Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

FB Matthew NChuong: Mùng 10 (31/1/2023): NGÀY TẠ ƠN TIỀN NHÂN ĐI MỞ ĐẤT, ĐỊNH CÕI

 Mùng 10 (31/1/2023): NGÀY TẠ ƠN TIỀN NHÂN ĐI MỞ ĐẤT, ĐỊNH CÕI

* Đem "vía thần tài" thay vào, hậu quả tai hại là xóa mờ ký ức về ngày lễ cúng các tiền nhân mở đất đai, khai hoang lập ấp!

&1&

Đọc thấy nơi này nơi kia, vào mùng 10 Tết có những người làm món cá lóc nướng trui để … dâng cúng “vía thần tài”. Trời hỡi, món sản vật theo tập tục bao đời dành tưởng nhớ tiên tổ người NƯỚC NAM đổ mồ hôi sôi nước mắt mở đất mở cõi, bây giờ đem dâng cho … “thần tài”!?

Trong hàng chục năm qua, “vía thần tài” được quảng bá rần rộ, thậm chí "truyền thông" còn đồn thổi đây là tín ngưỡng truyền thống của người Việt(?).

“Vía thần tài”, từ bao đời, là tập tục của người Hoa! Dù ở Hoa lục, hoặc hải ngoại, tỉ như trong nhiều gia đình người Hoa ở Chợ Lớn họ thờ cúng thần tài. 

Theo tập tục của người Hoa, hàng năm vía thần tài rơi vào mùng 5 Tết. 

Nhưng, trong nước VN đời nay, nơi này nơi kia bỗng xuất hiện cách tính “vía thần tài” dời qua ... mùng 10 Tết (?). Người ta bảo có sự “xê dịch” trong cách tính âm lịch gì đó. 

Ồ, nếu “xê dịch”, vậy tập quán gốc từ người Hoa ắt cũng phải điều chỉnh chớ còn gì nữa. Tết Quí Mão năm nay? Bạn vào Google gõ tìm “2023 God of Wealth Day” (thần tài, gọi là “God of Wealth” ), ngày vía rơi vào 26 tháng 1 năm 2023, tức mùng 5 Tết. Vẫn luôn là, chỉ là mùng 5 tết mà thôi. 

&2&

Mùng 10 tháng 1 âm lịch, theo đúng tập tục của người nước Nam, là ngày cúng đất đai – dựa trên nền tảng tưởng nhớ, biết ơn các bậc tiền nhân đã khai khẩn mở đất, định cõi.  

Trong lễ vật dâng cúng, luôn có món cá lóc nướng trui - một sản vật đáng nhớ hết sức: đây là món ăn của các bậc tiền nhân thuở mở cõi đất phương Nam. Từ ẩm thực dân gian, con cá lóc nướng trui của lưu dân Lục Tỉnh xưa đã lên bàn thờ mùng 10 để thành phong tục tập quán.

Hỡi ôi, ngày tạ ơn tiền nhân mở đất  - nào dè, trong tâm trí của không ít người, đang bị làm cho mờ nhòe đi và thay vào đó bằng … “vía thần tài”!

Làm gì có ông thần tài nào dính với món cá lóc nướng trui mà cúng? Sản vật này, xin nhớ, gắn liền với quá trình mở đất phương Nam của tiền nhân chúng ta!

Kéo lùi ngày vía Thần tài rơi vào mùng 10. Hệ quả? Ngày cúng đất đai theo truyền thống của người nước Nam bị làm mờ đi.

Đến lúc nào, người trong nước sẽ chỉ còn biết mùng 10 tết là "vía thần tài" mà quên hẳn, quên mất, quên béng tục lệ của chính dân tộc là "TẠ ƠN TIỀN NHÂN ĐI MỞ ĐẤT"? 

&3&

Mùng 10, hãy cùng nhau nhớ rằng, đó là ngày TẠ ƠN TIỀN NHÂN. 

Đừng bao giờ lợt phai hình ảnh các bậc danh nhân vào THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN, như Nguyễn Hữu Cảnh (sinh quán Quảng Bình) xác lập chủ quyền đầu tiên tại đất Gia Định – Đồng Nai;

Nguyễn Cư Trinh (sinh quán Thừa Thiên, Huế) hoàn tất công cuộc sáp nhập toàn bộ Thủy Chân Lạp…

Đừng bao giờ lợt phai hình ảnh các bậc danh nhân vào THỜI NHÀ NGUYỄN, như đức Thượng công Lê Văn Duyệt (sinh quán Cái Bè) làm Tổng trấn Gia Định Thành cai quản toàn cõi châu thổ Đồng Nai - Cửu Long, và làm cho phương Nam thịnh vượng; 

Nguyễn Văn Thoại (sinh quán Quảng Nam) với công trạng đào kinh Vĩnh Tế, kinh Thoại Hà; 

Tướng quân Trần Văn Năng (sinh quán Khánh Hòa) đánh tan thủy quân Xiêm La tràn sang xâm lược Lục tỉnh Nam Kỳ, với chiến thắng Vàm Nao vang dội .v.v…

---------------------------------------------------------------------

Hình ảnh: Món cá lóc nướng trui không thể thiếu trong mâm cúng tạ ơn tiền nhân mở đất phương Nam vào mùng 10 Tết.

Dinh Ông tại Long Kiến (An Giang), thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Kinh Vĩnh Tế, công trình quan trọng ghi danh Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại.





Hồ Anh Thái: VẮNG BÓNG TƯ DUY

 Đầu năm đọc bài viết thông thái một cách mềm mại này đi, bảo đảm bổ nha các bạn.

VẮNG BÓNG TƯ DUY 

Hồ Anh Thái 

Tình cờ thấy trên mạng có đoạn trích từ một chương trình trò chơi của truyền hình. Người dẫn chương trình đưa ra câu đố: Trong bài hát Hà Nội mười hai mùa hoa của nhạc sĩ Giáng Son, hoa xoan nở vào tháng mấy?

Có người trả lời là tháng ba. Người thì nói mùa xuân.

Câu trả lời như vậy là đúng, hoa xoan nở vào mùa xuân.

Nhưng người dẫn chương trình khẳng định: Sai. Không chính xác.

Vừa lúc có người thuộc lời bài hát kia, bèn hát lên: Trở về tuổi thơ hoa xoan tháng tám.

Đáp án: Chính xác.

***

Nhưng đáp án “chính xác” của người dẫn lại là không chính xác. Không đúng. Hoàn toàn không.

Tháng tám nắng rám trái bưởi. Nếu hoa xoan mà trụ được từ tháng ba đến lúc ấy thì tàn héo khô quắt.

Nhạc sĩ không có kiến thức dân gian. Nhạc sĩ cũng không thuộc thơ đấy thôi:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy (Mưa xuân, Nguyễn Bính) Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời (Chiều xuân, Anh Thơ) 

Cũng không cần thơ phú cho xa xôi, nhạc sĩ cũng chưa nghe bài hát Hoa xoan đêm hội của đồng nghiệp Đặng Nguyễn:

Đêm trong khuôn viên chùa im tiếng chuông Em đi lang thang chỉ nghe lạnh về Một nhành hoa xoan bỗng rơi Chợt nghe đông vỡ làm xuân vội tàn… 

Cái bịa của các nghệ sĩ, rất nhiều khi bay bổng đáng yêu. Nhưng cái bịa trong bài Hà Nội mười hai mùa hoa thật gượng ép khiên cưỡng.

Không ai dựa vào tác phẩm nghệ thuật để thu nhận kiến thức. Nhưng kiến thức sai trong tác phẩm nghệ thuật cho người ta biết trình độ và độ trải nghiệm của tác giả. Càng đáng ngại khi cái sai trong tác phẩm lại cứ véo von lên nịnh tai một bộ phận công chúng.

Tin rằng từ một trường hợp như thế này, người đọc có thể nối dài danh sách những câu những bài những công trình nghệ thuật đầy rẫy cái sai, không chỉ làm khó chịu mà còn tức cười.

Nói thế này, thế nào cũng có người chống chế: Hoa xoan trong bài là dâu da xoan. Nghe nói nhạc sĩ, rồi một ca sĩ nào đó, đã tự sửa lời, “hoa xoan” thành “dâu da xoan”. Đấy cũng chỉ là một cách vụng chèo mà không khéo chống. Dù sao thì bài gốc đã lan truyền rồi.

Dù biện hộ thế nào đi nữa thì hoa xoan mùa xuân mới là hình ảnh thi vị của thơ ca nhạc họa. Dù xoan hay dâu da xoan thì tháng tám cũng ra quả hoặc quả đã khô. Chỉ còn lại sự sáo rỗng viển vông trong bài ca.

***

Nhân cái chuyện đố vui có thưởng này, lại nhớ một câu đố vui đã thành kinh điển. Nó bắt đầu từ một câu chuyện. Một ông tướng cầm quân ra trận và chiến thắng trở về. Nhà vua ban thưởng và trong lời khen ngợi có kèm theo một ý: Nhà ngươi đã mất một cánh tay trong chiến trận, khá khen, nhưng nếu ngươi mất cả hai cánh tay thì ta còn ban thưởng nhiều gấp bội. Nghe vua nói đến đó, viên tướng bèn rút phắt kiếm ra, chém đứt nốt cánh tay còn lại của mình. Câu đố đưa ra là: Vậy sau đó nhà vua có thưởng thêm cho viên tướng hay không?

Người trả lời rằng có, lập luận: Vua sẽ thưởng, bởi đã hứa, và bởi viên tướng đã chứng tỏ thêm lòng dũng cảm, bởi sự hy sinh gấp đôi.

Người bảo rằng không, lập luận: Vua chỉ thưởng cho cánh tay bị mất vì chiến đấu chứ không phải tự gây thương tích như vậy.

Câu hỏi này gây ra tranh luận sôi nổi. Cho đến khi một tiếng nói cất lên.

Đó là câu hỏi ngược trở lại người hỏi: Nhưng viên tướng phải dùng đến cánh tay nào để chặt nốt cánh tay còn lại của mình?

Thì ra câu hỏi không phải để đòi hỏi kiến thức và trải nghiệm, mà là đòi hỏi sự sáng suốt và tinh nhạy.

***

Trở lại với câu hỏi của người dẫn chương trình trên truyền hình về hoa xoan. Không đặt câu hỏi đúng, tức là hoa xoan nở vào tháng mấy, mà lại đặt câu hỏi rằng hoa xoan nở vào tháng mấy trong bài hát nọ. Người đặt câu hỏi tất nhiên cũng không có kiến thức về hoa xoan. Người trả lời tất nhiên nhắc lại thêm một lần nữa cái sai truyền đạt trong bài hát. Cái sai được nhân lên.

Không có một người nào trong cả đám đông ở trường quay đặt lại câu hỏi phản biện theo kiểu tháng tám ở Hà Nội có còn hoa xoan không.

Lý do cũng đơn giản: đám đông có mặt ở trường quay, và nhiều người xem truyền hình, đã bị dẫn dụ theo kịch bản. Kiểu kịch bản ấy cũng đôi lúc dành phần cho ngẫu hứng, nhưng rốt cuộc bao giờ cũng phải bám sát định hướng. Cả một đám đông công chúng bị thôi miên tập thể, bị tước đoạt hoàn toàn khả năng tư duy. Trong khi bị thao túng, bị dẫn đi trong cái mê cung hội chứng tập thể, không ai có thể bừng thức mà đặt câu hỏi phản biện. Trong trường hợp này là phản biện câu hát, rằng tháng tám không có hoa xoan. Rằng nhạc sĩ đã sa vào sự tối kỵ của nghệ thuật: chỉ vì sự tiện lợi cho mình mà viết những lời gượng ép.

Đấy là một trong nhiều lý do khiến các nhà giáo dục châu Âu và Mỹ khuyến nghị các bậc phụ huynh hạn chế cho con em ôm lấy cái tivi. Nơi ấy người ta dễ bị thôi miên tập thể, đánh mất khả năng tư duy và trí tưởng tượng.

Cũng cần nhắc lại: sự gượng ép, thiếu tự nhiên, thiếu kiến thức, thiếu trải nghiệm, không chỉ thể hiện trong một ca khúc cụ thể nào, cũng không chỉ ở trên truyền hình.

Hồ Anh Thái

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

FB Matthew NChuong: ĐỪNG "LẬP LỜ ĐÁNH LẬN CON ĐEN" => CẦN TỎ TƯỜNG: "LUNAR YEAR" (NĂM ÂM LỊCH) KHÁC VỚI "CHINESE YEAR" (NĂM CỦA TÀU)!

 ĐỪNG "LẬP LỜ ĐÁNH LẬN CON ĐEN" => CẦN TỎ TƯỜNG: "LUNAR YEAR" (NĂM ÂM LỊCH) KHÁC VỚI "CHINESE YEAR" (NĂM CỦA TÀU)!

1) Âm lịch ta (VN) KHÔNG đồng nhứt với Âm lịch Tàu (China);

2) Ngay tại Trung Hoa, theo dòng lịch sử ngàn năm, xin chú ý, nhiều lần san định Âm lịch là nhờ kết hợp với thành quả khoa học "ngoại nhập"! 

Thành thử "Chinese Calendar" KHÔNG còn hoàn toàn mang nghĩa do người Tàu san định, mà đây chỉ là "Calendar in China" tức bộ âm lịch được dùng-tại-nước-Tàu. Rứa đó!

&1&

DƯƠNG LỊCH là loại lịch dựa trên chu kỳ và vị trí của Trái Đất so với MẶT TRỜI. 

ÂM LỊCH là loại lịch dựa trên chu kỳ và vị trí của MẶT TRĂNG so với Trái Đất.

* Dương lịch không phải chỉ có một thứ, mà tùy vào cách thức "đo đếm" chu kỳ Trái Đất so với Mặt Trời nên có những sai biệt: lịch Julius, lịch Gregorius, lịch Bahá'í, lịch Alexandria, lịch Malayalam, lịch Tamil.v.v...

Ở Việt Nam, quen nói "Dương lịch" - nói cho rõ rành hơn là chúng ta đang dùng và chỉ dùng bộ Dương lịch Gregorius mà thôi.

* Âm lịch cũng rứa, không phải chỉ có một thứ, có nhiều bộ âm lịch khác nhau tùy vào cách thức & trình độ "đo lường thiên văn" - như lịch Hồi giáo (lịch Hijri), lịch Hebrew (được dùng để xác định các ngày lễ trong Do Thái giáo), âm lịch ta (VN), âm lịch Tàu.v.v...

Ở VN, quen nói "Âm lịch" - kỳ thực không phải "âm lịch" chung chung, mà là "lịch ta" (Lunar Vietnamese calendar).

&2&

Bởi "lịch ta" và "lịch Tàu" giống nhau nhiều nên không ít người tưởng làm một, tưởng "Chinese calendar" ráo trọi. Tuy nhiên, "Lunar calendar" mà người VN chúng ta đang dùng thì không hoàn toàn đồng nhứt 100% với "Chinese calendar" (lịch Tàu).

Chẳng hạn, hồi Tết Đinh Hợi (2007), mồng 1 tết ở VN rơi vào ngày 17/2 trong khi ở Trung Hoa mồng 1 tết là ngày 18/2. Người Việt ăn tết TRƯỚC người Hoa 1 ngày.

Trước đó nữa, hồi tết Ất Sửu (1985), mồng 1 tết ở VN là ngày 21/1/1985. Trong khi Trung Hoa mãi đến ngày 20/2/1985 họ mới ăn tết. Âm lịch ta đi TRƯỚC âm lịch Tàu đến 1 tháng trời!

Đây không đi vào chi li cách tính "lịch ta", "lịch Tàu". Quí bạn chỉ cần biết, qua hai đơn cử dẫn trên, "lịch ta" vẫn có những lúc dị biệt so với "lịch Tàu" đó đa! 

&3&

Nhắc lại: "Năm Âm lịch" (Lunar year) có nhiều bộ lịch khác nhau (như lịch Do Thái chẳng hạn). Vậy nên những ai đánh đồng "Năm Âm lịch" (Lunar year) <=>"Năm theo lịch Tàu" (Chinese year), tắt một lời, là nói lấy được, nói theo kiểu "cả vú lấp miệng em", và nói ... sai bét!

"CHINESE YEAR", đến đây, nên hiểu là gì rứa?

3.1) Bộ âm lịch mà người Tàu đang dùng hiện nay là lịch Sùng Trinh lấy theo tên hoàng đế nhà Minh là Sùng Trinh (崇禎) ban hành vào gần cuối thế kỷ 17 (năm 1644).

Nhân vật được nhắc đến trong việc ra đời bộ lịch Sùng Trinh là vị đại quan Từ Quang Khải (徐光啓, 1562 –1633). Ông là một tín hữu theo đạo Công giáo, nhận phép Thanh tẩy (baptism) từ vị giáo sĩ người Ý Matteo Ricci.

Đặc biệt, công trạng soạn bộ Âm lịch "Sùng Trinh" không thể hoàn thành nếu không dựa trên thành quả nghiên cứu, san định lịch pháp của một nhà thiên văn học tên là: Thang Nhược Vọng. Ồ, một người Tàu nào rứa?

Không phải Tàu gì hết, đó là một người Đức, Adam Schall von Bell (1591-1666), là một vị giáo sĩ dòng Tên đồng thời là một nhà thiên văn học lỗi lạc! Chữ Hán không thể ghi chèn chữ Latin vào trong văn bản, mà họ chuyển ngữ, ghi như ri: 湯若望 "Thang Nhược Vọng".

Ta nói, nếu ai ba chớp ba nháng đọc thấy tên ghi bằng chữ Hán, "Thang Nhược Vọng", ắt tưởng đó là một người Tàu soạn lịch. Tưởng vậy là tưởng bở rồi đa! (mời đọc bài "Bộ âm lịch đang dùng là do giáo sĩ dòng Tên san định", đường link cuối stt này: *).

Tình trạng "tưởng bở" từng xảy ra không ít khi đọc thư tịch chữ Hán của những thế kỷ xa lắc xa lơ, thấy những người ghi tên bằng chữ Hán, đâu dè đó là cách phiên dịch / chuyển ngữ mà gốc gác là người ngoại quốc...

3.2) Trước khi có bộ âm lịch khả dụng nhứt, là "Sùng Trinh lịch", tại Trung Hoa từng sử dụng bộ "Thụ thời lịch" (授时曆) ban hành dưới đời nhà Nguyên (Mông Cổ), vào thế kỷ 14.

Thời bây giờ, Đế quốc Mông Cổ trải rộng bao trùm lãnh thổ Trung Hoa, kéo dài qua Trung Á lẫn Tây Á. Văn minh Hồi giáo, đặc biệt là nền khoa học của Ba Tư (Persia, nay gọi là Iran) với nhiều nhà toán học, thiên văn học được vua Mông Cổ trọng dụng.

Sử sách ghi: người chịu trách nhiệm san định Thụ thời lịch, là Quách Thủ Kính (郭守敬, 1231-1316). Công trình của ông sẽ thất bại nếu không nhờ vào nền tảng "ngoại nhập" từ ngành thiên văn học và sự hợp sức của các nhà khoa học người Ba Tư.

3.3) Đây nói xa hơn nữa, trước đời nhà Nguyên những 1.500 năm, tức vào đời nhà Hán thế kỷ 1BC. Bấy giờ dùng bộ "Thái sơ lịch" (太初曆), mà người san định được ghi là "Lạc Hạ Hoành" (洛夏 橫, 156BC - 87BC), sống ở Lãng Trung (閬 中市) thuộc Tứ Xuyên (四川).

Quan điểm thiên văn của ông là Trái Đất hình tròn, hoàn toàn KHÁC với quan điểm tại Trung Hoa lúc bấy giờ là Trái Đất phẳng dẹt, bầu trời tròn! 

Quan điểm thiên văn của ông là quan điểm từ vùng Trung Á, bên ngoài Hoa lục. Thành phố Lãng Trung có nhiều người từ Trung Á vào sinh sống.

Thêm nữa, họ "Lạc Hạ" của ông không phải là họ của Hán tộc. Thành thử có suy đoán cho rằng "Lạc Hạ Hoành" là cách phiên dịch họ tên thật của ông sang chữ Hán - ông là người Trung Á? cũng có thể là người Ấn Độ chăng?

&4&

Thấy gì? 

4.1) Có không ít người bị "nếp hằn" quán tính, một mực cho rằng âm lịch là do người Tàu, âm lịch là của người Tàu.

Ô, quí bạn chú ý, Trái đất với Mặt Trặng - đây là hai thiên thể khách quan, đâu thuộc ... "độc quyền sở hữu" của tộc người nào!

"Đo đạc" chu kỳ / tương quan Trái Đất và Mặt Trăng ra sao, là tùy vào mỗi tộc người mà có "âm lịch" khác nhau (xin nhắc lại, có âm lịch Do Thái, có âm lịch Ả Rập.v.v...).

4.2) Lại có người cứ nhứt nhứt cho rằng đời nhà Thương, nghĩa là cách đây hơn 3.500 năm, xa thăm thẳm, người Tàu đã soạn ra bộ âm lịch (chớ không phải nhờ "ngoại nhập"). Ngay cả như vậy đi nữa, bộ âm lịch từ đời nhà Thương đã "đứt bóng" từ khuya, KHÔNG còn giá trị sử dụng; vì độ chính xác kém so với những bộ "Thái sơ lịch", "Thụ thời lịch", "Sùng Trinh lịch"...

4.3) Lịch pháp (phép tính toán soạn ra lịch) không bất động vĩnh viễn, mà luôn có sự SAN ĐỊNH (删定, nghĩa là "sửa lại cho đúng"). Vậy, bộ âm lịch "Sùng Trinh" mà người Hoa sử dụng gần 400 năm qua, và vẫn tiếp tục dùng hiện nay, từ đâu? 

Là bộ lịch ĐƯỢC SAN ĐỊNH NHỜ VÀO CÁC GIÁO SĨ NGƯỜI ĐỨC (Dòng Tên). 

THAY LỜI KẾT 

1/ DƯƠNG LỊCH phổ dụng nhứt hiện nay, trên thế giới, là: bộ lịch GREGORIUS. Bộ lịch được đức Giáo tông Gregorius XIII (người đứng đầu Giáo hội Công giáo toàn cầu) ban hành vào năm 1582.

Người san định là khoa học gia Christopher Clavius, đồng thời là một vị tu sĩ Dòng Tên. 

2/ ÂM LỊCH mà người Trung Hoa đang sử dụng (và người VN cũng sử dụng, "đại đồng tiểu dị") là: bộ lịch Sùng Trinh, ban hành vào năm 1644.

Người san định là nhà thiên văn người Đức Adam Schall, đồng thời là một vị tu sĩ Dòng Tên. 

=> Ta nói, sự thực có sao hãy ghi đúng vậy, người ơi!

----------------------------------------------------------------

GHI CHÚ "GIẢI ẢO" THÊM về ÂM LỊCH (Lunar calendar):

Âm lịch chia 2 dạng thức:

* Âm lịch thuần túy (chỉ dùng tương quan vị trí Mặt trăng và Trái đất), đây là trường hợp bộ lịch Hồi giáo (lịch Hijri);

* Âm dương lịch (lunisolar calendar): 

Như lịch Hindu. Và có thể kể đến các bộ lịch sử dụng tại Trung Hoa, Do Thái... còn được gọi là "Nông lịch" (agricultural calendar), áp dụng cho các mùa trong nghề nông.

Trong bài, đã cho thấy "Lunar calendar" (Âm lịch) KHÔNG đồng nghĩa với Chinese calendar (lịch Tàu). Bèn có cách giải thích là "lịch Tàu" thuộc về âm dương lịch, là "Nông lịch", mà Nông lịch thì đồng nhứt với cách gọi "Chinese calendar" (!)

Ồ, xếp vào Nông lịch, nào đâu phải "độc quyền" của Tàu, mà còn có phát kiến của lịch Do Thái nữa đó đa...

-----------------------------------------------------------

(*): Đọc bài "Bộ âm lịch đang dùng là do giáo sĩ dòng Tên san định": https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/pfbid02LrpUWgswUNcK22vF7CavnKXAmRbj5cY6buvGLY1puPNeLtpdezTWSqQJDZZBvu5xl

GS TRẦN QUỐC VƯỢNG – MẤY VẤN ĐỀ VỀ VUA GIA-LONG

GS TRẦN QUỐC VƯỢNG – MẤY VẤN ĐỀ VỀ VUA GIA-LONG

* PHẦN MỘT

0.1. Tôi không phải là một chuyên gia về lịch sử, đặc biệt là về nhà Nguyễn, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng có những nghĩ suy và thực ra là từ những năm giữa thập kỷ 70 cho đến gần đây, đầu xuân Bính Tý 1996. Tôi vẫn thường qua lại xứ Huế và viết dăm bẩy bài về vị thế địa – văn hóa của xứ Huế và vai trò của các chúa Nguyễn, bắt đầu từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558-1613) đến các vua đầu nhà Nguyễn, mở đầu là vua Gia Long (1802-1820) và kết thúc là vua Bảo Đại (1925-1945).

Tôi đã nói và viết tản mạn nhiều vấn đề về xứ Đàng Trong, về thời Nguyễn và nhà Nguyễn.

0.2. Ông Nguyễn Khoa Điềm – thuộc dòng họ Nguyễn Khoa nổi danh từ các chúa Nguyễn mà bà nội ông (Đạm Phương Nữ Sĩ) là cháu nội vua Minh Mạng, sinh ra thân phụ ông là nhà Mác-xít và là một trong những người cộng sản đầu tiên, tức Hải Triều Nguyễn Khoa Văn – đã từng phát biểu ở trường Đại học viết văn Nguyễn Du trong dịp lễ khai giảng khóa 5 (1995-1998), rằng khi ông là tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Sông Hương ở một thời chưa đổi mới lắm, ông đã cho đăng bài của tôi về “Xứ Huế và vị thế lịch sử của Huế” và đã cùng ban biên tập tạp chí ấy tặng tôi giải thưởng đặc biệt cho bài viết này, mà khi ấy người ta cho là một sự “xét lại” về mặt sử học. Bởi trước đó, theo giới Sử – Văn – Triết – Mỹ chính thống của Việt Nam, thì gần như là một sự “phủ định sạch trơn” (table rase) về thời Nguyễn và nhà Nguyễn, trong khi đó ở bài viết ấy và những bài tiếp theo, tôi cùng với các nhà nghiên cứu Dân tộc – Xã hội – Mỹ học như Nguyễn Đức Từ Chi, Trần Lâm Biền đã đề nghị một cách nhìn hơi khác, tóm tắt lại là:

- Cần phân biệt thời Nguyễn, đời Nguyễn và nhà Nguyễn.

- Cần phân biệt thời các chúa Nguyễn và các vua Nguyễn.

- Và trong các vua Nguyễn, cũng cần phân biệt các vua đầu Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng (1820-1840) và các vua cuối Nguyễn như Tự Đức (1848-1883); và ngay cả các vua Nguyễn sau Tự Đức, cũng cần phân biệt những ông Đồng Khánh, Khải Định với những ông vua yêu nước như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Lại càng nên phân biệt chính trị triều Nguyễn và học thuật, trước tác và mỹ thuật của nền Quốc học Nguyễn. Có “cộng đồng” triều đình và có các “cá thể” vua – quan nữa chứ!

1.0. Nay theo yêu cầu của Ban tổ chức Hội nghị về vua Gia Long (1802-1820), tôi chỉ xin nói tóm tắt đôi điều mà tôi cảm nhận được về Nguyễn Ánh – Gia Long.

1.1. Về Nguyễn Ánh: Nếu tôi nhớ không nhầm thì cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (mà những người theo lý thuyết Mác-xít thường gọi là “Khởi nghĩa nông dân”) bắt đầu xảy ra vào năm 1771, khi Nguyễn Huệ sau này trở thành vua Quang Trung vĩ đại bấy giờ mới 18 tuổi, thì lúc đó Nguyễn Ánh còn kém Nguyễn Huệ ít ra là 7 tuổi, nghĩa là mới chỉ một cậu bé con trên 10 tuổi, cháu của chúa Nguyễn Phước Thuần. Thế mà chính “cậu bé” Nguyễn Ánh đó – sau khi chúa Nguyễn và gần như hết thảy những nhân vật của dòng chúa đã bị họ Nguyễn Tây Sơn thủ tiêu sạch trơn – đâu chỉ khoảng 14 tuổi, từ xứ Huế, xứ Quảng chạy vô châu thổ sông Cửu Long và gần như là đại diện duy nhất còn lại của dòng chúa Nguyễn, đã trở thành vị Nguyên Soái chống lại phong trào Tây Sơn đang dâng lên và lan tỏa trong toàn quốc từ Nam chí Bắc như triều dâng thác đổ.

1.2. Tôi không bao giờ phủ định rằng phong trào Tây Sơn đã có những công tích vĩ đại, ít nhất ở ba mặt sau đây:

- Ở Đàng Trong thì lật đổ “triều đình” của các chúa Nguyễn rồi tiến ra Đàng Ngoài lật đổ “triều đình” của các chúa Trịnh cùng với triều Lê – mà những ông vua Lê từ quãng đầu thế kỷ XVII trên diễn trình lịch sử đã trở thành những ông vua “bù nhìn”, hay là các “con rối” (puppet) trong tay các chúa Trịnh.

- Chiến thắng vĩ đại chống quân xâm lược Xiêm mà đỉnh cao là trận Rạch Gầm – Xoài Mút ở Mỹ Tho (Tiền Giang) vào cuối năm 1784 đầu 1785. Quân xâm lược Xiêm 5 vạn đã “sợ Tây Sơn như sợ cọp” và chính là do lợi dụng việc Nguyễn Ánh cậy nhờ mà định sang chiếm đoạt miền Nam. Nguyễn Ánh mãi mãi mang tiếng xấu “cõng rắn cắn gà nhà”, cầu ngoại viện để giải quyết vấn đề quốc sự.

- Đại chiến thắng chống vài chục vạn quân xâm lược Thanh đầu xuân Kỷ Dậu 1789 – mà ông vua cuối cùng của nhà Lê là Chiêu Thống đã cầu cứu. Và cũng như Nguyễn Ánh, ông vua Lê ấy cũng mang một bộ mặt nhọ nhem trong lịch sử.

1.3. Nguyễn Ánh cùng Chiêu Thống càng lem luốc bao nhiêu trước lịch sử thì hình ảnh Nguyễn Huệ – Bắc Bình Vương – Quang Trung càng được xem là bộ mặt tỏa rạng và có một vai trò lịch sử lớn lao bấy nhiêu trong lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII.

Nhưng bảo rằng Huế – Phú Xuân là do vua Quang Trung xây dựng thành một đô thị thủ đô thì theo tôi lại là một lối viết quá đà! Huế, với thành Lồi ở Long Thọ bờ phải sông Hương và thành Lý Châu – sau đổi là Hóa Châu ở lưu vực sông Bồ đã trở nên một thị thành, một cảng thị (City-Port, Nagara) – từ thời Chiêm Thành và sau đó thời Đại Việt Huyền Trân nhà Trần (sau 1306) và sau đó nữa là Quãng Phước, Kim Long thời chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên và Phú Xuân thời chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1636-1648) và sau chót là Gia Long – Minh Mạng (trước Gia Long, Phú Xuân vẫn chỉ là Làng Xã).

1.4. Tuy không phải là một nhà sử học chính tông, nhưng tôi không bao giờ dám thể tất cho Nguyễn Ánh khi ông vì thế cùng lực kiệt, đã qua giám mục Bá Đa Lộc (Evêque D’Adran) và cậu bé tí hon hoàng tử Cảnh (lúc bấy giờ khoảng 6 tuổi) đi cầu viện các thế lực phương Tây (nhất là Pháp), đã dám cho vị giám mục người Pháp đó toàn quyền đại diện cho nước Việt phương Nam ký với Pháp cái gọi Hiệp ước Versailles, nhượng cho Pháp nào đảo Côn Lôn, nào cảng cửa Hàn… để mong nước Pháp quân chủ cuối mùa (1787) cứu một nền quân chủ cũng cuối mùa nốt của Đại Việt. Cho dù cái nước Pháp quân chủ cuối mùa ấy đã không giúp đỡ gì được cho Nguyễn Ánh và đã được / bị cuộc cách mạng 1789-1790 xóa sổ khỏi lịch sử phương Tây, nhưng sao chăng nữa, việc đó cũng tạo “tiền lệ” cho giới thực dân phương Tây mà trước hết là Pháp cùng với vài thế lực Thiên chúa giáo thân (Pro) thực dân can thiệp ngày càng sâu vào nội trị Việt Nam, và dẫn tới việc mất nước của ta vào nửa cuối thế kỷ XIX. Ký hiệp ước, hòa ước để nhượng địa rồi “mãi quốc cầu vinh” là những thủ đoạn hèn hạ của thực dân đầu mùa và quân chủ cuối mùa.

1.5. Tuy sự thật lịch sử cho tôi – và cho chúng ta – biết rõ rằng những điều khoản của Hiệp ước Versailles ấy đã không thực hiện và sau này, khi đại diện của chính phủ Pháp đòi vua Gia Long thực hiện hiệp ước Versailles thì vua Gia Long đã kiên quyết từ chối với lý do rất chính đáng là: nước Pháp có thực hiện điều khoản nào của hiệp ước Versailles đâu!

Trên đường từ Pháp về Pondichery (Ấn Độ), giám mục Bá Đa Lộc chỉ tuyển được một số sĩ quan, kỹ sư, kẻ “phiêu lưu” người Pháp và với một số rất ít kinh phí mua được vài cái tàu bọc đồng – mà vua Quang Trung coi là những sự hù dọa vớ vẩn – để mang về giúp Nguyễn Ánh. Cho nên theo tôi, cố giáo sư Trần Đức Thảo và một số người khác đã viết hơi quá đà, rằng sự viện trợ của Pháp là một trong những nhân tố quan trọng nhất để tập đoàn Nguyễn Ánh đã đánh bại phong trào triều đại Tây Sơn, từ Nguyễn Nhạc đến Cảnh Thịnh – Bảo Hưng (1792-1802).

1.6. Như vậy, với những điều viết trên, là tôi đã có một hàm ngôn rằng, sự thắng lợi của Nguyễn Ánh đối với triều đại Tây Sơn chủ yếu là do những nguyên nhân nội sinh, và đứng về mặt cá nhân tôi hay là của chúng ta nhỉ, cũng đáng nên “khâm phục” dù “chút chút” – Nguyễn Ánh – một người có cá tính mạnh, từ một cậu bé con của một ông chúa bị giết hại trong tù, gần như đã nhiều lúc không còn một mảnh giáp, không còn một tấc đất, đã lấy lại được quyền bính trong cả nước Việt Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Theo PGS Trần Lâm Biền, nền mỹ thuật Việt Nam chỉ có những thi pháp kiến trúc chung từ xứ Lạng đến Gia Định thành là từ Nguyễn Gia Long.

1.7. Cho nên, cũng không phải quá đáng lắm khi linh mục Nguyễn Phương và một số nhà sử học nước ngoài khác – từ phe XHCN (cũ) đến phe tư bản chủ nghĩa – cho rằng Nguyễn Ánh là người trên thực tế đã thống nhất đất nước chứ không phải là ông vua anh hùng Nguyễn Huệ – Quang Trung, mặc dù ông vua anh hùng 3 lần vĩ đại này đã gạt bỏ những thế lực quân chủ thối nát ở Đàng Trong, Đàng Ngoài và những lực lượng ngoại xâm đứng đàng sau những quyền lực khốn nạn ấy. Và như vậy, xét về mặt lịch sử khách quan là đã góp phần rất lớn vào công cuộc thống nhất đất nước(1).

1.8. Không nói gì đến ông Nguyễn Lữ – là “thầy tu” hay là “thầy võ” – không đủ nội lực để đối địch với Nguyễn Ánh ở miền Nam, chỉ nói đến ông anh Nguyễn Nhạc xuất thân “nậu nguồn” và ông em Hồ Thơm (Nguyễn Huệ) thì, do sự chia rẽ ngay trong nội bộ gia đình, mà theo tôi “ghê tởm” nhất là ông anh cả Nguyễn Nhạc đã vì sự thỏa mãn nhỏ nhen được làm Trung ương Hoàng đế ở thành Trà Bàn, rồi vì ghen tị và “chãnh chọe” với em sau vụ Bắc Bình Vương “xóa hận sông Gianh” tiến ra Thăng Long, đã vội vã ra Bắc kéo em về, rồi lại hãm hiếp cô em dâu – vợ Nguyễn Huệ – tạo mối thù hận khôn nguôi và chiến tranh giữa hai anh em, khiến dưới triều Tây Sơn có một ông hoàng đế ở Quy Nhơn và một ông hoàng đế ở Phú Xuân. Vậy làm sao có thể nói được là nước ta đã được thống nhất ngay dưới thời Tây Sơn? Đó là một “lập trường giai cấp” máy móc đang chuyện nọ (chống ngoại xâm) “xọ chuyện kia” (chống quân chủ Nguyễn – Trịnh).

1.9. Ở đây có một vấn đề thuộc phương pháp luận sử học cần được làm sáng tỏ là: Lịch sử bao giờ cũng có một sự gián cách giữa lịch sử – thực tại (Histoire – Réalité) và lịch sử nhận thức (Histoire – Conscience). Mà cái lịch sử nhận thức thì luôn gắn liền với chủ quan nhà sử học – nhưng trách nhiệm và bổn phận của nhà sử học chân chính là luôn luôn cần cố gắng có cái nhìn khách quan đến mức cao nhất. Mức cao nhất đó là như các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam cuối thế kỷ XX nói: Hơn ai hết là nhà sử học cần “nhìn thẳng vào sự thật! ”, nói đúng sự thật, và giải thích một cách khoa học cái sự thật khách quan ấy. Vẫn theo tôi, “tâm thức tiểu nông” Việt Nam là nền tảng tinh thần của nền “dân chủ làng xã”, của sự đồng dạng văn hóa (Cultural Identity) ở cấp văn hóa xóm làng Đại Việt – Việt Nam một thời. Thống nhất rồi chia rẽ, đó là “trách nhiệm lịch sử” của cấu trúc quân chủ Phật giáo (Lý – Trần), rồi quân chủ Nho giáo (Lê – Nguyễn). Lịch sử chính trị và lịch sử văn hóa, có cái CHUNG và cũng có cái RIÊNG. Quy mọi thứ vào chính trị hay vào kinh tế là cái nhìn (Point of view) đã “lỗi thời” (Over time) lâu rồi, quá lâu rồi!

* PHẦN HAI

01. Luôn “trung thành” với tư duy tự ý thức rằng “Tôi không phải là một nhà sử học chính tông”, sau đây tôi chỉ nói – và viết – đôi điều “lặt vặt” tôi nhớ lại và cảm nhận được về vị vua khai sáng triều Nguyễn – Gia Long.

01.1. Nguyễn Ánh đã từng bôn ba từ đất liền ra các hải đảo, Côn Lôn, Phú Quốc…

Do nghiệm sinh cá nhân, tôi rất thích những người “bôn ba”, “từng trải”… dù với ý định chủ quan gì hay là do sự dủi dun của Trời Đất – Tự nhiên. Vị Tam Nguyên Vị Xuyên xứ Nam Hạ – Nam Hà quê tôi Trần Bích San đã có hai câu thơ mà tôi coi là tuyệt bút, nhất là câu sau:

Văn vô sơn thủy phi kỳ khí,

Nhân bất phong sương vị lão tài!

Nghĩa là:

Văn không sông núi, không cao diệu,

Người chẳng phong sương, khó rạng tài!

01.2. Rất gần đây, tôi được đọc bản thảo bài viết của một học giả Mỹ, trong đó có đoạn đại ý rằng:

Phụ thân Hồ Chí Minh – Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Huy (Sắc) là một người phiêu lãng (Wanderer), nhưng cụ mới chỉ “lãng du” ở trong nước Việt từ xứ Nghệ xứ Huế đến xứ Thanh, xứ Bình Định rồi vô miền Nam, Sài Gòn, Sông Bé, Long An, Sa Đéc…

Có thể Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cũng được “di truyền” bởi cái “gen” văn hóa phiêu lãng (wandering) đó, nhưng “CON hơn cha là nhà có PHÚC”, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã phiêu lãng gần như toàn thế giới, từ Á, Âu đến Phi, Mỹ… và ông đã có dịp “sống nghiệm” với nhiều nền văn hóa khác nhau; do đó ông đã trải nghiệm đối sánh nhiều LỐI SỐNG (Way (s)) trên tảng nền LỐI SỐNG VIỆT NAM. Ông giỏi ngoại ngữ mà ngôn ngữ là một sản phẩm đồng thời là một thành tố của Văn hóa, cho nên ông trở thành người của toàn Nhân loại và ông trở nên DUNG DỊ (Generous), rất Việt Nam và cũng rất “Thể tất”, rất “Cận NHÂN TÌNH” (Hunman Sense). Do vậy, Wandering phiêu lãng ở ông là một GIÁ TRỊ VĂN HÓA.

Thế mà đã có kẻ dám dịch “wandering” là “lang bang, lang thang” và bảo rằng học giả Mỹ đó có dụng ý nói xấu Cụ Hồ! Đáng xấu hổ thay người “DỐT HAY NÓI CHỮ” hay là “HAY CHỮ LỎNG”!

01.3. Nguyễn Ánh (Gia Long từ 1802) đã bôn ba từ đất liền đến hải đảo, từ Việt đến Xiêm, đánh Tây Sơn bại rồi thắng to cũng có, mà đánh thắng cả Miến Điện theo yêu cầu – có lúc là “quái ác” – của vua Xiêm cũng có. Nguyễn Ánh bẩm sinh và sinh nghiệm là một vị tướng tài ba “thắng không kiêu, bại không nản”. Bị Xiêm rồi bị Pháp và sau cả Thanh Mãn Trung Hoa khống chế, gây “áp lực” song Nguyễn Ánh vẫn tìm mọi cách để “thoát ra” được sự khống chế đó và – cho dù chỉ theo ý kiến cá nhân tôi – ông vẫn là NGƯỜI VIỆT NAM và đứng đầu một CHÍNH QUYỀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM, cho dù ông chịu nhiều áp lực ngoại bang và cũng có lúc phải sử dụng nhiều cố vấn trong nước và nước ngoài. Ông nghe nhiều nhưng ông nghĩ và làm phần nhiều theo ý ông. Từ 1815 hay về cuối đời, dù nể trọng Tả quân Lê Văn Duyệt, ông vẫn quyết định chọn hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng ngày sau) chứ đâu có chọn cháu đích tông – con hoàng tử Cảnh – làm người kế vị ông. Mà Minh Mạng, thì nên trọng nể và học tập ông về việc quản lý hành chánh đất nước và xã hội nhiều hơn nữa, chứ trách cứ ông thì cũng dễ thôi.

01.4. Cho dù ông tin cậy và nhờ cậy vào giám mục Bá Đa Lộc và tỏ ra “khoan hòa” với Thiên chúa giáo của phương Tây, cho dù hoàng tử Cảnh – trưởng nam của ông – đã trở thành giáo dân Thiên chúa giáo, khi ở Gia Định (Nam Bộ) cũng như khi trở thành hoàng đế toàn Việt Nam, ông vẫn tôn Nho, trọng dụng “Gia Định tam gia” người Việt gốc Hoa (Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh), vẫn trọng Phật, Lão và tín ngưỡng dân gian, dù là Việt Nam, là Khơ Me, hay là Chăm, là Thượng… Đội cận vệ của Gia Long, theo sử chép, chủ yếu là người “Thượng” (Sơn nhân). Ở thập kỷ 80, tôi đi điền dã ở xứ Quảng, ở Tây Nguyên, các tộc “thiểu số” vẫn nhắc đến Gia Long với một niềm kính nể. Có một thứ cây nửa trồng nửa hoang dại mang tên “Hoàng oanh quất” (quýt vàng) quả ăn ngon, người dân tộc vẫn bảo tôi rằng đó là thứ quả cây của vùng sơn cước đã nuôi sống Nguyễn Ánh thời khăn khó, sau này trở thành Quýt Ngự. Ấy là tôi chưa kể “Quế Trà My”…

01.5. Ông không chống Tây, Thiên chúa, cũng không sùng bái quá đáng Thanh – Nho như người ta tưởng, và ông loay hoay – tìm mà chẳng được – một HỆ Ý THỨC VIỆT NAM. Ông làm theo kiểu Việt Nam mà chưa điều chế nổi một lối suy nghĩ (Way of thinking) Việt Nam. Chỉ sau này Nguyễn Ái Quốc mới xây dựng được một Tư tưởng Hồ Chí Minh tương đối thuần Việt Nam. Nhưng đó lại là một đề tài chuyên luận Triết – Sử khác, ít dính dáng đến chủ đề ta đang bàn về Gia Long.

02. Sau 10 năm chinh chiến mà dân gian miền Nam Trung Bộ gọi là “TRẬN GIẶC MÙA” (1791-1801) – mùa gió nồm nam, Nguyễn Ánh mới dùng đội thủy chiến THUYỀN BUỒM ra đánh Tây Sơn – cuối cùng ông đã thắng.

02.1. Tôi là con cháu nhà Nho nên cũng có biết câu “Bất tương thành bại luận anh hùng”, nghĩa là “luận anh hùng, chớ kể hơn thua! ”.

Song, nếu tôi là nhà sử học như các quý vị Phan Huy Lê, Nguyễn Phan Quang… khả kính, tôi cũng phải tìm cách “giải thích” lịch sử chiến thắng của Nguyễn Ánh với Tây Sơn chứ nhỉ?

Chả nhẽ lại chỉ dùng một thứ “chủ nghĩa Mác thô sơ” là cuối cùng NÔNG DÂN – nếu không có một Đảng của giai cấp công nhân đô thị hiện đại lãnh đạo thì bao giờ cũng THUA giai cấp địa chủ – phong kiến, mà dù có thắng – như Tây Sơn đã từng thắng trước đó – thì rồi cũng bị ĐỊA CHỦ HÓA, PHONG KIẾN HÓA mà thôi!

02.2. Như tôi đã nghiệm sinh trên điền dã khắp Bắc Trung và chút chút ở miền Nam, tôi đã thấy cả Nguyễn Nhạc và cả Bắc Bình Vương – Quang Trung (tất nhiên cả Nguyễn Lữ nữa) đã thất nhân tâm khi các ông – như học giả Tạ Chí Đại Trường đã dẫn ra nhiều chứng cứ (Xem Nội chiến ở Việt Nam 1771-1801…) – ở miền Trung, chỉ để 01 chùa ở cấp huyện, ở miền Bắc chỉ để 01 chùa ở cấp tổng. “ĐẤT VUA – chùa LÀNG – Phong cảnh BỤT” – sáng – chiều nghe tiếng chuông chùa “chiêu mộ” để tấm lòng thư giãn, để biết thời gian trôi chảy vô thường đã từ lâu in hằn vào tâm thức người Việt. Phá chùa, đập tượng, nung chuông (làm tiền, làm khí giới) là làm phản lại tâm thức Việt Nam. Có lẽ nào dân gian xứ Bắc – Đàng Ngoài vốn kính VUA (Lê) nể CHÚA (Trịnh) và sùng Phật – Đạo, dù rất trọng Quang Trung đã vì dân mà chiến đấu và chiến thắng giặc Mãn Thanh, thế mà bên câu ca dao “cổ” (XV):

Lạy trời cho cả gió lên,

Cho cờ vua Bình Định(2) phất (phới) trên kinh thành(3).

Lại có câu ca dao “cận đại”:

Lạy trời cho cả gió Nồm,

Cho thuyền chúa (vua) Nguyễn thắng buồm thẳng ra!

Ra… là ra Bắc. Vô là vô (vào) Trung – Nam. Đấy là một câu ca dao thuần Bắc cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Đừng nên chỉ suy diễn lòng dân (XVIII-XIX) theo chủ quan “bác học” (XX), mà nhà làm sử rất nên tham khảo Folklore, nhất là Folklore cổ – cận – dân gian.

02.3. Quân Tây Sơn vào Nam – Nam Bộ – thì phá Cù Lao Phố (Biên Hòa hiện nay), giết hại thương nhân Hoa kiều, vứt phá hàng ngoại bỏ ra đầy đường, sau ở Sài Gòn thì cũng vậy; ra Trung thì tàn phá Hội An (Faifoo), 10 năm sau còn chưa phục hồi lại được; ra Bắc thì phá Vị Hoàng, phố Hiến và có đâu chừa lắm cả Thăng Long. Khi nho sĩ Bắc Hà – mượn lời nông dân xóm Văn Chương – để thưa kiện với chúa Tây Sơn về việc tòa Văn Miếu – bia Tiến Sĩ bị phá thì Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã thành thật phê vào đơn:

Thôi! Thôi! Thôi! Việc đã rồi!

Trăm điều hãy cứ trách bồi vào ta!

Nay mai dựng lại nước nhà,

Bia Nghè lại dựng trên tòa muôn gian.

Thôi cũng đừng đổ oan cho thằng Trịnh Khải (1785-1786)!

02.4. Gia Long dù bắt đổi Thăng Long (昇 龍) từ thành phố Rồng bay thủ đô cả nước ra Thăng Long (昇 隆) – ngày thêm thịnh vượng – thủ phủ Bắc thành và dời thủ đô cùng cả Quốc Tử Giám – Văn Miếu vào Huế thì ở Văn Miếu Thăng Long, Gia Long vẫn cho xây một tòa Khuê Văn Các, nhỏ thôi mà cực đẹp; và ở thành cũ hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan, ông cũng cho xây một tòa Cột Cờ cao đẹp nhất kinh thành ngày ấy và cho đến nay còn tồn tại!

Thế thì kể ra cũng khó mà chê Gia Long và nghệ thuật kiến trúc Nguyễn! Mà chê bai làm gì nhỉ, khi chúng – với thời gian – đã trở thành cái ĐẸP, cái Di sản Văn hóa Dân tộc – Dân gian.

Huế trở thành một Di sản Văn hóa Nhân loại – theo Quyết định của UNESCO 1993, mà hiện nay ta rất tự hào và đang biến thành Trung tâm Du lịch Văn hóa Việt Nam là NHỜ AI, nếu không phải là nhờ VUA – QUAN – DÂN thời Gia Long – Minh Mạng – Tự Đức và Nguyễn nói chung?

Kính xin quý vị Sử gia – tạm / gượng gọi là “đồng nghiệp” của tôi bơn bớt việc “chửi bới” nhà Nguyễn – đời Nguyễn – bắt đầu từ Gia Long – đi cho tôi và dân chúng nhờ… Và thái độ tốt nhất là xếp cả xứ Huế và Việt Nam khi ấy vào Bảo tàng Lịch sử và coi khi đó, không gian đó như một TẤT YẾU TẤT NHIÊN của LỊCH SỬ VIỆT NAM!

03. Có một huyền tích lưu hành rất dai dẳng – và còn được ghi bằng giấy mực nữa kia – là khi Nguyễn Ánh – Gia Long (năm 1801) chiếm lại được Phú Xuân – Huế từ tay triều đại Tây Sơn, đã “cướp” công chúa Lê Ngọc Hân – Bắc cung Hoàng hậu của Quang Trung làm vợ. Huyền tích ấy nay đã được giải ảo hiện thực (désenchanter le réel). Sự thực lịch sử là thế này:

03.1. Sau khi vua Quang Trung mất (1792), Ngọc Hân đã dời cung điện ra ở chùa Tiên gần lăng mộ Quang Trung (xem sách “Đi tìm lăng mộ Quang Trung” của Nguyễn Đắc Xuân và nhất là xem thơ Phan Huy Ích). Theo tôi, đó là vì vua Cảnh Thịnh kế nghiệp Quang Trung mới 12 tuổi (không phải là con đẻ của Ngọc Hân) cùng thái sư Bùi Đắc Tuyên (cậu của Cảnh Thịnh) rất lộng quyền, chẳng ưa gì bà Ngọc Hân xứ Bắc, nên bà đã có ứng xử “chẳng tu thì cũng như tu mới là”; cũng có thể là bà “nặng tình nặng nghĩa” với Quang Trung. Bà có với Quang Trung hai (02) người con, bà mất sớm (1799) và cả hai con bà cũng vậy (1801).

03.2. Cho nên không làm gì có chuyện vua Gia Long giết hai con bà và lại lấy bà làm vợ. Khi Ngọc Hân làm vợ Quang Trung, đã môi giới để người em cùng nhũ mẫu là Ngọc Bình làm vợ của Cảnh Thịnh.

Khi Cảnh Thịnh chạy ra Bắc, không hiểu vì lý do gì, bà Ngọc Bình bị kẹt ở Phú Xuân. Gia Long chiếm Phú Xuân, bắt được Ngọc Bình và quyết định ngay lấy làm vợ (phi). Cả đám triều thần của Gia Long xúm lại can ngăn, họ nói: - Bệ hạ nay có cả thiên hạ, thiếu gì gái đẹp – trinh nguyên, việc gì phải lấy vợ của giặc làm vợ mình! Vua Gia Long cười ha hả mà nói: - Đến đất nước của giặc “tau” còn lấy, huống chi là vợ giặc,“tau” lấy vợ giặc làm vợ “tau” thì có chi mô!

Về việc này Biên Niên sử của triều Nguyễn còn chép hẳn hoi, xem – chẳng hạn – Đại Nam Thực lục Chính biên.

Tôi kể chuyện này với ông bạn thân – nay đã quá cố “người xứ Huế” (mẹ là dòng Hoàng phái Nguyễn) là PGS Nguyễn Đức Từ Chi, ông cười lâu lắm và bảo tôi rằng: - Ở đại học, tôi học cổ sử Việt Nam với các thầy khác nên không biết chuyện này. Nay nghe anh kể mới biết. Thật là tuyệt! Đây là một “ca” (cas = trường hợp) mà nếu lý giải bằng phân tâm học (psyanalyse) thì sẽ rất lý thú. Nhưng câu nói ấy của Gia Long trả lời các quan đại thần là rất “cynique” (tôi chưa biết dịch là gì cho đúng, đại khái là rất “tởm”, “lỗ mãng”, “bất cần sĩ diện”, “trắng trợn”… nhưng mà rất THỰC) đấy chứ, phải không anh?

Tôi mủm mỉm gật đầu đồng ý.

03.3. Tôi được đọc GIA PHẢ nhà họ Nguyễn ở làng Nành (nay thuộc xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) quê bà Nguyễn Thị Huyền, mẹ bà Ngọc Bình, nhũ mẫu của bà Ngọc Hân. Gia phả có đoạn chép:

Bà cụ Nguyễn Thị Huyền – qua con gái là bà Ngọc Bình – có làm đơn xin cải táng mộ bà Ngọc Hân (và hai con bà) về Bắc, về quê bà. Vua Gia Long đồng ý. Tiểu sành đựng xương cốt bà Ngọc Hân được chở bằng thuyền về làng Nành và được xây mộ hẳn hoi. Mãi đến thời Thiệu Trị (1840-1847), có một tên cường hào ở làng Nành vì có sự chảnh chọe ngôi thứ gì đó với dòng họ Nguyễn nên làm đơn vu cáo họ Nguyễn đã “lợi dụng” gì đó về ngôi “mả ngụy” Ngọc Hân, cấp trên nó quan liêu hay ăn đút lót gì đó – không biết – phê vào đơn cho phép đào mả Ngọc Hân quẳng xuống sông Nhị Hồng…

Hiện nay ở Gia Lâm có đền Ghềnh, tương truyền là “rất thiêng”, đấy chính là nơi hài cốt Ngọc Hân dạt vào, được dân vớt lên mai táng lại. Nhiều nhà “Hà Nội học” – không đọc gia phả họ Nguyễn làng Nành – đã nói và viết rất “lu bu” về chuyện này và “đổ vạ” cho Gia Long và nhà Nguyễn đào mả vợ Quang Trung để trả thù! “Trả thù”, vâng, có thể có ở mọi thời, song việc đào mả Ngọc Hân quẳng xuống sông không phải là việc và trách nhiệm – tội lỗi của Gia Long.

03.4. Gia Long “tội vạ” gì mà gây thù chuốc oán thêm với sĩ phu và dân chúng Bắc Hà mà ông chê bai là “bạc” – theo thành ngữ dân gian – hay được / bị “dân gian hóa” thành câu: “Bạc như dân, bất nhân như lính”.

Theo chỗ tôi được biết (tôi biết rất ít thôi), thì sau khi vua Gia Long ra Bắc (1802) diệt nốt “dư đảng Tây Sơn” và cử Nguyễn Văn Thành (“Tiền Quân Thành”) làm Bắc thành trấn thủ, vua Gia Long đã – qua ông Thành – làm vài việc sau đây:

03.5. Tổ chức một lễ tế “Trận vong tướng sĩ” ở bên bờ sông Nhị phía Đông thành Thăng Long. Bài văn tế này vẫn còn và khi xưa – tôi học trung học – vẫn được học ở sách Việt Nam văn học sử yếu của cố GS Dương Quảng Hàm. Sách này đề tên tác giả bài văn tế là “Vô danh”, sau này giới Văn học và Hà Nội học đã tìm ra tác giả chính là Nguyễn Huy Lượng, sĩ phu Bắc Hà – người đã cộng tác với triều đình Tây Sơn đến cùng (1801) và viết bài Phú nôm nổi tiếng “Tụng Tây hồ phú” (và do vậy Phạm Thái, sĩ phu Bắc Hà chống Tây Sơn đã viết bài phản bác cũng khá hay với nhan đề “Chiến tụng Tây hồ phú”). Lễ tế vong này và bài văn tế giành cho mọi sĩ tử binh không phân biệt ai là “chân” ai là “ngụy”. Tế xong, Nguyễn Huy Lượng không bị phạt tù tội gì về việc cộng tác với nhà Tây Sơn và Nguyễn Gia Long “bổ” cho ông cử nhân hay chữ này một chức tri huyện ở phủ Nghĩa Hưng (Nam Định), sau ông bị – theo gia phả và sử địa phương chí chép – giặc cướp giết.

03.6. Cũng dưới thời vua Gia Long, bà phi “tòng vong” với Lê Chiêu Thống xin triều Nguyễn cho đưa hài cốt ông vua Lê cuối cùng này cùng vài quan tòng vong (đã chết bên nước Thanh) đem về nước. Vua Gia Long – qua lời tâu của Trấn thủ Bắc thành – đã đồng ý. Bà phi họ Nguyễn này mang hài cốt chồng và vài quan khác về Việt Nam chôn cất xong thì tự tử chết. Bà cũng được mai táng tử tế (tôi được học chuyện này từ thời trung học Pháp thuộc).

Vua Gia Long đã sai lập “đền Cố Lê” ở Hà Nội (mạn phố Thụy Khuê) để thờ vua Lê cũ và sai dỡ nhà Thái miếu ở Thăng Long về Bố Vệ xứ Thanh quê nhà Lê lập đền thờ. “Đền vua Lê” (còn gọi là “Thái miếu”) hiện vẫn còn và đã được Bộ Văn hóa Thông tin nhà nước CHXHCN Việt Nam xếp hạng (“Di tích Văn hóa được xếp hạng”).

03.7. Quê tổ nhà Nguyễn là Gia Miêu ngoại trang ở Hà Trung – Thanh Hóa, đối diện với dãi núi Triệu Tường. Ở Đàng Trong, Nguyễn Hoàng đã trở thành “ông Hai” (ông cả Nguyễn Uông đã bị anh rể – chồng bà Ngọc Bảo – giết để cướp chính quyền Thái Sư (như thủ tướng ngày sau), thay thế ông bố vợ Nguyễn Kim (phụ thân Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng) đã bị đầu độc chết. Từ thế kỷ XVII-XVIII trên đường hình thành đạo Mẫu Việt Nam mà mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Giầy (Vụ Bản, Nam Định, Nam Hà) trở thành “Thánh Mẫu” theo thần tích, ít ra là từ đời Cảnh Hưng (1740-1786). Nguyễn Hoàng đã được thờ ở khắp xứ Đàng Ngoài dưới tên gọi “Quan Lớn Triệu Tường”. Vua Gia Long đã về thăm quê gốc Gia Miêu.

Trên đường công tác điền dã, năm 1994, tôi đã về thăm Gia Miêu, thăm ngoại / nội trang, thăm núi Triệu Tường, và đang đứng trầm ngâm chiêm ngắm ngôi đình được trùng tu lại thời Gia Long, rất đẹp mắt nhưng đang gần như bị “bỏ quên” (chưa được xếp hạng và đang xuống cấp, chưa được trùng tu tôn tạo) thì được một cán bộ xã mời về trụ sở Đảng ủy và UBND xã.

Tôi những tưởng mình sẽ bị khiển trách và “thăm hỏi” vì đã dám ghé thăm ngôi đình làng mang niên hiệu Gia Long trùng tu mà không trình báo lãnh đạo xã. Nhưng không!, tôi được chiêu đãi một bữa bia “đã đời”, vì đã được cán bộ xã đứng tựa cột đình “nghe lỏm” – tôi đang giảng giải cho các cán bộ cùng đi – về nét đẹp ngôi đình làng này và tỏ ý tiếc vì bị nhà nước bỏ quên! Nghe các nhà lãnh đạo xã quê hương Gia Long nói thêm về tình hình xã, tôi rất mừng vì các đảng viên cộng sản Gia Miêu quê hương nhà Nguyễn đã tỏ ra có “tư duy đổi mới” khi nhận nhìn vai trò lịch sử của vua Gia Long và nhà Nguyễn với thái độ “thể tất nhân tình”, rất đậm đà bản sắc Việt Nam. Vua Gia Long sai sửa đình làng quê gốc của mình nhưng không hề sai sửa lại tên quê. Mãi đến thời Tự Đức (1848-1883), ông vua này mới sai đổi tên Gia Miêu cũ xưa thành tên mới Quý Hương!

03.8. Tuy Trịnh Kiểm đã giết Nguyễn Uông, nhưng chính sử nhà Nguyễn, kể cả Đại Nam nhất thống chí, quyển về Thanh Hóa tỉnh, mục nhân vật vẫn chép về Trịnh Kiểm mà không hề có một lời nói xấu nào về ông tổ họ Trịnh này.

Thật là lạ! Càng lạ hơn, khi tôi (1992) về thăm lại quê hương Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan ở Thạch Thất xứ Đoài (nay thuộc tỉnh Hà Tây) – người được coi là “Trương Tử Phòng” (quân sư Trương Lương của Hán Cao Tổ) của Trịnh Kiểm. Gia Long rồi Minh Mạng đã ban cho ngôi nhà thờ Trạng Bùng một bức đại tự chạm trổ rất đẹp với 4 chữ “TRUNG HƯNG CÔNG THẦN”, miễn sưu dịch cho con cháu Trạng Bùng, lại cho 2 “đinh phụ” được coi sóc nhà thờ và mồ mả của ông Trạng đã hết lòng “phù Lê phù Trịnh” này.

03.9. Tôi có một số bạn bè họ Trịnh đã / đang làm cán bộ cao cấp của nhà nước CHXHCN Việt Nam. Tôi đưa cho họ xem bản Trịnh gia thế phả do Trịnh Cơ vâng lệnh Gia Long, khai báo lại năm 1802.

Lời mở đầu cuốn gia phả họ Trịnh này viết rằng khi vua Gia Long ra Bắc (1802), ông đã cho gọi tộc trưởng họ Trịnh – Trịnh Cơ – từ xứ Thanh ra Thăng Long và phán bảo rằng: - Họ nhà ngươi và họ ta là hai họ có thâm thù vì tổ họ ngươi đã giết tổ họ ta!

Trịnh Cơ run rẩy nghĩ rằng mình và họ mình sẽ bị Gia Long “làm cỏ sạch gốc rễ” để trả thù. Nhưng mà không!, vua Gia Long nói tiếp: - Nhưng họ nhà ngươi và họ ta đã từng là thông gia – thân gia. Ta sẽ lấy tình thân gia mà đối đãi với họ ngươi. Song họ ta ở Nam đã quá lâu, ta chẳng biết rõ gì về họ ngươi cả. Vậy ngươi hãy cung khai về gốc gác họ Trịnh trình cho ta biết!

Trịnh Cơ mang gia phả cũ ra tham khảo và cứ theo sự thực viết ra (cố GS Hoàng Xuân Hãn rất khen ngợi bản gia phả nhà Trịnh này là trung thực, đã viết rõ gốc gác nghèo hèn và hành xử “xấu xa” của Trịnh Kiểm như ăn cắp gà, giết trộm trâu, ăn cắp ngựa…). Đọc xong Gia phả họ Trịnh, Gia Long đã phê ban cho họ Trịnh 200 mẫu ruộng công để dựng nên Trịnh điện làm nơi thờ tự các chúa Trịnh (nay làng Trịnh Điện bên bờ sông Mã có diện tích đúng 200 mẫu, 1 mẫu Trung bộ = 5000m2).

* LỜI TẠM ĐÓNG

Khi còn ở Gia Định và mới chỉ có Gia Định (châu thổ sông Mê Kông) trước 1801-1802, Nguyễn Ánh – Gia Long đã vận dụng “cơ chế thị trường” và đã biến Sài Gòn miền Nam thành nơi sản xuất và xuất khẩu lúa gạo ra toàn Đông Nam Á để đổi lấy các sản phẩm công nghiệp phương Tây, cố nhiên hàng nhập khẩu được ưu tiên hàng đầu là vũ khí để chống lại Tây Sơn. Tôi không muốn / không cần bình luận về ý đồ chủ quan của Nguyễn Ánh, nhưng Nam Bộ cho đến nay vẫn quen với “cơ chế thị trường” hơn miền Bắc. Có nhiều nguyên nhân lắm, song phải chăng cũng có vai trò của NGUYỄN ÁNH?

Tôi đã nhắc đi nhắc lại – làm rườm tai bạn đọc, nếu bài này được đọc và được in – rằng tôi, kẻ ngu hèn này, không phải là một nhà Sử học chính tông.

Vậy, theo ý F. Engels vĩ đại, ai không am hiểu lắm về một lĩnh vực khoa học nào đó mà cứ cố tình “nói chõ” vào thì có thể được lượng thứ về một số sai lầm không đến nỗi lớn lắm.

Tôi, từ lâu đã rất mê F. Engels, mượn và có thể là “lợi dụng” mấy lời nói của ông để tạm đóng bài viết có nhiều phần “dở hơi” này.

Hà Nội – Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh)

Mùa thu tháng Tám, 1996

Kính nộp,

GS Trần Quốc Vượng

(Đại học Quốc gia Hà Nội)

Copy từ FB Đại Việt tàng thư.


(1) Có nhà Việt Nam học ở Liên Xô (cũ) còn xem vai trò Gia Long như vai trò của Pi-e đại đế nước Nga xưa nữa kia. Thật là “quá đáng”, nhưng theo tôi, Quang Trung cũng không hề là nhà cải cách vĩ đại của Việt Nam.

(2) Bình Định Vương Lê Lợi.

(3) Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội

-----

Nguồn từ:

Lịch sử VN qua ảnh

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2023

Ngô Nhật Đăng: TINH HOA LUẬN

 TINH HOA LUẬN

<Ngô Nhật Đăng>

 "Không có gì đáng ghét bằng lũ trí thức nửa mùa tự nhận là những tay quý tộc tư tưởng, tự cho rằng chúng khác xa với đám quần chúng tanh hôi…Bọn ấy đúng là rơm rác mà xã hội đang cố gắng tạo thành tinh hoa. Những thiên tài thiếu tháng, những tâm hồn bị đầu độc đáng cho ta thương hại chúng như lũ heo được đưa về viện Pasteus để thử thuốc điên rồ. Đương nhiên,  người ta phải nhốt chúng lại”.

Maurice Barrès

Vậy nhóm người "tinh hoa" có từ bao giờ và ai là người đặt ra khái niệm này cũng như định nghĩa nó?

Đơn giản nhất là tra Wikipedia, nhưng cái định nghĩa này có vẻ không ổn, không ổn nhất là ở chỗ chấp nhận tinh hoa theo khái niệm này lại chỉ có đám "tinh hoa", tức là thủ dâm. Ta phải tìm về tận nguồn gốc.

Người đầu tiên đưa ra khái niệm tinh hoa là Plato. Trước Plato đã có những người bàn về triết học nhưng họ không được chú ý hoặc bị coi thường, đôi khi phải tìm đến cái chết như thầy của Plato là Socrates. Plato đã đặt ra câu hỏi : "Tại sao triết học và triết gia lại bị khinh rẻ như vậy?" Và ông trả lời rằng vì ai cũng có thể bàn về triết học nên vì thế nó làm cho triết học trở thành tầm thường, do vậy ông đưa ra một giải pháp :

 "Cấm tiện dân không được nghiên cứu triết học, nó chỉ được dành cho một nhóm người đặc biệt, đó là giai cấp tinh hoa". 

Tất nhiên, cấm đoán là chuyện dễ làm nhưng không dễ thành công trừ khi nắm trong tay một quyền lực tuyệt đối,  Plato đã tìm cách biến những suy niệm (tất nhiên) của con người trước những chuyển động, biến đổi của vạn vật, sự kiện trong môi trường mình đang sống thành những ngôn ngữ tối tăm, rắc rối, khó hiểu đối với số đông, cuối cùng cũng là mục đích tìm cách nắm trong tay quyền lực. Mô hình nhà nước của Plato chính là cái mô hình nhà nước độc tài toàn trị ngày nay được nâng lên mức độ cao hơn và do đó cũng khó chơi hơn. 

Tư tưởng của Plato thực ra chẳng có gì cao siêu, với một vài định đề cơ bản, một học sinh cuối trung học ngày nay cũng có thể dễ dàng bẻ gãy mớ lý luận tư biện ấy. Chỉ có điều tại sao cái tư tưởng hủ bại ấy đã thống trị phương Tây và sau này là cả thế giới suốt gần 25 thế kỷ mới là cái đáng quan tâm. 

Plato dùng môn hình học phẳng và môn thiên văn để xây dựng triết thuyết của mình, ông nói :

"Tôi sẽ coi thiên văn cũng như hình học như phương tiện duy nhất để giải quyết vấn đề, bỏ qua không quan tâm đến sự vật trên trời, biến thiên văn thành môn học chân thực, chuyển nhận thức tự nhiên của tâm trí từ tình trạng vô dụng thành mục đích hữu dụng" - Hết trích.

Tôi sẽ không đưa ra các khái niệm của Plato vì chỉ tổ làm mọi người rối trí, tôi đoan chắc rằng 10 người "tinh hoa" thì có đến 9,5 người cũng chẳng hiểu những khái niệm này chỉ cái gì, họ ra vẻ rằng chỉ có mình mới hiểu để lòe bịp thiên hạ. Đám bò đỏ còn tệ hại hơn, mở miệng ra là chê người thông minh là ngu ngốc. Nhưng tôi sẽ chỉ ra cái vũ khí, cái chìa khóa vạn năng mà Plato sử dụng là gì?  Đó là "Biện Chứng Pháp" - Phép biện chứng, nghe có quen không ạ?

Plato coi đây là một nghề, ông từng gọi nó là "ngành lý luận", "ngành hiểu biết" nhưng rồi để cho nó trở nên sang trọng và khó hiểu ông đặt tên là "phép biện chứng". Ông viết :

"Biện chứng pháp là phương thức nghiên cứu duy nhất nhằm định hiểu biết có hệ thống, có phương pháp, để ý từng sự vật, tất cả các sự vật trong chính nó". Thậm chí : "Khi tâm trí sa lầy vào vũng bùn man rợ thì biện chứng pháp nhẹ nhàng lôi nó ra, dẫn nó đi lên". 

Tóm lại, cái cốt lõi của biện chứng pháp là đặt ra một giả thiết rồi "bỏ qua giả thiết tiến thẳng tới nguyên tắc đầu tiên để tìm cơ sở biện luận". Tức là lập lờ đánh lận con đen, xạo láo, lừa bịp, giả dối...nhằm mục đích chiến thắng trong bất kỳ một cuộc tranh luận nào. Ví dụ như tay triết gia Nguyễn Hoàng Đức áp dụng trong việc "thách đấu" với thi hào Nguyễn Du, và nó không đơn giản chỉ là chuyện văn chương.

Plato nói rằng biện chứng pháp cần phải được dạy trong trường học , cần phải được coi là môn khoa học cao nhất "là viên ngói đặt trên mái nhà"- nguyên văn "viên đá"- người Hy Lạp cổ đại dùng đá làm ngói.  Ai sẽ học? Và ai mới có thể hiểu được phép biện chứng, theo Plato đó là "tinh hoa".

Tinh hoa là ai? Plato lại đặt ra một giả thiết, đó là những người khỏe mạnh tuấn tú, thông minh tuyệt vời, yêu sự thật, sẵn sàng chịu mọi khổ cực, nhiệt tình trí thức, học hỏi dễ dàng vv ... hàng chục đức tính mà nằm mơ cũng không thấy nó tập trung vào một con người, cái con người theo Plato sẽ cai quản nhà nước gọi là Triết vương. Plato đề cao cái tôi nhưng đó không phải là cái tôi cao quý, cái tôi mang đậm chất người nên cũng sẵn sàng hy sinh vì người khác, cái tôi của Plato là cái tôi ích kỷ, cái tôi bao trùm lên cả thiên nhiên, vũ trụ, cái nội hàm quá lớn dẫn đến ngoại hàm càng nhỏ.

 Người ta đã chứng minh rằng nội hàm càng nhỏ thì ngoại hàm càng lớn đi ngược lại tư tưởng Plato, làm nên sức mạnh vô cùng khủng khiếp của bom nguyên tử lại là những hạt nhân vô cùng nhỏ bé, con hổ, con sư tử có thể đe dọa tính mạng một người nhưng con virus Vũ Hán lại cướp đi sinh mạng cả triệu người. Trong xã hội, những con người càng gần với nhân tính (nội hàm), càng thuần hậu, chất phác thì tình thương yêu đối với tha nhân (ngoại hàm) càng lớn. Đầy rẫy quanh ta những con người đang vất vả mưu sinh, thậm chí nghèo khổ nhưng vẫn chia sẻ thứ mình có cho người khó khăn hơn mà chẳng ai để ý nhưng đám tinh hoa chỉ cần đi làm từ thiện chẳng hạn họ biến nó thành một sự kiện ghê gớm.

Tất cả những người vẫn còn giữ được tính người sẽ hành động tương tự như anh tài xế taxi đã hành động để đỡ em bé bị rơi từ tòa nhà chung cư mà không hề cân nhắc, băn khoăn. Còn đám tinh hoa thì dùng phép biện chứng để phân tích hành động đó trong khi điều quan trọng nhất là tự vấn lương tâm (giả thiết) : Nếu gặp hoàn cảnh đó thì mình sẽ hành động thế nào thì lại bỏ qua. Họ thực chất là đám khí chất hẹp hòi, tiểu khí, đám tiểu nhân đem lòng dạ tiểu nhân đo người quân tử. 

Nietzsche sau khi đóng đinh Plato, gọi Plato là thủ phạm chính gây ra gẫy đổ văn hóa, gây ra sự sa đọa của xã hội đã đề ra một triết lý mới tìm về với Nhân tính, ông nói loài người đang thiếu vắng những "Đại Nhân", đại nhân là người thế nào? Những tích cách mà triết gia Nietzsche liệt kê ra chính là "người Quân tử" trong quan niệm của người Việt. 

Đó cũng là lý do chính mà đám tự xưng là "Dân chủ" ghét cay ghét đắng Donald Trump.

Ngô Nhật Đăng: Kinh tế học bình dân - KHÔNG NHÌN THẤY ĐƯỜNG CHÂN TRỜI

 Kinh tế học bình dân :

KHÔNG NHÌN THẤY ĐƯỜNG CHÂN TRỜI

COVID đã tàn phá nền kinh tế thế giới - Đó là điều bình dân chúng ta được nghe hàng ngày từ tầng lớp tinh hoa. Và hệ quả tiếp theo sẽ là : Ai sẽ cứu nền kinh tế này sau hậu đại dịch ? Vẫn là họ, những Davos Man- bọn tinh hoa thối rữa toàn cầu, họ sẽ có những “kế hoạch tái thiết vĩ đại” (?) và người lãnh đủ sẽ là tầng lớp trung lưu và tiểu trung lưu.

Tất nhiên là bình dân chúng ta cảm thấy xa lạ với những lý thuyết kinh tế hàn lâm gồm toàn những khái niệm rắc rối, mục đích là làm cho công chúng không thể hiểu nổi. Nhưng theo quy luật muôn đời mà bình dân là người hiểu rõ nhất thì vấn đề nào cũng có hai mặt hay còn gọi là luật Nhân - Quả. Công nghệ số làm nên sự thành công của chủ nghĩa “toàn cầu hóa” nhưng cũng để lộ ra những khoảng tối tăm bẩn thỉu của nó.

Là bình dân nên sẽ có những câu hỏi bình dân mà tất cả đều hiểu được, đó là : Có bao nhiêu tiền đã bị mất từ nền kinh tế do đại dịch ? Nếu số tiền ấy không bị đốt, bị đổ xuống biển (mà khả năng này là tuyệt đối cao) thì nó chui vào túi ai?

Người ta được biết 3,9 ngàn tỷ USD trong gần 2 năm COVID từ những doanh nghiệp nhỏ, những gia đình trung lưu và tiểu trung lưu trên thế giới đã biến mất. Và người ta cũng biết, Big Tech, Big Pharma và đằng sau chúng là bọn chính trị gia bất lương đã thu về 3,6 ngàn tỷ USD (để so sánh, toàn bộ GDP một năm của Việt Nam vào khoảng 220 tỷ USD). Thế là rõ. Đại dịch là một cơ hội vàng (nếu không nói là một kế hoạch) để giới tinh hoa ăn cướp tiền của nhân dân.

Cuốn sách có ảnh hưởng lớn về chủ đề toàn cầu hóa, cuốn sách được bán chạy nhất của Tom Friedman: “Thế giới phẳng: Lịch sử vắn tắt của Thế kỷ 21” - mô tả một cách thuyết phục về toàn cầu hóa theo đúng bản chất của nó, bằng việc tập trung vào các chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ toàn cầu. Cách thức công nghệ số đã rút ngắn khoảng cách giữa các quốc gia và cách mạng hóa các chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào. Điều này cho phép mọi người tham gia vào hoạt động kinh doanh với nhau trên toàn cầu, với mỗi quốc gia đưa những lợi thế cạnh tranh của mình vào hệ thống thương mại thế giới.

Ngay từ ngày đó, đã có những câu chuyện trên báo chí nói rằng giá trị ngôi nhà của mọi gia đình có thể chẳng bao lâu sẽ thấp hơn số tiền phải trả góp cho chính ngôi nhà đó. Họ phát hiện ra rằng khoản tiền tiết kiệm của gia đình họ - ngay cả tiền mặt còn lại trong các quỹ kinh doanh tiền tệ (money market funds) được cho là cực kỳ an toàn - có thể sớm tan thành mây khói chỉ trong chốc lát.

Suy cho cùng, một nền kinh tế giàu có không phải là con số tổng thu nhập quốc dân rồi chia bình quân đầu người cho tất cả mọi người trên giấy. Nó phải bình dân như “Giấc mơ Mỹ”, đó là: Mỗi một người lao động chăm chỉ và lương thiện sau một thời gian nhất định phải được sở hữu ngôi nhà của mình, mảnh ruộng của mình, cái xe của mình và một khoản tiền tiết kiệm cho lúc tuổi già hay đau yếu bệnh tật. Với sự lương thiện và chăm chỉ lao động, tài sản cá nhân của họ ngày càng lớn theo. Họ không phải lo lắng rằng vào một ngày xấu trời, khi tỉnh dậy bỗng thấy mình trở thành vô gia cư, tiền mồ hôi nước mắt của mình chui vào túi một nhóm nhỏ tinh hoa.

Toàn cầu hóa đã mang đến cho nhân loại một cơn mê sảng, đó là "nền kinh tế kỳ vọng" vào sự giàu có nhanh chóng không thông qua con đường sản xuất hàng hóa, nói cách khác nhau nhiều thập kỷ qua chúng ta đã rơi vào cơn mê Tiền. Tự nhiên người ta thấy mình có cơ hội kiếm tiền dễ dàng khi tham gia vào thị trường tài chính, chưa bao giờ trong xã hội Việt Nam, một tiểu thương ở chợ cũng “chơi chứng khoán” và người anh em sinh đôi với nó là thị trường bất động sản và đứa con tư sinh của nó là các đồng tiền kỹ thuật số. Tự nhiên nảy nòi ra phong trào: Cả xã hội chơi chứng khoán, nhà nhà buôn đất, người người buôn đất, bọn du thủ, du thực, vô công rồi nghề và đại lưu manh thì đi làm “cò đất”-  Rồi một loạt những tên siêu lừa đảo trong lĩnh vực tiền ảo. Hậu quả về cả kinh tế và đạo đức xã hội đã thấy rõ. Có đánh chết thì bình dân cũng không tin rằng một nền kinh tế, rộng ra là một xã hội mà người có thu nhập trung bình lao động cả 100 năm cũng không mua nổi căn nhà cho gia đình lại được gọi là “bền vững”.

Ngay từ ngày ấy, John Despres, một cố vấn có uy tín lâu năm về các chính sách kinh tế đối ngoại của Thượng viện Mỹ đã cảnh báo:

“Đúng vậy, đối với các thị trường tài chính thì thế giới cong. Chúng ta không thể nhìn qua đường chân trời. Kết quả là tầm nhìn của chúng ta bị thu hẹp lại. Cứ như thể là chúng ta buộc phải đi trên một con đường dài vô tận với đầy những ngã rẽ và những khúc quanh nguy hiểm cùng với những thung lũng dựng đứng, những dãy núi hiểm trở. Chúng ta không thể nhìn thấy gì ở phía trước. Chúng ta luôn luôn bị bất ngờ, và đó là lý do tại sao thế giới đã trở thành một nơi nguy hiểm”

Làm sao để hàng triệu, triệu người được gọi một cách hoa mỹ là “các nhà đầu tư nhỏ lẻ” nhận biết được mình đang bị lừa trong một mê hồn trận như vậy ?

Đột nhiên, hàng loạt các quỹ trên khắp thế giới cạnh tranh với nhau để giành lấy các cơ hội đầu tư. Theo đó, các chủ ngân hàng, các thương gia, và cả các chính phủ trong các nền kinh tế “công nghiệp hóa” cạnh tranh với các chủ doanh nghiệp, những người mới khởi nghiệp và các công ty quốc doanh cũ trong các nền kinh tế mới nổi để thu hút những nguồn quỹ này.

Với các loại nợ được chứng khoán hóa, các khoản đầu tư vào vốn trung gian, vào tiền ảo với các công cụ tài chính vô cùng phức tạp, việc chỉ ra chuyện gì đang xảy ra tại bất kỳ thời điểm cụ thể nào là điều gần như không thể thực hiện được. Các nhà đầu tư cần các loại thông tin chính xác để đưa ra được những quyết định sáng suốt.

Tuy nhiên những loại thông tin đó chính xác là gì? Và họ thu thập những thông tin đó ở đâu? Trong khi thị trường tài chính luôn luôn hoạt động trong sự bất bình đẳng về thông tin và phân tích.

Không gì miêu tả rõ rõ hơn bằng cuộc “khủng hoảng dưới chuẩn” ở Mỹ. Thị trường bất động sản có giá trị chưa tới 1 ngàn tỷ dollar đã đánh sụm nền kinh tế trị giá 20 ngàn tỷ trong chớp mắt và với chính sách của Obama, cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng, nó lây lan ra toàn thế giới.

Một sự thực nữa, đến khi một nhân vật xuất hiện, một “tỷ phú bình dân”- Donald Trump lên làm Tổng thống. Đó chính là thông điệp mà giới bình dân gửi cho giới tinh hoa. Từ hoang tàn đổ nát, trái với dự đoán của một tinh hoa Nobel kinh tế, nước Mỹ không sụp đổ mà trái lại chỉ trong một nhiệm kỳ Tổng thống. Điều này giải thích tại sao giới tinh hoa thối rữa bắt đầu hoảng sợ và bằng mọi cách phải lật đổ Trump.

 Tác giả “Thế giới cong”, ông David M. Smik đã viết: 

“Đó là khía cạnh cho vay dưới chuẩn, chẳng hạn như một ngôi làng nhỏ của Na Uy thuộc vùng Bắc Cực có thể nhìn thấy toàn bộ tương lai tài chính của nó bị hủy hoại bởi vì các nhà quản lý tài chính đã đầu tư quá nhiều vào một sản phẩm của Citigroup được gọi là giấy nợ đảm bảo bằng tài sản (collateralized debt obligation - CDO). Khi thị trường nhà đất phía bên kia đại dương tại Florida và California sụp đổ thì các khoản nợ thế chấp cũng hỏng theo và những ngôi làng ở Na Uy đã phải đóng cửa các trường mẫu giáo và dừng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi”.

Nhưng cho vay dưới chuẩn chưa là gì so với con sóng thần của tiền ảo. Nó đang ló dạng ở cuối chân trời. Người ta chỉ còn biết thống kê thiệt hại khi nó đi qua, điều cần làm là tránh thật xa trước khi nó đến, gần như là bất khả thi vì chúng ta đang trong tình trạng "ngáo đá" bởi bị dẫn dắt.

Vậy bình dân chúng ta phải tự cứu mình như thế nào ? Năm mới chúc cho mọi người nổi giận và bước ra khỏi cơn mê.

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2023

FB Đo Trihung: MỸ NHÂN VÀ QUÁI NHÂN

 MỸ NHÂN VÀ QUÁI NHÂN.

Đo Trihung 

1 -  Tấm ảnh dưới đây chụp chân dung một mỹ nhân đich thực và quái nhân cũng đích thực luôn.

Về quái nhân, ông là phù thủy trên sân cỏ, là hiện tượng kỳ lạ của làng túc cầu thế giới thủa những năm 196x đến 197x của thế kỷ trước. Ông từng được giới khoa học mời làm xét nghiệm cơ thể, và họ cố tìm xem bên trong con người ông có tố chất gì đó về sinh học khiến ông vượt lên trên các cầu thủ tài năng khác, để trở thành huyền thoại, thành vua.

Ông là báu vật, là biểu tượng của đất nước Brazil một thời kỳ rất dài.

Tất nhiên, về hình thức ông cũng xứng là quái nhân, vì khá xấu giai. 

Ông đen như trùi trũi, như mới chui ở rừng già châu Phi ra, chứ không phải người nam mỹ - vốn là thuộc địa của chủng nam âu – là hợp huyết giữa người da trắng và thổ dân. Ông là người gốc Phi thuần chủng.

Ngoài ra ông cũng không cao to lắm. Những siêu sao bóng đá bẩm sinh trong lịch sử, hầu hết là lùn hoặc tầm vóc vừa phải. Người to cao mà thành siêu sao bóng đá, ấy là nhờ ý chí rèn luyện chứ không phải thiên tài bẩm sinh…

Ông cao chỉ 1m73 thôi!

2 – Ông trải ba cuộc hôn nhân chính thức, và vô số kể những vụ ngoại hôn, những cuộc tình trăng hoa chóng vánh bởi các mỹ nhân xinh đẹp hâm mộ ông.

Ông đẻ một dàn con 7 mống, bao gồm 6 con với hai bà vợ chính thức, 1 con rơi với vợ ngoại tình nhưng bị phát hiện, còn con rơi mà không bị phát hiện thì tất nhiên là không ai biết số lượng bao nhiêu…

Cô nàng trong ảnh là mỹ nhân ggốcNhật, kém ông tròm trèm trên dưới 30 tuổi.

Điều đặc biệt là, khi ông gặp nàng, ông đã là một bô lão tròn 70 tuổi.

Giai thoại kể rằng, năm 2010 ông gặp nàng trong thang máy, nghĩa là ở thời điểm ông tròn 70. Còn nàng mới 41, hay 42 gì đó…

Nàng hiển nhiên là rất đẹp, tới từng nét, và vóc dáng cũng nhấp nhô với ông, nghĩa là khá cao.

Nàng cũng không phải hạng lìu tìu, mà là trí thức, một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất bản hay giáo dục gì đó…

Và nàng vẫn yêu ông như thường.

Họ tìm hiểu nhau, đến năm 2016, khi ông 76 tuổi, hay còn gọi là U80, mới chính thức kết hôn.

Và nàng sống với ông đến lúc ông từ giã cõi đời ngày hôm kia…

Xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ ông, không phải chỉ trên sân cỏ mà cả ở chốn tình trường.

3 – Nhiều bạn biên fb cứ băn khoăn rằng, làm nào để học được nghệ thuật quyến rũ phụ nữ?

Tin tôi đi!

Không cần học gì hết, hãy quên mẹ phụ nữ đi, càng không cần học nghệ thuật quyến rũ tào lao bí đao làm gì!

Hãy tập trung vào chính bản thân mình, hãy tu dưỡng, rèn luyện, học hỏi để phát triển bản thân, khiến mình trở nên một ông người có giá trị.

Khi đó, chính mình sẽ có sức hút, và, dù mặt xấu như khỉ, già như ăng ghen, gái đẹp vẫn cứ mê tít như thường.