Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Luật sư Trần Hồng Phong - Thưa nhà báo Đức Hiển: Không có luật pháp nào cho phép chính quyền được huy động công an, bộ đội tấn công vào nhà dân khi họ đang ở trong nhà và không đe dọa đến ai

Link : http://quechoa.vn/2013/04/04/thua-nha-bao-duc-hienkhong-co-luat-phap-nao-cho-phep-chinh-quyen-duoc-huy-dong-cong-an-bo-doi-tan-cong-vao-nha-dan-khi-ho-dang-o-trong-nha-va-khong-de-doa-den-ai/


Luật sư Trần Hồng Phong
 13_130112DOOLThangTT015Trên báo Pháp luật TP.HCM hôm nay (4-4-2013) có đăng bài “Cổ súy cho “tự xử” là triệt tiêu công lý!” ( Tại đây). Nội dung bài báo cho rằng mặc dù trong vụ án Đoàn Văn Vươn, chính quyền đã có nhiều cái sai như: thu hồi đất sai, phá hủy những tài sản không nằm trong phạm vi cưỡng chế…vv thì vẫn cần khẳng định đây là một vụ chống người thi hành công vụ nghiêm trọng, có sự bàn bạc, tính toán, có sử dụng vũ khí và vật liệu nổ. Cán bộ, chính quyền sai thì phải xử lý nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Đoàn Văn Vươn và những bị cáo khác không có tội, không có nghĩa phải tha bổng họ mới là công lý – như một số người bày tỏ trên mạng trong những ngày qua.
Nhà báo Đức Hiển cho rằng với tội giết người, hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc khi định tội. Việc cài kíp nổ dưới bình gas, rải rơm đã tẩm xăng quanh hiện trường, kích kíp nổ và dùng súng hoa cải bắn vào lực lượng cưỡng chế sau khi kích nổ, một người bình thường phải lường trước hậu quả xấu nhất có thể xảy ra.
Nhà báo Đức Hiển cho rằng : “không một quốc gia nào cho phép người dân tự mình giải quyết các mâu thuẫn với cơ quan nhà nước bằng vũ lực, xâm hại đến sức khỏe, sinh mạng của người thi hành công vụ”. Và “Cho dù việc thu hồi đất là sai pháp luật thì việc lực lượng cưỡng chế thi hành một quyết định của cơ quan có thẩm quyền vẫn là người thi hành công vụ. Dùng vũ lực chống lại tức là chống người thi hành công vụ”.
Với câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu bất kỳ ai cũng có thể chọn con đường dùng vũ lực, vũ khí chống lại lực lượng cưỡng chế khi cho rằng mình bị chính quyền xử ép? Nà báo Đức Hiển cho rằng cổ súy cho điều đó là vô hiệu hóa pháp luật, trật tự xã hội sẽ đảo lộn. Không thể có công lý nếu mọi người bất chấp pháp luật và hành xử theo cách của mình!
Vì không có nhiều thời gian, tôi chỉ xin có vài ý phản hồi và nói lên quan điểm của mình như sau:
Trước hết, cái gọi là “công lý” là một khái niệm trừu tượng và thay đổi theo thời gian, nhận thức của con người. Công lý hoàn toàn phân biệt với sự thật khách quan. Người ta vẫn nói “chân lý nằm dưới họng súng”, “chân lý thuộc về kẻ mạnh” – có nghĩa là quyền phán xét “đúng”/”sai” luôn thuộc về kẻ mạnh, chính quyền.
Trong vụ Đoàn Văn Vươn, khi ra quyết định thu hồi đất (dù sai), UBND huyện Tiên Lãnh vẫn cho rằng đó là đúng. Sau đó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “phán” quyết định đó là “sai” và đã hủy bỏ trong một vụ kháng nghị giám đốc thẩm “nhanh nhất và kỳ lạ nhất trong lịch sử tố tụng dân sự Việt Nam” thì rõ ràng từ cái đúng đã trở thành cái sai.
Trong phiên tòa hôm nay tại Hải Phòng, anh Vươn và gia đình có thể bị kết luận đã phạm tội giết người. Điều đó là “đúng”, là công lý đối với tòa án Hải Phòng. Nhưng khi lên phúc thẩm, có thể anh Vươn sẽ được tuyên vô tội, thì khi đó đâu là công lý, công lý của ai? Thử hỏi tại đất nước Việt Nam này, có quyết sách nào của Đảng khi đưa ra ban đầu đều khẳng định là đúng, là cần. Sau làm không được thì nói lời xin lỗi, là do “nhận thức chưa đúng”? Rõ ràng chuyện đúng – sai đã thay đổi theo thời gian, nhận thức.
Mục tiêu cao cả và chân chính trong việc xét xử một vụ án hình sự nói chung, là phải bảo đảm hướng đến sự thật khách quan, nhìn nhận rõ bản chất sự việc. Từ đó mới có thể đưa ra những phán quyết đúng luật. ( Tôi muốn nhấn mạnh từ “đúng luật” – chứ không phải là “đúng”). Muốn vậy, không gì khác hơn là phải xem xét một cách toàn diện, khách quan mọi tình tiết của vụ án.
Nếu nói rằng gia đình anh Vươn đã sắm “vũ khí”, bình gas, lập nhiều lớp rào … – thì không thể không đặt câu hỏi là tại sao họ phải làm như vậy – khi mà họ biết rõ khu vực đó không phải thuộc khu vực bị cưỡng chế? Và tại sao họ biết trước mà làm như vậy? Rõ ràng phía chính quyền ít nhất đã “bắn tin” sao đó, có nội dung hàm ý đe dọa một cách hết sức nghiêm trọng, mới dẫn đến việc gia đình anh Vươn phải chấp nhận tử thủ, lập chiến tuyến để sống chết cùng đoàn cưỡng chế. Điều này cũng có nghĩa là gia đình anh Vươn đã biết trước về hành động của đoàn cưỡng chế.
Ngược lại, với sự huy động một lực lượng hết sức hùng mạnh, tinh nhuệ như vậy, bao gồm cả quân đội, với áo giáp, chó nghiệp vụ, hỏa lực mạnh – cho thấy chính quyền Tiên Lãng đã cố tình dẫn dắt “trận chiến” này theo chủ đích của họ. Họ chủ động huy động lực lượng tiến công vào một nơi không thuộc khu vực cưỡng chế như vậy nhằm mục đích gì?
Tại phiên tòa ngày thứ hai, các “nạn nhân” ( phía lực lượng cưỡng chế) nói rằng họ không nổ súng trước. Nhưng theo tôi, việc chính quyền Tiên Lãng huy động đoàn cưỡng chế hùng mạnh tiến vào khu vực “giao chiến” đã thể hiện chính họ là người đã “phát lệnh” và “tấn công” trước. Trong bối cảnh đó, những chiến lũy, hành động của gia đình anh Vươn – thậm chí cho dù có phát hỏa trước, trong bối cảnh đoàn người hung tợn tấn công vào nhà mình – còn có cách nói nào khác nếu không phải là hành động tự vệ, bảo vệ tính mạng và tài sản của mình, phản kháng chống lại cái xấu, cái ác?
Những điều tôi trình bày ở trên không hề đi ngoài những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Pháp luật hình sự có khái niệm và qui định về chế định “phòng vệ chính đáng”. Theo đó, công dân có quyền tự vệ, “chống trả một cách cần thiết” khi bị tấn công, đe dọa đến tính mạng, tài sản. Đặc biệt, là khi sự đe dọa, tấn công ấy là trái pháp luật.
Hay nói cách khác, tôi cho rằng trong sự kiện này hành động của gia đình anh Vươn hoàn toàn không phải là “tự xử”. Mà là sự tự vệ, chống trả.
Cũng cần nói thêm là tuy pháp luật qui định Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ, bảo đảm sự an toàn về tính mạng và tài sản của công dân. Nhưng sự bảo vệ này đã và đang ngày một kém đi. Việc người dân phải tự bảo vệ ( thông qua nhiều hình thức) đang ngày một tăng lên trong xã hội. Điều này thật đáng buồn trong chế độ có lý tưởng tốt đẹp của chúng ta.
Tôi cho rằng nếu đoàn cưỡng chế không tiến vào khu vực không cưỡng chế, thì chắc chắn sẽ không có vụ án đau lòng và gây phẫn nộ này. Vậy ai là người chịu trách nhiệm cao nhất trong sự việc này nếu không phải là ông chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng? Thậm chí, tôi cho rằng chính ông chủ tịch huyện là người đã gây ra “tội ác” trong sự kiện tiếng súng hoa cải Đoàn Văn Vươn.
Việc chính quyền huy động một lực lượng cưỡng chế như vậy, dù bất kỳ lý do nào cũng đều không cần thiết và không đúng. Không có luật pháp nào cho phép chính quyền huy động công an, bộ đội tiến công vào nhà người dân chỉ là để thi hành, cưỡng chế thi hành một quyết định hành chính. Mà người thực hiện phải là nhân viên hành chính/chấp hành viên. Nhất là khi đây là cưỡng chế thu hồi đất chứ không phải là cưỡng chế thu hồi nhà – mà ngôi nhà đó lại không nằm trong khu đất phải thu hồi.
Phiên tòa xét xử anh Vươn vẫn đang còn diễn ra, nhưng tôi thấy có nhiều điểm bất thường, không đúng luật ngày từ bên ngoài phòng xử án. Chẳng hạn là việc ngăn cản người dân vào tham dự, là việc chưa có bản án – mà có báo đã viết là “làm rõ hành vi giết người”. Nếu vậy, thì phải chăng là đã có án kết luận anh Vươn giết người? Hay là logic nhận thức của nhiều người đang bị lộn ngược: thay vì chứng minh anh Vươn có tội hay không? Tội gì, thì lại cố chứng minh anh Vươn đã phạm tội giết người !
Tác giả gửi cho Quê choa
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét