Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

Tâm sự của FB Michael Le : XUẤT CHÚNG (10-11-12) tiếp theo…


Tác giả : FB Michael Le (Lê Hồng Hà)

XUẤT CHÚNG (10)
Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa lúc ấy giống như ngôi làng nhỏ xây kiểu Pháp. Mỗi dãy nhà, (đúng hơn là mỗi căn nhà vì chỉ rộng hơn nhà tư nhân tí), lúc đó toàn là nhà trệt, đều có mảnh đất và hàng rào chung quanh. 
Vị y sĩ dẫn tôi đến nhà dành cho bệnh nhân nữ đã được "cắt cơn". Nhà này chỉ có hàng rào thấp bao quanh mảnh sân phía trước, với hai cây bông sứ thấp, trồng một ít hoa. Phía sau là sân tắm giặt, phơi đồ. Cổng rào không khóa, nhưng các cửa đi và cửa sổ của nhà đều có song sắt kiên cố, dòm y như nhà tù. 
Cô y tá mở cánh cửa sắt, lắc chùm chìa khóa leng keng, báo hiệu hết giờ ngủ trưa và được ra sân trước hóng mát rồi. Cô kêu tên chị bạn tôi, nói có người nhà đến thăm nè. Lập tức, cả phòng nhốn nháo hẳn lên. Mười mấy người xúm xít bu tới cửa đi và cửa sổ, tròn mắt dòm, nhưng lạ là không ai dám ra cả. 
Tôi thoáng thấy chị ngồi dậy, chậm chậm nhìn ra. Thấy tôi, chị chầm chậm xuống giường. Chị có vẻ vô cùng ngạc nhiên và mừng. Tôi cũng ngạc nhiên không kém, thấy chị tuy vội nhưng vẫn nhớ sửa sang lại áo sống, kẹp tóc lại cẩn thận trước khi bước ra. Mười mấy cô bệnh nhân dạt ra nhường lối cho chị. Tôi nghe những tiếng reo lên: "Có người nhà thăm rồi kìa! Có người nhà thăm kìa!". 
Vị y sĩ bảo tôi chịu khó gặp chị ở đây vì hôm nay ngày thường, phòng tiếp khách đóng cửa không có ai trực. Tôi mở cổng bước vào sân. Đã mấy tháng rồi tôi mới gặp lại chị. Chị vẫn đi chậm chậm như ngày nào. Chị mừng rớt nước mắt và đây là lần đầu tiên chị nắm lấy tay tôi, bằng cả hai tay chị. "Anh Hà. Sao anh tới đây được vậy? Em mừng quá! Em ở đây buồn lắm. Em nhớ con em lắm".
Có chiếc bàn đá tròn giữa sân và bốn ghế đá dài bao quanh. Tôi với chị ngồi đó. Chưa nói chuyện gì nhiều thì mười mấy nữ bệnh nhân ào ra hành lang, dòm chúng tôi một cách thèm thuồng, chỉ chỏ nói gì đó với nhau, người thì òa khóc, người thì mếu máo, người khác lại cười hí hí.
Tôi thực ngạc nhiên thấy chị nhìn những bạn đồng phòng bằng cái nhìn xót xa thương cảm. Chị nói với tôi: "Tội lắm anh Hà. Mấy chị thèm được người nhà tới thăm lắm, mà rất ít. Có chị ở đây lâu rồi mà không ai thăm cả". Chị cố gắng cất giọng yếu ớt, nói to lên: "Ra đây chơi đi mấy chị. Anh này là bạn của chồng em". 
Như chỉ chờ có thế, cả phòng ùa ra. Một chị lớn tuổi nhất, độ 40, nhanh chân nhất và bạo dạn nhất, chạy tới giành ngay chỗ kế bên tôi. Những cô khác rụt rè hơn, chạy tới rồi khựng lại chưa dám ngồi, miệng cười toe toét mà mắt rưng rưng như khóc. Tôi tươi cười mời các cô ngồi, lòng nhói lên, xót xa vì phần đông họ đều còn trẻ, thậm chí có cô còn rất trẻ.
May là tôi đã quen với các lớp Trẻ em Chậm phát triển nên cảnh này không làm tôi ngán. Ôi thôi là như cái chợ. Mạnh ai nấy nói. Có cô bỗng bật khóc hu hu. Cô khác la: "Im đi mày! Mày khóc bác sĩ cho mày lên phòng sốc điện bây giờ!". 
Nghe nhắc tới phòng "liệu pháp sốc điện", tôi thấy ai nấy mặt mày xanh lét. Cô kia càng kinh hoàng khóc to hơn, hai tay chắp lại vái lạy liên hồi, nhưng miệng thì la: "Không khóc nữa! Không khóc nữa!". (Phòng sốc điện là thế nào, tôi thực tình không dám kể. Ai muốn biết nó thế nào thì... hỏi ông Phạm Văn Thành, một cựu tù chính trị từng bị tra tấn bằng ghế điện). 
Chị tuổi 40 ngồi kế tôi thì nhắc đi nhắc lại cả trăm lần địa chỉ của chị, nhờ tôi đến nhắn người nhà rước chị về. Chị bảo cứ tới ngay chợ đó chợ đó, ghẹo bên trái đi tới một chút rồi ghẹo bên phải, ngay trân nhà có cây bông giấy là nhà chị....
Tôi rất ngạc nhiên, vô cùng ngạc nhiên vì sự bao dung tử tế của chị bạn tôi. So với tất cả bệnh nhân cùng phòng, chị là người ăn mặc chỉnh tề sạch sẽ nhất. Tóc chị gội chải mượt mà chứ không rối bời như những cô khác. Chị có vẻ còn rất mệt vì phải uống nhiều thuốc an thần. 
Một cô đứng dậy la lên: "Tụi bây có im hết đi không, cho người ta nói chuyện kìa! Người ta đến thăm người nhà chứ có thăm tụi bây đâu hả?". Cả nhóm lặng đi một chút, im re, rồi lại bùng lên như cái chợ! 
Mắt chị bạn tôi thỉnh thoảng sụp xuống và tôi thấy chị phải định thần, hít thở mấy hơi cho tỉnh. Chị nhìn người này người kia, mỉm cười với họ. Chị nói nhỏ với tôi: "Họ tội lắm anh à!".
Đã sống chung nhà với chị cả năm, thỉnh thoảng nghe chị kể chuyện. Dù là những mẩu chuyện rời rạc, tôi lờ mờ cảm nhận tấm lòng vị tha lạ kỳ của chị. Bây giờ ngồi đây, hơn hai tiếng đồng hồ ngồi bên chị và giữa nhóm bệnh nhân đáng thương này,  tôi vô cùng xúc động thấy chị "nhường" tôi cho các bạn đồng cảnh ngộ.
Ngay lúc ấy, tôi rúng động vì sự phi thường của chị. Tôi nghĩ tôi không sai khi nói rằng chị là một người "xuất chúng" (đó là một trong hai lý do tôi lấy chữ đó đặt tựa cho loạt bài này).    
Tôi quyết phải làm mọi cách để chị được xuất viện. Có mất bao nhiêu công sức và thời gian nữa, tôi cũng sẽ quyết đồng hành với gia đình anh chị. Tôi tin là chị sẽ được bình phục. Một người có trái tim nhân hậu đến thế thì nhất định sẽ được chữa lành. Nhất định Chúa sẽ chữa chị lành! Tôi tin chắc chắn thế!

XUẤT CHÚNG (11)
Từ bệnh viện thăm chị về, tôi ghé đến chỗ anh làm việc để "báo cáo tình hình". Tôi nói bẵng thời gian lâu không gặp chị, thấy chị thuyên giảm không ngờ. Trông chị khá lắm. Lần lên cơn trở lại vừa rồi có lẽ do thời tiết quá nóng và do chị sơ suất quên tăng liều thuốc hàng ngày lên chăng?
Anh báo tin mừng cho tôi. Đã có giải pháp. Một người chị vợ của anh nhân có việc đi Sài Gòn đã tìm đến thăm. Nghe tình hình như vậy, chị sẵn lòng rước em gái mình và cháu về ở chung, dự định vài tháng hay một năm. Chị ấy sống với chồng và hai đứa con nhỏ ở Đà Lạt. Chồng chị lại phải đi công tác xa nhà lâu ngày. Thôi thì hai chị em đùm bọc nhau một thời gian.
Tôi mừng quá! Tôi biết anh với gia đình bên vợ bất hòa đã lâu, và anh từng 'khắc khẩu' nhất, va chạm nhiều nhất là với với bà chị vợ này. Nay chị ấy không những đích thân tìm đến làm lành mà còn sẵn sàng góp một tay giúp hai em mình. Khí hậu Đà Lạt lại quá lý tưởng cho người bệnh. Ôi, cám ơn Trời! Quá tốt!   
Niềm tin! Niềm tin! Tin rằng người bệnh sẽ được hồi phục! Khi mà mọi người thân chung quanh người bệnh tâm thần đều dám TIN rằng bệnh nhân sẽ hồi phục, thì tôi nghĩ... đến Chúa cũng không dám 'cãi'.  
Người chị đã rước cháu về Đà Lạt trước. Anh bạn tôi đã có thể an tâm rồi. Mùa Tết đến, công việc đã rất nhiều mà chủ còn giao anh thêm nhiệm vụ trực Tết. Chúng tôi thống nhất với nhau: cuối tuần anh sẽ đến bệnh viện rước chị về, và hôm sau tôi sẽ tháp tùng đưa chị đi Đà Lạt.  
Sáng đó tôi ra bến xe, chờ một chút thì anh chở chị bằng xe đạp lọc cọc đến. Chị trông vẫn còn rất mệt. Mấy ngày cận Tết khó mua vé, rốt cuộc chỉ còn hai chỗ trên chiếc xe nhỏ chật cứng mà ghế tựa thì chỉ cao ngang lưng. Kiểu này ngồi rất mỏi. 
Tôi ngồi 'chặn' cửa sổ, chị ngồi bên. Đứng dưới xe, anh với tay nắm lấy tay chị. Lần đầu tiên tôi thấy anh nhìn chị bằng cái nhìn dịu dàng. tràn đầy yêu thương âu yếm, trước mắt tôi, không ngại ngần gì nữa. Anh dặn dò vài điều, rồi nói: "Em có mệt, cứ ngả vào vai Hà mà ngủ. Giữ sức khoẻ và chăm sóc con giùm anh. Anh thu xếp công việc sớm rồi sẽ rước hai mẹ con về với anh". 
Thật cảm động! Tự nhiên tôi có cảm tưởng anh vừa 'tuyên hứa' lần nữa lời thề yêu thương với vợ mình, trước mặt... 'người chứng hôn' là tôi: "Anh hứa lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh tật cũng như khi khỏe mạnh, sẽ tôn trọng và yêu thương em, suốt đời anh!".
Chiếc xe cà rịch cà tang, dừng tới dừng lui thả khách đón khách, chạy cả hơn nửa ngày mới tới Đà Lạt. Chị ngủ suốt, không ăn gì, chỉ ráng dậy khi tới giờ uống thuốc. Tôi quàng vai để chị ngả vào tôi mà ngủ, vừa như đứa em gái bé bỏng tội nghiệp, vừa như người chị mà tôi đã thoáng thấy vẻ đẹp kỳ lạ của tâm hồn, một người chị tôi vừa thân thiết vừa thực lòng kính trọng.       
Về tới Đà Lạt, chị vui và khỏe hẳn lên khi được gặp lại con. Hai chị em cũng rất mừng gặp lại nhau sau mấy năm xa cách. Người chị nói với tôi: "Vợ chồng em chỉ là bạn mà còn thương giúp đỡ đùm bọc tụi nó, chị là chị thì làm sao bỏ em bỏ cháu mình được".
Cả ngày ngồi bó chân trên xe, tôi xin phép đi bộ lòng vòng kiếm quán cafe, ngắm Đà Lạt xem nó ra làm sao, cũng là để hai chị em tha hồ tâm sự. Một dãy dài cả chục quán liên tiếp, tôi rảo một vòng, chọn quán nào có nhạc hạp gu nhất, ghé vô. 
Ngồi đó, hút thuốc liền tù tì, một cơn trống rỗng buồn bã bỗng từ đâu ập tới. Tôi ngẫm nghĩ thân phận lông bông của mình. Tôi ngẫm nghĩ về tình trạng hôn nhân của chính vợ chồng tôi. Chúng tôi rất thương nhau, có vẻ rất giống nhau rất hạp nhau nữa, nhưng không hiểu sao cứ khủng hoảng hoài! 
Tôi kêu thêm cafe, quên cả thời gian, trời tối hẳn lúc nào không hay, bỗng giật mình vì chị cùng đứa con đứng trước mặt tôi tự bao giờ. "Anh Hà! Trời đất! Chị em cứ sợ anh giận hay buồn gì chị. Đã dặn anh về ăn cơm sao anh không về?"
Tôi lật đật theo chị về nhà. Đi qua dãy quán cafe, chị đùa vui: "Trời tối quá, mẹ con em phải vô từng quán, đi tới từng bàn tìm anh. Mắc cười quá. Chắc ai cũng tưởng em đi tìm chồng bắt ghen".     
Về tới nhà thì người chị đã cho con đi ngủ rồi. Tôi ngại không dám ăn uống gì nữa. Nhà rất nhỏ. Chỉ một phòng ngủ cho chủ nhà. Có căn gác thấp phía trên bếp phía sau. Một cái mùng đôi cho hai mẹ con chị. Một mùng đơn cho tôi kế bên. 
Trong ánh đèn nhỏ mờ mờ, chị ngồi đó với đứa con ngủ trên tay. Tôi ngồi đối diện. Chị đã ngủ cả ngày trên xe nên lúc này thật tỉnh táo. Quen biết nhau đã gần 3 năm, từng sống chung nhà hơn 1 năm, vậy mà đây là lần đầu tiên chị với tôi nói chuyện với nhau nhiều đến thế, gần như suốt đêm. 
Lần đầu tiên người bệnh tâm thần ấy bộc lộ với tôi về nội tâm của chị, về những kỷ niệm của chị, những gì chị suy nghĩ, chị ước ao, chị thất vọng và hy vọng. Một cuộc trò chuyện vô cùng quý giá và ý nghĩa cho tôi!

XUẤT CHÚNG (12)
Ai làm việc trong ngành tâm lý trị liệu đều phải biết nguyên tắc giữ kín những điều riêng tư mà 'thân chủ' thố lộ, cũng gần như một linh mục phải giữ kín những 'bí mật tòa giải tội' vậy. Thực ra, tôi có phải nhà trị liệu trị liếc gì đâu. Tôi chỉ là người bạn, có duyên đồng hành với một người bạn từng mắc bệnh tâm thần phân liệt và thân nhân của người ấy, trong một thời gian khá dài. 
Tôi kể lại câu chuyện dài dòng này sau khi đã cân nhắc thật lâu mình có mạo phạm những điều riêng tư của người khác không. Tôi dám kể, bởi vì thấy câu chuyện của gia đình anh chị bạn tôi rất gần gũi với tất cả chúng ta - phận người mong manh khó nhọc của chúng ta giống nhau lắm. Tôi còn muốn kể, với hy vọng chia sẻ một kinh nghiệm mình may mắn được nếm trải, rằng thế giới nội tâm của một người bệnh tâm thần thì không khác gì chúng ta cả.
Những gì chị tâm tình với tôi trong đêm đó không có gì là quá bí mật nhưng có lẽ khá bất ngờ. Người bệnh tâm thần, ngay cả trong giai đoạn bệnh nặng nhất, cũng có thể cảm nhận đầy đủ về 'thực tại' chung quanh y như tất cả chúng ta, có khi còn nhạy cảm hơn chúng ta về vài khía cạnh nào đó của cuộc sống.
Chị hỏi tôi còn nhớ ngày đầu tiên chị đến ở với gia đình chúng tôi không? Tôi làm sao quên được. Cái 'máu nghề nghiệp' làm tôi luôn nhủ mình chăm chú 'lắng nghe' mọi thông điệp từ chị - những thông điệp bằng lời và quan trọng hơn nữa, những thông điệp không lời: cung giọng của câu nói, ánh mắt, sắc mặt, cử chỉ, hành động... 
Tôi vẫn thường xuyên ôn đi ôn lại những 'thông điệp' của chị trong suốt một năm sống chung nhà, để mong hiểu được chị thật chính xác và thật 'thấu cảm'. "Hãy để những thông điệp ấy vang đi dội lại trong tâm trí mình", cô Tô Thị Ánh, sư phụ môn tâm lý trị liệu của chúng tôi, thường hay nhắc chúng tôi thế.     
Tôi nhớ lắm. Hôm đó ngày nghỉ, vợ con đi vắng, tôi ở trường một mình. Anh chở chị đến, có lẽ ngay sau khi vừa rước chị về từ bệnh viện Tâm thần Biên Hòa. Tôi đưa anh chị lên phòng trên tầng 4 đã dọn dẹp sạch sẽ nhưng trống trơn chưa có giường chiếu gì cả. Chị lừ đừ, lên cầu thang rất chậm chạp, khuôn mặt trơ trơ như hoàn toàn vô tri vô cảm. Chị lăn ngay ra nền gạch bông nằm li bì, chắc là ngủ. Anh chỉ kịp chào hỏi tôi vài câu rồi phải đi ngay để đón đứa con nhỏ đang gởi nhờ ai đó. Hôm đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp mặt chị. 
Tôi xuống phòng vợ chồng tôi ở tầng 3, lấy lên cho chị chiếc gối và tấm chăn mỏng. Chị nằm chơ hơ trên nền gạch tội quá. Gọi mấy lần không thấy chị trả lời, tôi nhẹ nhàng nâng đầu chị lên để luồn chiếc gối vào dưới rồi đắp tấm chăn ngang bụng chị. Tôi làm những điều đó dịu dàng như một y tá chăm sóc bệnh nhân. Thấy trời nóng, tôi lại xuống rót cho chị ly nước và lấy chiếc quạt máy lên.
Chị kể lại, lúc đó đầu chị nặng chịch, mắt mở không lên vì thuốc, nhưng chị biết hết. Vào bệnh viện tâm thần, nhìn những bệnh nhân chung quanh lên cơn điên, chị biết hết, quan sát được hết và điều đó làm chị phải nhớ lại, ôn lại những lần lên cơn của mình. Thì ra bệnh tâm thần nó kinh khủng như thế đó, bi thảm và tội nghiệp như thế đó. Chị tuyệt vọng và chỉ muốn chết. Chết để giải thoát cho chồng con mình. 
Chị biết hết. Chị biết chồng chị phải để chị nằm lại căn nhà xa lạ này, có người đàn ông xa lạ này. Chị biết tôi đến gần bên chị, quỳ xuống bên chị. Chị nghe hết những lần tôi gọi tên. Chị muốn ngồi bật dậy mà không được, mắt mở không lên, miệng muốn nói mà không thốt ra lời. Chị cảm thấy bơ vơ, yếu đuối và bất lực, không thể tự vệ gì được nữa. 
Người đàn ông này là thế nào? Sao anh ta dám chạm vào mình? Sao anh ta nâng đầu mình lên? Chị kể từ khi bị bệnh, có nhiều lúc chị sợ hãi mọi người chung quanh. Ai cũng sẽ khinh bỉ và ghét bỏ mình vì mình không còn là con người bình thường. Ai cũng sẽ có thể trừng trị mình hay làm hại mình. Nếu người đàn ông xa lạ này làm bậy với mình thì sao, khi chung quanh không có ai để mình kêu cứu? 
Chị mỉm cười, anh mắt trở nên thật vui. "Anh Hà biết không? Ngay lúc đó mà em vẫn cảm thấy ngạc nhiên sao ông này cứ một hai kêu mình bằng chị. Em biết rõ em đang trên tầng lầu rất cao. Nếu anh làm bậy, em nghĩ em sẽ lao ra lan can cầu thang và nhảy xuống. Em buồn lắm rồi. Chán nản lắm rồi. Tuyệt vọng về bản thân mình lắm rồi..."
Chị kể ngay sau hôm đầu tiên đó, chị đã cảm thấy an tâm và tin cậy. Anh này là một người đàng hoàng tử tế. Tối đó khi gặp vợ con tôi lên phòng chào hỏi, chị càng cảm thấy an tâm hơn. Chị biết mẹ con chị đang được tá túc ở một gia đình hiền lành. Chị nói tuy vậy, phải mất một thời gian lâu nữa, chị mới bớt mặc cảm và thấy thoải mái hơn khi sống chung một nhà với chúng tôi.
"Anh Hà. Em xem anh như anh ruột của em. Còn thân thiết hơn anh ruột của em nữa. Không biết nói lời nào để cám ơn anh!".
Chị mở đầu những lời tâm tình như thế đó. Tôi chỉ còn biết chăm chú nghe, ngạc nhiên hết sức về những gì có thể diễn ra trong tâm trí một người đã bị xếp vào dạng "tâm thần phân liệt". Ôi, ai dám bảo là họ điên nhỉ? 
Ôi, những người vô tình buông ra những lời nhận xét cợt nhã hay thậm chí xúc phạm phẩm giá của những người bệnh tâm thần... Ôi, kể cả những đàn ông xấu tính xâm hại tiết hạnh của những nữ bệnh nhân... Ôi, thực ra, ai điên hơn ai?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét