Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Những bài viết liên quan đến bài "Hồi ký của Viktor Maslov,con rể cố TBT Lê Duẩn."

Hậu duệ nhà Lê Duẩn hay “Mối tình ngang trái Việt-Nga”

18-8-2016

Mời xem lại: Hồi ký của Viktor Maslov, con rể cố TBT Lê Duẩn.

Mấy ngày gần đây cư dân mạng hay share bản dịch tiếng Việt Hồi ký của Victor Maslov. Có thể đối với dân VN thì cái tên này không nói lên điều gì cả. Nhưng đối với dân khoa học Nga thì trong lĩnh vực toán học Maslov tương đương với Picasso trong hội họa hay Mayakoskyi trong thơ ca. Và Maslov còn “nổi tiếng” bởi vì ông là con rể của … Lê Duẩn, cố Tổng bí thư Đảng CSVN nổi tiếng một thời.
Mối tình lãng mạn và bi thảm giữa Maslov và Lê Vũ Anh (con gái của Lê Duẩn) có thể được ví là Romeo và Juliet thời hiện đại nhưng ít người ở VN cũng như ở Nga biết đến một cách tường tận. Kênh 1 Truyền hình Trung ương Nga đã làm bộ phim tài liệu về đề tài này từ năm 2006 với tựa đề “Запретная любовь” (Mối tình bị cấm đoán), mình cũng đã từng đọc hồi ký của Maslov nguyên bản bằng tiếng Nga đâu khoảng 1 năm trước đây. Không hiểu sao tận mãi bây giờ ở VN hồi ký này mới được phát tán rộng rãi.
Một số bạn có gửi link cho mình, hỏi mình có biết về điều này không, hỏi về hình ảnh của những người cháu ngoại lai Nga của Lê Duẩn … Thực ra mình có đề cập sơ qua đến chuyện này mấy năm về trước trong tập ghi chép “Moscow không tin vào những giọt nước mắt”, ngoài đời thật mình có biết bà Hồng (một người con gái khác của Lê Duẩn) khi bà Hồng còn làm việc tại Phòng Lãnh sự của Đại sứ quán VN ở Liên Xô. Để giúp các bạn tham khảo về chủ đề này nên mình lập Album này từ những hình ảnh sưu tập trên hệ thống truyền thông của Nga.
Nói thêm:
Mình theo dõi những comment tranh luận của bạn đọc Nga về đề tài này. Phần đông họ ngưỡng mộ lẫn xót xa cho mối tình ngang trái này. Nhưng có một số ít thắc mắc, sao một viện sĩ lẫy lừng của Nga lại đi yêu một cô gái châu Á, rằng con gái VN rất xấu vì họ đã từng tiếp xúc với các cô công nhân VN sang lao động tại Nga, lên án Maslov suy đồi đạo đức bởi là một giáo sư lại đi ve vãn sinh viên kém mình đến những 20 tuổi… Tất nhiên đó là những ý kiến cá nhân và sự đa chiều là điều thường tình.
Riêng mình thì thật sự ngạc nhiên và có phần bị shock bởi … sắc đẹp của Vũ Anh, con gái của Lê Duẩn. Phải thẳng thắn thừa nhận vào khoảng thời gian mà mình sang Liên Xô học thì con gái VN cả sinh viên lẫn công nhân phần đông có nhan sắc rất khiêm tốn (không được lộng lẫy như hiện tại). Vậy mà Lê Vũ Anh có một vẻ yêu kiều và quý phái – đúng là như cư dân mạng Nga đã giải thích: đừng nhìn mấy cô công nhân VN xuất thân từ tầng lớp lao động mà đánh giá về nhan sắc của toàn phụ nữ VN.
À, nói thêm nữa: cháu trai của Lê Duẩn sinh năm 1981 cho đến giờ vẫn độc thân nha, cơ hội cho chị em VN đó, mại vô, mại vô!!!
Anhia, hãy làm vợ anh đi!
Thanhvienmoi
27-12-2008
(Bài này do chính tôi dịch, được đăng lần đầu ở tạp chí Đoàn Kết của Hội người VN tại LB Nga)
Có rất nhiều trở ngại – quyền lợi chính trị của hai quốc gia, cục an ninh, cơn thịnh nộ của người cha độc đoán. Họ đã vượt qua tất cả. Song số phận dường như quá nghiệt ngã…
Trong môi trường khoa học, viện sĩ Victor Maslov là một ngôi sao sáng chói, có thể so sánh ông với chính Dmitry Khvorostovsky của nghệ thuật Opera. Ông đã nhận rất nhiều giải thưởng: Giải thưởng Lê nin, hai lần nhận Giải thưởng Quốc gia, Giải thưởng Demidov, Giải thưởng “Triumf”… Giá như Alfred Nobel không thù ghét các nhà toán học và đưa vào trong di chúc cả “nữ hoàng” khoa học, chắc hẳn Maslov đã trở thành người nhận Giải thưởng Nobel lâu rồi.
Victor Pavlovic sống ở thị trấn ngoại ô thành phố Troitsk (1). Ngôi nhà được thiết kế theo sở thích riêng của nhà khoa học. Trong phòng làm việc kê những chiếc tủ sách cao đến tận trần nhà. Trên tường treo chân dung một cô gái Việt Nam kiều diễm. Phía sau tấm ảnh này là một phần đời rất dài và vô cùng quan trọng của viện sĩ Maslov.
Cô đã mang tóc giả, đeo kính đen để đến với ông
Vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, giảng viên học viện MIEM (2) Victor Maslov đã bước sang tuổi ngũ tuần. Ông vẫn thường xuyên đến khoa vật lý của trường MGU (3) tham gia giảng dạy. Tại đây tình cờ ông chú ý đến một nữ sinh viên nước ngoài. Cô bẽn lẽn cười, núp sau cánh cửa phòng thí nghiệm.
Maslov, cho đến tận lúc đó vẫn là người đàn ông độc thân và chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này một cách nghiêm túc, xin phép được giảng dạy tại khoa vật lý. Ông muốn được thường xuyên nhìn thấy cô gái. Rồi số phận đã đưa họ đến với nhau. Victor có nhiều bạn bè người Việt Nam. Một lần tình cờ, ông ngạc nhiên và vui sướng khi nhìn thấy cô gái đã hớp mất hồn mình trong đám bạn. Người ta gọi cô là Anhia. Tên thật của cô là Lê Vũ Anh. Ở tuổi mười bảy, cô đã kịp chiến đấu trong đội du kích, gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam và bây giờ đến Matxcơva học tập.
Câu chuyện tình của họ được bắt đầu từ đây. Song chính lúc này họ phải đương đầu với bao sóng gió… Anhia giấu giếm mọi người mối quan hệ của mình với Maslov. Cô đến với ông trong bộ tóc giả màu vàng và cặp kính đen. Nhưng vấn đề không phải cô gái là sinh viên, mà ở chỗ Maslov đang là giảng viên. Thời đó, tất cả lưu học sinh Việt Nam tại Liên Xô buộc phải rất cẩn trọng trong chuyện tình cảm. Mối quan hệ với những người châu Âu không được nhà nước khuyến khích, thậm chí có cả điều luật cấm kết hôn với người nước ngoài.
Anhia tỏ ra rất bồn chồn. Sau này mọi người mới vỡ lẽ một điều, cô lo lắng không chỉ vì những lý do trên. Thỉnh thoảng cô biến mất cả tuần không có lấy một lời giải thích. Maslov cảm thấy khó hiểu trước sự kỳ quặc này. Cuối cùng, không cầm được lòng mình, ông ngỏ lời cầu hôn cô gái. Cô đã lặng im,… và sau đó vài ngày lại biến mất tăm hơi. Nhưng lần này khác với những lần trước, cô biến mất trong thời gian khá dài.
“Cô ta đã lấy chồng và trở về Việt Nam rồi” – người ta thông báo với ông trên khoa. Đồng thời họ cũng kể cho ông về nguồn gốc của cô gái. Anhia hóa ra là con gái của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Lê Duẩn, người sinh ra trong một gia đình nho giáo. Lẽ ra Maslov cần quên đi câu chuyện tình với cô nữ sinh viên này. Thế nhưng nỗi nhớ vẫn canh cánh bên ông.
Và cô gái bất ngờ quay trở lại. Không theo ý nguyện của mình mà do sự ép buộc của cha: “Không thể như vậy được! Con đã tốt nghiệp đại học đâu?”. Chuyện tình của họ như được thổi thêm một luồng sinh lực mới. “Em lấy chồng để cố quên anh. Mối quan hệ giữa hai chúng ta hoàn toàn không có tương lai” – Anhia thổ lộ. Chồng của cô là một sinh viên Việt Nam. Nhưng cô không hề yêu chồng mình.
Sự vắng mặt của cô gái đã có lời giải đáp. Khi cha cô đến Matxcơva, ông thường buộc cô con gái yêu phải luôn bên cạnh. Ông mang cô theo trong những chuyến công tác nước ngoài.
– Ông đã đặt rất nhiều niềm tin vào con gái – Maslov kể. – Anhia là một thiếu nữ giản dị và thẳng tính. Có lần cha cô nói: “Đồng chí Brezhnhiev khoe rằng, Liên Xô đang thu hoạch một mùa bông bội thu”. Cô trả lời: “Rất có thể bội thu, nhưng tất cả các tấm ga trải giường trong ký túc xá con ở đều rách bươm”. Tôi phê bình: “Em đừng nói vậy kẻo người ta lại nghĩ anh dạy em tuyên truyền chống Xô Viết!”
Các nhân viên an ninh đã tỏ ra cảnh giác. KGB (4) biết được về mối tình của nhà bác học Xô Viết với con gái Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Họ thông báo cho đồng chí Lê Duẩn, nhưng ông đã không tin chuyện này, cho rằng con gái mình chỉ đơn giản kết bạn với một giảng viên trường MGU.
Căn phòng với cánh cửa sắt và những lỗ châu mai
Anhia đã có thai. Cô lập tức li dị với chồng, còn Maslov nung nấu kế hoạch mang tên “Cưới vợ”. Có cơ man những chuyện phức tạp. Thời đó việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài chỉ được tiến hành ở hai địa điểm: Một ở Matxcơva, một ở thị trấn Zagorsk. Đến gõ cửa hai địa chỉ đó là việc không nên làm: Chắc chắn người ta đã cảnh báo cho cha cô về việc kết hôn này. Maslov đã khéo léo đến nhờ vả người quen ở Ủy ban hành chính thành phố Troitsk để được đăng ký tại địa phương: “Ở viện của chúng tôi người ta đang xét nét tư cách cán bộ. Nếu biết được tôi lấy vợ người nước ngoài, chắc chắn họ sẽ đuổi. Hãy giúp chúng tôi đăng ký bí mật”. Và Maslov đã phải dùng mưu để đánh lạc hướng nữ thư ký tòa thị chính: Trong ngày cưới, một người bạn của ông đã mời cô ta đi xem hòa nhạc nhằm tránh những câu hỏi thừa. Còn Kulat Okudzhava – bạn của Victor – hứa: “Nếu có khó khăn gì, tôi sẽ dẫn các phóng viên nước ngoài đến”.
Việc sinh nở của Anhia cũng được giữ trong vòng bí mật. Để tránh tai mắt, cô xin đi phép đến Kiev vài tháng. Ở lỳ tại nhà nghỉ của Victor cho đến mùa thu, cô vào nhà hộ sinh, nơi một người bạn của chồng làm việc. Ngày 31 tháng 10 năm 1977 cháu gái Lêna đã ra đời.
Cuối cùng Anhia quyết định không lẩn tránh cha mình nữa. Cô kể cho ông nghe tất cả. Trước những phản ứng của cha, cô quay lại Liên Xô không một lời từ biệt. Và cô bắt đầu cảm thấy sợ hãi sự trừng phạt. Maslov đã gia cố căn phòng của mình bằng cánh cửa sắt và những lỗ châu mai. Khi chồng đi xa, người vợ ở nhà giấu súng bên cạnh cô con gái bé bỏng.
Thời gian trôi đi, cô con gái thứ hai Tanhia ra đời. Rất nhiều họ hàng của Anhia từ Việt Nam đã bay sang để chúc mừng gia đình cô có thêm thành viên mới. Cha cô không có trong số họ. Nhưng mọi người đã to nhỏ rằng, ông rất nóng lòng được nhìn thấy cô cháu gái đầu. Vợ chồng Maslov không phản đối điều này. Trong một chuyến công tác của đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn đến Matxcơva, người ta đã tổ chức cho ông cuộc gặp gỡ với cô cháu gái. Ông đã dẫn Lêna đến rạp xiếc, cho cháu ăn chuối và ghen tị khi cháu bé nhận quà của người khác. Maslov tưởng rằng, tất cả những gì khủng khiếp nhất đã lùi vào dĩ vãng. Thế nhưng số phận đã kịp giáng một đòn nghiệt ngã mới…
Lần thứ ba Anhia mang thai. Đi siêu âm, cô biết sẽ sinh con trai. Khi bắt đầu chuyển dạ, cô được đưa đến nhà hộ sinh khu vực Bốn. Sáng hôm sau, một cháu trai kháu khỉnh chào đời, nhưng cũng là lúc người mẹ bị băng huyết. Maslov đứng ngồi không yên. Bác sĩ rũ rượi bước ra từ phòng mổ: “Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể…”. Mấy ngày sau đó Victor Pavlovic không sao nhớ nổi. Ông sốt cao đến mê sảng. Nhưng ngay sau đó nhận ra rằng: Cần hành động! Ông đã sẵn sàng đối phó với trường hợp người ta không trả đứa trẻ cho mình.
Maslov đề nghị nhà hộ sinh cấp giấy chứng nhận, đăng ký giấy khai sinh. Cháu bé được giữ tại bệnh viện hai tháng dưới sự chăm nom của các bác sĩ. Cuối cùng thì người ta vẫn đưa cháu về Việt Nam. Họ hứa với Victor rằng sau hai năm sẽ trả lại con cho ông. Thực tế thời gian chờ đợi gấp đôi so với gì đã hứa (4 năm sau cháu được trả về Liên Xô). Nhưng những nỗi đau vẫn chưa dừng lại ở đây. Cậu bé Anton được đưa vào một nhà trẻ đặc biệt. Maslov đã viết đơn gửi đến tất cả các cấp đề nghị không được đưa cháu ra khỏi biên giới, doạ sẽ trở thành “Sakharov thứ hai” (5), yêu cầu Liên hợp quốc giúp đỡ, thậm chí gõ cửa cả Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Gorbachev. Cuối cùng, Maslov quyết định đánh cắp cháu bé, ôm vội hai cô con gái chạy đến sống ở nhà người quen tại vùng rừng nguyên sơ Belovezhshkaya Pusha (6). Vài tháng sau ông nhận được thông báo về việc Tổng bí thư Lê Duẩn từ bỏ ý định mang các cháu về Việt Nam: “Anh ta thực sự yêu thương các cháu, vậy cứ để họ sống với nhau…”
Cách đây không lâu hai người con của viện sĩ Maslov, Lêna và Anton, đã về thăm Việt Nam. Các cháu được tiếp đón rất nồng ấm: Bà ngoại các cháu vẫn còn sống. Tổng bí thư Lê Duẩn mất năm 1986. Bản thân Victor Maslov chưa một lần được nhìn thấy bố vợ của mình.
Theo Nhân chứng và sự kiện
Chú thích:
(1) Troitsk – thành phố của tỉnh Matxcơva, nằm bên bờ sông Desna, cách Matxcơva về phía Tây-Nam 15 km
(2) MIEM – Viện điện tử và toán học quốc gia Matxcơva
(3) MGU – Trường đại học tổng hợp quốc gia Matxcơva mang tên Lomonoshov
(4)KGB – Cơ quan an ninh quốc gia Liên Xô trước đây
(5) Sakharov – Nhà Bác học Nga (1921-1989), người chế tạo ra bom nhiệt hạch, những năm 60-70 là thủ lĩnh đấu tranh dân chủ nhân quyền
(6) Belovezhshkaya Pusha – vùng rừng núi nguyên sơ nằm giữa biên giới hai nước cộng hoà Belarus và Ba Lan

Về câu chuyện tình của con gái Tổng Bí thư Lê Duẩn với viện sĩ khoa học Nga

Thảo Nguyên
26-8-2016
Từ lâu, tôi đã hiểu rằng, một gia đình như gia đình tôi, thì hầu như sẽ chẳng có gì là của riêng; mọi niềm vui và nỗi buồn đều bị người ngoài nhìn theo cách của họ, hiểu theo cách của họ… Nhưng việc ai đó nghĩ rằng, cha tôi – vì lợi ích chính trị của mình, có thể hi sinh tính mạng của người con gái mà ông hằng yêu quý, thực sự khiến tôi đau đớn đến tận cùng…
LTS: Dù quen biết với Tiến sĩ Lê Kiên Thành đã lâu và từng có nhiều cuộc trò chuyện thẳng thắn về Tổng Bí thư (TBT) Lê Duẩn, nhưng tôi chưa một lần hỏi về câu chuyện tình của con gái TBT Lê Duẩn là Lê Vũ Anh và người chồng Nga, bởi tôi tôn trọng sự riêng tư; mà bất cứ gia đình nào cũng có quyền giữ cho mình sự riêng tư đó. 
Nhưng những ngày này, khi mà dư luận xôn xao về đoạn hồi ký của Viktor Maslov (người con rể Nga của TBT Lê Duẩn) được lưu truyền trên mạng, trong một buổi làm việc, Tiến sĩ Lê Kiên Thành đã lần đầu tiên chia sẻ với tôi về câu chuyện đó. Và tôi đã xin phép được viết lại những gì ông kể, với tinh thần tôn trọng và trung thành với sự thật mà tôi được nghe!
1. Khi còn bé, tôi và em trai không bao giờ thực sự hiểu được lý do vì sao mình phải xa mẹ. Trong trí óc non nớt của mình, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng chúng tôi phải sống với ba vì mẹ đi công tác xa. 
Nhưng chị tôi – Lê Vũ Anh – thì sớm hiểu hết tất cả những điều đó. Vì nhạy cảm, chị cũng rất dễ tổn thương nếu có ai đó nhắc đến nỗi đau riêng của mình. Ba tôi yêu chị Vũ Anh bằng một tình yêu rất đặc biệt. Ông yêu đứa con gái đã sớm cảm nhận được nỗi đau gia đình; và vì ông luôn nhìn thấy bóng dáng của mẹ tôi qua chị.
Trong khi tôi thường bị mắng và bị đòn roi mỗi khi mắc lỗi, thì ba tôi luôn cư xử với chị Vũ Anh rất đỗi dịu dàng. Khác với tôi, luôn cảm thấy không biết phải nói gì với ba mỗi khi ngồi cùng nhau, chị Vũ Anh có thể ngồi trò chuyện với ba nhiều tiếng đồng hồ không chán. Và ba tôi cũng luôn lắng nghe chị một cách kiên nhẫn và say sưa.
Ba tôi dành rất nhiều kỳ vọng cho chị Vũ Anh. Ông luôn tin chị tôi có thể làm được nhiều điều lớn lao sau này. Chị tôi là học sinh giỏi văn miền Bắc và được kết nạp Đảng từ năm lớp 10. Tôi nhớ mãi một lần, khi đón chị em tôi trở về từ nơi sơ tán, phút đầu gặp gỡ ba đã ôm chầm lấy chị Vũ Anh đầy trìu mến và thốt lên: “Chào người đồng chí của tôi!”.
Nhưng sau khi học xong, chị Vũ Anh lại xin phép ba tôi vào miền Nam chiến đấu. Điều đó khiến ông giận dữ vô cùng. Ông nói: “Chiến trường gian khổ thế nào con biết không? Đường vào chiến trường vất vả thế nào con biết không? Ba chỉ sợ con sẽ làm vướng chân người khác ngay khi bắt đầu hành quân. Con hãy đi học và đem những kiến thức con học được về đây cống hiến cho đất nước này”.
Chị tôi chỉ nặng hơn 30kg khi đó. Và lần đầu tiên trong đời ba tôi từ chối chị Vũ Anh một điều gì đó. Chiều hôm đó, tôi thấy chị Vũ  Anh chạy khỏi phòng làm việc của ba trong nước mắt. Đó là lần duy nhất trong đời tôi chứng kiến chị bị ba mắng. Và rồi chị tôi sang Liên Xô học, nơi chị gặp, yêu và kết hôn với Viktor Maslov, trong câu chuyện đầy bi kịch sau này…
2. Viktor Maslov hơn chị tôi 20 tuổi, là một nhà khoa học thiên tài với trí tuệ siêu việt nhưng cũng hết sức lập dị. Từ rất nhiều năm trước, khi Liên Xô còn là một cường quốc khiến nhiều quốc gia phương Tây nể sợ, Maslov đã dùng những thuật toán về bất cân bằng để chứng minh với tôi, rồi xã hội này sẽ khủng hoảng và sụp đổ trong nay mai.
Phải đến tận sau này, khi chứng kiến dòng chảy lịch sử xảy ra đúng như thế, tôi mới hiểu Maslov là một thiên tài. Còn khi đó, tôi chỉ nghĩ ông ta là một kẻ phản động. 
Maslov cũng là một trong những nhà khoa học hiếm hoi ở Nga được phong thẳng từ Tiến sĩ lên Viện sĩ (bỏ qua chức danh Viện sĩ thông tấn) – một chức danh khẳng định uy tín lớn lao của ông trong giới khoa học ở Nga. Nhưng Maslov cũng rất “điên”. Maslov có những cách nghĩ và hành vi rất khác với người bình thường.
Thay vì cho con cái của mình đến trường để chúng dễ thích nghi với xã hội và có điều kiện giao tiếp, ông ta chỉ để con cái quanh quẩn ở khu nhà ngoại ô và mời các giảng viên về dạy học cho con mình. 
Maslov cũng luôn bị ám ảnh một điều: luôn có âm mưu nào đó từ Việt Nam đe doạ sự an nguy của ông ta và các con. Nên có lần, khi chúng tôi đến thăm các cháu, Maslov đã dùng máy đo phóng xạ để kiểm tra người chúng tôi, phòng trừ hiểm hoạ!
Nhưng có lẽ, chính cái vẻ vừa thiên tài, vừa lập dị đó của Maslov đã lôi cuốn chị Vũ Anh và khiến chị mê đắm. Vì chị Vũ Anh cũng là người mà trong sâu thẳm, luôn cất giấu sự nổi loạn ngấm ngầm. Chị tôi hiểu hoàn cảnh của mình, hiểu xuất thân của mình, nên đã tìm mọi cách để cưỡng lại tình yêu đó, thậm chí là cả việc kết hôn với một người bạn học mà chị không yêu.
Nhưng cuối cùng, chị tôi vẫn đi theo tiếng gọi của trái tim. Chị ly dị một cách bí mật với người chồng đầu tiên, bí mật có con, bí mật đăng ký kết hôn với Maslov rồi mới báo tin cho ba tôi biết. Dĩ nhiên là ba tôi giận dữ. Dĩ nhiên là ba tôi phản đối cuộc hôn nhân đó.
Thực ra, khác với nhiều gia đình lãnh đạo khác ở Hà Nội, ba tôi chưa bao giờ yêu cầu hay chỉ định con cái mình phải kết hôn với người này, người kia. Ông cũng không bao giờ đặt nặng chuyện môn đăng hộ đối. Bố vợ tôi làm cán bộ ở thư viện quốc gia, mẹ vợ tôi làm việc ở Bộ Lao động  – Thương binh và Xã hội, gia đình còn có người di cư vào Nam. Nhưng chúng tôi vẫn được ba cho phép kết hôn với nhau.
Khi chị Muội (con gái của TBT Lê Duẩn và bà Lê Thị Sương – PV) yêu và muốn kết hôn với một người mà gia đình có xuất thân là quan lại triều Nguyễn, cơ quan nơi chị công tác đã đề xuất phản đối cuộc hôn nhân đó,  lại là ba tôi đã phải gặp rất nhiều người để xin cho chị Muội được phép kết hôn với người mình yêu.
Nhưng cuộc hôn nhân của chị Vũ Anh là một chuyện hoàn toàn khác. Ba tôi chưa từng hình dung ông sẽ có một người con rể nước ngoài, và sẽ có những đứa cháu có dòng máu chỉ có một nửa Việt Nam. Tôi nhớ có lần, nhìn con tôi và con chị Vũ Anh chơi đùa với nhau, tôi chợt nghe ông nói một mình: “Người Việt Nam đẹp thật”.
Tôi hiểu ông, và thấy nhói đau một tình yêu với ông và cả với chị mình. Nhưng ông cũng không vì thế mà dùng quyền lực của mình để ngáng trở hạnh phúc của chị tôi. Điều duy nhất ông làm là chấp nhận sự lựa chọn của con gái mình. Và sau này, mỗi khi sang Moscow, ông vẫn rất vui vẻ và hạnh phúc mỗi lần được gặp chị tôi và các cháu.
Tôi vẫn nhớ năm 1977, tôi gặp ba khi ông từ Moscow về Hà Nội sau khi chị Vũ Anh thông báo kết hôn, ông chỉ nói: “Có lẽ phải chờ 5 – 10 năm nữa, “người ta” mới chấp nhận cuộc hôn nhân của chị con”. Đó cũng là năm mà mối quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu trở nên vô cùng căng thẳng. Mỗi khi gặp ba, tôi luôn cảm nhận được những gánh nặng khủng khiếp đang đè nặng lên vai ông.
Và cuộc hôn nhân của chị Vũ Anh với Maslov, vào đúng thời điểm đó, cũng gây cho ba tôi nhiều khó khăn và áp lực. Một số người có suy nghĩ không tốt đã nói rằng: Ông Lê Duẩn vì muốn kết thân với Liên Xô mà đã bán con gái mình, để con gái mình kết hôn với người nước ngoài.
Thú thật là tôi đã từng rất giận chị Vũ Anh mỗi khi nhìn ba. Tôi luôn tự hỏi: Tại sao chị tôi làm thế, tại sao không phải là lúc khác mà lại là lúc này, vào thời điểm này, khi ba tôi đang phải đối diện với ngần đó những khó khăn? Nhưng ba tôi quá mạnh mẽ và vững vàng để ai đó có thể gây áp lực hay khiến ông suy sụp chỉ vì cuộc hôn nhân của chị tôi.
Cho nên, sẽ thật phi lý nếu ai đó nghĩ rằng chị tôi đã chết vì một âm mưu chính trị nào đó. Sẽ thật nực cười và ngu ngốc khi có ai đó nghĩ rằng, ba tôi đã hy sinh tính mạng của con gái mình vì lợi ích chung của dân tộc, hay vì lợi ích chính trị của ông.
Sẽ thật bất công nếu ai đó nghĩ rằng một người cha có thể làm điều gì ảnh hưởng đến sự an nguy của con mình, dù là vì lý do gì đi chăng nữa. Sự thật rất đỗi đơn giản: Chị tôi đã qua đời vì băng huyết, ngay sau khi sinh hạ người con thứ ba Anton. Chị tôi qua đời, vì không một bác sĩ nào ở bệnh viện khi đó dám mạo hiểm quyết định việc phẫu thuật cho chị, bởi họ đều biết chị tôi là con gái của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.
Lúc chị tôi rơi vào tình trạng hiểm nghèo, người ta đã gọi các bác sĩ đầu ngành đến bệnh viện nơi chị tôi đang nằm cấp cứu sau sinh để hội chẩn. Nhưng chị Vũ Anh đã qua đời trước khi họ kịp đến. Chị tôi qua đời, vì sự cẩn trọng thái quá của những người biết chị tôi là ai, chứ không phải vì bất cứ âm mưu chính trị nào đằng sau đó.
3. Sau khi chị Vũ Anh mất, Viktor Maslov một mình nuôi ba đứa con nhỏ. Anton – đứa con út của chị, chỉ vừa mới lọt lòng mẹ đã mồ côi. Mẹ tôi sang Moscow đưa bình tro của chị Vũ Anh về Việt Nam.
Bà đến thăm Maslov cùng các cháu ngoại và gần như khóc nghẹn khi chứng kiến Maslov nuôi ba đứa cháu ngoại của bà. Mẹ tôi – một người đàn bà cẩn thận đến kỹ càng, không thể có niềm tin vào việc một người đàn ông làm khoa học, sống cẩu thả và có phần “điên rồ” có thể nuôi được ba đứa trẻ mà đứa lớn nhất chưa đầy 4 tuổi.
Và bà đã tha thiết được nuôi đứa cháu nhỏ nhất cho đến khi nó cứng cáp. Đó là lý do Anton được mẹ tôi đưa về Việt Nam nuôi. Tôi không biết vì sao Maslov viết trong hồi ký rằng ông đã bị cướp mất đứa con của mình và đã phải tính đến chuyện tạo ra cả scandal chính trị để giành lại Anton.
Nhưng sự thật là mối quan hệ của chúng tôi vẫn bình thường và tốt đẹp hơn nhiều so với những gì mà nhiều người đã đọc được. Sau khi Anton về sống với chúng tôi ở Việt Nam, có lần khi tôi quay lại Moscow và đến thăm Maslov, ông ta đã nói với tôi rằng: “Thành, có lẽ cũng là may mắn khi mẹ giúp tôi nuôi Anton. Vì tôi quả thật không biết xoay sở thế nào với 3 đứa trẻ”.
Nhưng như bao người cha khác luôn thương nhớ con mình, Maslov cũng thường hỏi tôi: “Thành, bao giờ thì mẹ sẽ đưa Anton quay lại với tôi?”. Và khi tôi về Việt Nam, tôi đã nói với mẹ rằng: “Mẹ sẽ già đi. Và mẹ không thể giữ thằng bé mãi bên mình. Nó phải sống bên cạnh cha nó và các chị nó, những người ruột thịt nhất của nó”.
Mẹ tôi yêu Anton vô cùng và không rời cháu ngoại của mình nửa bước từ khi bà đón thằng bé về Việt Nam. Nhưng mẹ tôi luôn hiểu đó là lẽ đương nhiên: một đứa trẻ sẽ được nuôi dạy tốt nhất bởi ba mẹ chúng.
Và vào năm Anton lên 4 tuổi, bà đồng ý đưa Anton quay lại Liên Xô với Maslov, chỉ với một điều kiện mà bà bắt Maslov phải tuân thủ: Anton nhất định phải được đi nhà trẻ, chứ không sống cô lập trong ngôi nhà ngoại ô. Mẹ tôi, Maslov và Anton đã cùng chụp với nhau một bức ảnh vào ngày bà trả lại thằng bé cho bố nó mà đến giờ bà vẫn giữ. Họ thực sự không hề ghét bỏ nhau…
Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, thì số phận đã sắp đặt chúng tôi là một gia đình, và người gắn kết không ai khác chính là chị tôi – Lê Vũ Anh. Vì tình yêu với chị Vũ Anh – chúng tôi vẫn phải yêu thương nhau và cùng nhau dành những gì tốt đẹp nhất cho những đứa trẻ. Tháng 11 năm nay, Anton sẽ cùng bạn gái sang Việt Nam thăm bà ngoại.
Nhưng ngay từ lúc này, cả gia đình tôi đã mong chờ ngày được đón thằng bé trở về. Đoạn hồi ký lưu truyền trên mạng những ngày qua đã chạm vào nỗi buồn sâu thẳm của gia đình tôi nhiều năm qua. Nhưng tôi coi đây cũng là dịp để một lần duy nhất, chúng tôi nói về những điều riêng tư mà chúng tôi chưa từng nói. Chuyện tình của chị tôi là một câu chuyện tình đẹp đẽ và cảm động. Nhưng nó sẽ đẹp hơn rất nhiều nếu người ta biết về nó với tất cả sự thật mà nó vốn có!
(Ghi theo lời kể của Tiến sĩ Lê Kiên Thành)

Lê Kiên Thành Kể Về Người Chị Lê Vũ Anh, Con Gái Lê Duẩn
Kim Trang
27-8-2016
Vừa đọc xong bài viết của Thảo Nguyênvề chuyện cô con gái rượu của Lê Duẩn. Từ hải ngoại và là một nạn nhân cộng sản, tôi xin có đôi lời cùng ông Lê Kiên Thành.
Những ai sinh ra và lớn lên ở Miền Nam trước 1975, đều biết rằng những “lãnh tụ” miền Bắc, từ HCM, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Duẩn v.v…, là những người có máu lạnh, hiếu chiến, sẵn sàng nướng hằng triệu thanh niên miền Bắc vào cõi chết cho một chủ nghĩa phi dân tộc. Đối với hằng triệu nạn nhân của cộng sản, giả thuyết cho rằng chính Lê Duẩn góp phần vào cái chết của Lê Vũ Anh cho sự nghiệp của ông ta là một giả thuyết hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhưng ở đây chỉ xin đề cập đến những điểm thú vị khác để những thế hệ trẻ sinh ra và đang lớn lên ở VN hiểu được rằng, trước 1975 đã tồn tại ở miền Nam một chế độ cởi mở, tiến bộ VNCH, khác hẳn miền Bắc CS phong kiến, khép kín, giáo điều.
1) Thập niên 60, 70 ở miền Nam, phụ nữ Việt lấy chồng ngoại là chuyện thường tình. Xã hội miền Nam hoàn toàn chấp nhận và có luật pháp bảo vệ. Còn miền Bắc thì, chính Lê Vũ Anh xác nhận, du học sinh nữ bị bắt gặp có bạn Liên Xô sẽ bị đuổi về nước, bị cho là phản bội. Phản bội cái gì thì không thấy đề cập đến. Phản bội dân tộc hay phản bội Đảng?
2) Ông Lê Kiên Thành cho biết: chị Lê Vũ Anh vào đảng CS năm lớp 10, tức vào khoảng 17 tuổi. Như vậy đảng ta có vấn đề con ông cháu cha từ những năm 70. Nếu không có Lê Duẩn chắc gì con gái LêVũ Anh đã được vào đảng sớm như vậy. Thử hỏi cô này có công trạng gì?
3) Khi Lê Vũ Anh xin vào Nam chiến đấu, Lê Duẩn bác ngay vì gian khổ, vất vả. Té ra con ai chết thì được, con mình chết thì không. Đẩy hằng triệu thanh niên miền Bắc vào Nam chết cho đảng, còn Lê Vũ Anh thì bắt “hy sinh” đi du học Liên Xô. Xỏ lá ba que là đây. Cho những người còn mơ ngủ rằng đảng ta ngày xưa tốt hơn đảng bây giờ. Xin quý vị thức tỉnh ngay: đảng CS từ lúc chào đời cho đến hôm nay vẫn láo khoét như xưa, hay còn hơn xưa, không thay đổi một ly nào cả.
4) Ông Lê Kiên Thành cho rằng, con rể Viktor Maslov là một thiên tài nhưng hơi bị “điên”. Bằng chứng là Maslov dùng máy đo phóng xạ để kiểm tra gia đình Thành khi họ đến thăm. Điều này chứng tỏ Maslov đã quá hiểu chế độ CS, CS Liên Xô hay CS VN đều giống nhau. Một khi chúng muốn giết ai, chúng sẽ không chừa một thủ đoạn nào để đạt mục tiêu, kể cả viên phóng xạ hòa tan trong nước uống. Một điệp viên Nga đào tẩu sang Anh, ông Alexandre Litvinenko đã bị giết bởi cách này.  Ông Thành nên nhớ rằng, không chỉ một mình Maslov bị ám ảnh, sợ một đòn thù từ phía VN, mà ngay cả Lê Vũ Anh cũng sợ. Chị tự trang bị súng để tự vệ khi cần và tiên đoán trước cái chết của mình chỉ vì có chồng Liên Xô.
5) Khi Lê Duẩn sang “chầu” Liên Xô, ông không gặp con rể Maslov, chỉ gặp con và cháu. Theo tôi đó không phải là thái độ chấp nhận, rộng lượng, dĩ hòa vi quý cho con gái Vũ Anh.
6) Cô Lê Vũ Anh mất lúc chỉ mới 31 tuổi (năm 1981) vì lý do chảy máu không cầm được trong lúc sinh. Đây là lý do lãng xẹt, khó tin nhất chỉ có thể xảy ra trong chế độ CS.
Có bao giờ ông Lê Kiến Thành suy nghĩ về những gì đã xảy ra cho gia đình ông? Nếu có đạo Phật có bao giờ ông nghĩ về chuyện báo oán? Bao nhiêu linh hồn chết oan dọc Trường Sơn, cổ thành Quảng Trị quê hương ông, chết trên đường vượt biên, vượt biển, chết trong trại cải tạo và đang chết dần mòn dọc bờ biển miền Trung, thế rồi bản thân ông, con cháu ông, con của chị Lê Vũ Anh đang được cái gì?
Hậu quả của những quyết định của Lê Duẩn, ba của ông, là đây. Là một đất nước hoang tàn xơ xác, sắp bị sát nhập vào Trung Cộng, kẻ thù truyền kiếp. Các cháu của ông, con của chị Lê Vũ Anh, đang sống bên Anh, một đất nước mà các ông cho rằng xấu xa, tư bản giẫy chết. Thật là một sự trớ trêu. Vậy thì các anh đánh miền Nam để làm gì?
Cùng là người Việt, lại là đồng hương, nghĩa tử nghĩa tận, xin chia buồn cùng ông về những mất mát, đau khổ đã xảy ra cho chị Lê Vũ Anh. Lời chia buồn này sẽ chân thật biết bao nếu những người trong cuộc không phải là đảng viên CS.

Rà soát lại bản dịch “Maslov – Giành lại các con” của Cao Kim Ánh

Nhật Đình
25-8-2016
So với bản tiếng Nga trên 7day.ru thì nhìn chung bản tiếng Việt dịch đúng với những gì được kể lại. Dịch giả đã rất tài tình tra ra được tên những người Việt Nam trong câu chuyện – một việc không dễ dàng và đòi hỏi công sức tra cứu lớn. Nhất là dịch ra, tra ra được cả những từ tác giả viết sai âm tiếng Việt như Mai thực chất là Muội, Bay Vanh thực chất là Bảy Vân. Dịch giả cũng chuyển ngữ thành công những từ dân gian chung của phe XHCN như “враждебные голоса” là “đài địch”.
Phần chi tiết tôi đã có một bản word track change sửa cả lỗi chính tả. Ở đây tôi chỉ xin nêu một số điểm thú vị đã bị bỏ sót.
она на коленях у Мао Цзэдуна được dịch là “nàng quỳ gối bên Mao Trạch Đông”. Nếu đúng từng chữ thì dịch thế cũng ổn. Nhưng tiếng Nga cả cụm từ có nghĩa là “nàng ngồi trong lòng Mao Trạch Đông”. Mà thực tế cũng không thấy cháu thiếu nhi nào chụp ảnh quỳ trước Mao Trạch Đông cả.
Я потом шутил: «У меня жена — коммунистка с семнадцатого года» được dịch là “Về sau tôi nói đùa: ‘Tôi có vợ là nữ đảng viên cộng sản từ năm 17 tuổi’.” Chỗ này chắc bạn đọc không thấy “đùa” tí nào vì đảng viên 17 tuổi tuy hiếm nhưng không phải là thứ để đùa. Cái giọng hài hước của Maslov chính là ở chỗ Cách mạng Tháng 10 cũng xảy ra vào năm 1917. Nên khi nói “Vợ tôi là nữ đảng viên từ năm 17” nhiều người sẽ chết khiếp, giống như ở VN một ông mới lấy vợ khoe “vợ tôi là đảng viên từ năm 45”. Dịch chuẩn: “Vợ tôi là nữ đảng viên từ năm 17” nhưng có lẽ phải chú thích thì người VN mới hiểu được.
Мой дедушка работал князем được dịch là “Ông nội em làm quan”. Thế thì chẳng có gì ngộ nghĩnh như Maslov nhận định về tiếng Nga của Vũ Anh. Sự ngộ nghĩnh ở đâu? Khả năng là Vũ Anh nói về ông ngoại, người có thời gian làm tri huyện. Vì không biết tri huyện là gì nên Vũ Anh liên tưởng đến “quận trưởng” và tìm trong từ điển có từ quận vương – князь. Đấy chính là sự ngộ nghĩnh mà ai học ngoại ngữ cũng từng trải qua. Tất nhiên bà Bảy Vân không nhận cha mình từng làm tri huyện. Nhưng nếu cha bà là nhà báo nghèo thì khó có thể giải thích tại sao bà lại biết tiếng Pháp. Thời Pháp đàn ông đi học còn có thể có nhà nghèo, phụ nữ thì không có nhà nghèo đi học đến độ nói thạo tiếng Pháp, nhất là ở miền Tây Nam Bộ. Dịch “Ông ngoại em đã làm quận vương” sẽ giữ lại được tính ngộ nghĩnh.
цековский санаторий được dịch là “an dưỡng đường đặt trong một nhà thờ”. Chữ цековский được Maslov nhắc đến vài lần. Chữ này không có trong từ điển tiếng Nga thời LX. Phát âm giống như “nhà thờ” nhưng nó thực chất được ghép từ hai chữ ЦК có nghĩa là Ủy ban Trung ương đảng. Nhà an dưỡng, bệnh viện, cửa hàng, tem phiếu, thực phẩm, căn hộ dành cho thứ, bộ trưởng trở lên đều được nhân dân dùng từ này để gọi. Nó là từ mới được sáng tạo ra. Dịch chuẩn: “An dưỡng đường dành cho trung ương ủy viên”.
Гонец. Phần mời Vũ Anh đi xem Anna Karenina thì đấy là một sứ giả được gia đình họ hàng lựa chọn để nói chuyện thuyết phục Vũ Anh, không phải là số nhiều.
паспорт – Hộ chiếu được nhắc đến nhiều khi Maslov đi chuyển hộ khẩu từ nội đô về đatra. Thời Liên Xô không có chứng minh thư mà cả CMT và hộ chiếu được cấp thành một quyển như hộ chiếu và tiếng Nga là passport. Khi đi nước ngoài họ phải được cấp một tờ giấy có ảnh đóng dấu giáp lai, ghi rõ cho phép đi ra nước ngoài cùng với hộ chiếu thì mới được xuất cảnh.
Я тут же оформил метрику. Chữ метрика được dịch là “biện pháp”. Có lẽ vì nghe từ này không thấy một chút sinh đẻ hay chứng nhận gì cả. Thực chất đây là giấy khai sinh, có trong từ điển đàng hoàng.
Выборы – bầu cử được nhắc đến mấy lần. Chứng tỏ Maslov cũng không hiểu chế độ VN lắm, hoặc tiếng Nga của Vũ Anh thực sự ngộ nghĩnh. Đó chính là các đợt Đại hội Đảng ở VN.
вьетнамской няни, которая пресмыкалась перед ним как рабыня. Phần này ở chỗ khi cháu Anton từ VN sang Nga. Dịch là bảo mẫu “nuôi cháu từ trứng nước” không đúng. Nguyên văn là “bảo mẫu mà quỳ lạy trước cháu như nô tỳ”. Có thể dịch là “người bảo mẫu Việt Nam mà lúc nào cũng cung phụng cháu như nô tỳ”.
несколько hay được dịch là “vài”. Trong tiếng Việt “vài” có nghĩa là hơn 1 nhưng không quá 3. Tiếng Nga несколько bắt đầu từ 3 nên tùy ngữ cảnh mà dịch là “vài” hoặc “mấy”. Tôi thiên về “mấy” hơn, trừ “vài bộ áo ấm” ở đoạn chị Phúc bị ngã xuống hồ.
Có một chỗ sai vì dùng chữ “mấy” là câu “Mấy năm sau Lê Duẩn từ trần”. Từ lúc đi sơ tán ở Pisha (khu rừng nguyên sinh biên giới Belorussia) là năm 1985 đến lúc Lê Duẩn chết là 1986 chỉ có một năm. Tiếng Nga cũng là 1 năm “А еще через год Ле Зуан умер”.
***
Khi Lê Duẩn chết, tôi là lính trong trung đoàn pháo mặt đất kiêm pháo lễ. Cả đơn vị kéo pháo đi Mai Dịch để bắn còn tôi phải ở nhà gác doanh trại. Câu hỏi thường xuyên nhất mà mọi người đặt ra cho đoàn đi bắn pháo về là: “Có được nhìn thấy gia đình Lê Duẩn không? Có mấy bà vợ?”
Tôi không phải là nhà văn. Tiếng Nga chúng tôi được học sẵn ở Thanh Xuân (sang Liên Xô nhảy vào năm thứ nhất luôn) là để học các môn toán, lý, hóa, cơ lý thuyết, sức bền vật liệu, chi tiết máy, truyền dẫn nhiệt, hóa keo, lập trình, lịch sử đảng CSLX, kinh tế chính trị học, triết học Mác Lê, chủ nghĩa cộng sản khoa học… Chúng tôi không được học tiếng Nga để dịch văn học. Khi những sự việc này xảy ra tôi chỉ được nghe con gái Lê Duẩn như một huyền thoại, không hề biết chi tiết nào cả. Tôi mải miết học tập ở cách Moskva hơn 3000km. Tuy vậy tôi cũng xin mạo muội rà soát lại bản dịch vì khi đọc có một số chi tiết hơi gợn.
Hà Nội, 25/8/2016

Tổng hợp từ trang https://anhbasam.wordpress.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét