Tác
giả : FB Michael Le
XUẤT
CHÚNG (1)
Hơn mười năm sau 1975, chúng tôi thành thế hệ 25, 27, 30...
Ôi, xã hội có làm sao, thời thế có làm sao... thì cũng là đến tuổi yêu thương
và lập gia đình.
Bạn có giam củ khoai tây hay củ hành trong kẹt tủ chật chội
tối tăm thì một ngày nào đó sẽ vẫn ngỡ ngàng thấy chòi ra những chồi non, xanh
mơn mởn, mạnh mẽ ngoi tìm ánh mặt trời. Cuộc sống tự nó đã có một sức vươn lên
tươi mới mãnh liệt bất kể hoàn cảnh, bất kể ở đâu, bất kể dưới 'chế độ' nào.
Anh ấy và chị ấy quen nhau rồi yêu nhau ở một vùng 'kinh tế
mới' đất đai màu mỡ, lại nhanh chóng trở thành một giáo xứ vì hầu hết là giáo
dân, lại may mắn có được một linh mục trẻ nhiệt thành tận tụy.
Lớp thanh niên lớn lên ở đó vui lắm. Tối tối về, sau ngày
lao động vất vả, họ họp nhóm chia sẻ Kinh thánh, chia sẻ những suy tư, cầu nguyện,
hát thánh ca. Hàng năm họ có những đợt tĩnh tâm với nhau... Ôi thì chế độ nào,
kiểm soát nào và cấm đoán nào, hộ khẩu hộ khoét chứng minh nhân dân kiểu nảo kiểu
nào... thì rồi cũng chẳng bóp nghẹt được sức sống.
Anh ấy là một tu sinh tu xuất, tháo vát và đa tài, một ngôi
sao năng nổ của giáo xứ. Chị ấy hiền, rất ngoan đạo. Và chị ấy đẹp lắm, mọi người
công nhận chị là hoa khôi không chỉ của giáo xứ mà của cả vùng.
Hai anh chị thật đẹp đôi. Lập gia đình xong, họ đã có một mảnh
vườn và một mái nhà riêng, đón đứa con đầu lòng. Mọi sự dường như rất tốt đẹp
thì căn bệnh tâm thần ở đâu ập đến với chị ngay sau lúc chị sanh em bé. Nghe kể
chị bị sốt rất nặng và sốt dài ngày trong giai đoạn hậu sản.
Căn bệnh của chị dường như làm đổ sụp tất cả, không những
mái gia đình nhỏ bé của anh chị mà cả hai họ hai bên. Và cũng là một cú chấn động
cho toàn giáo xứ. Sau này tôi có dịp đến thăm, gặp gỡ nhiều người, biết rằng cả
giáo xứ đã từng rất bối rối và đau buồn trong thời gian đó.
Xét về mặt y khoa, thì quả là xã hội VN (có lẽ cho đến tận
giờ này), lúng túng không biết phản ứng sao khi trong cộng đồng xuất hiện một
hay những người bệnh tâm thần. Thường là phản ứng của xã hội mình rất bất lợi
cho người bệnh và thân nhân họ.
Người ta xếp nó vào nhóm 'bệnh xã hội' (lao, da liễu, tâm thần).
Hiểu ra sao về cụm từ 'bệnh xã hội' nhỉ? Vì nó có thể lây lan qua các giao tiếp
xã hội? Vì nó có ảnh hưởng, có tác động khá trực tiếp đến cộng đồng?
Riêng về bệnh tâm thần, tôi nghĩ căn bệnh như một cú sốc về
mặt tâm lý, tinh thần, và nếu nói đao to búa lớn chút, một 'cú sốc văn hóa' nữa,
không chỉ cho người thân mà cho cả cộng đồng. Hoặc nếu bạn đọc cho phép, tôi
nghĩ rằng căn bệnh đó là một 'dấu chỉ' cho xã hội. 'Dấu chỉ thời đại'. Nó làm
chúng ta phải suy nghĩ về chính chúng ta và về cộng đồng chúng ta.
Khi người 'điên' làm những điều gọi là kỳ quặc, lạ lùng, vượt
ra khỏi những chuẩn mực, quy ước chung, và làm những điều đó một cách rất hồn
nhiên, tự phát, không ai ngờ được nó xảy đến khi nào, làm sao, chả thể ngăn chặn,
chả biết cách nào điều chỉnh lại cho 'chuẩn'... thì sao nhỉ?
Và tự nhiên nảy ra câu hỏi: thế nào mới là 'chuẩn', là 'tỉnh',
là 'không điên'?
Giáo xứ bối rối không biết xử trí cách nào khi một người nữ
bỗng chẳng cần ăn mặc gì nữa, không mảnh vải che thân, cứ hồn nhiên trần trụi
thế, đến nhà thờ ngay giờ lễ, tọt luôn lên tòa giảng của cha xứ và... ca tụng
Chúa?
Tôi nhớ lại cụ Bùi Giáng thâm sâu trác tuyệt đi lại múa may ở
Sài Gòn, làm cả Sài Gòn ngẩn ngơ bối rối. "Ông điên mà vui vẻ thập thành.
Còn chúng tôi tỉnh lại đành buồn thiu..."
Chuyện về đôi vợ chồng anh chị bạn của tôi khá dài. Tôi cân
nhắc mãi vì có phần là riêng tư. Nhưng chúng tôi đều đã lớn tuổi cả rồi, hàng
sáu bó hết rồi. Tôi hy vọng anh chị và những người liên quan rộng lòng cho tôi
chia sẻ. Bởi, một lần nữa, tôi nghĩ rằng những gì chúng ta tưởng là riêng tư
sâu kín nhất, cứ chia sẻ ra đi, không chừng lại là những gì phổ quát nhất của
phận người.
Xin viết thành... nhiều 'kỳ' vì sợ quá dài ạ.
XUẤT
CHÚNG (2)
Mười năm đầu sau năm 1975 thực là đáng sợ, ít là cho người
miền Nam. Cái ăn cái mặc còn không đủ. Đi lại từ địa phương này qua địa phương
khác phải có... giấy giới thiệu hay giấy công tác. Rồi xếp hàng đã đời mòn mỏi
trước các phòng vé. Ấy là chưa kể trầy da tróc vảy lắm mới dành dụm được tiền
đi đường.
Nhưng với tôi, cái đáng sợ nhất lúc đó là tôi chợt nhận ra
người ta không còn dám tin vào nhau nữa. Tôi mới 16, một hôm lên 4 tầng cầu
thang chung cư nọ, thấy một chị ốm o xơ xác bồng đứa con cũng xơ xác ốm o, tay
còn xách cái túi khá nặng. Thương quá, nói chị ơi, để em xách giùm chị. Chị ấy
lật đật né hẳn sang bên, đáp lại bằng ánh mắt sợ hãi nghi ngờ, pha lẫn căm ghét
nữa. Cái nhìn làm tôi tê tái buồn và nhận ra rằng xã hội này đang vuột mất điều
gì đó vô cùng cần thiết và quý giá!
Nhưng làm sao khác được trong cái thời "mánh mung chôm
chỉa" đó? Ai nấy đều phải... "thủ", theo đủ mọi nghĩa của từ
này. Thủ thế. Thủ thân. Và cả... thủ đoạn. Ở thành thị cũng thế mà nông thôn và
các vùng kinh tế mới cũng vậy. Mười năm đầu là thời 'hợp tác xã', 'kinh tế tập
trung', là thời 'dzác ngộ cách mạng', cái gì cũng là của chung nên rốt cuộc chẳng
ai có gì, ra đường mạnh ai nấy... thấy cái gì ngộ ngộ là dzác dzìa.
Anh bạn tôi lớn hơn tôi mấy tuổi, đã đủ dày dạn để lăn lóc
giữa đời. Anh ấy lanh lợi lắm, hơn tôi rất nhiều về mặt này. Dân tu xuất được
cái có vốn liếng kiến thức khá, kỷ luật bản thân cũng quen, anh ấy rất có nghị
lực và có chí vươn xa. Dù gia đình phải đi kinh tế mới nhưng anh không chịu
giam mình nơi xã ấp nông thôn. Anh từng đi lại nhiều và làm ăn xoay sở rất được,
từng có nhiều tiền và từng 'chọc trời khuấy nước' chứ không vừa.
Vợ anh ấy thuộc thế hệ đàn em, trẻ hơn nhiều. Chị lớn lên
trong bầu khí giáo xứ kinh tế mới mà như tôi đã kể, rất may mắn có được một cha
xứ trẻ nhiệt thành, tận tụy phục vụ, sống giản dị và hiền hòa gần gũi mọi người.
Chị ấy đơn sơ, ngoan đạo một cách có thể nói là 'bình dân', 'thành tín'. Chị
chăm chỉ làm lụng như các thiếu nữ khác trong xứ dù có lẽ chị 'tiểu thư' hơn vì
gia đình chị cũng giống gia đình anh, thuộc hàng có kinh tế vững trong xứ. Hơn
nữa, chị lại là hoa khôi của cả vùng.
Có lẽ tình yêu với chị càng làm anh chọn 'dừng bước giang hồ'
để ở lại với giáo xứ. Anh cộng tác đắc lực với cha xứ. Anh trở thành trưởng
nhóm trẻ, trưởng nhóm giáo lý, trưởng ca đoàn. Anh là gương mẫu và là ngôi sao
nổi bật. Thế nên anh chị đúng là cặp trai tài gái sắc rất xứng đôi. Bạn bè vui
chúc mừng đám cưới của anh chị.
Tôi được nghe nhiều tâm sự của anh chị em trẻ trong giáo xứ,
hiểu rằng họ từng trải qua một giai đoạn phấn khởi và đầy hy vọng. Một giáo xứ/
một ấp kinh tế mới mà giới trẻ ở đó thương nhau, gắn bó và đoàn kết, lại bắt đầu
tới 'thời mở cửa', 'xóa bao cấp', kinh tế bắt đầu dễ thở hơn... Vâng, thì thời
nào thì thời, chế độ nào đi nữa thì cũng chẳng ngăn được sức sống! Qua thời bĩ
cực, ánh thái lai đang lấp ló đây kia.
Mọi chuyện đang tốt đẹp như vậy thì họa vô đơn chí. Vị linh
mục mà họ xem như người anh rất thân thương gần gũi có chuyện ngoài ý muốn, phải
trở về nhà dòng. Giáo xứ như rắn không đầu. Chính trong giai đoạn thử thách này,
chị sinh đứa con đầu và căn bệnh ập tới.
Bệnh tâm thần trước hết là căn bệnh thể lý. Những cơn sốt hậu
sản kéo dài, thường xuyên trên 40 độ, có thể là nguyên nhân gần nhất dẫn đến bệnh.
Tôi không phải bác sĩ tâm thần. Tôi mù tịt về y khoa. Chỉ vì
thích học tâm lý tâm lọt mà hơi méo mó nghề nghiệp, tôi tự hỏi thế về mặt tâm
lý, có điều gì có thể là cú sốc tinh thần cho chị không để mà dẫn đến bệnh tình
như thế.
Sống chung nhà với nhau hơn một năm, được trò chuyện với anh
rất nhiều, nhất là được lắng nghe chị hàng ngày, tôi ngạc nhiên về 'cú sốc' của
chị, nếu có thể gọi đó là cú sốc tâm lý.
Gia đình hai bên đều khá. Trong khung cảnh nhỏ bé của giáo xứ
thôn quê ấy, chị có thể xem là tiểu thư 'cành vàng lá ngọc', từ nhỏ đến lớn chị
ít đi đâu xa. Anh cũng rất cưng yêu chị. Khi đi bệnh viện tỉnh để sinh con, anh
cố gắng lo cho chị được hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất có thể.
Nhưng tất cả những may mắn về gia cảnh ấy đã không ngăn được
chị nhận ra một điều: Ôi, Chúa ơi, sao xã hội quanh mình nhiều người nghèo khổ
thế? Tội quá! Thương quá! Có những cha mẹ sắp tới ngày sinh con mà túi không có
một đồng. Có những người bệnh nghèo đến cái ăn cái mặc còn không đủ nói gì đến
thuốc thang... Những ngày đi khám thai và lúc chuẩn bị lên bàn sanh, hình như
là những điều ấy cứ làm chị nghĩ ngợi.
Hơn một năm sống chung nhà. Anh ấy đi làm. Vợ tôi cũng đi
làm. Chị ấy ở nhà chăm sóc đứa con 3 tuổi của anh chị. Tôi cũng ở nhà chăm sóc
đứa con gần 3 tuổi của chúng tôi. Và tất nhiên, tôi còn phải chăm sóc trông chừng
hai mẹ con chị nữa. Tôi đã trò chuyện với chị không biết bao nhiêu lần.
Tôi vô cùng ngạc nhiên về 'cú sốc tâm lý' - nếu được gọi là
thế - gần nhất trước khi căn bệnh tâm thần ập đến với chị. Ánh mắt luôn đỏ những
tia máu như đang sốt và khuôn mặt trơ trơ ra vì phải uống quá nhiều thuốc an thần
nặng đô mỗi ngày, thường xuyên dịu xuống, đầy cảm xúc mỗi khi chị nhắc lại điều
đó: "Anh Hà. Từ nhỏ đến lớn em đâu biết có nhiều người khổ đến vậy. Tội
nghiệp lắm anh à".
XUẤT
CHÚNG (3)
Thời "mở cửa" bắt đầu từ 1986. VN hạ bức màn sắt
xuống chút để "làm bạn với mọi quốc gia". Thế là có những chính phủ
và xã hội dân sự Âu Tây trở lại giúp VN, mà một trong những giúp đỡ đó đã trở
thành một quan phòng tiền định cho vợ chồng chúng tôi: ngành giáo dục đặc biệt
chăm sóc trẻ em chậm phát triển tâm thần.
Hai ngôi nhà đúc 4 tầng kề nhau trong một khu phố yên tĩnh,
vốn xưa kia là của hai gia đình gốc Hoa "tư sản mại bản" chuyên kinh
doanh Đông dược. Thế nên sau khi "tiếp thu", hai căn đó được giao cho
Phòng Y tế Quận quản lý. Một bên tầng trệt trở thành điểm khám và cấp thuốc cho
nhóm 'bệnh xã hội', trong đó có bệnh tâm thần. Mặt tiền kế bên trở thành văn
phòng của trường dạy trẻ chậm phát triển. Ba tầng phía trên có cửa đục thông
nhau, trở thành những lớp học.
Lý lịch "ngụy quân ngụy quyền" làm cả hai chúng
tôi dở dang việc học, nhưng may có cái ngành mới mà chả mấy ai muốn vào này.
Chúng tôi quen nhau ở khóa đào tạo đó, rồi kết hôn, có con đầu. Vợ tôi trở
thành giáo viên biên chế, tôi thì không, vì mất hộ khẩu từ lâu rồi, đành chỉ là
cộng tác viên của trường. Tôi lo ở nhà chăm con nhỏ là chính, rảnh thì làm thêm
bậy bạ nghề tự do.
Cô thủ trưởng phòng khám bệnh xã hội này là một cựu bộ đội,
là đảng viên, người miền Bắc. Cô cũng là thủ trưởng, quyền hiệu trưởng của các
lớp dạy trẻ chậm phát triển này. Cô ấy không phân biệt vùng miền, cũng không kỳ
thị lý lịch của chúng tôi. Cô đánh giá cao sự nhiệt tình yêu nghề và phục vụ trẻ
của chúng tôi.
Thương tình, cô cho chúng tôi vào trường ở, vì lúc đó học
sinh còn vắng lắm, mấy tầng trên trống trơn. Vợ tôi dạy học ở đó, tôi lãnh cái
chức bảo trì cơ sở kiêm bảo vệ đêm. Thế là bọn tôi may phúc có số "ở nhà lầu".
Chiều tối học sinh về hết thì gia đình nhỏ của chúng tôi có cả một giang san 2
căn nhà đúc bề thế rộng mênh mông.
Nhưng chúng tôi cảm động nhất là khi trình bày hoàn cảnh của
vợ chồng anh bạn tôi, xin cho họ đến tá túc với chúng tôi, cô thủ trưởng ngần
ngừ một lúc rồi vì thương hoàn cảnh của một gia đình có người bệnh tâm thần, cô
đồng ý. Cả cô đảng viên thủ trưởng lẫn các nhân viên phòng khám tròn mắt ngạc
nhiên vì chúng tôi 'dám' đón một người bệnh tâm thần về ở chung, dù chẳng phải
máu mủ ruột rà.
Nói nào ngay, chúng tôi đã giới thiệu để anh bạn đem vợ tới
khám ở phòng khám ấy. Lúc đó bệnh tình của chị còn nặng lắm, vừa được xuất viện
khỏi Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa. Nhưng ở chị, người bệnh tâm thần phân liệt ấy,
có vẻ gì đó rất đáng thương, rất trong sáng và hiền lành, khiến từ trưởng phòng
khám, vị bác sĩ và các nhân viên đều có cảm tình.
Ngôi trường gồm hai căn 4 tầng ấy quả cũng là ơn quan phòng
tiền định cho anh chị bạn tôi cùng đứa con 3 tuổi của anh chị. Vì ở một giáo xứ
kinh tế mới xa xôi, đi lại khó khăn, nên suốt 3 năm, bệnh tình của chị đã không
được chăm chữa đúng mức và khoa học. Bệnh chị ngày càng nặng, đến độ gần như đến
hết ngưỡng thử thách lòng kiên nhẫn chịu đựng của cộng đồng nhỏ bé ấy.
Anh đã tán gia bại sản. Suốt 3 năm không làm ăn gì được. Bán
hết đất đai lo chạy chữa cho chị. Cuối cùng, anh tuyệt vọng bán luôn nhà, quyết
bỏ xứ mà đi, buồn đau đến độ thề không quay về nữa!
Sau này tôi nghe kể, một người đàn ông bấy nay tháo vát, tự
tin, đầy nghị lực và yêu đời như anh đã ngồi trước hiên nhà khóc nức nở như một
đứa trẻ thế nào. Anh chị em bạn hữu thân thiết trong xứ gạt nước mắt tiễn gia
đình anh đi về phương trời vô định. Thương lắm, nhưng bó tay rồi, không biết
giúp sao nữa! Anh chị đã bỏ xứ ra đi rồi, sau này tôi đến đó thăm, các cụ lớn
tuổi và các bạn trẻ ở đó kể rằng họ đã để lại cho giáo xứ một vết đau chung xót
xa buồn thảm.
Gia đình có người bệnh tâm thần, nhất là ở cái nơi như Việt
Nam mình thuở đó, thì người thân khổ lắm, vô cùng khổ, cực kỳ đau khổ. Khi tôi
nói với anh tin vui, là anh chị và cháu hãy đến ở với chúng tôi ở giữa đất Sài
Gòn đông đúc này, đã "có bảo kê" từ chị thủ trưởng đảng viên cấp Quận,
nên chả ngán thèng nào sất, chả cần tạm trú tạm vắng hộ khẩu hộ kheo gì hết trọi.
Anh sững sờ không dám tin vào tai mình.
Ngồi ở quán cóc uống bia. Anh uống liên tu bất tận mà không
say. Anh ứa nước mắt, thú thực với tôi là anh đã có cám dỗ bỏ mặc chị lang
thang sống chết ra sao ở Sài Gòn thì cũng đành. Anh đã tính đường bồng con trốn
đi thật xa. Kể cả vượt biên. "Hà ơi. Thà cha con mình chết ngoài biển hay
trong rừng rú gì đó mình cũng chịu. Khổ quá! Khổ quá rồi! Đau khổ quá khiến
mình không còn chút hy vọng nào nữa, không thiết sống nữa!..."
Còn tôi, tôi cảm động nghĩ rằng sự khổ đau của một cá nhân
hay một gia đình, có khi lại là một ơn phúc cho cả cộng đồng. Trong cái thời buổi
mạnh ai nấy sống và không ai còn dám tin ai đó, lạ lùng là chính những cán bộ
nhà nước, những người "bên thắng cuộc", đã động mối từ tâm.
Người miền Nam lúc ấy đã có hơn 10 năm chung sống cận kề với
nhiều người đến từ miền Bắc mà phần đông là cán bộ đảng viên. "Bên thắng"
và "bên thua" đã bắt đầu có những mối giao cảm, xóa nhòa bớt những
ranh giới ly tán hận thù, vâng, một khi tình người nở hoa!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét