PHÁT THẢI CO2: BẮT ĐẦU TỪ CÂU HỎI CŨ
Mấy năm trước, tôi có nhớ đã đọc được trên facebook một người bạn đại ý mắng ngành điện Việt Nam là tại sao có mỏ than như thế ở Quảng Ninh mà lại phải đi nhập than cho nhiệt điện làm gì. Khi ấy, tôi đã định vào phản biện nhưng nghĩ lại thôi. Vô ích.
Thực chất, ít người tìm hiểu về than, dù chỉ ở mức sơ sơ là có bao nhiêu loại, hàm lượng thế nào, nhiệt ra làm sao… Than ở các mỏ của Việt Nam là than anthracite, có hàm lượng carbon cao nhất, cho nhiệt lượng cao nhất nhưng nhược điểm chính là cứng, khó bắt cháy và hàm lượng bốc thấp.
Thời trước, các nhà máy nhiệt điện Phả Lại 1, Uông Bí, Ninh Bình, Cẩm Phả… do Liên Xô và Trung Quốc giúp xây dựng đều sử dụng công nghệ lò hơi phù hợp với loại than Anthracite này. Nó khó bắt cháy, hàm lượng bốc thấp nên do đó phải dùng công nghệ lò hơi tuần hoàn tầng sôi (Circulating Fluidized Bed -CFB). Với công nghệ này, nhiệt điện than ở Việt nam hoàn toàn có thể tự chủ nhiên liệu.
Thời nay, với nguồn ODA, Việt Nam đã để các đối tác quyền lựa chọn công nghệ khi đầu tư nhiệt điện than. Và các đối tác, Mỹ, Nhật, Hàn, EU thì quá tinh ranh. Họ không chọn công nghệ lò hơi kia. Thay vào đó, họ chọn công nghệ đốt than phun (Pulverized Coal - PC). Với công nghệ này, chỉ đốt được loại than Bituminous hoặc than á-bituminous mà thôi. Và hai loại than đó chúng ta không có, hoàn toàn phải nhập khẩu từ Mỹ, Indonesia, Úc…
Bởi vậy, bảo sao EVN vẫn hay kêu trời vì giá nhiên liệu nhập khẩu tăng cao.
Việc đẩy mạnh xây dựng các nhà máy nhiệt điện ODA dạng này rơi vào quãng năm 2010 và thực tế, ai là người quyết định cao nhất cho các hợp tác như thòng lọng đeo vào cổ ngành năng lượng Việt Nam này chính là tội đồ dân tộc.
Chuyện than nói đến đây đủ rồi, nhưng cần phải nói ra bởi vì nó liên quan đến câu chuyện chuyển đổi xanh ngày hôm nay.
Chúng ta đang được dẫn dắt rằng xe chạy nhiên liệu hoá thạch là nguồn xả thải nguy hại nhất nhưng thực tế không một ai cho chúng ta một con số cụ thể, mang tính khoa học về tỷ lệ xả thải của phương tiện giao thông dùng nhiên liệu hoá thạch so với tổng thể xả thải cả nước. Không có số liệu khoa học, mọi thiết kế chính sách sẽ đều không thể vững vàng.
Trong khi đó, tỷ lệ xả thải CO2 của ngành năng lượng Việt nam, cụ thể là ngành điện với nhiều nhà máy nhiệt điện than (chiếm tới hơn 50% sản lượng điện quốc gia) lại có thể đo đếm được. Tỷ lệ xả thải CO2 của ngành năng lượng Việt Nam chiếm khoảng 60% trong tổng xả thải CO2 cả nước. Cụ thể, năm 2016, tổng xả thải Việt nam là 316 triệu tấn, ngành năng lượng chiếm 205 triệu tấn; năm 2022, tổng xả thải Việt nam là 344 triệu tấn và ước tính đến 2030, năng lượng phát thải của ngành năng lượng Việt Nam có thể lên tới 670 triệu tấn.
Nhìn vào tỷ lệ xả thải CO2 ấy của ngành năng lượng, chúng ta có thể nhận ra rõ ràng nguyên nhân ô nhiễm không khí lớn nhất không phải đến từ phương tiện giao thông. Và một khi chuyển đổi 100% sang sử dụng phương tiện giao thông dùng điện thay cho dùng nhiên liệu hoá thạch, nhu cầu sử dụng điện sẽ còn tăng cao hơn nữa. Cùng với nhu cầu ấy là nhu cầu còn lớn hơn: tăng sản lượng điện phục vụ tăng trưởng GDP. Để tăng trưởng GDP 1, sản lượng điện thường phải tăng từ 1,5 lần trở lên. Ví như năm 2025 này, mục tiêu tăng trưởng GDP là 8% thì sản lượng điện sẽ phải tăng 12%.
Như vậy, càng dùng phương tiện giao thông sử dụng điện, nhu cầu điện càng lớn, càng phải xây thêm nhà máy và phát thải sẽ chỉ càng tăng hơn. Cái vòng luẩn quẩn này đến bao giờ mới thoát nổi, nhất là khi vốn vay từ nước ngoài. Và nghịch lý ở đây là ta đang “Xanh hoá môi trường bằng cách tiến tới xoá sổ thứ phát thải ít hơn thông qua tăng tỷ lệ tăng trưởng cái phát thải nhiều nhất một cách đầy quyết liệt”.
Đến đây, lại phải nói về tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được bán thế nào? Nôm na, đây là một dạng thị trường tài chính mới mà cái tín chỉ carbon nó chẳng khác gì tờ giấy có giá. Đứng sau lưng trò tín chỉ carbon này là một hệ thống siêu quyền lực tài chính trên thế giới bắt tay nhau để tạo ra luật chơi và thị trường. Hiểu đơn giản thế này, một nhà máy ở Pháp đang có mức xả thải cao theo các tiêu chuẩn của Thoả thuận Paris 2015 chẳng hạn, nó sẽ bị xử lý thế nào? Không ai xử lý nó cả. Nó cũng không cần đổi mới công nghệ để giảm thải. Nó chỉ cần mua tín chỉ carbon từ Việt Nam thông qua việc trả tiền cho một dự án trồng rừng ở nước ta. Thế là nó lại nghiễm nhiên tiếp tục xả thải như cũ.
Thế thì tại sao chúng ta không dùng chính cái mô hình tín chỉ carbon ấy mà đưa vào chính sách nhỉ? Ông chạy xe xăng à? Ông muốn tiếp tục không? Mời ông “mua tín chỉ xả thải cá nhân” với mức phí hàng năm là bao nhiêu đó. Còn nếu ông không muốn mua ư? Tự tìm cách chuyển đổi nhé: mua xe điện, đi xe công cộng, đi bộ, hoặc cưỡi ngựa và lạc đà. À, ngựa và lạc đà sẽ kèm theo tín chỉ phân.
Nhưng nói là nói vậy thôi. Khi mạng lưới giao thông công cộng chưa thể đáp ứng được nhu cầu như hiện trạng, làm sao người dân có thể chuyển đổi? Như chuyện một đồng nghiệp của tôi mới kể, Hà Nội khai tử tuyến xe bus 45 vì lỗ khiến con anh gần như cả năm phải đi grab 20km đến trường (anh ấy vẫn chưa khao con đỗ to) thì lấy đâu ra tinh thần phục vụ để nhân dân chuyển đổi. Thêm vào đó, muốn chuyển đổi nhanh và tốt, phải lập tức CẤM ĐỘC QUYỀN TRẠM SẠC. Chính cái trò xe thương hiệu khác cắm vào sạc thì tương thích về thiết bị nhưng không mở khoá phần mềm để có thể sạc mới là trò lũng đoạn cần phải xoá bỏ, nếu không nói là có thể dùng quyền lực đưa kẻ lũng đoạn như thế vào tù.
Nhưng ai đủ bản lĩnh bỏ tù những kẻ lũng đoạn đây?
Câu hỏi ấy, nó cũng giống như câu hỏi “Ai dám luận tội những kẻ đã đẩy Việt Nam vào công nghệ lò hơi nhiệt điện than không tự chủ được nhiên liệu trong khi ta có cùng loại nhiên liệu rất dồi dào?”.
Ảnh minh hoạ: Nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 1, sử dụng công nghệ lò hơi đốt than phun (Pulverized Coal - PC) sử dụng loại than Việt Nam… KHÔNG CÓ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét