VIỆT NAM KHÔNG CẦN CHỌN PHE. VIỆT NAM CHỌN TƯƠNG LAI.
Vũ Đức Khanh
17/7/2025
Chưa đầy 48 tiếng sau khi Tổng thống Donald Trump khẳng định “một thỏa thuận với Việt Nam đang được chuẩn bị khá tốt”, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 17/7 lên tiếng với thông điệp dè chừng: các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn đang “tích cực làm việc” với phía Hoa Kỳ.
Sự chênh lệch giữa hai phát ngôn không chỉ nằm ở tốc độ phản ứng, mà phản ánh khác biệt về nhịp chiến lược:
Washington đang vận hành với nhịp độ của một cường quốc xác lập lại trật tự; Hà Nội dường như vẫn đang dò xét thời cuộc, nửa tin nửa ngờ.
Nhưng thời gian không còn nhiều.
Theo các nguồn tin chính sách, Hà Nội có chưa đầy hai tuần để trả lời bốn đề nghị trọng yếu từ phía Mỹ, bao gồm: chặn hàng Trung Quốc trung chuyển, mở cửa Cam Ranh, gia nhập liên minh hàng hải Ấn Độ Dương –Thái Bình Dương, và hợp tác đất hiếm. Đổi lại là mức thuế có thể giảm còn 15%, thậm chí 0%, và vị thế chiến lược được nâng hẳn một tầng nấc mới.
Đây là một lựa chọn chính sách, nhưng sâu xa hơn, đó là một lựa chọn lịch sử.
Dù ngôn ngữ ngoại giao vẫn kín kẽ, lời khẳng định “vẫn đang đàm phán với Hoa Kỳ” của Bộ Ngoại giao Việt Nam là tín hiệu rõ ràng: Hà Nội hiểu áp lực và đang tính toán.
Câu hỏi đặt ra lúc này không còn là “có đàm phán không”, mà là điều gì đang cản trở Hà Nội hành động quyết đoán vì lợi ích quốc gia?
Một cách thực tế, điều mà giới lãnh đạo đương quyền lo ngại nhất không phải là Mỹ hay Trung Quốc, mà là đánh mất độc quyền kiểm soát chính trị — điều mà mọi thay đổi thể chế, dù tối thiểu, đều có thể làm lung lay.
Tuy nhiên, cần nói thẳng: chậm trễ lúc này là một nguy cơ chiến lược.
Dòng chảy của thương mại toàn cầu đang tái định hình.
Mỹ, châu Âu và các cường quốc dân chủ đã chuyển từ “hội nhập bất chấp” sang “hội nhập có điều kiện”.
Việt Nam muốn bước vào giai đoạn mới — thoát phụ thuộc Trung Quốc, nâng tầm kinh tế và công nghệ — thì không thể trì hoãn mãi.
Đối với Trung Quốc, điều Việt Nam cần là một chiến lược cân bằng thông minh, không phải tự giới hạn mình trong nỗi sợ phản ứng của Bắc Kinh.
Sự cẩn trọng trong quan hệ láng giềng là cần thiết, nhưng không thể là lý do để đứng yên trong một thời cơ chiến lược có một không hai này.
Hà Nội không bị buộc phải chọn phe. Nhưng lịch sử sẽ không hỏi quý vị đã sợ ai, mà sẽ hỏi: quý vị đã chọn gì cho tương lai của Việt Nam?
Giờ là lúc để dũng cảm. Không vì né tránh hay bảo toàn quyền lực nhất thời, mà vì một tương lai bền vững — một Việt Nam tự do, dân chủ, thịnh vượng cùng chung sống với một trật tự toàn cầu văn minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét