Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2024

Lê Việt Khánh: BÀN VỀ THƯỞNG THỨC NGHỆ THUẬT

BÀN VỀ THƯỞNG THỨC NGHỆ THUẬT

-Lê Việt Khánh-

Thường thì khi tranh luận, nhất là về những đề tài “Cảm tính” như Nghệ thuật, mấy ông phản biện thường có câu “Thằng đấy biết cái đéo gì mà nói”

Cho nên tôi phải bắt đầu từ Mỹ thuật, để khẳng định rằng tôi đang nói cái mình BIẾT, cái tôi được học hành cẩn thận, nghiên cứu cẩn thận, thực hành cẩn thận.

Mỹ thuật – là một ngành nghệ thuật. Chắc chắn.

Để trở thành một họa sỹ, trước đây, điều kiện cần là phải được học hành bài bản, vẽ hình họa chắc chắn, làm chủ được các chất liệu bột màu, sơn dầu, sơn mài, lụa…

Điều kiện đủ là bản năng nghệ thuật, cá tính, đam mê, tạo được phong cách cá nhân không lẫn với ai.

Để trở thành họa sỹ, cầm bút vẽ được cái tranh sạch nước cản, người vẽ cũng phải học nhiều năm. Để tạo được phong cách cá nhân, phải một, hai chục năm, trở thành MÉT (Master)…có khi mất cả cuộc đời.

Thời buổi bây giờ thì giá trị có đảo lộn. Vài ông say say bôi trát quều cào loạn xị lên mặt toan thế là thành trừu tượng, là thành họa sỹ...Bọn này chỉ lừa được quần chúng nhân dân không biết gì. Chứ bọn tôi liếc mắt phát là biết ngay đổ rởm.

Cho nên tôi thích âm nhạc. Cứ cầm mic là thành ca sỹ chỉ là số rất hiếm. Đố thằng nào ngồi trước cái đàn piano đánh linh tinh mà thành nghệ sỹ dương cầm được. Giá trị nó ít lộn xộn như bên mỹ thuật.

Đó là với họa sỹ, ngược lại, với người xem tranh, khán giả của họ thì sao?

Tôi dám chắc là có đến 96,69% người Việt Nam chúng ta gặp vấn đề khi “Xem” một tác phẩm hội họa. Đứng trước một bức tranh vẽ nghuệch ngoạc của Picasso, Vangogh, hay Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm…Người xem không hiểu bức tranh nghuệch ngoạc kia đẹp ở chỗ nào?

Nhiều người bảo, đem về mất công giặt hết màu thì mới làm giẻ lau được :v

Thành thật mà nói, “Xem tranh” đúng là một khó khăn với đại đa số người Việt. Nguyên nhân cũng rất rõ ràng: Vì đa số người Việt không được học cách xem tranh.

Vẽ được một bức tranh – Phải Học. Nhưng để xem được một bức tranh – cũng cần phải học!

Thời sinh viên, tôi lên Hàng Bông làm thợ chép tranh trong xưởng. Một ngày nọ, có hai mẹ con bà tây dắt tay nhau vào, đứa bé tóc vàng xoăn mắt xanh lè chỉ vào cái tranh Hoa Hướng Dương tôi đang chép rồi bi bô: Vangogh mama.

Nói về giáo dục nghệ thuật, thì phải nói là con em nước Việt ta thiệt thòi nhiều. Nhất là thế hệ chúng tôi sinh ra trong thời gian khó.

Nhiều bạn bè cứ hỏi tôi: Anh giải thích hộ em cái tranh này nó nói về cái gì, nó đẹp ở chỗ nào với?

Tôi chỉ biết cười trừ, vì làm sao mà một hai câu tôi giải thích cho hết được, bởi nó là tổng thể của một khối kiến thức khổng lồ về phong cách, trường phái, thời kỳ, bút pháp, kỹ thuật, bố cục, đường nét, mầu sắc, chất cảm, cảm xúc…blab la bla…

Tôi ngày bé, xem tranh Phố của danh họa Bùi Xuân Phái cũng chả thấy đẹp gì cả. Tôi thấy mấy bức vẽ đồng quê có con trâu, cầu tre, đàn chim bay qua mặt trời đỏ đẹp. Tôi cũng thích mấy bức tranh vẽ chùm nho, lọ hoa tả giống thật mới là đẹp nữa.

Trải qua năm tháng học hành, dần dần tôi mới biết về GIÁ TRỊ THẨM MỸ của hội họa, thấy tranh phố Phái đẹp thế nào, tranh cụ Nghiêm, cụ Liên, cụ Sáng…đẹp thế nào. Hiểu thế nào là tạo hình, là mô đéc, cái đẹp của Lập thể như thế nào, cái đẹp của Siêu thực như thế nào, Ấn tượng, Sắc điểm ra sao…

Qua học hành, tôi mới hiểu hội họa nó còn có giá trị SÁNG TẠO. Một bức tranh Lập thể của Picasso sở dĩ nó được đánh giá cao bởi ngoài giá trị thẩm mỹ, tranh của Pi còn đánh dấu sự thay đổi của cả một thời kỳ, thoát khỏi những nguyên tắc cứng nhắc của cổ điển để sáng tạo ra một trường phái mới, một thời kỳ mới. Tranh nó đắt ko phải vì nó đẹp, mà còn vì nó thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy, thay đổi lịch sử.

Đó là những điều không thể nào ngay lập tức giải thích với bạn bè được.

Dùng Hội họa - thứ tôi biết để nói về nghệ thuật nói chung. Tuy nhiên tôi ko dám lạm bàn về âm nhạc, hay điện ảnh, là những thứ tôi ít biết hơn.

Ở Việt Nam, tranh, hay ảnh hầu như bị quy chụp trong một mục đích duy nhất: Trang Trí. Nhiều người gọi một bức tranh là bức ảnh, còn cái ảnh thì lại gọi là cái tranh.

Điều này khá giống với nghe nhạc, xem phim…Tất cả đều chỉ nhằm một mục đích đó là Giải trí.

Chính vì tranh ảnh chỉ để trang trí phòng khách, treo trong bếp, xem phim nghe nhạc chỉ để giải trí. Cầu làm sao thì Cung sẽ như vậy. Đó là lý do nhiều người nói rằng Ồ đi xem phim cuối cùng cũng chỉ là để giải trí thôi mà cần gì nữa đâu.

Thế nên các nhà sản xuất phim sẽ phục vụ cái nhu cầu đó thôi, cần gì nữa đâu!

Nhưng việc quy chụp tất thảy mọi loại hình nghệ thuật vào một mục đích – Giải trí – Là một quan niệm Sai lầm. Nghệ thuật có 5 chức năng: Nhận thức, Thẩm Mỹ, Sáng Tạo, Giáo dục, và cuối cùng mới là giải trí.

Nói thế nào nhỉ? Ví dụ như chỉ cần giải trí, người ta sẽ chọn xem Người Nhện, hay John Wick, hay chuyện nhà bà Nữ…

Nhưng để “Thưởng thức nghệ thuật” thì người ta sẽ chọn xem mấy bộ phim Hack não kiểu Inception, Người đàm phán…

Bởi vì sao? Bởi người xem lúc này có nhu cầu nhận được từ bộ phim: Nhận thức, sáng tạo, thẩm mỹ, giáo dục. Chứ ko chỉ đơn giản là giải trí.

Để giải trí, người ta sẽ chọn nghe nhạc Noo Phước Thịnh, Hiền Hồ, Richard Claydemand, Kenny G…Méo ai ngồi nghe trích đoạn chương số 4 Bản giao hưởng số 41 · Florence Price của Mozart. 

Cái bọn đã ngồi nghe giao hưởng, hoặc JAZZ, hoặc nhã nhạc cung đình, thì không còn là giải trí nữa rồi, mà là thưởng thức. Trừ bọn giả cầy không nói, nhưng bọn biết thưởng thức xịn, thì đều phải học thì mới thưởng thức được.

Có bạn lại hỏi thế các Bác sỹ, kỹ sư mà nghe nhạc thị trường, xem phim hài nhảm thì trình độ cao hay thấp? 

Câu trả lời là Bác sỹ, kỹ sư họ được học hành về Y học, khoa học kỹ thuật nên trình độ về y học, kỹ thuật của họ cao. Nhưng đồng thời, nếu họ không có học tí nào về nghệ thuật, thì trình độ cảm thụ nghệ thuật của họ hoàn toàn có thể thấp. Vậy nên:

Học – tạo nên trình độ

Trình độ nào – thị hiếu đấy.

Đại đa số nhân dân quần chúng rất hay bỉ bôi chửi bới bọn tỏ ra TINH HOA, THƯỢNG ĐẲNG. Cũng đúng thôi, vì bọn tinh hoa giả cầy nhiều quá. Nhưng sự thật là không có thứ nghệ thuật nào cào bằng cho tất cả, nghệ thuật về bản chất là một thứ phân chia đẳng cấp. có cao có thấp, có hàn lâm, có thương mại.

Thấp dành cho số đông

Cao dành cho số ít.

Muốn thưởng thức được nghệ thuật ở level cao thì phải chịu khó học. Không học, hoặc lười không chịu học mà cứ ngoạc mồm chửi bọn được học hành cẩn thận là thượng đẳng là cớ làm sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét