Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Phạm Chí Dũng - Nhãn quan im lặng

Link : http://anhbasam04.wordpress.com/2013/04/17/nhan-quan-im-lang/


Phạm Chí Dũng
Chính trị luôn có những điều tế nhị và không phải luôn cần được tiết lộ. Sau đối thoại nhân quyền, thái độ im lặng của người Mỹ và của cả Hà Nội đang trở nên một đối trọng sâu thẫm, đối mặt với kiểu cách lớn tiếng không cần che giấu của Bắc Kinh.
Bắc Kinh không im lặng
Rốt cuộc, quốc gia đông dân nhất thế giới đã không thể tiếp tục giữ được im lặng.
Vào ngày 16/4/2013, tức 4 ngày sau khi diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt – Mỹ ở Hà Nội và vài ngày sau sự kiện Ủy ban biên giới, Bộ ngoại giao Việt Nam và cả báo Nhân dân “bất ngờ” chuyển thái độ mạnh mẽ hơn đối với chủ đề can thiệp vào khu vực biển Đông của chủ thể “mười sáu chữ vàng”, Bộ quốc phòng Trung Quốc đã chính thức lên tiếng phản ứng: Chiến lược chuyển dịch trọng tâm về Á châu của Hoa Kỳ là “đi ngược lại trào lưu của khu vực” và “thường làm tình hình thêm căng thẳng”.
Phản ứng trên được phát ngôn tại Bắc kinh, 5 ngày trước khi tái hiện câu chuyện “can thiệp quân sự” của người Mỹ vào Việt Nam.
Theo một kế hoạch được xác nhận giữa hai quốc gia vốn là cựu thù, vào ngày 21/4 tới, hai chiến hạm của hải quân Hoa Kỳ sẽ cập cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm và hoạt động “trao đổi hải quân” kéo dài 5 ngày với hải quân Việt Nam.
Trái với thông lệ thường diễn ra, vào lần này “khối băng” Việt – Mỹ lại dường như được nung chảy bởi những hoạt động đồng thuận về quân sự, thay cho giao lưu văn hóa và thương mại như trước đây.
Trong khung cảnh này, “đồng thuận xã hội” cũng đang trở thành một cụm từ mới tinh và được xác nhận chính thức trên tờ báo đảng danh giá nhất – Nhân dân, tại đất nước có bề dày đổi mới một phần tư thế kỷ.
“Thoát Trung luận”?
Việc báo “lề đảng” và cả một số báo “lề phải” cùng đồng thuận đối nội khi đưa tin rộng rãi và mang tính đón chào về cuộc “trao đổi hải quân” giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lại dựa trên một tinh thần đồng thuận đối ngoại: những xác nhận không giấu diếm từ William Lee – Chuẩn đô đốc phụ trách về chính sách và năng lực của Tuần duyên Hoa Kỳ – về “hai nước Việt Nam và Mỹ đang hợp tác để phát triển lực lượng cảnh sát biển đủ năng lực giúp các ngư dân Việt Nam khi họ gặp nạn”.
Theo bình luận của BBC, gần đây Trung Quốc thường xuyên chỉ trích kế hoạch điều thêm tàu chiến và hải quân tới khu vực Á châu của Hoa Kỳ, mà Bắc Kinh nói không chỉ liên quan đến các đồng minh quân sự truyền thống như Nhật Bản, Nam Hàn và Philippines, mà còn mở rộng ra cả quốc gia cựu thù Việt Nam. Trung Quốc cũng cho rằng việc này có mục tiêu kềm chế Trung Quốc về mọi mặt.
Báo Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc hôm 15/4 đăng xã luận với lập trường cáo buộc hết sức kiên định: “Các thế lực thù địch phương Tây đã tăng cường chính sách Tây hóa và chia rẽ Trung Quốc, đồng thời tìm đủ cách thức để kềm chế và kiểm soát sự phát triển của đất nước chúng ta”.
“Sự phát triển của đất nước chúng ta” cũng đang là một lời đánh đố ở Việt Nam vào những ngày gần đây, được biểu trưng bởi làn sóng dư luận sôi động về tinh thần độc lập tự chủ “Thoát Trung luận” và một sự kiện chưa từng có tiền lệ: dự thảo hiến pháp tiếp thu đã chính thức nêu phương án về đổi tên nước thành “Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Tồn tại từ năm 1976, tên gọi “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đang có cơ hội quay về với giá trị nguyên thể của nó – Hiến pháp năm 1946.
“Đồng thuận xã hội” – như cụm từ khởi phát từ báo Nhân dân – cũng đang được tiêu chí hóa như một hình ảnh quy tụ lòng dân, cùng với mô hình “xã hội giá trị” lần đầu tiên được khẳng định trên mặt báo đảng ở Việt Nam.
Âm mưu và tình yêu
Xét về nguồn cơn, “xã hội giá trị” lại là một trong những nền tảng của “nền tư sản Hoa Kỳ”, hoặc như một loại bản chất không mấy tốt đẹp của “các thế lực thù địch phương Tây” mà quốc gia đặc trưng bởi chiến thuật “biển người” đang cố gắng đè bẹp.
Song bất chấp biển người đang chực chờ tràn xuống biển Đông, đức tính quy tụ lòng dân và tạo đồng thuận xã hội của phong trào đổi tên nước lại đang khơi dậy hy vọng cho những chia sẻ quan – dân trong lòng triều chính Việt Nam. Chỉ 3 ngày sau khi kết thúc cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ ở Hà Nội, một người từng bị xem là “đối tượng chống đối” – blogger Người Buôn Gió – đã được chính quyền Việt Nam chấp thuận cho “đi học tập” ở Weimar – một địa danh khởi sự nền cộng hòa đầu tiên của nước Đức, cũng là nơi lưu giữ nhiều ký ức về nhà soạn kịch cổ điển Schiller cùng kịch phẩm kinh điển “Âm mưu và tình yêu” của tác gia này.
Chuyến tàu tốc hành mang tên Weimar của hành khách Người Buôn Gió cũng có thể khiến nhiều trái tim dễ rung động của “lề dân” không khỏi bồi hồi, khi nhớ lại hình ảnh ngơ ngẩn dưới trời tuyết Paris vào tháng 3/2013 của một “đối tượng” khác – blogger Huỳnh Ngọc Chênh, bởi bản thân người được giải thưởng “Công dân mạng năm 2013” của Tổ chức phóng viên không biên giới cũng khó tưởng tượng ra vì sao ông không bị “đeo bám”.
Trùng thời gian hậu đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ, một tốc hành khác cũng xảy ra khi hình ảnh đeo bám bất chợt được gỡ bỏ. Phản hồi của một số bạn đọc “lề dân” vào những ngày qua cho thấy có thể khá nhiều nhà mạng đã bất ngờ tháo dỡ “bức tường lửa” – vốn được thiết lập từ nhiều năm qua để chống “diễn biến hòa bình”.
“Tự do Internet” – một nỗi sợ da diết của “diễn biến hòa bình – lại là một trong những chủ đề trọng tâm mà Phó trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Dan Baer nêu ra “một cách quyết liệt” – như cụm từ mà Chủ tịch tiểu ban Hạ nghị viện Hoa Kỳ Christ Smith ủng hộ – trước và trong cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ vừa qua.
Đồng thuận im lặng?
Chỉ có điều, trong khi quá hăng hái ủng hộ Đạo luật nhân quyền Việt Nam, ông Dan Baer lại bị thiếu vắng tư cách tự do cá nhân ở quốc gia đang ứng cử ghế nhân quyền, khi không làm cách nào tiếp xúc được với hai nhà hoạt động nhân quyền là luật sư Nguyễn Văn Đài và bác sĩ Phạm Hồng Sơn.
Điều an ủi còn lại cho nghị sĩ nhiệt thành Dan Baer chỉ là cuộc gặp gỡ với linh mục Nguyễn Văn Lý trong trại giam – địa chỉ đã lưu giữ một trong bảy triệu con chiên của Chúa ở Việt Nam và hơn thế, còn làm cho con chiên đó trở nên nổi danh thế giới với ảnh chụp bị bịt miệng trước tòa án.
Không khác mấy với tình cảnh im tiếng của cha Lý, vào lần này người đại diện cho Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cũng trở nên im lặng một cách khác thường. Lặng lẽ hơn rất nhiều so với không khí quyết tâm tại cuộc điều trần tại Hạ nghị viện Hoa Kỳ một ngày trước khi diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ, ông Baer đã không xuất hiện trước dư luận quốc tế để thông tin về kết quả cuộc họp này, ít nhất cho đến thời điểm hiện nay.
Thay vào đó là sự hiện diện của Quyền phó phát ngôn thuộc Bộ ngoại giao Hoa Kỳ – Ventrell.
 “Hoa Kỳ và Việt Nam đã có đối thoại nhân quyền thẳng thắn và xây dựng hôm 12/4” – ông Ventrell cho các phóng viên biết trong một cuộc họp báo sau cuộc đối thoại trên – “Đối thoại hôm 12/4 với Việt Nam đề cập tới một số vấn đề, trong đó có tự do tôn giáo, pháp quyền, tù nhân lương tâm, quyền của người lao động và tự do biểu đạt”.
Tuy nhiên, cho tới nay Bộ ngoại giao Mỹ và phái đoàn Hoa Kỳ tham dự cuộc đối thoại nhân quyền vẫn chưa tiết lộ bất kỳ thông tin nào về cuộc họp có thể là rất quan trọng và cũng rất “tế nhị” này.
Hiển nhiên, chính trị luôn có những điều tế nhị và không phải luôn cần được tiết lộ. Sau cuộc đối thoại nhân quyền, thái độ im lặng của người Mỹ và của cả Hà Nội đang trở nên một đối trọng sâu thẫm, đối mặt với kiểu cách lớn tiếng không cần che giấu của Bắc Kinh.
“Dân biểu nói bừa”
Chắc hẳn điều mà Bắc Kinh đang muốn che giấu là tâm thế “bị bỏ rơi” của họ, trong bối cảnh Hà Nội không quá ngại ngùng khi đề đạt nguyện vọng ứng cử vào một trong những cái ghế của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc.  
Tuy thế, Bắc kinh sẽ không quá thất vọng bởi họ hiểu rõ người Mỹ không cho không ai cái gì. Tất cả mới chỉ bắt đầu, thử thách vẫn còn ở phía trước.
Thời gian là tiền bạc, còn nhân quyền lại là vấn đề thời gian.
Theo Chủ tịch tiểu ban Hạ nghị viện Mỹ Christ Smith, tiểu ban này “sẽ xem xét một cách có phê phán thông báo của Việt Nam trở thành ứng viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc cho nhiệm kỳ 2014-2016”.
Cần nói thêm, Christ Smith lại là nhân vật được báo Quân đội nhân dân đặt cho biệt danh “Dân biểu nói bừa” – trong một bài viết đăng ngày 16/4/2013 tại mục “Phòng, chống diễn biến hòa bình”.
 P.C.D.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét