Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Tuyệt tích “ông” cá nược


“Nược ơi đua. Nược ơi đua” - nhiều lão ngư nhắc với chúng tôi câu thoại như một từ khóa bước vào thế giới của loài cá heo vui tính (cá heo Irrawaddy, hay còn gọi là cá nược Minh Hải) từng một thời xuất hiện trên khắp các con sông lớn ở miền Tây.

Cá nược một thời tung tăng trên sông nước miền Tây - Ảnh: WWF
Chừng 30 năm trở về trước, người ta còn thấy loài cá nặng chừng 100kg, thân hình “giống chiếc phản lực”, hay khịt lên những vòi nước cao quá đầu... xuất hiện bên những đoạn sông ít người qua lại.
Những “nghệ sĩ” trên sông
Những dòng sông chở đầy nhiều câu chuyện về các loài “quái ngư”, từ cá tra dầu, cá vồ cờ, cá đuối đến những loài cá gây ra nhiều ám ảnh một thời như cá mập, “cọp nước” cá bông gấm, cá kiếm... đã không còn là thế giới của những bí ẩn, chết chóc nhưng cũng đầy thú vị nữa.
Trong số những loài cá vắng mất trên các dòng sông ở miền Tây, có lẽ không loài cá nào mang lại nhiều niềm vui cho đời sống trên sông như cá nược.
Người miền Tây còn gọi cá nược là “ông” nược. Trong ký ức những người cao tuổi ở đây, cá nược một thời chạy có bầy trên sông. Loài cá này thân thiện đến mức có thể đùa giỡn và cùng đuổi bắt cá với ngư dân.
Nhiều ngư dân vẫn tin rằng loài cá này có “cốt người” và cứ thế chúng sống hiền hòa với con người nơi đây từ thuở khai hoang đến khi tuyệt tích.
“Mấy lần thấy xác cá chết trôi sông, tụi tui mang lên chôn, thấy chúng có vú móm như người ta vậy” - ông Phan Thanh Lễ (ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân, An Giang) nói và cho biết ngư dân vùng sông Hậu luôn xem loài cá nược “hơn cả con chó, con mèo trong nhà”.
Dòng Vàm Nao chảy cuộn chia nước từ sông Tiền sang sông Hậu cũng là nơi tụ hội đủ loài cá quý. Dòng sông đầy cảm xúc cũng là nơi của những ngư dân lão luyện “biết tính” của từng loài cá.
“Khúc sông nhà tui trước có bầy nược hay qua lại. Chiều buồn không biết làm gì thì gọi “nược đua”, chút xíu cả bầy nhào lộn thấy thương lắm! Mình càng vỗ tay, chúng càng nhào lộn trên mặt nước giống như làm xiếc vậy”, ký ức chợt thắp lên ánh lửa trong đôi mắt của lão ngư định bỏ nghề này.
Khi nghe nhắc đến loài cá nược, nhiều người cao tuổi sống bên dòng Vàm Nao đều có những câu chuyện để kể: “Sống ở đây người nào làm biếng thì cứ mang chài ra bờ sông rồi hô lớn “nược đua”, không lâu sau cá nược sẽ “kéo bầy kéo cánh” nhào lộn trên mặt nước.
Lúc này, nhiều loài cá hoảng sợ đâm vào bờ. Cứ thế mà tha hồ chài bắt” - giọng ông Lễ gấp gáp như sợ không kể hết những câu chuyện dồn nén mà ông ít khi được kể.
Những câu chuyện đó cứ lặp đi lặp lại từ người cao tuổi này đến người cao tuổi khác trên đoạn sông cái mà chúng tôi đi qua.
Ông Huỳnh Văn Chưa (Hai Chưa, 74 tuổi), hàng xóm ông Lễ, nói những năm 1960, 1970 nhiều ngư dân đóng chà bắt cá trên sông Vàm Nao cũng “hợp tác làm ăn” với các bầy cá nược.
Khi gần bao lưới, dỡ chà bắt cá, chủ chà hay “huy động” bầy cá nược quần thảo quanh khúc sông gần đống chà. Đến khi tôm cá sợ chạy hết vào chà thì họ mới tiến hành bao dí.
Khi thu hoạch được cá, nhiều chủ chà cũng “lại quả” cho bầy nược đã “có công” đuổi cá vào chà mớ cá kiếm được. “Thế thôi chúng cũng vui mà quanh quẩn khúc sông này” - ông Chưa nhớ lại.
“Chúng khoái giỡn hớt như con nít vậy. Chèo xuồng mà gọi “nược đua” là thế nào cũng có mấy ông lộn ầm ầm, khịt nước tứ tung theo xuồng. Mình càng lớn tiếng thì “mấy ổng” càng quậy.
Chúng hiểu tiếng người ta hết thảy hà” - bà Trần Thị Biếc (68 tuổi) nói và cho biết chưa có loài cá nào trên sông Hậu mà bà biết đến có thể “hòa đồng” với con người như cá nược.
Kết thúc những câu chuyện đẹp về loài cá nược thường có mẫu số chung là về sau này, khi người ta gọi khan tiếng cũng không còn thấy chúng xuất hiện đâu nữa.

Cá nược vẫn sống hiền hòa trên thượng nguồn sông Mekong (Campuchia) - Ảnh: Arkive
“Hết chỗ” cho cá nược
“Dân ở đây sức mấy mới bắt cá nược. “Mấy ổng” chết trôi vào bờ người ta còn mang chôn, cúng kiếng đàng hoàng” - lão ngư Chín Dứt nói. Thế nhưng các ngư dân ở đây lại bất lực nhìn những người từ nơi khác tới lùng bắt cá nược.
Những người này đuổi theo từng bầy cá vốn không biết sợ con người để tha hồ đánh lưới, phóng lao. Lúc này, từ khóa “nược đua” vô tình đã làm hại loài cá vốn quá tin vào những ngư dân hiền lành của chúng.
Những người lạ cũng gọi “nược đua”, chúng nổi lên thì bị những mũi lao cắm vào người. Máu chảy loáng một khoảnh sông. “Chúng tôi không cản họ được. Không ai ngăn ai được” - ông Chưa chua chát.
“Cá nược dường như hiểu tiếng người. Chúng nhào lộn trên sông, người ta la hét không sao. Nhưng có người nói “Chà Và tới” lập tức chúng lặn hết” - ông Lễ kể. Các ngư dân đánh bắt trên sông mỗi khi thấy những người săn cá nược tới thì hét lên câu cảnh báo, tức thì chúng lặn mất tăm.
“Ngày xưa câu lưới ít, cá trên sông còn có nơi để sống. Chứ bây giờ lưới vây thiên la địa võng, cá nược mà còn cũng sa lưới hết. Tung hoành, giỡn hớt như cá nược là dễ dính lưới lắm” - ngư dân Nguyễn Văn Hón (67 tuổi, ấp Vàm Nao) nói và cho biết ngày trước giăng lưới bắt cá hô, cá bông lau xui xẻo lắm mới mắc phải cá nược. “Tui có lần giăng lưới dính cá nược. Năm đó xui đến mức má tui bị bắt bỏ tù” - ông Hón kể.
Thế rồi gần 20 năm sau, người ta mới nghe có người giăng lưới dính phải cá nược. Bà Nguyễn Thị Biếu (68 tuổi, ấp Trung 2, xã Tân Trung, huyện Tân Phú, An Giang) là má của anh Nguyễn Văn Sáng (41 tuổi), ngư dân sớm bỏ nghề vì vô tình giăng lưới dính cá nược.
Bà kể: “Chuyện cách nay chục năm rồi. Lúc đó thằng Sáng nhà tui đi giăng lưới cá bông lau. Lần đó nó dính con cá chừng cả trăm ký. Tính là trúng mánh rồi, nó mang cá ra Long Xuyên bán. Nhưng tới đâu người ta cũng lắc đầu. Có một thương lái ra giá 1.000 đồng/kg để mua... mang đi chôn. Khi hỏi ra mới biết đó là cá nược. Nó run bẩy rẩy chở cá về chôn bên bờ sông Cái.
Đến hôm sau thì không biết ai đã quật mồ chở xác “ông nược” đi mất” - bà Biếu nhớ lại. Sau lần đó, anh Sáng đã mua lễ vật và cúng vái rồi tuyên bố bỏ nghề, đi tìm kế sinh nhai khác.
Tin tức của những ngư dân truyền đi rằng thời gian trước có một cặp cá nược từ Campuchia lội cả trăm cây số trên dòng Mekong xuống vùng hạ nguồn Việt Nam.
Thế nhưng chỉ đến đoạn biên giới gần khúc sông Bình Di (huyện An Phú, An Giang) thì lực lượng chức năng Campuchia đã dùng canô lùa trở lại thượng nguồn. Lần khác, một con cá nược khi bơi gần tới biên giới Việt Nam thì chết do kiệt sức. Người dân Campuchia cũng mang xác cá đi chôn.
Nhiều đoạn sông Mekong chảy qua đất Campuchia cũng đã ghi nhận cá nược vẫn còn sống bình yên và “đùa giỡn” với du khách.

Những hình ảnh về loài cá được Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) đưa vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng giờ đã là chuyện ngày xửa ngày xưa trên các dòng sông miền Tây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét