Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

Tâm sự của FB Michael Le : Phan Thị …


PHAN THỊ...
Trân trọng giữ tên cô ấy trong tim, không dám nói trọn ra. Tôi nhẩm tính lại, nhớ ra năm đó mình đã 24, 25 rồi mà vẫn như đứa con nít to xác, chẳng hiểu chút gì về nữ giới. Cô ấy mới 18. Cả một duyên gặp gỡ bất ngờ cho đời tôi. Bất ngờ đầu tiên, cô ấy sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, tức là... "bên thắng cuộc".
Bất ngờ thứ hai: cô ấy bị bệnh tâm thần. Bố mẹ cô lặn lội đem cô vào Nam tìm thầy tìm thuốc. Tôi lúc ấy cũng mon men học ngành tâm lý tâm lọt, tâm thần tâm thiếc, được giao nhiệm vụ chở cô ấy đi lòng vòng Sài Gòn hàng ngày... 'như một bạn trai'. Đó có lẽ là cách giúp cô thoát khỏi lớp tường thành tâm bệnh kiên cố giam hãm cô bao nhiêu năm.
Cô được ra ngoài trời ngắm phố sá lạ lẫm đông đúc, được có người 'bạn khác giới' kiên nhẫn lắng nghe cô tíu tít tâm tình những chuyện không đầu không đuôi, nhẹ nhàng tế nhị săn sóc cô, mời cô ăn bữa trưa và... nhắc cô uống thuốc. Và, kể cả để cô ngả vào lòng chợp mắt ngủ một lát giữa công viên cỏ xanh chung quanh rải rác những cặp nhân tình...  
Bố cô là bộ đội. Mẹ cô cũng là cán bộ. Hai người có hộ khẩu Hà Nội. Tôi không rõ lắm nhưng biết rằng nếu sau "ngày đại thắng", hai người tiếp tục công tác thì chắc đã 'làm lớn' rồi, như một số người bà con hay đồng đội thân cận đã chuyển vào Nam và giữ những chức vụ cao cấp gì đó trong 'TpHCM'.
Nhưng cô con gái yêu duy nhất phát bệnh tâm thần, hai ông bà đã bỏ tất cả. Bỏ hết. Bỏ hết. Đau đớn vì thương con. Ở nhà tìm mọi cách chữa chạy cho con. Bơ phờ mệt mỏi đưa con vào Nam một lần như lối thoát cuối, để may ra... 
Gần đến ngày phải trở về Bắc, bỗng hai bác ngỏ lời làm tôi giật nẩy mình. Hai bác mời tôi đến dùng cơm. Bữa cơm chăm chút do chính bác gái đi chợ và nấu nướng. Bác trai ân cần gắp thức ăn cho tôi. Vừa tiếp đãi thân thiết xem tôi như con trong nhà, lại vừa có gì đó trịnh trọng như đón khách.
Lần đầu tiên tôi thấy cô bé thẹn thùng phụ bố mẹ dọn bàn ăn. Khuôn mặt lơ ngơ thường ngày của người tâm bệnh hôm ấy như ửng hồng, e thẹn, bẽn lẽn. Cô "mời anh dùng cơm với bố mẹ, em phải uống thuốc và vào ngủ trưa sớm". Tôi luống cuống không biết xử sự làm sao.
Tôi hiểu là hai bác rất khó mở lời. Bằng tất cả sự lịch duyệt 'rất Hà Nội' của hai người mà tôi biết là trí thức, cân nhắc từng lời, vừa rất thương yêu vừa rất đau đớn, hai bác nói với tôi. Lúc bác trai ngập ngừng thì bác gái đỡ lời. Lúc bác gái nghẹn ngào không nói tiếp được thì bác trai lại tìm lời nói đỡ... Tôi chẳng thể nhớ hết lời của hai bác, nhưng tôi chợt hiểu và bàng hoàng, vừa xúc động vừa lúng túng.
"Hai bác cảm động vì thấy con thực lòng thương và tốt với con gái hai bác. Nó cũng rất thương con, con à. Con là cậu trai đầu tiên hai bác thấy nó thương nhớ, nó nghe lời, nó nhắc hoài, nó nôn nao chờ mỗi khi tới ngày hẹn con đến..."
"Bác từng là sĩ quan quân đội miền Bắc. Bác biết cụ thân sinh của con là sĩ quan miền Nam. Nếu con không thấy trở ngại gì, hai bác xin đến nhà chào thăm bố mẹ con..."
"Con hãy hiểu cho hai bác. Hai bác không dám có ý gì xa xôi, nhưng nếu con thương con gái hai bác mà đi cùng gia đình bác về thăm miền Bắc một chuyến, hai bác rất biết ơn con. Chuyến tàu từ Bắc vào Nam, hai bác rất khốn khổ mỗi khi con gái lên cơn, đến nỗi hai bác tưởng đã không thể đến nơi..." (tôi nghe có lần cô bé định nhảy xuống khi tàu đang chạy). 
... Ôi, tôi sợ stt quá dài. Tôi chỉ muốn kể qua một chút như thế, tâm tình với bà con về một duyên gặp gỡ thân tình, cảm động, và khá đau lòng nữa, giữa "bên thắng cuộc" và "bên thua cuộc". 
Tôi có đưa cô bé về nhà mấy lần. Giọng nói líu lo của cô bé miền Bắc làm cả bố mẹ và anh em nhà tôi ngạc nhiên và đầy thiện cảm. Sự hồn nhiên của cô làm bố mẹ tôi cảm động. Cô tíu tít giúp mẹ tôi làm bếp. Cô nói nhỏ vào tai mẹ tôi gì đó, mẹ tôi lật đật dắt cô tới nhà vệ sinh, và... trời ạ, mẹ tôi đi lấy cho cô băng vệ sinh, chỉ cô cách dùng... 
Rồi bỗng cô ôm lấy hai bên thái dương nói bác ơi sao con thấy nhức đầu, bác cho con nằm nghỉ tí. Thế là cô tọt luôn lên chiếc divan ở phòng khách, nằm ngủ một giấc ngon lành. Mẹ tôi đi tìm cái quạt máy để cạnh cô ấy, rồi ngồi đó trìu mến ngắm cô... Nếu có thể ôm cô bé mà vỗ về được, tôi nghĩ mẹ tôi đã làm rồi. 
Tôi về thưa với bố mẹ lời mời của bố mẹ cô ấy. Mẹ tôi lúng túng. Bố tôi nói nếu con thấy có thể giúp gia đình cô bé được thì cứ đi, làm trai cũng nên đi đó đi đây cho biết. Và nếu con có lập gia đình và 'làm rể' ở miền Bắc, thì ba mạ cũng không thấy có trở ngại gì...
Ôi, duyên chúng tôi không thành! Tôi rất thuơng cô ấy, như một người em gái, như ruột thịt. Nhưng tôi chưa biết yêu. Tôi xốn xang khi phải nói lời từ tạ. Đây là một trong những lần khó khăn nhất trong đời khi tôi phải từ chối một lời yêu cầu tha thiết. Âu là số phận. 
Nhưng điều ý nghĩa nhất đọng lại trong tôi là... Ôi, chiến tranh có nghĩa gì đâu! Bên thắng bên thua có nghĩa gì đâu! Cuộc phân ly Bắc-Nam, Quốc-Cộng... có nghĩa gì đâu! Tất cả cùng phận con người, đáng thương, tội nghiệp. Hơn nữa, tất cả cùng phận máu đỏ da vàng, cùng nói tiếng Việt, cùng mang tâm tình Việt, cùng... "khóc cười theo mệnh nước nổi trôi"...
Tâm sự của Facebooker Michael Le
………………….
ĐIÊN ?
Internet và FB thật là kỳ diệu! Chỉ sau một ngày, tôi đã nhận được tin tức về cô thiếu nữ Phan Thị... của hơn 30 năm trước! Tôi cũng đã tìm đọc được tiểu sử và sự nghiệp của thân phụ cô. Thì ra tôi đã biết quá ít về cụ. Cụ quả là một trí thức tâm huyết, rất có lòng với quê hương. Và, cũng như số phận của nhiều vị trí thức như thế ở miền Bắc, cụ phải... đi tù!
Hai cụ đều đã qua đời. Và Phan Thị... cô ấy cũng đã qua đời! Sáng giờ, từ khi biết tin, tôi không ngăn được nước mắt sao cứ chảy hoài chảy mãi!
Giờ tôi đã có thể cúi đầu, quỳ xuống mà cám ơn hai cụ đã dành cho tôi tình thương như thương một đứa con. Và cám ơn cô thiếu nữ 18 đã từng dành cho tôi tình yêu trong sáng, hồn nhiên như thiên thần! 
Tôi có thể rồi, vì hai cụ và cô em năm xưa giờ đã không còn lệ thuộc không gian thời gian nữa, đã là một phần của vĩnh cửu! Một bạn trẻ Công giáo đọc stt trước của tôi, còm rằng "chú đừng buồn nữa, hai cụ và cô ấy chắc chắn đang ở trên Thiên Đàng"! Vâng, đúng vậy! 
Cái ơn lớn quá, dù cuộc gặp gỡ và kỷ niệm rất ngắn ngủi. Bài học lớn quá cho tôi dù lúc đó tôi không hiểu. Tôi được gặp tận mặt, thấy tận mắt, nghe tận tai, đôi vợ chồng như hiện thân của biết bao nhiêu chịu đựng thống khổ, nhưng là chịu đựng bằng con tim mở rộng, nhân từ và vô cùng dũng cảm! 
Hai cuộc đời nhiều khổ đau, nhưng vẫn có khả năng từ ái mà mở lòng ra yêu thương người khác trong khiêm cung, hiền hậu, chân thành! Tôi rất vui khi biết được rằng con cháu của hai cụ rất kính yêu và hiếu thảo ông bà mình! Tôi đã được phúc được hai cụ thương yêu.
Và em, Phan Thị... , em gái rất yêu dấu ơi. Ai trong số người Việt, ít là thế hệ chúng mình và cha mẹ mình, mà không điên, cách này cách khác? Không điên sao được khi sinh ra làm người con đất Việt quá nhiều khổ đau thế này?... Mà nói chung, làm người, mọi nơi, mọi thời, ai cũng điên cả. Vì phận người khổ đau quá, mong manh quá, dang dở quá!
"Mai sau một buổi tà dương
Thấy mùi lam quyện ngùi thương phận người"   
Nhưng vẻ trong sáng hồn nhiên vô tư lự của em như là dấu hiệu của một Sự Thật diệu kỳ nào đó lóe lên trong cuộc đời vô vàn bi kịch này! Anh thấy rõ điều đó lắm nơi ba mạ của anh. Ba anh đi 'tù cải tạo' cả chục năm mới về. Mạ anh từng nấy năm cô đơn vất vả nuôi một bầy con trong bầu khí xã hội nghẹt thở. Anh thấy rõ là hai người dịu lòng hẳn xuống khi đón em đến thăm nhà. Cảm thấy vui, vui vì sự tinh khôi trong trắng như tâm hồn loài người đơn sơ bỡ ngỡ trong Vườn Địa Đàng đầy tình thương và ân phúc.
Em cũng đã dạy anh sự cung kính chiêm ngưỡng tâm hồn mầu nhiệm của mỗi người. Từ đó đến nay, anh đã trải qua nhiều khổ đau ngang trái. Anh biết em cũng vậy. Và anh biết đời người ai cũng phải vậy. Nhưng căn bệnh của em và sự hồn nhiên tinh khiết lạ lùng của em đã dạy anh rằng: tự trong sâu thẳm mỗi tâm hồn con người chúng ta, ánh linh quang của Tuyệt Đối Tròn Đầy vẫn có đó, vẫn có đó, trong bất cứ ai. Không mất đi đâu được!
(Tôi già rồi. Tôi chẳng thiết viết gì cho mình nữa, nhiều lúc chỉ muốn lặng im. Nhưng có gì đó lại thúc đẩy tôi cứ chia sẻ, dù những điều mình viết ra chắc nó kỳ dị, không giống ai.
Nhưng, có lẽ những gì tưởng là riêng tư sâu kín nhất, té ra lại là những gì phổ quát nhất của phận người. Cứ viết ra đi, để chúng ta động mối đồng cảm, và chợt nhận ra nơi mình: Mình cũng điên! Ai cũng điên! Nhưng... kiếp làm người dù khổ đau vẫn thật là kỳ diệu! Và mọi người quanh mình thật đáng yêu đáng kính trọng biết bao!)
Tâm sự của Facebooker Michael Le

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét