Link: https://www.facebook.com/share/19vkCLMgRq/
VÌ SAO SANH QUÁN TRỞ THÀNH MỐI QUAN TÂM TRƯỚC NHỨT?
* Chú ý: Văn hóa người Việt KHÔNG truy lai lịch xa xăm như văn hóa người Hán. Truy nguyên RẮC RỐI, cách nào đó, tức là đã NHIỄM văn hóa Hán vào người!
* Có những kẻ rêu rao "nhớ nguồn cội", nhưng lại không biết trân trọng - trước nhứt - vùng đất chôn nhau cắt rún, ắt không thể trọn đạo làm người!
&1&
Mời quí bạn đọc câu chuyện sau. Nguyễn Huệ sanh năm 1753 tại Tây Sơn, QUI NHƠN xứ Nẫu, thuộc Đàng Trong. Trong khi đó, triều đình Đông Kinh (tức Thăng Long) của vua Lê Chiêu Thống ở Đàng Ngoài vừa thủ cựu vừa tệ hại, rước giặc Thanh vào.
Nếu bấy giờ binh lực của Nguyễn Huệ, từ Đàng Trong tấn công ra Thăng Long mà không thắng quân Thanh, chuyện gì xảy ra cho vận mệnh quê hương? Nước Việt làm phiên thuộc, chư hầu cho Tàu là cái chắc.
(ghi chú thêm: năm 1799 sau khi Nguyễn Phước Ánh đánh thắng Tây Sơn, đổi tên gọi “Qui Nhơn” thành “Bình Định”)
1.1) Cha Nguyễn Huệ là Nguyễn Phi Phúc, ông nội là Hồ Phi Tiễn (theo biên khảo “Lịch sử nội chiến Việt Nam từ 1771 đến 1802” của Tạ Chí Đại Trường, ông Hồ Phi Tiễn đã đổi họ của người con sang họ Nguyễn của mẹ), ông cố là Hồ Phi Long. Hết thảy các đời đều sanh trưởng ở xứ Nẫu!
1.2) Chỉ vào đời ông sơ, xa lắc xa lơ, được sử liệu ghi là ở Nghệ An; có những người, lạ thay, chỉ nhắc đi nhắc lại, “Nguyễn Huệ quê quán Nghệ An”.
Đời cha của Nguyễn Huệ, ở xứ Nẫu, không xứng gọi “quê quán” hay sao? Đời ông nội của Nguyễn Huệ, ở xứ Nẫu, cũng không được gọi là “quê quán” hay sao? Đời ông cố của Nguyễn Huệ, ở xứ Nẫu, cũng không đáng gọi là “quê quán” à?
Xứ Nẫu của Đàng Trong - như vậy - đã hoàn toàn trở thành quê quán của Nguyễn Huệ rồi đa! Và, SANH QUÁN tại Tây Sơn (QUI NHƠN) của Nguyễn Huệ là nơi nuôi dưỡng hào khí, trở thành mối quan tâm hàng đầu, quan tâm trước nhứt là vì vậy!
&2&
Mời quí bạn cùng xem xét trường hợp sau: Trần Cảnh (陳煚), sanh năm 1218 tại Nam Định, là người lập nên triều đại Nhà Trần (niên hiệu Trần Thái tông). Cha của Trần Cảnh là Trần Thừa (陳承), ông nội là Trần Lý (陳李), ông cố là Trần Hấp (陈翕). Còn đời ông SƠ của vua Trần Thái tông (Trần Cảnh), quí bạn có biết, là ai không? Ông sơ tên Trần Kinh (陳京), là người Tàu ở Phước Kiến. Ông từ bên Tàu qua nước Việt làm ăn, rồi định cư, các đời sau đó lấy vợ xứ Việt, sanh con đẻ cháu tại nước Việt.
Nếu truy nguyên lai lịch phải ngược tới đời ông sơ mới … thỏa mãn ý đồ (qua câu chuyện Nguyễn Huệ), như vậy, ở đây cũng phải ngược tới đời ông sơ của Trần Thái tông để thỏa mãn “ghi nhớ” nguồn cội là … Trung Quốc?
Theo cái mửng “truy nguyên quán” xa xăm kiểu đó, cứ dắt dây ngược dòng thời gian, biết đâu có nhiều người dân xứ Bắc phát giác tổ tiên là… bên Trung Quốc không chừng?
&3&
Văn hóa Hán nặng nề về lai lịch, thể hiện qua ngôn ngữ “dắt dây” ngược các đời rất tỉ mỉ. Theo bộ tự điển Nhĩ Nhã (爾雅) của Trung Quốc, định danh như sau:
Phụ thân (父亲, “cha”), ngược lên Tổ (祖, “ông nội”), Tằng Tổ (曾祖, “ông cố”), Cao Tổ (高祖, “ông sơ”), Thiên Tổ (天 祖, “cha của ông sơ”), Liệt Tổ (烈 祖, “ông nội của ông sơ”), Thái Tổ (太 祖, “ông cố của ông sơ”), Viễn Tổ (遠 祖, “ông sơ của ông sơ”), Tỵ Tổ (鼻 祖, “cha của ông sơ của ông sơ”)…Và Thủy Tổ (始 祖, người thành lập dòng tộc).
Trong khi đó, văn hóa người Việt gọi “cha”, “ông nội”, “ông cố”, “ông sơ” - hết thảy những cách gọi này thuộc về Quốc âm (Nam âm) trong tiếng Việt! Ngược xa hơn đời “ông sơ”, người Việt không định ra cách gọi riêng cho từng đời nữa (còn văn hóa Hán thì tiếp tục định danh, lủ khủ: “thiên tổ”, “liệt tổ”, “thái tổ”, “viễn tổ”, “tỵ tổ”…).
Cách gọi bằng tiếng Việt, như vậy, là bằng chứng cho thấy người Việt mình mang lòng kính nhớ tiên tổ một cách mạch lạc, chớ không rườm rà, khệ nệ quá sức.
Nói nào ngay, rất nhiều gia đình người Việt hiện nay cũng không biết đến ông sơ, chỉ biết ông cố, hoặc chỉ biết ngược tới đời ông nội – cũng không sao hết, đặt bài vị chung cho các đấng khuất mặt khuất mày, xa xăm, gọi chung là “Tổ Tiên”.
THAY LỜI KẾT
Nhớ ơn cha mẹ, ông bà..., lúc các vị còn sống thì phải trọn đạo Hiếu.
Nhưng, có lắm kẻ cư xử với ông bà không ra gì, thậm chí "đấu tố" này kia, nhưng lại bày vẽ khấn vái, xoen xoét ca ngợi "quê quán" - nghĩ kỹ đi, có khác nào trò lừa bịp?
Điều hệ trọng cho mỗi đời người, TRƯỚC NHỨT là vùng đất chôn nhau cắt rún. Sanh quán mà không biết trân trọng, ắt không thể trọn đạo làm người!./.
----------------------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét