Thứ Hai, 1 tháng 4, 2024

Luật sư Đặng Bá Kỹ: CẦN XÁC ĐỊNH ĐÚNG BẢN CHẤT CỦA GIAO DỊCH GỬI TIỀN TIẾT KIỆM: PHÂN TÍCH VÀ BÌNH LUẬN!

 CẦN XÁC ĐỊNH ĐÚNG BẢN CHẤT CỦA GIAO DỊCH GỬI TIỀN TIẾT KIỆM: PHÂN TÍCH VÀ BÌNH LUẬN!

    Việc làm rõ bản chất của giao dịch gửi tiền tiết kiệm cũng chính là việc xác định quan hệ pháp luật của việc gửi tiền tiết kiệm – Điều này, hết sức quan trọng! Bởi việc định danh quan hệ pháp luật, liên quan đến việc lựa chọn luật áp dụng cho quan hệ pháp luật đó. Hiển nhiên, việc xác định sai quan hệ pháp luật, dẫn đến lựa chọn không đúng luật áp dụng, hệ quả kéo theo là nhận diện sai tư cách pháp lý của các Chủ thể có liên quan, áp đặt không đúng quyền, nghĩa vụ của Chủ thể - Từ đó xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của Người có quyền. 

   Trong giao dịch gửi tiền tiết kiệm, thuật ngữ “gửi” đã khiến cho nhiều Người lầm tưởng, đây là giao dịch gửi giữ tài sản – Dù đương nhiên, không phải vậy. Trong giao dịch gửi giữ tài sản, Người có tài sản (Ví dụ Ông A) gửi tài sản (Ví dụ chiếc xe) cho Người trông giữ (Ví dụ Ông B), thì hoặc Ông A phải trả tiền phí trông giữ cho Ông B, hoặc đôi khi vì lòng tốt mà Ông B có thể trông coi miễn phí, tuy nhiên sẽ không thể nào có chuyện Ông B vừa mất công trông giữ xe cho Ông A, lại còn phải đi trả tiền cho Ông A (Ngôn ngữ bình dân, Bà con ta sẽ gọi đó là chuyện ngược đời). Trường hợp xảy ra, nếu Ông A giao xe tạm thời cho Ông B, mà Ông B phải trả tiền cho Ông A, thì bản chất đó chỉ có thể là giao dịch cho thuê tài sản (Cho thuê xe), mà không thể là giao dịch trông giữ tài sản. 

   Giao dịch gửi tiền tiết kiệm cũng hoàn toàn hiểu y chang như vậy! Ông N gửi tiền tiết kiệm cho Ngân hàng, sau một thời hạn nhất định, Ông N được nhận lại cả tiền gốc lẫn tiền lãi, thì đó phải là giao dịch cho vay tài sản, chứ không thể là giao dịch gửi giữ, bởi nếu là gửi giữ thì theo luật, chính ông N phải trả tiền phí gửi giữ, hoặc cùng lắm là Ngân hàng “trông hộ miễn phí”, chứ không thể có chuyện Ngân hàng phải trả thêm tiền lãi, ngoài tiền gốc cho Người gửi. Do đó, cần phải khẳng định chắc chắn rằng, khi Người dân gửi tiền tiết kiệm cho Ngân hàng, nghĩa rằng giữa hai bên đã tồn tại một hợp đồng cho vay tài sản, bản chất quan hệ pháp luật là quan hệ cho vay tài sản. Ngoài ra, dưới góc độ kinh doanh, việc nhận tiền gửi đó, còn được coi là nghiệp vụ kinh doanh của Ngân hàng, đó là hình thức huy động vốn, để cho người khác vay lại, nhằm hưởng chênh lệch về lãi suất. 

   Khi xác định giao dịch gửi tiền tiết kiệm bản chất là quan hệ vay tài sản. Dẫn đến hệ quả là khi Người cho vay đã chuyển tiền cho Ngân hàng, thì đồng thời quyền sở hữu cũng được chuyển giao theo luật định, lúc này tiền không còn là của Người cho vay nữa, mà là của Ngân hàng, quyền sở hữu chuyển giao, thì rủi ro cũng chuyển giao, nên nếu có mất mát gì, Người phải chịu rủi ro là Ngân hàng (Người vay). Lúc này, thứ mà Người gửi tiền nắm giữ, sau khi cho Ngân hàng vay, là một quyền tài sản, cụ thể là quyền đòi nợ, chứ không phải là chính bản thân số tiền đã gửi đó. Ví dụ, Ông A gửi 10 tỷ tiết kiệm cho Ngân hàng B, kể từ thời điểm Ngân hàng nhận tiền, thì quyền sở hữu 10 tỷ này là của Ngân hàng B, mà không phải của Ông A, nên Ngân hàng muốn làm gì với 10 tỷ này là việc của Ngân hàng, Ông A không được quyền ý kiến, nếu Ngân hàng cho Ông C vay lại 10 tỷ này, việc Ông C có trả nợ cho Ngân hàng hay không, không liên quan đến nghĩa vụ trả nợ cho Ông A của Ngân hàng (Tức Ngân hàng không được lấy lý do là chưa đòi được từ ông C, nên chưa trả cho Ông A).

   Tương tự như thế, như đã nêu quyền sở hữu chuyển giao, thì rủi ro cũng chuyển giao, nên nếu có mất mát, hư hỏng gì đối với tài sản vay thì Người vay (Ngân hàng) phải gánh chịu. Giả định nếu có ai đó làm giả hồ sơ, giấy tờ, giả mạo Người cho vay (Ví dụ giả mạo Ông A) – Tức giả mạo Chủ thể có quyền đòi nợ để chiếm đoạt tiền, thì Người bị chiếm đoạt tiền là Ngân hàng, Bị hại cũng là Ngân hàng, chứ không thể là Người bị giả mạo. Việc hung thủ giả mạo ai, giả mạo bằng cách nào, đó chỉ là hình thức, phương thức thực hiện hành vi phạm tội. Không thể có chuyện vì hung thủ giả mạo Ông A (Người gửi tiền) mà lại bắt Ông A phải chịu mất khoản tiền Ngân hàng bị chiếm đoạt, trong khi bản thân Ông A không có bất kỳ một hành vi pháp lý nào để phải chịu trách nhiệm pháp lý trong tình huống như vậy. 

Viết tại Sài Gòn, ngày 31/03/2024 – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét