Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

FB NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC - HẠNH PHÚC


Sóng biển đánh dồn dập tứ phía, chiếc thuyền đã tan tành, chỉ còn những mảnh vỡ trôi dạt. Biển vẫn còn động nhiều sau cơn bão. Bình cố gắng ôm chặt chiếc phao và phó mặc cho số phận. Trời sáng thì Bình cũng nhận ra chân mình chạm cát. Trước mặt là bờ biển, có các gộp đá to, có cây xanh, có vẻ hoang sơ, giống như hoang đảo nào đó. Bình lết lên đảo rồi nắm vật xuống bãi cát ngủ quên cho đến khi mặt trời lên cao và tiếng kêu của ai làm chàng tỉnh dậy.
Hiểu ra thì cũng có hai người nữa trôi dạt vào hoang đảo này và còn sống. Hơn mười người khác không rõ tung tích, chẳng biết sống hay chết. Lân và ông lão Đằng đang ngồi nhìn ra biển và thất vọng.
Bình chào hỏi rồi rủ họ đi vòng quanh xem đảo này có gì lạ, lớn hay nhỏ, có gì ăn được không, có chút nước nào để uống không. Lạ thật, đúng là hoang đảo y như trong các chuyện tiểu thuyết, chẳng có gì, chỉ là một gộp đá cát nổi lên giữa biển khơi, diện tích khoảng 2ha. Chẳng có gì để ăn hay uống. nếu không có nước uống thì hai ngày nữa 3 người sẽ chết khát.
Bình đứng lên gộp đá cao và nhìn ra biển, có mấy đống rác trôi trên biển gần đảo, hy vọng có ích. Bình chạy xuống bơi ra kéo hết rác vào. Cả 3 người lục đống rác nhựa ra và tìm thấy rất nhiều bao bì, quần áo cũ, và mấy tấm giấy bạc có vẻ như bao bì của máy móc gì đó. Chàng xếp đá thành hình parabol, rồi gắn các tờ giấy bạc vào thành gương lõm thu ánh nắng để đun nấu. Bình nói hai người kia tìm xem có xác con gì trôi dạt vào để lấy nướng với cái lò gương mặt trời này.
Bình lại tìm tòi thêm rác và loay hoay chế tạo cái bình đựng nước, treo lên để đun, lấy hơi nước bốc ra cho ngưng tụ lại chảy từng giọt xuống hứng lại bằng các túi nhựa. Nhờ vậy mà 3 người có chút nước ngọt uống chút đỉnh cầm cự. Thấy Bình chăm chỉ xoay sở nên Lân và ông Đằng cũng bắt đầu lấy lại tinh thần để chiến đấu giành sự sống. Họ cùng nhau vớt rác trên biển để làm các mái che mưa nắng tạm.
Buổi tối, 3 người ngồi nhìn sóng biển và nói đủ thứ chuyện trên đời. Lân chợt hỏi:
- Này anh Bình này, tình cảnh như thế này mà tôi thấy anh vẫn lạc quan chẳng buồn chút nào. Thế hạnh phúc của anh là gì vậy?
Bình cười nói:
- Hạnh phúc của tôi đơn giản lắm, chỉ là giúp được ai đó từng chuyện nhỏ nhặt. Mấy hôm nay nhờ có anh Lân với chú Đằng mà tôi có động cơ để sống. Tôi cứ cố gắng phục vụ cho hai người là tôi sống khỏe.
Lân ngạc nhiên:
- Thế lúc còn ở nhà, anh làm gì?
- Thì tôi cũng như anh, cũng có gia đình vợ con cha mẹ phải chăm sóc, có công ăn việc làm, có bạn bè để giao tiếp, có đồng nghiệp để tương tác, có một đất nước để yêu thương.
- Anh nói nghe nhẹ nhàng, nhưng ẩn chứa trong đó một sức sống mạnh mẽ. Anh vừa nói có một đất nước để yêu thương, cái gì đó rất cao thượng.
- Cao thượng gì đâu anh, bình thường mà. Mình yêu thương những điều gần gũi chung quanh mình, nhưng cũng phải biết yêu thương cái gì to lớn hơn để thăng bằng tâm lý. 
- Đắm thuyền, trôi vào hoang đảo, chẳng biết có ai cứu hay không, mà sao mặt mày anh tỉnh bơ vậy? Tôi và chú Đằng này buồn khủng khiếp vì nhớ nhà, vì lo cho người thân ở nhà chắc lo buồn dữ lắm. Sao anh bình thản kỳ lạ vậy?
- Lo buồn có làm mọi chuyện tốt lên đâu, anh Lân. Tôi từ lâu không cho phép tâm mình rơi vào cảm giác buồn. Buồn vì chuyện của mình làm cho mình trở nên ích kỷ dần. Tôi chỉ cho phép mình buồn vì chuyện của người khác, người bạn mất mẹ, căn nhà bên kia bị cháy, xứ người ta bị động đất thiệt hại nặng, khủng bố tràn vào giết hại dân làng, thế giới vẫn còn chiến tranh, rừng bị tàn phá... 
- Thế anh Bình không lo nghĩ cho vợ con ở nhà à?
- Tôi vẫn thường dạy vợ con như vậy, nên khi có chuyện gì xảy ra, họ sẽ biết xoay sở.
Ông Đằng nói chen vào:
- Cả đời chú ăn chơi bồ bịch đủ thứ, cho rằng sống trên đời phải tận hưởng để sống vui cho hết cuộc đời. Nhưng rơi vào tình cảnh này thì đau khổ quá. Chú nghiệm ra hưởng thụ không phải là hạnh phúc. Hạnh phúc là cái gì khác nữa.
Lân lại hỏi:
- Thế thu nhập anh Bình có khá không?
- Tôi cũng thu nhập trung bình, dè xẻn để sống, rồi dành ra một ít để giúp đỡ ai đó. Có khi gặp trường hợp thương tâm, vợ chồng tôi nhất trí lấy nhiều hơn để giúp đỡ họ, chấp nhận tháng đó bị thiếu chi tiêu. Nhưng rồi cũng qua, mà tâm mình thảnh thơi. Nếu không giúp người ta lúc hoạn nạn, mình sẽ không bị thiếu tiền, nhưng sẽ thiếu hạnh phúc. Chúng tôi quan niệm, tiền bạc cơm áo là để mình không chết, nhưng đạo đức mới là nguồn hạnh phúc. Vì thế chúng tôi cứ cố gắng sống cho tốt để hưởng hạnh phúc qua từng ngày. Sống không có đạo đức thì chỉ là tồn tại không bị chết mà thôi. Sống có đạo đức thì mới có hạnh phúc.
Ông Đằng rớm nước mắt nói:
- Phải chi chú nghe được những lời này sớm hơn. Lúc đi trên thuyền, chú cũng thấy cháu hay quan tâm giúp mọi người việc này việc kia, mà chú không hiểu lắm. Chú cứ tưởng hưởng thụ là hạnh phúc nên dồn sức tìm cách hưởng thụ, không ngờ sự hưởng thụ làm tâm mình ích kỷ hơn, và đau khổ hơn.
Lân hỏi:
- Nếu lỡ như mình không được ai cứu hộ, chết dần ở đây thì sao, anh Bình?
- Vấn đề là ở chỗ này. Tôi sống đúng từng ngày nên tâm chẳng có gì hối tiếc, cái chết đến lúc nào thì cứ đến. Nếu ta không sống đúng qua từng ngày, thì ta sẽ hối tiếc đủ thứ chuyện khi cái chết ập đến.
- Anh Bình nói đúng, tôi bị như vậy, cứ lẩn quẩn ý nghĩ chết bây giờ uổng quá, chưa làm chuyện này, chưa làm chuyện kia. Phải chi mình đối xử với ba mẹ tốt hơn, phải chi lúc đó giúp bà cụ trong xóm nhiều hơn, phải chi lúc đó cương quyết từ chối tình cảm của cô bạn đồng nghiệp đi, vân vân...
Bình nói;
- Bây giờ chẳng làm gì kéo lại được nữa, anh Lân cứ nguyện lòng yêu thương mọi người hết đi, vậy cũng đỡ uổng phí tâm hồn trong những ngày cuối đời này.
- Chết sắp tới rồi thì yêu thương mọi người được gì nữa, anh Bình.
- Chết đâu phải là hết, anh Lân à. Nếu chết là hết thì không còn sự công bằng của vũ trụ nữa. Mỗi người sống tốt xấu khác nhau, không lẽ chết cái thì bằng nhau à? Sau cái chết vẫn còn nhiều điều thú vị mà ta chưa biết, nhưng ta phải tin rằng chết chỉ là thay đổi trạng thái mà thôi, còn sự công bằng của trời đất vẫn vận hành. Thế nên, nếu biết rằng ngày mai mình chết thì bây giờ hãy nguyện lòng yêu thương tất cả để vài giây phút cuối cùng không uổng phí.
Ông Đằng hỏi:
- Hồi sáng sớm chú thấy Bình ngồi giống như yoga vậy?
- Dạ thưa chú Đằng, cháu ngồi thiền tĩnh tâm ạ. Tâm hồn yên tĩnh cũng là một hạnh phúc. Ngu gì để tâm mình loạn động suy nghĩ lung tung vô ích, cứ để tâm hồn yên tĩnh thảnh thơi cho sướng.
- Vậy Bình chỉ chú và Lân tập tĩnh tâm nhé.
- Vâng ạ.
Lân hỏi:
- Nghĩ đến việc cứu hộ không tìm thấy mình, mình sẽ chết gục ở đây, tôi thấy khủng khiếp quá. Nhưng nhờ anh Bình nói những điều cao quý về lẽ phải, về đạo đức, về hạnh phúc, mà tôi yên lòng lại. Nếu trời cho được sống, tôi xin theo anh Bình để học cách sống cao thượng như vậy để tìm thấy hạnh phúc hơn.
ông Đằng cũng nói:
- Chú cũng vậy, nếu kỳ này được sống, chú sẽ sống vì mọi người, sống tử tế với mọi người, không sống cho mình nữa.
Ông Đằng vừa dứt lời thì có tiếng máy bay lượn qua, rồi vòng lại phía trên.
Ta sợ nỗi buồn, ta sợ đau khổ, ta thích niềm vui, ta tìm hạnh phúc, nhưng ta chưa hiểu rõ lắm về hạnh phúc nên hay bị đi nhầm đường. Đôi khi ta đi đến cuối đường thì bắt gặp khổ đau. Nếu ta đi đúng đường thì cuối đường sẽ là hạnh phúc chân thật.
Xin chúc cho tất cả mọi người tìm được đúng con đường để sống bên nhau có nhiều yêu thương và hạnh phúc.
Theo Facebook NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

NGUYỄN THẾ HÙNG : ĐỘ BỀN CỦA NỀN KINH TẾ TÀU CỘNG

Nguồn FB Nguyễn Sơn
1. Dự báo của Trần Đình Hiến
Gần đây tôi được gặp Cụ Trần Đình Hiến (1933), một trong những dịch giả tiếng Trung giàu kinh nghiệm nhất hiện nay, một người đã sống liên tục ở Trung Quốc mấy chục năm với nhiệm vụ làm phiên dịch chính trị cho các lãnh đạo cao cấp Việt nam mỗi khi sang TQ. Cụ có hiểu biết sâu sắc về con người, văn hóa và đất nước TQ. Trong lúc uống trà chúng tôi nhờ Cụ dự đoán xem TQ sẽ đi về đâu trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện nay.
Cụ xoay xoay chén trà nóng trong tay, ngắm nhìn làn hơi nước đang nhẹ nhàng bốc lên, nâng chén trà lên ngang miệng thoáng ngửi, định uống rồi lại đặt xuống, rồi cụ chậm rãi nói từng từ một cách dứt khoát rằng: “Nhất đinh nền kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ”. Cụ không giải thích thêm vì sao. Cụ chỉ khẳng định vậy.
2. Mô hình Trung Hoa
Ý kiến của Cụ Trần Đình Hiến liên quan đến một câu hỏi lớn hơn “Tại sao đế chế Trung Hoa có thể tồn tại mấy ngàn năm, từ thời Tần Thủy Hoàng đến nay, nhiều triều đại đã hình thành và sụp đổ, nhưng đất nước ấy ngày càng to thêm, bành trướng ngày càng rộng ra, đôi khi có tỏa sáng văn hóa như là một trung tâm văn minh mang tính khu vực?”.
Thực vậy, trên thế giới có nhiều đế chế. Thời cổ thì có Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, Babylon, …Thời hiện đại thì có Tây ban Nha, Bồ Đào Nha, Ottoman, thực dân Anh Pháp … Các đế chế ấy đều đã sụp đổ hoặc cải biến hết. Riêng nước TQ đã tồn tại và phát triển với tư cách một đế quốc kéo dài từ cổ đại hơn 22 thế kỷ đến ngày hôm nay.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng sở dĩ đế chế TQ tồn tại lâu dài vì nó được xây dựng trên mô hình Hoàng đế. Hoàng đế có “thiên mệnh” quản trị thiên hạ. Thiên mệnh là một thuật ngữ được sáng tạo bởi người TQ. Sự sáng tạo ra thuật ngữ ấy để biện minh cho tính chính danh của các triều đại. Thiên mệnh cũng biện minh cho khái niệm thinh suy trị loạn đắp đổi. Khái niệm thịnh suy trị loạn đắp đổi giải thích cho sự sụp đổ của một triều đại thối nát, được thay thế bởi một triều đại mới, với một Hoàng đế mới có thiên mệnh thay thế Hoàng đế cũ. Sự giải thích ấy mơ hồ và mê tín, thực ra thịnh suy là do mâu thuẫn giữa kẻ thống trị và kẻ bị trị đã lên đến đỉnh điểm.
Thay thế khái niệm “thiên mệnh” bởi khái niệm “mâu thuẫn” thì ta thấy đế chế TQ đã kéo dài hai mấy thế kỷ những gồm những giai đoạn thịnh suy khác nhau. Thịnh suy trị loạn là do mâu thuẫn ở bên trong cái thực thể TQ đó. Sau khi hết loạn thì Hoàng đế mới lại dùng lại cơ chế quản trị và văn hóa của xã hội cũ để duy trì sự truyền ngôi trong dòng tộc mình.
Như vậy, cơ chế quản trị xã hội và văn hóa TQ có một sự bền vững nhất định nào đó. Cơ chế quản trị xã hội và văn hóa TQ đã được gợi ý bởi Khổng tử. Ông cho rằng Vua là bậc chí tôn, nghĩa vụ của dân là tuân thủ mọi mệnh lệnh của Vua, dù cho mệnh lệnh ấy đi ngược lại quyền sống của dân (Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung). Theo lý thuyết Nho Giáo thì tự do của bậc Vua chúa là không giới hạn. Vạn vật trong trời đất đều thuộc về quyền định đoạt của Vua. Còn tự do của dân là tự do hạn chế. Người dân, đặc biệt các bậc hiền tài có quyền tự do tích lũy tri thức và năng lực của mình để thi thố với Vua. Nhờ quyền tự do hạn chế ấy một người bất kỳ có thể leo đến vị trí cao nào đó trong cơ cấu quản trị xã hội, vị trí ấy được định danh là “dưới một người trên vạn người”. Đó là vị trí của các quan. Dòng dõi của quan (ADN của người ấy) không có tính chất “thiên mệnh”.
Tóm lại xã hội TQ là một xã hội “tự do sơ khai”, trong đó quyền tự do của Vua là vô hạn, quyền tự do của dân là hữu hạn. Sự hài hòa giữa tự do hữu hạn và tự do vô hạn là cơ sở của một giai đoạn thịnh trị. Sự hài hòa ấy thường xuất hiện khi có một vị Vua hiểu biết, thường gọi là Minh Quân, biết tự hạn chế cái vô hạn của mình. Ngược lại, khi cường độ của mâu thuẫn giữa tự do vô hạn và tự do hữu hạn đạt đến một mức nào đó thì xã hội bắt đầu loạn lạc, và triều đại đó dần dần suy tàn. Lịch sử mấy ngàn năm qua của TQ là lịch sử của các giai đoạn thịnh trị và loạn lạc kế tiếp nhau. Mỗi khi triều đại mới thay thế triều đại cũ thì các vị mua mới lại tái sử dụng cơ chế quản trị xã hội cũ, cơ chế “tự do sơ khai”.
Việc tái sử dụng cơ chế “tự do sơ khai” của các triều đại đã kéo dài hơn hai ngàn năm từ thời Tần Thủy Hoàng đến nay. Người nghiên cứu cho rằng sự kéo dài ấy có nguyên nhân văn hóa. Rằng cái hay cái đẹp của văn hóa TQ làm cho các vị vua luôn thích tái sử dụng cơ chế “tự do sơ khai”.
Cơ chế “tự do sơ khai” cũng có thể ví như cái lồng (bu gà) mà Hoàng đế chụp lên toàn bộ xã hội, chụp lên mọi thân phận, mọi cuộc đời, mọi quan hệ. Người dân chỉ có quyền tự do leo lên từng nấc bậc nào đó trong những mắt lưới của cái lồng ấy, và có thể bị hất xuống bất kỳ lúc nào.
Theo các thuật ngữ hiện đại, nguyên nhân của việc tái sử dụng cơ chế tự do sơ khai, hay tái sử dụng bu gà, nằm ở tính hiệu quả cái bu gà. Thứ nhất ý chí tự do của Vua cũng không lớn lắm. Ông ta cũng chỉ dùng quyền tự do vô hạn của mình vào các mục đích cá nhân như thể hiện uy quyền, yến tiệc, săn bắn, làm thơ, chơi gái... Sản vật thu được trong vương quốc đủ để thỏa mãn các nhu cầu của Vua. Mặt khác, quyền tự do vô hạn của Vua luôn bị thu hẹp bởi các quan hệ phức tạp giữa các quan, các thế lực cung đình, các bà vợ Vua, các Hoàng tử…Còn dân thì sử dụng quyền tự do hạn chế của mình vào việc mưu cầu sống. Người dân nếu đủ khôn khéo thì cũng tạm sống. Thứ hai, chi phí bảo vệ quyền tự do không quá lớn. Vua cần một hệ thống quan lại và quân đội “vừa phải” là giữ được ngai, tức giữ được tự do (giữ được vị trí độc tài của mình). Còn “thiên mệnh” thì được bảo vệ bởi lý thuyết Nho Giáo. Thực tế, để bảo vệ tự do của mình, Vua ít khi phải dùng con bài phủ quyết là thu hẹp tối đa tự do của dân, vốn đã rất hạn chế.
Như vậy, việc tái sử dụng cơ chế “tự do sơ khai” chỉ chứng minh rằng cơ chế ấy có tính hiệu quả khá cao trong điều kiện dân trí thấp.
Tuy vậy, nhận định này chỉ đúng trong nửa đầu của lịch sử đế chế TQ từ Tần Thủy Hoàng đến năm 1127 (Năm nhà Bắc Tống mất).
Từ đời Nam Tống (sau năm 1127), cơ chế “tự do sơ khai” luôn luôn bị thách thức bởi các mâu thuẫn mang tính toàn cầu, chứ không chỉ riêng bởi các mâu thuẫn nội tại nữa.
Thực vây, cơ chế “tư do sơ khai” đã bị đạp đổ (hay cái bu gà đã bị hất tung) nhiều lần trong nửa sau của đế chế:
-Lần thứ nhất bởi sức mạnh cơ bắp của vó ngựa Mông Cổ (năm 1279, nhà Nam Tống mất). Người sáng lập ra đế quốc Mông Cổ là Thành Cát Tư Hãn. Ông là người có ý chí cao và có những đội kỵ binh vô cùng mạnh mẽ. Vó ngựa của quân Mông Cổ đã tràn khắp lục địa Á-Âu, và đã đạp đổ đế chế “tự do sơ khai” của Trung Quốc.
-Lần thứ hai bởi sức mạnh tổ chức của Mãn Thanh. Nhà Thanh khởi đầu là một dân tộc thiểu số ở Đông Bắc Trung quốc, thuộc về tộc người Nữ Chân. Họ giỏi chịu rét, rất có kỷ luật. Vua của họ chia tất cả các người dân thuộc vào một trong tám đội quân. Mỗi đội quân mang một loại cờ có mầu khác nhau. Có tất cả tám mầu cờ. Cả nước bao gồm tám binh đoàn thiện chiến, gọi là Bát Kỳ. Tổ chức chặt chẽ ấy đã đánh bại nhà Minh và lập ra nhà Thanh, đế chế cuối cùng và là đế chế rộng lớn nhất trên đất Trung Hoa.
-Lần thứ ba bởi sức mạnh hơi nước của liệt cường vào nửa sau thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20. Sức mạnh hơi nước là cách nói tắt về cuộc cách mạng công nghiệp của phương Tây. Khi đó, Phương Tây đã trải qua mấy cuộc cách mạng xã hội ở Pháp, ở Anh. Các cuộc cách mạng ấy đã tạo ra các nước tư bản có trình độ tự do cao hơn “tự do sơ khai” rất nhiều. Các nhà tư bản tổ chức sản xuất hàng hóa ở quy mô công nghiệp ngày càng lớn. Họ luôn luôn cần thị trường, tức luôn cần bán hàng. Họ dùng các đội thuyền buôn chay bằng tàu hơi nước để bán hàng, họ đàm phán thương mại để bán hàng, họ xâm chiếm thuộc địa để bán hàng. Lúc đó nhà Thanh không mở cửa và đã bị sức mạnh hơi nước đánh sập.
3. Sự thu hẹp tự do ở Trung Quốc hiện đại
Ba lần sập đổ của cơ chế “tự do sơ khai” kể trên chứng tỏ rằng cơ chế ấy không có sức bền vĩnh viễn. Hay nói khác đi mô hình Hoàng đế của Trung Hoa không còn có thể tái sử dụng trong thời đại mới. Hơn nữa thời đại mới, thời đại của công nghệ, chính là thời đại có tự do lớn nhất trong lịch sử nhân loại, trong đó mọi người đều có quyền tự do sáng tạo tối đa, không bị hạn chế bởi bất cứ cái gì, thậm chí quyền tự do sáng tạo của một người bình thường còn lớn hơn quyền tự do giết người của các vị Hoàng đế Trung Hoa cổ đại.
Trong khi đó, sau khi thành lập nước Công Hòa nhân dân Trung Hoa năm 1949, ĐCS đã tái sử dụng lại cơ chế “tự do sơ khai” để quản trị đất nước. Bây giờ Hoàng đế không còn là một người duy nhất, nhưng lại là một tập thể bộ Chính trị với hạt nhân là Tổng bí thư. Tuy vậy, có những sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, tự do cá nhân của chủ tịch Mao còn lớn hơn tự do của các vị Hoàng đế. Mặt khác, tự do hạn chế của nhân dân còn bị cắt xén mạnh hơn thời vua chúa. Dưới thời Mao, nhân dân không những không thể tích lũy tài năng và kiến thức để vươn lên các vị trí cao trong xã hội, mà họ còn bị tước đoạt quyền sống cơ bản là quyền tự do kinh doanh (kinh doanh theo nghĩa cơ bản nhất là tìm cái cho vào miệng, nên người ta gọi kinh doanh là làm ăn). Nhân dân chỉ còn có thể kiếm sống trong các HTX và các xí nghiệp nhà nước.
Sau khi Mao chết, nước Trung Quốc có sự thay đổi về tự do cho nhân dân đôi chút. Người dân đã có thể được tự do kinh doanh để sống no đủ hơn. Ngược lại, giới tư bản thân hữu có tự do nhiều hơn dân thường và họ nhanh chóng giàu lên. Tài lực quốc gia của TQ vì vậy tăng nhanh chóng. TQ đã trở thành nước giàu thứ hai trên thế giới về kinh tế. Cùng lúc đó, chi phí để bảo vệ tự do của ĐCS tăng cao. Họ đã phải giết người để bảo vệ tự do của ĐCS (như ở Thiên An Môn, ở Tân Cương, ở Tây Tạng, hoặc giết mổ nội tạng của học viên Pháp Luân Công.). Họ đã phải ăn cắp tự do vốn rất hạn chế của nhân dân để tăng tự do của ĐCS bằng cách thu hẹp tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản. Cho nên, mặc dù tái sử dụng mô hình bu gà, tái sử dụng cơ chế “tự do sơ khai”, ĐCS đã tái sử dụng phiên bản kém nhất của các Hoàng đế, phiên bản nô lệ. Để duy trì chế độ tự do cho riêng mình, ĐCS đã phải sử dụng một lực lượng lớn nhân viên an ninh, cảnh sát, quân đội, các hội đoàn thân đảng….
Trong khi đó, ở các nước dân chủ tiến bộ, tự do đang được phổ cập cho mọi thành viên. Nếu muốn làm chính trị, ai cũng có thể tự do phấn đấu để trở thành Tổng Thống, thậm chí là người da mầu như Obama. Nếu muốn làm giầu, ai cũng có tự do để trở thành người giàu nhất hành tinh như Bill Gate, Steve Jobs… Nếu muốn đi vào vũ trụ, ai cũng có tự do phóng tên lửa như Elon Musk. …. Quyền tự do của một vị tổng thống và một người dân thương thực tế là bằng nhau. Lực lượng bảo vệ tự do là tất cả mọi người dân, thông qua lá phiếu của mình, chứ không phải đơn giản là các lực lượng cầm súng.
Ngược lại, ở TQ chênh lệch tự do ngày càng lớn. Sự chênh lệch ấy, trong điều kiện tức thời, là đòn bẩy độc tài làm cho kinh tế TQ giàu lên. Nhưng khi đã giàu lên, thì Hoàng đế Trung Hoa hiện đại Tập Cận Bình lại muốn áp dụng mô hình ấy ra toàn thế giới bằng “ước mơ Trung Hoa”, bằng sáng kiến “một vành đai, một con đường”. Nhưng thưa ông Tập Cận Bình, không thể áp dụng mô hình tự do thấp cho một thế giới tự do cao. Chính vì vậy, theo cụ Trần Đình Hiến, kinh tế Trung Quốc nhất định sụp đổ. Nó sẽ sụp đổ không phải vì Tổng Thống Mỹ Donald Trump, mà vì chính ý chí muốn áp đặt tự do thấp cho một hệ tự do cao. Cuộc chiến thương mại mà Mỹ đang tiến hành chỉ là phản ứng của hệ tự do cao đối với ý đồ của Trung Quốc.
NGUYỄN THẾ HÙNG

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

BÍ THẾ, TẬP NHỜ CẬY TỚI LÃO GIÀ GẦN XUỐNG LỖ KISSINGER LO CHUYỆN ĐẠI SỰ



Henry Kissinger năm nay 95 tuổi, thời còn làm cố vấn an ninh Nhà Trắng và sau đó là ngoại trưởng Mỹ, là người đi đêm với Trung quốc để kết nối mối giao hảo Mỹ - Trung. Vào năm 1971, Kis đã bí mật bay qua Trung quốc gặp Chu Ân Lai để mở đầu mối quan hệ ma quỷ này, cùng thỏa thuận để giao VNCH và Taiwan cho Trung quốc , nuốt cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và đến năm 1979 lại tiếp tục thỏa thuận để Đặng Tiểu Bình xua quân qua đánh Việt Nam, giết hại hàng vạn người dân Việt Nam ở biên giới Việt Trung. Mối thù này với tên Kis không bao giờ phai mờ trong lòng nhân dân Việt Nam. 
Thậm chí còn muốn giao cả quần đảo Điếu Ngư của Nhật cho TC
Trải qua mấy mươi năm, Kis biến thành 1 lão già lọm khọm và tâm địa lão cũng đen đúa hơn theo tuổi tác. Từ khi ông Trump khởi động chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, lão già Kis đã nhiều lần phát biểu lung tung bảo rằng Mỹ không nên gây chiến với Trung quốc sẽ thiệt hại thế này thế khác, nhưng người Mỹ chẳng ai thèm nghe lão.
Mới đây, Trung quốc mời Kis qua tận Bắc Kinh và đón tiếp trọng thị. Đích thân Tập gặp Kis và Kis tuyên bố vung vít cả lên.
Nhưng Tập và Kis đều ngớ ngẩn, vì tiếng nói của Kis trong chính trường Mỹ đâu còn như mấy chục năm xưa! Kis bây giờ chỉ là một lão già khọm, chỉ có tâm địa xấu xa của lão là còn sung như xưa đen như xưa mà thôi. Kis làm sao có thể mai mối Trump với Tập?
Điều thú vị chuyện này thể hiện rằng, Tập đã quá bí thế đến nỗi phải nhờ một lão già gần xuống lỗ như Kis lo chuyện đại sự.
Ôi khôi hài làm sao!
FB Trần Đình Thu

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2018

Nguyen Dat An: Nguyên nhân cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm.


Hầu hết những người Việt Nam ở tại miền Nam trước năm 1975 đều nhớ đến vụ ám sát hèn hạ và thảm khốc hai anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm - Cố vấn Ngô Đình Nhu của nền Đệ nhất Cộng hòa, lúc 10g sáng ngày 2/11/1963 tại góc ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thượng Hiền, trước là đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn.
Lịch sử hiện đại sẽ ghi nhận lại một sự thật như thế này: Sau các triều đại phong kiến dài đằng đẳng, vị Tổng thống đầu tiên của một nền Cộng hòa Dân chủ đã bị chính các tướng tá người Việt Nam của mình giết chết.
Tôi sẽ không viết dài dòng để mô tả những diễn biến và âm mưu kế hoạch, vì đã có khá nhiều nhân chứng, thông tin và sử liệu được công bố từ cả phía Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa. Có hai bài viết khá chi tiết về sự kiện này, được đăng trên trang nhà của:
Bác Michael Le:
Anh Đặng Vũ Nam Phong:
Anh chị em cũng nên đọc cả cuộc phỏng vấn của phóng viên Mặc Lâm với ông Bùi Kiến Thành - một nhân chứng lịch sử bên cạnh Tổng thống Ngô Đình Diệm - trên đài RFA.
Nếu đọc kỹ và phân tích thấu đáo, chúng ta sẽ nhận ra các sự thật sau đây:
1. Chính người Mỹ và CIA đã dùng thủ thuật gián điệp và đánh lận con đen để hạ lệnh giết chết hai ông Diệm - Nhu.
2. Lý do thứ nhất của lệnh ám sát: vị Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa không cho phép Hoa Kỳ nhúng tay quá sâu vào việc của nước Việt Nam, không cho quân Mỹ vào lãnh thổ Việt Nam, và hoàn toàn mong muốn người Việt tự quyết định đường đi và chính sách của mình.
3. Lý do thứ hai của lệnh ám sát: hai ông Diệm - Nhu đã cố gắng liên lạc với Cộng sản Bắc Việt để hai miền Nam Bắc có thể cùng ngồi lại thương thảo, tránh được cảnh nội chiến đẫm máu và sự nhúng tay của hai cường quốc Mỹ - Trung. Thậm chí đứng sau cuộc "đi đêm" này còn có sự hỗ trợ của Tướng Charles De Gaulle (Pháp).
Vào khoảnh khắc CIA ra lệnh giết chết Tổng thống Ngô Đình Diệm - một con người sáng suốt và chân thành với lợi ích của chính dân tộc Việt Nam, họ cũng châm ngòi cho cuộc chiến Việt Nam tiến thêm nhiều bước tàn khốc hơn nữa, đẩy miền Bắc vào thế không thể lùi, cố sống cố chết đánh nhau với miền Nam, và khiến lính Mỹ sa lầy ở chiến trường khốc liệt nhất Đông Dương. Tính sắt máu của cuộc chiến đã khiến các bên mù quáng và sẵn sàng làm mọi cách để đạt được mục tiêu. Nếu hai ông Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu bị giết, thì phía bên kia chiến tuyến, số phận của những người cùng thời như Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp cũng chẳng hơn gì. Họ bị phe chủ chiến Lê Duẩn cô lập, giám sát và loại khỏi ảnh hưởng quyền lực. Thậm chí hình tượng của ông Hồ Chí Minh còn bị lạm dụng để Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng như một công cụ mỵ dân cho đến ngày hôm nay.
Vụ ám sát ông Diệm - Nhu dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác ngay cả trên bản thân chính trường nước Mỹ. Phe chủ chiến quyết tâm làm tất cả để đẩy cuộc chiến Việt Nam đi thêm nhiều bước kế tiếp. Người Mỹ đã ám sát ngay cả Tổng thống Kennedy của mình chỉ 21 ngày sau khi ông Diệm - Nhu nằm xuống. Họ lại còn cố gắng dò xét trong nội bộ lẫn nhau, để rồi cuối cùng xảy ra vụ Watergate, khiến Richard Nixon phải từ chức và cùng lúc ấy, đóng sầm cánh cửa viện trợ của Quốc hội Hoa Kỳ với Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó, chính nước Mỹ đã phải bán cái gánh nặng Việt Nam Cộng Hòa cho Bắc Kinh, đánh đổi lợi ích Đông Âu và Israel với Việt Nam bằng một cuộc đi đêm giữa Henry Kissinger và Chu Ân Lai. Và cho đến ngày hôm nay, cuộc buôn bán này dẫn đến một Trung Hoa hùng mạnh về mặt kinh tế, khiến Donald Trump phải gây chiến tranh thương mại, và Mike Pence phải tuyên bố: "Trung Quốc là đối thủ chiến lược của Hoa Kỳ". Chẳng ai biết kết thúc của cuộc chiến này là gì, nhưng thông thường, khi hai kẻ thù cạnh tranh nhau về miếng ăn, thì cũng dễ gây ra việc "hạ cẳng tay, thượng cẳng chân". Nếu hai kẻ này còn sử dụng thêm vũ khí hạt nhân nữa, thì biết đâu số phận của Mỹ lẫn Trung Quốc cũng sẽ kết thúc như cái chết của ông Ngô Đình Diệm.
Ông Bùi Kiến Thành trong cuộc phỏng vấn với RFA có nói thế này: "Khi chính phủ Ngô Đình Diệm thấy cái nguy cơ lính Mỹ đổ bộ lên Việt Nam rồi mà không rút ra được thì chiến tranh sẽ tràn lan, mà chiến tranh khi đã tràn lan rồi thì dù cho quân đội Mỹ có đánh thẳng tới Hà Nội đi nữa thì chúng ta vẫn thua như thường tại vì quân đội Trung Quốc nó sẽ vào vì nó không để cho mình tiến qua biên giới của nó. Vì vậy Miền Bắc sẽ chiến đấu đến cùng để không cho quân của Trung Quốc qua chiếm đóng Việt Nam." Điều dự đoán này được chứng thực bằng một hiện thực lịch sử khác tương tự, trong cuộc chiến tranh đẫm máu ở Triều Tiên từ năm 1950 - 1953, khi miền Bắc dưới sự chống lưng của Liên Xô (cũ) và Trung Quốc đánh vào miền Nam, rồi quân Mỹ và đồng minh đánh bật miền Bắc trở lại, vượt qua vĩ tuyến 38, để rồi cuối cùng Trung Quốc chính thức nhảy vào tham chiến, đẩy miền Nam và Mỹ trở lại sau vĩ tuyến 38. Chỉ trong 3 năm, cuộc chiến đã giết chết 5 triệu người Triều Tiên, cả Nam lẫn Bắc, tỷ lệ thương vong của thường dân cao hơn cả Đệ nhị Thế chiến. Đã có lúc người Mỹ tính triển khai cả vũ khí hạt nhân trên bán đảo này, bất chấp sự đe dọa của khối Cộng sản.
Ngày hôm nay, 2/11/2018, sau đúng 55 năm nhìn lại lịch sử và bạch hóa cứ liệu lịch sử của vụ ám sát ông Ngô Đình Diệm, tôi thiết nghĩ người Việt Nam nên cay đắng và hối hận khi nhìn thấy cuộc bắt tay và ôm choàng thân thiết giữa Chủ tịch Đảng Cộng sản Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in. Trong suốt lịch sử nội chiến của người Triều Tiên, họ đã cố gắng hết sức để hỗ trợ nhau, không cho ngoại bang lấn lướt quyền hành và quyết định số phận của họ. Lúc thì miền Nam cứu trợ miền Bắc, lúc thì miền Bắc dùng chiến lược vũ khí hạt nhân để cân từng khoảnh khắc tự lập với Trung Quốc và cả răn đe Hoa Kỳ chớ có nhúng tay quá sâu vào hiện trạng chính trị của người Triều Tiên - Hàn Quốc. Khi căng thẳng lên đến đỉnh điểm, thì chính Tổng thống Nam Hàn đã nỗ lực sắp xếp một cuộc hội kiến lịch sử, tự bước chân qua ranh giới phân chia ý thức hệ để gặp gỡ, kết nối và hàn gắn. Chính Tổng thống Moon Jae-in là người nối lại cuộc gặp lịch sử giữa Donald Trump và Kim Jong-un tại Singapore.
Tôi cho rằng, cả hai miền Triều Tiên đã có một trò chơi khá thú vị - và họ đã thành công một phần trong việc giữ cho mình độc lập khỏi ảnh hưởng của đế quốc. Dĩ nhiên, để làm được chuyện đó, họ cũng phải nếm mùi cay đắng, học những bài học từ máu và nước mắt, và quyết định sử dụng vũ khí nguyên tử để cầm chân và răn đe ý muốn của kẻ ngoại bang.
Ông Diệm và ông Nhu đã có cái nhìn về tương lai rất chính xác và hai ông đã bị giết vì chuyện đó. Trong ngày Tổng thống Ngô Đình Diệm nằm xuống, tôi mong tất cả người Việt - ở cả hai phía, đặc biệt là người Mỹ gốc Việt - hãy mở to đôi mắt để nhận ra lý do thật của cuộc chiến Việt Nam, và nhìn về phía trước không phải chỉ trong 1,2 năm, mà 20 năm, 30 năm và 50 năm kế tiếp.
Thực ra, lý do dẫn đến cuộc chiến ở Việt Nam nằm ở gốc rễ của sự mâu thuẫn ý thức hệ giữa chủ nghĩa tư bản và cộng sản - là mâu thuẫn của hàng trăm năm về trước, khi chủ nghĩa thực dân - tư sản bóc lột người dân trong nước và thuộc địa, khiến các giai cấp thấp hèn trong xã hội phải vùng lên bằng một lý thuyết cực đoan của cộng sản. Chẳng có khói, làm sao tự nhiên có lửa.
Tương lai 20 năm, 30 năm, 50 năm sắp tới đối với Việt Nam là rất đen tối. Cho dù Mỹ có thành công trong cuộc chiến với Trung Quốc, bằng thương mại hay bằng biện pháp gì đi nữa, thì sự thay đổi phải được trả giá bằng rất nhiều máu và nước mắt. Nhưng trước khi người Việt Nam được giải thoát khỏi ách Cộng sản bằng phương pháp chiến tranh (thương mại/vũ khí), thì đất nước này đã bị tàn phá rất nhiều về mặt kinh tế, giáo dục, môi trường và ý thức hệ. Chỉ trong 20 năm sắp tới, với chính sách đóng cửa biên giới quốc gia, áp thuế lên mọi mặt hàng gây thâm hụt thương mại, đe dọa và gây chiến với đối thủ, rút khỏi mọi thỏa thuận cắt giảm khí thải CO2, thì người Mỹ cùng với Trung Quốc - trước là cộng sự (partner), nay là kẻ thù - đã phá hoại bầu khí quyển thành công, gây ra thảm họa biến đổi khí hậu. Và Việt Nam còn lại những gì, sau khi nước biển dâng do băng tan sẽ nhấn chìm hai vùng đồng bằng Sông Cửu Long và Sông Hồng, các cơn siêu bão thổi bay nhiều hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông, nền nhiệt tăng sẽ đốt cháy nhiều cánh rừng, và ít nhất 2/3 dân số sẽ tiếp tục bỏ nước ra đi vì một lẽ đơn giản: không thể sống được với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Chúng ta được gì với một đất nước đã bị tàn phá như thế?
Với đòn đánh của khí hậu và môi trường thiên nhiên, các cường quốc trên thế giới,đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc, đang hiện nguyên hình là những kẻ ích kỷ, chỉ sống vì mối lợi của mình, và sẵn sàng chi phối thế giới để phục vụ cho tính toán của mình. Thực ra, bản chất cốt lõi của hoạt động chính quyền và cấu trúc kinh tế bên trong các cường quốc này chính là lợi ích tư bản đa quốc gia. Thế kỷ 20 đã chứng kiến một phần lớn nhân loại bị bóc lột vì lợi ích này khi mô thức sản xuất tư sản được đưa ra khỏi biên giới các quốc gia, và loài người đã phải trả giá cho hành vi tham lam của mình bằng một ý thức hệ cộng sản cực đoan và phi nhân, gây diệt chủng và tàn sát hàng chục triệu người. Thế kỷ 21 sẽ tiếp tục chứng kiến sự bóc lột chuyển hướng về mặt môi trường thiên nhiên ở cấp hành tinh, và loài người sẽ phải trả giá đắt khi hệ sinh thái bị sụp đổ, kích hoạt cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 và đe dọa xóa sổ cả con người. Loài người sẽ thoái hóa thành những phiên bản biến dị kỳ quái và bất bình thường, tự giam mình trong các cỗ máy (vì không thể sống được ở bên ngoài môi trường khắc nghiệt), tự gắn kết mình thành một phần của cỗ máy (người máy sinh học), hoặc sống lưu vong ngoài vũ trụ để tìm kiếm một hành tinh khác có các điều kiện hỗ trợ cho sự sống.
Giờ đây, thật nực cười khi có những người Việt vui mừng, sung sướng, biết ơn, ủng hộ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại đánh Tập Cận Bình. Việc quái gì phải làm thế, khi mà chỉ trong vòng 3 thập kỷ, người Mỹ đã biến Trung Quốc thành "công xưởng của thế giới", bơm thêm dòng máu tư bản cho gã Cộng sản độc tài, toàn cầu hóa các thương hiệu của Mỹ nhờ những dây chuyền sản xuất của Bắc Kinh, cung cấp sức mạnh công nghệ để hỗ trợ người Hoa Đại Lục hoàn thành nhiệm vụ "làm thuê" của mình. Nay thì thằng thợ trở mặt vì nó thấy giá trị kinh tế quá lớn của mọi sản phẩm, thương vụ và quan hệ thương mại, và nó muốn "hất cẳng" ông chủ đã thuê mướn nó. Đấy là lẽ đương nhiên ở đời trong việc làm ăn. Và người Mỹ đã tạo ra một Trung Quốc như thế - giống mình y hệt về mặt động lực kinh tế tư bản - thì lẽ đương nhiên là họ phải giải quyết để tránh "bị hất đổ chén cơm". Vậy thì có gì mà phải vui mừng với biết ơn? Bản tính của người Việt là như thế, vẫn muốn dựa dẫm, vẫn muốn lợi dụng, vẫn muốn làm "trò vặt", dù đã đi khỏi quê hương của họ, và được tá túc ở một cường quốc có nền "dân chủ" và "giáo dục" thuộc hạng tốt nhất thế giới.
Một lần nữa, ngày hôm nay, trong cuộc tưởng niệm cái chết của vị Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa ở mảnh đất hình chữ S này, tôi muốn nhấn mạnh sự sáng suốt, thông thái, sâu sắc trong tầm nhìn của ông và người bào đệ. Tôi cũng muốn nhấn mạnh chủ thuyết và chính sách NHÂN VỊ của ông, tìm kiếm và khôi phục những giá trị cổ truyền làm nền tảng cho giải pháp canh tân quốc gia trong khi những người khác lại đi tìm những học thuyết ngoại lai và cổ súy cho ý chí xâm lược của ngoại bang. Ông Diệm ao ước thực hiện một nhà nước được xây dựng trên những giá trị cổ truyền tốt đẹp nhất của Á Châu và Tây Phương, những đặc điểm đúng đắn và khả thi nhất để phục vụ quyền lợi chung và tôn trọng nhân phẩm. Ông Diệm cho rằng Xã Hội Chủ Nghĩa và Tư Bản Chủ Nghĩa đều là những học thuyết cực đoan cần có một hình thức trung gian, một lực lượng đứng giữa, nhằm tổng hợp được những giá trị ưu tú nhất của cả hai để phục vụ cho lợi ích chung: công bằng với người nầy là tự do của kẻ khác, cũng như loại bỏ độc tài toàn chế và tinh thần vô trách nhiệm của Chủ Nghĩa Cá Nhân.
Trong buổi lễ nhậm chức Thủ Tướng vào tháng 7 năm 1954, với lời lẽ tràn đầy hy vọng ông Ngô Đình Diệm đã long trọng xác nhận và trấn an dân chúng: “Dân tộc Việt Nam đã bị lạm dụng từ lâu, nay đang tìm lối đi, một đường lối chắc chắn dẫn họ đạt tới những lý tưởng nồng nhiệt khát khao từ lâu. Tôi cương quyết vạch đường lối ấy cho dân tộc, bất chấp mọi chông gai gian khổ.”
Mong mọi người Việt Nam - nhất là những người có ảnh hưởng ở trong và ngoài nước - mở to đôi mắt của mình ra để nhìn thấy sự lạm dụng này, và cũng có thể chấp nhận dự báo về số phận của đất nước dân tộc này trong chỉ 20 năm kế tiếp, qua lời cảnh báo và các thông số về biến đổi khí hậu của 97% giới chuyên gia khoa học trên toàn thế giới và nhiều cơ quan khoa học uy tín như NOAA, NASA, IPCC...
Chỉ bằng cách đó, người Việt Nam mới thoát khỏi ý thức hệ của mình và được tự do hoàn toàn, như ông Ngô Đình Diệm đã ước mơ.
Tôi sử dụng tấm ảnh cuộc gặp gỡ giữa hai người - Tổng thống nền Đệ Nhất Cộng Hòa Ngô Đình Diệm và Henry Cabot Lodge, đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam - để mô tả một sự thật: Dù có tầm vóc thấp hơn, ông Diệm đã không hề ngước lên để nhìn vị đại sứ này, và viên đại sứ cao lớn bắt buộc phải nhìn xuống khi chào hỏi và nói chuyện với ông. Đó là tư thế khiến cộng sự và đối thủ phải tôn trọng và kiêng nể. Sau này, có lẽ Henry Cabot Lodge ra lệnh giết ông Diệm cũng vì lý do đó. Như thói quen lịch sử, người Mỹ không thích kẻ khác đứng bên trên họ - dù là về mặt tinh thần.

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018

2 cách giúp bạn ngủ say trong vòng 120s bất kể ngày đêm, #1 là của quân đội Mỹ chỉ dạy


Bởi  nguyenve 
Khó ngủ, mất ngủ làm bạn mệt mỏi, uể oải? Làm thế nào để đặt lưng xuống mà ngủ được ngay là vấn đề vô cùng nan giải. Tuy nhiên, đừng lo, hai phương pháp dưới đây sẽ giúp bạn đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. 
Giấc ngủ là điều vô cùng quan trọng đối với tất cả chúng ta. Nhưng trong cái thế giới sống nhanh, gấp với quá nhiều yếu tố gây xao nhãng, việc có thể đi ngủ đúng giờ thực sự không đơn giản. Lắm khi chúng ta cứ nằm thao thức mãi chẳng thể ngủ, dù đã leo lên giường đắp chăn từ trước đó vài giờ đồng hồ rồi.
Khi ngủ không đủ giấc mà vẫn phải dậy đúng giờ, hệ quả gây ra là bạn sẽ bị thiếu ngủ. Khoa học đã chứng minh khi con người thiếu ngủ, não bộ sẽ không thể làm việc hiệu quả, năng suất lao động giảm đi, chất lượng công việc đi xuống. Hơn thế nữa, thiếu ngủ kéo dài có thể gây ra bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư,…
Tóm lại, việc ngủ sao cho đúng giờ và nhanh chóng là điều cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là chúng ta phải làm thế nào?
Bí kíp ngủ của quân đội Mỹ
Gần đây, rất nhiều người đang chia sẻ một bí kíp được cho là của quân đội Mỹ, về cách để binh lính chìm vào giấc ngủ chỉ trong vòng 120s, dù đang ở bất kỳ đâu.
Đây là bí kíp có thật. Nó được nêu ra trong cuốn sách “Relax and Win: Championship Performance”, do tác giả Sharon Ackman xuất bản vào năm 1981. Trong đó, Ackman có đưa ra rất nhiều lời khuyên về cách nghỉ ngơi, cách nhanh chóng đi vào giấc ngủ… vốn đã được quân đội Mỹ thực hiện từ rất lâu.
“Trường huấn luyện dự bị phi công của Hải quân Mỹ đã phát triển thành công phương pháp cho phép bạn ngủ được trong vòng dưới 2 phút, bất kể ngày đêm và hoàn cảnh,” – trích trong sách của Ackman.
“Sau 6 tuần luyện tập, 96% phi công tham gia có thể ngủ trong vòng 2 phút. Kể cả khi họ mới uống cafe, hoặc có tiếng súng máy đang nổ ầm ầm bên cạnh.”
Theo Ackman, mấu chốt của phương pháp này thì cực kỳ quen thuộc, đó là phải làm sao để “đầu óc trống rỗng”.
Yên tâm, một phương pháp được hải quân Mỹ áp dụng không phải chỉ có lý thuyết suông.
Để đầu óc trống rỗng, trong 10s đầu tiên hãy thực hiện các bước sau theo trình tự.
Nhắm mắt, thả lỏng, thư giãn cơ mặt.
Thả lỏng, thư giãn cơ vai và cánh tay.
Thở vào, thở ra, và thả lỏng cơ ngực.
Thả lỏng đôi chân.
Trong 10s tiếp theo, bạn bắt đầu tìm cách thả lỏng tâm trí. Hãy tưởng tượng mình đang ở một căn phòng tối đen như mực, thư giãn trên một chiếc sofa êm ái. Nếu thấy khó khăn, hãy lẩm nhẩm liên tục trong đầu 2 chữ khẩu quyết: “không nghĩ”, lặp đi lặp lại.
Toàn bộ quá trình này được thực hiện trong vòng 90 – 120s, và nếu bạn thực hiện đúng thì khả năng ngủ được là rất cao. Theo Ackman, phương pháp này được các binh lính sử dụng, và nó cực kỳ hữu hiệu trong các tình huống căng thẳng trên chiến trường – nơi mọi thời khắc nghỉ ngơi đều là đáng quý.
Phương pháp 4 – 7 – 8 giúp bạn ngủ trong 60s
Tiến sĩ Andrew Weil – một chuyên gia về giấc ngủ người Mỹ đã sáng tạo ra một phương pháp có thể giúp bạn ngủ cực nhanh, chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút.
Ông gọi nó là phương pháp 4-7-8. Cụ thể, phương pháp này gồm 5 bước sau:
Thở ra, hoặc thổi hơi ra hoàn toàn bằng miệng. Lưu ý: phải thở mạnh, tạo thành tiếng. Đầu lưỡi đặt đằng sau răng hàm trên.
Đóng miệng, hít nhẹ nhàng bằng miệng, đếm thầm trong đầu đến 4.
Nín thở, đếm đến 7.
Lại thở mạnh ra thành tiếng, đếm đến 8.
Đóng miệng, hít nhẹ nhàng, lặp lại toàn bộ quá trình thêm 3 lần nữa.
Theo tiến sĩ Weil, nếu như thực hiện đúng theo quy trình trên, một người mắc bệnh mất ngủ kinh niên cũng có thể an giấc rất nhanh chóng. Và bí kíp ở đây đơn giản chỉ nằm ở cách chúng ta hít thở mà thôi. Nó được đúc rút từ một bài tập thở cổ xưa của Ấn Độ tên pranayama, hiện vẫn được áp dụng trong yoga ngày nay.
Theo PNGĐ