Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Hồ Bạch Thảo - Xét về phương diện lịch sử, nghĩ về một thế ứng xử ngoại giao hiện nay của đất nước

Link : http://bolapquechoa.blogspot.com/2013/08/xet-ve-phuong-dien-lich-su-nghi-ve-mot.html?utm_source=BP_recent

Hồ Bạch Thảo 

Chủ tịch Trương Tấn Sang thăm Hoa Kỳ [2013
 Có thuyết cho rằng Việt Nam nên đứng trung lập, không liên kết với phe nào, để khỏi bị ràng buộc. Mới nghe qua cũng thuận tai, nhưng vị trí Việt Nam tại vùng nhạy cảm, nằm giữa hai thế lực đối nghịch, liệu có thể đứng giữa theo kiểu xiếc đu dây, mãi được hay không?

Kinh nghiệm Campuchia vào hậu bán thế kỷ 20, ông Hoàng Sihanouk tự hào về chính sách trung lập để khỏi sa chiến tranh.
Nhưng thời cuộc đưa đẩy, qua cuộc đảo chánh của Lon Nol vào năm 1970, khiến ông Hoàng mất ngôi. Rồi từ Bắc Kinh [Beijing, Trung Quốc] trở về nước hô hào ủng hộ Khmer đỏ, chẳng bao lâu phải chạy sang Bình Nhưỡng [Pyongyang, Triều Tiên] sống lưu vong, trong khi đó Khmer đỏ làm cuộc tàn sát lớn, giết đến khoảng 1/5 dân số Campuchia!

Một cường quốc như nước Mỹ, cũng không muốn có thêm một lần tổn thất như đã  xẩy ra tại châu Âu trong Thế chiến lần thứ nhất, nên cố hết sức tránh né không dấn thân vào Thế chiến thứ hai. Nhưng rồi bị Nhật Bản ném bom Trân Châu Cảng [Pearl Habor] vào tháng 12/1941, nên đành phải lao vào cuộc chiến, với tổn thất gần nửa triệu người.

Xét vậy, qua thực tế không ai để cho Việt Nam được yên ỗn đứng giữa mãi, cần phải chọn một thế lực để liên kết; vậy nên chọn Trung Quốc hay Mỹ?

Có người viện dẫn câu tục ngữ “Môi hở răng lạnh” để chọn nước gần; xét ra ý nghĩa câu tục ngữ này chỉ có tác dụng trong trường hợp hai nước lân bang thực sự là đồng minh, như làn môi mềm sẵn sàng che chở cho hàm răng trong cùng một thân thể; nhưng điều thông thường xẩy ra cho mọi người là răng thường cắn phải môi đau điếng!

Hãy trưng bằng cớ lịch sử từ Trung Quốc đến Việt Nam, để chứng minh mối hại của các nước lân bang:

 ( Quê choa lược bỏ phần cứ liệu lịch sử vì dài quá, vả, nhiều người cũng đã biết rồi.)

Qua các sử liệu vừa trình bày chứng minh rằng nước sát nách có mối đe dọa lớn hơn nước xa. Chẳng phải nước gần độc ác hơn, nguyên nhân chính do bởi ba yếu tố: thời, thế, cơ đun đẩy. Thật vậy, một khi không gian gần thì chiếm được nhiều thời cơ, thế lực mạnh yếu tương phản, dễ sinh ra chiếm đoạt.

Nay đến lượt trực tiếp phân tích, giữa Mỹ và Trung Quốc, nên kết thân với nước nào?

Bàn về nước Mỹ, đất rộng, tài nguyên giàu có, từ trước đến nay không có truyền thống chiếm đất làm thuộc địa; ngoại trừ một vài đảo quốc có thể làm căn cứ quân sự như Phi Luật Tân, Guam vv…Trên 150 năm về trước, Ngụy Nguyên, Học giả kiệt xuất Trung Quốc trong tác phẩm đồ sộ Hải Quốc Đồ Chí đã nhận xét về chế độ dân chủ tại Mỹ, với lời như sau: “Chương trình [hiến pháp] của nước Mỹ đời qua đời không có mối tệ…. 27 bộ [tiểu bang] (2) cộng cử một đại Tù trưởng [Tổng thống]cứ 4 năm thì thay đổi; quan chức tuy thay nhưng lòng người vui vẻ một dạ….Nghị sự, tố tụng, tuyển quan, cử hiền tài,  đề bạt từ dưới lên; cứ dân chấp nhận là được, dân phủ nhận thì bỏ…Lại vừa giàu và mạnh nhưng không ăn hiếp nước nhỏ, không quen thói cú vọ với Trung Quốc, vì nghĩa phẫn giận, tình nguyện ra tay”.

Hiện nay nước Mỹ là cường quốc với nền kinh tế đứng vào bực nhất thế giới, xuất cảng sang Việt Nam những sản phẩm kỹ thuật cao mà Việt Nam cần, ngược lại Việt Nam có thể nhập cảng vào Mỹ các hàng thủ công, chế biến, hoặc thủy sản; nói tóm lại sự trao đổi hai bên đều có lợi.

Về quân sự và chính trị, Mỹ hiện nay đang hướng về châu Á, cùng với các nước Đông Nam Á dựng lá chắn, ngăn chặn thế lực Trung Quốc lấn xuống phương nam và chiếm biển Đông thành ao nhà. Việc làm của Mỹ vô hình trung thuận với hoài bảo ngàn năm của Việt Nam “Nam quốc sơn hà Nam đế cư.”

Nói về Trung Quốc, qua những dẫn chứng đã đề cập ở trên, chứng tỏ nước này là mối đe dọa truyền kiếp của Việt Nam. Hiện nay Trung Quốc trên đà phát triển, cần nhiều tại nguyên; kho tàng dầu mỏ to lớn tại biển Đông khiến họ thèm nhỏ dãi, nên nhắm mắt không cần biết đến sự phải trái, quyết chiếm cho bằng được.

Về mặt kinh tế Trung Quốc xuất cảng những hàng mà trong nước Việt Nam có thể sản xuất được; nên Trung Quốc xuất cảng sang nhiều bao nhiêu, thì kinh tế Việt Nam càng kiệt quệ bấy nhiêu. Ngược lại hàng Việt Nam không bán được tại Trung Quốc, nên số lượng nhập siêu rất lớn. Không nói đến việc người Trung Quốc có truyền thống di cư sinh sống khắp thế giới, Việt Nam là nước sát nách, lại được chính quyền Trung Quốc cổ võ, nên số lượng nhập cư càng đông; lúc bình thường thì khống chế nền kinh tế bản quốc, lúc hữu sự là đạo quân thứ năm, không thể không cảnh giác.

Xét về lịch sử , các triều đại Lê Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn tại Việt Nam tuy có bất đồng , từng giao tranh trên chiến trường; nhưng về việc đấu tranh dành lại phần đất bị mất bởi Trung Quốc, thì không ai bảo ai, mọi triều đại, mọi thành phần đều nhất trí. Vậy bất cứ chính quyền nào tồn tại ở Việt Nam cũng không thể làm ngược lại truyền thống đó.
                                    *
Vậy tương lai ra làm sao? Câu trả lời thực rất khó; chỉ biết thành thực lấy tư liệu lịch sử để suy đoán. Xét tình thế hiện nay, Mỹ và các nước châu Á đang muốn thực hiện 2 trục “Hợp Tung” (3) và “Liên Hoành”(4) để chế ngự Trung Quốc. Về Liên Hoành kể từ đông sang tây có các nước Đông Nam Á và Ấn Độ; về Hợp Tung có các đảo quốc như Phi Luật Tân, Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn. Một khi hai trục được xiết chặt, trước tiên nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng, khiến nền móng bị lung lay. Kèm theo mối mưu thuẩn nội bộ có sẵn tại trong nước như: giữa giàu và nghèo, giữa thành thị xa hoa và miền quê nghèo khổ, giữa kẻ cầm súng với đồng lương hạn chế, với những công thương gia phè phởn có con đi du học; giữa độc tài tham nhũng và người dân thấp cổ bé miệng. Một khi những “nhân” này gặp cơ duyên nẩy sinh, sẽ gây nên “quả” lớn, và ai dám bảo rằng tấn tuồng lịch sử Trung Quốc năm 1920 không diễn lại, chỉ khác đào, kép mà thôi. Lúc bấy giờ tại Trung Quốc quân phiệt cát cứ, tranh giành lẫn nhau;  phương bắc có Trực hệ [Hà Bắc], Phụng hệ [Liêu Ninh], Hoán hệ [An Huy]; phương nam có Điền hệ [Vân Nam] Quế hệ [Quảng Tây] và Quốc Dân Đảng. Nếu thực sự xẩy ra tương tự, thì nước Việt Nam cảm thấy nhẹ gánh; lúc này chỉ cần một lời nói khéo, có thể lấy lại đất đai và vùng biển đảo bị mất.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
...............................
Chú thích:
  1. Mã Quan: nay là cảng Hạ Quan, thuộc huyện Sơn Khẩu, Nhật Bản.
  2. 27 bộ: bộ chỉ tiểu bang, thời đó nước Mỹ mới có 27 tiểu bang.
  3. Hợp Tung: thời Chiến Quốc Tô Tần thuyết các nước Yên, Triệu, Hàn, Nguỵ, Tề, Sở hợp lại để khống chế Tần gọi là Hợp Tung; vì nam đến bắc là tung.
  4. Liên Hoành: thời Chiến Quốc Trương Nghi liên hợp 6 nước theo Tần gọi là Liên Hoành. Vì đất Tần nằm phía tây Trung Quốc, 6 nước tại vùng Sơn Đông, gộp lại theo hướng đông tây tức hoành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét