Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Tâm sự của FB Michael Le : XUẤT CHÚNG (13-14) tiếp theo…hết


Tác giả : FB Michael Le (Lê Hồng Hà)
XUẤT CHÚNG (13)
Buổi tối đó ở Đà Lạt, ngồi nói chuyện với chị mà có cảm tưởng như chúng tôi đang ở ngày cuối của một... đợt tĩnh tâm! 
Tĩnh tâm đối với người Công giáo, tôi mạo muội định nghĩa ngắn gọn, là một đợt tạm lánh khỏi những bận tâm toan tính thường ngày (kể cả tạm rời khỏi khung cảnh sống thường nhật), để nhìn lại toàn bộ cuộc đời mình, dưới cái nhìn tâm linh. Khó tĩnh tâm một mình lắm. Thường thì người ta cần bạn đồng hành. Có một bậc thầy hướng dẫn thì quá tốt, nhưng dù là 'thầy', người đó có mặt không phải là để 'giảng dạy' cho bằng là để trở thành một người bạn, lắng nghe và đồng hành - một người bạn tâm linh. 
Tôi nói vậy, vì chị đang chia sẻ những cảm nghiệm và thao thức tâm linh của chị. Chị làm tôi rất ngạc nhiên. Một người đang mắc bệnh tâm thần - tâm thần phân liệt - lại có thể có một đời sống tâm linh sâu sắc và cảm động đến thế!
Tôi có quyền kể ra chi tiết không nhỉ? Ngay khi gõ những dòng này, tôi vẫn còn thấy áy náy. Chỉ có thể nói rằng tôi rất xúc động, vì có lẽ chính nhờ thân phận bệnh tật của mình mà lòng trắc ẩn của chị lại càng bừng cháy. Chị cảm thông sâu xa và rất thương những người nghèo khổ mà chị gặp. 
Tất nhiên trong tình cảnh như vậy, chồng chị phải giữ hết tay hòm chìa khóa gia đình. Anh 'phát tiền chợ' hàng ngày cho chị và còn phải trông chừng xem chị chi tiêu làm sao, không phải vì tiếc tiền hay tiết kiệm mà vì muốn theo dõi bệnh tình của chị. Mặt khác, anh cứ canh cánh lo, nếu chị lộ ra những biểu hiện tâm thần thì rất phiền, có thể mất chỗ trọ như chơi vì các chủ nhà không ai muốn chứa một người bệnh như thế.
Nhưng chị thì quá... 'bất bình thường'! Dọn đến ở đâu, chị cũng tìm ra ít là một người nghèo khổ bệnh tật ở đầu đường xó chợ, nhất là người già, và chị tận tình yêu thương chăm sóc họ, một cách... một cách mà trong xã hội này, e người ta sẽ nghĩ "chỉ có điên mới làm thế"!
Từ khi anh chị ra riêng, tôi có đến thăm và thỉnh thoảng ở lại dùng cơm với anh chị. Chị lo cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp trong nhà, chăm sóc con... tất cả đều rất chu đáo và cẩn thận. Chị nấu ăn ngon và khéo lắm. Chị luôn ngồi bên chồng con vào giờ cơm dù chị chỉ ăn cầm chừng chút chút, bời giờ ăn của chị còn tùy thuộc vào giờ uống thuốc. 
Nhưng chồng chị không ngờ, và tôi cũng không ngờ, chị nhịn bớt phần ăn của mình để nhường cho người nghèo! Có lần tôi đến thăm mà chồng chị chưa về, bắt gặp chị bưng một mâm cơm sạch sẽ đàng hoàng từ phòng trọ trên lầu chung cư xuống gầm cầu thang tầng trệt, nơi chị hẹn hàng ngày một bà cụ ăn xin neo đơn ngoài chợ. Chị ngồi đó, quạt cho cụ ăn, săn sóc y như săn sóc mẹ già của mình! Ôi... đúng là chị 'điên' rồi!
Chị kể tôi nghe những chuyện như vậy. Chị áy náy hỏi tôi chị có làm sai điều gì không? Chị rất thương sự vất vả khó nhọc của chồng, đâu dễ kiếm tiền ở đất Sài Gòn đắt đỏ, nhưng chị nói chị cầm lòng không được! Tôi trả lời làm sao bây giờ? Ôi chao! 'Điên' như chị thì quả là... xuất chúng! Trong lịch sử giáo hội từng có những vị thánh 'điên' rất nặng kiểu đó. Thánh Phanxicô, thánh Martinô da đen chẳng hạn. Hay ngay thời chúng tôi, Mẹ Têrêsa Calcutta cũng quá xá là điên!
Rồi chị kể tôi nghe câu chuyện thời thơ ấu của chị. Một lỗi lầm trẻ con làm chị cứ ân hận hối tiếc mãi. Chị muốn sống ngay lành và trong sạch để... "không làm Chúa buồn"! Chị nói giờ chị đón nhận căn bệnh của mình, chị biết nó sẽ kéo dài cả đời và chị "vâng theo ý Chúa". Không 'cãi' nữa! Không trách không buồn nữa! Chị chỉ cầu xin Chúa gìn giữ để không làm gì sai trái tội lỗi, và không trở thành gánh quá nặng cho ai...
"Anh Hà. Thỉnh thoảng em cũng đến nhà thờ xưng tội, nhưng hôm nay được nói hết với anh, được nghe anh khuyên như thế, em thấy nhẹ lòng lắm!".    
Ôi chao! Tôi nào dám khuyên chị điều gì? Chị thánh thiện hơn tôi nhiều! Tôi đã cảm thấy có luồng điện chạy khắp người và tôi đã... tự nhiên nổi cơn lên mà 'giảng đạo'. 
Tôi nói: Ôi, Chúa thương chị quá chừng! Tôi chỉ đứa con bé nhỏ ngủ trong tay chị và nói: "Nó có nhức răng hay đau bụng, hay lúc bị cơn sốt vỡ da, hay những lúc đái dầm ỉa đùn... chị là mẹ, có bao giờ chị trách nó đâu. Lúc nó càng yếu đuối bệnh tật chị càng thương hơn, phải không? Dù mình có tội lỗi đến đâu thì tội mình cũng chỉ như hạt bụi, còn lòng Chúa thương thì như biển như trời..."
Ôi chao, tôi bỗng nói một hồi như là cũng đang... 'lên cơn' rồi. Thật là giống một cuộc tĩnh tâm. Tôi và chị đều cảm thấy hạnh phúc, thấy bình an, thứ hạnh phúc bình an lạ lùng khi mình cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa tràn trời ngập đất! 
Mắt chị sáng ra. Khuôn mặt chị như tỏa ra ánh sáng bình an và niềm vui. Ngay lúc đó, ngay đêm đó, tôi hoàn toàn tin rằng chị đã được chữa lành. Chị sẽ sống hạnh phúc cho dù phải uống thuốc cả đời đi nữa, và chị sẽ còn đem hạnh phúc đến cho người chung quanh, trước hết là chồng con chị! 
Xuất chúng là gì? Xuất chúng là đón nhận trọn vẹn con người mình như nó là. Xuất chúng là ôm lấy số phận độc đáo của mình, là ôm lấy kiếp sống của chính mình, cái duy nhất, có một không hai trong vũ trụ này. Xuất chúng là sống tràn đầy từng phút từng giây chính đời mình bằng con tim đơn sơ quảng đại, yêu thương và rộng mở.
Chị và tôi đều biết tôi không tiện ở lại lâu trong căn nhà nhỏ này của người chị. Chị biết đó là buổi tối đặc biệt chắc khó có lại lần thứ hai, để kể tôi nghe những điều chị muốn kể. 
Tôi hoàn toàn an tâm rồi. Ngay hôm sau tôi sẽ về. Còn mấy ngày nữa mới Tết. Vẫn còn kịp, tôi không về Sài Gòn liền mà sẵn tiện, ghé thăm giáo xứ kinh tế mới mà nào giờ chỉ nghe kể chứ tôi chưa tới bao giờ. 
Đó là một cuộc thăm viếng rất thú vị. Tôi có cảm tưởng lòng mình đang tràn ngập niềm vui và không thể không đi... loan báo 'tin mừng' ấy cho bạn bè cũ của anh chị. Đúng là một tin mừng! Chúa đã sống lại thật rồi! Chúa đã sống lại trong người bệnh tâm thần phân liệt là chị!

XUẤT CHÚNG (14 - Hết)
Một người bạn của tôi, một cô giáo trong trường xưa, đọc thấy loạt bài này, bèn nhắn tin đến tôi, nói rằng có gặp chị bạn tôi mới gần đây nhân vợ tôi từ Úc về thăm quê hương mời bạn bè họp mặt. (A, tôi nói vợ đây, là người vợ cũ. Cuộc hôn nhân của chúng tôi đã đổ vỡ, khoảng 4 năm kể từ sau ngày đầu tiên chúng tôi quen biết anh chị).
Nghe kể anh chị giờ sống rất ổn, đã có nhà riêng. Cậu con trai của anh chị, bé lẫm chẫm năm nào, giờ đã có gia đình, đã sinh cho anh chị đứa cháu nội. Bữa họp mặt đó có chụp hình, cô giáo hứa sẽ tìm lại hình của chị, gởi tôi xem. 
Chị ấy giờ sống khỏe mạnh y như một người bình thường, dù chị vẫn uống thuốc. Vâng, một người bệnh tâm thần thì vẫn cần thuốc cả đời, nhưng ngày từ lúc còn ở Việt Nam, tôi biết chị đã có thể tự theo dõi sức khỏe mình, tự biết uống thuốc khi cần và tự biết liều thuốc cần bao nhiêu. 
Rất ổn rồi. Ngay từ lúc đó tôi đã thấy chị đi lại và hoạt động nhanh lẹ hơn, không kém người khỏe bao nhiêu. Và ngay từ lúc đó, tôi biết chị đều đặn đến nhà thờ dự thánh lễ mỗi chiều. Chị cũng dắt con theo để tập thói quen tốt cho con nữa. 
Thời gian đầu khi chúng tôi mới ly hôn, anh chị hay nhắn tôi đến nhà chơi, và tôi biết anh chị cũng hay mời riêng vợ tôi đến chơi nhà anh chị. Anh chị muốn an ủi chúng tôi, tôn trọng cả hai phía, không nỡ hạch hỏi điều tra hay trách móc phán xét bên nào cả.
Chị làm đồ nhắm cho chồng chị và tôi nhậu lai rai. Chắc là thời gian đó tôi phờ phạc rầu rĩ lắm. Chị ngồi ngó tôi một hồi rồi vừa cười vừa la: "Anh Hà thiệt là tình á! Sao anh để đến nông nỗi này? Lúc em mới biết chuyện, em buồn lắm. Nhưng thôi, số phận vậy rồi. Giờ em vẫn thường cầu nguyện cho anh và chị. Cầu cho hai người được bình an". Tôi cảm động thấy chị cư xử thật ấm áp và độ lượng, như một người bạn từng trải, hiểu đời.
Trước khi xuất cảnh đi Mỹ, tôi cũng đến thăm chào từ biệt anh chị. Anh từng vất vả và lo lắng nhiều nên tóc anh sớm bạc. Chị đã trở thành một phụ nữ tuổi 40, mạnh khỏe, chăm chỉ và đảm đang, khuôn mặt toát ra vẻ hiền lành phúc hậu. Tôi thấy anh chị thật hạnh phúc. 
Anh ấy cũng công nhận anh hạnh phúc. Anh cám ơn Trời đã cho anh một người vợ đặc biệt, người vợ đã giúp anh dù cũng 'ham vui' như bao nhiêu đàn ông khác, đã biết kềm mình trong kỷ luật để mà sống cho tốt.  
Thôi tôi xin lấy lại bản nháp mà tôi đã viết mấy bữa trước khi tôi muốn kết thúc sớm chuyện kể này. Tôi đã định kết thúc sớm vì ngần ngừ cân nhắc, sợ mình không được quyền tiết lộ bí mật nội tâm của chị. Nhưng đã lỡ kể thì phải kể cho hết. Tôi đã đành phải bật mí về sự xuất chúng lạ lùng của chị. 
Ai trong chúng ta cũng có thể trở thành xuất chúng, khi chúng ta dám đón nhận và đảm nhận cuộc đời của chính mình, số phận và 'ơn gọi' độc đáo duy nhất của riêng mình - không giống, và không cần phải giống bất cứ ai trên trái đất này. 
Tận kỳ tính! Sống đến kỳ cùng cái phận người trôi nổi và cái tính người linh thiêng của nhân loại, ngay trong hoàn cảnh tư riêng đặc thù của mình. Và vì là người, nên biết mở rộng con tim nữa để mà đón nhận và yêu thương mọi người khác - thông cảm và yêu thương người khác vô điều kiện như họ 'là', trong hoàn cảnh riêng tư duy nhất của họ. 
Xin cám ơn quý anh chị đã theo dõi và khích lệ tôi kể hết câu chuyện này. Xin cứ xem đoạn nháp này là cái kết của tôi ạ:

XUẤT CHÚNG (nháp)
Tôi đã phải khá dài dòng kể lại câu chuyện chị bạn từng bị bệnh tâm thần phân liệt, có lẽ điều tôi muốn nói, trước tiên là sự cảm kích sâu xa về những nỗ lực của loài người để giúp đỡ nhau, mang vác nhau, đùm bọc nhau và chữa lành nhau.
Có bệnh thì ta mới biết ơn ngành Y, cũng như ăn hạt cơm chúng ta biết ơn người trồng lúa. Tất cả chúng ta cần có nhau thì mới tồn tại được trong vũ trụ bao la huyền nhiệm này. Lòng biết ơn nhau giúp thế giới loài người chúng ta chung sống hòa bình và nhân ái.
Nếu đùng một cái mà Ông Trời, hay Ông Chúa, làm "phép lạ" để thế gian này không còn bệnh tật và khổ đau nữa, thì điều đó chưa chắc đã là "lạ". Cái lạ, là những bất hạnh và mong manh của phận người thúc đẩy chúng ta phải nỗ lực từng bước, có khi từ thế hệ này qua thế hệ kia, để tiến tới một thế giới nhân bản hơn, yêu thương hơn, "người" hơn.
Với tôi, "phép lạ" chính là chỗ đó! Trong cái nhìn đó, thì chúng ta biết ơn cả những người bệnh, những người bất hạnh, những người "nghèo", và cả những người "ác xấu".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét