Trần Khánh Dư, một bậc tài hoa nhưng không hoàn hảo, một “cơn
gió chướng” trong dòng chảy lịch sử Việt Nam với
những phát ngôn và hành động thô bỉ. Nhưng, là một người coi trọng tự do cá
nhân trong thời đại phong kiến, một người đạp bằng dư luận mà sống, một vị
tướng thiên tài, một quý tộc đặc sắc, và cả một sự cô đơn trong một mối tình
oan nghiệt.
1. TÀI NĂNG, MỐI TÌNH VÀ "GIÓ
CHƯỚNG THỜI ĐẠI"
Người đàn
ông ấy là một nhân vật “nửa chính nửa tà”.
Ông không
phải là kiểu “yêu nước thương dân” như trong tiểu thuyết, hoặc kiểu được xây
dựng để “yêu nước thương dân”. Đại Việt Sử ký Toàn thư có viết: "Khánh Dư
tính tham lam, thô bỉ, những nơi ông ta trấn nhậm, mọi người đều rất ghét. Nhân
Tông chỉ tiếc ông có tài làm tướng, nên không nỡ bỏ mà thôi".
Trần Khánh Dư là một “badboy”. Cũng giống như cách các anh chàng “badboy” thừa sự tự tin về tài năng, mang vẻ ngoài và sự mạnh bạo của bản thân để quyến rũ các cô nàng. Khiến kẻ đối diện biết rằng xấu, mà vẫn quyến luyến. Trần Khánh Dư cũng mang cái tố chất đặc biệt đó, nhưng ở một tầm vóc vĩ mô. Từ “badboy” mà tôi dùng không hẳn là nói về cái quan hệ nam nữ, mà là cái “badboy” đối với cả quân lính và người dân mà ông cai quản. Trần Khánh Dư sở hữu một câu nói, mà có lẽ bây giờ có vị quan chức nào phát biểu câu đó, hẳn phải viết đơn từ chức sớm. Đấy là câu "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?". Nói xong, liền đi thẳng về nhà vì sợ vua Trần Anh Tông gọi lại giáo huấn. Câu nói đó ý tứ rất rõ ràng, và thậm chí là tàn bạo: kẻ làm tướng xem lính như vịt để ăn và mổ. Thực ra chính điều này, lại giúp ông thắng được trận Vân Đồn. Vì sao thì tôi sẽ nói ở phần sau bài viết.
Trần Khánh Dư là một “badboy”. Cũng giống như cách các anh chàng “badboy” thừa sự tự tin về tài năng, mang vẻ ngoài và sự mạnh bạo của bản thân để quyến rũ các cô nàng. Khiến kẻ đối diện biết rằng xấu, mà vẫn quyến luyến. Trần Khánh Dư cũng mang cái tố chất đặc biệt đó, nhưng ở một tầm vóc vĩ mô. Từ “badboy” mà tôi dùng không hẳn là nói về cái quan hệ nam nữ, mà là cái “badboy” đối với cả quân lính và người dân mà ông cai quản. Trần Khánh Dư sở hữu một câu nói, mà có lẽ bây giờ có vị quan chức nào phát biểu câu đó, hẳn phải viết đơn từ chức sớm. Đấy là câu "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?". Nói xong, liền đi thẳng về nhà vì sợ vua Trần Anh Tông gọi lại giáo huấn. Câu nói đó ý tứ rất rõ ràng, và thậm chí là tàn bạo: kẻ làm tướng xem lính như vịt để ăn và mổ. Thực ra chính điều này, lại giúp ông thắng được trận Vân Đồn. Vì sao thì tôi sẽ nói ở phần sau bài viết.
Tính cách và
con người Trần Khánh Dư cần phải đi sâu vào 2 câu chuyện:
+) Đầu tiên,
là vụ án thông dâm của Trần Khánh Dư và Thiên Thụy công chúa (mà gần đây giang
hồ đang bức xúc cái tác phẩm kia đấy). Thiên Thụy là con gái của vua Trần Thánh
Tông, nàng được gả cho Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn. Nhưng Trần Khánh Dư và
Thiên Thụy vẫn lén lút qua lại với nhau, câu chuyện vỡ lỡ, Trần Khánh Dư bị
phạt vì tội thông dâm. Vua Trần tuyên án tử hình Trần Khánh Dư, sai quân lính
dùng roi đánh kẻ phạm tội đến chết. Nhưng vì quá yêu tài ông, vẫn lén dặn lính
chúc gậy xuống để đánh 100 gậy. Mà theo luật thời đó, quá 100 gậy sống thì trời
tha. Vậy là Trần Khánh Dư sống.
Tuy nhiên
hậu thế vẫn có thể nhìn theo một góc khác. Nếu đi tìm lịch sử, bạn sẽ biết,
Trần Khánh Dư đã quen với Thiên Thụy trước đó khá lâu rồi. Ông “Thiên tử nghĩa
nam” của vua Trần Thánh Tông, với vị trí là “hoàng tử” (dù là con nuôi). Ông tự
do đi vào cung cấm, chơi bời, và có cơ hội gặp công chúa trưởng của cha nuôi
mình là Thiên Thụy. Hai người yêu nhau từ khi ấy. Nhưng rồi, Hưng Đạo Vương lại
xin Thiên Thụy cho con trai Trần Quốc Nghiễn. Vua Trần Thánh Tông để làm đẹp
lòng Hưng Đạo Vương đã đồng ý cho Thiên Thụy về Vạn Kiếp. Có nghĩa, mối tình niên
thiếu của Thiên Thụy và Trần Khánh Dư bị đứt đoạn vì một cuộc hôn nhân chính
trị.
Trần Khánh
Dư và Thiên Thụy vẫn quan hệ với nhau khi Thiên Thụy đã về nhà chồng. Ồ, ngoại
tình thì không có gì để bào chữa nữa. Nhưng, hãy đặt vào trong hoàn cảnh của
thế kỷ XIII khi ấy. Cái cách mà Trần Khánh Dư đã làm với tình yêu bị đứt đoạn
ấy, có đáng để trầm ngâm hay không? Chúng ta đều biết trong thời đại phong
kiến, tự do con người chỉ đẩy về hàng thứ yếu, tình yêu chỉ là mộng ảo của cái
thiếu niên, khi quyết định hôn nhân đều bị hạ thấp dưới vấn đề quốc gia và dòng
tộc.
Thân phận
nhi nữ được mặc định là quân cờ trong ván bài chính trị của các phe phái, với
các cuộc hôn nhân không có tình yêu. Càng đặc biệt hơn khi đây là nhà Trần, với
đặc thù về các cuộc hôn nhân “cận huyết” để tránh vết xe đổ của Lý Chiêu Hoàng
– Trần Cảnh lặp lại, thì nữ nhân lại càng giống như một món đồ nữa. Trước Thiên
Thụy công chúa có ai? Có Lý Chiêu Hoàng, có Thuận Thiên công chúa…đều là những
phận đời long đong qua tay người đàn ông này đến người đàn ông kia để phục vụ
cho mục đích chính trị. Có nghĩa, Trần Khánh Dư đã đến với Thiên Thụy công chúa
trong hoàn cảnh bị cả xã hội nguyền rủa. Nhưng với tính cách bạo liệt của mình,
ông đã đến với Thiên Thụy cho bằng được. Trần Khánh Dư đã đi ngược với thời
đại, đạp lên những tôn ti thông thường, cười ngạo vào lễ nghĩa, để tôn vinh lên
tự do cá nhân của bản thân ông và tình yêu của ông. Trần Khánh Dư – Thiên Thụy
là ngoại tình, là thông dâm, nhưng còn là bi kịch đoạn cuối cuộc đời trong cái
lầm lỗi đi tìm tự do cá nhân.
+) Con người
Trần Khánh Dư đi sớm hơn thời đại.
Nước Việt
Nam vốn hình thành từ một nền văn minh lúa nước, nên văn hóa Việt Nam coi trọng
nông nghiệp hơn là giao thương. Sự hình thành của lịch sử với cách xếp hạng “sĩ
nông công thương” mà thương xếp cuối vẫn còn đến tận bây giờ. Nhưng Trần Khánh
Dư chính là một vị tướng đã làm thương nghiệp ngay từ khi nhà Trần chỉ mải miết
coi trọng nông nghiệp. Trần Khánh Dư khi bị xử tội sau vụ Thiên Thụy công chúa
đã chèo thuyền đi … bán than. Ông buôn bán, kiếm giá trị thặng dư. Và thậm chí
trở thành một con buôn khi làm chính trị. Khi ông được vua cho phục chức cũ,
Trần Hưng Đạo với vị trí Quốc công tiết chế, đã phong cho Trần Khánh Dư làm Phó
tướng giữ Vân Đồn. Khi Khánh Dư mới đến trấn giữ Vân Đồn, thấy tục ở đấy làm
nghề buôn bán sinh nhai, ăn uống, y phục đều trông vào khách buôn phương Bắc,
cho nên quần áo đồ dùng theo tục người Bắc. Khánh Dư liền điểm duyệt quân các
trang, hạ lệnh rằng: "Quân đóng ở Vân Đồn là để ngăn giữ giặc Hồ; nên không
đội nón của phương Bắc, trong khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma
Lôi (Ma Lôi là tên một hương ở Hồng Lô, làng này khéo nghề làm nón, nên lấy tên
làng làm tên nón) ai trái lệnh tất phải phạt". Lệnh đã hạ, sai người ngầm
bảo người ở trong rằng: "Hôm nọ thấy ở trước cảng, có người chở nón Ma Lôi
đậu". Thế là người trong trang nối gót nhau tranh mua nón, bắt đầu mua mỗi
cái nón không quá một tiền, đến sau giá cao bán một cái nón giá một tấm vải,
thu được một lượng vải đến hàng ngàn tấm.
Bạn biết mấy
cái nón đó ở đâu mà có không? Trần Khánh Dư đã sai người nhà mua nón Ma Lôi từ
trước, chở thuyền đến đậu ở trong cảng rồi. Mấy cái thuyền, cái nón Ma Lôi đó
đều là của đồng chí ấy cả. Cái câu "Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh"
(Gà chó Vân Đồn cũng đều sợ) chính từ đó mà ra. Ngoài việc nói thác kính phục
uy danh, nhưng thực ra có ý mỉa mai về vụ buôn bán này đấy.
Đây không
khéo là "Đầu cơ chính sách" của thời đại mới. Cho nên tôi luôn muốn
các bạn đừng nhìn Trần Khánh Dư theo một màu hồng.
Thế vì sao
cuối cùng, ông vẫn là người được thờ cúng, chứ không phải là “chim ưng ăn vịt”?
Bởi vì trận đánh Vân Đồn. Trận đánh có tính bước ngoặt cho chiến thắng quân
Nguyên lần thứ 3.
2. HẢI CHIẾN VÂN ĐỒN
Trận hải
chiến này diễn ra trong “Kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3” vào năm
1288. Có lẽ đa phần trong chúng ta đều được dạy rằng, chiến thắng quyết định là
nằm ở trận Bạch Đằng 1288 do Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương lãnh đạo.
Nhưng bây giờ tôi sẽ nói khác. Đó phải là hải chiến Vân Đồn. Vì sao? Trận chiến
Bạch Đằng 1288 và Trận chiến Bạch Đằng 938 tuy đều dùng chung 1 phương pháp là
đóng cọc nhọn khiến vỡ tan thuyền giặc, đưa dòng sông này trở thành huyền
thoại. Nhưng đã có một sự khác biệt rất cơ bản mà nhiều người không để ý.
- Trận chiến
năm 938 là Ngô Quyền chặn đánh thế tấn công của giặc phương Bắc đang đánh thẳng
vào Đại La.
- Trận chiến năm 1288 là Trần Hưng Đạo tiêu diệt đoàn thuyền của giặc phương Bắc … đang rút chạy.
- Trận chiến năm 1288 là Trần Hưng Đạo tiêu diệt đoàn thuyền của giặc phương Bắc … đang rút chạy.
Đấy. Vấn đề
là ở chỗ đó đấy! Một bên là phòng thủ còn bên kia là rút chạy. Câu hỏi đặt ra,
vì sao quân Nguyên lại rút chạy để rồi rơi vào bẫy của Hưng Đạo Đại Vương?
Câu trả lời:
vì Trần Khánh Dư đã đánh tan thuyền lương của Trương Văn Hổ ở trận hải chiến
Vân Đồn !
Vậy thì trận
đánh nào có tính bước ngoặt hơn? Chính là trận hải chiến Vân Đồn.
Nếu không có
trận Vân Đồn, sẽ không có trận Bạch Đằng. Nói nôm na, nếu ví Đại Việt và Đại
Nguyên là hai đối thủ trên sàn boxing, thì trận Vân Đồn là cú móc trái khiến
quân Nguyên Mông tối tăm mặt mày, còn trận Bạch Đằng là cú móc hàm khiến quân
Nguyên Mông đổ gục toàn bộ. Đấy, bạn đã hiểu vì sao hải chiến Vân Đồn và cái
tên Trần Khánh Dư sống mãi với non sông rồi đó! Kháng chiến chống quân Nguyên
Mông lần thứ 3, ông là nhân vật chính. Xưa giờ, chúng ta đều xếp các trận hải
chiến của Việt Nam thì Bạch Đằng, Rạch Gầm Xoài Mút, hay Thi Nại … đều được xếp
hàng đầu, ít nhiều đã quên đi trận hải chiến Vân Đồn này. Do vậy, các bạn phải
nhớ giá trị của chiến thắng đó. Có 1 giá trị nhỏ: đây là trận đánh trên biển,
còn đa phần chúng ta hay đánh trên sông thời phong kiến.
Bây giờ, tôi
sẽ sử dụng 3 tài liệu ở 3 cuốn chính sử được ghi lại. Và từ 3 tài liệu này, tôi
sẽ đi đến suy luận cho các bạn về cách Khánh Dư dụng binh. Lịch sử là tư duy,
không có học thuộc !
- Đại Việt
sử ký toàn thư chép: “Ngày 30/12/1287, thủy quân Nguyên do Ô Mã Nhi gồm 650
chiến thuyền đánh vào Vân Đồn. Trần Khánh Dư chỉ có 100 chiến thuyền nên không
chống đỡ nổi địch, thất bại nhanh chóng. Tin đến tai triều đình, vua Trần sai
trung sứ xiềng Khánh Dư giải về kinh. Khánh Dư nói: "Lấy quân pháp mà xử,
tôi cam chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày để mưu lập công rồi về chịu tội
búa rìu cũng chưa muộn". Vua Trần thấy được sự tự tin của Trần Khánh Dư,
nên đã đồng ý cho Trần Khánh Dư lập công chuộc tội. Vì lợi dụng được bọn nội
gián, nên ông biết được con đường tải lương của giặc. Ông lập tức thu thập tàn
binh đợi chúng. Chẳng bao lâu thuyền vận tải quả nhiên đến, Khánh Dư đánh bại
chúng, bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng
rất nhiều...”.
- Khâm Định
Việt sử thông giám Cương Mục thì chép: “Khánh Dư đoán chắc thuyền của giặc đã
đi qua rồi, thì thuyền tải lương tất đi theo sau, liền thu thập tàn quân, sẵn
sàng chờ đợi. Một lát sau, quả nhiên thuyền tải lương của Văn Hổ đến, Khánh Dư
đón đánh, quân Nguyên bị thua to...”.
- Việt Nam
Sử Lược của Trần Trọng Kim viết: “Ô Mã Nhi đem thuyền đi đến ải Vân Đồn gặp
quân của Trần Khánh Dư chặn đường không cho đi. Ô Mã Nhi thúc quân đánh rát một
trận, quân Khánh Dư thua bỏ chạy cả. Quân Nguyên kéo thẳng ra bể đi đón thuyền
lương...Được mấy hôm Ô Mã Nhi ra bể gặp thuyền lương của Trương Văn Hổ, lại đem
quân trở vào đi trước dẹp đường, Trương Văn Hổ đem thuyền lương theo vào sau...
Trương Văn Hổ tải các thuyền lương vào cửa bể Lục Thủy Dương. Khánh Dư đổ quân
ra đánh, Văn Hổ địch không nổi, bao nhiêu thuyền lương bị quân Khánh Dư phá
cướp mất cả, và bắt được khí giới rất nhiều...”.
Rồi, cơ bản
là các bạn nắm ý như thế. Diễn biến trong chính sử cũng chỉ chép đến thế. Trần
Khánh Dư thua Ô Mã Nhi và thắng Trương Văn Hổ.
Vấn đề là,
mọi thứ có đơn giản như vậy không?
Hãy quay lại
tính cách của Trần Khánh Dư mà tôi đã viết ở phần 1: "Tướng là chim ưng,
dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?". Đi sâu vào
cuộc đời của Trần Khánh Dư, bạn có thể thấy, ông ta sẵn sàng “lợi dụng chức vụ
và quyền hạn để trục lợi” trên chính người lính của mình, điển hình là chuyện
nón Ma Lôi. Do đó, từ lời nói và hành động mà suy thì Trần Khánh Dư là người
sẵn sàng nướng quân vì mục đích cao hơn. Vị “Thiên tử nghĩa nam” này khác kiểu
của Trần Hưng Đạo – là người đặt lòng nhân cao hơn. Trần Khánh Dư rất thô bạo,
Đại Việt sử ký toàn thư thì dùng từ là “thô bỉ, tham lam”.
Đó là cái lưu ý thứ nhất: tính cách Trần Khánh Dư với lính dưới quyền.
Đó là cái lưu ý thứ nhất: tính cách Trần Khánh Dư với lính dưới quyền.
Lưu ý thứ
hai là gì? Trần Khánh Dư là một con buôn. Mà đã là con buôn thì luôn cân nhắc
về “lỗ” hay “lãi”. Ông rất giỏi nghề kinh thương, khác với các vị tướng cùng
thời đại, Trần Khánh Dư bán than, bán mũ…kiếm giá trị thặng dư. Đặc thù suy
nghĩ con buôn đó là: sẵn sàng "lỗ đầu” để "lời đuôi ”.
Lưu ý thứ ba
là gì? Tài năng cầm quân ra trận của Trần Khánh Dư. Trên lời đề tựa đầu cuốn
“Vạn kiếp bí truyền thư”, cuốn sách bày binh bố trận của Trần Hưng Đạo, có một
câu: “Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận. Người giỏi bày trận thì không
cần phải đánh. Người giỏi đánh thì không thua. Người giỏi thua thì không chết”.
Nghe như một câu nào đó trong Binh Pháp Tôn Tử, nghe như lời của Tào Tháo, của
Khổng Minh … trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Tưởng rằng chỉ có ở Trung Quốc, ở các
pho sử của Trung Quốc. Không, đấy là câu nói tuyệt hay của Trần Khánh Dư. Ngẫm
đi ngẫm lại, chỉ có thể dành cho hai từ tuyệt diệu. Những chữ này, đáng để lưu
danh thiên cổ, để người Việt có thể nói chuyện và comment với nhau, chứ nào
phải rơi rớt ở đâu đó, và giờ ta phải đi nhặt lại, nhắc cho nhau cùng nhớ.
Và ta hãy
lưu ý vào câu chốt “Người giỏi thua thì không chết” . Trần Khánh Dư là người
biết … cách thua. Vậy câu hỏi đặt ra, Trần Khánh Dư có thật sự thua Ô Mã Nhi
như chính sử đã chép? Hay là ông cố tình thua? Trần Khánh Dư là tướng tài. Mà
đã là tướng tài, thì nào lại không hiểu cái bản chất cốt lõi của quân Nguyên
Mông, đấy là vấn đề lương thực. Tôi xin dừng tạm chỗ này, để trích lại khúc ca
số 7 trong cuốn sách “Sử Việt - 12 khúc tráng ca” của tôi ngõ hầu giúp các bạn
đi tiếp chuỗi suy luận này:
“Để miêu tả
về sức mạnh quân Mông Cổ, một nhà sử học thời Tống bên Trung Quốc đã viết:
“Hoặc xa hoặc gần, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc hợp lại hoặc tản ra, hoặc ẩn hoặc
hiện, đến thì như trên trời rơi xuống, đi thì nhanh như chớp giật. Kẻ địch chia
ra thì họ chia ra, kẻ địch hợp lại thì họ hợp lại. Họ mà thắng thì đuổi theo
quân địch chém giết, không để trốn thoát. Họ mà thua thì chạy rất nhanh, đuổi
theo không kịp.” Đoạn miêu tả ấn tượng ấy giúp ta thấy sức mạnh khủng khiếp của
binh đoàn này, nhưng đây là điểm mạnh mà cũng là điểm yếu của quân lính Mông
Cổ. Chính vì sống trên lưng ngựa, đánh thắng trên lưng ngựa nên ngựa trở thành
điểm chính yếu cho sự tồn tại của kỵ binh. Tốc độ hành quân quá nhanh dẫn đến
lương thảo thường không theo kịp, quân sĩ bởi vậy thường mang theo lượng lương
thảo tinh giảm và gọn nhẹ nhất, chủ yếu sẽ là “tự cung tự cấp”, chém giết các
điểm đến để lấy thức ăn cho người và ngựa. Sinh thời, Thành Cát Tư Hãn cũng đã
từng nói: “Phải chinh phạt kẻ thù, phải bắt kịp kẻ thù, phải cướp bóc tài sản
của bọn chúng…” Nhưng nếu không có gì để mà cướp thì sao? “Vườn không nhà
trống” của Đại Việt chính là lời hồi đáp cho câu hỏi đó. Việc này khiến quân
thiết kỵ Mông Cổ chưng hửng. Cướp phá chẳng được gì, lương thực thì cạn kiệt.
Đến một thời điểm nhất định, chỉ cần dùng đại quân đã được ém kỹ, lấy sức nhàn
đánh quân mệt, nổ một phát sấm sét là coi như thành công.”
Có nghĩa,
điểm mạnh của quân Nguyên Mông là tốc độ, còn điểm yếu là lương thực. Vì vậy
nên Trần Thủ Độ và Trần Hưng Đạo đã áp dụng chiến lược "vườn không nhà
trống” mà thắng lợi ở lần 1 và lần 2. Thua lần 1 và lần 2 cùng một lý do, thì
cớ gì quân Nguyên Mông không biết rút kinh nghiệm trong lần đánh Đại Việt thứ 3
(minh chứng ở chuyện, Thoát Hoan đã cho đoàn thuyền chở nhiều lương thực sang
hỗ trợ). Nếu quân Nguyên Mông biết rút kinh nghiệm, thì cớ gì Trần Khánh Dư lại
không biết mà tấn công vào đó? Tức là Trần Khánh Dư đánh Trương Văn Hổ (người
chở lương) là chính, chứ đâu phải đánh Ô Mã Nhi (người chở lính) là chính? Bởi
thử tưởng tượng cái cảnh Thoát Hoan có lương thực ở Thăng Long. Đại Việt chỉ có
gục ! Nếu không biết cái cốt lõi đó, thì Trần Khánh Dư đâu phải là tướng tài?
Và nếu như trong chính sử viết Trần Khánh Dư thua là thua, sau đó bị ép mà
thắng. Vậy e rằng đó chỉ là miêu tả một người “khốn cùng liều thân” để chuộc
tội, chứ không phải miêu tả tướng tài rồi ! Tuy nhiên chính sử đã cài cắm một ý
rất tuyệt ở đây “Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất hai, ba
ngày, để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn“. Thường thì quan
niệm cũ “quân xử thần tử thần bất tử bất trung”. Nhưng tại sao Trần Khánh Dư
lại có thể điều đình được như vậy? Và còn nữa, vì sao vị trung sứ đưa lệnh
triệu hồi về triều của Thượng hoàng Thánh Tông lại có thể im lặng và đồng ý?
“Thiên tử nghĩa nam” làm gì mà to hơn “Thiên tử”?
Có nghĩa tất
cả quan quân nhà Trần đều tin có bước thứ 2 trong kế hoạch đó.
Nhắc lại 3 lưu ý:
Nhắc lại 3 lưu ý:
1/ Trần
Khánh Dư là một đại tướng không xót mạng binh lính.
2/ Trần Khánh Dư là con buôn, mà con buôn thì chẳng bao giờ đi buôn lỗ vốn.
3/ Trần Khánh Dư là tướng tài.
2/ Trần Khánh Dư là con buôn, mà con buôn thì chẳng bao giờ đi buôn lỗ vốn.
3/ Trần Khánh Dư là tướng tài.
Kết hợp cả 3
yếu tố này lại, ta có gì đây? Trần Khánh Dư đã “nướng quân” lần 1 với Ô Mã Nhi,
tất cả để dồn chủ lực mà tiêu diệt Trương Văn Hổ.
3. HẢI CHIẾN VÂN ĐỒN THẬT SỰ SẼ RA SAO?
Theo tư duy và
góc nhìn của tôi, trận chiến đó phải diễn ra như thế này:
Thủy quân
Nguyên do Ô Mã Nhi gồm 650 chiến thuyền đánh vào Vân Đồn, dọn đường cho đoàn
thuyền chở lương của Trương Văn Hổ vào Đại Việt. Trần Khánh Dư sai 100 chiến
thuyền với đa số quân già yếu ra cự địch, thất bại nhanh chóng. Quân Đại Việt
thiệt hại nặng, chết rất nhiều, binh sĩ tử trận. Ô Mã Nhi thắng trận lớn, ông
ta tin rằng chủ lực phòng ngự Đại Việt đã tan tành. Ô Mã Nhi theo thói quen,
liền hành quân thần tốc, tiến nhanh vào Đại Việt để lập công đầu. Vị tướng nhà
Nguyên sau khi thắng Trần Khánh Dư đã mang niềm tin rằng con đường chở lương đã
được ông ta dọn dẹp thông thoáng, và Trương Văn Hổ sẽ thoải mái đi vào mà chẳng
ai ngăn trở, qua đó sẽ cung cấp lương thực cho Thoát Hoan tại Thăng Long, tránh
tình trạng đói khổ, bệnh tật như những lần trước. Nhưng Ô Mã Nhi không ngờ
rằng, Trần Khánh Dư đã nướng quân của mình trong đợt đầu (đấy là "bỏ
vốn" làm ăn) để khiến Ô Mã Nhi nhầm tưởng rằng ông ta đã thắng hết quân
Đại Việt. Thực tế, quân chủ lực của Trần Khánh Dư chưa ra trận, mà đã được ém
sẵn xung quanh biển Vân Đồn để đánh vào mục tiêu chính, cái mục tiêu đã giúp
Đại Việt giữ được bờ cõi suốt hai lần xâm lăng trước: LƯƠNG THỰC (đấy là
"lãi").
Cùng thời
điểm, Trương Văn Hổ nhận được tin tình báo từ Ô Mã Nhi về chiến thắng, và con
đường thông thoáng đã được mở ra, liền thong thả hành quân vào Vân Đồn như chốn
không người, chẳng ai phòng thủ. Mà không biết rằng, ông ta đang hành quân vào
cõi chết. Khi quân Trương Văn Hổ đi vào trận địa phục kích, Trần Khánh Dư liền
phất cờ cho quân chủ lực 4 mặt ào ra đánh. Hãy tưởng tượng tình cảnh Trương Văn
Hổ khi đó. Thuyền lương thì chậm chạp, hành quân thì sơ sài, phòng bị thì không
có. Sự bất ngờ, không phòng bị, cùng vấn đề của quân yếu đánh với quân mạnh, Trương
Văn Hổ chỉ có bại, tuyệt không có thắng. Khi ông ta đã đối diện với quân chủ
lực chính thức của Trần Khánh Dư giờ mới ra trận. Còn quân chủ lực của quân
Nguyên thì đã theo Ô Mã Nhi đi vào sâu trong nội địa Đại Việt (vì tưởng đã
thắng) rồi.
Đấy, chính
là toàn cảnh của trận chiến Vân Đồn.
Ở đây Trần
Khánh Dư đã thắng ở chiến lược lớn là “rút củi đáy nổi”, tức đánh vào trọng tâm
của giặc là lương thực, còn thực hiện mưu kế “vứt gạch lấy vàng”.
Lúc này ở
đất liền, Thoát Hoan một mình trong Thăng Long không có lương thực. Quân lính
đói rét, bệnh tật, thủy thổ không hợp. Cùng thời điểm, Trần Hưng Đạo tấn công
lại các vùng bị chiếm, Thoát Hoan lại phải rút chạy. Nói không ngoa, một trận
Vân Đồn, đã khiến gió đổi chiều trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ
3.
4. CÂU CHUYỆN CUỐI ĐỜI
Để tưởng nhớ
và ghi nhận công lao to lớn của Trần Khánh Dư. Ở đảo Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng
Ninh), người dân lập đền thờ Trần Khánh Dư, họ tôn ông làm Thành hoàng và thờ
tự tại đình Quan Lạn. Hàng năm, người dân trong vùng tổ chức lễ hội Quan Lạn
vào trung tuần tháng 6 âm lịch để tưởng nhớ công lao của ông, cùng các tướng sĩ
đã làm nên trận hải chiến oanh liệt. Ngoài đền ông, còn có đền thờ 3 vị tướng
họ Phạm - phó tướng của Trần Khánh Dư trong trận hải chiến Vân Đồn, đấy là Phạm
Công Chính, Phạm Quý Công và Phạm Thuần Dụng. Những người đã hy sinh anh dũng
trong trận đánh này. Đã phục kế nấp thuyền trong sương mù để tiêu diệt đoàn
quân của Trương Văn Hổ. Ảnh minh họa chính là Tượng Trần Khánh Dư trong đền đảo
Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh)
Vân Đồn cũng
như Phú Quốc, được chính phủ cơ cấu thành “đặc khu kinh tế”, khi ấy chắc chắn
lượng khách thập phương sẽ đổ đến nhiều, các bạn - những người đang đọc bài
viết này, rồi cũng sẽ có cơ hội đến đó. Nếu có dịp ghé thăm Vân Đồn, các bạn
nhớ thắp hương cho vị tướng tài Trần Khánh Dư. Người mà 700 năm trước, đã tạo
bước ngoặt quan trọng cho chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3, và giữ nên bờ
cõi Đại Việt còn mãi đến hôm nay.
Năm 1323,
tức 35 năm sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3. Trần Khánh Dư xin về trí
sĩ. Ở những năm cuối đời, ông đã góp phần khai khẩn nên hai xã Yên Nhân và Yên
Đồng, của huyện Ý Yên (Nam Định) ngày nay. Tạo nên đóng góp lớn nhất của ông
trong thời bình.
Lời kết:
Năm 1340,
Trần Khánh Dư mất. Khép lại chặng đời của một vị tướng thật đặc biệt trong lịch
sử thời đại phong kiến của Việt Nam. Một vị tướng trên tầm thời đại về kinh
doanh, về tự do con người. Ông đã sống bằng cái chất ngạo nghễ ít ai bằng, đạp
trên thói đời của thiên hạ ít. Ông phá đảo những tàn tích cũ kỹ. Chuyện mình,
mình làm, không quan tâm đến những gì sau lưng. Cuộc đời ông có sai, có đúng,
có bi kịch, có vinh quang, nhưng ông đã không hổ thẹn một kiếp người. Khi khép
lại tất cả, ông là vị tướng đã tạo nên công tích còn mãi đến ngàn thu, nhưng cũng
đã để lại một câu nói và hành động tàn bạo với người dưới quyền, cùng kiểu đánh
"nhất tướng công thành vạn cốt khô" .
(DŨNG PHAN)
Mọi liên hệ với tác giả Dũng Phan
https://www.facebook.com/dung.phan.77
https://www.facebook.com/dung.phan.77
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét