Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

ĐINH KIM PHÚC : PHẢN BIỆN QUAN ĐIỂM CỦA MỘT SỐ HỌC GIẢ TRUNG QUỐC VỀ CHỦ QUYỀN TRÊN HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA-TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM (4)


ĐINH KIM PHÚC
3. Vấn đề công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Vu Hướng Đông, Giáo sư Viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam, Học viện Chủ nghĩa Mác, Đại học Trịnh Châu: “Mọi người đều biết, năm 1958 trong một bức thư ngoại giao do Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai đã công nhận chủ quyền đối với Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa) là thuộc về Trung Quốc, năm 1974 lại công khai ủng hộ cuộc chiến phản kích tự vệ của Trung Quốc ở quần đảo Tây Sa…” (55)
Lịch sử tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa đối với Việt Nam của Trung Quốc có đúng như thế không?
3.1 Hoàn cảnh ra đời “Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải ngày 4/9/1958”
Một là, ngày 4 tháng 9 năm 1958, trong bối cảnh của thời kỳ chiến tranh lạnh, lúc bấy giờ đang xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan. Đài Loan lúc đó còn giữ hai đảo nằm giáp lãnh thổ Trung Quốc là Kim Môn và Mã Tổ.
Ngày 26/5/1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã ra lệnh cho Hạm đội 7 tiến vào eo biển Đài Loan, ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào các đảo trên eo biển Đài Loan. Với hành động này, Hoa Kỳ đã thực sự bảo hộ Đài Loan, mặc cho Trung Quốc kịch liệt lên án. Để tỏ rõ quyết tâm giải phóng Đài Loan, ngày 3/9/1954, Trung Quốc đã tấn công trừng phạt đối với các hòn đảo ven biển như Kim Môn, Mã Tổ. Ngày 11/8/1954, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố sẽ “giải phóng” Đài Loan, và tăng cường pháo kích vào hai đảo Kim Môn và Mã Tổ. Ngày 12/9/1954, Chủ tịch Hội đồng Liên quân Hoa Kỳ đưa ra dự tính tấn công Trung Quốc bằng vũ khí nguyên tử nhưng Tổng thống Eisenhower đã do dự sử dụng vũ khí nguyên tử cũng như sự liên can của quân đội Hoa Kỳ vào cuộc chiến này. Năm 1958, tiếp tục xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai. Ngày 23/8/1958 Trung Quốc đột ngột tăng cường nã pháo vào đảo Kim Môn. Theo Hiệp định Phòng thủ tương hỗ giữa Đài Loan-Hoa Kỳ, Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh cho tàu chiến Hoa Kỳ đến bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ đảo Đài Loan đến 2 đảo tiền tiêu Kim Môn và Mã Tổ.
Hai là, Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải ngày 4-9-1958 ra đời trong bối cảnh Hội nghị của LHQ về Biển khai mạc ngày 29-4-1958 và Công ước về thềm lục địa cũng được ra đời nhân dịp này (Sau khi Hội nghị của LHQ về Biển ngày 29-4-1958 thông qua bốn Công ước gồm : Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, Công ước về đại dương, Công ước về đánh bắt và bảo toàn các nguồn sinh vật trong đại dương và Công ước về thềm lục địa).

Hạn chót để các quốc gia thuộc LHQ có thể ký nhận công ước này là ngày 31-10-1958. Vì không phải là một thành viên của LHQ, tuyên bố ngày 4-9-1958 của Trung Quốc là cần thiết để khẳng định những đòi hỏi của nước này về lãnh hải và vùng tiếp cận.
Sau đây là toàn văn tuyên bố:
“Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải (Ðược thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc ngày 4 tháng 9 năm 1958)
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa nay tuyên bố:
(1) Chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả).
(2) Các đường thẳng nối liền mỗi điểm căn bản của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường căn bản là hải phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường căn bản, kể cả vịnh Bohai và eo biển Giongzhou, là vùng nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường căn bản, kể cả đảo Dongyin, đảo Gaodeng, đảo Mazu, đảo Baiquan, đảo Niaoqin, đảo Ðại và Tiểu Jinmen, đảo Dadam, đảo Erdan, và đảo Dongdinh, là các đảo thuộc nội hải Trung Quốc.
(3) Nếu không có sự cho phép của Chính Phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tất cả máy bay nước ngoài và tàu bè quân sự không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận này. Bất cứ tàu bè nước ngoài nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều phải tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính Phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
(4) Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.
Ðài Loan và Bành Hồ hiện còn bị cưỡng chiếm bởi Hoa Kỳ. Ðây là hành động bất hợp pháp vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ðài Loan và Bành Hồ đang chờ được chiếm lại. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền dùng mọi biện pháp thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai. Các nước ngoài không nên xen vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.

Phê chuẩn của hội nghị lần thứ 100 của Ban Thường vụ
Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ngày 4-9-1958
(Nguồn: http://law.hku.hk)
Nhưng đó chỉ là những nguyên nhận trực tiếp, còn nguyên nhân sâu xa là tham vọng về lãnh thổ của Trung Quốc đã không đạt được trong Tuyên bố Cairo 1943, Tuyên ngôn Potsdam 1945 và Hòa ước San Francisco 1951.
Tuyên cáo Cairo 1943
Vào cuối năm 1943, trong lúc chiến tranh đang ở mức độ ác liệt nhất thì các nhà lãnh đạo cấp cao của Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa Dân Quốc đã bí mật gặp nhau tại Cairo, thủ đô Ai Cập, từ 23 đến 27 tháng 11 năm 1943 (56) để thảo luận các chiến lược tiêu diệt phe Trục (Đức-Ý-Nhật). Ngày 26/11/1943, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch đã ký một bản tuyên cáo chung (thường được gọi là Tuyên cáo Cairo) trong đó có đoạn viết:
 “Đối tượng của các nước này [tức là của ba nước Đồng minh] là phải tước bỏ quyền của Nhật Bản trên tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà nước này đã cưỡng chiếm từ khi có Chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914 và tất cả các lãnh thổ Nhật Bản đã cướp của người Trung Hoa, như là Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ, phải được hoàn trả Trung Hoa Dân Quốc. Nhật Bản cũng sẽ phải bị trục xuất khỏi các lãnh thổ khác đã chiếm được bằng vũ lực và lòng tham”. (57)
Đọc đoạn trích dẫn trên chúng ta thấy Tuyên cáo Cairo có hai quy định quan trọng:
- Một là, chỉ có các đất Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ được hoàn trả cho Trung Quốc mà thôi.
- Hai là, các lãnh thổ khác mà Nhật Bản chiếm được thì bản tuyên cáo này chỉ quy định việc trục xuất Nhật Bản, chứ không hề nói tới việc hoàn trả chúng cho Trung Quốc
Như vậy, chúng ta thấy rằng, cho đến cuối năm 1943, mặc dù Tổng thống Tưởng Giới Thạch đại diện duy nhất cho Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa tại hội nghị Cairo, nhưng ông ta cũng không đề cập đến những quần đảo này trong bản tuyên bố chung cuộc.
Nếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thực sự thuộc chủ quyền của Trung Quốc thì không có lý gì họ Tưởng chỉ đòi hoàn trả có Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ mà lại không đòi luôn Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuyên ngôn Potsdam 1945
Quyết định của 3 cường quốc Hoa Kỳ, Anh, Trung Hoa Dân Quốc tại Hội nghị Cairo được tái xác nhận trong một hội nghị thượng đỉnh khác nhóm họp tại Potsdam từ 17/7 đến 2/8/1945 để ấn định các điều kiện cho Nhật Bản đầu hàng. Tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Anh (58) và Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc đã ra một tuyên ngôn (thường gọi là Tuyên ngôn Potsdam) ngày 26/7/1945 trong đó có ghi là “các điều khoản của bản Tuyên cáo Cairo sẽ được thi hành”. (59)
Tại hội nghị Potsdam này, các nhà lãnh đạo Tam cường đã quyết định chia Đông Dương làm hai khu vực để cho tiện việc giải giới quân đội Nhật Bản đóng tại đây. Vĩ tuyến thứ 16 được chọn làm ranh giới: việc giải giới ở khu vực Bắc vĩ tuyến ủy thác cho quân đội Trung Hoa (quân Tưởng Giới Thạch) và ở khu vực phía Nam do liên quân Anh - Ấn đảm nhận.(60)
Vì quần đảo Hoàng Sa nằm ở giữa hai vĩ tuyến thứ 15 và 17 nên việc giải giới quân đội Nhật trú đóng ở đây thuộc thẩm quyền của quân Tưởng. Trái lại, việc giải giới ở quần đảo Trường Sa phải do liên quân Anh - Ấn đảm nhận do lẽ quần đảo này nằm giữa hai vĩ tuyến thứ 8 và 12.
Ngày 26/10/1946, lợi dụng thời cơ, hạm đội đặc biệt của Trung Hoa Dân Quốc xuất phát từ cảng Ngô Tùng gồm 4 chiến hạm, mỗi chiếc chở một số đại diện của các cơ quan và 59 binh sĩ thuộc trung đội độc lập về cảnh vệ của hải quân để giải giáp quân đội Nhật Bản. Ngày 29 tháng 11 năm 1946, các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên tới đảo Hoàng Sa và đổ bộ lên đây. Tàu Thái Bình và Trung Nghiệp đến Trường Sa.
Tuyên cáo Cairo lẫn Tuyên ngôn Potsdam chỉ cho phép Trung Hoa Dân Quốc giải giới quân đội Nhật Bản ở quần đảo Hoàng Sa mà thôi, chứ không có nghĩa là cho phép Trung Hoa Dân Quốc thu hồi quần đảo này song song với việc giải giới quân đội Nhật Bản ở quần đảo Trường Sa và thu hồi quần đảo đó.
Vì thế việc chiếm đóng và thu hồi hai quần đảo này của Trung Hoa Dân Quốc là bất hợp pháp và vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế vì làm trái với quyết định của Tuyên cáo Cairo và Tuyên ngôn Potsdam.
Hòa ước San Francisco 1951
Đầu tháng 9 năm 1951, theo lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, 51 quốc gia trước kia đã từng tham gia hay có liên hệ tới cuộc chiến chống xâm lược Nhật Bản từ năm 1939 đến năm 1945 đã tham dự Hội nghị Hòa bình nhóm họp ở thành phố San Francisco (Hoa Kỳ) để thảo luận vấn đề chấm dứt tình trạng chiến tranh và tái lập bang giao với Nhật Bản. Điểm đáng chú ý là cả Trung Quốc và Đài Loan đều không được mời tham dự hội nghị.
Trong hội nghị, vấn đề chính là thảo luận bản dự thảo hòa ước do hai nước Anh và Hoa Kỳ đề nghị ngày 12/7/1951. Ngày 8/9/1951, ngoại trừ Liên Xô, Ba Lan và Tiệp Khắc, các nước tham dự hội nghị đã ký hòa ước với Nhật Bản. (61)
Tại hội nghị này cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa được bao gồm trong vấn đề giàn xếp về lãnh thổ trong toàn văn Điều 2 của Hiệp ước:
Chương 2: Lãnh Thổ
Điều 2:
a)  Nhật Bản, công nhận nền độc lập của Hàn Quốc, từ bỏ chủ quyền và yêu sách đối với Hàn Quốc, bao gồm đảo Quelpart, Port Hamilton và Dagelet.
b)  Nhật Bản từ bỏ chủ quyền và yêu sách đối với Đài Loan và Pescadores.
c)  Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, chủ quyền, và yêu sách về đảo Kurile, một phần của đảo Sakhalin và những đảo lân cận mà Nhật Bản làm chủ do kết quả của Hòa ước Portsmouth ngày 5 tháng 9 năm 1905.
d)  Nhật Bản từ bỏ quyền, chủ quyền, và yêu sách liên quan đến việc uỷ nhiệm của Hội Quốc Liên, và chấp nhận quyết định của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày 2 tháng 4 năm 1947, mở rộng hệ thống quản trị đối với các đảo Thái Bình Dương nguyên thuộc quyền quản trị của Nhật Bản.
e)  Nhật Bản từ bỏ tất cả mọi yêu sách về quyền hay chủ quyền hay quyền lợi liên quan đến bất cứ nơi nào ở Nam cực, cho dù xuất phát từ những hoạt động của Nhật hay bất cứ quốc gia nào khác.
f)  Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, chủ quyền hay yêu sách về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa
Chúng ta thấy rằng Hiệp ước không nêu tên nước nào sẽ làm chủ những lãnh thổ do Nhật Bản bỏ lại. Tuy nhiên, từ những điều trên, rất rõ ràng là mỗi đề mục đều liên quan đến quyền của một quốc gia, thí dụ:
- mục (b): quyền liên quan đến Trung Quốc
- mục (c): quyền liên quan đến Liên Xô
- mục (d): quyền liên quan đến Hoa Kỳ
- mục (f): quyền liên quan đến Việt Nam
Ngày 5/9/1951, trong phiên họp toàn thể thứ 2 của hội nghị San Francisco, đại biểu Liên Xô Andrei A. Gromyko sau khi chỉ trích tính cách bất hợp pháp và sự vô nghĩa của bản dự thảo hòa ước của Anh - Mỹ để ký với Nhật Bản đã đưa ra một đề nghị 7 điểm gọi là để hướng dẫn việc ký kết hòa ước thực sự với Nhật Bản. Điểm 6 đề nghị trao trả hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa cho Trung Quốc.
“1. Thay đổi về điều 2.
(a) Thay vì đề mục (b) và (f) là đoạn văn sau đây: Nhật Bản công nhận chủ quyền toàn vẹn của nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa ở Mãn Châu, Đài Loan (Formosa) với những đảo lân cận của nó, đảo Penlinletao (The Pescadores), đảoTunshatsuntao (The Pratas Islands), cũng như quần đảo Sishatsunta và Chunshatsuntao (quần đảo Hoàng Sa, nhóm đảo Amphitrites, Maxfield) và quần đảo Nanshatsuntao bao gồm quần đảo Trường Sa, đồng thời Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, chủ quyền và yêu sách đối với những lãnh thổ nói trên”.
Trong  phiên họp lần thứ 8 của Hội Nghị. Chủ tịch hội nghị đã loại bỏ yêu cầu này của Liên Xô ra khỏi nghị trình qua cuộc bầu phiếu với tỷ lệ 46 phiếu chống, 3 phiếu thuận và một phiếu trắng.
Hai ngày sau, ngày 7/9/1951 Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam (62), đã lên tiếng tái xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 phái đoàn ngoại giao như sau:
“Et comme il faut franchement profiter de toutes occasions pour étouffer les germes de discorde, nous affirmons nos droits sur les îles Spratley et Paracels qui, de tout temps, ont fait partie du Viet Nam”.
Tạm dịch là: “Và để tận dụng không ngần ngại mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống bất hòa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam”. (63)

Lời tuyên bố của Đoàn đại biểu Quốc gia Việt Nam tại Hội nghị San Francisco (1951).
(Đăng trong tạp chí France-A’e số 66-67 Novembre-Décembre, 1951)
Lời tuyên bố của Trần Văn Hữu đã được Hội nghị San Francisco ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái đoàn, không có một phái đoàn nào phản đối. Điều này được coi như là sự chấp nhận toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Bản tuyên bố của Thủ tướng Trần Văn Hữu xác nhận chủ quyền đã hiện hữu, vì vậy nó có tác dụng đối với tất cả, ngay cả đối với những quốc gia không có mặt tại hội nghị (theo Điều 25 của Hiệp ước Hòa bình San Francisco năm 1951 thì không giao cho các nước [chủ quyền các vùng lãnh thổ mà Nhật từ bỏ] nếu các nước này không ký kết và thông qua Hiệp ước. Cả hai phía Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, Trung Hoa Dân Quốc đều không tham gia ký kết Hòa ước). (64)

Thủ tướng Trần Văn Hữu, Trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam
kí hòa ước San Francisco ngày 8/9/1951
Bên cạnh đó, trong bản tuyên bố ngày 5/5/1952(65) về hòa ước mà Trung Hoa Dân Quốc đã ký với Nhật Bản ngày 28.4.1952, Chu Ân Lai không nói gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mặc dù hai quần đảo này đã được đề cập tới trong điều 2 của hòa ước như sau:
“Điều 2. Hai bên nhìn nhận là theo điều 2 Hòa ước với Nhật Bản ký ngày 8 tháng chín năm 1951 tại San Francisco ở Hoa Kỳ, Nhật Bản đã khước từ mọi quyền, danh nghĩa hay đòi hỏi liên quan đến Đài Loan (Formosa) và Bành Hồ (the Pescadores), cũng như quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. (66)
Theo điều khoản này, Nhật Bản chỉ nhắc lại việc khước từ chứ không nói rõ là Nhật Bản hoàn trả hai quần đào này cho Trung Hoa Dân Quốc.
Ngày 8.2.1955, 12 năm sau khi tham dự hội nghị và ký bản Tuyên cáo Cairo, Tưởng Giới Thạch vẫn còn nhắc lại là:
“Trong thông cáo công bố vào lúc bế mạc hội nghị, chúng tôi đã tuyên bố là tất cả các lãnh thổ do Nhật Bản ‘cướp’ của Trung Hoa, kể cả Đông Tam Tỉnh, Đài Loan và Bành Hồ phải được hoàn trả lại cho Trung Hoa Dân Quốc. Lời tuyên bố này đã được bản Tuyên ngôn Potsdam công nhận và Nhật Bản chấp nhận khi nước này đầu hàng”. (67)
Tóm lại, về phía Việt Nam – nước tham gia Hội nghị San Francisco với tư cách là thành viên của khối Liên hiệp Pháp(68) – tuyên bố của phái đoàn Quốc gia Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Hội nghị mà không có sự phản đối nào của các nước tham gia cũng chính là sự thừa nhận của các nước Đồng minh về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Hơn nữa, Điều 2 của Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản có hiệu lực đã tái lập sự toàn vẹn lãnh thổ cho những quốc gia bị quân Nhật chiếm đóng trong Thế chiến hai. Do đó, việc Nhật Bản tuyên bố từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng có nghĩa là Nhật Bản trả lại chủ quyền của hai quần đảo mà nước này chiếm đóng trong giai đoạn 1939-1945 cho Việt Nam. Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa tất yếu thuộc về Việt Nam.
3.2 Công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Sau Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải ngày 4/9/1958, ngày 14/9/1958, Thủ tướng nước VNDCCH Phạm Văn Đồng gửi bức công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai với nguyên văn như sau:
“Thưa đồng chí Tổng lý
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ:
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4-9-1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.
Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng”.
Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958
PHẠM VĂN ĐỒNG
Thủ tướng Chính phủ
Nước Việt-nam dân chủ cộng hoà (69)

Chúng ta thấy rằng công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng phù hợp với hoàn cảnh và mối quan hệ đặc thù giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bấy giờ, nội dung Công hàm cũng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhưng công hàm ngày 14/9/1958 có hai nội dung rất rõ ràng:
- Chính phủ VNDCCH ghi nhận và tán thành việc quyết định về hải phận của Trung Quốc.
- Chính phủ VNDCCH chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố.
Chính vì vậy chính phủ Trung Quốc đã coi công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như một bằng chứng pháp lý về chủ quyền của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa.

Công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cầm đã nhấn mạnh: “Các nhà lãnh đạo của chúng tôi đã có tuyên bố lúc trước về Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên tinh thần sau: Lúc đó, theo Hiệp định Geneve 1954 về Đông Dương, các lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 về phía nam, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền miền Nam. Hơn nữa, Việt Nam đã phải tập trung tất cả các lực lượng quân sự cho mục tiêu cao nhất để chống lại cuộc chiến tranh hung hãn của Mỹ, nhằm bảo vệ nền độc lập quốc gia. Việt Nam đã phải kêu gọi sự ủng hộ của bè bạn trên toàn thế giới. Đồng thời, tình hữu nghị Hoa-Việt rất thân cận và hai nước tin tưởng lẫn nhau. Trung Quốc đã cho Việt Nam một sự ủng hộ rất vĩ đại và giúp đỡ vô giá. Trong tinh thần đó và bắt nguồn từ những đòi hỏi khẩn cấp nêu trên, tuyên bố của các nhà lãnh đạo của chúng tôi [ủng hộ Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền của họ trên Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa] là cần thiết vì nó trực tiếp phục vụ cho cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập và tự do cho tổ quốc.
Đặc biệt thêm nữa là cái tuyên bố đó để nhắm vào việc đạt yêu cầu cho những nhu cầu cấp thiết vào lúc bấy giờ để ngăn ngừa bọn tư bản Mỹ dùng những hải đảo này để tấn công chúng tôi. Nó không có dính dáng gì đến nền tảng lịch sử và pháp lý trong chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa Và Trường Sa”.(70)
Ông Lưu Văn Lợi, cựu Chánh văn phòng-Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng ban Biên giới thuộc Hội đồng Bộ trưởng (1978-1989) đã nhận xét: “Công hàm của ông Phạm Văn Đồng chỉ là một cử chỉ tốt đẹp về tình hữu nghị, ủng hộ Trung Quốc trong lúc Mỹ đưa hạm đội 7 tới eo biển Đài Loan mà thôi”.(71)
Từ năm 1979 đến nay Trung Quốc đã nhiều lần nhắc lại vấn đề này.
Ngày 17-11-2000, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát đi bản tin với cái gọi là “Sự thừa nhận của quốc tế về chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa”:
4. Việt Nam
a) Thứ trưởng ngoại giao Dung văn Khiêm [Ung Văn Khiêm] của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khi tiếp ông Li Zhimin, xử lý thường vụ Toà Ðại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đã nói rằng “theo những dữ kiện của Việt Nam, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là môt bộ phận lịch sử của lãnh thổ Trung Quốc”. Ông Le Doc [Lê Lộc], quyền Vụ trưởng Á châu Sự vụ thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, cũng có mặt lúc đó, đã nói thêm rằng “xét về mặt lịch sử thì các quần đảo này đã hoàn toàn thuộc về Trung Quốc từ thời nhà Ðường”.
b) Báo Nhân Dân của Việt Nam đã tường thuật rất chi tiết trong số xuất bản ngày 6/9/1958 về Bản Tuyên bố ngày 4/9/1958 của Nhà nước Trung Quốc, rằng kích thước lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý và điều này được áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của phía Trung Quốc, bao gồm tất cả các quần đảo trên biển Nam Trung Hoa. Ngày 14/9 cùng năm đó, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng của phía nhà nước Việt Nam, trong bản công hàm gởi cho Thủ tướng Chu Ân Lai, đã thành khẩn tuyên bố rằng Việt Nam “nhìn nhận và ủng hộ Bản Tuyên bố của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong vấn đề lãnh hải”.
c) Bài học về nước CHND Trung Hoa trong giáo trình cơ bản của môn địa lý của Việt Nam xuất bản năm 1974, đã ghi nhận rằng các quần đảo từ Trường Sa và Hoàng Sa đến đảo Hải Nam và Ðài Loan hình thành một bức tường phòng thủ vĩ đại cho lục địa Trung Hoa”.(72)
Ngày 29/6/2011, một lần nữa Tân Hoa Xã đã phát đi bản tin nhân chuyến thăm viếng Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn:
“Chinese historical records show that in 1958, the Chinese government claimed the islands in the South China Sea as part of China's sovereign territory, and then Vietnamese Premier Pham Van Dong expressed agreement in his diplomatic note to then Premier Zhou Enlai”. (73)
Tạm dịch: “Hồ sơ lịch sử Trung Quốc cho thấy năm 1958, chính phủ Trung Quốc tuyên bố các đảo trong Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) như là một phần lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc, và sau đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng bày tỏ sự đồng thuận trong công hàm ngoại giao của mình gửi Thủ tướng Chu Ân Lai”.
Cần nhắc lại rằng, ngày 7/8/1979, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam đã ra Tuyên bố ngày 7/8/1979 bác bỏ sự xuyên tạc trắng trợn của Trung Quốc đối với văn bản ngày 14/9/1958 của Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa:
“Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa (1979)
Vào ngày 30/7/1979, Trung Quốc đã công khai công bố tại Bắc Kinh một số tài liệu với ý định để minh chứng cho việc tuyên bố chủ quyền của họ trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam tuyên bố:
1. Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa là một phần của lãnh thổ Việt Nam. Các Sứ quân Việt Nam đã là những người đầu tiên trong lịch sử đến chiếm đóng, tổ chức, kiểm soát và khai phá các quần đảo này trong chức năng của họ như là các lãnh chúa. Quyền sở hữu này có hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi có đầy đủ các tài liệu lịch sử và luật pháp để chứng minh chủ quyền tuyệt đối trên hai quần đảo này.
2. Sự diễn giải của Trung quốc về văn bản ngày 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà như một sự công nhận chủ quyền của phiá Trung quốc trên các quần đảo là một sự xuyên tạc trắng trợn khi tinh thần và ý nghĩa của bản văn chỉ có ý định công nhận giới hạn 12 hải lý của lãnh hải Trung Quốc.
3. Năm 1965, Hoa Kỳ gia tăng cuộc chiến tranh xâm lược tại miền Nam Việt Nam và phát động một cuộc chiến huỷ diệt bằng không quân và hải quân chống lại miền Bắc Việt Nam. Họ đã tuyên bố rằng khu vực chiến trường của quân đội Hoa Kỳ bao gồm Việt Nam và vùng lân cận của khu vực khoảng 100 hải lý tính từ bờ biển Việt Nam. Vào lúc đó, trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, nhân dân Việt Nam đã phải chiến đấu trong mọi tình huống để bảo vệ chủ quyền đất nước. Thêm nữa, Việt Nam và Trung Quốc lúc đó vẫn duy trì quan hệ hữu nghị. Bản tuyên bố ngày 9/5/1965 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đưa ra lý do để tồn tại chỉ với quá trình lịch sử này.
4. Từ năm 1972, theo sau Bản Thông cáo chung Thượng Hải, những kẻ cai trị Trung Quốc đã âm mưu với bọn hiếu chiến Mỹ để phản bội nhân dân Việt Nam, gây ra biết bao nhiêu trở ngại cho cuộc chiến tranh tự vệ của Việt Nam. Ðầu Tháng Giêng 1974, chỉ trước khi nhân dân Việt Nam toàn thắng vào mùa Xuân 1975, Trung Quốc đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp quân sự, lúc đó vẫn dưới sự quản lý của chính quyền Sài Gòn.
Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã tuyên bố rõ ràng cương vị của họ như sau đây:
- Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là những câu hỏi thiêng liêng cho tất cả mọi quốc gia.
- Những khó khăn về biên giới lãnh thổ, thường tồn tại trong các cuộc tranh chấp giữa các nước láng giềng do lịch sử để lại, có thể vô cùng rắc rối và nên được nghiên cứu kỹ càng.
- Các quốc gia quan tâm nên cứu xét vấn đề này trong tinh thần công bằng, tôn trọng lẫn nhau, hòa nhã, láng giềng tốt và giải quyết vấn đề bằng sự thương lượng.
5. Tại các cuộc thảo luận tổ chức vào ngày 24/9/1975 với phái đoàn Ðảng và Nhà nước Việt Nam trong chuyến thăm viếng Trung Quốc, Phó Thủ tướng Ðặng Tiểu Bình đã thú nhận rằng có sự tranh chấp giữa hai bên về vấn đề quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và hai bên sau đó nên bàn thảo với nhau để giải quyết vấn đề
6. Chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa một cách bất hợp pháp bằng quân sự, Trung Quốc đã xâm phạm vào sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và dẫm chân lên làm cản trở tinh thần của Hiến chương Liên Hiệp Quốc kêu gọi giải quyết tất cả các tranh chấp bằng thương lượng hoà bình. Sau khi phát động một cuộc chiến xâm lược Việt Nam với tầm vóc to lớn, phía Trung Quốc lại nêu ra vấn đề quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi tạo ra một tình trạng càng ngày càng căng thẳng dọc theo biên giới Việt Nam và từ chối việc thảo luận những giải pháp cấp thiết để bảo đảm hoà bình và ổn định trong khu vực biên giới giữa hai nước. Ðiều rõ ràng là những kẻ cai trị Trung Quốc vẫn không từ bỏ ý định tấn công Việt Nam một lần nữa. Hành động của họ là một sự đe doạ nghiêm trọng cho hoà bình và ổn định trong vùng Ðông Nam Á và làm lộ rõ hơn tham vọng bành trướng, với bản chất bá quyền hiếu chiến của một nước lớn,  bộ mặt xảo trá lật lọng và phản bội của họ.
Hà Nội, ngày 7 tháng 8 năm 1979”.(74) 
Trong quá trình nghiên cứu đề tài này, chúng tôi đặt ra hai khả năng để giải quyết vấn đề:
Trước nhất, công hàm của chính phủ Trung Quốc gửi cho chính phủ VNDCCH về việc tuyên bố lãnh hải của mình có gì khuất tất không? Bởi vì trong một tài liệu nghiên cứu thuộc Văn phòng Địa lý, Vụ nghiên cứu tình báo trực thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về “Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải ngày 4/9/1958”, chúng tôi phát hiện ở Điều 1 không có liệt kê quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa như trong bản tiếng Trung:
(1) The breadth of the territorial sea of the People’s Republic of China shall be twelve nautical miles. This provision applies to all terrltories of the People’s Republic of China, including the Chinese mainland and its coastal islands, as well as Taiwan and its surrounding islands, the Penghu Islands [Quần đảo Bành Hồ] and all other islands belonging to China which are separated from the mainland and its coastal islands by the high seas.(75)
Tạm dịch:
 (1) Chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ và các đảo khác thuộc Trung Quốc (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả).

INTERNATIONAL BOUNDARY STUDY, Series A, LIMITS I N THE SEAS, No. 43, STRAIGHT BASELINES: PEOPLE'S REPUBLIC OF CHINA
The Geographer Office o f the Geographer Bureau of Intelligence and Research
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dựa vào văn bản nào để trả lời cho Chu Ân Lai? Đọc lại bản tin trên báo Nhân Dân ngày 6/9/1958, chúng tôi thấy từ nguồn Thông Tấn Xã Việt Nam, báo Nhân Dân đã đăng toàn văn “Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải ngày 4/9/1958” như đã trình bày. Như vậy việc đánh giá về công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng sẽ như thế nào?
Tựu trung lại có một số quan điểm sau đây:
Nhận xét về quan điểm của Trung Quốc, Giáo sư Đại Học Paris III  Monique Chemillier-Gendreau đã viết như sau: “Dans ce contexte, les declarations ou prise de position éventuelles des autorités du Nord Vietnam sont sans consequences sur le titre de souveraineté. Il ne s’agit pas du gouvernement territorialement competent à l’égard des archipels. On ne peut renoncer à ce sur quoi on n’a pas d’autorité…”(76)
Tạm dịch: “Trong những điều kiện này, những lời tuyên bố hoặc lập trường nào đó của chính quyền miền Bắc Việt Nam không có hiệu lực gì đối với chủ quyền. Đây không phải là chính quyền có thẩm quyền trên quần đảo này. Người ta không thể từ bỏ ở cái mà người ta không có chủ quyền…”.
Chúng ta thấy rằng, về phương diện pháp lý, nước VNDCCH lúc bấy giờ không trực tiếp quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế.(77)
Hòa một một điệu với chính phủ Trung Quốc, Giáo sư Lý Kim Minh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Hạ Môn trong bài viết “Nguồn gốc và sự tranh cãi đang diễn ra về vấn đề Biển Đông” đăng trên “Beijing Review”(1/8/2011) đã nhận xét: ‘… Việt Nam thừa nhận quần đảo Nam Sa và quần đảo Tây Sa là lãnh thổ Trung Quốc trong quá khứ. Vì vậy, dựa trên nguyên tắc estoppel của luật pháp quốc tế, chính phủ Việt Nam hiện nay nên tuân theo ghi nhận trước đó”.
Nguyên tắt “estoppel” mà Lý Kim Minh vận dụng sẽ được hiểu như thế nào?
Tiến sĩ Luật học  Đại học Sorbonne, Pháp, Từ Đặng Minh Thu đã cho biết:
“Theo luật quốc tế, không có một văn bản pháp lý nào có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương một tính chất bó buộc, ngoại trừ thuyết “estoppel”.
Điều 38 Quy chế Toà án Quốc tế không liệt kê những lời tuyên bố đơn phương trong danh sách những nguồn gốc của luật pháp quốc tế. Estoppel là một nguyên tắc theo đó một quốc gia không có quyền nói hoặc hoạt động ngược lại với những gì mình đã nói hoặc hoạt động trước kia. Câu tục ngữ thường dùng để định nghĩa nó là “one cannot at the same time blow hot and cold”.
“Thuyết estoppel không có nghĩa là cứ tuyên bố một điều gì đó thì quốc gia tuyên bố phải bị ràng buộc bởi lời tuyên bố đó. Thuyết estoppel bắt nguồn từ hệ thống luật quốc nội của Anh, được thâu nhập vào luật quốc tế. Mục đích chính của nó ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thể hưởng lợi vì những thái độ bất nhất của mình, và do đó, gây thiệt hại cho quốc gia khác.
Vì vậy, estoppel phải hội đủ các điều kiện chính:
1.Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu, và phải được phát biểu một cách minh bạch.
2.Quốc gia nại “estoppel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động. Yếu tố này trong luật quốc nội Anh-Mỹ gọi là “reliance” [sự phụ thuộc].
3.Quốc gia nại “estoppel” cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó.
4.Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và trường kỳ.
5.Ngoài ra, nếu lời tuyên bố đơn phương có tính chất một lời hứa, nghĩa là quốc gia tuyên bố mình sẽ làm hoặc không làm một việc gì, thì quốc gia phải thực sự có ý định muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó, thực sự muốn thi hành lời hứa đó. (78)
Như chúng ta đều biết, hiện nay công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một trong những lập luận chính của phía Trung Quốc và một số quan điểm khác lại cho rằng đây là một “công hàm bán nước [?]” và để bác bỏ hay phủ nhận công hàm ngày 14/9/1958 của chính phủ VNDCH thì quốc hội nước CHXCN Việt Nam phải phải ra quyêt định phủ quyết nó.
“Luận điểm cáo buộc ông Phạm Văn Đồng như nêu trên dựa vào một văn thư ngoại giao, mang chữ ký của ông Phạm Văn Đồng, trong cương vị Thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, để trả lời một bản “tuyên bố” của Trung Hoa về việc nới rộng hải phận 12 hải lý.
Có hai điểm chính cần được nói đến ngay, đó là công hàm ngoại giao này chỉ là một “trao đổi quan điểm” giữa hai nước “không có giá trị như một hiệp ước”, hoặc chỉ là một thỏa thuận “giới hạn trong thời gian”.(Nói khác đi phút này đồng ý phút sau đổi ý, tùy nhu cầu và mối tương quan giữa hai nước).
Nếu đọc kỹ bản văn trên, người ta còn thấy sự khôn khéo trong cách hành văn ngoại giao, trong đó phía Việt Nam chỉ nói: “Chúng tôi ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-56 của chính phủ Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.”
Có lẽ cần lưu ý đặc biệt những từ ngữ quan trọng nhất trong câu này đó là: ghi nhận, tán thành và... bản tuyên bố.
Câu văn này có nghĩa là phía Việt Nam ghi nhận ý muốn của Trung quốc muốn nới rộng hải phận qua một tuyên bố đơn phương của mình, và tán đồng ý muốn này.
Và đoạn văn kế đó có thể hiểu ngầm là trong tình trạng giao hảo “lúc đó” giữa hai nước, phía Việt Nam sẽ tôn trọng ý muốn 12 hải lý hải phận của Trung quốc”. (79)
Giả thiết được đặt ra: công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là có giá trị pháp lý thì quốc hội nước CHXHCNVN có phủ quyết công hàm đó được không? 
Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn đã lý giải: Theo Convention sur le Droit des Traité de Vienne  Công ước về Luật của các Hiệp ước ký tại Vienne, Áo (Convention sur le Droit des Traité de Vienne) ngày 29/5/1969 :
Vienna Convention on Succession of States in respect of Treaties (2): một nước có thể ngưng thi hành một hiệp ước đã ký cũng như có thể hủy bỏ toàn bộ nội dung các hiệp ước nầy vì tính bất bình đẳng của nó (trường hợp các hiệp ước được ký dưới thời kỳ một nước bị bảo hộ).
Tuy-nhiên, Ðiều 11 của Công ước Vienne có nội dung: 
“Boundary regimes: 
A succession of States does not as such affect: (a) a boundary established by a treaty; or (b) obligations and rights established by a treaty and relating to the regime of a boundary.” 
Tạm dịch: “Thể lệ về biên giới: Một sự kế tục của quốc gia không đặt lại vấn đề về: a) biên giới xác định do một hiệp ước và b) nghĩa vụ và quyền lợi xác định do một hiệp ước có liên hệ với một thể lệ về biên giới.” 
Trên thế giới có rất nhiều hiệp ước phân định biên giới (rất bất bình đẳng) đã ký từ nhiều thế kỷ trước đến nay vẫn còn hiệu lực như giữa Nga và Trung Quốc (Trung Quốc mất hàng triệu km²). 
Như thế, giả sử quốc hội nước CHXHCN Việt Nam có ra nghị quyết phủ nhận công hàm ngày 14/9/1958 thì đối với quốc tế luật này không có giá trị vì công hàm ngày 14/9/1958 liên quan đến vấn đề “biên giới”.
Nhưng công ước Vienne 1969 có nói đến “sự kế tục của quốc gia”. 
Tiếp theo, Trương Nhân Tuấn cho rằng để phản bác lại quan điểm của Trung Quốc hiện nay tùy thuộc vào sự lựa chọn của chính phủ Việt Nam hiện nay về việc kế tục quốc gia. 
Ta thấy “người kế thừa” Việt Nam Công Hòa (VNCH) là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN). Trước và sau 30/4/1975, VNCH và CPCMLTCHMNVN chưa hề tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Trường Sa và Hoàng Sa. Ngược lại, trước năm 1975, VNCH luôn khẳng định chủ quyền, của mình ở các quần đảo này. Việc khẳng định chủ quyền này thể hiện qua nhiều cách thức khác nhau. Ngày 9/9/1975, nhân hội nghi quốc tế về “khí tượng” tổ chức ở Colombo, đại diện của CPCMLTCHMNVN đề nghị hội nghị ghi nhận các trạm thời tiết đặt tại các đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam. Điều này cho thấy CPCMLTMNVN khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, tức thừa kế VNCH.
Lập trường hai bên miền Nam là một trong vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa 
Sau khi “hiệp thuơng” thống nhất đất nước năm 1976(80), chính phủ CHXHCNVN có quyền lựa chọn việc kế thừa, ở đây không ai cấm chính phủ này kế thừa CPCMLMNVN.(81)
Như vậy, từ sau năm 1975, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, người kế thừa hai nhà nước VNCH và VNDCCH, đã kế thừa chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ VNCH cùng các tuyên bố đơn phương không mang tính chất ràng buộc và hiệu quả pháp lý từ VNDCCH hoàn toàn có đầy đủ cơ sở để khẳng định chủ quyền hợp pháp của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng quan trọng hơn hết, cần phải nói rằng từ năm 1945 đến nay, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội nước Việt Nam Cộng hòa, Mặt trận DTGPMN Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt và hiện nay là Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng hoặc ra nghị quyết từ bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Bên cạnh đó chúng ta cũng phải thừa nhận rằng công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một sản phẩm lịch sử của thời kỳ chiến tranh lạnh và cũng là của sự ấu trĩ về tình hình thế giới của giới lãnh đạo VNDCCH lúc bấy giờ.
Từ những phân tích trên, chúng tôi cho là xác đáng nhưng cần phải nhấn mạnh rằng tất cả những hành động ngoại giao của Thủ tướng Phạm văn Đồng không phải là ông không nhìn thấy mọi ý đồ của Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam vì ông đã có kinh nghiệm và đã trả giá trong bàn đàm phán Geneve năm 1954, khi bàn về việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Nhưng kinh nghiệm ấy cũng không ngăn ông được khi giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ với Trung Quốc vì Việt Nam đã tạo nên ấn tượng rằng Việt Nam đã tự nguyện chấp nhận những hy sinh vì lợi ích của đường lối chung về “cùng tồn tại hòa bình” đang thịnh hành trong thế giới xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét