Tác giả :
FB Michael Le (Lê Hồng Hà)
XUẤT CHÚNG (4)
Cậu
em kế tôi năm 17 tuổi, đến chơi nhà bà cô ở Long Khánh, chắc muỗi rừng đốt sao
đó, bị sốt xuất huyết. Lúc đó tôi 18, ăn dầm nằm dề ở bệnh viện Tỉnh chăm sóc cậu,
chứng kiến những lần chàng ta sốt cao và mê sảng. Đó có lẽ là ấn tượng đầu tiên
của tôi về hoạt động kỳ lạ của 'bộ máy tâm thần' của loài người.
Cái
thực và cái hoang tưởng cứ trộn lẫn với nhau trong nhận thức. Có những lời lẽ,
cử chỉ, kể cả cảm xúc, có vẻ như chẳng ăn nhập gì với thực tại hay có lẽ trộn lẫn
những ảo thanh ảo giác nào đó, chúng có thể đối với ta là vô nghĩa hoặc làm ta
nhầm lẫn, chứ thực sự chẳng biết được điều gì đang thực sự xảy ra trong tâm trí
những người lên cơn mê sảng hay cơn điên tâm thần.
Và
có điều kỳ lạ là những lúc 'lên cơn', chẳng hiểu sức mạnh từ đâu nhập vào cậu
em tôi. Bốn người vận hết sức mới giữ được cậu hết cục cựa vùng vẫy, để cô y tá
với cái kim dài và to nhìn phát sợ, rút lấy tủy từ đốt xương sống cuối!
Tôi
chỉ nghe kể loáng thoáng về những lần lên cơn của chị vợ anh bạn tôi lúc còn ở
nhà quê. Thú thực tôi không muốn hỏi, không muốn biết, và nếu có nghe cũng
không muốn nhớ.
Không
cần hỏi, cũng có thể mường tượng ra người chung quanh, nhất là người thân, khổ
sở đến mức nào. Có khi còn kinh hoàng nữa, vì không ai đoán trước được khi nào
cơn điên bùng phát và lúc đó người bệnh tâm thần sẽ làm gì. Gần như 24/24 phải
căng thẳng trông chừng, bởi có thể có những hành động nguy đến tính mạng của
chính bệnh nhân hay của người khác.
Tôi
gạt hết những mường tượng đáng sợ đó ra khỏi đầu. Vợ chồng tôi cũng chẳng bao
giờ nói hay bàn với nhau về những nguy cơ có thể xảy ra. Chúng tôi chỉ một mực
tin rằng nếu mình làm điều tốt thì Trời che Đất chở, Chúa sẽ hộ phù để không
bao giờ xảy ra tai nạn.
Vả
lại, chăm sóc một người bệnh tâm thần, từ trực giác, chúng tôi biết là rất cần
bầu khí bình an, yêu thương, ấm cúng. Anh chị đến ăn nhờ ở đậu, lại trong tình
cảnh chị bệnh hoạn, đặt mình vào hoàn cảnh họ, mình cũng rất ngại, rất mặc cảm.
Thành ra chỉ biết tế nhị nhẹ nhàng hết sức, tạo sự thân ái như trong gia đình.
Tôi
nghĩ cứ làm sao cho anh ấy cảm thấy thoải mái bình an, đứa con trai 3 tuổi của
anh chị vui vẻ khỏe mạnh, thì có lẽ đó là cách tốt nhất gián tiếp giúp chị hồi
phục rồi.
Nhìn
đống thuốc mà bác sĩ buộc phải uống hàng ngày mà tội cho chị. Rất nhiều thuốc,
mà phần quan trọng là thuốc an thần liều cao, thứ mà người lớn bình thường
không được uống quá nửa viên. Không còn nhớ rõ, hình như mấy tháng đầu cứ 4 hay
6 tiếng chị phải uống một lần, mỗi lần mười mấy viên.
Tôi
chỉ kín đáo quan sát xem chị có nhớ uống thuốc không, chứ tự dặn lòng không nhắc.
Không muốn chị cảm thấy bị áp lực. Thầm phục chị. Có lẽ vì thương chồng, thương
con, chị cố lấy hết nghị lực của mình ra mà hàng ngày uống đủ thuốc, đúng giờ.
Thuốc
nhiều quá, lúc nào chị cũng lừ đừ. Khuôn mặt nặng chịch. Ánh nhìn trơ dại vô cảm
xúc. Tôi bày đủ trò cho hai đứa bé chơi. Cố chọc chúng cười. Cũng may đứa con
trai của anh chị và đứa con gái của chúng tôi sàng
Thuốc
nhiều quá, lúc nào chị cũng lừ đừ. Khuôn mặt nặng chịch. Ánh nhìn trơ dại vô cảm
xúc. Tôi bày đủ trò cho hai đứa bé chơi. Cố chọc chúng cười. Cũng may đứa con
trai của anh chị và đứa con gái của chúng tôi sàng sàng tuổi nhau, hai đứa đều
đỡ buồn vì có bạn.
Những
lần hai đứa bé lẫm chẫm rượt nhau cười như nắc nẻ, tôi liếc nhìn chị, thầm mong
chị nở nụ cười. Chỉ thấy ánh mắt chị sáng lên một thoáng, giống như một thoáng
sáng lên khi chiều tối chồng chị đi làm về. Chỉ thế thôi, rồi dường như chị lại
chìm vào bất động.
Một
năm trôi qua thật nhanh. Đúng là trời thương. Chúng tôi ở trên tầng 3, rộng
rãi, thoáng mát, yên tĩnh. Chị rất ít khi dám chủ động nói gì với tôi, chỉ hỏi
những gì cần. Tôi cũng tôn trọng không hỏi han không nói gì nhiều với chị.
Chị
ngồi thừ cả ngày đó. Khi mệt thì nằm luôn trên bộ salon dài mà ngủ. Có di chuyển
thì đi rất chậm. Cái vẻ bên ngoài đó làm chúng ta tưởng thế giới nội tâm của
người bệnh tâm thần là hoàn toàn ngưng đọng, 'bất động', đầu óc đặc sệt không
nghĩ gì được cả.
Nhưng
không. Tôi lầm. Sau này tôi mới biết chị ấy suy nghĩ nhiều lắm, cũng như tất cả
chúng ta vậy. Đầy cảm xúc, đầy cảm nhận, đầy vui buồn, lo âu, thất vọng, hy vọng...
như chúng ta. Mà có khi còn hơn chúng ta, bởi chị không bị chia trí vì công ăn
chuyện làm hàng ngày...
Ôi,
tôi muốn viết ngắn thôi nhưng không biết cắt bớt chỗ nào. Đành phải thêm một kỳ
nữa vậy.
XUẤT CHÚNG (5)
"Người
điên không biết nhớ và người say không biết buồn", câu đó chỉ là... văn
nghệ, hát cho vui thôi, chứ trật lất rồi. Sư phụ môn tâm lý của chúng tôi,
soeur Tô Thị Ánh, nói rằng sở dĩ ngành tâm thần rất cần sự hỗ trợ của khoa tâm
lý trị liệu là vì người bệnh không phải lúc nào cũng chìm trong cơn điên. Họ
cũng có những lúc buồn, nhớ, khổ đau, hạnh phúc, ghét hận, thương yêu... như tất
cả chúng ta thôi.
Có
những lúc thần kinh dịu lại, họ nhớ hết, buồn bã đau đớn vì căn bệnh của mình,
thấy mình vô dụng và làm khổ người thân biết bao nhiêu. Họ thường tuyệt vọng
không muốn sống nữa. Nếu ý nghĩ tiêu cực ấy không biết tỏ cùng ai, không được
giải tỏa, thì không ai lường trước được họ sẽ làm gì, nhất là khi cơn điên trở
lại. Nhiều bệnh nhân tâm thần đã tự tìm đến cái chết, có khi bằng những hành động
tự sát khủng khiếp.
Bệnh
tâm thần, nhất là tâm thần phân liệt, thì là bệnh phải uống thuốc suốt đời rồi.
Chỉ có bác sĩ chuyên ngành, đôi khi cần cả những xét nghiệm và kỹ thuật y khoa
hỗ trợ (như máy điện não đồ chẳng hạn), thì mới có đủ thẩm quyền để kê toa thuốc
và liệu pháp. Thành ra, nhất thiết phải đến bác sĩ, đi bệnh viện, và như các loại
bệnh khác: khám và chữa càng sớm càng tốt!
Ngoài
ra, những mối tương giao xã hội của người bệnh cũng rất quan trọng. Phản ứng của
người thân quen, của họ hàng, làng xóm láng giềng... đóng vai trò không nhỏ
trong việc giúp bệnh tình thuyên giảm hay vô tình làm nặng thêm.
Người
ta đã hiểu ra rằng việc 'giam' người bệnh vào những viện tâm thần chỉ là biện
pháp tức thời những lúc cần 'cắt cơn' thôi, chứ không giải quyết được vấn đề.
Vì thế mà mạng lưới phòng khám và cấp thuốc ở Sài Gòn, ngay từ thời chúng tôi,
đã được rải khắp các quận huyện. Người bệnh cũng như chúng ta, cần được sống
hòa nhập với gia đình và xã hội.
Ở
các nước tiên tiến, ngoài bác sĩ y khoa và nhà trị liệu tâm lý, cần có những
cán sự xã hội nữa. Đó là những nhân viên đến tận môi trường sống của bệnh nhân
để tìm cách tác động vào đó, giúp tạo ra bầu khí quan hệ tốt đẹp nhất có thể
chung quanh cuộc sống của người bệnh.
Phải
nhấn mạnh lần nữa rằng bệnh tâm thần trước tiên là bệnh thể lý. Chúng ta đừng vội
gán vào đó những suy diễn vô căn cứ mà làm khổ người bệnh và thân nhân họ, như
là bị... 'ma nhập', bị bùa ngải, bị thất tình, bị ngược đãi, bị 'quả báo' vân
vân... Sự sai lầm đó rất tai hại! Đơn giản, cũng như một người yếu bao tử chẳng
hạn, phải kiêng ăn và có khi phải dùng thuốc suốt đời, bệnh tâm thần cũng vậy
thôi.
Khi
người bệnh tâm thần đã bình an chấp nhận căn bệnh của mình như là đón nhận số
phận; đã tự giác chăm đến phòng khám, tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, uống thuốc
đều đặn theo toa... là xem như căn bệnh đã được giải quyết đến hơn một nửa rồi.
Nửa còn lại, là giúp người bệnh và thân nhân tìm thấy bình an và ý nghĩa ngay
trong sự không may của đời mình.
Về
phía xã hội cũng thế. Làm sao mỗi cộng đồng dân cư chúng ta cũng có thể cảm thấy
bình an và ý nghĩa nơi sự có mặt của những người bệnh tâm thần. Đó là cách tốt
nhất giúp họ mà cũng là giúp chính chúng ta.
Phận
người, sinh lão bệnh tử là chuyện thường mà! Đời người ngẫm cho kỹ, cũng chỉ là
vô thường và phù vân thôi mà! Biết phận người là thế, lẽ đời là thế, chúng ta lại
càng thấy cuộc sống này có gì quý báu hơn là tình người với nhau, thương nhau,
giúp nhau. Mưu cầu hạnh phúc cho người chung quanh thì cũng chính là làm điều
đó cho mình và người thân của mình.
Bởi,
xét cho cùng, ai trong chúng ta cũng... điên cả, không nhiều thì ít. Bộ máy tâm
thần của loài người chúng ta vẫn còn là cả một thế giới bí ẩn khôn dò thấu. Biết
đâu, chính những người bệnh tâm thần lại ít điên - đảo điên mộng tưởng - hơn
chúng ta.
XUẤT CHÚNG (6)
Bán
đất bán nhà, bồng đứa con 3 tuổi, đưa người vợ đang bệnh nặng ra đi, hai bên
gia đình và cả giáo xứ không ai biết anh đi đâu, chỉ biết chỗ cuối cùng anh ghé
là bệnh viện Tâm thần Biên Hòa, trung tâm chuyên ngành lớn nhất ở phía Nam.
Một
sự tủi thân tủi phận, hờn giỗi cuộc đời nào đó khiến anh chỉ muốn biệt tích,
người thân thuộc không còn ai biết đến mình. Mà thực ra, anh có nói đến ở với vợ
chồng chúng tôi thì cũng chả ai hiểu mô tê ra sao cả, vì chúng tôi và anh chị
chẳng hề quen biết nhau trước. Vợ tôi thì có gặp anh một lần, ở một dịp tĩnh
tâm chung ở Đà Lạt dành cho trưởng các nhóm trẻ ở vài giáo xứ thuộc các tỉnh
khác nhau.
Lúc
đó vào dịp gần Tết. Anh chị đã ở với chúng tôi hơn 1 năm. Tôi khuyên anh liên lạc
lại với hai bên gia đình và giáo xứ cũ, để họ đỡ lo lắng và điều đó sẽ tốt cho
chị. Anh nghe lời. Anh chị đã phấn khởi hơn nhiều vì số thuốc mà bác sĩ kê toa
uống hàng ngày đã giảm xuống chỉ còn 1/3, chứng tỏ bệnh chị đã thuyên giảm rất
nhiều.
Một
chú ở giáo xứ kinh tế mới đó, nhân có dịp đi Sài Gòn, đã được hai bên gia đình
và bà con giáo xứ "ủy quyền" đến thăm chúng tôi. Chú ấy mang theo cây
trái miền quê làm quà.
Người
bệnh mừng lắm. Chị bặt hẳn tin tức từ gia đình và làng quê quá lâu rồi. Chị hoạt
bát hẳn lên, tíu tít hỏi han chuyện nhà. Chúng tôi tế nhị tránh đi để hai chú
cháu nói chuyện. Nhưng, tôi không ngờ cuộc chuyện trò ấy làm ông chú hoảng kinh
hồn vía và phải đi đến một quyết định khó khăn.
Chú
thực lòng kể lại tôi nghe những lần chị lên cơn kinh khủng ở nhà quê, ví dụ những
tiếng ảo thanh trong đầu cứ thúc giục chị đem đứa con mới sanh... nhúng vào nồi
cháo heo sôi sùng sục để tẩy trùng, để nó sẽ không bị mắc bệnh như mẹ! Cả làng
xóm hoảng kinh vì những cơn điên của chị.
Chú
không yên tâm chút nào. Chú nói chị ấy tâm sự rằng chị rất áy náy nghĩ ngợi vì
đã làm phiền chúng tôi quá nhiều. Trong mấy tháng ở với chúng tôi, đã mấy lần
có tiếng nói trong đầu thúc giục chị tự sát để không thành gánh nặng cho ai nữa.
Đã có lần chị bồng đứa con, đưa ra khỏi lan can cầu thang tầng 3. Chị muốn hai
mẹ con chết cùng nhau, giải thoát cho chồng chị và cho cả chúng tôi.
Tôi
cảm thấy chú ấy rợn cả tóc gáy lên, mặt xanh không còn giọt máu khi kể tôi
nghe. Theo chú thì bệnh không thể dứt được và tai họa sẽ tới không biết khi
nào. Chú nghĩ rằng phải gởi chị vào hẳn bệnh viên tâm thần, không thể để như thế
này được!
Tôi
năn nỉ chú đừng nói cho ai nghe cả, kể cả vợ tôi và càng không nên nói lại với
chồng chị. Tôi khăng khăng nói chú phải tin Chúa. Chúa nhất định không để xảy
ra tai họa gì đâu. Có điều tôi không thể thuyết phục được chú ấy an tâm.
Những
sự rắc rối bắt đầu xảy ra cho chúng tôi từ đó. Câu chuyện lan ra, nhiều người
biết. Khổ nhất là bạn bè thân thiết của vợ tôi, những người rất yêu quý chúng
tôi, cũng biết. Mọi người đều lo lắng. Nhiều tiếng nói can gián góp ý đủ điều!
Bây
giờ, chính vợ chồng chúng tôi lại trở nên mất bình an! Thiệt là khổ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét