Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

Ngô Nhật Đăng: NHO, Y, LÝ SỐ - CÂN BẰNG ÂM DƯƠNG TRONG CHỮA BỆNH

 NHO, Y, LÝ SỐ (Tiếp)

CÂN BẰNG ÂM DƯƠNG TRONG CHỮA BỆNH

Ngày đứa con gái đầu lòng của tôi sắp đến tuổi đi học mẫu giáo, tôi cầm lá số Tử Vi của nó đưa cho Thầy, Thầy tôi nói “Năm nay nó sẽ bị đau mắt, sang năm thì bị mụn nhọt, lở ngứa. Chỉ cần chú ý thế thôi”.

Trẻ con phải qua hết 12 năm đầu (Thập nhị địa chi), sang 13 tuổi mới xem như người lớn, nên trong thời gian này chỉ cần coi sức khỏe cho chúng gọi là “Đồng hạn” -  Các hạn kỳ của tuổi nhi đồng.

Tôi nghe lời Thầy, cả năm giữ gìn mắt cho con bé thật cẩn thận. Ấy thế mà gần đến Tết nó cũng bị đau mắt đỏ, may mà chỉ mất có 3 ngày. Tôi thầm nghĩ “Đúng là có số, giữ gìn cũng chẳng ăn thua”. Năm sau tôi kệ, thế là con bé hết rôm sảy rồi lên sởi lại còn bị thủy đậu, bôi thuốc xanh lè cả người, tôi phải mua cỏ chân vịt nấu nước cho nó tắm, còn bã phơi khô đốt thành than rồi rắc nhẹ vào đám mụn nước theo lời mách của bà hàng lá (chợ nào ở Hà Nội cũ cũng có người bán lá), mỗi lần như như thế kéo dài cả tháng. Tôi than với Thầy, ông bảo : “Biết cân bằng Âm, Dương, tính toán định lượng Ngũ hành thì không chỉ bệnh tật mà những việc trên đời có thể làm cái tốt tốt lên, cái xấu giảm xấu đi. Những ai có Chí, có Trí và có Tâm có thể cải biến đến 7, 80%. Vì vậy Mệnh là Định mệnh còn Thân là Ta Hành Động”. Thấy tôi vẫn tần ngần, Thầy bảo “ Muốn biết vì sao như thế thì từ ngày mai mang sách vở sang nhà ta mà học”. Thế thì còn gì bằng, thực ra tôi cũng muốn học Thầy lâu lắm rồi nhưng ngại không dám nói, ông là bạn của cha tôi lại biết tôi từ bé (cả tật xấu) nên tôi không dám mở lời trước sợ Thầy không nhận. Ôi, thế mà thấm thoắt đã gần 40 năm.

Trong lá số Tử Vi có một cung chuyên về coi bệnh tật gọi là cung Tật ách, các ngôi sao Tử Vi ngoài các tính chất siêu hình còn chỉ các thứ hữu hình như đồ vật hay con vật hoặc các cơ quan của người, từ lục phủ ngũ tạng đến gân cốt xương da, chân, tay, vai, gáy đến cơ quan sinh dục vv...đó là Tiên thiên. Tùy vị trí (không gian) rồi do sự dịch chuyển qua thời gian mà các ngôi sao ấy gặp tốt hay xấu tức khỏe mạnh hay bị bệnh. Tất nhiên rất là còn sơ đẳng. Tử Vi chỉ nêu trường hợp tổng quát, đó là con người mạnh khỏe phụ thuộc vào hai cơ quan là Can (Gan) và Mục (Mắt). Sự bền vững, khang kiện của Can phụ thuộc vào bộ sao Tử- Phủ - Vũ - Tướng. Sự sáng láng của Mục phụ thuộc vào Nhật - Nguyệt và Thiếu âm, Thiếu dương. Đó là cân bằng Âm, Dương và sự chuyển vận của Ngũ hành. Các cơ quan nội tạng của cơ thể tượng trưng cho sức khỏe sinh lý, con mắt có thần (sáng láng) tượng trưng cho sức khỏe tâm lý. Tóm lại, đó là cơ sở lý luận như kiểu tiên đề trong toán học, muốn giải bài toán phải cần thêm rất nhiều những kiến thức khác nữa. Vả lại trên đời có mấy ai có được một lá số hoàn hảo gọi là “Phi thường cách” để suốt đời không phải lo đến bệnh tật. Lớp Tử Vi của tôi ngày ấy có một bác sỹ Đông y, gặp căn bệnh nào khó chữa anh lại lấy số Tử Vi của người bệnh mang đến nhờ Thầy, nó luôn luôn làm chúng tôi kinh ngạc, tất nhiên anh vô cùng nổi tiếng nhất là chữa bệnh vô sinh. Và cũng tất nhiên, anh chỉ cần học một thời gian là nắm được Âm , Dương, Ngũ hành vận dụng trong việc chữa bệnh mà không cần đi sâu trong các vấn đề khác.

Có thể hiểu nôm na thế này : Khi biết tuổi của bệnh nhân, cả ngày giờ  sinh thì càng tốt (càng nhiều thông tin đầu vào thì vấn đề càng rõ ràng hơn) ta sẽ có một lá số Tử Vi, một bản đồ về âm dương, ngũ hành của các cơ quan trên cơ thể người đó (Tử Vi cũng có thể lấy lá số cho một người không nhớ hoặc giấu ngày sinh tháng đẻ bằng phương pháp quy nạp và loại suy, tất nhiên sẽ mất thời gian hơn) hoặc bắt mạch và hỏi han người bệnh. Những thầy thuốc giỏi xem mạch Thái tố còn biết được cả số phận, vận mệnh của người ấy. Tóm lại, nó đều có gốc từ Kinh Dịch.

Nguyên tắc tìm nguyên căn của bệnh : Cơ quan ấy là Âm hay Dương, nó nằm ở cung Âm hay cung Dương, trong cung ấy có những sao nào thuộc Âm, sao nào thuộc Dương để cân nhắc Âm, Dương có cân bằng không, hay bên nhiều bên ít. Sao thuộc hành nào trong ngũ hành và ngôi sao ấy nằm ở cung ấy thuộc hành gì. rồi vận dụng quy tắc Tương sinh, Tương khắc, quan trọng nhất là Tương dung hay Tương hòa. Các quy tắc dịch chuyển gồm Âm (nặng) đi xuống, Dương (nhẹ) đi lên, phần nửa trên cơ thể là Âm, phần nửa dưới là Dương, bên tả là Âm, bên Hữu là Dương. Ngũ hành thì : Thủy thấm xuống, Hỏa bốc lên, Mộc gãy khúc, Kim đi theo để biến đổi, Thổ là nơi cho các hành tập trung đi vào rồi đi ra giống như máu ra và vào trái tim nên được gọi là “Gieo- Gặt”. Nên nhớ từ “Hành” có nghĩa là : nguyên lý đi ngầm bên dưới. Trong mỗi hành gồm 6 biến thể, ví dụ Hỏa có : 

Lư Trung Hỏa ( Lửa trong lò)

Sơn Đầu Hỏa (lửa đầu núi)

Tích Lịch Hỏa (lửa sấm sét)

Sơn Hạ Hỏa ( Lửa dưới núi)

Phú Đăng Hỏa ( lửa đèn dầu)

Thiên Thượng Hỏa ( lửa trên trời)

Hay Kim gồm :

Hải Trung Kim (Vàng dưới biển.)

Kim Bạch Kim (Vàng pha bạc)

Bạch Lạp Kim  (Vàng chân nến).

Sa Trung Kim  (Vàng trong cát).

Kiếm Phong Kim (Vàng mũi kiếm.

Thoa Xuyến Kim ( Vàng trang sức.)

vv...

Sự tương tác hay kết hợp các hành gọi là phép Nạp âm và nó rất uyển chuyển. Ví dụ : “Lưỡng Hỏa, Hỏa tuyệt”, nếu cả hai đều là Tích lịch hỏa thì mới tuyệt diệt chứ đều là Phú đăng hỏa tức hai ngọn đèn thì lại sáng thêm. Hay Kim khắc Mộc, loại Kim như cái rìu (Kiếm phong kim) mới khắc Mộc chứ Thoa xuyến kim thì lại làm Mộc đẹp hơn (sơn son thếp vàng cho mộc) vv...Vì thế ta thấy có bệnh nhân mắc bệnh do Hỏa mà Hải Thượng Lãn Ông ban đầu lại dùng thuốc Hỏa mà không dùng Thủy. Bởi cái Hỏa gây bệnh đó nằm trong Thủy không thoát ra được nên phải dùng thêm Hỏa cho nó trồi lên rồi mới trị. Nhiều thầy lang bây giờ vì không hiểu cái lẽ huyền vi ấy nên dù có sẵn bài thuốc của cha ông mà không dám dùng.

Tương tự, cây cỏ và động vật cũng gồm Âm, Dương, Ngũ hành, thầy thuốc xét các tính chất của chúng mà cân đo liều lượng để cân bằng Âm, Dương cho cơ thể và đưa vào người qua đường ăn uống, khoa học đã chứng minh 75% các cơ chế miễn dịch của con người nằm ở ruột non và đại tràng, nó khác với quan điểm phương Tây là đưa thẳng thuốc vào máu (tiêm chích). Thế nào là Âm Dương cân bằng ? Lại phải quay về số căn bản của Dịch (ỷ số) : “Tham Thiên, lưỡng Địa nhi ỷ số”- Trời 3 Đất 2 là số cơ bản. Vậy nên Dương chiếm 3 phần, Âm chiếm 2 phần đó là cân bằng Âm Dương.

Người Tàu rất giỏi trong việc biến thực phẩm thành thuốc, tôi từng ghé vào một quán ăn chuyên thịt của động vật có vú, họ để một tấm biển to tướng trên bức tường chính ghi : “Tất cả những con gì có 4 chân đều nấu được thành món ăn. Trừ bàn và ghế”. Sức khỏe (sinh lý) của người Tàu rất tốt, họ khỏe hơn người Việt nhiều, họ ăn cũng nhiều hơn, bữa ăn hàng ngày cũng phải từ 6 đến 8 món nhưng sức khỏe tâm lý (lương tri) thì lại kém, họ mãi không trưởng thành vì thế, biểu hiện của sự chưa trưởng thành là nỗi sợ hãi, hiếm có ở nơi đâu mà người dân lại sợ hãi chính phủ như người Trung Quốc. Có lần tán gẫu với một nhà báo Trung Quốc, anh ta nói “Ở Mỹ thì chính phủ sợ dân, còn ở Trung Quốc thì dân sợ chính phủ”. Tôi hỏi “Thế Việt Nam thì sao?”. Anh ta cười “Ở Việt Nam thì chẳng đứa nào sợ đứa nào”. Quả vậy, ở Việt Nam chính phủ có thể đàn áp, bắt dân nhưng người ta vẫn hàng ngày lên mạng chửi chính phủ như hát hay. Nếu cắt nghĩa bằng cơ cấu thì thấy rằng tuy có Kinh Dịch nhưng người Tàu chỉ là học mót, không có lẽ uyên nguyên, thứ đã trở thành “máu” trong căn tính Việt bởi họ mới là chủ nhân của Dịch. 

Hải Thượng Lãn Ông có sách gọi là “Lĩnh Nam bản thảo” chép hàng trăm loại cây cỏ chữa bệnh dưới dạng các bài thơ như :

Tật bát tục gọi là lá lốt

Hàn, lị,  đau lưng uống rất tốt

Khí vị của nó cay ấm nhiều

Hoắc loạn, chướng khí, đau xương cốt

Khương hoàng tục gọi ấy nghệ vàng

Cay đắng, lạnh, bình, tính mạnh hăng

Phá huyết, tiêu ung, thông huyết ứ

Hạ khí đau tim được nhẹ nhàng

Vv....

Món ốc, chuối, đậu mà thiếu lá lốt, nghệ vàng thì còn ra gì nữa. Hay con gà là phải "cục tác lá chanh". Có bệnh mà uống thuốc kiểu này ai mà không ham.

Thuốc Nam còn có một phần “Tâm linh”, ngày bé đi sơ tán với bà ngoại, mấy đứa em tôi mắc mấy thứ bệnh hay thấy ở trẻ con thành phố, bà ngoại tôi chỉ chữa bằng các thứ lá và món ăn hàng ngày (thậm chí bọn nó còn phải ăn thịt cóc - tôi nhìn thấy con cóc bị làm thịt là nôn ọe liền, may mà không phải ăn). Thỉnh thoảng bà lấy một tờ sớ bằng giấy bản mỏng, mang lên chùa thắp hương rồi mang về đốt thành tro hòa với nước mưa hứng ở giọt gianh (nước mưa chảy từ mái nhà lợp rạ) bắt mấy đứa em uống. Mẹ tôi lên thăm con vô cùng ngạc nhiên khi thấy con mình béo tròn khỏe mạnh, bệnh khỏi hết (mẹ tôi học Tây y). Những người đi tìm thuốc thường khấn Dược Sư cho mình tìm thấy cây thuốc hiếm, khai thác nó cũng phải chọn giờ, ví dụ đào rễ hay củ phải khi mặt trời đã lặn (để Âm không bị Dương đàn áp), phơi thuốc hay sao tẩm cũng vậy, phải tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt, việc sao tẩm (luyện đan) thường là tự làm, một bài thuốc có nghệ tươi thì việc cạo vỏ cắt lát củ nghệ phải làm trong tối cùng lắm thì dùng đèn dầu vv....Khi lên chùa xin thuốc Nam, tôi thường chỉ xin lá tươi mà không lấy những thang thuốc đã phơi khô bởi họ phơi trực tiếp trên sân xi măng dưới ánh sáng mặt trời. Tiếc vô cùng nhưng không dám nói, dược tính của cây thuốc (nhất là âm) bị mất rất nhiều khi phơi nắng.

Tôi quen một người, nó học cùng đại học với em gái tôi nhưng ở khoa vật lý. Khi ra trường về làm ở Viện vật lý hạt nhân, rồi bỗng một hôm mất tích, cả vợ con cũng không biết là nó đi đâu. Chín năm sau mới thấy quay về, thì ra nó sang Tây Tạng kiếm được một sư phụ (một ẩn sỹ 108 tuổi) học nghề chữa bệnh không dùng thuốc mà bằng thực phẩm và tập luyện. Nó bảo tôi “ Hay anh hợp tác với em đi, kiến thức về Tử Vi của anh kết hợp với kiến thức của em để chữa bệnh cho mọi người”. Tôi cám ơn nhưng từ chối, tôi biết mình, tôi không đủ năng lực và sự kiên nhẫn để theo con đường gian khổ ấy dù nó rất nhân bản, chỉ giúp được gì thì giúp thôi.

- Ngô Nhật Đăng -

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét