Từ Du Mục Đến Pháp Trị
Có một điều buồn cười là khi người ta chém nhau giữa phố, đâm chém trên mạng, hay cướp giật giữa ban ngày mà chẳng ai coi đó là chuyện lạ. Thậm chí, còn có kẻ bênh: “Nó nghèo quá nên mới phải làm thế.” Cái câu ấy nghe quen không? Cái kiểu biện hộ cho hành vi vô pháp như một phản xạ, như thể luật chỉ dành cho những người giàu, còn người nghèo thì được quyền phá vỡ nó để tồn tại.
Nhưng điều đáng nói hơn là nhiều người không coi pháp luật là thứ gì đáng để kính trọng. Với họ, luật giống như hàng rào ở một cái công viên hoang, ai yếu thì né, ai mạnh thì nhảy qua, còn ai có tiền thì đập đổ nó rồi dựng lại cái khác.
Vấn đề này không mới. Nó đã có từ thời con người còn sống thành đàn, cưỡi ngựa, săn thú và lượm trái cây dại để ăn. Hồi đó, chẳng có khái niệm “luật pháp”. Ai khỏe thì cướp, ai yếu thì chạy. Cả bộ tộc sống nhờ việc du canh, du cư, và… DU CƯỚP. Đám nào có thủ lĩnh mạnh mồm, mạnh tay thì đám đó sống sót. Không sống bằng trồng trọt thì phải sống bằng đánh phá. Vậy là du mục, nhưng lại rất thực dụng.
Rồi một ngày kia, con người cắm cọc, dựng nhà, trồng lúa. Lúc đó mới sinh ra một khái niệm kỳ cục “Sở Hữu”. Cái này của tôi, cái kia của anh. Mà khi đã có “của tôi” và “của anh” thì sớm muộn gì cũng có đánh nhau. Đánh hoài thì mệt, thế là người ta bày ra cái gọi là luật. Lúc đầu luật được viết ra để giữ yên thiên hạ, nhưng chủ yếu vẫn phục vụ cho kẻ mạnh, vua bảo sao thì dân phải nghe.
Mãi sau này, thiên hạ mới nghĩ ra trò phân quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Lúc này, luật mới dần dần tách ra khỏi ông vua, bắt đầu trở thành một thứ “công cụ chung”. Tức là không cần biết mày con ông to nào, cứ vi phạm thì bị xử. Ở những nơi làm được chuyện đó, người ta gọi là văn minh.
Người phương Tây, sau hàng trăm năm đổ máu, từ mấy ông phong kiến đến những cuộc cách mạng đẫm máu, cuối cùng cũng nhận ra một chân lý: muốn sống yên thì phải để luật cao hơn con người. Mọi người, từ tổng thống đến người quét rác, đều phải ở dưới luật. Cái nền tảng ấy không đến từ lòng tốt, mà đến từ sự chán ngán những kẻ cầm quyền tự tung tự tác.
Còn ở nhiều nơi khác, người ta chỉ học được cái vỏ. Luật có, tòa có, cảnh sát có, nhưng luật nằm dưới bàn làm việc, còn tiền thì đặt lên trên. Đám mạnh vẫn được tha, đám yếu vẫn bị đè. Luật không bảo vệ người ngay, mà bảo vệ kẻ quen. Lúc đó, pháp luật chỉ là diễn viên đóng thế cho một nền văn hóa du mục chưa chịu rời đi.
Người ta vẫn nói: “xã hội phải tôn trọng pháp luật”. Nhưng tôn trọng thế nào khi người ta xem luật là thứ để lách, để mua, để điều chỉnh tùy theo quyền lực và quan hệ? Khi một đứa trẻ lớn lên trong một môi trường mà bố nó có thể gọi điện cho “chú công an”, mẹ nó có thể “xin được” một bản án nhẹ hơn, thì làm sao nó có thể tin vào sự công bằng?
Cái đáng sợ nhất không phải là không có luật, mà là có luật mà không ai tin vào luật. Khi luật không còn là thứ để dựa vào, con người sẽ quay lại với bản năng gốc: “Mạnh Được, Yếu Thua”. Và lúc ấy, xã hội không khác gì cái chợ trâu, ai quát to hơn thì được phần ngon hơn.
Điều kỳ lạ là nhiều quốc gia từng du mục, từng cướp bóc, từng chém giết, nhưng họ thay đổi được. Bởi họ hiểu rằng: nếu cứ sống như thế mãi thì chính họ cũng sẽ bị giết, bị cướp, bị chà đạp. Họ không yêu luật pháp, nhưng họ chấp nhận luật pháp vì muốn sống lâu. Cái lựa chọn ấy, dù ích kỷ, cũng đã là một bước tiến văn minh.
Câu hỏi đặt ra là khi nào thì chúng ta sẽ chọn luật pháp thay vì tự phát? Khi nào thì hậu du mục sẽ nhường chỗ cho một xã hội biết tự giới hạn để cùng nhau sống sót? Câu hỏi đó, không dành cho chính phủ, không dành cho ông tòa, mà dành cho từng người, trong cách chúng ta đối xử với kẻ yếu hơn, với luật lệ, và với chính mình.
Chừng nào luật còn bị coi thường, xã hội ấy còn đứng ngoài cửa văn minh. Dù có cao ốc, xe hơi, điện thoại thông minh, thì cũng chỉ là những kẻ Du Mục khoác áo hiện đại.
Hai Le
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét