Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

ĐIỀU NHẦM LẪN

Link : https://www.facebook.com/vodanh3101/posts/10200141962536747

Trên status của một người bạn facebook tôi, có đề cập về một vấn đề xã hội: so sánh bằng cấp và tiền. Theo đó, anh dẫn ra sự tị nạnh của những người có bằng cấp kiếm tiền ít hơn những người bán rong, bán trà chanh v.v. Anh cho rằng, có bằng cấp chưa chắc đã cao quý hơn người bán rong, và rằng, bán rong cần rất nhiều kỹ năng kinh doanh. Anh dẫn ra, nhiều tỉ phú thường bắt đầu từ bán rong, và khẳng định, không tỉ phú nào bắt đầu từ việc học chuyên môn một ngành "mốt" của thị trường.

Anh nhầm một vài lỗi nhỏ, một, vấn đề bằng cấp không bao giờ là sự cao quý, cao quý nằm ở nhân cách con người; hai, kỹ năng kinh doanh là một tổ hợp tri thức và lí thuyết kinh doanh có từ khoảng hai trăm năm nay khi nền kỹ nghệ công nghiệp Tây Âu phát triển, người bán rong tuyệt nhiên không thể có nó, họ chỉ buôn bán theo thói quen văn hóa và phẩm chất con buôn; ba, tất cả tỉ phú đều là người giỏi, có người giỏi từ chuyên ngành đi ra, có người từ phẩm chất đi ra; không phải ai cũng lập nghiệp từ bán hàng rong và phần lớn tỉ phú đều xuất phát điểm từ một chuyên môn.

Hai điều nhầm lẫn đầu là về ngôn ngữ, điều nhầm thứ ba vì kiến thức. Hiển nhiên, nên hiểu rằng, anh không có thời gian đọc nhiều sách như giới nghiên cứu và học thuật như tôi. Điều nhầm đó hoàn toàn bình thường.

Tôi muốn nói đến cái nhầm lẫn đáng sợ ẩn phía sau suy nghĩ của anh và phần lớn người Việt. Đó là: học để cao quý và làm giàu. Khía cạnh thứ nhất, tôi không bàn, vì nó nhảm nhí. Cao quý nằm ở nhân cách con người, giáo dục đúng là đi về hướng hoàn thiện nhân cách, nhưng không phải lúc nào cũng tốt. Đồng ý, rất nhiều người vì học mà nhân cách tốt hơn, nhưng nhân cách tốt chưa chắc đã vì học cao.

Khía cạnh thứ hai là một sự đê tiện. Một mặt, nó quy đồng chung giữa tri thức và đồng tiền; mặc khác, nó thừa nhận mục đích của tri thức là đồng tiền. Sự đê tiện ở đây, nó đem giá trị vô hình của tri thức với giá trị vật chất là đồng tiền. 

Tri thức là sự kết tinh của tư duy nhân loại ngàn năm, nó không của riêng ai, nó thuộc về trí tuệ loài người và xã hội văn minh. Chỉ cần một người có chút thông minh ở bậc trung và lòng kiên nhẫn thì hoàn toàn có thể tiếp cận nó. 

Quá trình học là quá trình thay đổi nhận thức và tư duy. Nó khiến con người tự tìm và khai phá giới hạn bản thân. Tri thức khi đó là một chất bổ dưỡng nuôi sống tâm hồn con người, giáo dưỡng nên một nhân cách hoàn thiện, cung cấp một công cụ để tiến bước cùng xã hội tiến bộ. Không thể đánh đồng quá trình đó với đồng tiền, cũng như không ai tính toán những năm học của mình bao nhiêu tiền để cố gắng đi làm vượt qua số tiền đó rồi tự nhủ rằng mình đã có thặng dư. Một nguồn dinh dưỡng thiêng liêng đưa cá nhân đến trí tuệ mà đem nó ra cân đo đong đếm chỉ có kẻ đê tiện mới làm việc đó. Như thể, nó đong từng giọt sữa mẹ để trả tiền khi bố mẹ chúng về già. Nó quy đổi tình cảm con người thành vật chất trần tục, nó đưa chất xám cao quý chỉ có loài người ngang bằng những vật phẩm thế tục. Học để kiếm tiền là đê tiện và ngu độn. Cũng như ăn cho to người để mang thân xác đó làm đĩ.

Chính cái xã hội đề cao cái chức năng học để kiếm tiền, hệ quả của nó, tạo thành một xã hội không bao giờ trân trọng tri thức. Người ta chăm chăm bỏ tiền cho những thứ cầm được trên tay mà không chịu bỏ tiền cho những gì thuộc về sáng tạo. Nó rẻ rúng thi nhân và nghệ sĩ, dù nó luôn miệng nói yêu thơ ca và cái đẹp. Đó là chưa nói đến nó dung dưỡng cho những tên ăn cắp chất xám tràn lan khắp giảng đường đại học.

Chính cái xã hội đề cao chức năng học để thanh lịch, hệ quả của nó, tạo ra những thứ quái thai giáo dục, những kẻ đem bằng cấp giả tạo và hợp hĩnh. Nó đưa ra một cuộc chiến giai cấp những kẻ có học và thất học. Chúng nhìn nhau bằng những đôi mắt kẻ thù. Và, cố tìm ra lí do để bôi nhọ lẫn nhau. Chúng cười khẩy khi một trong hai giai cấp kia thất thế, chúng cười xòa khi tự mình phạm lỗi.

Sâu xa hơn, nó làm cho một dân tộc không thể tăng tiến tri thức mà chỉ thích sử dụng cái kết quả của tri thức là sự văn minh nhằm no thân ấm cật. Nó làm cho không ít những kẻ ít học ăn trên xương máu sự sáng tạo, vinh phân phì da trên sức lao động kẻ khác. Một dân tộc như vậy, vừa hèn, vừa ngu và thiếu cả sự ngay thẳng.

Muốn cho chúng tỉnh, cần một cái tát, tát mạnh cỡ Nietzsche. Chứ không phải đau đáu ưu tư Tản Đà.

"Dân hai lăm triệu ai người lớn,
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét