Thứ Tư, 18 tháng 10, 2023

Dương Quốc Chính: LỊCH SỬ NAM KỲ VÀ MỐI QUAN HỆ VIỆT NAM - CAMPUCHIA

LỊCH SỬ NAM KỲ VÀ MỐI QUAN HỆ VIỆT NAM - CAMPUCHIA

(Post lại status từ 2018, để thấy đầu đuôi vai trò của người Tàu trong việc mở cõi ở Nam kỳ)

Mối quan hệ giữa VN và Cam rất phức tạp, không đơn giản chỉ có là VN cứu dân Cam khỏi nạn diệt chủng năm 79, đó chỉ là hệ quả của 1 chuỗi những ân oán kéo dài cỡ bốn trăm năm, mối quan hệ này gắn liền với quá trình mở rộng lãnh thổ VN và đương nhiên là kèm với sự thu hẹp lãnh thổ Campuchia.

Mối quan hệ giữa VN và Campuchia (đúng ra là phải gọi cho đúng quốc hiệu của mỗi thời kỳ, nhưng đây không phải là tham luận ở hội Khoa học lịch sử nên mình cứ gọi tắt là VN, tương tự vậy với tên gọi của Campuchia) bắt đầu có nhiều biến cố kể từ khi chúa Nguyễn (Đàng Trong) hòa hoãn được với chúa Trịnh (Đàng Ngoài), lấy sông Gianh làm giới tuyến. Chúa Nguyễn xác định là không đủ lực đánh ra Bắc nên quyết tâm mở rộng lãnh thổ vào Nam. Đầu tiên là chiếm đất Chiêm thành, đồng hóa người Chiêm, đây cũng là 1 câu chuyện dài, mình sẽ kể vào dịp khác, không lại dài quá, bà con đọc lại chóng mặt. Tiếp sau đó là Chân Lạp (Campuchia hiện nay).

Mọi sự bắt đầu bằng sự kiện chúa Sãi là Nguyễn Phúc Nguyên gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II. Đàng Trong và Chân Lạp trở nên có mối quan hệ hữu hảo. Vua Chân Lạp vì yêu vợ quá nên nhà vợ xin gì cũng cho, chúa Nguyễn xin cho dân Việt được làm ăn, khai hoang ở vùng Sài Gòn, Biên Hòa bây giờ, vua Chân Lạp cũng đồng ý (đúng lại dại gái). Bà con nhớ cho là từ Biên Hòa, Gia Định, Sài Gòn lúc ấy ở trở vào Nam (bao gồm toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long) đang do Chân Lạp quản lý, gọi là Thủy Chân Lạp, để phân biệt với Thổ (hay Lục) Chân Lạp là vùng đất cao, là đất Cam bây giờ. Vùng Thủy Chân Lạp bây giờ bên Cam gọi là Khmer Krom. Đổi lại, quân Đàng Trong cũng mấy lần đánh thắng quân Xiêm giúp Chân Lạp. Quan hệ VN-Cam lúc ấy coi như thông gia nên sang nhà nhau làm ăn cũng không vấn đề gì. Sau khi vua Chey Chetta II chết thì mấy thằng con, cháu đánh nhau chí chóe để tranh ngôi, 1 ông nhờ bà Ngọc Vạn cầu viện chúa Nguyễn, ông khác thì cầu viện Xiêm La (Thái Lan ngày nay). Hai bên đánh nhau tán loạn, kết cục là quân Việt thắng và giành quyền bảo hộ Chân Lạp nhưng Chân Lạp vẫn có vua, phải triều cống cho chúa Nguyễn.

Sự kiện nổi bật tiếp theo là mấy ông tướng Tàu là Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình nguyên là tướng nhà Minh nhưng không chịu làm tôi nhà Thanh nên đem chiến thuyền và cỡ 3000 quân vào quy phục chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn vốn hào sảng, tự dưng có thằng đến xin theo thì nhận luôn, nhưng mà thấy đất đai của mình vốn chật hẹp, đa số là rừng núi, đồng bằng không có nhiều, lại thấy nhà hàng xóm có điều kiện, đất đai phì nhiêu, đồng bằng rộng lớn thì xin vua Chân Lạp cho bọn ấy đến khai khẩn ở vùng Biên Hòa và Mỹ Tho bây giờ. Đúng là của người phúc ta, khôn vãi! Bọn người Tàu ấy được "nhập quốc tịch" Việt, giữ nguyên chức tước bên Tàu, nhưng cho xuất khẩu lao động sang Chân Lạp. Vua Chân Lạp cũng phải đồng ý!

Mọi việc êm ả đến năm 1688 thì có biến cố là Hoàng Tiến giết Dương Ngạn Địch để một mình làm chủ đất Mỹ Tho, giết hại dân Chân Lạp rất nhiều. Vua Chân Lạp lúc đó là Nặc Ông Thu nhân dịp đó unfriend với Hoàng Tiến và cả chúa Nguyễn, bỏ luôn triều cống. Thế là chúa Nguyễn đem quân đi dẹp, dẹp xong Hoàng Tiến thì bọn thủ hạ cũ người Tàu giao hết cho Trần Thượng Xuyên (đang cai quản vùng Biên Hòa), rồi đem quân đánh tuốt lên tận Nam Vang (PhnomPenh bây giờ). Dẹp xong thì chúa Nguyễn lấy luôn vùng Biên Hòa mà bọn người Tàu khai phá được trên đất Chân Lạp làm của mình quản lý trực tiếp luôn, đặt tên là dinh Trấn Biên. Lúc đó bên Chân Lạp lại đánh nhau tiếp để giành ngôi nên mặc kệ chúa Nguyễn sát nhập vùng Trấn Biên.

Năm 1698 chúa Nguyễn Phúc Chu sai chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh lược vùng mới sát nhập, lập thêm dinh Phiên Trấn, gồm phủ Gia Định, huyện Tân Bình (là đất Sài Côn của Chân Lạp, sau này người Việt gọi là Sài Gòn). Nguyễn Hữu Cảnh đặt quan cai trị, mộ dân Việt ở vùng Quảng vào sinh sống, người Tàu cũng cho vào hộ tịch. Người Tàu thì cho lập xã Minh Hương, bây giờ vẫn còn điện (đền?) Minh Hương Gia Thạnh ở Chợ Lớn. Đó là nguồn gốc của người Tàu Chợ Lớn.

 Sau này VN lấy năm 1698 là năm kỷ niệm thành lập Sài Gòn. Vua Chân Lạp thấy bị mất đất nên đem quân đánh thì bị Nguyễn Hữu Cảnh đánh bại rồi giành lại quyền bảo hộ Chân Lạp. Sau đó Chân Lạp lại đánh nhau để giành ngôi vua với kịch bản cũ là bên thì cầu viện Xiêm, bên thì cầu viện Việt, kết cục vẫn như cũ là Việt thắng, Chân Lạp là phải làm đệ chúa Nguyễn.

Sau này sách VN nói là Nguyễn Hữu Cảnh có công mở cõi ở đất Sài Gòn, Biên Hòa, sự thực là ông chỉ đi sắp đặt hộ khẩu, đặt tên phủ huyện, đưa người Việt vào tiếp quản, còn việc khai khẩn đất này thực tế chủ yếu là do mấy người Tàu. Thế mới hiểu là tại sao văn hóa, lối sống của vùng Sài Gòn sau này lại bị ảnh hưởng nhiều của người Tàu, hơn hẳn ngoài Bắc. Chẳng hạn như tiếng nói, món ăn (ăn ngọt, nhiều món xào), đình chùa thì xanh đỏ tím vàng kiểu Tàu.

 Một đặc điểm nữa mà anh em cũng lưu ý là vùng Mỹ Tho và Hà Tiên vốn do người Tàu khai khẩn nên chắc chắn người Việt vùng đó bây giờ lai người Tàu nhiều nên gái miền Tây nhiều em có nước da trắng bóc, đường nét xinh đẹp khác hẳn với dân gốc miền Tây là dân Khmer có nước da sẫm, đường nét khác hẳn. Tại sao đất Hà Tiên cũng là người Tàu khai phá thì mình sẽ kể tiếp ở dưới đây.

Có một người Tàu tên là Mạc Cửu cũng không chịu khuất phục nhà Thanh nên chạy sang Chân Lạp năm 17 tuổi. Vua Chân lạp thu dùng, cho phụ trách ngoại thương. Mạc Cửu quan hệ khéo léo với vua quan Chân Lạp nên được yêu, cho ở đất Hà Tiên để khai khẩn. Sau một thời gian khai khẩn thì vùng này trở nên trù phú, lại bị Xiêm la quấy phá, muốn chiếm lấy. Mạc Cửu thấy chúa Nguyễn mạnh hơn Chân lạp nên đem đất Hà Tiên dâng cho chúa Nguyễn, tự nhiên đất Đàng Trong lại được lồi ra thêm 1 cục, làm đại ca hổ báo cáo chồn cũng có cái hay! Đấy là vào năm 1714, chúa Nguyễn nhận đất Hà Tiên, phong cho Mạc Cửu làm tổng binh cai quản đất ấy.

Vào năm 1731, quân Chân Lạp và Lào kéo xuống cướp phá đất Sài Gòn, Gia Định, thế là chúa Nguyễn Phúc Trú nhân dịp đem quân lấy luôn đất Mỹ Tho, Vĩnh Long về làm của mình. Đất Mỹ Tho thì cũng nguyên là do Dương Ngạn Địch khai phá, bây giờ chính thức thuộc về Đàng Trong.

Năm 1735, Mạc Cửu chết, con là Mạc Thiên Tích lên nối chức liền đem thêm mấy huyện (chắc mới khai phá được) là đất Bạc Liêu, Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang bây giờ dâng cho chúa Nguyễn. Thế là xứ Đàng Trong kéo dài được đến mũi Cà Mau nhưng chúa Nguyễn vẫn chưa quản lý trực tiếp mà vẫn do họ Mạc cai quản.

Chân Lạp ở thế kẹp giữa Đàng Trong và Xiêm La nên luôn bị 2 bên tranh nhau nhận làm đệ, chúa Nguyễn thắng nhiều hơn. Vua Chân Lạp lúc đó là Nặc Nguyên, do Xiêm La dựng lên nên làm đệ Xiêm La, Nặc Nguyên muốn kiềm chế cả Xiêm lẫn chúa Nguyễn nên cầu viện chúa Trịnh và đem quân đánh dân Chiêm cũ. Chúa Nguyễn sai Nguyễn Cư Trinh đánh Nặc Nguyên, Nặc Nguyên thua chạy về trú ở đất của Mạc Thiên Tích, xin lỗi họ Mạc rồi nhờ họ Mạc nói hộ với chúa Nguyễn xin dâng đất cầu hòa. Chúa Nguyễn chê ít không nhận nhưng Nguyễn Cư Trinh hiến kế "tằm ăn dâu" lấn đất dần dần, có nghĩa là dân ít mà chiếm đất rộng cũng chả giữ được lâu, chi bằng cứ lấn dần dần. Chúa Nguyễn nghe theo dùng luôn quân Chiêm cũ đóng ở biên giới với Chân Lạp để kiềm chế, gọi là lấy rợ đánh rợ.

Sau đó Chân Lạp lại có nội loạn, cũng lại là đánh nhau tranh ngôi. Mạc Thiên Tích dựng Nặc Tôn lên làm vua Chân Lạp, Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long (vùng Thất Sơn bây giờ) cho Mạc Thiên Tích. Họ Mạc lại dâng lên chúa Nguyễn, đây là vùng đất cuối cùng về với Đàng Trong, vì địa thế hiểm yếu nhất, Chân lạp giữ được lâu nhất. Mạc Thiên Tích chết, con cháu mấy người lần lượt nối ngôi nhưng đến Tử Khâm thì không có người nối dõi. Đất của họ Mạc chính thức về tay chúa Nguyễn quản lý trực tiếp, coi như toàn bộ đất Nam Kỳ thuộc về chúa Nguyễn. Vậy là từ năm 1623, sau khoảng 118 năm người Việt làm chủ toàn bộ Thủy Chân Lạp. Đất Đàng Trong kéo dài từ Quảng Bình đến Cà Mau.

Sau này Tây Sơn đánh đổ chúa Nguyễn, tiêu diệt nhà chúa, Nguyễn Ánh chạy thoát và được dân vùng Gia Định và Thủy Chân Lạp che chở rất nhiều. Đấy là do dân chúng vẫn nhớ về chúa Nguyễn chứ không theo Tây Sơn (sách sử CS sau này lờ tịt đi chuyện này, toàn lái theo hướng Nguyễn Ánh ăn may mà sống sót).

Nhà Tây Sơn kiểm soát vùng đất mới này rất lỏng lẻo, Nguyễn Ánh sau khi chạy ra Phú Quốc, bôn tẩu 3 lần, lại lộn về chiếm được Gia ĐỊnh từ Nguyễn Lữ. Nguyễn Ánh sau khi phục quốc thì vẫn nối tiếp cha ông giành được quyền bảo hộ Chân Lạp, đến đời Minh Mạng thì bảo hộ nốt cả Lào.

Sau khi dẹp loạn Lê Văn Khôi, Minh Mạng tiễu trừ quân Xiêm qua Chân Lạp thì lập Trấn Tây Thành (1835) ở đất Chân lạp, quan cai trị là Trương Minh Giảng (chắc có ý đồ đồng hóa?), sát nhập vào VN.

Nhưng người Việt bóc lột Chân Lạp hà khắc, dân Chân Lạp nổi lên khởi nghĩa liên miên nên đến năm 1841 (đời vua Thiệu Trị) Trương Minh Giảng phải rút quân khỏi Chân Lạp về An Giang rồi chết ở đó. Cao Miên lại quay về thế bảo hộ của Việt Nam. Như vậy có thể nói đến đời vua Minh Mạng thì nước Việt Nam có diện tích lớn nhất trong lịch sử, bao gồm cả Chân Lạp và phần lớn nước Lào là thuộc quốc. Công cuộc mở cõi chỉ dừng lại khi Pháp chiếm Việt Nam (nghiễm nhiên được luôn cả Campuchia và Lào quy phục). 

Sau khi chiếm toàn bộ Đông Dương, người Pháp thấy 3 miền của VN có lịch sử, dân tộc tương đối khác nhau nên chia làm 3 Kỳ cùng với Campuchia và Lào thành 5 "bang" có chế độ quản lý  khác nhau. Pháp cũng phân chia lại ranh giới lãnh thổ của VN và Lào, Campuchia, ranh giới ngày nay chủ yếu dựa trên ranh giới thời đó. Người Pháp đã cắt 1 phần đất đang thuộc VN cho Lào và Campuchia.

Hiện nay ở SG vẫn có đường Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Cư Trinh nhưng lại không có đường Trương Minh Giảng (thời VNCH thì có, là đường chính hẳn hoi, sau 75 thì bị đổi tên thành Lê Văn Sĩ), phải chăng vì Trương Minh Giảng có nhiều "vấn đề" hơn 2 ông kia?

Tất cả quá trình mở cõi của chúa Nguyễn (đồng hóa Chiêm Thành, lấy đất Nam Kỳ) và mối quan hệ giữa VN và Lào, Cam cho đến khi Pháp chiếm Đông Dương thì "chính sử" bây giờ đều viết rất mập mờ, đứt quãng khiến cho đa số dân VN không biết gì về ân oán giang hồ mấy trăm năm của 3 nước, trong đó sâu đậm nhất là Việt Nam - Campuchia. Đấy là lý do để Khmer đỏ, với hậu thuẫn của TQ, đã đem quân chiếm đảo Phú Quốc, chiếm mấy tỉnh miền Tây, căm thù VN đến xương tủy.

Thời VNCH thì mối quan hệ Campuchia và VNCH cũng không yêu quý gì nhau, ông Ngô Đình Nhu đã có thời điểm định hỗ trợ lật đổ chính quyền Cao Miên nhưng bị lộ dẫn đến mối quan hệ giữa 2 nước bị đóng băng 1 thời gian. Năm 1960 Campuchia thành lập  Mặt trận Giải phóng Kampuchea Krom để nhằm mục đích đòi đất Nam Kỳ của VNCH, sau tổ chức này sát nhập vào FULRO. Có thể đó cũng là lý do Campuchia ngầm hỗ trợ VNDCCH đánh VNCH, vì miền Bắc VN không có tranh chấp lãnh thổ với Cam. Năm 79 quân VN nhân chuyện bị Khmer đỏ quấy phá đã đánh sang Cam, dựng nên chế độ mới cũng là học theo bài của chúa Nguyễn, không khác tý nào. Đến bây giờ dân và sư Khmer Krom biểu tình đốt cờ VN là có lý do sâu xa như đã nói bên trên. Mình viết bài này không nhằm mục đích là kêu gọi trả đất miền Nam cho Campuchia vì ranh giới đã là vấn đề lịch sử rồi, hiện nay có nhưng bộ luật quốc tế để xử lý những tranh chấp kiểu này. Nếu cứ đòi như vậy thì dân Mông Cổ, La Mã, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... phải đòi trước.

Bài học lịch sử 

Quá trình tằm ăn dâu của chúa Nguyễn đối với Chân Lạp chung quy chỉ có mấy bài diễn lặp đi lặp lại. Đầu tiên là tạo quan hệ hữu hảo, cho dân Việt, hoặc Việt gốc Tàu đến nước bạn làm ăn, "khai hoang" để cài chân rết. Tiếp đó là chờ cho nước bạn có nội loạn thì hỗ trợ 1 phe, dựng lên làm vua, thế là đương nhiên ông vua đấy phải chịu ơn mình, phải dâng đất trả công và bị phụ thuộc vào mình. Đất được dâng tặng thì nghiễm nhiên là được, khỏi mang tiếng đánh chiếm bằng bạo lực. Sau đó lại ngồi chờ cơ hội nước bạn bị kích động đem quân quấy phá biên giới là lấy cớ đánh lại rồi chiếm đất luôn, đầu tiên là chiếm 1 số vùng đã được cài người khai khẩn, có điều kiện thì chiếm luôn cả nước bạn. Kế tằm ăn dâu của Nguyễn Cư Trinh không bao giờ lạc hậu, đánh chiếm đất rộng thì chả để làm gì, cũng không giữ được lâu, nên kế lâu dài là lấn dần bằng cách cho dân khai phá, đồng hóa dần dần, sau đó chiếm được đến đâu là chắc đến đấy.

 Quan hệ VN với TQ cũng không khác quan hệ Cam với VN, TQ cũng gây dựng quan hệ hữu hảo với VNDCCH từ năm 49, hỗ trợ VN đánh Pháp rồi đánh Mỹ để giành quyền "bảo hộ", gần đây thì TQ cho người sang VN sống và "khai hoang" ở Tây Nguyên, Vũng Áng, Đà Nẵng... Nếu hiểu mối quan hệ nhạy cảm giữa VN-Campuchia thì chính quyền VN cũng cần phải có cách ứng xử khéo léo với phản ứng của dân Khmer Krom, nhóm dân tộc cực đoan Sam Rainsy. Nếu cư xử không khéo thì TQ sẽ lu loa là VN hành xử 2 mặt, vì quan hệ VN-TQ giống như quan hệ Cam-VN. Chả biết UV Bộ CT VN có mấy người thuộc lịch sử VN, biết được bài học kể trên?

Dương Quốc Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét