Chẳng phải lần đầu tiên “tiêu chuẩn” của vùng miền được bày ra, tạo nên những cuộc tranh cãi trên báo chí Việt Nam, bao gồm cả những ngôn ngữ và ý kiến hạ thấp nhau, nhưng với đợt bài viết lần này, nó không những chỉ ra sự dốt nát và tồi tệ của người viết, tổng biên tập tờ báo… mà còn chỉ ra phần nội thương không bao giờ được chữa lành trong lòng dân tộc Việt, dù có cờ trống hô vang bao nhiêu đi nữa về việc thống nhất địa lý, nay đã gần 40 năm.
Gọi là nội thương, vì trong những câu chuyện tưởng chừng như là lời nhận định riêng tư, chia sẻ, thì nó lại ẩn giấu không biết bao nhiêu là điều nhầy nhụa của lòng kỳ thị, chán ghét lẫn nhau. Sự phân biệt Bắc Nam trước đây có thể chỉ là những nhận định mang tính dân gian, nhưng nhờ vào những bài viết như vậy, mới bật ra được một thực tế rằng sự kỳ thị đó vẫn nằm trong đầu của nhiều người, kể cả những người có quyền cho đăng hay không những bài viết như vậy. Một thực tế bật ra về chuyện dân tộc Việt có những lớp người như đang miễn cưỡng phải chung sống với nhau, dựa trên lý do có quá nhiều sự khác biệt, ghét bỏ nhau về văn hoá, chính trị, đời sống… trong suốt mấy mươi năm chia cắt vì chiến tranh, chia cắt về quan điểm, mà mãi chưa quen được vì sự chung đụng trong thời thống nhất và phát triển đầy bất cập.
Nhưng hãy tạm thời gác lại câu chuyện nội thương cho một bài viết khác, ở đây, chúng ta hãy nói về người phụ nữ Việt Nam trong chế độ xã hội chủ nghĩa.
Một anh bạn làm báo lâu năm ở Miền Nam, khi đọc bài viết này, đã tức giận gửi thư cho toà soạn phát hành bài viết này, rằng nếu không rút xuống và xin lỗi, anh sẽ gửi đơn kiện vì phỉ báng phụ nữ miền Nam. Cũng giống như trước đó, một bạn nữ người Hà Nội cũng làm trong nghề báo, khi đọc được những dòng mỉa mai phụ nữ Bắc, đã viết trên facebook “chắc phải bỏ nghề thôi, báo chí bây giờ thật thối nát kinh tởm”. Nhưng cần nhìn kỹ hơn, báo chí thối nát cũng chỉ là một phần. Thối nát đến từ âm mưu thoả hiệp cho xuất hiện những ý tưởng ngu xuẩn đó, cũng như thối nát nằm sẳn trong đầu của giới lãnh đạo truyền thông, mà chắc chắn là những người tự gọi là đàn ông.
Những người phụ nữ miền Bắc lặng lẽ đọc từng câu chỉ trích cay nghiệt về mình, và rồi tới những người phụ nữ miền Nam sửng sờ thấy mình bị xô về phía tệ hại nhất. Họ bị từng nhát dao của nền báo chí vinh quang xã hội chủ nghĩa lách vào từng đường gân, thớ thịt, cắt móc và trưng bày như những món hàng định giá để được chọn. Trong những bài sớ tâu lên vua chúa Trung Quốc ngày xưa, giới quan lại phục vụ cho sự hưởng thụ của triều đình vẫn phân loại phụ nữ ở Giang Nam, Tô Châu… với những đặc tính khác nhau cho dễ chọn lựa. Chỉ vài bài viết của nền báo chí xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện đại hôm nay, với cách phân loại phụ nữ cho nhu cầu của mình, Việt Nam hôm nay sao nghe không khác gì một triều đại phong kiến đang thối nát mục rữa, và phụ nữ bị xếp vào một đẳng cấp hèn mọn.
Chúng ta đừng bao giờ ngạc nhiên khi lâu nay, các đoạn video bắt được phụ nữ bán dâm, công an chỉ làm nhục và phô bày họ, còn giới mua dâm là đàn ông – thì luôn phải được dè dặt tính toán là có nên công khai tên họ hay không. Trở lại câu chuyện năm 2011, làm chấn động khắp nơi về ông hiệu trưởng trường THPT Việt Lâm Sầm Đức Xương ở Hà Giang, sau khi bị phát hiện là cưỡng dâm, mở đường dây bán dâm phục vụ cho quan chức từ học sinh nữ của trường mình quản lý, thì chỉ có các nữ sinh là luôn khốn đốn trong vòng vây chính quyền.
Phụ nữ Việt Nam tệ lắm không? Và từ lúc nào, họ trở nên bé mọn và dễ dàng bị chà đạp như vậy trong xã hội hiện tại, lại được ca ngợi là một xã hội đáng sống nhất? Những câu chuyện cũ được nhắc lại, chỉ để giới thiệu những điều sỉ nhục dễ dàng đến với phụ nữ Việt hôm nay, là một tiến trình, chứ không là vô tình. Nó xé rách những vỏ bọc màu mè và sáo rỗng về quyền con người và giá trị phụ nữ Việt trong cuộc sống này, vẫn được tuyên truyền vào từng đợt lễ lạc hay thậm tuyên như những trò hề.
Trong một chuyến bay từ Đài Loan về Việt Nam, tôi vô tình ngồi gần các cô gái miền Tây đi lấy chồng xứ người. Khi hỏi thăm về gia cảnh, tôi được biết một sự thật khác so với những gì báo chí hay nói. Hầu hết những người phụ nữ trẻ này chọn lấy người chồng ở rất xa vì muốn giúp điều gì đó cho gia đình, và tự mình muốn thoát khỏi cuộc sống không lối thoát ở thôn quê. Khi hỏi về vấn nạn bị chồng Đài Loan đánh đập, một cô gái đã cười hồn nhiên nói “Không phải ai cũng bị như vậy, báo chí nói quá. Nhưng nếu như có bị đánh ở Đài Loan, tụi em còn được báo chí xứ đó lên tiếng giùm, chứ ở Việt Nam, lấy một ông chồng say xỉn rồi bị đánh chết cũng không ai lo cho mình”. Dĩ nhiên đây là một trong nhiều cách để giải thích cho chuyện phụ nữ miền Tây Nam Bộ Việt Nam ồ ạt lấy chồng ngoại quốc sau 1975, kể từ thời Nhà nước xã hội chủ nghĩa nắm quyền, nhưng không thể ngu ngốc và hoang tưởng như một vị tiến sĩ xã hội học, đảng viên CSVN, từng nhận định rằng do ít ý thức về đức hạnh mà phụ nữ Nam Bộ thường hay lấy chồng ngoại.
Sau sự kiện các bài viết đầy tính kỳ thị, và xúc phạm người phụ nữ Việt vào giữa tháng 8/2014, nhiều nơi đã rút bài đăng lại xuống, do sự phản ứng của độc giả. Nhưng đó không là một tín hiệu hoàn toàn tốt. Cội rễ của sự thối nát truyền thông vẫn đâu đó, lùi bước chỉ là một cách đối phó. Rồi đây chúng ta sẽ lại bắt gặp những đề tài như vậy nay mai. Xin đừng tức giận mà hãy đếm, vì đó là những tiếng chuông cuối cùng, báo hiệu sự cáo chung của nền báo chí lá cải xã hội chủ nghĩa, vốn được dung dưỡng bấy lâu nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét