Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Tâm sự của FB Michael Le : XUẤT CHÚNG (7-8-9) tiếp theo…


Tác giả : FB Michael Le (Lê Hồng Hà)
XUẤT CHÚNG (7)
Vợ chồng chúng tôi được học (nói đúng hơn là được 'trị liệu') nhiều năm môn Tâm lý trị liệu Nhóm. Chúng tôi cũng có tham gia    những nhóm tĩnh tâm, cầu nguyện, học hỏi chia sẻ Kinh thánh nhiều năm, ngay từ hồi chưa kết hôn.
Tính tôi thì... 'ruột ngựa', có làm sao thì cứ toèn toẹt thành thật tâm tình hết cả, từ cái tật mê gái thượng thừa, gặp ai cũng mê, đến cả cái tật Thủ Thiêm Thủ Thừa Thủ Đức Thủ Dầu Một. Ôi, từ lúc trẻ tôi đã nghĩ những gì riêng tư nhất có khi lại phổ quát nhất. Đời mình có là gì đâu. Nội tâm mình có là chi đâu. Yêu thương là bộc lộ. Yêu thương là chia sẻ, chia sẻ cả những gì sâu kín nhất trong tim mình. 
Vợ chồng chúng tôi cũng không tránh khỏi những lúc cơm không lành canh không ngọt. Thời gian yêu nhau, ngay cả tuần lễ cận ngày đám cưới, sống với nhau mới một năm... chúng tôi đã trải qua nhiều lần khủng hoảng. Và những lần như thế tôi đều thành thật chia sẻ với các nhóm. Vợ tôi ít nói hơn nhưng cũng không phản đối.
Bạn bè quen biết chắc là ai cũng thấy tôi dễ thương, mỗi tội hơi... khùng. Và ai cũng rất thương mến vợ tôi, nên chuyện gì cũng thường là bênh vợ tôi hơn. Hì hì, ngay cả sư phụ Tô Thị Ánh cũng bênh vợ tôi hơn (đàn bà với nhau mà lị).
Cái thằng tôi thân đàn ông mà không lo gầy dựng sự nghiệp, không lo đi làm ăn kinh tế, đã ở nhà trông con lại còn đèo bồng thêm chuyện này thì còn ra làm sao? Hộ khẩu thì mất toi lâu rồi, chẳng có bằng cấp chính quy gì ráo trọi, rủi xảy ra chuyện gì thì ăn nói làm sao với pháp luật?
Chuyện chúng tôi sống chung với gia đình anh chị bạn trong ngôi nhà to đùng lặng lẽ như thế, còn có một vấn đề rất tế nhị mà ai cũng cảm thấy, chỉ ngại nói ra. Anh ấy đi làm tối ngày, cố dành dụm cho tương lai. Vợ tôi cũng bận bịu cả ngày với việc ở Trường. Tôi và chị ấy ở chung một nhà suốt tháng quanh năm, chuyện lửa gần rơm lâu ngày e cháy thì làm sao, có phải là tan nát cả hai gia đình không? Chị ấy bệnh tâm thần, rủi hôm nào... quên mặc áo quần, cứ hồn nhiên trần trụi như những lần ở quê thì sao?
Vân vân, đủ thứ vấn đề như thế, mà những người trưởng thành khôn ngoan trong xã hội phải biết dè trước phòng xa. Không ai thuyết phục tôi được, thì đúng là tôi cũng... khùng rồi. Tôi cảm thấy mình nổi giận khi biết có mấy người bạn hết thuyết phục vợ tôi lại còn tìm đến chỗ anh ấy làm việc và đặt thẳng vấn đề với anh ấy.
Học tâm lý không phải để được tinh đời hiểu biết tâm lý người ta đâu. Không đâu. Trước tiên và quan trọng nhất là để hiểu biết chính mình. Học biết mình là cái học cả đời chưa hết. Và càng biết mình thì càng khiêm tốn. Mình không thể tự mãn tự tin được. 
Chỉ có tin Chúa thì chúng tôi mới dám làm cái điều liều lĩnh này. Và giờ, nếu những trục trặc là dấu hiệu từ Chúa, thì tôi là ai mà dám cãi. Tôi đành phải tuân phục thôi. Đành phải chịu trận khi anh ấy tính đường dọn ra riêng. 
Tôi hạp với chị ấy hơn cả hạp với anh bạn tôi. Chị ấy trẻ hơn tôi nhiều nhưng tôi luôn kêu là chị (dù vợ tôi kêu chị bằng em). Thời gian khá lâu sống chung nhà, tôi nhận ra nơi chị ấy một tâm hồn trong sáng, thanh khiết và đầy trắc ẩn. Tôi kính trọng và thương chị ấy. 
Hai gia đình bịn rịn chia tay nhau. Phải phục anh ấy. Gia đình anh ấy ở Sài Gòn trước khi đi kinh tế mới. Anh ấy từng học trong nhà Dòng cũng ở Sài Gòn. Sài Gòn đúng là đất dụng võ của anh. Bạn học cũ trong Dòng cũng đông. Chỉ một năm thôi mà anh đã lấy lại được tinh thần. Có bạn bè hỗ trợ, anh dư sức bươn chải để bảo bọc gia đình. 
Thôi thì ý Chúa muốn thế, chắc chắn thì mọi chuyện rồi cũng sẽ tốt đẹp. Nhưng cái duyên hội ngộ giữa hai gia đình vẫn chưa hết. Cái duyên của chị ấy, người bệnh tâm thần ấy, với tôi vẫn chưa hết. Câu chuyện về sau đối với tôi càng rất ý nghĩa!

XUẤT CHÚNG (8)
Ông Trời luôn luôn có lý. Nói theo niềm tin của chúng tôi, Chúa luôn có lý. Những gì xảy đến, cho dù trái với ý muốn của mình, thì cứ khiêm cung đón nhận cái đã, tin rằng đó là điều tốt nhất. Chúng ta xét cho cùng chỉ là những đứa trẻ trong dòng đời cuồn cuộn chảy, biết đâu là bến là bờ. Chúng ta chả ai lường được ngày mai sẽ ra sao. Ông Trời thì như cha mẹ, thấy trước biết trước, âu yếm dọn trước những nẻo tốt lành nhất cho mình. 
Anh chị không còn ở với chúng tôi, dọn ra riêng, không ngờ mà thực là đúng lúc. Các cơ sở chăm sóc Trẻ Chậm phát triển bỗng nhận được quyết định chuyển từ ngành Y tế sang Giáo dục, xếp vào nhánh Trẻ khuyết tật, tức là gồm chung với Trẻ Điếc Câm, Khiếm Thị. Ở chỗ chúng tôi, phòng khám bệnh xã hội ở tầng trệt dọn đi. Hai căn nhà bốn tầng giờ hoàn toàn trở thành một ngôi trường, đã đầy học sinh. Một vị hiệu trưởng mới được bổ nhiệm về.
Con bé của chúng tôi đến tuổi vào nhà trẻ. Đã đến lúc tôi phải nghĩ đến chuyện đi làm. Khi đã lập gia đình, có con cái, mình mới thực sự trở thành một thành viên của xã hội, chịu sự chi phối của xã hội, gắn bó với 'nhịp thở' của xã hội ngay từ những chuyện nhỏ như bó rau lạng thịt, giá điện giá nước, tiền lương hàng tháng và học phí cho con... Đôi khi mình không còn được 'là mình' của những hoài bão ước mơ tuổi xuân nữa. 
Tôi quyết định bỏ mộng theo đuổi ngành tâm lý. Tôi học nghề sửa xe gắn máy. Sách vở dẹp qua một bên, bây giờ là cờ-lê mỏ-lết và tay chân áo quần đầy những dầu nhớt. Thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm anh chị, nhưng thường chỉ gặp anh ở chỗ làm, ngồi lai rai vài chai bia. Có lẽ anh cũng ngại, không muốn tôi đau lòng nhìn chỗ trọ chật hẹp nóng bức của anh chị. 
Thấy thương và phục anh. Anh phải gầy dựng lại từ số không ở đất Sài Gòn, chắt bóp từng đồng, tiết kiệm đủ thứ để dành dụm. Anh làm việc vất vả mà lúc nào cũng căng thẳng, canh cánh lo về bệnh tình của chị, không biết lên cơn lại lúc nào. Mái gia đình ấm cúng làm nơi an ủi, nghỉ ngơi, giải tỏa những nhọc nhằn sau ngày làm việc... có lẽ anh phải cắn răng chịu đựng, không có được những điều đó.    
Và cũng rất thương, rất phục chị. Sài Gòn vào mùa nắng thì nóng kinh hồn. Cái nóng bức, chỗ ở chật chội ồn ào là những điều rất bất lợi cho người bệnh tâm thần. Nghe anh kể, chị rất nỗ lực, kiên trì uống thuốc đều đặn. Anh tập cho chị đi chợ, nấu cơm, chăm con... chị nhất nhất tuân lời anh. Chị như đứa em gái hiền lành lớn lên ở nhà quê bình dị giờ bỡ ngỡ giữa Sài Gòn đông đúc phức tạp. Chị ấy thật là người vợ ngoan hiền. Sống chung một năm, chưa bao giờ tôi thấy chị cãi chồng, chưa bao giờ thấy chị to tiếng. Nói chuyện với chồng, luôn luôn chị một dạ hai thưa. 
Cứ thử duyệt lại mình bằng "con mắt chuyên môn", tôi tự hỏi vợ chồng chúng tôi còn thiếu sót gì không trong việc giúp chị hồi phục? Mà, bệnh tâm thần thì có thể chữa khỏi không, với tất cả những cố gắng của ngành y và ngành tâm lý? Liệu chị có thể được chữa khỏi hoàn toàn không?... 
Tôi đi đến kết luận rằng tâm lý tâm leo, tâm thần tâm thọt gì gì, thì cũng chẳng tới đâu nếu thiếu đi một điều vô cùng quan trọng: Tình thương! Tình thương yêu ấm áp và vô điều kiện! Người bệnh, và cả thân nhân người bệnh, cần điều đó hơn tất thảy. Chính điều đó là yếu tố quyết định giúp họ thêm nghị lực vượt qua số phận không may của mình. 
Anh ấy phải trở nên "không còn là mình" nữa để mà yêu thương một người vợ như thế. Anh ấy từng là một thanh niên đầy tự tin tự hào và ít nhiều tham vọng thành đạt. Tôi biết anh ấy có khiếu bẩm sinh về kinh doanh, quản trị, tổ chức. Anh ấy rất lanh lợi và hoàn toàn có thể trở thành "đại gia thời mở cửa", như một số bạn bè của anh ấy. Một cách nào đó, chính căn bệnh của chị đã kềm chân anh, kềm được khuynh hướng tranh đua và hiếu thắng của anh. 
Là đàn ông với nhau, tôi hiểu lắm, tương giao giữa mình với gia đình bên vợ không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Anh cứng cỏi và nhiều tự ái. Không biết thời gian chị phát bệnh ở quê, hai bên gia đình có va chạm điều gì mà anh rất giận bên nhà vợ, rất tự ái, quyết không nhìn mặt nữa. 
Tôi chỉ mong anh ấy dịu xuống, làm lành, hòa giải với bên vợ. Mối liên hệ máu thịt với gia đình gốc của mình là điều vô cùng quan trọng trong đời sống tâm lý/tâm thần của bất cứ ai, huống hồ là với chị. Cắt chị ra khỏi mối liên hệ ấy là điều hoàn toàn không thể, và không nên, thậm chí là không phải đạo. Tôi không dám ép anh ấy nhưng có lẽ anh ấy hiểu ý tôi. Thật vui khi biết hai bên gia đình, dù ở quê xa xôi đi lại khó khăn, đã nối lại được liên lạc với anh chị. 
Hơn một năm ra riêng, anh chị chuyển nhiều chỗ thuê trọ theo đòi hỏi của việc làm. Một hôm, cũng vào dịp gần Tết, anh đến tìm tôi. Tôi lặng người nghe anh báo tin chị bị lên cơn trở lại và anh đã phải đưa chị vào lại Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa. Tôi nhìn anh phờ phạc và đau đớn. Anh không nói gì nhiều, chỉ ngồi bên ly cafe, rũ cả người xuống. Tôi chỉ mong anh không ngã gục. 
Theo đúng 'nguyên tắc' đã học từ trường phái Carl Rogers, tôi không hỏi han, không điều tra, không cật vấn gì hết. Anh, người thân gần gũi nhất của bệnh nhân, mới thực là người cần trợ lực về mặt tâm lý hơn bất cứ ai, để anh chịu đựng được gánh quá nặng này. 
Nhưng tâm lý tâm lọt gì nữa bây giờ? Tôi chỉ còn biết ôm lấy vai anh: "Vợ chồng tụi Hà sẽ luôn ở bên anh chị, đến cùng. Cố lên anh!"... Tôi xin số phòng và nói sẽ đến bệnh viện thăm chị ngay. Anh không thể bỏ bê việc làm được, vả lại còn phải chăm sóc con nhỏ. Tôi hứa sẽ đến thăm chị thường xuyên cho tới ngày chị được xuất viện.

XUẤT CHÚNG (9)
Chị đã phát bệnh trở lại như vậy, anh rất khó thuê chỗ trọ ở Sài Gòn vì chủ nhà nào cũng ngại. Để chị ở lại trong bệnh viện thì dứt khoát không được. "Nhà thương điên Biên Hòa" tôi chưa đến bao giờ nhưng Chợ Quán thì hai lần rồi, nhân dự các khóa bổ túc chuyên môn. Ôi, người thường mà ở đó một ngày dám cũng điên luôn. Giam chị trong đó, biết chừng nào chị mới lành? Xã hội mình ra như chưa bao dung nổi người bệnh tâm thần! Không có chỗ cho họ!?   
Không thể mời anh chị trở lại sống chung với chúng tôi được nữa vì Trường giờ đã đầy hoc sinh. Giải pháp tốt nhất lúc này là về quê, dù tôi biết điều đó anh ấy rất không muốn. Không nên đòi hỏi anh điều ngoài sức anh chịu đựng, nếu không muốn đến lượt chính anh cũng đổ sụm. Chỉ còn cách... 
Tôi bàn với vợ, hay là để tôi về quê với chị và cháu vậy. Tạm gác chuyện học nghề sửa xe, tôi quay qua học nghề làm ruộng làm vườn cũng xong, vài tháng hay cùng lắm một năm cũng được. 
Cái chính là TIN rằng chị sẽ hồi phục. Cái gì cũng bắt đầu bằng niềm tin. Nếu chúng tôi không dám tin thì làm sao thắp lên được niềm tin nơi người khác? Thuốc thang y tế đã có rồi. Tâm lý tâm lọt cũng rồi. Giờ tôi đóng vai một cán sự xã hội, đến tận nơi, sống cùng... 
Vợ tôi lúng túng không biết tính thế nào. Anh ấy nghe tôi bàn thế cũng không biết tính sao. Nhưng trước hết tôi phải đi Biên Hòa thăm chị xem tình trạng chị ra sao đã. Có lẽ còn phải hỏi ý kiến bác sĩ. 
Đây là lần đầu tiên tôi được vào khu bệnh nhân của một viện Tâm thần. Bệnh viện Biên Hòa nghe nói có từ thời Pháp, khuôn viên rất rộng, chỉ tiếc là ít cây xanh. Vì chưa tới giờ được thăm, tôi phải chờ ở văn phòng và nhờ thế được trò chuyện khá lâu với vị y sĩ. Anh ấy lớn tuổi hơn tôi chút, rất cởi mở. Anh ấy biết cách gợi chuyện, hỏi chuyện, và biết lắng nghe. 
Tôi vốn kính trọng những người làm việc trong ngành tâm thần, và đúng là anh ấy không làm tôi thất vọng. Tôi vì muốn bảo lãnh cho chị xuất viện nên cũng hăng hái đặt câu hỏi này nọ, nghĩ bụng mình tỏ ra quan tâm tìm hiểu thì các bác sĩ sẽ yên tâm hơn chăng. 
Tới giờ được thăm, anh ấy cố tình dắt tôi đi vòng quanh, giới thiệu. Dãy nhà này dành cho những bệnh nhân nặng, hàng rào lưới sắt cao bao quanh, cổng có khóa cẩn thận. Bên này dành cho nam, bên kia cho nữ, tất nhiên là khuất tầm nhìn, không thể thấy nhau. Dãy nhà kia là nơi các bác sĩ thăm khám, tôi thấy mấy cái bảng: phòng phát thuốc, phòng điện não đồ... và một phòng đặc biệt có cái tên hơi lạ, nhớ mang máng là "liệu pháp sốc điện". 
Khung cảnh bên trong của một bệnh viện tâm thần thật là ấn tượng. Tôi càng tin rằng không thể để chị ở đây lâu được. Đây chỉ là nơi cắt cơn. Tôi hỏi vị y sĩ. Anh ấy đồng ý. Anh nói sau khi đã khá hơn, người bệnh cần về nhà. Bầu khí gia đình thân thuộc là nơi tốt nhất để người bệnh hồi phục. 
Có lẽ tôi không nên kể nhiều về những gì tôi thấy bên trong bệnh viện. Sau này tôi nghe bệnh viện Biên Hòa được đầu tư sửa sang thêm nhiều lắm. Đã gần 30 năm qua rồi, chắc là rất nhiều thay đổi. Mai đây về thăm quê hương, không biết tôi còn có duyên trở lại thăm nơi đó không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét