Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2023

Ngô Nhật Đăng: Kinh tế học bình dân - KHÔNG NHÌN THẤY ĐƯỜNG CHÂN TRỜI

 Kinh tế học bình dân :

KHÔNG NHÌN THẤY ĐƯỜNG CHÂN TRỜI

COVID đã tàn phá nền kinh tế thế giới - Đó là điều bình dân chúng ta được nghe hàng ngày từ tầng lớp tinh hoa. Và hệ quả tiếp theo sẽ là : Ai sẽ cứu nền kinh tế này sau hậu đại dịch ? Vẫn là họ, những Davos Man- bọn tinh hoa thối rữa toàn cầu, họ sẽ có những “kế hoạch tái thiết vĩ đại” (?) và người lãnh đủ sẽ là tầng lớp trung lưu và tiểu trung lưu.

Tất nhiên là bình dân chúng ta cảm thấy xa lạ với những lý thuyết kinh tế hàn lâm gồm toàn những khái niệm rắc rối, mục đích là làm cho công chúng không thể hiểu nổi. Nhưng theo quy luật muôn đời mà bình dân là người hiểu rõ nhất thì vấn đề nào cũng có hai mặt hay còn gọi là luật Nhân - Quả. Công nghệ số làm nên sự thành công của chủ nghĩa “toàn cầu hóa” nhưng cũng để lộ ra những khoảng tối tăm bẩn thỉu của nó.

Là bình dân nên sẽ có những câu hỏi bình dân mà tất cả đều hiểu được, đó là : Có bao nhiêu tiền đã bị mất từ nền kinh tế do đại dịch ? Nếu số tiền ấy không bị đốt, bị đổ xuống biển (mà khả năng này là tuyệt đối cao) thì nó chui vào túi ai?

Người ta được biết 3,9 ngàn tỷ USD trong gần 2 năm COVID từ những doanh nghiệp nhỏ, những gia đình trung lưu và tiểu trung lưu trên thế giới đã biến mất. Và người ta cũng biết, Big Tech, Big Pharma và đằng sau chúng là bọn chính trị gia bất lương đã thu về 3,6 ngàn tỷ USD (để so sánh, toàn bộ GDP một năm của Việt Nam vào khoảng 220 tỷ USD). Thế là rõ. Đại dịch là một cơ hội vàng (nếu không nói là một kế hoạch) để giới tinh hoa ăn cướp tiền của nhân dân.

Cuốn sách có ảnh hưởng lớn về chủ đề toàn cầu hóa, cuốn sách được bán chạy nhất của Tom Friedman: “Thế giới phẳng: Lịch sử vắn tắt của Thế kỷ 21” - mô tả một cách thuyết phục về toàn cầu hóa theo đúng bản chất của nó, bằng việc tập trung vào các chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ toàn cầu. Cách thức công nghệ số đã rút ngắn khoảng cách giữa các quốc gia và cách mạng hóa các chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào. Điều này cho phép mọi người tham gia vào hoạt động kinh doanh với nhau trên toàn cầu, với mỗi quốc gia đưa những lợi thế cạnh tranh của mình vào hệ thống thương mại thế giới.

Ngay từ ngày đó, đã có những câu chuyện trên báo chí nói rằng giá trị ngôi nhà của mọi gia đình có thể chẳng bao lâu sẽ thấp hơn số tiền phải trả góp cho chính ngôi nhà đó. Họ phát hiện ra rằng khoản tiền tiết kiệm của gia đình họ - ngay cả tiền mặt còn lại trong các quỹ kinh doanh tiền tệ (money market funds) được cho là cực kỳ an toàn - có thể sớm tan thành mây khói chỉ trong chốc lát.

Suy cho cùng, một nền kinh tế giàu có không phải là con số tổng thu nhập quốc dân rồi chia bình quân đầu người cho tất cả mọi người trên giấy. Nó phải bình dân như “Giấc mơ Mỹ”, đó là: Mỗi một người lao động chăm chỉ và lương thiện sau một thời gian nhất định phải được sở hữu ngôi nhà của mình, mảnh ruộng của mình, cái xe của mình và một khoản tiền tiết kiệm cho lúc tuổi già hay đau yếu bệnh tật. Với sự lương thiện và chăm chỉ lao động, tài sản cá nhân của họ ngày càng lớn theo. Họ không phải lo lắng rằng vào một ngày xấu trời, khi tỉnh dậy bỗng thấy mình trở thành vô gia cư, tiền mồ hôi nước mắt của mình chui vào túi một nhóm nhỏ tinh hoa.

Toàn cầu hóa đã mang đến cho nhân loại một cơn mê sảng, đó là "nền kinh tế kỳ vọng" vào sự giàu có nhanh chóng không thông qua con đường sản xuất hàng hóa, nói cách khác nhau nhiều thập kỷ qua chúng ta đã rơi vào cơn mê Tiền. Tự nhiên người ta thấy mình có cơ hội kiếm tiền dễ dàng khi tham gia vào thị trường tài chính, chưa bao giờ trong xã hội Việt Nam, một tiểu thương ở chợ cũng “chơi chứng khoán” và người anh em sinh đôi với nó là thị trường bất động sản và đứa con tư sinh của nó là các đồng tiền kỹ thuật số. Tự nhiên nảy nòi ra phong trào: Cả xã hội chơi chứng khoán, nhà nhà buôn đất, người người buôn đất, bọn du thủ, du thực, vô công rồi nghề và đại lưu manh thì đi làm “cò đất”-  Rồi một loạt những tên siêu lừa đảo trong lĩnh vực tiền ảo. Hậu quả về cả kinh tế và đạo đức xã hội đã thấy rõ. Có đánh chết thì bình dân cũng không tin rằng một nền kinh tế, rộng ra là một xã hội mà người có thu nhập trung bình lao động cả 100 năm cũng không mua nổi căn nhà cho gia đình lại được gọi là “bền vững”.

Ngay từ ngày ấy, John Despres, một cố vấn có uy tín lâu năm về các chính sách kinh tế đối ngoại của Thượng viện Mỹ đã cảnh báo:

“Đúng vậy, đối với các thị trường tài chính thì thế giới cong. Chúng ta không thể nhìn qua đường chân trời. Kết quả là tầm nhìn của chúng ta bị thu hẹp lại. Cứ như thể là chúng ta buộc phải đi trên một con đường dài vô tận với đầy những ngã rẽ và những khúc quanh nguy hiểm cùng với những thung lũng dựng đứng, những dãy núi hiểm trở. Chúng ta không thể nhìn thấy gì ở phía trước. Chúng ta luôn luôn bị bất ngờ, và đó là lý do tại sao thế giới đã trở thành một nơi nguy hiểm”

Làm sao để hàng triệu, triệu người được gọi một cách hoa mỹ là “các nhà đầu tư nhỏ lẻ” nhận biết được mình đang bị lừa trong một mê hồn trận như vậy ?

Đột nhiên, hàng loạt các quỹ trên khắp thế giới cạnh tranh với nhau để giành lấy các cơ hội đầu tư. Theo đó, các chủ ngân hàng, các thương gia, và cả các chính phủ trong các nền kinh tế “công nghiệp hóa” cạnh tranh với các chủ doanh nghiệp, những người mới khởi nghiệp và các công ty quốc doanh cũ trong các nền kinh tế mới nổi để thu hút những nguồn quỹ này.

Với các loại nợ được chứng khoán hóa, các khoản đầu tư vào vốn trung gian, vào tiền ảo với các công cụ tài chính vô cùng phức tạp, việc chỉ ra chuyện gì đang xảy ra tại bất kỳ thời điểm cụ thể nào là điều gần như không thể thực hiện được. Các nhà đầu tư cần các loại thông tin chính xác để đưa ra được những quyết định sáng suốt.

Tuy nhiên những loại thông tin đó chính xác là gì? Và họ thu thập những thông tin đó ở đâu? Trong khi thị trường tài chính luôn luôn hoạt động trong sự bất bình đẳng về thông tin và phân tích.

Không gì miêu tả rõ rõ hơn bằng cuộc “khủng hoảng dưới chuẩn” ở Mỹ. Thị trường bất động sản có giá trị chưa tới 1 ngàn tỷ dollar đã đánh sụm nền kinh tế trị giá 20 ngàn tỷ trong chớp mắt và với chính sách của Obama, cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng, nó lây lan ra toàn thế giới.

Một sự thực nữa, đến khi một nhân vật xuất hiện, một “tỷ phú bình dân”- Donald Trump lên làm Tổng thống. Đó chính là thông điệp mà giới bình dân gửi cho giới tinh hoa. Từ hoang tàn đổ nát, trái với dự đoán của một tinh hoa Nobel kinh tế, nước Mỹ không sụp đổ mà trái lại chỉ trong một nhiệm kỳ Tổng thống. Điều này giải thích tại sao giới tinh hoa thối rữa bắt đầu hoảng sợ và bằng mọi cách phải lật đổ Trump.

 Tác giả “Thế giới cong”, ông David M. Smik đã viết: 

“Đó là khía cạnh cho vay dưới chuẩn, chẳng hạn như một ngôi làng nhỏ của Na Uy thuộc vùng Bắc Cực có thể nhìn thấy toàn bộ tương lai tài chính của nó bị hủy hoại bởi vì các nhà quản lý tài chính đã đầu tư quá nhiều vào một sản phẩm của Citigroup được gọi là giấy nợ đảm bảo bằng tài sản (collateralized debt obligation - CDO). Khi thị trường nhà đất phía bên kia đại dương tại Florida và California sụp đổ thì các khoản nợ thế chấp cũng hỏng theo và những ngôi làng ở Na Uy đã phải đóng cửa các trường mẫu giáo và dừng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi”.

Nhưng cho vay dưới chuẩn chưa là gì so với con sóng thần của tiền ảo. Nó đang ló dạng ở cuối chân trời. Người ta chỉ còn biết thống kê thiệt hại khi nó đi qua, điều cần làm là tránh thật xa trước khi nó đến, gần như là bất khả thi vì chúng ta đang trong tình trạng "ngáo đá" bởi bị dẫn dắt.

Vậy bình dân chúng ta phải tự cứu mình như thế nào ? Năm mới chúc cho mọi người nổi giận và bước ra khỏi cơn mê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét