Thứ Tư, 21 tháng 2, 2024

FB Matthew NChuong: CÚNG ĐẤT ĐAI, Ở ĐÂY, LÀ "CÚNG THỔ" (KHÔNG PHẢI "CÚNG ĐỊA")

 TẠ ƠN tiền nhân đi mở đất:

CÚNG ĐẤT ĐAI, Ở ĐÂY, LÀ "CÚNG THỔ" (KHÔNG PHẢI "CÚNG ĐỊA")

* "CÚNG THỔ" là một tập tục thuộc về văn hóa nhân sinh, vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch. Chú ý: đây KHÔNG phải cúng "Thần Đất", cũng KHÔNG phải cúng "Ông Địa"...

/1/ Trong lối nói thông thường, "Thổ" là đất, mà "Địa" cũng là đất nên dễ hiểu lẫn lộn. Ồ, nếu vậy mắc gì có hai cách gọi khác nhau "Thổ", "Địa" làm chi cho mệt? 

"ĐỊA" ( 地) đối ứng với "Thiên" (天), chẳng hạn tế đàn Nam Giao là tế "Trời Đất", tế "Thiên Địa" (天地) (ta nói "thiên - địa" chớ không nói "thiên - thổ"). 

"THỔ" (土) ? Chẳng hạn, "hữu nhân thử hữu thổ” (有人此有土), "có người thì có đất", rồi "cố thổ" (故土) nghĩa là "quê cũ" (không nói "cố địa"), "thổ" ở đây mang nghĩa quê hương, làng xóm. 

Quí bạn còn gặp, "“thổ ngữ” (土語) là tiếng nói đặc trưng ở một vùng nào đó (gọi "thổ ngữ", không gọi... "địa ngữ"); "thổ sản" (土產) là sản vật riêng có, hoặc nổi bật, thuộc vùng đất nào đó (không gọi... "địa sản").  

"Thổ" để chỉ vùng đất, quê hương - xin chú ý: có yếu tố con người tác động, liên quan / thuộc về con người. Như "thổ ngữ" là tiếng nói của CON NGƯỜI ở vùng đất nào đó, "thổ sản" là sản vật - được tạo tác bởi CON NGƯỜI ở vùng đất nào đó.... 

/2/ Để dễ hình dung hơn, nói ngay về tập tục cúng đất đai theo cổ lệ của phương Nam. Đây là tập tục THỜ CÚNG CỦA CẢ CỘNG ĐỒNG KHAI KHẨN. 

“Việc cúng đất mùng 10 tết hàng năm là phong tục tốt đẹp của đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn, lối sống hài hòa, thân thiện với thiên nhiên.

Một mâm cúng đất đai đầy đủ, thường là cắm 5 cây nhang (lúc cúng, dọn 5 cái chén nhưng chỉ có 3 đôi đũa). Là do nguồn gốc lịch sử cộng cư thời khẩn hoang: 

- Nén nhang tưởng nhớ CHỦ THỔ người Việt (cúng Thổ).

- Hai nén nhang dành cho vợ chồng Ngưu người Khmer, do vùng châu thổ Cửu Long - Đồng Nai ngày xưa vốn thuộc Khmer. 

- Hai nén nhang còn lại là Ông Địa và thần Tài của người Minh hương (tức người Tàu, theo phong trào "phản Thanh phục Minh", sau vài thế hệ họ trở thành người Việt). 

(chỉ có 3 đôi đũa, vì vợ chồng ông chủ “Ngưu” người Khmer không dùng đũa) (*) 

2.1) CHỦ THỔ là người có công khai khẩn cho cả một vùng rộng lớn, chẳng hạn Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc hầu) với kinh đào Vĩnh Tế; Nguyễn Hữu Cảnh với công trạng lớn lao ở miền Nam. 

Có người được tôn phong thành "Thần" (神 ), như Nguyễn Hữu Cảnh là "Thượng đẳng thần" (上等 神). 

Chú ý: "Thần" ở đây không phải là "thần linh siêu nhiên", mà thuộc về "nhân thần" (人神) - có nguồn gốc là CON NGƯỜI, do hành trạng đặc biệt nên được tôn vinh thành “Thần”. 

NHƯNG thường gặp hơn cả, CHỦ THỔ là những ông / bà có công khai làng, dựng chợ, đắp đường cho dân ở, làm ăn tại từng vùng cụ thể. Vào mùng 10 tháng Giêng, người dân trong mỗi vùng cúng để tạ ơn Chủ Thổ. 

Vậy nên, CHỦ THỔ không phải là "Thần Đất" có quyền phép siêu nhiên, mà Chủ Thổ cũng là "người trần mắt thịt". 

2.2) "Vợ chồng Ngưu người Khmer"? Chưa rõ sao gọi "vợ chồng Ngưu", nhưng rất có thể đây xuất phát từ tín ngưỡng Neak Ta (អ្នក តា) của người Khmer. 

Neak Ta mang ý niệm hướng về tổ tiên => cúng Neak Ta ("Sene Neak Ta": សែន  អ្នក តា) cấu thành sự đoàn kết trong công đồng srok ("phum sóc" ស្រុក). 

Neak Ta có thể là nữ tính hoặc nam tính, và hầu hết thường hoạt động như một cặp đôi ("Neak Ta in Khmer translates as the ancestor. A neak ta can be either feminine or masculine, and most often they operate as a couple", trích từ Wikipedia tiếng Anh về Neak Ta). 

Có lẽ vì vậy, trong cổ lệ phương Nam cúng đất đai, "cặp đôi" Neak Ta được dành cho hai cây nhang chăng? 

2.3) "Cộng cư trong đời sống tâm linh".

Trong tiến trình khai khẩn định cõi phương Nam, Việt - Khmer - Hoa cùng chung sức. Vai trò tộc Việt ("Chủ Thổ") đã rõ, nhưng không bao giờ quên lãnh thổ gốc từ người Khmer ("cúng Neak Ta"), và công sức của người Minh hương (có mặt tín ngưỡng "thần Tài" 财 神) trong việc thờ cúng của cả cộng đồng đa chủng. 

/3/ Thấy gì? 

Trong tập tục mùng 10 tháng Giêng, CHỦ THỔ đóng vai trò trọng yếu, bên cạnh đó còn có việc cắm nhang cho Ông Địa, thần Tài... 

Vì có mặt "thần Tài" trong mùng 10 tháng Giêng, theo cổ lệ phương Nam, nên có người vội vàng cho rằng mùng 10 cũng có "vía thần Tài" (!). 

Không phải vậy! "Vía thần Tài", theo tín ngưỡng người Minh hương (Tàu), là mùng 5 tết. Còn trong mùng 10, có thắp 1 nén nhang cho "cái shén" (thần tài) - là cách thể hiện sự bao dung tín ngưỡng nơi phương Nam - chớ không phải là "ngày vía"! 

Cũng vậy, thắp hai cây nhang cho Neak Ta trong mùng 10 thì không phải đây là "ngày cúng Neak Ta" (lễ cúng Sene Neak Ta thường vào cuối mùa khô qua đầu mùa mưa). Mà đây là sự chan hòa, tôn trọng tín ngưỡng của tộc người cộng cư với nhau. 

THAY LỜI KẾT 

* Mùng 10 tháng Giêng là CÚNG THỔ, không phải cúng "Thần Đất" (như đã phân tích ở trên).

* Điều quan trọng nhứt, trong CÚNG THỔ (mùng 10) là TẠ ƠN "tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”. 

* Việc cúng kiếng đất đai CHỦ THỔ, so vói việc cúng "vía Thần Tài", khác nhau về bản chất: một đàng để NHỚ ƠN, còn một đàng để cầu lợi. 

CÚNG THỔ mùng 10 không phải là từ... tục cúng "thần Tài" như một số người đã hiểu SAI, giải thích SAI. Ở đây, chẳng qua là sự dung hợp tâm linh cộng đồng (như diễn giải trong bài), trong đó không chỉ có tín ngưỡng của người Minh hương (Tàu) mà còn có cả tín ngưỡng của người Khmer. 

------------------------------------------------

Ghi chú thêm:  Vía Thần Đất (Thổ thần, ông Địa) cũng có, tùy vùng. Nhưng không phải là CÚNG THỔ (mùng 10 tháng Giêng) trong cổ lệ phương Nam, đây hoàn toàn thuộc về tập tục văn hóa nhân sinh, "uống nước nhớ nguồn", "ăn trái nhớ người trồng cây".

(*): từ bài “Mùng 9 vía trời, mùng 10 vía đất” (báo Long An, tác giả Anh Thư) đăng ngày 18/2/2024.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét