Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

FB Lược Sử Tộc Việt: Tư tưởng của một vị vua triều Nguyễn

Đang tìm tư liệu thì ad vô tình tìm thấy đoạn này do Minh Mạng nói: 

"Vua từng nói chuyện với Nguyễn Hữu Thận về vấn đề bằng đảng ở nước Đại Thanh, nhân nói rằng : “Khi trẫm còn ở Tiềm để, triều thần ít người được yết kiến, duy có Lê Duy Thanh vì phụng mệnh đi xem đất sơn lăng, nên trẫm thường vời đến. Hoặc có kẻ cho là trẫm hậu với hắn thì chắc hắn cũng có tài gì nên mới được trẫm để ý. Khi trẫm mới nối ngôi thì bổ hắn ra làm quan ngoài là muốn thử xem có trị dân được không, chứ không phải là coi rẻ, kẻ không biết lại cho là trẫm dùng người có ý phân biệt kẻ Nam, người Bắc. Nhưng Nam - Bắc vốn là một nhà, ai chẳng là tôi con, trẫm đâu có kỳ thị. Kìa như nhà Đại Thanh dùng người không có phân biệt người Hán, người Mãn, huống Nam hà với Bắc hà, cùng ngôn ngữ, cùng văn tự, không ví như người Hán, người Mãn được”. (Đại Nam thực lục, Nhà xuất bản Giáo Dục, Tập 2)

Không bàn tới công tội của nhà Nguyễn, đoạn này thực sự giá trị vì Minh Mạng nói rằng "Nam - Bắc vốn là một nhà", nói rõ: "Nam hà với Bắc hà, cùng ngôn ngữ, cùng văn tự". 

Đó là tư tưởng của một vị vua triều Nguyễn, triều Nguyễn có nguồn gốc từ Thanh Hóa. Từ đất Thanh Hóa, các chúa Nguyễn đã xuống Nam hà khai khẩn, xây dựng nên đất Đàng Trong trù phú. Tới đời Minh Mạng, họ Nguyễn đã bén rễ ở đất Nam Hà hàng trăm năm rồi, nên coi triều Nguyễn đại diện cho đất Nam Hà cũng không hẳn là sai. 

Có những người tuyên bố rằng miền Nam khác miền Bắc, là hai quốc gia riêng, rồi đưa ra đủ lý lẽ, nguỵ biện để chứng minh điều đó, đặc biệt là sự chia cắt trong thời kỳ Nam-Bắc triều, nhưng lời của Minh Mạng lại đề cao sự thống nhất, không có sự phân biệt. Chỉ riêng bằng chứng này đã đủ để phản bác lại những luận điệu gây chia rẽ về hai miền Bắc-Nam. 

Minh họa: bản đồ Đại Nam thời Minh Mạng, chưa rõ tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét