Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2024

FB Nguyễn Gia Việt: Trí thức Miền Nam

 Trí thức Miền Nam

-Nguyễn Gia Việt-

Trên FB nhơn vụ ông Nguyễn Công Kh nên có nhiều người ngồi đó ôn cố tri tân. Thì cũng nói này nọ, trách nọ kia, bôi đen bôi đỏ, cái lịch sử và tâm tánh đi chung nhau.

Rồi người ta, người cùng thời nhắc lại những cái tên, nào là Hùynh Tấn M, rồi là Nguyễn Tấn T, Phùng Hữu T, Lê Thành Y (Lê Duy H), Cao Thị Quế H, Trầm K, Dương Văn Đ, Võ Thị T..

Và Huỳnh Ngọc C, Nguyễn Chánh T…

Giựt mình! Tôi nhớ về một nền văn hoá và giáo dục trước 1975, những cái tên trí thức ngon lành mà hồi xưa là sinh viên, toàn dân tú tài 2, gia đình khá giả hoặc bình dân nhưng học rất giỏi.

Trong dòng họ tôi trước 1975 chỉ có một người có tú tài 2.

Có nền tảng từ nền giáo dục Pháp, giáo dục VNCH trên 3 nguyên tắc nhân bản ,dân tộc và khai phóng.

Học trò tiểu học phải thi tuyển vô trung học đệ nhứt cấp (Cấp 2), vô trường công rất khó, tỉ lệ đậu trung bình là 62%, còn 38% còn lại vô trường tư thục học.

Các kỳ thi tuyển của VNCH đều viết và vấn đáp.

Vô đệ thất (lớp 6) phải học ngoại ngữ Anh hoặc Pháp. Tới cuối lớp 9 thì thi bằng “Trung học đệ nhứt cấp”. Thi rớt thì ở lại học lưu ban, qua trường tư hoặc đi học nghề. Thập niên 70 bỏ kỳ thi này.

Đậu bằng” Trung học đệ nhứt cấp” xong đủ điểm vô trường công học “Trung học đệ nhị cấp”. Học trò phải chọn ban A, B, C, D, từ lớp 10 học trò bị buộc học thêm môn ngoại ngữ thứ 2.

Tới lớp 11 thì học sinh phải thi tú tài 1, thi rất khó, tức là loại ra một số học sinh, nếu đậu tú tài 1 thì qua học tiếp lớp 12, cuối năm thi tú tài 2, Tú tài toàn phần, tức là loại bỏ một số học sinh nữa.

Tỷ lệ đậu tú tài 1 trong chừng 15-30% và tú tài 2 là 30-45%.

Bằng tú tài 2 là sự tự hào của học trò ngày đó. Mỗi kỳ thi tú tài là mỗi lần vượt ải khó khăn, nhiều học sinh học bài phát điên.

Có câu:

"Rớt tú tài anh đi trung sĩ 

Em ở nhà lấy Mỹ sanh con

Bao giờ hết chuyện nước non

Anh về anh có Mỹ con anh bồng"

Là thế hệ sau 1975, thiệt sự so ra chúng tôi hoàn toàn ngưỡng mộ những cô chú bác đi trước.

Chúng ta biết Việt Nam Cộng Hòa tồn tại từ 1954 tới 1975 và nó có một vai trò rất sáng giá, chí ít là tới bây giờ người ta nhận xét.

Trong 20 năm với hai quốc gia riêng biệt, mỗi miền đã hình thành một sắc thái văn hóa riêng, một nền giáo dục riêng, với những thế hệ thanh niên được đào tạo khác biệt.

Một nhà nghiên cư khẳng định là:

"Một sinh viên được đào tạo trong Nam khác hẳn một sinh viên ngoài Bắc về tinh thần làm việc, về ý thức dân chủ, về ý thức tự do, về quyền làm người, về những giá trị nhân bản, và nhất là một quan niệm về con người. Ðấy là một khác biệt sâu xa, đánh dấu bản sắc con người giữa hai miền mà người ta ít lưu tâm tới".

Trí thức MN giỏi thiệt, toàn du học Tây, Mỹ, toàn học thiệt, nghĩ thiệt và sống thiệt.

Sau 1975 thì trí thức MN hoặc di tản, vượt biên, hoặc ra đường đạp xích lô.

Những vị kể tên trên là trí thức Miền Nam, nhưng họ đã bước theo dòng lịch sử khác mà theo họ là vô cùng lý tưởng. Thành ra họ không đạp xích lô. Chúng ta không bàn sâu vì nói nhiều là xái. Lịch sử như hai dòng nước của hai đại dương, dầu là chung nhưng cũng có ranh giới và hai màu nước biển rành rành.

Nhưng mà! Thiệt sự có nhiều người viết lên những dòng chữ rất tâm trạng, về thân phận trí thức Miền Nam và ngẫm cũng có chút gì đó phải ráng đọc.

Vũ Tài Lục từng viết:

"Phẩm đức của phần tử trí thức nói theo lý tưởng thực là viên ngọc không tì vết.

Tuy nhiên không phải cứ có phẩm đức là có luôn giá trị. Trên chính trị, phẩm đức, giá trị và thân phận là ba vấn đề tách biệt nhau.

Ðó là cái lý do tại sao đôi lúc người ta phải nhận rằng người trí thức không bằng cục c là đúng".

Không biết những vị có tên đó có lúc nào đó ngẫm về đời người, về những thứ thuộc về “nhân sinh quan” của tâm hồn và cuộc sống?

Hoăc cũng có, trí thức mà, họ suy nghĩ nhiều lắm, tóc rụng hết trơn.

Thực ra nói về tình thương cũng có gì đó phải suy nghĩ, nói về lý tưởng cũng phải có gì đó suy tư, nhưng tốt nhứt khỏi suy nghĩ gì cho đơn giản, nói sao thì cứ nghe vậy cho rồi, người ta chỉ muốn vậy thì cứ cho là vậy đi.

Chân lý của một đời người nhiều khi đơn giản là sống bình an, đi hoài chưn cũng mòn, gối cũng mỏi, tuổi trẻ đấu tranh cho dữ rốt cuôc tuổi già mắt mờ chưn lỏng cũng chống gậy run run. Trịnh từng nói sao ta? nói vầy:

"Mệt quá thân ta này

Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi

Mệt quá thân ta này

Nằm xuống với đất muôn đời"

Người ta cứ hay lý tưởng hóa những người trí thức thản nhiên bước lên đoạn đầu đài như Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Thái Học để khẳng định chí khí để thành những hình ảnh đẹp mà quên khen những trí thức biết thời thế.

Người trí thức đa số là loại người thiên hướng về lý tưởng, mặc dầu họ không phải không nhìn thấy thực tế, nhưng nhìn để mà chối bỏ, để mong bắt nó vào lý tưởng cho nên họ rất yếu khi đối diện với sự phũ phàng của thực tế.

Để được an bình đôi khi người ta đánh đổi một điều gì đó.

Sau 1975 cũng có nhiều trí thức Miền Nam còn ở lại.

Xét về ý chí của trí thức, chúng ta thấy Kinh Dịch rất thoáng, nếu như Nho gia yêu cầu trí thức phải sống chết với lý tưởng thì Kinh Dịch có một sự uyển chuyển nhứt định.

Kinh Dịch là "Trí huệ và quyền biến", người trí thức có thể quyền biến theo cách mà mình thấy cần thiết, lên hay xuống, nhẹ nhàng lách hay nép mình để hanh thông,  thích đáng, chính và bền vững theo suy nghĩ thực tế của xã hội.

Ta gọi là là số phận chung của những người trí thức sau 1975.

Đôi khi không thể đòi hỏi, kỳ vọng người này phải như người kia trong khi khi sanh ra thì chúng ta đều là những người tách biệt, khác nhau hết.

Trí thức mà không có quyền lực bảo vệ thì không khác gì nàng chinh phụ đứng giữa cơn bão biển.

Thành ra ngày xưa Nguyễn Trãi phải đi bộ hàng ngàn cây số tìm vào Lam Sơn tụ nghĩa với Lê Lợi. Trí thức muốn cống hiến đúng khả năng mình phải có minh quân hiểu và giúp sức.

Buồn là buồn lịch sử kìa!

Miền Nam không thiếu người tài giỏi, nhưng thiếu một lý tưởng, một ý thức hệ và một giới trí thức cách mạng sống có tình với quê hương.

Kết bài sao ta? lòng vòng không biết viết sao để kết thúc nè!

Nói chung! Chúng ta trọng trí thức, trọng cái học. Nhưng người trí thức đó sống như thế nào để gọi là đẹp và có tư thế thì chúng ta cũng không nên dễ dàng đến độ cảm tính.

Thôi stop.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét