Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

"Một thời để mất"


Trích Một thời để mất, Bùi Ngọc Tấn

Trong thời gian kháng chiến khốc liệt và vui tươi đó, Xuân Diệu về trường chúng tôi. Anh nói chuyện thời sự. Anh nói về xã hội thối nát của Pháp và Mỹ, về những đảng 3K, những điệu nhảy Hu-la-húp, Rốc-en-rôn. Xuân Diệu trợn tròn mắt: Các đồng chí có biết bên ấy chúng nó mặc quần áo bằng gì không? Bằng ni lông ! Quần áo ni lông !

Chúng tôi ào lên. Thật không thể nào hiểu được cái bọn người khốn nạn ấy lại có thể lấy ni lông làm quần áo, thứ vải mưa mầu cánh dán trong suốt mà chúng tôi mới được biết đến khi các anh tôi từ vùng địch hậu ra, có mang theo vài mảnh, vừa dùng để đi mưa, vừa dùng gói quần áo, lấy dây túm chặt làm thành một thứ phao bơi khi vượt sông ra vùng tự do. Thật là một lũ điên loạn, trụy lạc. Mặc quần áo như vậy có khác gì cởi truồng (Mãi mấy chục năm sau khi may chiếc áo ni lông đầu tiên trong đời mà Nguyên Hồng gọi là pha lon, tôi mới thấy loại vải ấy tuyệt biết bao).

   Xuân Diệu bồi thêm:

- Còn quần áo may bằng vải thường các đồng chí có biết nó in gì lên đấy không. Không phải in hoa ! Nó in cả một tờ Nữu Ước thời báo với đầy đủ ảnh, măng sét, tít lớn, tít nhỏ, tin ngắn, tin dài lên mặt vải. Cũng không phải in lên một bộ quần áo mà in lên cả hàng bao nhiêu cuộn vải rồi cứ thế mà cắt !

   Không để chúng tôi kịp ngạc nhiên, Xuân Diệu tiếp luôn:

- Còn tổng thống ở bên Mỹ, khi hết nhiệm kỳ không làm tổng thống nữa, các đồng chí có biết nó đi làm gì không ? Đi quảng cáo cho các hãng buôn kiếm tiền !

   Chúng tôi lại ồ lên. Cái bọn người quái đản ấy cần được cải tạo. Chúng ta sẽ là người cải tạo chúng. Giai cấp vô sản, tầng lớp lao động, những người nghèo khổ bị bóc lột ở những nước ấy sẽ đứng lên.

(trích Một thời để mất, Bùi Ngọc Tấn, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội 2005) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét