Thứ Năm, 13 tháng 4, 2023

Ngô Nhật Đăng: NAM TÍNH

 NAM TÍNH

 Thế nào là một người đàn ông?

Từ xa xưa lắm rồi văn hóa của tất cả các dân tộc là bắt buộc phải dạy con trai cách để trở thành đàn ông, đó là hợp lẽ tự nhiên. 

Nhưng từ bao giờ cái ‘’tiêu chuẩn đàn ông’’ bỗng thay đổi ? Rồi từ đâu mà nảy nòi ra cái gọi là phong trào ‘’Giải phóng phụ nữ’’ ? Phải chăng phụ nữ là người bị đàn áp ? Giải thích làm sao đây khi tất cả các cuộc chiến tranh thời cổ đại Hy Lạp - La Mã đều có nguyên nhân là phụ nữ. Có một câu châm ngôn khét tiếng : "Nếu mũi của nàng Cleopatra dài thêm một chút thì lịch sử thế giới đã đi theo hướng khác". Ngay cả ở Việt Nam các cuộc chiến dữ dội trong huyền sử như Sơn Tinh - Thủy Tinh cũng là vì nàng Mỵ Nương. Thục Phán đánh Văn Lang cũng vì không được làm rể Hùng Vương.

Hay, phải chăng người ta đã bỏ qua chuyện dạy dỗ con gái rằng nam tính trông như thế nào, rằng phụ nữ mong đợi gì từ người đàn ông trong cuộc sống của họ, rằng đàn ông mà thiếu chất nam tính cũng là làm tổn thương người phụ nữ.

Bà vợ của tỷ phú Bill Gates khi ly hôn nói rằng bà cần đấu tranh cho quyền của phụ nữ, rằng ông chồng không chia sẻ việc nhà cũng như trong việc giáo dục con cái nhưng bà ta là trường hợp đặc biệt. Ít nhất đó là cái giá phải trả khi lấy một người giàu nhất thế giới, toàn bộ thời gian của ông ta trong đời chỉ là kiếm tiền. Nhưng điều cơ bản nhất trong cuộc chia tay này là Bill Gates thiếu nam tính và bà vợ cũng không được dạy dỗ nam tính trông như thế nào.

Những gì bố tôi đã dạy về đàn ông với tôi là rất quan trọng. Thật dễ dàng để thần tượng cha của mình khi còn nhỏ nhưng khi trưởng thành, tôi vẫn tiếp tục kính trọng cha tôi rất nhiều. Ông đã dạy tôi về thế giới và những điều cần phải hy sinh để sống tốt hơn trong đời. Trong đó, dạy con trai cách trở thành người đàn ông là một phần không thể thiếu.

Cha tôi đã dạy tôi, một người đàn ông đáng giá không để nỗi sợ hãi hoặc áp lực đe dọa anh ta làm điều đúng, lên án cái ác hoặc đứng lên bảo vệ những người không thể tự vệ. Một trong những điều tôi coi như là tấm gương là sau những công việc hàng ngày ông giúp mẹ tôi nấu ăn, quét nhà, sửa những đồ dùng hư hỏng và đặc biệt không bao giờ can thiệp vào việc mẹ tôi dạy dỗ con cái. Cha tôi chưa bao giờ đánh con, mẹ tôi thì khác, thỉnh thoảng bà cũng đánh con và ‘’dữ đòn’’ lắm. Tôi thì lỳ, khi bị đánh là im lặng và dứt khoát không khóc, có lần thấy tôi bị mẹ đánh đau, ông đứng nhìn có vẻ khổ sở lắm, rồi không chịu được ông hét : ‘’Khóc đi! Không mẹ đánh chết bây giờ’’ - Mẹ tôi phì cười và vứt cái roi. Thực ra ông cũng không phải dạng ‘’hiền lành’’.

Do hiểu thế nào là nam tính, nên mẹ tôi cũng dạy tôi cách trở thành đàn ông, lần đầu tiên đi học tôi thường bị bắt nạt, tôi không sợ nhưng không thích đánh nhau và không bao giờ mách cô giáo hoặc cha mẹ, không hiểu sao mẹ biết, bà bảo: ’’Mẹ cấm con không được gây sự đánh nhau nhưng bạn nào bắt nạt mà con không đánh lại thì mẹ sẽ đánh đòn con thêm’’. Thế là hôm sau tôi đánh cho thằng chuyên bắt nạt mình một trận nên thân, khóc lóc xin tha mới thôi. Đi học về, trong mâm cơm có thêm một đĩa thị ba chỉ luộc và một đĩa tôm rang, hai món mà tôi thích nhất, thì ra mẹ tôi lén đi theo rình và thưởng thằng con trai ra dáng đàn ông.

Khi tôi vào năm cuối trung học, cha tôi nói: ‘’Năm nay con phải thi đại học, phải thức khuya học bài, bố cho con hút thuốc lá và tăng thêm tiền tiêu vặt nhưng có một điều tuyệt đối cấm, đó là yêu đương’’. Không hiểu sao tôi lại phạm ngay cái điều ‘’tuyệt đối cấm’’, ngày ấy đó là tội tày đình, ban giám hiệu nhà trường họp mấy lần về trường hợp của chúng tôi, cũng may là nhiều thày cô bênh vực. Thày giáo chủ nhiệm, con một nhà tư sản phố Hàng Đào sau khi kiểm tra bài học của hai đứa đã tuyên bố trước lớp: ’’ Hôm qua ban giám hiệu họp về anh chị nhưng yêu đương như anh chị thì tôi giơ hai tay ủng hộ’’. 

