"NHỨT" LÀ NAM ÂM (THUẦN VIỆT)
* "Nhất" là đọc theo âm Hán-Việt; còn "Nhứt" không phải phương ngữ miền Nam gì ráo: "Nhứt" là Nam âm (thuần Việt)!
* Lộ trình "xê dịch" theo lãnh thổ, đối với Nam âm (thuần Việt) ra sao?
/1/ Một người thuộc bậc đàn anh, làm trong ngành truyền hình, cho biết khi đi "điền dã" ở NINH BÌNH ngoài Bắc, gặp một vài ông cụ, họ nói "Nhứt". Ồ, sao các cụ gọi như vậy, không gọi "Nhất"? Các đời ông bà trước đây đều gọi "Nhứt" cả!
Nơi đất Ninh Bình, đế đô Hoa Lư của nhà Đinh, còn nhiều dữ liệu gây bất ngờ lắm. Đây, chỉ nêu lên hiện tượng "NHỨT", trong tiếng Việt.
/2/ "NHỨT" được ghi trong chữ Nôm (ghi quốc âm) theo cách thức "dị âm đồng nghĩa" với chữ Hán, tức mượn nguyên dạng ký tự, cùng nghĩa nhưng đọc khác.
Có các cách viết sau, đều đọc là "NHỨT": 一, 壹, 弌
* Trong Nam âm (thuần Việt), gọi "Nhứt", "Nhì" như địa danh Tân Thới Nhứt, Tân Thới Nhì...
Trong khi đó, âm Hán-Việt gọi là "Nhất", "Nhị".
Có các cách viết như sau: 二 , 貳 (cũng theo cách thức "dị âm đồng nghĩa", đọc là "Nhì").
/3/ Nam âm và âm Hán-Việt:
- Nam âm là "tiếng mẹ đẻ", đương nhiên tồn tại sẵn rồi.
- Tuy nhiên, âm Hán-Việt là cách dùng của "giới có ăn có học chữ Hán" gồm các thầy đồ, quan quyền triều đình, thành thử có sức ảnh hưởng lớn đối với sinh hoạt ngôn ngữ của xã hội.
Hoặc là đi vào ngôn ngữ thường ngày của dân gian, tồn tại đề huề cùng Nam âm.
Hoặc lấn dần, tạo ảnh hưởng ngày càng mạnh, và trong khá nhiều trường hợp dân gian chịu tác động cũng dùng âm Hán-Việt (không dùng Nam âm nữa).
Ta nói, "mẹ con" (Nam âm) mà cũng gọi "mẫu tử" (âm Hán-Việt); gọi "núi" (Nam âm) mà cũng gọi "sơn" (âm Hán-Việt)... Nhưng, "bông" (Nam âm) lại bị mờ mịt, cứ tưởng "hoa" (âm Hán-Việt) là cách nói đúng duy nhứt.
"Nhứt" (Nam âm), "Nhất" (âm Hán-Việt) cũng rứa, ngay trong chúng ta hiện nay cũng đâu ngờ là "Nhứt" thuộc di sản thuần Việt!
/4/ Những luồng lưu dân từ Đàng Ngoài vô Đàng Trong lập nghiệp đầu thế kỷ 17 đem theo những kho chữ nghĩa thuộc Nam âm.
Ninh Bình, hiện nay, vẫn còn vài nơi giữ cách nói "NHỨT".
Trong đoàn lưu dân xuôi vô phương nam thuở trước, ắt có những cư dân từ Ninh Bình. Quí bạn chú ý, Ninh Bình là tỉnh giáp với Thanh Hóa - mà Thanh Hóa là "trung tâm" của chúa Nguyễn Hoàng đưa lưu dân vô Đàng Trong định cõi, lập nghiệp đó đa!
Quí bạn nào biết ở xã nào, huyện nào thuộc Thanh Hóa vẫn còn giữ cách nói "NHỨT"?
Rồi, tỉnh Hòa Bình. Tỉnh này cũng giáp với bắc Thanh Hóa. Mà Hòa Bình còn đặc biệt có tộc Mường, với tiếng Mường được cho là gần gũi với lớp từ vựng tiếng Việt "truyền thống". Có hiện tượng ngôn ngữ nào trong tiếng Mường liên quan đến cách gọi "NHỨT"?
THAY LỜI KẾT
Rất mong có sự góp sức từ nhiều người, để có thể làm vẻ vang Nam âm của hết thảy người Việt chúng ta./.
--------------------------------------------------
Cách gọi "Nhứt", "Nhì" còn được lưu dụng rộng rãi ở miền Nam... (trong hình là đình Tân Thới Nhứt ở Hóc Môn).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét