Thứ Tư, 22 tháng 2, 2023

Ngô Nhật Đăng: HỒI SINH

 HỒI SINH

Cô em bảo :

- Ngày trước em ghét Bắc Kỳ lắm, không hiểu sao sau này lớn lên lại toàn chơi với Bắc Kỳ.

Có ông bạn Bắc Kỳ vào chơi, bạn phát ngợp và cảm động vì lòng hiếu khách, bà dì và các cô em ngày nào cũng vậy, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, rồi nhậu nhẹt lai rai, tíu tít nấu đủ các món miền Tây. Câu chuyện đi từ món ăn đến con người, Bắc và Nam.

Ờ, tại sao người ta chỉ thấy người từ Bắc vào Nam mà không thấy ngược lại, nó là vấn đề phổ quát trên toàn cầu chứ không riêng Việt Nam ? Lý do kinh tế ư ? Có, nhưng không phải là điều cơ bản. Thời Pháp thuộc, Nam Kỳ trong ý nghĩ của người miền Bắc là nơi đất rộng người thưa, khí hậu ôn hòa, làm ăn dễ dàng, con người phóng khoáng vv...Vậy mà biết bao nhiêu kế hoạch được xây dựng rất chi tiết và công phu để di dân từ đồng bằng Bắc Bộ vào Nam của chính phủ đều thất bại. Ngay cả việc mộ phu vào lập các đồn điền cao su với những điều kiện vật chất tốt hơn nhiều cũng không thu hút được dân chúng, ai đi thì cũng chỉ vài năm khi đã dành dụm được tiền bạc đều quay về. Gourou đã phân tích rất logic và chi tiết chỉ ra chính xác nguyên nhân của hiện tượng này trong công trình nghiên cứu của ông "Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ" - cho đến nay vẫn còn giá trị cho những ai muốn tìm hiểu. Đặc biệt công phu là : "Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ" của Đào Trinh Nhất gây ra tiếng vang lớn nhưng cũng không thực thi được.

Năm 1954, một biến động chính trị lớn đã khiến cả triệu người Bắc di cư vào Nam và tất cả, ai cũng nghĩ sẽ có một ngày quay về, vấn đề phân biệt vùng miền cũng có, nhưng chỉ là nhỏ lẻ, cá nhân, lặt vặt. Sau 75, hàng triệu người Bắc lại vào Nam, vấn đề này đang bị thổi phồng thành kỳ thị chia rẽ vùng miền.

Khi tôi ra quân muốn đi làm, cha tôi nói : "Con nên vào Sài Gòn, thành phố còn ra một thành phố và dù sao trong đó cũng trải qua một thời kỳ có nền dân chủ" nhưng rồi sau hơn 2 năm đi hết các vùng Nam Bộ tôi lại quay về Hà Nội.

Hàng chục năm không bao giờ nghĩ đến rồi tôi lại vào Nam định cư. Vì kinh tế ư ? Hoàn toàn không, ở Hà Nội sinh kế của tôi dễ hơn nhiều và cũng nhàn nhã hơn nhiều, không bao giờ bị cảnh tài khoản trong ngân hàng “nhẵn như chùi” thường xảy ra như khi vào Nam. Vì khí hậu miền Nam ôn hòa hơn ? Cũng không, tuy ghét mùa hè nóng nực ngoài Bắc nhưng tôi vẫn tha thiết yêu mùa Thu Hà Nội và đôi lúc thèm nhớ đến thắt lòng cảnh rét mướt, mưa phùn gió bấc của Bắc Bộ. Vì con người Nam Bộ trung hậu, thật thà, hào sảng, phóng khoáng hơn ? Cũng không, khắp vùng Bắc Việt, đặc biệt là nông thôn và vùng thượng du nơi mà gót chân tôi từng lui tới không sót chỗ nào, tôi vẫn luôn gặp được những con người lương thiện, thật thà, hào sảng, mến khách, tôi có vô số bạn bè ở khắp nơi, thậm chí không một xu dính túi thì cũng chẳng phải lo ngại gì. Có được một người vợ hiền thục, một tình yêu lớn ư ? Khi vào Nam tôi chưa bao giờ nghĩ tới, trong thời buổi nhố nhăng này, tình yêu là thứ mong manh dễ vỡ nhất. Mình chỉ biết nâng niu trân trọng từng ngày mà không dám chắc điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Nhiều khi không phải là do người trong cuộc gây nên. Tóm lại, cái xấu thì ở đâu cũng giống nhau, chỉ có cái tốt là khác nhau.

Vậy thì vì cái gì ?

Hồi có cái “Đại lễ” nghìn năm Thăng Long, nhạc sỹ Ngọc Đại sáng tác một bài hát, trong đó có câu “Những khẩu hiệu ngàn năm Hà Nội như giẫm đạp lên đôi mắt người lính già...Người tình phản bội, còn hơn một nghi lễ. Đi bẻ chùm lá non - Vẫy chào”. Sư tỷ của tôi, từ nước ngoài về, nói : “Gót giày xâm lăng đang dày xéo lên Hà Nội thân yêu của chúng ta”. Tôi giật mình nhìn xung quanh, Hà Nội của tôi (mà tôi nghĩ sẽ không bao giờ rời bỏ) bỗng hiện lên dưới một hình thái khác, ý định ra đi bắt đầu nảy sinh. Khi đọc Lương Kim Định, triết gia Bắc Kỳ di cư này khẳng định “ Đồng bằng sông Cửu Long sẽ gánh vác sứ mệnh phục sinh nước Việt” càng củng cố thêm quyết định của tôi.

Sống "vùng vẫy" và thoải mái ở miền Tây như cá trong nước, tôi nhìn cái xu thế kỳ thị, phân biệt vùng miền với con mắt khác.

Con người không thể tồn tại riêng lẻ bởi Thượng Đế không cho nó cái bản năng sinh tồn như loài vật, họ phải quần tụ với nhau một cách hết sức tự nhiên hay nói một cách khác Thượng Đế chuẩn bị cho con người các công cụ để sống hoà thuận với nhau, ví dụ như bộ óc biết quan sát, sáng tạo và ngôn ngữ. Chính trị ra đời như một phần mà Aristoteles khẳng định trong tác phẩm Chính trị luận "Con người là một loài động vật chính trị", chính cái tư tưởng coi con người cũng như một loài động vật là nền tảng cho thuyết duy vật, vô thần chống lại Chúa. Chính trị với ý nghĩa nguyên thuỷ là "cai trị một cách công chính", người dân lựa chọn những cá nhân xuất sắc để cai trị xã hội nhưng vẫn nằm dưới một quyền lực siêu tự nhiên đó là "theo ý Trời" mà ý Dân là ý Trời. Những mô hình chính trị thuở ban đầu vẫn được nhắc tới như một niềm mong nhớ "Thời Nghiêu, Thuấn". Sự suy đồi của tầng lớp thống trị đã làm cho ý nghĩa chính trị đi ngược lại mục đích ban đầu. Cai trị đã trở thành một kỹ thuật (kỹ trị) được đào tạo để duy trì quyền lợi của kẻ cai trị. Đỉnh điểm của nó là chủ nghĩa Marx khi đơn giản hoá con người vào cái hộp chật hẹp gọi là "giai cấp". Tất nhiên, nó sẽ nảy sinh mâu thuẫn và theo Marx mâu thuẫn lớn nhất là mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, "nhà nước là công cụ của giai cấp thống trị để đàn áp giai cấp bị trị". Và để giải quyết mâu thuẫn này con đường duy nhất là làm các cuộc cách mạng lật đổ và phá hủy. Ai sẽ làm cách mạng? Lenin định nghĩa : "Dân chủ tức là dùng một bộ phận nhân dân này chống lại một bộ phận nhân dân khác". Để nhân dân chống lại nhau không gì bằng kích động lòng căm thù và khởi đầu lòng căm thù không gì bằng kích động sự phân biệt, kỳ thị dân tộc, vùng miền.

 Giai cấp cai trị hiểu rất rõ điều này, nó phải hướng sự căm thù ấy vào mục tiêu khác, không phải sự căm thù đối với giai cấp thống trị mà là lòng căm thù giữa nhân dân với nhân dân.

Hình thái xâm lăng ngày nay là sự xâm lăng của ý thức hệ với sự đồng lõa của thiểu số người tự nhận mình là “thượng lưu, ưu tú, tinh hoa” nên vì vậy nhìn nhận ra nó cũng phức tạp hơn gấp bội phần. 

Họ hướng sự căm ghét vào đồng bào mình, người miền Nam coi mọi nguyên nhân gây nên sự đau khổ của mình là do “đám Bắc Kỳ chó”. Một thái độ được tầng lớp trên khuyến khích và đám viết thuê tay sai “đổ thêm dầu vào lửa”.

Hai trăm năm Trịnh - Nguyễn phân tranh, một mặt mở mang bờ cõi, mở thêm không gian sống cho cả dân tộc, mặt khác nó cũng nuôi ước mơ thống nhất đất nước. Hoàng Đế Gia Long vĩ đại đã làm được điều ấy. Cuộc nội chiến kéo dài 20 năm dẫn đến "thống nhất" năm 1975 đã đi ngược lại ý nghĩa tốt đẹp nhất của từ này. Thay vì đất nước hoà bình rồi, từ nay xoá bỏ mọi hận thù cùng chung sức xây dựng lại ngôi nhà Việt Nam - Uớc mơ này đã bị phản bội. Cả dân tộc bị tước đoạt giấc mơ bởi sự xâm lăng của ý thức hệ. Thay vì căm thù cái ý thức hệ ấy thì chúng ta lại quay mũi kiếm vào nhau ? Thủ phạm là ai?

Tôi ngộ ra, chính vì quá khứ “được trải qua nền dân chủ” làm cho Nam Kỳ có cái để nhớ, có cái để so sánh, có cái để luyến tiếc. Nỗi khắc khoải này sẽ làm tiền đề cho nước Việt phục sinh. Khi mà với niềm khắc khoải vô bờ ấy, người Việt không phân biệt vùng miền, xu hướng chính trị nhận ra tất cả chúng ta đều bị xâm lăng bởi thứ Ý thức hệ cộng sản ngoại lai, thì đó là lúc mà nước Việt phục sinh, như con phượng hoàng bay lên từ đống tro tàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét