỉ, ny lông để bắt cá. Riêng cá nhân mỗi người đều sắm sửa mang theo nào tiêu, ớt, hành, tỏi, dầu, đường, bột mì. Người thì mang theo thuốc lá, cà phê hộp, sữa, sách, truyện, có người mang theo cả chó con, mèo và cả chim sao nữa. Chúng tôi chuẩn bị sống cuộc đời của nhân vật tiểu thuyết Lỗ Bình Sơn trên hoang đảo.

Vào lúc 5 giờ chiều, con tàu chở đại đội chúng tôi rời bến Đà Nẵng rẽ sóng về hướng đông. Chúng tôi vui nhộn khi xuống tàu nhưng độ vài giờ sau một phần lớn anh em không quen sóng đã nằm dã dượi khắp sàn tàu. Anh hạ sỹ Duệ đã tiên liệu sẵn cho mấy hộp thuốc trừ mửa nautamine nhưng không đủ để phân phát cho tất cả mọi người, chỉ biếu cho trường hợp các bạn say sóng quá nặng. Chiều hôm đó không ai dám ăn cơm no, có nhiều người đành chịu nhịn đói. Hai ngày ảm đạm chỉ thấy trời nước mênh mông chậm chạp trôi qua. Đến sáng ngày thứ ba thì tàu cập bến trước sự vui mừng chờ đợi của anh em binh sỹ đại đội trú đóng lâu nay trên đảo đang mong đợi ngày trở về quê nhà...

Hoàng Sa là một hòn đảo của biển Đông, giữ một vị trí chiến lược rất quan trọng ở Thái Bình Dương, nằm về phía đông nam của đảo Hải Nam được người Pháp trú đóng năm 1938. Sau đó thì bị quân đội Nhật chiếm cứ và sau này vào năm 1947 thì Trung Hoa cũng muốn dành, lạm nhận là thuộc hải phận đảo Hải Nam.

Đảo Hoàng Sa nơi chúng tôi trú đóng hình hơi thuân thuẫn dài khoảng 2 cây số và rộng độ 1 cây số. Lên đảo chúng tôi đi qua một đoạn đường cát vàng rộng chừng 20m, kế đến là một loại rừng thưa mọc toàn một loại cây lá to bằng bàn tay màu xanh lá chuối non mà tôi chưa hề gặp trong đất liền. Thân cây cứng và cao độ vài thước, lá mềm, người ta gọi là cây Trăng. Trong rừng thưa có đường sá ngang dọc lát đá hẳn hoi, dẫn đến trung tâm của đảo là nơi quy tụ những nhà cửa bằng gạch làm nơi đồn trú cho những đơn vị quân sự.
Nhà cửa ở đây đều xây bằng gạch, lợp ngói, khá đầy đủ tiện nghi, ngăn nắp, có nhà bếp, nhà vệ sinh, chuồng nuôi heo, nuôi gà, có bể đựng nước, có giếng, có chuồng ủ phân trồng cây... Người ta bảo rằng các cơ sở này do Pháp xây cất ngày trước để dự bị trong kỳ Thế chiến II không cho người nước khác chiếm, đặc biệt là người Nhật. Cách không xa nơi quân đội đóng là đài thiên văn do một nhóm 5 chuyên viên phụ trách với rất nhiều máy móc phức tạp để hằng ngày đo gió, đo nước mưa, tiên đoán thời tiết... Đây cũng là tổng đài vô tuyến điện mà đơn vị chúng tôi phải nhờ mỗi khi muốn liên lạc với đất liền.

Vắng thú rừng

Nhiệm vụ của đơn vị chúng tôi là cố thủ bảo vệ đảo này và kiểm soát mọi tàu bè ghe buồm đi vào hải phận thuộc đảo. Chung quanh đảo là một giải cát viền quanh, rải rác có tám toà pháo đài kiên cố xây mặt ra biển. Tuy vậy ban đêm chúng tôi không canh gác ở pháo đài mà chỉ thay phiên nhau chia từng tiểu đội đi tuần tra dọc bờ biển bao quanh đảo.
Ban ngày sau khi tập thể thao buổi sáng sớm, ngoài ban hoả đầu quân lo việc cơm nước cho đơn vị, chúng tôi phân công chia nhau toán thì tập dượt văn nghệ để thỉnh thoảng ban đêm trình diễn giải trí cho anh em, toán thì đi câu cá, câu mực, đi bắt cua, còng, sò, toán thì cuốc xới đất đai để trồng trọt các loại rau ớt, hành, ngò, toán thì phục trách chăn nuôi heo gà, toán thì đi kiếm củi, múc nước đem về nấu nướng...

Thảo một trên đảo đa số chỉ ròng rặc một loại cây Trăng lá to bằng bàn tay màu lá chuối non. Sai với điều tôi lầm tưởng là ở đảo có lẽ có nhiều dừa lắm nhưng ở đây chẳng thấy bóng dáng một cây nào cả. Gần các cơ sở xây cất có một cây vông nem khá lớn trổ hoa đỏ hoét là thứ hoa duy nhất mà chúng tôi gặp suốt bốn tháng trời trú ngụ trên đảo. Rải rác gần đài thiên văn có năm bảy cây dương liễu là thứ cây quen thuộc khi còn ở quê nhà. Cây vông và các cây dương liễu kia theo người ta nói là do người Pháp đã trồng trước đây. Để ý quan sát các loại rau cỏ dại tôi nhận thấy có loại ra muống biển mọc gần bờ biển, còn rải rác trên đảo thì có loại rau sam, rau dềnh, rau trai. Có thì có cỏ chi, cỏ cú, cỏ may ...

Trên đảo vắng thú rừng, chỉ có vài con heo hoang nghe đâu hồi trước được nuôi nhưng đã xổng chuồng chạy vào rừng luôn. Trên bờ bể thì có loại còng như bờ bể ở đất liền. Đặc biệt ở đảo này có loại cua vỏ màu xanh lục sanh sản rất nhiều, nuôi sống bằng lá cây Trăng thổ sản trên đảo. Thứ cua này bò chậm chạp dễ bắt nhưng lại leo cây rất giỏi và chúng thường làm ổ trong các bọng cây hoặc đào hang ở dưới gốc cây. Cua này quá nhiều ở khắp rừng trên đảo chứ không thấy xuống nước. Ban đầu chúng tôi còn bắt nấu cả con để ăn nhưng nhiều người chê bụng cua hôi mùi lá cây nên về sau chỉ bắt bẻ lấy hai càng cho nhiều thịt, còn cua thì thả đi. Không rõ về sau chúng có mọc càng khác hay không hoặc sống chết thế nào.

Ban đêm thì có những con vích to bằng mặt bàn từ dưới biển bò lên ven rừng thưa cạnh bờ cát để đào cát đẻ trứng. Vích là một loại rùa biển vỏ màu xám mà mềm hơn mu rùa đất, cũng chia làm mười ba mảnh, rất khoẻ mạnh, một người cưỡi trên lưng vẫn chạy như không. Thường đêm chúng từ biển sâu lên bờ đến ven rừng bới cát đẻ trứng. Chúng đẻ xong lấp cát lại như cũ, mỗi ổ có thể sắp đến một thùng rưỡi dầu hoả trứng. Trứng to hơn trứng gà nhưng vỏ mềm, luộc chín thì lòng đỏ đông cứng lại, còn lòng trắng thì cứ bầy nhầy chứ không rắn lại như trứng gà. Vích ban ngày lặn xuống biển sâu, ban đêm mới lên bờ đẻ. Chúng tôi thường rình bắt trong lúc chúng đang nằm đẻ bằng cách thình lình đến lật ngửa chúng ra và hè nhau khiêng về hạ thịt.

Đêm đầu tiên ra đảo chúng tôi bị một phen hoảng vía vì đang đêm bỗng được toán tuần tiễu báo cáo có nghe tiếng đào cát và tiếng thở hổn hển. Đơn vị tôi liền được cấp chỉ huy một mặt cho bắn bích kích pháo ngăn chặn quanh đảo, một mặt dùng vũ khí cá nhân bắn tưới hột sen vào các vị trí nghi ngờ. Nghe tiếng súng dữ dội, các nhân viên thiên văn đài chạy sang hỏi và sau khi được nghe kể lại như trên, các bạn ấy nói rằng đấy có thể là tiếng vích bới cát để đẻ trứng vì họ ở đây đã lâu nên đã nhiều lần nghe như vậy và đã có nhiều đơn vị trước đây cũng đã lầm như chúng tôi. Trung uý đại đội trưởng ra lệnh ngưng bắn, cho đi quan sát lại và quả nhiên tìm thấy có bảy tám con vích đang đào cát đẻ trứng. Từ đấy ban đêm chúng tôi chia nhau đi bắt vích, tính suốt thời gian trú đóng trên đảo bắt có đến bảy tám chục con.

Chung quanh bờ bể dưới nước không phải là bãi cát lài mà là một vòng đai san hô rộng khoảng 500 mét trên mặt sóng đánh phẳng lì. San hô mọc không đều nên khi nước thuỷ triều hạ xuống, có những vũng nước lớn như những cái đìa cạm bẫy chứa nào cá, mực, tôm, chình chưa kịp rút lui bị mắc kẹt. Chúng tôi chỉ việc lấy vợt xúc hoặc lấy dìu sắt đâm, đập đem về nấu nướng không phải dùng đến lưới bủa gì cả. Hải sản ở đây gồm đủ loại cá trên đất liền như các trích, cá ngừ, cá thu, cá chuồng, cá sòng, mực nang, mực ống, bạch tuộc...vv, tôm, hải sâm, sao biển, sứa cũng không thiếu gì. Hơi xa bờ biển một chút thì có cá heo, cá bò, cá mập. Một lần chúng tôi chèo ghe ra xa suýt bị đắm vì bầy cá heo bơi lượn chung quanh để đùa với chúng tôi.

Nhưng hải sản làm cho chúng tôi lưu tâm hơn cả là những con sò khổng lồ gồm hai mảnh vỏ to như hai chiếc nón lá Huế úp lại cũng rải rác nằm trong vòng đai san hô quanh đảo, vô phước ai dẫm chân lọt vào mồm nó mà nó ngậm lại thì nhất định là đứt nghiến cả ống chân. Ban đầu chúng tôi bắt loài sò này về nấu nướng cả con làm nhiều món ăn rất thích thú. Nhưng về sau nhiều quá ăn chán chúng tôi không ăn thịt cả con nữa mà chỉ bắt khiêng về dùng dao bén xẻo lấy hai sợi gân khổng lồ khép mở miệng sò to bằng bắp tay thái mỏng thành tấm theo kiểu máy gọt gỗ bút chì phơi khô để dành đem về biếu bạn bè nhắm rượu.
Ngôi đền thiêng

Nói đến những con sò khổng lồ này tôi không khỏi nhớ đến cái chết của anh Tế, một bạn đồng đội hiền lành mà đến nay vẫn còn là một nghi vấn trong đầu óc mọi người.

Nguyên gần bến tàu trên đảo có một cái đền tục danh gọi là Đền Đức Bà. Bến tàu nầy xây ở phía nam của đảo Hoàng Sa để tránh gió Bắc những khi biển động. Đền là một toà nhà xây rất kiên cố, lợp ngói, nhìn kiến trúc bên ngoài khi mới đến chúng tôi không ngờ đấy là một ngôi đền. Cạnh đền có một bảng lớn bằng mặt bàn một bên khắc chữ nho, một bên khắc chữ Pháp ghi sự tích người đầu tiền khám phá ra đảo nầy. Trong đền, trên bệ thờ là một bức tượng đồng đen đúc và trạm trổ một nữ thần đầu đội mũ giống như nơi tượng đài Địa Tạng Bồ Tát, một tay cầm một vật giống như gậy tích trượng, một tay để trên đùi. Người ta không biết gốc tích pho tượng này ở đâu chỉ nghe rằng người Pháp trước đây đã nhiều lần dự định chuyên chở đi nơi khác nhưng không thành công vì không xê dịch nổi hoặc khi thì xảy ra tai nạn ghe tàu, khi thì người chủ trương bị chết thảm ...

Trước những hiện tượng siêu nhiên, cuối cùng người Pháp cũng đành nhượng bộ lập đền thờ pho tượng này ở cách bến tàu không xa. Các đơn vị lúc đến đồn trú hay trước khi rời đảo ra đi đều có làm heo gà tế lễ rất trọng thể xem như vị thần bảo hộ cho đảo. Rằm, mồng một hàng tháng các đơn vị đều có cắt người hương khói trang nghiêm.

Người ta nói rằng trước đây ngay cả người Pháp cũng thường thắp hương cúng thần tượng trong đền này khi đến cũng như lúc ra đi. Dưới bờ biển, ngay trước đền có một đầm nước khá sâu giữa đám san hô, trong đầm này mỗi khi nước rút người ta thường thấy rất nhiều tôm cá, đặc biệt là có một cặp mực nang dài hơn một thước và thật nhiều con sò khổng lồ to lớn hơn những nơi khác rất xa nhưng không ai dám bắt vì e ngại khi nghe người ta bàn tán với nhau rằng đó là cặp ngựa của ngài và những con sò linh thiêng chầu hầu Đức Bà.

Trong trung đội tôi có anh Tế có tiếng là bạo gan, một hôm rắn mắt xuống bắt mấy con sò thật to đưa về cắt gân đem phơi. Từ đó anh đau èo ọp và đâu độ 20 hôm sau thì anh ta chết, ngày nay mộ anh vẫn còn cô quạnh trên đảo vắng.
Người ta bàn tán với nhau là anh bị Đức Bà phạt, nhưng thực ra trong lúc anh đau thì trong đại đội tôi đã có đến mười người dần dần lâm bệnh có triệu chứng như anh, uống thuốc đem theo thứ gì cũng thấy không thuyên giảm. Chúng tôi từ độ ấy sáng nào cũng chăm tập thể thao, nhiều bạn lại rất siêng năng hương khói Đền Đức Bà và cũng từ đấy chúng tôi sống trong phập phồng lo ngại...

Ba tháng vui vẻ trôi qua nhưng chúng tôi đã sống trong sự ảm đạm và ái ngại từ ngày một số anh em đồng đội chúng tôi lần lượt ngã bệnh. Anh Hương, anh Oanh không còn vui vẻ kể chuyện khôi hài sau các bữa ăn. Anh Minh, anh Lương và anh Thuận biếng đánh đàn, thổi sáo. Anh Đức, một người nhiệt tâm tỷ mỉ sưu tầm công phu các loại vỏ sò, ốc không còn thơ thẩn ven bể nhặt những mẩu vỏ sò, có màu sắc rực rỡ như ngày nào. Anh Hinh, anh Mít chuyên viên đi tìm ổ trứng vích trên cát chán nản suốt ngày nằm lên nằm xuống dã dượi.

Anh Tấn, anh Liệu bị bệnh nặng hơn cả, hai chân tê bại, hai ống chân các các ngón chân không cử động được chút nào mặc dù trước đây đã cố gắng tìm cách ngăn ngừa bằng thể dục, tắm nắng, xoa bóp. Hai anh buồn tủi sống trong tuyệt vọng, vẫn thường nuốt lệ khóc thầm. Anh Hoan, anh Bình, anh Hách hai chân phù thũQqng, tiểu tiện ít đi. Anh Lân, anh Hiền trước đây là những lực sỹ có hạng lại nổi tiếng là giỏi võ Bình Định một mình địch nổi 10 người nay bỗng mắc chứng nhọc mệt, hồi hộp. Mỗi khi gắng sức làm việc gì là tim đập mạnh, đau ở ngực, thỉnh thoảng còn đau nhói ở tim, dùng đủ mọi thứ thuốc đau tim, bổ tim của ban y tế đại đội mang theo nhưng hoàn toàn vô hiệu. Một số khoảng 20 anh em khác thì sức khoẻ suy nhược, ăn mất ngon, gầy trông thấy hoặc mê mệt ngồi đâu ngủ đấy.

Có một điều lạ là bầy gà còn lại hơn bốn trăm con của chúng tôi trước kia khoẻ mạnh dong dảy nay cũng thấy nhiều con mắc bệnh biếng ăn thường nằm tựa mình vào thành chuồng như thể chân bị đau, cánh xệ, nếu xua đuổi làm cho chúng hoảng sở chúng run rẩy đứng dậy đi vòng quanh chuồng loạng quạng và xiêu té. Năm bảy hôm sau những con gà ấy bị tê liệt không đi được nữa và chẳng bao lâu thì chết.

Chúng tôi bàn tán với nhau có lẽ khí hậu trên đảo không hạp với người ở đất liền và khắc khoải trông đợi cho chóng đến ngày trở về Đà Nẵng.

----

Phần II: NGƯỜI KHÁCH LẠ KỲ DỊ

Ngày nối ngày lặng lẽ trôi cho đến một buổi trưa kia có một chiếc ghe buồm cỡ nhỏ cập bến. Thuỷ thủ và khách khách vỏn vẹn chỉ có một người trạc độ 40, mặt mày thông minh và rắn rỏi. Ông ta trình giấy tờ và tự giới thiệu bằng tiếng Việt ông ta tên Kimuara, một nhà nghiên cứu về hải tảo học, có bằng Tiến sỹ vạn vật học, hằng năm thường đi khắp các đảo ở Thái Bình Dương để khảo sát liên quan giữa khí hậu và sự nảy nở các loài rong biển.

Ông ta cho biết hồi năm 1943 ông ta đã từng trú ngụ 3 năm tại Đông Dương để nghiên cứu về thảo mộc ở đây. Sau khi xem xét giấy tờ và kiểm soát ghe buồm chúng tôi hân hoan tiếp nhận người khác ngoại quốc mới.

Ngoài những giờ nghiên cứu rong rêu chung quanh đảo ông ta sống gần gũi thân mật với chúng tôi nhưng có một điều mời ông ta ăn chung với chúng tôi thì ông ta nhã nhặn từ chối và hằng ngày tự kiếm củi rồi xuống ghe lấy gạo lên thổi cơm ăn lấy một mình với một vài món ăn rất thanh đạm như rau cỏ hoang hái trong rừng hoặc rong bể nhặt ở quanh đảo xào với dầu và muối hoặc luộc ăn với tương hoặc sì dầu gì đó. Những món gà vịt hoặc tôm cá bắt được chúng tôi biếu ông ta thỉnh thoảng chỉ ăn chút ít thôi.

Một buổi sáng nọ, nhân lúc đưa ông ta đến xem trại chăn nuôi của chúng tôi, thiếu uý Hoan than phiền khí hậu ở trên đảo không được tốt lành, gà vịt và người ta ở lâu đều dần dần bị nhiễm khí độc của phong thổ rồi ngã bệnh. Ông ta nghe vậy tỏ vẻ đặc biệt lưu ý đến những con gà bệnh và sau một hồi xem xét kỹ lưỡng bệnh trạng từng con một, thức ăn và phân của chúng, ông ta ngỏ ý muốn chữa bệnh cho đàn gà xơ xác hiện có nhiều con dở sống dở chết vì chứng lơ ăn, thũng và bại. Dĩ nhiên là chúng tôi vui vẻ nhận lời, thêm vào đó óc tò mò muốn xem thử thuốc men của Nhật thần hiệu đến mức nào? Ông ta chọn ngay 10 con gà lớn có, nhỏ có, bệnh tình trầm trọng nhất, nhốt riêng một nơi và vội vã xuống ghe mang lên một chiếc hộp giấy bên trong có chừng 3 lon gạo bốc từng nắm nhỏ cho lồng gà bệnh nặng đó ăn dần cho đến khi no. Chúng tôi đợi ông ta cho gà uống thuốc xem thử thuốc gì nhưng chẳng thấy ông ta làm gì khác hơn.

Chúng tôi hỏi thì ông ta chỉ mỉm cười trả lời đây là thứ gạo đặc biệt được chế luyện sẵn thuốc bên trong rồi. Chúng tôi động hiếu kỳ xúm nhau vốc mỗi người một ít để quan sát thì thấy đấy chỉ là một thứ gạo đen điu chưa giã, ngửi xem thì cũng chẳng thấy có mùi thuốc men gì lạ, có người đánh bạo mum ít bột nếm thử cũng không thấy hương vị cay đắng chi đặc biệt.
- Xin các bạn yên lòng đợi kết quả, sớm thì độ 4,5 giờ sau, mà có chậm lắm thì một hai hôm là cùng. Ông Kimura hình như nhận thấy sự hoài nghi trong thái độ của chúng tôi nên đã nói với chúng tôi như vậy.

Chúng tôi giải tán chờ xem kết quả, còn ông khách Nhật thì mang số gạo còn dư lủi thủi xuống ghe.

Trưa hôm ấy tôi đang ngủ ngon giấc thì anh thượng sỹ Đính đến gọi giật giọng đánh thức tôi dậy:

- Ê, Hùng dậy xem! Có lẽ thằng cha Nhật đó khai gian nghề nghiệp rồi.

Tôi giật bắn mình ngồi dậy hốt hoảng hỏi:

- Gián điệp hả? Đến dọ thám đơn vị ta à? Tóm được tài liệu rồi sao?

Anh Đính chậm rãi đáp:

- Không phải vậy. Thằng cha Nhật đó có lẽ là bác sỹ thú y. Mới hồi sáng đến giờ mà mấy con gà mạnh cả rồi, chỉ có mấy tiếng đồng hồ sau khi ăn gạo của ông ta, các con gà đau gần chết bây giờ đều đứng dậy chạy quanh chuồng bằng chính cặp chân đã tê liệt bại xuội mấy hôm nay.

- Chỉ có thế mà làm người ta hoảng hồn!

Tôi theo anh Đính xuống chuồng gà và tuy đã nghe nói trước vẫn không khỏi ngạc nhiên thấy bầy gà liệt nhược xơ xác hồi sáng bây giờ bỗng trở nên tươi tỉnh và đi lại xung xăng quanh lồng. Thế rồi người này gọi người kia, chẳng bao lâu gần hết cả đại đội tôi đều đổ xô xúm đến xem phép lạ. Mọi người bàn tán rất nhiều mỗi người một câu ca tụng người Nhật thông minh hơn Tây và thuốc Nhật thần diệu! Trung uý đại đội trưởng ngỏ ý mua thêm một ít gạo quý giá kia để dự trữ và chữa cho những con gà khác đang đau. Ông Kimura vui vẻ tặng một bao lớn khẳn kín trong giấy ny lông và ba hôm sau thì tất cả những con gà bệnh đều lần lượt lành mạnh lại hết.

Nhớ lại câu chuyện này về sau hồi năm 1969, tôi có nuôi mấy chục con gà Mỹ cứ bệnh chết dần cho uống thuốc trụ sinh đủ thứ mà không bớt. Sau tôi thử dùng thứ gạo này thì quả nhiên một số lớn được cứu sống.

Bệnh quỷ thuốc tiên

Trong bữa ăn thân mật tổ chức để tỏ lòng cám ơn, lúc truyện trò anh Đờn đã kể tình trạng bệnh tật đang bành trướng trong đơn vị chúng tôi và hỏi ý kiến ông Kimura về cách chữa trị. Sau một hồi suy nghĩ, ông ta xin đến thăm các bệnh nhân và ngỏ ý nhận chữa những anh em nào tình nguyện chịu chữa theo phương pháp đặc biệt của ông ta. Trung uý đại đội trưởng ban đầu có đôi chút đắn đo về trách nhiệm nhưng sau đó thì đổi ý vui vẻ nhận lời. Anh Tấn và anh Liệu bị tê bại đang sống trong tuyệt vọng nghe vậy giơ tay tình nguyện lập tức, anh Bình, anh Hiền sau một phút do dự hỏi ý kiến nhau cũng xin chữa trị.

Ông Kimura lại xuống ghe lễ mễ mang lên một bao gạo chừng 10 kí lô, một gói mè và một chai tương nhỏ. Chúng tôi bu quanh để xem ông trị bệnh.

- Trưa hôm nay tôi phải nấu và ăn ở đây một bữa để các bạn tập nấu và tập ăn cho đúng cách. Đây là lối thực tập để trị bệnh cho đúng phép.

- Ăn mà cũng phải tập nữa sao bác sỹ? Chắc sau khi ăn bác sỹ còn châm cứu cho bệnh nhân?

- Cần lắm chứ, người ta sở dĩ bệnh tật là vì cẩu thả trong cách ăn uống. Tôi không dùng đến khoa châm cứu để trị bệnh ở đây.

Thế rồi ông ta đong ba lon gạo, đích thân vo gạo, đổ nước bắc lên bếp. Ông giảng giải: "Gạo này vì không giã, nấu hơi lâu chín nên phải đổ nước nhiều hơn". Lúc cơm sôi một chốc ông đổ vào một muỗng muối sống. Cơm cạn ông đậy nắp thật kín, bớt lửa, gạt than và để trên bếp hơn nửa giờ sau mới duông xuống. Thức ăn thì có muối mè, một nhúm rau luộc chấm với nước tương. Trước khi ăn ông giải thích: "Điều quan trọng nhất trong cách ăn để chữa bệnh này là phải nhai thật kỹ, nhai 100 lần một búng cơm, chờ cơm biến ra nước hồ mới nuốt". Và bữa cơm thực tập đó bắt đầu, tuy thức ăn đạm bạc nhưng bốn bệnh nhân vui vẻ vì có ông khách bác học kia cùng tham dự, chung quanh lại có bạn bè tò mò lại xem. Cơm ít lại lạ miệng người nào cũng khen ngọt, béo ngon và ăn xong vẫn thấy còn thèm ăn nữa. Trước khi ra về ông Kimura dặn kỹ là ngoài bữa ăn không được ăn bất cứ thức gì khác và trong những bữa ăn sau không được ăn quá no dù là nhai kỹ ...

Ba ngày trôi qua, phép lạ đã xuất hiện, hai chân anh Bình đã hết thũng; đến ngay thứ năm thì anh Hiền vui vẻ trở lại không còn mệt nhọc và hồi hộp nữa. Sáng hôm đó anh thử đi lại một bài quyền và cảm thấy đã bắt đầu phục hồi phong độ cũ. Mọi người đều có nhận xét như nhau là đi đại tiện rất tốt và ngủ rất ngon giấc. Anh Liên tê bại xem mòi bệnh trạng nặng hơn cả nhưng đến ngày thứ 7 thì cũng đã đứng dậy đi lại nhúc nhắc trong phòng, anh Tấn như được khuyến khích, đến sáng ngày thứ 9 cũng bắt đầu cử động được các ngón chân và đến chiều thì anh sung sướng đứng dậy nốt. Kết quả trọn vẹn xảy ra như một phép lạ.

Chúng tôi trong thâm tâm ai cũng muốn hỏi cách tẩm luyện thứ gạo huyền diệu này nhưng nghĩ rằng người ta ai lại dại gì mà chịu truyền bí quyết quý giá đó nên không hỏi nữa. Gạo quý chỉ còn độ 3 kí lô. Anh Hoan, anh Hách, anh Luân và độ 20 anh em khác sững sờ lo âu và hối tiếc bỏ mất dịp may. Ngày mốt ông Kimura sẽ từ biệt để đến khảo cứu các thứ rong biển lạ ở đảo Lô be cách đảo này chừng 2 hải lý về phía Tây Nam. Vị cứu tinh đi rồi, ai sẽ cứu chữa cho các người bạn chúng tôi đang đau?

Trước khi ra đi, trong lúc dự bữa tiệc tiễn đưa, ông Kimura mới tiết lộ cho chúng tôi biết rằng thứ gạo quý giá trị bệnh lâu nay không hề có tẩm luyện thuốc men gì cả. Nó chỉ được tẩm luyện bằng khí âm dương của Trời Đất, nó là thứ gạo thiên nhiên nguyên vẹn, không giã bỏ phần cám bên ngoài, nó là gạo lứt. Chúng tôi há hốc mồm ngạc nhiên, nhưng ông mỉm cười cho chúng tôi biết rằng đây là phương pháp trị bệnh do một vị thánh y Nhật tên Ohsawa phát minh, có khả năng chữa lành tất cả mọi bệnh nan y như ung thư, đau tim, phong cùi, huyết áp cao, lao, điên ...vv

Những bệnh các bạn tôi hiện mắc chỉ là những bệnh rất tầm thường mà người Nhật gọi là bệnh Kakke mà tại các trại binh, nhà tù, cô nhi viện, ký túc xá học sinh thường mắc phải. Và ông kết luận một cách rất buồn bã rằng từ ngày hấp thụ văn minh Âu - Mỹ, ở Á Đông ta đã đi trái thiên nhiên vì vô ý thức ăn gạo máy cho nên bao nhiêu trẻ sơ sinh đã chết bất thình lình trong vòng tay người mẹ, bao người trẻ trung mắc những bệnh nan y và người già cả bị phù thủng hay tê liệt hoặc mắc ác bệnh do tê liệt thần kinh vì đã dại dột không biết mà bỏ lớp vỏ lụa quý giá bên ngoài của hạt gạo làm khiếm khuyết sự toàn thể của hạt gạo thiên nhiên, và làm chênh lệch mức quân bình âm dương của thức ăn quý giá Trời đã ban cho loài người.

Ông lại biếu cho đơn vị chúng tôi thêm 50 kí lô gạo lứt để chữa nốt cho những anh em đang bệnh và từ giã đảo trước sự luyến tiếc của chúng tôi, nhưng hình ảnh vĩnh viễn ghi sâu trong tâm khảm chúng tôi từ ngày ấy.

Ngày về

Nửa tháng sau, tất cả anh em trong đơn vị chúng tôi đều được khoẻ mạnh, gạo lứt cũng vừa hết và hai hôm nữa thì đúng bốn tháng là ngày chúng tôi xuống tàu trở về Đà Nẵng, tiếp tục cuộc đời chinh chiến, nhường đảo lại cho một đơn vị bạn tạm dừng bước nghỉ ngơi...

Kỷ niệm xưa mờ trong ký ức dày đặc khói lửa chiến tranh. Mới đây nhân tình cờ xem tác phẩm "Zen và Dưỡng sinh" nói về phương pháp ăn gạo lứt của giáo sư Ohsaza, lại nhân xem bản báo cáo đăng trên tạp chí California Tomorrow công bố dưới nhan đề "Tàn phá Đông Dương - di sản của sự có mặt của chúng ta" của một phái đoàn bác học thuộc Đại học đường Stanford tuyên bố rằng đất đai Việt Nam bị chai cứng trong nhiều năm vì thuốc khai quang. Bản báo cáo còn cho biết: "Khi chiến tranh kết thúc, sự khắc khổ mới chỉ bắt đầu". Tôi sực nhớ lại những ngày thân thương trên đảo vắng, hy vọng nếu có đọc giả quân nhân nào có dịp đi trú đóng dài hạn ở đảo Hoàng Sa hoặc một chốn xa xăm nào nhiều lam sơn chướng khí nên nhớ mang theo một ít gạo lứt của quê hương để phòng thân khỏi lo ốm đau khi xa người thân quyến./.
...

(Đất và Người Nam Kỳ)
#Annam #Yakukohaiyo