Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

"Cây thần dược" tiêu diệt được 5 dòng tế bào ung thư


Link : www.baomoi.com

Vừa qua, Viện Dược liệu - Bộ Y tế - đã có báo cáo kết quả nghiên cứu về cây xáo tam phân (tên khoa học là Paramignya trimera), được nhiều người biết đến rộng rãi với cái tên "cây thần dược"...

Theo kết quả nghiên cứu này, cây xáo tam phân có các thành phần: flavonoid, saponin, alcaloid và chủ yếu là courmarin và triterpenoid.

Flavonoid là một nhóm hợp chất thường gặp trong thực vật, và trong nhiều loại rau quả dùng hàng ngày. Trong cây, flavonoid giữ vai trò là chất bảo vệ, chống oxy hóa, bảo tồn acid ascorbic trong tế bào, ngăn cản một số tác nhân gây hại cho cây (vi khuẩn, virus, côn trùng).

Phần lớn các flavonoid có màu vàng - và đó là lý do vì sao cây thần dược khi nấu lên, cho ra nước màu vàng nhạt... Ngoài ra còn có những chất màu xanh, tím, đỏ hoặc không màu.

Flavonoid là nhóm hợp chất có nhiều tác dụng sinh học, cụ thể là chống oxy hóa. Do có khả năng dập tắt các gốc tự do như OH, ROO (là yếu tố gây biến dị, hủy hoại tế bào, ung thư, tăng nhanh sự lão hóa,...) nên nó có tác dụng tốt trong việc tiêu diệt một số loại tế bào ung thư, đồng thời flavonoid tạo phức hợp với các ion kim loại nên ngăn cản các phản ứng oxy hóa mà những ion đó là enzym xúc tác. Các nghiên cứu cho thấy flavonoid có tác dụng bảo vệ cơ thể, ngăn ngừa xơ vữa động mạnh, tai biến mạch máu não, lão hóa, thoái hóa gan, tổn thương do bức xạ.

Flavonoid làm bền thành mạch, được dùng trong các trường hợp rối loạn chức năng tĩnh mạnh, trĩ, rối loạn tuần hoàn võng mạc. Nó còn có tác dụng chống độc, làm giảm thương tổn gan, bảo vệ chức năng gan, lợi tiểu. Trên tim mạch, nhiều flavonoid như quercetin, rutin, myciretin, hỗn hợp các catechin có tác dụng làm tăng biên độ co bóp tim, tăng thể tích phút của tim,...

Riêng chất saponin, thì đây là một trong những thành phần chính của nhân sâm, là hoạt chất chính tạo nên những công dụng của nhân sâm. Sâm càng có nhiều thành phần này thì càng tốt.

Vì vậy, dù nhiều nước trên thế giới trồng sâm nhưng sâm của Hàn Quốc và Triều Tiên được đánh giá là tốt nhất. Trong sâm tươi có khoảng 10 thành phần saponin nhưng sau khi qua các công đoạn sấy khô thành hồng sâm và bạch sâm, nhân sâm Hàn Quốc có thể có tới 35 thành phần saponin.

Với chất courmarin, những nghiên cứu của Y học thế giới đã cho thấy một số bằng chứng hữu ích trong hoạt động sinh học, và đã được chấp thuận để sử dụng như một loại dược phẩm y tế. Kết quả khảo sát cho thấy saponin và courmarin chống được virus HIV, chống khối u, chống tăng huyết áp, chống loạn nhịp tim, kháng viêm, chống loãng xương, điều trị bệnh hen suyễn và một vài bệnh thuộc hệ bạch huyết.

Đặc biệt nhất là chất triterpenoid. Các công trình nghiên cứu của Viện Hóa dược châu Âu cho thấy nó có tác dụng rõ rệt trong điều trị bệnh tiểu đường, bệnh xơ gan, viêm gan cấp và ung thư gan.

Như thế, với những chất này trong "cây thần dược" thì đây là một loại thuốc quý. Báo cáo của Viện Dược liệu - Bộ Y tế đã ghi nhận thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, "cây thần dược" có tác dụng ức chế tốt viêm gan cấp. Bên cạnh đó, nó có tác dụng ức chế, tiêu diệt đối với năm dòng tế bào ung thư, là ung thư gan Hep-G2, ung thư đại tràng HTC116, ung thư vú MDA MB231, ung thư buồng trứng OVCAR-8 và ung thư cổ tử cung Hela (trong đó mạnh nhất đối với với ung thư gan Hep-G2 và ung thư cổ tử cung). Riêng về độc tính, “cây thần dược” có độc tính thấp, khá an toàn khi sử dụng.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Y tế về hướng dẫn thử thuốc trên lâm sàng, Sở Y tế Khánh Hòa sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan chức năng hướng dẫn những bước cần thiết nhằm khẳng định tác dụng điều trị trên người của cây thuốc này, đồng thời Sở Y tế Khánh Hòa cũng đề nghị UBND tỉnh có biện pháp hữu hiệu bảo vệ nguồn gen và phát triển "cây thần dược", ngăn chặn tình trạng khai thác bừa bãi.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi đăng tải loạt bài nói về "cây thần dược", đã có rất nhiều bệnh nhân bị viêm gan siêu vi A, B, C, xơ gan, ung thư gan và một số bệnh ung thư khác, đã tìm mua để điều trị. Một số người sau khi khỏi bệnh, đã đến gặp chúng tôi, đưa cho chúng tôi bản sao các kết quả xét nghiệm với mong muốn sẽ có thêm nhiều bệnh nhân khác được chữa lành nhờ "cây thần dược” này.

Theo một vị lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, thì "cây thần dược" ở khu vực Hòn Hèo, xã Ninh Vân đã bị khai thác gần như cạn kiệt mặc dù ngành kiểm lâm đã quyết liệt ngăn chặn mà nguyên do là lực lượng kiểm lâm không đủ người để kiểm soát hết mọi lối ra vào rừng. Hiện tại, người dân tìm đến những vùng núi lân cận như Đại Lãnh, Vũng Rô, chặt hái. Đã xuất hiện "cây thần dược" giả - là những thân gỗ của một số loại cây khác, được băm nhỏ, phơi khô, trộn lẫn với "cây thần dược" bán cho người có nhu cầu.

Lương y Nguyễn Khai Minh, ở phố thuốc Bắc quận 5, Tp HCM, nói: "Cây thần dược kích thước đường kính chỉ từ 3 đến 8cm, vỏ màu vàng nhạt, có rất nhiều gai dài và nhọn. Khi chặt hái, người ta róc bỏ những gai này rồi phơi khô, băm thành từng lát. Để đề phòng cây giả, khi mua nên mua nguyên thân, cành, chú ý quan sát những dấu gai đã róc bỏ trên thân cây. Trước khi sắc lấy nước uống, nên sao (rang) cho vàng để loại bỏ chất cyanuahydrid, là một chất độc thường thấy trong cây họ gỗ"

  Vũ Cao

-----------------------------------------------------------------------------------------

“Cây thần dược” trị xơ gan: Hé lộ “chân dung... thần xạ"

Link : http://antg.cand.com.vn/vi-VN/ktvhkh/2012/10/79174.cand

Chuyện về cây "thần dược" ở Ninh Vân cuối cùng rồi cũng hé mở. Thì ra đó là cây thần xạ nằm trong bài thuốc truyền đời của người Chăm chứ không phải của người Raglai như lâu nay chúng tôi và nhiều người lầm tưởng. Trước khi tạm biệt chúng tôi, ông Sanh hứa khi gặp được thầy thuốc người Chăm vốn rất giỏi về các bài thuốc cổ truyền đang sống trên núi Cà Đú (Bình Thuận) và là người duy nhất rõ rành về cây thần xạ sẽ kết nối để chúng tôi gặp tìm hiểu thêm về cây thuốc quý này.

Từ khi được phát hiện đến nay, cây thuốc lạ có nguồn gốc tại xã Ninh Vân (huyện Ninh Hòa) được ghi nhận chữa nhiều chứng bệnh nan y, nhất là căn bệnh xơ gan giai đoạn cuối, đã gây sóng gió kéo dài hơn 1 năm trời tại địa phương này. Dù cây thuốc này được xác định đã tuyệt chủng tại Ninh Vân nhưng trước quá nhiều bằng chứng thuyết phục về sự thần hiệu của nó (điển hình là ông Lê Hăng, ngụ thôn Đông, xã Ninh Vân, huyện Ninh Hòa và chị Ana Hernandez Sanmartin, có chồng là một quan chức cao cấp thuộc Đại sứ quán Venezuela tại Việt Nam bị xơ gan cổ chướng giai đoạn cuối nhờ uống nước sắc từ cây thuốc lạ có nguồn gốc tại xã Ninh Vân... đã qua được lưỡi hái tử thần) mà đến thời điểm này, vẫn có nhiều người săn lùng cây thuốc lạ để chữa bệnh!

Trước cơn cuồng vọng "thần dược" trị xơ gan ấy, thời gian qua PV Chuyên đề ANTG đã cất công tìm hiểu nguồn gốc của cây thuốc lạ và mới đây, sau bao nỗ lực, hành trình kiếm tìm ấy đã phần nào có kết quả khi những tình tiết ly kỳ về cây thuốc đã được hé mở. Tin vui đến cũng là lúc nỗi buồn trĩu nặng khi chúng tôi phát hiện vì hám lợi đã có lắm kẻ táng tận lương tâm sử dụng một loại cây độc có "cấu hình" giống cây thuốc lạ ở Ninh Vân bán cho người có nhu cầu để trục lợi.

Hành trình gian nan

Như Chuyên đề ANTG đã phản ánh trên những số báo trước, câu chuyện cây "thần dược" ở Ninh Vân được phát pháo bởi sự thoát hiểm ngoạn mục của ông Lê Hăng. Ông Hăng vì nhậu quỷ khóc thần sầu mà bị xơ gan cổ chướng giai đoạn cuối, được bác sĩ trả về và chờ chết. May nhờ một người bạn tên Sinh là công nhân cầu đường chỉ cho cây lạ ở Ninh Vân mà hết bệnh. Điều này được lãnh đạo địa phương xác nhận và cũng từ đây, thông tin về "cây thần dược" phát sốt và sốt liên tục bởi thông tin những người lâm cảnh bạo bệnh như ông Hăng nhờ cây thuốc lạ ở Ninh Vân mà thoát án tử liên tục được cập nhật.

Từ những ngày đầu "thần dược" Ninh Vân được dư luận "nổ súng", rất nhiều người, nhiều giới để được rõ hơn về "cây thuốc thần" đã đổ xô kiếm tìm người thợ làm đường tên Sinh bí hiểm nhưng chẳng ghi nhận được gì từ phía đầu mối là ông Lê Hăng.

Giữa tháng 8 vừa qua, vào vai người bệnh có nhu cầu "cây thần dược", sau khi cắn răng để ông Lê Hăng chém vài nhát chí mạng với giá bán trên trời cây lạ được nhập từ nơi khác chứ không phải có nguồn gốc tại Ninh Vân, chúng tôi dò hỏi ông này họ tên đầy đủ cũng như địa chỉ, số điện thoại của anh Sinh để hỏi thêm kinh nghiệm chữa trị của cây thuốc lạ thì ông Hăng lắc đầu bảo bó tay. Khi thì ông Hăng thổ lộ chẳng biết ân nhân giờ ở đâu, lúc ông Hăng nói anh Sinh đã đổi số điện thoại nên chẳng liên lạc được.

Sau này qua dò hỏi mới biết tình bằng hữu giữa ông Hăng và ân nhân cứu mạng rạn nứt bắt nguồn từ việc ông Hăng vì hám lợi phá bỏ lời thề. Khi được anh Sinh mách cho "cây thuốc thần" chữa bệnh với yêu cầu mai này hết bệnh chỉ dùng cây thuốc giúp người, không dùng để trục lợi, ai ngờ khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần, tên tuổi nổi rần rần, ông Hăng nổi máu tham, tiến hành kinh doanh cây thuốc.

Chính lòng tham của người đàn ông này đã khiến giá cả cây thuốc quý ở Ninh Vân nhảy chóng mặt. Cây thuốc ở Ninh Vân cạn kiệt, ông Hăng nhập từ nơi khác bán cho người bệnh, chẳng màng cây có nhiều nguy cơ nhiễm chất độc dioxin và có khi tồn trữ độc chất (trên thực tế, cùng một loại cây nhưng ở vùng này có chất thuốc nhưng khi sinh trưởng vùng khác lại chứa độc). Bị "dí" quá, ông Hăng sau đó cũng thừa nhận vì ông phá bỏ lời thề cứu mạng nên bị ân nhân giận và từ mặt. Nhưng theo một số người dân ở Ninh Vân, đang sắp chết bỗng dưng thoát được án tử và phát tài, ông Hăng phớt lờ ân nhân để dễ bề buôn bán, làm giàu từ "cây thần dược".

Chẳng thể thu thập được gì từ ông Lê Hăng, chúng tôi tìm kiếm nhân vật Sinh bí hiểm từ nhiều nguồn khác và ghi nhận được nhiều tin bên lề. Người bảo anh Sinh sống tại khu vực núi Sầm (Ninh Hòa), kẻ "phán" anh là "con" của núi rừng Khánh Vĩnh, là công nhân thời vụ chứ không phải dân cầu đường chuyên nghiệp. Dù thông tin mỗi người mỗi khác nhưng cả thảy đều có điểm chung rằng anh Sinh là người dân tộc vùng cao, chính xác là người Raglai, tộc người hiền hòa vốn dĩ là chủ nhân ngàn đời của núi rừng Khánh Vĩnh.


Lần theo nguồn tin thu thập được, chúng tôi quần nát núi Sầm và kết quả thu được chẳng chút gì khả quan. "Mò" lên Khánh Vĩnh, tìm đến xã Sơn Thái, địa bàn giáp ranh tỉnh Lâm Đồng, nơi mà không ít dư luận cho rằng là quê hương của người đàn ông tên Sinh và "thần dược" trị xơ gan, lòng chúng tôi tràn đầy hy vọng, những tin bí ẩn của cây thuốc lạ ở Ninh Vân sẽ được hé lộ từ đây.

Tại Sơn Thái, chúng tôi gặp anh Thụ, Trưởng Công an xã và được anh bật mí nhiều chuyện ly kỳ về "cây thần dược". Theo anh Thụ, anh là người gốc Cao Bằng, quê hương của nghề đông dược gia truyền và bản thân anh "có nghề" Đông y, các em anh là bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện đa khoa Khánh Vĩnh. "Dữ dằn" như thế nhưng anh Thụ và các em đã chẳng thể giúp được gì cho người mẹ già ngoài 70 tuổi bị đau khớp đến chẳng thể đi đứng.

"Khi biết được cây thuốc lạ ở Ninh Vân, trước quá nhiều người lâm bạo bệnh khỏi bệnh, với kinh nghiệm của mình, qua xem mẫu, ngửi mùi... tôi biết được rằng đây là cây thuốc chứ không phải cây độc. Nhưng đấy là cây thuốc gì, thực sự trị được những bệnh gì thì chẳng thể biết được. Điều kỳ lạ là sau một thời gian uống nước nấu từ cây thuốc này, bệnh khớp của mẹ tôi thuyên giảm và nay gần như dứt hẳn, việc đi lại bình thường" - anh Thụ, chia sẻ!

Đề cập đến chuyện "cây thuốc lạ" có hiện diện ở Sơn Thái nói riêng, núi rừng Khánh Vĩnh nói chung hay không, anh Thụ lắc đầu. Sau khi xem mẫu cây thuốc, những người dân Raglai ở Sơn Thái và một số xã khác, đặc biệt là những cụ già vốn biết rõ những cây thuốc giấu bí truyền của tộc người, đều lắc đầu trước… cây lạ.

Đáp án của ẩn số "thần dược": Thần xạ của người Chăm

Rời Khánh Hòa, trở lại TP HCM, chúng tôi mang mẫu cây thuốc lạ tìm gặp nhiều lương y hỏi thăm "nhân thân" nhưng cũng không ghi nhận được bất kỳ thông tin mong muốn. Tìm đến phòng khám Tuệ Lãn gặp lương y Nguyễn Đức Nghĩa (học trò cố GS-TS Đỗ Tất Lợi, người rất tâm huyết với sự nghiệp phát triển cây thuốc Việt), sau khi xem kỹ mẫu cây, lương y Nghĩa và sau đó là TS sinh học Võ Văn Chi (tác giả cuốn Từ điển cây thuốc Việt Nam) rất bất ngờ bởi chưa từng gặp cây thuốc này cũng như không tìm thấy trong các y văn.

Không bỏ cuộc, sau đó qua tra cứu “Từ điển thực vật Việt Nam”, lương y Nghĩa và tiến sĩ Chi phát hiện mẫu cây thuốc lạ có hình dáng rất giống cây xáo tam phân. Còn nhớ khi hẹn gặp chúng tôi tại phòng khám Tuệ Lãn gần khu vực ga Sài Gòn, lương y Nghĩa thận trọng nói rằng 80% cây thuốc lạ là cây xáo tam phân, nhưng vì chưa có mẫu hoa và trái nên không thể khẳng định 100%. Và cứ cho đó là cây xáo tam phân thì các y văn chưa có bất kỳ tài liệu nào ghi nhận đó là cây thuốc!

Như vậy sau hàng tháng trời kiếm tìm, chúng tôi chẳng thể nào biết được gì từ cây thuốc lạ. Những lần đi công tác đến các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, tìm gặp các tộc người Êđê, M'nông, Jrai, Xơ-đăng... với mẫu cây thuốc lạ có được trước đó nhưng các tộc người chẳng ai biết gì về "thần dược" Ninh Vân. Đến đây thì mọi hướng mở về "thần dược" xem như khép lại.


Thông tin về cây thuốc lạ Ninh Vân mịt mù nhưng số người bị ung thư, tiểu đường, các chứng ung bướu, xơ gan, huyết áp... nhờ uống cây thuốc này liên tục gia tăng đã không cho phép chúng tôi bỏ cuộc trong việc kiếm tìm lý lịch "thần dược". Và càng vào cuộc, càng buồn lòng trước quá nhiều cảnh nhố nhăng liên quan đến cây thuốc này. Cây thuốc ở địa phương cạn kiệt, ông Lê Hăng và nhiều người khác tiếp tục tung tiền thu gom "cây lạ" từ các địa phương khác về bán lại cho người bệnh.

Lắm kẻ táng tận lương tâm, chặt băm những cây lạ khác trộn lẫn vào "cây thần dược" từ nơi khác bán cho người bệnh. Lại có kẻ tàn bạo đến vô ngần, lấy một loại cây rất giống "thần dược" bảo đó là "thần dược" bán cho người bệnh với giá tiền triệu 1kg. Điều này được lương y Nguyễn Đức Nghĩa xác nhận và cảnh báo: "Cây độc rất giống cây được gọi là "thần dược" Ninh Vân, cũng có lớp vỏ nhung nhưng mùi hắc hơn, lá to và dài hơn. Khi ngửi cây độc chỉ có cảm giác nhức đầu chứ không có mùi sâm". Chúng tôi cũng đã tiếp cận với mẫu cây độc ấy và nhận thấy khi nhai, môi, lưỡi bỏng rát, điều đó được các lương y giải thích là do chất độc của cây!

Cũng theo một cộng sự của lương y Nghĩa, trong quá trình kiếm tìm cây thuốc lạ, anh phát hiện có người mua cả tấn cây độc mà cứ nghĩ là "thần dược" để sử dụng và bán kiếm lời nhưng khi cho người thân uống vào bị "tẩu hỏa nhập ma" suýt chết với các biểu hiện ngộ độc sùi bọt mép, co giật, nôn mửa nên không dám tồn trữ bán buôn, vì sợ người mua uống vào đột tử thì mình sẽ bị vạ lây nên… đem hủy. Những điều này chúng tôi đã cảnh báo nhưng vì nhu cầu "thần dược" chữa bệnh, một số vì tư tưởng trục lợi vẫn bất chấp, vẫn đổ về Ninh Vân nạp mạng cho phường con buôn bất lương.

Ngày 29/9, một phụ nữ ở quận Bình Thạnh đã đem đến bao thần dược 10kg mà chị mua với giá gần 700.000 đồng/kg nhờ xem đó có phải là thần dược chính hiệu hay không với tâm sự "người bán nói đây là hàng tươi mới có giá đó, chứ đồ khô thì đắt hơn rất nhiều". Sau khi điểm sơ, mới thấy bao thuốc kia đa phần là… cây thuốc dởm!

Trở lại quá trình kiếm tìm nguồn gốc cây thuốc lạ ở Ninh Vân. Vào một ngày cuối tháng 9, trong một dịp tình cờ, chúng tôi gặp được ông Hà Sanh, 62 tuổi, người Chăm, sinh sống gần khu vực thành cổ Diên Khánh (Khánh Hòa) lúc ông này đang phơi trước nhà mẹt cây thuốc có "cấu hình" rất giống cây lạ ở Ninh Vân đã được xắt lát. "Mò" vào hỏi chuyện, bất ngờ trước hiểu biết của ông Sanh về "thần dược" gây sốt trong thời gian qua. "Tại nhiều người đau bệnh uống vào dứt điểm thấy hay quá nên gọi nó là thần dược, chứ đó gọi là cây "thần xạ" mới đúng" - ông Sanh, cho biết!

- Cây này chữa được bệnh gì vậy chú, ai dùng cũng tốt hay có hại gì không?

- Thần xạ dùng để trục độc, tăng sức cho cơ thể. Người Chăm mình thường nấu lấy nước cho phụ nữ sau khi sinh uống để sớm hồi phục. Uống cái này phải uống loãng, trẻ nhỏ không nên uống, người có thai cũng không được uống vì thuốc này có tính trụy thai. Kinh nghiệm dân gian chữa trị trước đây cho thấy thai phụ nếu chết thai chỉ cần uống nước thần xạ sẽ trục thai ra ngoài mà không cần phải phẫu thuật, mổ xẻ.

Ông Sanh, tuy đã ngoài lục tuần, nhưng tác phong vẫn nhanh lẹ, hoạt bát, ăn tốt ngủ tốt và đang sống với "tập 2". Hỏi có được sức khỏe tráng kiện như vậy có phải nhờ uống thần xạ, ông cười tươi và khuyên chúng tôi nên uống để trục độc và mai này về già sẽ không bị các chứng đau nhức của tuổi già thường thấy!

Chuyện về cây "thần dược" ở Ninh Vân cuối cùng rồi cũng hé mở. Thì ra đó là cây thần xạ nằm trong bài thuốc truyền đời của người Chăm chứ không phải của người Raglai như lâu nay chúng tôi và nhiều người lầm tưởng. Trước khi tạm biệt chúng tôi, ông Sanh hứa khi gặp được thầy thuốc người Chăm vốn rất giỏi về các bài thuốc cổ truyền đang sống trên núi Cà Đú (Bình Thuận) và là người duy nhất rõ rành về cây thần xạ sẽ kết nối để chúng tôi gặp tìm hiểu thêm về cây thuốc quý này. Ông cũng nhắn gửi rằng phải rất cẩn trọng khi dùng thần xạ, bởi loài cây này có những anh em rất giống nhau về dáng hình nhưng lại có độc chất nguy hiểm.

"Cây độc cũng có bài thuốc nhưng phải là người am tường mới biết cách sử dụng. Bằng không mọi sự nhầm lẫn sẽ trả giá đắt, uống vào bệnh không những không dứt mà còn hóa nặng thêm, lúc biết sợ thì đã quá muộn"

N.Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét