Nguyễn Văn Tuấn
Hôm nọ, đọc xong bài Người Việt kì thị… người Việt, tôi đã định viết vài dòng ghi chú, nhưng loay hoay với công việc rồi quên. Hôm nay, ngày cuối tuần, nên có chút suy nghĩ về chuyện kì thị. Không cần phải dài dòng: kì thị là chuyện xấu, cần phải dẹp. Trong bài báo dưới đây, tác giả thuật lại câu chuyện của chính tác giả bị chủ quán người miền Nam kì thị, và tác giả qui kết “chiến tranh” như là một lí do cho tình trạng kì thị. Tôi thì nghĩ khác: tôi nghĩ rằng tình trạng người Nam kì thị người Bắc có nguyên nhân sâu xa hơn, nó bắt nguồn từ những năm đen tối sau 1975.
Tôi đoán trong cộng đồng dân tộc, không ai có kinh nghiệm kì thị bằng những người Việt tị nạn ở nước ngoài. Thời đó (tức đầu thập niên 1980s) khi người Việt bắt đầu đến Úc định cư, thì phong trào kì thị người Việt cũng bắt đầu“sinh sôi nảy nở”. Có dạo người Việt không được vào các club uống bia. Cựu thủ tướng John Howard có thời không ưa người Việt tị nạn. Giáo sư sử học ở Melbourne tên là Goeffrey Blainey còn nói rằng đóng mộc vào trán người Việt và gửi cho họ về VN trên các chuyến tàu chở cừu xuất khẩu. (Ông này sau này bị áp lực phải từ chức). Có thời gian người Việt bị đám du côn Úc chận đường đánh. Anh bạn tôi là một nạn nhân. Nhưng không lâu sau đó thì “phe ta” cũng bắt đầu hình thành băng đảng để chống chọi, và khi phe ta đã ra tay chống trả (toàn súng đạn) thì du côn Úc cũng phải ngán. Bây giờ thì tôi nghĩ nạn kì thị đã giảm đi nhiều khi thế hệ 2 và 3 người Việt lớn lên ở đây đã hoà nhập và ở mức độ nào đó đã thành công.
Nhưng nay lại có nạn người Việt kì thị người Việt. Người Việt tị nạn (chủ yếu là dân miền Nam) kì thị dân miền Bắc. Có người nói hài hước là dân đi tàu kì thị dân đi máy bay . Thật ra, tôi không chắc chữ “kì thị” có đúng không nữa, vì trong thực tế chữ “không ưa”, hay thậm chí “ghét”, thì đúng hơn. Vào giữa thập niên 1990s, khi có đồng nghiệp từ VN sang đây học hành và công tác, họ không dám xuống các vùng đông người Việt (như Cabramatta chẳng hạn). Đến đó, chỉ cần nghe giọng “Bắc 75” là chắc chắn gặp “phiền phức”. Có lần tôi dẫn một anh đồng nghiệp ghé Cabramatta chơi, khi vào nhà hàng, tôi phải dành quyền gọi món ăn, chứ không dám cho anh ấy nói, vì tôi biết anh ấy mà mở miệng nói giọng Bắc 75 thì chắc cả tôi và anh chẳng có gì để ăn. Ở Little Saigon, một hôm tôi và anh bạn (cũng Bắc kì 75, dân Thái Bình) vào nhà sách, anh bạn tôi hỏi tìm mua cuốn hồi kí của tướng Trần Văn Trà; trong khi ông chủ thì điềm đạm, nhưng ông khách đang lựa sách, quay sang gằn giọng với anh bạn tôi: “ở đây không có bán sách của Việt cộng. Việt cộng thì về bển mà mua.” Ông chủ tiệm sách vội vàng dàn hoà, và nói sách … bán hết rồi. Thấy tình hình không ổn, tôi kéo anh bạn lui bến.
Nhưng phải nói rằng nay thì đỡ hơn nhiều. Khi làn sóng người miền Bắc sang đây tị nạn vào thập niên 1990s, và đến nay thì người dân hai miền đã cảm thông nhau nhiều hơn. Thời đó, dân tị nạn miền Bắc không thể mở hàng quán ở khu dân tị nạn miền Nam. Nhưng nay thì anh em Nam Bắc đề huề, bên nhau làm ăn. Ở Cabramatta có một quán Bắc chính cống, bán toàn đồ ăn Bắc, và được dân miền Nam ủng hộ hết mình, riết rồi ông chủ nghĩ ông là dân Nam! Sau này thì thêm làn sóng mấy em du học sinh sang đây học, và đi làm thêm, thì chính các hàng quán Việt là những nơi các em ấy nghĩ đến. Tôi nghĩ trong số những em ấy, chắc cũng có nhiều trường hợp cay đắng. Cháu gái tôi nó kể phải làm trong một quán ăn từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm, mà chỉ được trả 8.5 AUD/giờ. Đó là một sự bóc lột trắng trợn. Tôi nghĩ có không ít chủ hàng quán người Việt lợi dụng tình thế bất lợi của mấy em học sinh, sinh viên để bóc lột. Câu chuyện được kể trong bài viết trên tờ laodong.com.vn chắc cũng có phần sự thật, và người chủ kia có lẽ là một trong những kẻ bóc lột đồng hương.
Trong bài này, tác giả đổ thừa cho “vết thương của bao năm chiến tranh vẫn đang dai dẳng hằn sâu trong một bộ phận đồng bào”. Nhưng tôi nghĩ không phải vết thương chiến tranh. Tôi nghĩ lí do sâu xa hơn nữa. Có nhiều lí do tại sao người tị nạn miền Nam không ưa người Bắc. Xin nói thêm là tôi không nằm trong nhóm đó, vì tôi nghĩ mình đã vượt qua được lằn ranh phân định đó, và bằng chứng là tôi có nhiều học trò người Bắc và tôi làm việc với đồng nghiệp ngoài Bắc rất thoải mái.
Trong cái nhìn của phần đông những người tị nạn bên này, người Bắc là thủ phạm gây nên sự điêu tàn của đất nước. Với cái nhìn đó, họ không ưa người miền Bắc. Sau 1975 miền Nam có thể nói là lâm vào cảnh khốn cùng. Gia đình li tán. Chồng con đi “học tập cải tạo” mút mùa. Hàng vạn người chết trong các trại tù cải tạo. Số ra tù thì bệnh tật riết cũng chết. Số còn sống sót đi vượt biên thì có khi làm mồi cho cá mập. Nhà cửa bị ăn cướp. Con cái bị kì thị, học giỏi cách nào cũng không vào đại học được do cái lí lịch “nguỵ”. Có thể nói không ngoa rằng thời đó dân miền Nam bị cán bộ miền Bắc kì thị rất ác. Phải nói là “ác ôn”. Có vay thì có trả, nên chuyện con em người miền Nam bây giờ tỏ ra thiếu cảm tình với đồng môn người Bắc chẳng có gì khó hiểu. Nhưng chỉ buồn là họ thể hiện cái tức giận đó sai đối tượng, vì người Bắc thì cũng là người Việt thôi, cũng đau khổ như mình thôi.
Phải nói rằng thời đó, cái đám cán bộ ngoài Bắc mới vào tiếp quản Sài Gòn quá ư là lố bịch. Chẳng những huênh hoang, khoác lác, mà họ còn tự thể hiện cái dốt của họ. Đó là chưa nói đến vấn nạn đốt sách. Tôi nghĩ nhiều người Việt tị nạn thế hệ I không bao giờ quên được những vấn nạn kinh hoàng thời đó. Bây giờ, trong cái nhìn của họ, những em sinh viên sang đây du học chắc là COCC, mà COCC cũng có nghĩa là tham ô hối lộ. Cũng có thể họ nghĩ đây là những con em của những người từng cướp nhà, từng làm khổ, hay từng giết chết bà con họ. Do đó, họ tỏ thái độ kì thị hay ghét những em sinh viên nói giọng Bắc là có thể hiểu được.
Hôm nọ, ngồi nói chuyện đời với một doanh nhân ở Sài Gòn có vài chuyện thú vị. Anh này thật ra là gốc Bắc 75, nhưng làm ăn ở Sài Gòn. Anh K cho biết rằng thật ra, tất cả các tập đoàn lớn của Nhà nước đều do người “ngoài đó” nắm hết. Tôi nói thế số bộ trưởng cũng có phân bố Bắc Nam cân bằng đó chứ, thì anh mỉm cười nói “hoa lá cành ông ơi, vì ở dưới điều hành thì vẫn là người ngoài đó”. Thử nhìn qua nhân sự của những hải quan, hàng không, dầu khí, và mấy cái “VINAs” thì anh K cũng có lí. Trước đây, có một con số lưu hành cho thấy phần lớn ngân sách Nhà nước là do các tỉnh miền Nam đóng góp (đặc biệt là Sài Gòn, Bình Dương và Vũng Tàu), nhưng đầu tư cho miền Nam thì rất kém. Hình như là từng có đại biểu QH đặt vấn đề này (?). Trong cái nhìn của anh K, người miền Nam vẫn là người bị thiệt thòi và bị thống trị.
Do đó, tôi nghĩ vấn đề không phải là “chiến tranh” gì cả; vấn đề là sự bất bình đẳng Nam – Bắc. Có lẽ người ta không muốn nói ra, nhưng nếu cứ dấu hoài thì có ngày sẽ bùng nổ. Những chuyện “kì thị” mà bài báo dưới đây mô tả không phải do chiến tranh, mà là di sản của một thời bất công và đen tối mà thủ phạm không ai khác hơn là cán bộ miền Bắc sau 1975. Xin nói cho rõ là “cán bộ sau 1975” nhé, chứ không phải người dân miền Bắc. Chỉ khi nào tất cả đều công khai, và có những kênh đối thoại thẳng thắn, thì chúng ta mới hết nạn kì thị. Tôi nghĩ chỉ có đối thoại thì mới cảm thông nhau.
Riêng cá nhân tôi thì tôi open và thoải mái. Tôi không có kì thị, vì bản thân mình từng bị kì thị. Thật ra, khi nói chuyện với các đồng nghiệp ngoài Bắc tôi thấy họ cũng cởi mở và không có đầu óc kì thị dân Nam chút nào cả (còn trong hành động thì tôi không biết). Nhưng nói chuyện với dân trong Nam, kể cả người Bắc trong Nam, thì một số rất cay cú.
N.V.T
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Khi người Việt kỳ thị… người Việt
Điều đáng buồn là khi sự kỳ thị Nam - Bắc từ lâu dường như đã sạch bóng trên chính quê hương, thì nó vẫn còn hiện diện cụ thể trong cộng đồng người Việt ở Australia - một quốc gia đề cao sự tự do và chống phân biệt đối xử vào bậc nhất trên thế giới
Rầu lòng
Ý tưởng và tư liệu về đề tài nhạy cảm này bắt đầu được tôi cóp nhặt khi thực hiện cuộc điều tra nhằm so sánh điều kiện lao động của công nhân người Việt giữa một doanh nghiệp do người Việt điều hành và một doanh nghiệp do người Australia điều hành tại Melbourne - thủ phủ tiểu bang Victoria, một trong hai cái nôi lớn nhất của cộng đồng người Việt tại Australia. Trong quá trình làm việc tại một hãng gà nằm ở phía tây Melbourne, những gì đã phải trải qua khiến tôi không khỏi tự đặt câu hỏi: Phải chăng người gốc Bắc và nói giọng Bắc đang phải chịu một sự kỳ thị ngấm ngầm nhưng dễ nhận biết, đặc biệt từ phía những chủ xưởng hay chủ cửa hàng gốc Nam?
Khi bắt đầu bước vào làm, tất cả các công việc của tôi được đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt, thậm chí xét nét của bà chủ khó tính và luôn mồm chửi mắng nhân viên. Đã từng làm công ở chỗ khác nên tôi thấu hiểu nguyên tắc làm việc: Chủ trả công theo giờ nên phải luôn đúng giờ, tay chân luôn phải hoạt động, hết việc này phải tự kiếm việc khác mà làm và tuyệt đối phục tùng sự chỉ đạo. Nhưng chỉ qua 3 ngày làm việc, tôi buộc phải chấp nhận một sự thật khác: Những người gốc Bắc và nói giọng Bắc như tôi luôn phải chịu đựng sự khủng bố về tinh thần nhiều hơn những người khác: Mắng chửi, rỉa rói, cạnh khóe… Chấp nhận tất cả, tôi chỉ biết cắm cúi làm việc, không dám cãi lại một lời, như lời khuyên của một người làm cùng cũng là người Bắc: “Làm đúng yêu cầu, không nghe không thấy vì… ở đây là vậy!”.
Nhưng sự việc đã đi đến cùng giới hạn khi đến một hôm bà chủ giơ bàn tay trỏ sát vào mặt tôi quát: “Nói cái gì cũng “dạ” cũng “vâng”! Ở ngoài đời hay ở Việt Nam có là cái gì thì vào đây nói cái gì cũng phải nghe, rõ chưa?”. Việc tôi có thể làm sau đó chỉ có thể là xin nghỉ việc. Mãi về sau, khi biết rõ chuyện, một nhóm “anh em xã hội” cũng thuộc dạng không ngại va chạm ở Melbourne long sòng sọc lên đòi tôi phải dẫn tới nơi làm để xem tận mặt bà chủ kia để xem là ai mà quá đáng đến như vậy. Tránh những chuyện phiền hà không đáng có, buổi “xem mặt” ấy không bao giờ diễn ra, nhưng rất nhiều câu chuyện “ấm ức bấy lâu nay” đã được mọi người dần trải lòng…
“Khó đấy. Liệu có quá sức không?” - Helen Vatsikopoulos (phóng viên nữ của chương trình truyền hình Foreign Correspondent danh giá của Hãng ABC) tỏ ra phân vân khi chúng tôi trình bày đề tài sẽ làm về tình trạng phân biệt đối xử trong cộng đồng người Việt trên đất Australia vào thời điểm năm 2010. Sự lo lắng của nữ phóng viên xinh đẹp nhưng dày dạn hiểm nguy qua những phóng sự điều tra truyền hình thực hiện trên khắp thế giới, đặc biệt là về những vụ bạo loạn đẫm máu tại Hy Lạp, không phải là không có cơ sở. Đụng chạm đến một vấn đề nhạy cảm trong lòng một cộng đồng dân cư tại Australia đòi hỏi người thực hiện phải cẩn thận kiếm tìm thông tin và nhân vật từ cả 2 chiều thông tin, tránh quy kết. Không những thế, đây cũng là mảng đề tài khó chọn được người sẵn lòng trả lời phỏng vấn vì ngại phiền hà.
Có một tâm lý chung là những người đối diện và chịu đựng tình trạng này đều coi như… chuyện phiền ngoài đường. Họ không muốn nhắc lại, nhưng hầu hết đều nhớ như in. Điều đó cũng dễ hiểu bởi đó là câu chuyện buồn pha lẫn sự ấm ức. C - một du học sinh người Hà Nội, học tại Đại học Công nghệ Sydney, làm thêm cho một hãng nghiên cứu thị trường - kể lại một lần trải nghiệm: “Công việc của tôi là gọi điện thoại đến nhà khách hàng để khảo sát thị trường. Khi tôi gọi đến nhà một khách hàng, một phụ nữ nhấc máy. Khi nghe thấy giọng Bắc của tôi, bà ấy chửi thậm tệ qua điện thoại, rồi gác máy”.
Không chỉ nam giới mà đến nữ giới cũng phải chịu cảnh phân biệt như thế. T - một nữ lưu học sinh người Việt tại Đại học Melbourne - kể lại: “Tại một bữa tiệc, một anh chàng buôn chuyện với tôi khá lâu. Khi đã biết được rằng đều là người Việt, chúng tôi chuyển sang nói tiếng Việt. Nhưng ngay khi anh ấy nghe thấy giọng Bắc của tôi, anh ta quay ngoắt đi sang nói chuyện với những người Nam khác và không quay lại nói chuyện với tôi nữa”.
Lý giải về điều này, một trí thức người Việt tại Sydney xin ẩn danh cho biết, những người còn đặt nặng sự phân biệt đối xử Nam - Bắc chủ yếu tập trung ở lứa người lớn tuổi. “Họ đã từng mất sạch mọi thứ trong một thời gian cực ngắn. Nhiều người mất gia sản. Nhiều người thậm chí mất cả gia đình, vợ con… trên con đường tha hương đầy máu và nước mắt để đến được Australia. Nguyên nhân của nỗi đau ấy được quy chiếu về một phía. Họ nghĩ rằng những sinh viên đến từ phía Bắc đang học ở Australia là con cháu của phía đã gây ra nỗi đau cho họ. Và họ có thái độ thù địch như vậy. Cá nhân tôi không đồng tình với những hành vi như vậy. Thực ra họ không có quyền phân biệt đối xử với những sinh viên ấy trên đất Australia. Họ vẫn nói rằng phải rời khỏi quê hương vì một sự phân biệt đối xử, vậy thì hà cớ gì lại tạo thêm một sự phân biệt đối xử khác?” - ông nói.
Để tìm hiểu sâu hơn và cũng là để khách quan hơn, chúng tôi đã quyết định phỏng vấn ông Võ Trí Dũng - lúc bấy giờ đang giữ chức Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam tại Australia tại tiểu bang New South Wales. Sau khi bàn bạc, với tình hình thực tế đã trải nghiệm, nhóm thực hiện phóng sự quyết định để đảm bảo tính khách quan của buổi phỏng vấn, cũng là để tránh những chuyện không hay xảy ra, tôi sẽ ngồi ngoài quán café ở Cabramatta chờ, Peta và Daniel sẽ thực hiện cuộc phỏng vấn trong văn phòng của ông Võ Trí Dũng. Tại cuộc phỏng vấn, ông Võ Trí Dũng đã thừa nhận là sự phân biệt đối xử đối với sinh viên gốc Bắc, đặc biệt là những sinh viên nhận được học bổng từ Chính phủ Australia, là có thi thoảng xảy ra.
Nhưng những sinh viên nhận được học bổng từ phía Chính phủ Australia chỉ là một thiểu số rất nhỏ. Vậy thì còn những sinh viên gốc Bắc tự đi bằng nhiều con đường khác thì sao? Câu trả lời thỏa đáng là như thế nào khi họ đã và vẫn phải chịu đựng sự kỳ thị? B - hiện đã định cư và trở thành công dân Australia - kể lại: “Tình trạng người Bắc bị kỳ thị hiện giờ còn đỡ đi nhiều, chứ cách đây 5-7 năm thì còn dữ dội hơn”. Hồi đó, ngày đầu tiên đặt chân tới đất Melbourne để nhập học tại Đại học Swinburne, B đi mua hàng tại cửa hàng của người Việt. Người bán hàng đã làm ngơ xem như không hiểu câu hỏi giá bằng tiếng Việt với giọng Bắc của B. Khi bị hỏi thêm lần nữa, người bán hàng bèn trả lời bằng tiếng Anh. Trong khi đó, chỉ vài phút trước, họ vẫn nói tiếng Việt với khách hàng là người Nam.
“Hồi đó kiếm được việc làm ở chỗ chủ người Nam rất khó. Họ luôn trả lời rằng không có việc, dù tôi biết rõ rằng họ đang kiếm người. Nếu có được nhận vào làm thì lương luôn thấp hơn hẳn so với người Nam. Nhưng điều đáng kinh khủng hơn là khi nhận lương thì luôn được “khuyến mãi” thêm vài câu bóng gió miệt thị - B nhớ lại - Bây giờ thì đã đỡ hơn, nhưng chưa hẳn đã hết. Bạn cứ thử kiếm một chỗ có chủ người Nam rồi thử xin việc thì sẽ rõ”.
Nhóm chúng tôi đã tiến hành thực nghiệm ngay trước màn hình máy quay. Một sinh viên người Nam được mời đến ngồi cùng tôi. Một mục quảng cáo tìm việc bất kỳ được lựa chọn trên những tờ báo tiếng Việt tại Australia. Trên tay chúng tôi là mẩu quảng cáo tìm người hái xoài tại Darwin. Sinh viên người Nam gọi điện trước. Người chủ tuyển người trả lời rất nhẹ nhàng. Khi sinh viên này kết thúc cuộc gọi và cảm ơn, bà chủ cũng rất lịch sự nói “không có gì”. Đến lượt tôi nói giọng Bắc. Cũng vẫn những thông tin như vậy, nhưng khi tôi nói cảm ơn để kết thúc cuộc gọi, bà chủ dập máy cái rụp. Từng khuôn hình kiên nhẫn đưa tiếng gác máy khô khốc vào trong băng.
Khi tương lai đẩy dần bóng quá khứ
“Nhưng thế hệ người Việt thứ hai và thứ ba tại Australia có vẻ không quan tâm lắm đến chuyện trong quá khứ, cho dù đôi khi gia đình của họ vẫn cố gắng dựng lên một rào cản nhất định, chí ít là về mặt tâm lý” - B tâm sự khi đưa tôi vào Bubbles - sàn nhảy nổi tiếng và cũng là nơi tụ hội của giới trẻ Việt tại Melbourne mỗi tối thứ sáu, đêm mà các DJ chỉ đánh nhạc Trance phục vụ riêng cho người Châu Á (nay đã phải đóng cửa vì xảy ra nhiều vụ đánh lộn). Theo chỉ dẫn của B, sàn Bubbles dường như được ý nhị chia thành 2 khu - một cho người Bắc và một cho người Nam. Nhưng cái ranh giới mơ hồ ấy thường xuyên bị phá vỡ, khi một vài nhóm bên này sang bên kia chào hỏi nhau, làm một ly tequila rồi lại trở về phía bên mình. Nhưng đó chỉ là khu để ngồi. Còn khi đứng lên nhảy, tất cả đều hòa làm một.
Paige Nguyễn - cô bạn cùng lớp người Australia gốc Việt hiện đang sống tại Sydney - thì lại rất hồ hởi tự nhiên ra làm quen khi biết tôi là người Việt. Khác hẳn với những “Việt kiều” mới sang có mấy năm mà đã giả bộ lơ lớ quên tiếng Việt hoặc oh ah mắt tròn xoe khi nói về Việt Nam, Paige Nguyễn thực sự không nói được tiếng Việt, nhưng lại say sưa kể về gia đình nội ngoại: “Bố mẹ tôi là người Cần Thơ. Gia đình tôi tới Adelaide 25 năm trước. Tôi thực sự không nắm rõ lắm những gì đã xảy ra trong quá khứ. Cuộc sống của tôi là ở đây. Và ở đây thì ai cũng có thể là bạn của nhau!”.
Không chỉ thụ động trông chờ vào thời gian, một bộ phận lớn cộng đồng người Việt cũng đang tự chủ động đấu tranh để đầy lùi sự phân biệt đối xử mang tính áp đặt đó. D - một “thổ dân” tại Melbourne - cho biết, cũng với sự mở rộng và phát triển của số lượng người Bắc trong cộng đồng người Việt, đã từng xảy ra những trận ẩu đả vì lý do phân biệt vùng miền và những người có tư tưởng phân biệt đã chùn bớt tay, không dám thể hiện một cách quá thô lỗ hay quá khích nữa. Nhưng cách thức tiêu cực này đã không còn phổ biến nữa. “Điều quan trọng là ngày càng có nhiều người Bắc làm ăn phát đạt, mở rộng sản xuất và trở thành ông chủ. Kinh tế mạnh thì mới có uy được! Vị thế của người gốc Bắc càng ngày càng được củng cố, thế nên tình trạng coi thường người từ miền Bắc đến Australia cũng hạn chế hẳn đi” - D cho biết.
Khơi lên nỗi đau của chính cộng đồng người Việt mình không phải là chuyện vui vẻ gì, nhưng điều đó là cần thiết, để mọi người biết rằng, vết thương của bao năm chiến tranh vẫn đang dai dẳng hằn sâu trong một bộ phận đồng bào. Khơi lên cũng là để phản ánh một sự thật là những sinh viên và người Việt gốc Bắc sang Australia để học tập và làm việc đã, đang phải chịu đựng một sự phân biệt đối xử khá phi lý. Khơi lên điều mà nhiều người tránh muốn đề cập đến, nhưng là sự thực, âu cũng là một sự sòng phẳng. Nếu không đối diện, sẽ không thể nào xóa sạch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét