Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

TƯƠNG LAI ẢM ĐẠM CỦA NƯỚC NGA

 TƯƠNG LAI ẢM ĐẠM CỦA NƯỚC NGA

1. NGA ĐỨNG TRƯỚC NGUY CƠ TAN RÃ THÀNH NHIỀU MẢNH:

Theo báo Italia, tạp chí Limes (Facebook Quan Nguyen Thanh):

“Ý tưởng rằng Nga sẽ tan rã và bị “phi thực dân hóa” đang dấy lên ở Ukraine, Ba Lan và trong nhiều giới ở Mỹ. Hành động gây hấn khiêu khích và đồng bóng kiểu “neoconservative - tân bảo thủ” của Nga, tội ác và tác động dây chuyền của nó tất yếu dẫn đến sự hủy diệt chính nước Nga? Mặt khác, quyền tự chủ hợp pháp chính đáng và lịch sử của các dân tộc trên đất Nga sẽ có thể dẫn đến họ thực hiện quyền tự quyết?

Bản đồ vẽ nước Nga sau tan rã (xem ảnh kèm) được vẽ bởi một nhóm như vậy minh họa một cách rõ ràng khả năng ly khai và tan rã nước Nga thành nhiều nước nhỏ. Đây là chủ đề của cuốn sách bán chạy nhất mà cố vấn của V.Zelensky đặt trên bàn của ông, và theo ông là một tương lai không thể tránh khỏi cho nước Nga.

Vấn đề này phản ảnh một quan điểm khá phổ biến ở Phương Tây khi nhìn về chân trời của lịch sử. 

Đối với rất nhiều người Ukraine, Ba Lan, các nước vùng Biển Baltic, đây là một kết quả tất yếu của lịch sử.

Đối với nhiều người Tây Âu, đây chỉ là tư tưởng của chủ nghĩa phiêu lưu mê sảng và trong mắt một số người là một khao khát của Đế chế Mỹ”.

Darius Rochebin

Bài báo từ tạp chí Limes:

https://www.limesonline.com/.../spezzatini-di-russia-in...

2.BẮC KINH TRANH THỦ NHÒM NGÓ VIỄN ĐÔNG:

Theo Dialog.ua: 

      Bắc Kinh đã để mắt đến lãnh thổ Liên bang Nga bằng cách phát hành bản đồ có tên tiếng Trung là Khabarovsk và Vladivostok. 

Theo những bản đồ này, tên địa danh tiếng Trung đang được sử dụng quay trở lại đối với một số thành phố và địa phương ở Nga. Trong bối cảnh cuộc chiến của Nga ở Ukraine, ngày càng nhiều ý kiến của các chuyên gia và nhà phân tích tin rằng Nga, với tư cách là một quốc gia, sẽ không giữ nguyên hình dạng hiện tại mà sẽ tan rã thành nhiều hình trạng thái mới. Có vẻ như Trung Quốc đang xem xét các kịch bản như vậy một cách nghiêm túc và đang tích cực chuẩn bị cho thực tế mới có thể xảy ra trong tương lai gần. 

Truyền thông Trung Quốc công bố một bản đồ do Bộ Tài nguyên Trung Quốc soạn thảo, trong đó tên Trung Quốc được gắn trở lại cho 8 thành phố và địa phương ở Nga. Đó là các vùng lãnh thổ bị Đế quốc Nga chiếm giữ vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Vì vậy, Vladivostok được gọi là Haishenvai, Khabarovsk là Boli, Đảo Sakhalin là Kuedao và Soslovny Ridge là Outer Xingan Ridge. 

Truyền thông Trung Quốc nhắc lại rằng, do kết quả của các hiệp ước Aigun và Bắc Kinh, được ký lần lượt vào năm 1858 và 1860,  biên giới Trung-Nga đã được thay đổi theo hướng có lợi cho Nga dọc theo sông Amur và sông Ussuri. Kết quả là Trung Quốc đã mất khu vực ngày nay được gọi là Ngoại Mãn Châu, với diện tích hơn 1 triệu km2, cũng như quyền tiếp cận Biển Nhật Bản. Nhớ lại rằng gần đây Trung Quốc đã công bố "kế hoạch hòa bình" nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, bao gồm 12 điểm, một mặt kêu gọi tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, mặt khác nói về sự cần thiết của một đình chiến ngay lập tức, nghĩa là không có sự rút quân của quân đội Nga khỏi lãnh thổ Ukraine. Cựu Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin gọi sáng kiến của Trung Quốc là "văn bản thận trọng ẩn chứa nhiều cạm bẫy" và cho rằng đây là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm trở thành một bên tham gia nghiêm túc trong "cuộc chơi" toàn cầu nói chung và với Nga nói riêng.

3. NGA DỌA CẢ THẾ GIỚI?

Cũng theo Dialog.ua:

Trước việc nhiều kênh truyền thông bàn về việc nước Nga sẽ tan rã sau cuộc chiến, Medvedev đã đe dọa hủy diệt cả thế giới nếu Nga trở nên tan rã, không tồn tại nữa.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, Dmytro Medvedev, đe dọa rằng: nếu vấn đề sự tồn tại của Nga xuất hiện, thì chính sự tồn tại của nền văn minh nhân loại sẽ bị xem xét.

Theo ông ta, nếu Nga không tồn tại thì không những Ukraina mà cả thế giới sẽ phải biến mất. Nga sẽ không cần một thế giới mà không có Nga.

Việc ông Medvedev luôn tung ra những tuyên bố hủy diệt loài người chắc chắn không phải mang tính cá nhân.

Cả thế giới biết Nga có kho vũ khí hủy diệt khổng lồ, nhưng nếu Putin đưa ra tuyên bố như Medvedev sẽ bị các đồng minh phản đối. Khi đó Putin sẽ khó kêu gọi sự ủng hộ từ những nước này. Mặt khác nếu Putin tuyên bố như vậy nhưng không sử dụng vũ khí hạt nhân, sẽ là một trò cười và ông ta sẽ bị mất mặt trước cử tri Nga. Vì vậy ông ta chỉ tuyên bố trong một mức độ cho phép để thế giới biết rằng nước Nga luôn tồn tại, và sẽ sử dụng vũ khí hủy diệt nếu "chúng tôi bị dồn đến chân tường".

Để tống tiền thế giới, các quan chức "râu ria", trong đó có Medvedev sẽ đóng vai bổ sung cho tuyên bố của Putin. Có nghĩa là, Putin sẽ không cần tuyên bố nhiều mà chỉ cần nói bóng gió, còn nói cụ thể đã có đàn em hót lên.

Ông Medvedev liên tục đe dọa loài người còn có lý do có thể ông ta muốn kế vị Putin. Vì Putin cần một lãnh đạo dám chơi sát ván để bảo vệ những thành quả mà ông ta đã dày công xây dựng trong suốt hơn 20 năm. Medvedev muốn lấy lòng Putin và cử tri Nga bằng sự cứng rắn đến khát máu.

Nhưng cả Putin, cả Medvedev, cả các quan chức Nga và cả người Nga đều không thấy rằng: Liên xô từng mạnh hơn Nga, hùng cường hơn Nga mà thế giới vẫn tồn tại, phát triển mà không cần Liên xô. (Facbook Duong Chuyen).

BÙ NHÌN MEDVEDEV LẠI LÊN GIỌNG ĐE DỌA NGA SẼ SỬ DỤNG HẠT NHÂN THẢM KHỐC:

Bù nhìn của Putin cảnh báo về 'ngày tận thế' với tác động của việc Nga gây ra thảm họa hạt nhân toàn cầu kéo dài hàng thế kỷ 'cho đến khi đống đổ nát ngừng phát xạ' nếu phương Tây tiếp tục gửi vũ khí đến Ukraine !

Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo về 'ngày tận thế' nếu phương Tây tiếp tục gửi vũ khí tới Ukraine để giúp nước này chống lại các lực lượng Nga xâm lược.

Bù nhìn Dmitry Medvedev cho biết tác động của thảm họa hạt nhân toàn cầu tiềm ẩn sẽ kéo dài hàng thập kỷ 'cho đến khi đống đổ nát ngừng phát ra bức xạ' - nhắc lại lời đe dọa chiến tranh hạt nhân trước đây của ông với các đồng minh của Kyiv.

Luận điệu về ngày tận thế của Medvedev được coi là một nỗ lực nhằm ngăn chặn liên minh quân sự NATO và các đồng minh phương Tây của Kiev tham gia nhiều hơn vào cuộc chiến kéo dài một năm đã khiến Moscow gặp nhiều thất bại trên chiến trường.

Những bình luận mới nhất của ông được đưa ra sau cảnh báo hạt nhân của Putin vào tuần trước và bài phát biểu hôm Chủ nhật của ông, trong đó ông coi cuộc đối đầu của Moscow với phương Tây là một trận chiến sống còn vì sự sống còn của nước Nga và người dân Nga.

Kiev và các đồng minh NATO của họ nói rằng cuộc xâm lược là một cuộc chiếm đất của chủ nghĩa đế quốc và kẻ gây hấn duy nhất trong cuộc xung đột là Nga, nước đã nhiều lần phủ nhận rằng họ đang lên kế hoạch hành động quân sự trong những tháng và tuần trước ngày 24 tháng 2 năm 2022.

"Tất nhiên, việc bơm vũ khí vào có thể tiếp tục... và ngăn chặn bất kỳ khả năng nối lại đàm phán nào", Medvedev, người giữ chức phó chủ tịch hội đồng an ninh đầy quyền lực của Putin, cho biết trong bài phát biểu đăng trên nhật báo Izvestia.

“Kẻ thù của chúng ta đang làm điều đó, không muốn hiểu rằng mục tiêu của họ chắc chắn sẽ dẫn đến một thất bại hoàn toàn. Mất mát cho tất cả mọi người. Một sự sụp đổ. Một cuộc Tận thế. Nơi bạn quên đi cuộc sống trước đây của mình hàng thế kỷ, cho đến khi đống đổ nát ngừng phát ra bức

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

Sưu tầm: CHUYỆN MẮT THẤY TAI NGHE

 CHUYỆN MẮT THẤY TAI NGHE

Xưa nay, nói đến cụm từ "chuyện mắt thấy tai nghe", ta thường chắc chắn đó là sự thật, không thể nghi ngờ.

Chuyện tai nghe thì  có thể nghi ngờ, nhưng có những chuyện cả mắt thấy nữa cũng chưa chắc đúng.

Vài chuyện sau làm thí dụ:

1. Chuyện thứ nhất:

 Trên mạng đang lưu truyền một câu chuyện, có thể không có thật, chỉ là để răn đời, nhưng đáng để ta suy nghĩ.

Chuyện là, có bà nội trông cháu ở nhà. Thấy cháu hút hộp sữa không hết, bà lắc thấy còn, bà tiếc mới đưa lên miệng hút tiếp cho cạn. Đúng lúc ấy con trai trở về thấy, nghĩ là bà nội uống vụng sữa của cháu. 

Anh ta đay nghiến: "Thì ra bấy lâu nay mua sữa tưởng đâu cháu uống, hóa ra toàn bà nội uống tranh. Tôi nuôi bà đã khó rồi, nay phải mua cả sữa cho bà uống, hỏi tiền đâu ra..."

Bà hết lời thanh minh với con nhưng anh ta không nghe, bảo "tôi đã thấy tận mắt mà bà còn cãi à!". 

Bế cháu đi hàng xóm chơi cũng bị mỉa mai "bà uống tranh sữa của cháu".

Nhục nhã quá, bà bảo con trai: "Chắc mẹ phải nhảy xuống sông mẹ chết thì mới rửa được mối nhục này!"

Tưởng con hồi tâm, nào ngờ anh ta bảo: "Sao bà không đi chết ngay đi, để tôi đưa bà đi!".

Và anh ta chở mẹ đi đến một cây cầu lớn, bảo bà nhảy xuống đây đi. Bà khóc một hồi và bảo con: "Mẹ muốn chết bên cạnh bố con, con về lấy ảnh bố trên bàn thờ đến đây cho mẹ".

Anh con trai quay xe lại, phóng nhanh về nhà.

Bà mẹ chờ ba bốn tiếng đồng hồ không thấy con quay lại, trời sụp tối nên bà tìm cách trở về. 

Về nhà thấy đèn sáng choang trong nhà ngoài sân. Bước vào sân, bà thấy con bà nằm đó, sọ vỡ toác. Thì ra lúc về lấy tấm hình cha, trở lại cầu, do phóng nhanh, anh ta đã lao vào đuôi xe tải đi cùng chiều phía trước, tai nạn làm anh ta vỡ đầu, chết tại chỗ.

(P/S: Chuyện này chủ đề là quả báo, nhưng các bà nội, bà ngoại chăm cháu chú ý nhé, tình ngay lý gian. Có khi con mình nó không nói đâu, nhưng nó nghĩ trong đầu).


2. Chuyện thứ hai:

 Khổng Tử là một nhà tư tưởng lớn của Trung Hoa thời cổ đại.

Một bữa, đang ngồi đọc sách trên nhà, bỗng nghe tiếng động mạnh dưới bếp. Nhìn xuống thấy người học trò cưng của mình hôm nay đến phiên nấu cơm cho tất cả thầy trò, đang lấy đũa cả gạt cơm vào vung nồi, rồi lấy tay nắm cơm lại, đưa lên miệng.

Thầy quay đi như không nhìn thấy gì, nhưng lòng buồn vô cùng, không ngờ người học trò cưng nhất của mình lại có hành động đáng xấu hổ như vậy.

Đến bữa ăn, thầy mới nhẹ nhõm, thì ra không phải thế.

Trước khi ăn, người học trò đó thưa với thầy: "Thưa thầy, hôm nay, đúng lúc con vừa mở vung nồi cơm  ra coi chín chưa thì một cơn gió thổi đến làm bụi bay vào cơm. Con hớt số cơm bị bụi đó ra, định đổ đi nhưng sau thấy tiếc, con đưa vào miệng ăn. Coi như phần cơm hôm nay  con ăn rồi, giờ con chỉ ăn phần rau thôi. Con kính mời thầy và mời các huynh đệ dùng bữa ạ".

Đến đây, Khổng Tử mặt giãn ra, rạng rỡ. Chưa bao giờ thầy ăn một bữa cơm, dù là cơm rau, mà ngon đến thế.


3. Chuyện thứ ba:

 Một chàng nọ phải đi làm ăn xa, để vợ trẻ và mẹ già ở nhà.

Thời gian lâu sau, chàng về nhà vào đêm khuya, nhìn qua cửa sổ vào buồng, thấy vợ mình đang nằm trong mùng với một người đàn ông. 

Chàng tức quá, cầm con dao dưới bếp, đạp cửa xông vào, tốc mùng định lôi cả đôi gian phu dâm phụ ra chém chết. Bỗng chàng khựng lại trước khi lưỡi dao bổ xuống: "người đàn ông" nằm với vợ chàng không phải ai khác mà chính là mẹ chàng.

Mừng quá, chàng hỏi đầu đuôi thì vợ bảo: "Anh đi vắng, nhà chỉ còn em và mẹ. Đêm nào em cũng bảo mẹ mặc quần áo của anh vào ngủ cùng em để kẻ gian cứ tưởng nhà có đàn ông".

Thế nhé các chàng và cả các nàng. Thấy vợ hay chồng mình nằm với người khác phái trên giường, xin chớ nóng vội, có khi "coi dzậy mà không phải dzậy" đâu nha!

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2023

Matthew NChuong: NHÌN KỸ LỊCH SỬ, ĐỂ MỞ MANG TRÍ ÓC

 NHÌN KỸ LỊCH SỬ, ĐỂ MỞ MANG TRÍ ÓC 

* Nhằm bảo đảm nguyên tắc "tính liên tục về chủ quyền", trong hồ sơ hiện nay về chủ quyền VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa có văn kiện của chính thể Quốc gia Việt Nam (State of VN) trong lần tham dự Hội nghị San Francisco 1951.

&1&

1a) Hội nghị San Francisco họp vào đầu tháng 9 năm 1951, để bàn bạc về việc trao trả chủ quyền của một số lãnh thổ, lãnh hải mà trước đây chế độ quân phiệt Nhựt Bổn chiếm hữu - trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hội nghị qui tụ 51 quốc gia - gồm Nhựt Bổn (bên thua cuộc đệ nhị thế chiến) và 50 quốc gia.

Đáng chú ý mấy điểm sau:  

- Thể chế xã hội chủ nghĩa được thiết lập tại Hoa lục vào cuối năm 1949, thế và lực của Bắc Kinh bấy giờ vẫn chưa có sức nặng (mãi đến năm 1972-1973 về sau này, Bắc Kinh mới thay thế vị trí của Đài Bắc tại Liên hiệp quốc). 

Mỹ ủng hộ Trung Hoa dân quốc (Đài Bắc) tham dự Hội nghị San Francisco 1951, nhưng Soviet phản đối mà đòi phải mời Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Bắc Kinh) => rốt cuộc, đều KHÔNG mời Đài Bắc lẫn Bắc Kinh. 

- Cũng rứa, Mỹ ủng hộ Đại Hàn trong khi Soviet ủng hộ Triều Tiên, việc tranh cãi này dẫn đến là KHÔNG mời, cả Hán Thành lẫn Bình Nhưỡng đều KHÔNG được mời dự Hội nghị San Francisco 1951. 

1b) Còn Việt Nam? Bấy giờ (năm 1951) tại VN có chánh phủ VNDCCH (VN Dân chủ cộng hòa) tồn tại nơi các khu căn cứ trong rừng sâu, vùng xa, và chánh phủ của thể chế Quốc gia VN. 

Ở đây, chỉ ghi nhận những dữ kiện đã diễn ra, cái gì có thì nói có (còn về hậu trường chánh trị ra sao, xin không bàn đến):

- Thể chế Quốc gia VN (State of VN) được thành lập ngày 14/6/1949, thủ đô đặt tại Sài Gòn - chiếu theo hiệp định Élysée (8/3/1949): Pháp giải kết Hòa ước bảo hộ ký năm 1884 (Pháp đặt chế độ thuộc địa và bảo hộ), và trao trả độc lập lại cho Việt Nam.

Thế chế QGVN vào đầu năm 1950 có 35 quốc gia công nhận, đặt bang giao. 

Thể chế VNDCCH sau khi công bố thành lập tháng 8-9/1945 kéo dài cho đến đầu năm 1950: không có quốc gia nào công nhận, kể cả Soviet bấy giờ cũng không đặt bang giao. Chỉ đến đầu năm 1950, Bắc Kinh là chế độ đầu tiên công nhận và đặt quan hệ đại sứ với VNDCCH. 

Soviet, sau đó, công nhận VNDCCH nhưng vẫn chưa trao đổi cấp đại sứ với VNDCCH (mãi đến năm 1954, sau Hiệp định Geneve, Soviet mới trao đổi cấp đại sứ).

1c) Mỹ, với tư cách nước chủ nhà của Hội nghị San Francisco 1951, mời phái đoàn Quốc gia VN tham dự. 

Soviet không phản đối (lý do vì sao không phản đối kịch liệt như đối với Trung Hoa dân quốc, Đại Hàn dân quốc, đây không đi vào chi li). Chỉ cần biết dữ kiện là: phái đoàn Quốc gia VN không gặp sự phản đối nên đã có mặt chính thức tại San Francisco.

&2& 

Dù vậy, phái đoàn Soviet (dẫn đầu bởi Andrei Gromuko) - khi Hội nghị San Francisco bàn đến vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa - đã đưa ra yêu cầu là: giao Hoàng Sa lẫn Trường Sa cho chế độ Bắc Kinh, chủ quyền Hoàng Sa / Trường Sa thuộc về Bắc Kinh đó đa! 

Lập luận của Soviet ("giao HS/TS cho CHND Trung Hoa (Bắc Kinh)") đã bị Hội nghị San Francisco bác bỏ: 46 phiếu chống lại lập luận này, chỉ có 3 phiếu thuận (là ba nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ tham dự Hội nghị: Soviet, Ba Lan, Tiệp Khắc), 1 phiếu trắng (Ceylon, sau này đổi tên Sri Lanka, tức Tích Lan).

&3&

Tại Hội nghị San Francisco 1951, trưởng phái đoàn QGVN là Thủ tướng Trần Văn Hữu đã tuyên cáo hùng hồn về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tuyên cáo này được lưu trong hồ sơ Hội nghị.  

Xin quí bạn lưu ý: chủ quyền hải đảo được tuyên bố trước đó vào thời Nhà Nguyễn, nói nào ngay, cũng chỉ là "ta nói với ta" mà thôi. Nhưng, LẦN ĐẦU TIÊN chúng ta mới công bố trước quốc tế về chủ quyền hải đảo, vào tháng 9 năm 1951 lịch sử!

&4&

Ở trong nước VN đời nay, tuyên truyền ra sao về thể chế "Quốc gia Việt Nam", đây không bàn. Chỉ biết rằng, khi ra quốc tế thì vẫn phải minh định Quốc gia Việt Nam (State of VN) hoàn toàn có thẩm quyền tuyên cáo về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Bởi nếu gọi Quốc gia VN là "pseudo" ("giả", "ngụy"), tức tuyên cáo của Thủ tướng Trần Văn Hữu trở thành vô giá trị => Chuỗi lập luận về TÍNH LIÊN TỤC TRONG CHỦ QUYỀN đối với biển đảo (Hoàng Sa, Trường Sa) sẽ bất thành ./.

-------------------------------------------------------------------

* Quí bạn tìm đọc toàn văn bản Hiệp ước San Francisco 1951 bằng Anh ngữ (dài 44 trang), download free - chớ không phải "bí mật", theo một số người mệnh danh "nhà đấu tranh dân chủ" cho biết, để rồi tự diễn dịch theo kiểu "tam sao thất bổn". Quái, thời bây giờ nảy nòi nhiều "nhà đấu tranh dân chủ" kiểu gì mà xạo láo quá cỡ!

Đây, đường link để download:  https://treaties.un.org/doc/publication/unts/volume%20136/volume-136-i-1832-english.pdf

Hình ảnh: Hội nghị quốc tế San Francisco 1951, có phái đoàn Quốc gia VN tham dự / Bản đồ quần đảo Hoàng Sa (dưới, trái) / Bản đồ quần đảo Trường Sa (dưới, phải).





Thứ Tư, 22 tháng 2, 2023

Ngô Nhật Đăng: HỒI SINH

 HỒI SINH

Cô em bảo :

- Ngày trước em ghét Bắc Kỳ lắm, không hiểu sao sau này lớn lên lại toàn chơi với Bắc Kỳ.

Có ông bạn Bắc Kỳ vào chơi, bạn phát ngợp và cảm động vì lòng hiếu khách, bà dì và các cô em ngày nào cũng vậy, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, rồi nhậu nhẹt lai rai, tíu tít nấu đủ các món miền Tây. Câu chuyện đi từ món ăn đến con người, Bắc và Nam.

Ờ, tại sao người ta chỉ thấy người từ Bắc vào Nam mà không thấy ngược lại, nó là vấn đề phổ quát trên toàn cầu chứ không riêng Việt Nam ? Lý do kinh tế ư ? Có, nhưng không phải là điều cơ bản. Thời Pháp thuộc, Nam Kỳ trong ý nghĩ của người miền Bắc là nơi đất rộng người thưa, khí hậu ôn hòa, làm ăn dễ dàng, con người phóng khoáng vv...Vậy mà biết bao nhiêu kế hoạch được xây dựng rất chi tiết và công phu để di dân từ đồng bằng Bắc Bộ vào Nam của chính phủ đều thất bại. Ngay cả việc mộ phu vào lập các đồn điền cao su với những điều kiện vật chất tốt hơn nhiều cũng không thu hút được dân chúng, ai đi thì cũng chỉ vài năm khi đã dành dụm được tiền bạc đều quay về. Gourou đã phân tích rất logic và chi tiết chỉ ra chính xác nguyên nhân của hiện tượng này trong công trình nghiên cứu của ông "Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ" - cho đến nay vẫn còn giá trị cho những ai muốn tìm hiểu. Đặc biệt công phu là : "Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ" của Đào Trinh Nhất gây ra tiếng vang lớn nhưng cũng không thực thi được.

Năm 1954, một biến động chính trị lớn đã khiến cả triệu người Bắc di cư vào Nam và tất cả, ai cũng nghĩ sẽ có một ngày quay về, vấn đề phân biệt vùng miền cũng có, nhưng chỉ là nhỏ lẻ, cá nhân, lặt vặt. Sau 75, hàng triệu người Bắc lại vào Nam, vấn đề này đang bị thổi phồng thành kỳ thị chia rẽ vùng miền.

Khi tôi ra quân muốn đi làm, cha tôi nói : "Con nên vào Sài Gòn, thành phố còn ra một thành phố và dù sao trong đó cũng trải qua một thời kỳ có nền dân chủ" nhưng rồi sau hơn 2 năm đi hết các vùng Nam Bộ tôi lại quay về Hà Nội.

Hàng chục năm không bao giờ nghĩ đến rồi tôi lại vào Nam định cư. Vì kinh tế ư ? Hoàn toàn không, ở Hà Nội sinh kế của tôi dễ hơn nhiều và cũng nhàn nhã hơn nhiều, không bao giờ bị cảnh tài khoản trong ngân hàng “nhẵn như chùi” thường xảy ra như khi vào Nam. Vì khí hậu miền Nam ôn hòa hơn ? Cũng không, tuy ghét mùa hè nóng nực ngoài Bắc nhưng tôi vẫn tha thiết yêu mùa Thu Hà Nội và đôi lúc thèm nhớ đến thắt lòng cảnh rét mướt, mưa phùn gió bấc của Bắc Bộ. Vì con người Nam Bộ trung hậu, thật thà, hào sảng, phóng khoáng hơn ? Cũng không, khắp vùng Bắc Việt, đặc biệt là nông thôn và vùng thượng du nơi mà gót chân tôi từng lui tới không sót chỗ nào, tôi vẫn luôn gặp được những con người lương thiện, thật thà, hào sảng, mến khách, tôi có vô số bạn bè ở khắp nơi, thậm chí không một xu dính túi thì cũng chẳng phải lo ngại gì. Có được một người vợ hiền thục, một tình yêu lớn ư ? Khi vào Nam tôi chưa bao giờ nghĩ tới, trong thời buổi nhố nhăng này, tình yêu là thứ mong manh dễ vỡ nhất. Mình chỉ biết nâng niu trân trọng từng ngày mà không dám chắc điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Nhiều khi không phải là do người trong cuộc gây nên. Tóm lại, cái xấu thì ở đâu cũng giống nhau, chỉ có cái tốt là khác nhau.

Vậy thì vì cái gì ?

Hồi có cái “Đại lễ” nghìn năm Thăng Long, nhạc sỹ Ngọc Đại sáng tác một bài hát, trong đó có câu “Những khẩu hiệu ngàn năm Hà Nội như giẫm đạp lên đôi mắt người lính già...Người tình phản bội, còn hơn một nghi lễ. Đi bẻ chùm lá non - Vẫy chào”. Sư tỷ của tôi, từ nước ngoài về, nói : “Gót giày xâm lăng đang dày xéo lên Hà Nội thân yêu của chúng ta”. Tôi giật mình nhìn xung quanh, Hà Nội của tôi (mà tôi nghĩ sẽ không bao giờ rời bỏ) bỗng hiện lên dưới một hình thái khác, ý định ra đi bắt đầu nảy sinh. Khi đọc Lương Kim Định, triết gia Bắc Kỳ di cư này khẳng định “ Đồng bằng sông Cửu Long sẽ gánh vác sứ mệnh phục sinh nước Việt” càng củng cố thêm quyết định của tôi.

Sống "vùng vẫy" và thoải mái ở miền Tây như cá trong nước, tôi nhìn cái xu thế kỳ thị, phân biệt vùng miền với con mắt khác.

Con người không thể tồn tại riêng lẻ bởi Thượng Đế không cho nó cái bản năng sinh tồn như loài vật, họ phải quần tụ với nhau một cách hết sức tự nhiên hay nói một cách khác Thượng Đế chuẩn bị cho con người các công cụ để sống hoà thuận với nhau, ví dụ như bộ óc biết quan sát, sáng tạo và ngôn ngữ. Chính trị ra đời như một phần mà Aristoteles khẳng định trong tác phẩm Chính trị luận "Con người là một loài động vật chính trị", chính cái tư tưởng coi con người cũng như một loài động vật là nền tảng cho thuyết duy vật, vô thần chống lại Chúa. Chính trị với ý nghĩa nguyên thuỷ là "cai trị một cách công chính", người dân lựa chọn những cá nhân xuất sắc để cai trị xã hội nhưng vẫn nằm dưới một quyền lực siêu tự nhiên đó là "theo ý Trời" mà ý Dân là ý Trời. Những mô hình chính trị thuở ban đầu vẫn được nhắc tới như một niềm mong nhớ "Thời Nghiêu, Thuấn". Sự suy đồi của tầng lớp thống trị đã làm cho ý nghĩa chính trị đi ngược lại mục đích ban đầu. Cai trị đã trở thành một kỹ thuật (kỹ trị) được đào tạo để duy trì quyền lợi của kẻ cai trị. Đỉnh điểm của nó là chủ nghĩa Marx khi đơn giản hoá con người vào cái hộp chật hẹp gọi là "giai cấp". Tất nhiên, nó sẽ nảy sinh mâu thuẫn và theo Marx mâu thuẫn lớn nhất là mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, "nhà nước là công cụ của giai cấp thống trị để đàn áp giai cấp bị trị". Và để giải quyết mâu thuẫn này con đường duy nhất là làm các cuộc cách mạng lật đổ và phá hủy. Ai sẽ làm cách mạng? Lenin định nghĩa : "Dân chủ tức là dùng một bộ phận nhân dân này chống lại một bộ phận nhân dân khác". Để nhân dân chống lại nhau không gì bằng kích động lòng căm thù và khởi đầu lòng căm thù không gì bằng kích động sự phân biệt, kỳ thị dân tộc, vùng miền.

 Giai cấp cai trị hiểu rất rõ điều này, nó phải hướng sự căm thù ấy vào mục tiêu khác, không phải sự căm thù đối với giai cấp thống trị mà là lòng căm thù giữa nhân dân với nhân dân.

Hình thái xâm lăng ngày nay là sự xâm lăng của ý thức hệ với sự đồng lõa của thiểu số người tự nhận mình là “thượng lưu, ưu tú, tinh hoa” nên vì vậy nhìn nhận ra nó cũng phức tạp hơn gấp bội phần. 

Họ hướng sự căm ghét vào đồng bào mình, người miền Nam coi mọi nguyên nhân gây nên sự đau khổ của mình là do “đám Bắc Kỳ chó”. Một thái độ được tầng lớp trên khuyến khích và đám viết thuê tay sai “đổ thêm dầu vào lửa”.

Hai trăm năm Trịnh - Nguyễn phân tranh, một mặt mở mang bờ cõi, mở thêm không gian sống cho cả dân tộc, mặt khác nó cũng nuôi ước mơ thống nhất đất nước. Hoàng Đế Gia Long vĩ đại đã làm được điều ấy. Cuộc nội chiến kéo dài 20 năm dẫn đến "thống nhất" năm 1975 đã đi ngược lại ý nghĩa tốt đẹp nhất của từ này. Thay vì đất nước hoà bình rồi, từ nay xoá bỏ mọi hận thù cùng chung sức xây dựng lại ngôi nhà Việt Nam - Uớc mơ này đã bị phản bội. Cả dân tộc bị tước đoạt giấc mơ bởi sự xâm lăng của ý thức hệ. Thay vì căm thù cái ý thức hệ ấy thì chúng ta lại quay mũi kiếm vào nhau ? Thủ phạm là ai?

Tôi ngộ ra, chính vì quá khứ “được trải qua nền dân chủ” làm cho Nam Kỳ có cái để nhớ, có cái để so sánh, có cái để luyến tiếc. Nỗi khắc khoải này sẽ làm tiền đề cho nước Việt phục sinh. Khi mà với niềm khắc khoải vô bờ ấy, người Việt không phân biệt vùng miền, xu hướng chính trị nhận ra tất cả chúng ta đều bị xâm lăng bởi thứ Ý thức hệ cộng sản ngoại lai, thì đó là lúc mà nước Việt phục sinh, như con phượng hoàng bay lên từ đống tro tàn.

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

FB Matthew NChuong: "NHỨT" LÀ NAM ÂM (THUẦN VIỆT)

 "NHỨT" LÀ NAM ÂM (THUẦN VIỆT) 

* "Nhất" là đọc theo âm Hán-Việt; còn "Nhứt" không phải phương ngữ miền Nam gì ráo: "Nhứt" là Nam âm (thuần Việt)!

* Lộ trình "xê dịch" theo lãnh thổ, đối với Nam âm (thuần Việt) ra sao?

/1/ Một người thuộc bậc đàn anh, làm trong ngành truyền hình, cho biết khi đi "điền dã" ở NINH BÌNH ngoài Bắc, gặp một vài ông cụ, họ nói "Nhứt". Ồ, sao các cụ gọi như vậy, không gọi "Nhất"? Các đời ông bà trước đây đều gọi "Nhứt" cả! 

Nơi đất Ninh Bình, đế đô Hoa Lư của nhà Đinh, còn nhiều dữ liệu gây bất ngờ lắm. Đây, chỉ nêu lên hiện tượng "NHỨT", trong tiếng Việt. 

/2/ "NHỨT" được ghi trong chữ Nôm (ghi quốc âm) theo cách thức "dị âm đồng nghĩa" với chữ Hán, tức mượn nguyên dạng ký tự, cùng nghĩa nhưng đọc khác. 

Có các cách viết sau, đều đọc là "NHỨT": 一, 壹, 弌 

* Trong Nam âm (thuần Việt), gọi "Nhứt", "Nhì" như địa danh Tân Thới Nhứt, Tân Thới Nhì... 

Trong khi đó, âm Hán-Việt gọi là "Nhất", "Nhị".

Có các cách viết như sau: 二 , 貳 (cũng theo cách thức "dị âm đồng nghĩa", đọc là "Nhì").

/3/ Nam âm và âm Hán-Việt: 

- Nam âm là "tiếng mẹ đẻ", đương nhiên tồn tại sẵn rồi. 

- Tuy nhiên, âm Hán-Việt là cách dùng của "giới có ăn có học chữ Hán" gồm các thầy đồ, quan quyền triều đình, thành thử có sức ảnh hưởng lớn đối với sinh hoạt ngôn ngữ của xã hội. 

Hoặc là đi vào ngôn ngữ thường ngày của dân gian, tồn tại đề huề cùng Nam âm. 

Hoặc lấn dần, tạo ảnh hưởng ngày càng mạnh, và trong khá nhiều trường hợp dân gian chịu tác động cũng dùng âm Hán-Việt (không dùng Nam âm nữa). 

Ta nói, "mẹ con" (Nam âm) mà cũng gọi "mẫu tử" (âm Hán-Việt); gọi "núi" (Nam âm) mà cũng gọi "sơn" (âm Hán-Việt)... Nhưng, "bông" (Nam âm) lại bị mờ mịt, cứ tưởng "hoa" (âm Hán-Việt) là cách nói đúng duy nhứt. 

"Nhứt" (Nam âm), "Nhất" (âm Hán-Việt) cũng rứa, ngay trong chúng ta hiện nay cũng đâu ngờ là "Nhứt" thuộc di sản thuần Việt!

/4/ Những luồng lưu dân từ Đàng Ngoài vô Đàng Trong lập nghiệp đầu thế kỷ 17 đem theo những kho chữ nghĩa thuộc Nam âm.

Ninh Bình, hiện nay, vẫn còn vài nơi giữ cách nói "NHỨT". 

Trong đoàn lưu dân xuôi vô phương nam thuở trước, ắt có những cư dân từ Ninh Bình. Quí bạn chú ý, Ninh Bình là tỉnh giáp với Thanh Hóa - mà Thanh Hóa là "trung tâm" của chúa Nguyễn Hoàng đưa lưu dân vô Đàng Trong định cõi, lập nghiệp đó đa! 

Quí bạn nào biết ở xã nào, huyện nào thuộc Thanh Hóa vẫn còn giữ cách nói "NHỨT"? 

Rồi, tỉnh Hòa Bình. Tỉnh này cũng giáp với bắc Thanh Hóa. Mà Hòa Bình còn đặc biệt có tộc Mường, với tiếng Mường được cho là gần gũi với lớp từ vựng tiếng Việt "truyền thống". Có hiện tượng ngôn ngữ nào trong tiếng Mường liên quan đến cách gọi "NHỨT"? 

THAY LỜI KẾT 

Rất mong có sự góp sức từ nhiều người, để có thể làm vẻ vang Nam âm của hết thảy người Việt chúng ta./.

--------------------------------------------------

Cách gọi "Nhứt", "Nhì" còn được lưu dụng rộng rãi ở miền Nam... (trong hình là đình Tân Thới Nhứt ở Hóc Môn).


Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

Nguyễn Gia Việt: Nguyên nhân vì sao tên đường bị sai

 - Bài viết của tác giả Nguyễn Gia Việt.

Vì sao Sài Gòn, Cần Thơ, Rạch Giá, Sa Đéc, Đà Lạt, Nha Trang có đường Lê Thánh Tôn nhưng Hà Nội có phố Lê Thánh Tông?

Cái chuyện rần rần đòi đổi tên đường Lê Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, Tôn Đản ở Sài Gòn thành Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Tông Đản không phải mới được bàn tán gần đây.

Đó là hai cách nhìn nhận lịch sử và hai quan điểm, hai cách sống của Miền Nam và Miền Bắc.

Ai cũng biết nhân vật lịch sử nhà Hậu Lê là Hoàng đế Lê Thánh Tông mà viết ra Lê Thánh Tôn là theo kiểu Nam Kỳ Lục Tỉnh, kiểu Đàng Trong, kiểu của nhà Nguyễn. Ngô Thì Nhậm viết kiểu Nam thành Ngô Thời Nhiệm.

Đất Miền Nam rất tuân theo lề luật của nhà Nguyễn, kiêng chữ kị húy "tông"đọc trại thành "tôn" (Vua Thiệu Trị tên là Nguyễn Phước Miên Tông. Vua Tự Đức tên là Nguyễn Phước Hồng Nhậm tự Nguyễn Phước Thì).

Người Miền Nam có họ Tôn chứ không có họ Tông. Lịch sử Miền Nam có ông Phủ Ba Tôn Thọ Tường (1825 - 1877) nổi tiếng với những bài thơ bút chiến cùng ông Phan Văn Trị:

"Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng

Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông

Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc

Về Hán trau tria mãnh má hồng

Son phấn thà cam dày gió bụi

Đá vàng chi thẹn với non sông

Ai về nhắn với Châu Công Cẩn 

Thà mất lòng anh đặng bụng chồng"

Đô thành Sài Gòn có tới 2 đường Tôn Thọ Tường và đều bị xóa tên sau 1975. Đường Tôn Thọ Tường đi qua quận 5 và quận 11 mà sau 1975 là Tạ Uyên, còn đường Tôn Thọ Tường của tỉnh Gia Định nay là đường Phan Văn Hân ở Bình Thạnh.

Đường xá Sài Gòn, Cần Thơ, Rạch Giá, Sa Đéc, Đà Lạt,Nha Trang từ trước 1975 mang tên Lê Thánh Tôn. Nhưng Hà Nội và các đô thị Miền Bắc thì cứ Lê Thánh Tông.Tại các đô thị Miền Nam bạn thấy tên đường Lê Thánh Tông hay Trần Thái Tông gì đó là sau 1975 và những năm gần đây đặt cho.

Nhà Nguyễn cai trị toàn Việt Nam từ Nam ra Bắc từ năm 1802 nhưng sao xứ Bắc không "sợ" kị húy và không tuân theo lệ này?

Đặt tên không kiêng dè tức là không tôn trọng và có mòi thách thức.

Thiệt ra xét lịch sử lệ kị húy không riêng nhà Nguyễn. Các triều đại phong kiến VN đều có kị húy.

Nhà Nguyễn cấm xài chữ kị húy nhưng cho xài chữ đọc trại qua, thí dụ chữ "hồng" thành chữ " hường" chữ "chu" thành "châu, chữ "hoa" thành "hóa"...

Nhưng các triều khác, thí dụ nhà Trần thì cấm xài luôn chữ kị húy đó.

Năm 1232, vua Trần Thái Tôn ban bố các chữ quốc húy và miếu húy. Đồng thời vì muốn dân quên nhà Lý, Trần Thái Tôn bắt đổi triều Lý thành triều Nguyễn. Lý do là bị kị húy tên của ông tổ là Trần Lý.

Sang đời vua Trần Anh Tôn năm 1294, vua ban bố các chữ quốc húy: Chữ húy của vua là Thuyên, của Nhân Tôn là Khâm, của Thánh Tôn là Hoảng, của Thái Tôn là Cảnh, của Thái Tổ là Thừa, của Nguyên Tổ là Lý. Các chữ nội húy: Thánh Từ hoàng hậu là Phong, Thuận Từ hoàng hậu là Diệu, Hiển Từ hoàng hậu là Oanh, Nguyên Thánh hoàng hậu là Hâm.

Năm 1298, niên hiệu Hưng Long, nhà vua ban thêm hai chữ húy là Ngụy và Châu.

Năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hưng Long 1290, nhà vua ban thêm các chữ húy của là Liễu, là Nguyệt.Hai chữ Liễu và Nguyệt khi làm văn không được dùng đến.

Các chữ Ngụy, Thấp, Nam, Càn, Tô, Tuấn, Anh, Tảng khi làm văn, phải viết bớt nét.

Nhà Hậu Lê cũng quy định kị húy. Đời Lê Lợi có 5 chữ dân không được xài là: Đinh, Quách, Khoáng, Thương, Lợi, Học.

Dân thường tên Lợi phải viết và đọc là Lị.

(Thời Nguyễn vẫn giữ cái chữ kị húy này.Có một nước nhỏ tên là Bà Lị (Bà Lợi) ở Miền Đông mà dân Nam Kỳ đọc thành Bà Rịa)

Vua Lê Thái Tôn năm 1435 quy định ai có họ tên trùng với chữ húy Trần phải đổi thành Trình.

Đời Lê Thánh Tôn năm 1462 ra lịnh: Chữ húy của quốc triều nếu hai chữ liền nhau thì đều không được dùng, nếu rời ra chữ một thì cũng cho dùng thay chữ khác.

Tại sao dân Bắc Hà kị húy cũng nhiều, nhưng với nhà Nguyễn thì gần như "thách"?

Nho sinh, có học như Cao Bá Quát khi mà tánh khiêm cần phải thể hiện mà còn ngông và tỏ ý "thách thức" thì đủ biết sĩ phu Bắc Hà họ sống kiểu gì.

Có giai thoại nói Cao Bá Quát là người kiêu căng, ngạo mạn, khi nghe những bài thơ của Mạc Vân Thi Xã (Tùng Vân Thi Xã) do Tùng Thiện Vương Miên Thẩm và Tuy Lý Vương Miên Trinh sáng lập ở Huế,ông bịt mũi lại và ngâm "Ngán thay cái mũi vô duyên, Câu thơ Thi Xã con thuyền Nghệ An".

Xưa dân Nghệ An hay chở mắm và nước mắm vô Huế đi bán, trong các loại mắm thì mắm Nghệ An có mùi thúi kinh khủng nhứt. Đọc giai thoại thấy sự khó lòng rõ rệt.

Nhưng thực ra Cao Bá Quát có thể bị "nhét" giai thoại, tức là bị gán chưa có sự thực chứng minh. Cái miệng của sĩ phu Bắc Hà dễ sợ lắm.Tuy nhiên giai thoại ngông nghinh này của sĩ phu Bắc Hà chứ của ai tạo ra và cho chúng ta thấy rõ cái "bố đời" và không ưa nhà Nguyễn trong xã hội thời đó.

Trong lịch sử Việt Nam ta nhớ chuyện cái váy Bắc.

Sau khi thống nhứt Việt Nam năm 1802 vua Gia Long chưa có thì giờ để ý đến xứ Bắc ăn mặc.Tới đời Minh Mạng thì vua ra chiếu cấm đàn bà Bắc Kỳ mặc váy,bắt buộc phải mặc quần hai ống như dân Đàng Trong bấy lâu.

Tuy nhiên Bắc Hà chống đối dữ dội và không hề tuân lịnh vua, triều đình nhà Nguyễn bó tay.

“Tháng tám có chiếu vua ra 

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng 

Không đi thì chợ không đông 

Đi thì phải lột quần chồng sao đang

Có quần ra quán bán hàng 

Không quần ra đứng đầu làng trông quan”

Tới những năm Pháp qua Hà Nội ta vẫn thấy áo tứ thân, váy đen đầy đường.

Tới những năm 1954 nhiều người Bắc di cư vô Nam vẫn mặc váy, áo tứ thân, đầu vấn rí. Phần đông người Bắc nông thôn đều mặc váy. Chỉ có dân quý tộc nhà giàu sống ở phố tại Hà Nội, Hải Phòng thì mặc áo dài và quần hai ống.

Lịch sử VN từ hồi Trịnh Nguyễn đã có sự bất phục nhau rồi.

Sĩ phu Bắc Hà lúc nào cũng nhà Lê, vua Lê là nhứt, họ không thích vua Gia Long là người Đàng Trong.

Người Miền Bắc lúc nào cũng muốn họ là anh cả thì họ phải ra lịnh cho các vùng khác dù Miền Bắc là cái nơi dân quá đông,làm hao tốn tiền của nhiều nhứt của nhà Nguyễn.

Thành ra Bắc không hề có vụ kiêng húy tên vua chúa Nguyễn như người Trung và Nam Kỳ, họ cứ Hoàng, cứ Mệnh, cứ Long, cứ Hoa, cứ Nhậm miết.

Phạm húy được quy định trong điều 62 của bộ luật Gia Long:

"Kẻ nào trong một bài viết tấu hay trình gì với vua mà dùng một tiếng trùng với tên vua hay tên một hoàng khảo sẽ bị phạt 80 gậy. Nếu tội phạm húy ấy mắc phải trong các giấy tờ khác thì hình phạt sẽ là 40 gậy. Kẻ nào phạm tội ấy mà lại dùng tên ấy làm tên chính sẽ bị phạt 100 gậy".

Nhưng nhà Nguyễn hầu như không khiển nổi nông thôn và sĩ phu Bắc Hà phạm húy.

Vua Gia Long đã trung hưng nhà Nguyễn là nhờ thế lực trong Nam Kỳ, các đệ nhứt công thần đều là dân Miền Nam,tiền của Miền Nam tạo ra nhà Nguyễn.

Những giai đoạn đầu cai trị Thăng Long là các quan Miền Nam bình định, tiểu trừ Miền Bắc là quan người Nam, điều này khẳng định nhà Nguyễn gắn với lợi ích của Miền Nam, thành ra người Bắc rất ghét.

Suốt hơn 150 năm Đàng Trong và Đàng Ngoài là hai nước khác nhau với ý thức hệ,quyền lợi khác nhau giữa Trịnh-Nguyễn đã tạo ra sự khác biệt lớn giữa Nam và Bắc.

Gia Long là kẻ thù của nhiều sĩ phu Bắc Hà.

Câu hỏi là vì sao Bắc Hà lại thần thánh hóa Nguyễn Huệ với trận Đống Đa dù ông Huệ gián tiếp đạp đổ nhà Lê ?

Vì Nguyễn Huệ là đối thủ của Gia Long, kẻ thù của người ta ghét sẽ là bạn của ta chăng? 

Sĩ phu Bắc Hà tha thứ cho cái xuất thân dân Đàng Trong và cái tội lật đổ nhà Lê, vét kho tàng, bỏ mặc Bắc Hà loạn lạc của ông Huệ.

Bắc Hà làm ngơ cho những câu chửi, coi thường dân Bắc Hà ra mặt của Nguyễn Huệ.

Nguyên nhân dễ thấy rõ lắm là để che đậy cái sĩ của xứ này,che đậy cái nhục thời cuộc, cái bất lực về thân phận của chính họ. vớt vát thể diện để che đậy một giai đoạn lịch sử Bắc Hà cuối Lê Trịnh u ám bằng cách họ nâng chiến công đánh Thanh lên của Nguyễn Huệ.

Còn đối với Miền Bắc sau 1954 thì khỏi nói. Những tên đường kiểu Lê Thánh Tông đều đặt sau 1954. 

Sách Lịch sử Việt Nam do Viện Khoa học Xã hội của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà xuất bản 1971 viết rằng:

“Triều Nguyễn là vương triều phong kiến cuối cùng dựng lên bằng một cuộc chiến tranh phản cách mạng nhờ thế lực xâm lược của người nước ngoài. 

Gia Long lên làm vua lập ra triều Nguyễn sau khi đàn áp cuộc chiến tranh cách mạng của nông dân.Triều Nguyễn là vương triều tối phản động"

Đặc tánh hai miền khác nhau, ai kêu nước dùng thì cứ kêu, còn ai kêu nước lèo cũng cứ giữ. Nhưng con kinh Miền Nam lại bị thành con kênh, cầu Gành thành cầu Ghềnh, Tân Sơn Nhứt thành Tân Sơn Nhất là thấy rõ 

Đúng nhận, sai cãi.

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

FB Tan Trung Nguyen Quoc:  Về ChatGPT: Xin các bạn trẻ Việt Nam ngồi ở lại trường học 

 Về ChatGPT: Xin các bạn trẻ Việt Nam ngồi ở lại trường học 

*** 

Câu chuyện của Sam Altman, nhà đồng sáng lập của OpenAI (với Elon Musk) và hệ thống ChatGPT đang khuynh đảo mạng xã hội Việt Nam, lại khiến một diễn ngôn có hại cho học sinh - sinh viên Việt Nam trỗi dậy như hồi đầu những năm 2000s: 

“Học dở, bỏ học thì làm chủ, làm tỷ phú. Mấy thằng học nhiều cũng không làm gì…” 

***

Sam Altman được sinh ra trong một gia đình upper-class của Hoa Kỳ vào thập niên 80s. 

Khi anh tám tuổi, lúc mà giá trị máy tính cá nhân còn dao động ở mức 1,000 đến 3,000 Mỹ kim cho một máy hồi đầu thập niên 1990s (chừng 2,300 đến 6,000 Mỹ kim ở thời điểm hiện tại), gia đình anh này đã mua cho anh một chiếc Mac để anh vọc code và tự do tháo máy tìm hiểu về phần cứng. 

Anh tận hưởng giáo dục tư nhân chất lượng cao của nước Mỹ suốt cuộc đời thiến niên của mình (ở Hoa Kỳ: Private education > Public education). Cụ thể là trường John Burroughs, trường trung học tư nhân có học phí cao nhất nhì Missouri với chỉ hơn 600 học sinh toàn bộ các khoá. 

Anh được nhận vào Stanford và làm bạn với một nhóm cohort cùng vai phải vế upper-class có quan hệ, có thông tin, và có tầm ảnh hưởng.

Và từ lúc mới vào trường, anh cũng đã là một gương mặt được chọn gửi vàng bởi YCombinator - một công ty đầu tư cho startup công nghệ lừng danh ở Hoa Kỳ. (Reddit cũng từ nền tảng này mà ra)

Đối với Sam Altman, mười mấy năm học trong không gian như thế thì thêm vài năm ở Stanford cũng không còn ý nghĩa gì. 

*** 

99% người thanh thiếu niên Việt Nam lớn lên (bao gồm cả Trung), chưa và sẽ không bao giờ có được nguồn lực, tầm nhìn, và tầm ảnh hưởng của con trai của một gia đình upper-class kiểu Mỹ. 

Con cái các gia đình Việt Nam lúc tám tuổi mua đôi dép Bitis mới để đi học còn tính toán thiệt hơn mấy tuần. 

Sinh viên công nghệ thông tin Việt Nam 19 tuổi còn chưa dám mua một chiếc máy thừa để vọc và tìm hiểu. 

Đại đa số chúng ta không được đào tạo một cách bài bản về văn hoá, nghệ thuật, lịch sử, ăn uống, đi đứng, thể thao… để có được một nguồn tư bản văn hoá chấp nhận được cho thế giới rộng lớn bên ngoài. 

Các bạn nghĩ bỏ học các bạn sẽ start up gì?

Lại Cafe? 

Lại Bánh mì? 

Lại Cơm tấm? 

Lại Trà đào? 

Lại sữa hạt các loại? 

*** 

Trung biết hệ thống các trường trung học, đại học Việt Nam không phải là tối ưu, nhưng đó là hệ thống mà thế giới vẫn đang chấp nhận và ưu đãi. 

Có rất nhiều các thầy cô, anh chị thành công ở nước ngoài đang về và dựa vào hệ thống này để đào tạo thế hệ nhân lực kế cận cho Việt Nam. 

Chấp nhận bơi trong hệ thống này, với một mục tiêu và tầm nhìn cụ thể, là cách tốt nhất để chúng ta tìm mentors, cho chúng ta thêm thời gian để hiểu sự chênh lệch về tư bản tư liệu sản xuất lẫn tư bản văn hoá giữa bản thân mình và các nhóm cohort khác, học hỏi từ thầy cô lẫn bạn bè lẫn các nhóm trí thức mới nổi, và tìm không gian phát triển thật sự phù hợp cho bản thân… 

Mình không muốn dùng “biện chứng” Marxism để lúc nào cũng đổ mọi tội lỗi lên đầu “giai cấp”, nhưng trong nhiều trường hợp, giai cấp nó là. 

Học đúng nghĩa gần như là con đường duy nhất để rút ngắn khoảng cách giai cấp. 

Xin đừng vì nhìn thấy một chàng da trắng upper-class ở Hoa Kỳ bỏ học kiếm tiền tỷ và ôm trọn danh tiếng thế gian, để bản thân, một cá nhân da vàng gốc gác Mekong/sông Hồng, cũng bỏ học mà start up.