Một buổi tối ăn cơm xong, cha tôi mặt lạnh tanh nói: ‘’Về phòng, bố muốn nói chuyện riêng với con’’. Ông hỏi tôi: ‘’Con có biết bố muốn nói chuyện gì với con không?’’- Tất nhiên là tôi biết, nhưng quá sợ nên không dám trả lời. Ông nói: “Con mới 16 tuổi, yêu đương thế là sớm’’- rồi rít một hơi thuốc, tôi đứng tim, ông lại tiếp: ‘’ Nhưng bố mẹ cũng thấy mừng’’ - tôi hơi ngỡ ngàng - ‘’Như thế là con đã trưởng thành, đã là người đàn ông, con đừng làm gì để sau này phải xấu hổ, ân hận, con nói bạn gái cứ đến nhà mình chơi, bố cũng coi nó như con". Tôi sung sướng không để đâu cho hết.

Bố cũng nói với tôi rằng đàn ông nên biết quan tâm chính trị và lịch sử cũng như nên biết tự tay sửa xe đạp của mình. Tất nhiên, không phải tất cả đàn ông đều cần phải vừa là người am hiểu chính trị, lịch sử đồng thời là một người thợ nghiệp dư. Điều đáng ngưỡng mộ của đàn ông là việc trở thành một người có khả năng giải quyết các vấn đề với sự hiểu biết. Trí tuệ cũng vậy, giải quyết vấn đề không chỉ giới hạn ở việc sửa chữa các đồ dùng trong nhà, nó còn bao gồm cái nhìn sâu sắc và lời khuyên sáng suốt. Đó là một đặc tính của đàn ông, ở điểm này nó khác với người phụ nữ.

Tôi cũng học được từ cha mình rằng bản lĩnh đàn ông bao gồm ý thức trách nhiệm cao với những người thân yêu và đất nước của mình. Khi tôi vào lính, đôi lần ông đưa tôi lên đơn vị, có lần nghỉ chân ngang đường hút thuốc, cha tôi chỉ cánh đồng lúa đang chín vàng và hỏi : ‘’Con có biết tại sao lúa chín đẹp thế kia mà không có ai đi gặt không?’’  Và ông thở dài :’’Khi người nông dân không còn quý hạt lúa thì đất nước sẽ đi về đâu ?” Nhưng cha tôi cũng đòi hỏi từ những người thân yêu của mình, có lần ông nói với tôi : ‘’Bố chưa phải là một người chồng, người cha làm hết trách nhiệm với gia đình nhưng vì bố đã chọn cái nghiệp này thì bố cũng có quyền đòi hỏi vợ con một chút hy sinh’’. Khi tôi làm cha, có lần con gái tôi nói :"Pa pa không phải là mẫu người dành cho gia đình nhưng cuộc đời cần những người như pa pa". Đôi khi nó cho tôi thấy một người đàn ông trông như thế nào. Lần ấy, Vũ "điên" tức Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực trong tù, bên ngoài tôi cũng nhịn ăn để ủng hộ bạn. Có người gửi cho tôi cái clip cho thấy Vũ lén ăn vụng và khuyên "Anh nên thận trọng, kẻo vì ông Vũ mà phải xấu hổ". Quả thật tôi có hoang mang, con gái tôi hỏi : "Pa pa tin bạn mình hay tin nhà nước?" Tôi tỉnh ra. Nếu trong muôn một lỡ phải xấu hổ vì bạn thì cũng có sao đâu. 

Còn rất nhiều điều để tôi ngưỡng mộ về cha mình, chẳng hạn như phong cách mà ông và các bạn bè của mình thể hiện như cách uống rượu, điệu bộ hút thuốc, cách chọn giầy, chọn caravate và tất (vớ) phải ‘’Ton sur ton ’’ vv…ông đã trang bị cho tôi kỳ vọng và tôn vinh sự nam tính trong các mối quan hệ bạn bè và xã hội nhất là với người phụ nữ mình yêu. Và hơn bất cứ điều gì nó nhắc nhở tôi biết ơn một người cha trong mỗi ngày. Khi sắp mất, ông nói với tôi : ''Làm người lương thiện mới là điều đáng kể nhất trong đời con ạ''. Tôi nhớ một câu thơ của ông : 

Những con người lương thiện.

Sống đời không bình yên.

Chao ôi, nhìn cái cảnh õng ẹo, ông không ra ông, bà chẳng ra bà sao mà ngán ngẩm.

Niềm tin, tự do, gia đình và đất nước là quý giá. Quý giá đến nỗi chúng đáng để đấu tranh và nếu cần thì chết vì nó. Ngược lại, không ai sẵn sàng chết vì LGBTQ hoặc chương trình bình đẳng giới, đa dạng và hòa nhập, biến đổi khí hậu hay toàn cầu hóa.

Nam tính không có nhị phân - non binary- vô nghĩa mà Aristote (người cổ động cho đồng tính luyến ái) đã viết cả một bài luận dài. Nam tính  không có hạn ngạch giới tính hoặc LGBTQ. Trước sự cần thiết, làm những gì cần thiết. Đó là NAM TÍNH.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét