Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Đại học Harvard đã thực hiện một nghiên cứu dài nhất trong lịch sử loài người để trả lời cho câu hỏi làm sao để hạnh phúc

75 năm nghiên cứu, qua 4 đời khoa học tiếp nối - cuối cùng, con người cũng chứng minh được thứ gì là quan trọng nhất để có một cuộc sống hạnh phúc.
Thế nào là hạnh phúc? Là có nhiều tiền? Là được sống an nhàn hưởng thụ? Có một người để dựa vào, nâng niu và bảo vệ? Hay đơn giản chỉ cần một công việc để cống hiến hết mình cho nó?
Thực ra, con người đã đi tìm câu trả lời cho vấn đề này trong hàng ngàn năm. Thời phong kiến, tầng lớp nông dân sống nghèo khổ và thấy không hạnh phúc - rồi họ vùng lên, trở thành tầng lớp giàu có. Nhưng người giàu thì phải bon chen địa vị, cũng không phút nào được nghỉ ngơi, để rồi tiếc nuối về thuở hàn vi, cơ cực chút nhưng thoải mái, dễ chịu.
Nêu vậy để thấy, hạnh phúc không phải dễ kiếm tìm và cũng không có câu trả lời rõ ràng. Cũng bởi vậy mà khi các chuyên gia từ ĐH Harvard quyết định thực hiện nghiên cứu về nền tảng của hạnh phúc, họ cũng biết rằng đó sẽ là một quá trình dài hơi. 
Chỉ có điều, chẳng ai ngờ được đây lại là cuộc nghiên cứu dài nhất trong lịch sử loài người.
Đại nghiên cứu (Grant Study) - 75 năm và 4 đời khoa học để tìm ra nền tảng của hạnh phúc
Cuộc nghiên cứu bắt đầu từ năm 1938, khi các chuyên gia theo dõi cuộc sống của những người được cho là "hạnh phúc nhất thời điểm hiện tại" - như tổng thống đương thời John F. Kennedy và Ben Bradlee - cựu tổng biên tập Washington Post. Tất cả mọi yếu tố trong cuộc sống của họ đều được đưa ra xem xét.
Nhưng như vậy thì chưa đủ, vì họ vốn là những người thành đạt. Mà hạnh phúc thì không thể chỉ tồn tại ở tầng lớp này. 
Trong cùng giai đoạn đó, khoảng giữa những năm 1940, một nghiên cứu khác tương tự cũng được thực hiện tại Boston, nhưng đối tượng là các chàng trai trẻ. Đến thập kỷ 70, hai nhóm nghiên cứu cộng tác cùng nhau, qua đó so sánh thêm được các yếu tố như địa vị xã hội và nền tảng giáo dục.
Thời gian trôi với nhiều giả định được đưa ra, nhưng rốt cục vẫn chưa thể đưa ra kết luận. Đến năm 2003, nghiên cứu được Robert Waldinger - một nhà tâm thần học của Harvard tiếp nối, và cũng là nhà khoa học thứ 4 kế thừa nó.
Từ thời của Waldinger, sức khỏe, tâm trạng và tình hình tài chính là 3 yếu tố được xem xét kỹ nhất. Ông thậm chí còn đưa vào yếu tố di truyền, do công nghệ gene thời kỳ này đã có những bước phát triển vượt bậc.
Nhưng cuối cùng, Waldinger nhận ra tất cả những người cảm thấy hạnh phúc về cuộc sống của họ, bất kể độ tuổi hay giới tính, đều có một điểm chung duy nhất: Họ sở hữu những mối quan hệ bền vững, tốt đẹp.
Kết luận được đưa ra vào năm 2012, đặt dấu chấm hết cho một Đại nghiên cứu kéo dài 75 năm và qua tới 4 đời khoa học tiếp nối.
Duy trì những mối quan hệ tốt đẹp là cách để hạnh phúc hơn, đơn giản vậy thôi
"Những người sống tách biệt, cô đơn trái với mong muốn thường cảm thấy kém hạnh phúc. Sức khỏe giảm sút rất sớm khi đạt trung tuổi, chức năng não bộ cũng giảm nhanh hơn, và tuổi thọ của họ cũng ngắn hơn," - trích lời Waldinger trong một bài chia sẻ trên TedTalk được hơn 6,3 triệu lượt xem vào năm 2015. 
"Trong khi đó, các mối quan hệ tốt đẹp dường như giúp con người quên đi gánh nặng của tuổi tác."
Theo Waldinger, mọi người cần sớm nhận ra rằng những thứ tưởng như đem lại một cuộc sống tốt đẹp - tiền bạc, danh vọng, sự nghiệp - rốt cục cũng chỉ là phù phiếm. Chúng có thể giúp bạn sống tốt, nhưng không phải thứ quyết định đến sức khỏe hay mang lại hạnh phúc cho bạn. Ngược lại, việc nỗ lực duy trì các mối quan hệ thân thiết, bền vững lại làm được điều đó.
Tuy vậy, mối quan hệ sẽ cần phải được chọn lọc."Chất lượng cuộc sống của bạn không chỉ được quyết định bởi số lượng bạn bè bạn có, mà còn liên quan đến việc bạn có sở hữu một mối quan hệ cam kết lâu dài hay không. Chất lượng mối quan hệ là vấn đề chính", ông Waldinger khẳng định.
Nghiên cứu của Waldinger chỉ ra rằng vào cuối thập niên 30, hầu hết nam giới đều tin rằng sự nghiệp chính là thước đo quan trọng nhất để làm nên một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng theo Waldinger, các mối quan hệ của bạn cũng đóng vai trò quan trọng tương đương. Và nếu để đem lại hạnh phúc, quan hệ còn vượt trội hơn.
"Tôi luôn biết điều này là sự thật, và có lẽ mọi người cũng vậy. Nhưng nhìn xung quanh xem, con người làm như thể điều đó chẳng là gì," - Waldinger cho biết. "Giờ tưởng tượng đi, sẽ thế nào nếu bạn trở nên cô đơn, và chẳng còn ai xuất hiện trong đời bạn nữa?"
Những lời của Waldinger thực sự cũng tác động đến chính bản thân ông. Là một nhà khoa học, ông chịu đựng rất nhiều áp lực khi nghiên cứu và công bố thành quả của mình. Nhưng sau đó, ông nhận ra mình phải thay đổi, và ông đầu tư thời gian vào công việc giảng dạy - nơi kết nối con người, thay vì vùi mình vào sách vở.
Còn bạn thì sao? Hãy nhớ, nền tảng của hạnh phúc là các mối quan hệ tốt đẹp. Đó là gia đình, là bạn bè thân thiết, là tri kỷ.
Đầu tư thời gian để xây dựng điều đó, đừng để phải hối hận.

Nguồn: The Washington Post, Ed Talk

Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

Thế nào là “thông minh kiểu Việt Nam và Trung Quốc”?

Nhiều người Việt Nam và Trung Quốc có cùng một suy nghĩ giống nhau, đó là hay cười nhạo người Tây phương ngu ngốc, không hiểu chuyện đời, “não không có nếp nhăn”, và bản thân họ lấy làm tự mãn. Vậy rốt cuộc thông minh theo kiểu người Việt Nam và Trung Quốc là như thế nào?
Gần đây, một kênh truyền thông New Zealand đã đăng một bài viết nói về “thông minh kiểu Trung Quốc” và nhận được sự chú ý của đông đảo người sử dụng internet. Tác giả bài viết tự nhận là người Hoa, đã nhận định rằng “thông minh kiểu Trung Quốc” chính là không màng trắng đen hay thị phi, không cần biết thật giả hay đúng sai, có sơ hở liền lách vào, có tiện nghi liền chiếm lấy. “Thông minh kiểu Trung Quốc” chính là không màng chính nghĩa hay tà ác, bất cứ lúc nào cũng có thể vì bảo hộ bản thân mình mà làm trái lương tâm. “Thông minh kiểu Trung Quốc” chính là để cho người khác phải phó xuất và gặp nguy hiểm, còn bản thân mình những gì mười phần có lợi sẽ giành lấy hết. Kỳ thực, “thông minh kiểu Trung Quốc” chính là không nói đến thành tín, ức hiếp người thiện lương, chính là các giá trị đều đã đảo lộn, không xét đến quy tắc…
Nhiều người Việt có người thân là Việt Kiều ở Mỹ, có thể đã nghe câu chuyện về việc hàng hóa sau khi mua ở Mỹ có thể được trả và lấy lại tiền mà không cần phải giải thích lý do. Vì vậy, nhiều người khi chuẩn bị tham dự một sự kiện nào đó, liền đến “mua” một bộ quần áo, sau khi tham dự sự kiện xong rồi, lập tức mang trả lại quần áo để lấy tiền về.
Hệ thống bán hàng ở Mỹ còn có một chính sách đáng chú ý, gọi là Price Match. Với chính sách này, nếu bạn mua một sản phẩm sau đó chứng minh được sản phẩm này bán giá rẻ hơn giá tại cửa hàng nào khác, thì có thể được mua sản phẩm với mức giá tương đương mức giá mà bạn tìm thấy. Do vậy, có một số người, khi đi mua hàng với giá đắt hơn những nơi khác, họ không hề mặc cả, mà lại chọn những màu sắc hay kích cỡ (mà ở các cửa hàng khác không có), sau đó khi tìm được cửa hàng nào có mức giá rẻ hơn thì sẽ mang hóa đơn quay lại nơi mua hàng để được giảm giá.
Những người này dương dương tự đắc với hành vi của bản thân, đi đến đâu cũng tự cho rằng bản thân mình thông minh, thậm chí còn đặt câu hỏi sao những người khác quá “ngu ngốc”, không biết lợi dụng “kẽ hở” này.
Bài viết của tác giả người Hoa trên truyền thông New Zealand còn liên hệ đến tỷ phú Warren Buffett. Rất nhiều nhà đầu tư hỏi về tiêu chí chọn đầu tư cổ phiếu của ông Warren Buffett, và thông thường ông hay nhấn mạnh rằng ông rất coi trọng sự thành tín của giám đốc điều hành công ty, nếu không phải công ty làm ăn chân chính, ông nhất định sẽ không lựa chọn đầu tư. Với ông, lợi nhuận không phải là yếu tố hàng đầu, mà là chữ tín.
Một người Hoa đưa đứa con nhỏ mới 3 tuổi đến Mỹ du lịch và ở tại nhà người thân. Người nhà đã đưa cho người Hoa này một chiếc ghế ngồi ô tô dành cho trẻ nhỏ và nói: “Ở đây quy định trẻ nhỏ khi đi xe nhất định phải dùng loại ghế này, tôi đưa cho anh dùng, nhưng vì là ghế đi mượn, nên anh phải giữ gìn cẩn thận, vì chúng ta sẽ phải trả lại cho người ta.” Hai tuần sau khi không dùng xe ô tô nữa, chiếc ghế này đã được đem đến trả lại cửa hàng. Người bán hàng không hỏi lý do tại sao, chỉ đơn giản là đưa đủ số tiền cho người trả hàng. Người nhà liền tự hào nói: “Các cửa hàng ở Mỹ đều như vậy, nếu mua hàng trong vòng 2 tuần thì đều có thể mang hóa đơn đến và trả lại, do đó chúng tôi thường đến đây ‘mượn’ một số đồ đạc. Nhiều người Đại lục thậm chí còn mượn cả TV. Anh nói xem, người Mỹ có ngốc hay không chứ? Trả lại hàng vô điều kiện đúng là sơ hở quá lớn, vậy mà họ còn chẳng biết điều đó!”
Một năm sau, người Hoa này đến Nhật Bản, một số bạn bè đồng hương ở Nhật đã tiếp đón và dùng ô tô để đi lại. Người Hoa này hỏi: “Tokyo đất chật người đông, có phải là rất khó đỗ xe không?”
Đồng hương trả lời: “Không nghiêm trọng đến như vậy đâu, chính phủ quy định cần có chỗ để xe trước rồi sau đó mới được phép mua xe, vì vậy mà không có nhiều xe như anh nghĩ đâu.”
“Ồ, vậy tức là anh có một bãi đỗ xe riêng sao? Chắc là phải đắt đỏ đến mức cắt cổ có đúng không?”
“Anh nghĩ là ai cũng ngốc giống người Nhật Bản sao! Muốn mua xe thì trước tiên đi thuê một chỗ ở bãi đỗ xe, sau khi mua xe xong thì trả lại chỗ đó, vậy chẳng phải là vấn đề được giải quyết hay sao?”
Hai ngày sau, một số bạn bè người Nhật đến đưa người Hoa này đi chơi, họ đi bộ hoặc là đi bằng tàu điện ngầm. Những người bạn Nhật phân trần rằng: “Tokyo mua xe thì dễ, nhưng tìm chỗ đỗ xe thì không dễ dàng gì. Do đó, anh chịu khó đi tàu điện ngầm vậy nhé.”
Người Hoa này lập tức truyền cho anh ấy cách để giải quyết vấn đề. Không ngờ rằng anh ấy đã không “ngộ đạo” mà còn dửng dưng nói: “Nếu muốn lợi dụng sơ hở, thì có nhiều cách lắm. Ví dụ như mẹ tôi sống ở quê, nếu muốn thì có thể dùng hộ khẩu cũ là mua được xe. Nhưng thực tế thì tôi định cư ở Tokyo, không có chỗ đỗ xe mà lại mua xe, vậy thì những người hàng xóm sẽ nhìn tôi như thế nào? Lái xe đi làm, tôi phải đối diện với đồng nghiệp ra sao? Cấp trên và những người đàng hoàng sẽ không làm như vậy.”
Cơ chế trả lại hàng vô điều kiện ở Mỹ và những quy định đầy lỗ hổng ở Nhật, đều được xây dựng trên cơ sở “tín nhiệm”. Nếu sự “tín nhiệm” sụp đổ, thì xã hội cũng sẽ có thể sụp đổ. Do đó, ở xã hội Tây phương, người ta có thể tha thứ cho các chính trị gia làm sai, nhưng không thể tha thứ cho những chính trị gia nói dối.
Nếu như chúng ta “giả đổi thành thật, thật cũng giả”, mỗi người đều hư hư thực thực, thì toàn xã hội sẽ vận hành trên cơ sở “hoài nghi”. Tư duy ảnh hưởng đến hành vi, mà hành vi của mỗi cá nhân sẽ ảnh hưởng rộng ra đến dịch vụ kinh doanh và vận hành xã hội.
Khi đi tàu điện ngầm tại Rome bạn sẽ phát hiện rằng có máy bán vé nhưng không có soát vé. Chắc hẳn bạn sẽ thấy lạ lắm phải không? Làm thế này làm sao kiểm soát được xem hành khách lên tàu có mua vé hay không? Vận hành tàu điện ngầm thế này chẳng phải sớm muộn gì cũng bị lỗ hay sao?
Đây chính là cách nghĩ quen thuộc của chúng ta, luôn liên tưởng mọi chuyện theo kiểu khôn vặt hoặc vì tham lợi nhỏ cho bản thân mình. Đối với người Ý mà nói, nếu chúng ta hỏi câu hỏi này thì thật kỳ lạ. Đi xe có thể không mua vé chăng? Đi xe làm sao có thể không mua vé cho được? Cách nghĩ, cách tư duy của hai bên quả có sự khác biệt lớn.
Nếu như bạn thực sự muốn biết có thể đi tàu mà không cần mua vé hay không, thì câu trả lời là có thể, hoàn toàn có thể lên tàu đi một vài trạm, nhưng phải đảm bảo không để cho giới quản lý ở Ý biết được, nếu biết họ nhất định sẽ phạt bạn. Và sau này nếu bị phạt nhiều lần, có thể tạo thành tiếng xấu ở nước ngoài, thật sự là cái được không bõ cho cái mất!

Hồng Ngọc

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Chuyện của mãnh hổ và chó điên: Đọc và ngẫm, hầu hết chúng ta sẽ có "thu hoạch"!

Một con hổ dũng mãnh đã làm gì khi gặp một con chó điên? Cách mà nó chọn trong câu chuyện dưới đây thực sự đã gợi mở cho chúng ta rất nhiều.

Một con hổ nhìn thấy một con chó điên, nó vội vã tránh ra thật xa. Hổ con nói với bố: "Bố ơi, bố dám đấu với sư tử, dám tranh hùng với báo săn, vậy mà lại phải tránh một con chó điên, thật mất mặt quá!"
Hổ bố hỏi: "Theo con, đánh bại một con chó điên có vinh quang không?"
Hổ con lắc đầu.
"Để con chó điên cắn phải một nhát, có đen đủi không?"
Hổ con gật gật đầu.
"Đã như vậy, chúng ta việc gì phải động chạm đến một con chó điên? – Không phải người nào cũng có thể coi làm đối thủ của con, không nên tranh biện với những người không có tố chất, cứ mỉm cười một cái rồi tránh thật xa, đừng để họ cắn được con.
Điều này nhất định con phải nhìn cho thấu đáo, bởi lẽ trong thực tế cuộc sống này, vẫn có rất nhiều người đang đấu với chó điên mà không ý thức được vấn đề."

Tản mạn những câu chuyện điển hình
Vào một ngày hè của năm 2014, tại Đan Mạch xảy ra một vụ án giết người. Người phụ nữ bị hại nhất định chưa từng nghe đến "Quy luật kẻ rác rưởi!" Khi người bình thường gặp phải những kẻ cặn bã, chớ dùng những cách bình thường để công kích hay phản ứng với họ. 
Hy vọng rằng những người lương thiện ghi nhớ thật kỹ điều này!
Đầu tháng 5/2015, việc một nam tài xế người Thành Đô, Trung Quốc đã ra tay đánh một nữ lái xe ngay trên đường phố vì người phụ nữ đột ngột thay đổi làn đường càng cho thấy mỗi chúng ta nên nhớ thật kỹ "Quy luật kẻ rác rưởi".
Trong vụ việc này, nữ lái xe đã không tuân thủ quy định giao thông, tùy tiện thay đổi làn đường, gây mất an toàn cho người khác, cô ta là một mẫu người "rác rưởi" điển hình.
Còn nam tài xế kia là một mẫu người nóng nảy, việc anh ta đánh phụ nữ giữa phố cũng đã khiến anh ta tự biến mình thành một kẻ "rác rưởi".
Người phụ nữ đã phải trả giá theo cách bị người khác đánh, thậm chí còn bị phạt vì vi phạm quy định an toàn giao thông. Còn người đàn ông phải chịu trách nhiệm hình sự, phải chịu hình thức xử lý nặng hơn.
Một cặp tình nhân ăn tối trong nhà hàng. Cô bạn gái xinh đẹp bị gã đàn ông say rượu ở bàn bên cạnh trêu chọc. Cậu bạn trai thấy vậy nói, dù sao cũng ăn xong rồi, chúng ta đi đi.
Cô bạn gái vùng vằng: "Sao anh tồi thế, anh có còn là đàn ông không?"
Cậu bạn trai đáp lại, rằng mình không muốn đấu với kẻ lưu manh. Cô bạn gái bắt đầu nóng nảy, sau khi mắng xong bạn trai lại tiếp tục quay sang mắng đám đàn ông say rượu, kết quả là bị đám người đó vây lại đánh.
Cậu bạn trai bị đâm 3 nhát dao, tử vong tại bệnh viện. Trước khi chết, cậu hỏi bạn gái một câu: Bây giờ anh đã được coi là đàn ông chưa?
Trong xã hội hiện đại ngày nay, dường như đã không còn cái gọi là giới hạn đạo đức cơ bản. Bi kịch ập đến với con người ta chỉ sau một suy nghĩ thiếu chín chắn, thực sự rất đáng sợ.
Một người bạn của tôi đang lái xe đúng làn đường của mình. Đột nhiên một chiếc xe màu đen khởi động từ vị trí đỗ xe, xuất hiện ngay trước đầu xe của bạn tôi.
Anh vội phanh gấp, chiếc xe trượt đi một đoạn đường, chỉ cách vài cm nữa là 2 chiếc xe đã va chạm với nhau.
Người lái chiếc xe đen như nổi điên, nhảy xuống quát tháo chúng tôi. Nhưng anh bạn tôi chỉ cười, vẫy tay chào đối phương rồi đi.
Ý của tôi muốn nói ở đây là: Biểu hiện của bạn tôi rất lương thiện. Tôi hỏi anh: "Sao lúc nãy anh lại làm vậy? Suýt chút nữa người ta đã làm hỏng xe của anh, thậm chí có thể làm hại chúng ta."
Anh bạn tôi giải thích: "Không ít người cư xử như những ‘kẻ rác rưởi’, họ suốt ngày chạy đi chạy lại khắp nơi, trên người đầy rác rưởi, đầy khó chịu, bực dọc, đố kỵ, tính toán, thù hận, đầy ngạo mạn và phiến diện.
Họ tham lam không biết thỏa mãn, họ oán hận, so đo, chẳng nhìn thấy người hay thứ gì tốt đẹp xung quanh, ngu muội, vô tri, phiền não, có tâm lý muốn báo thù nhưng trong người chỉ có cảm giác thất vọng.
Và như thế, rác trong lòng mỗi lúc một nhiều thêm, buộc họ phải tìm chỗ để trút xuống.
Có những lúc, chúng ta gặp đúng phải người như thế và rác cứ thế bị đổ lên người chúng ta…

Cho nên, không cần phải để ý! Chỉ cần mỉm cười, vẫy tay, tránh xa họ ra và tiếp tục công việc của mình. Những con người thông minh và lương thiện, tuyệt đối đừng tiếp nhận rác từ họ để rồi sau đó lại mang rác đó trút lên người nhà, bạn bè, đồng nghiệp hay những người đi đường khác."

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Bí mật phong thuỷ linh thiêng của Hồ Tây, ngay cả Cao Biền cũng không thể phá giải

Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 
Cách đây gần 200 năm, khi vãn cảnh Tây Hồ, nhà thơ Cao Bá Quát từng rung động trước cảnh sắc mỹ lệ của chốn “danh thắng đệ nhất kinh kỳ” ấy mà thốt lên rằng: Tây Hồ đích thực là nàng Tây Thi!
Quả thật, ai cũng biết Hồ Tây rất đẹp. Nhưng đằng sau cái long lanh sóng nước, đằng sau cái lãng đãng sương mờ ấy, Hồ Tây lại ẩn chứa biết bao điều bí ẩn lạ kỳ…
Phải nói rằng hiếm có nơi nào quy tụ nhiều truyền thuyết và thần thoại như ở Hồ Tây, mà mỗi truyền thuyết, mỗi thần thoại lại gắn liền với những địa danh trên hồ. Và nếu dạo một vòng quanh Hồ Tây, ta sẽ có cảm giác như dưới mỗi bước chân đi đều có một sự tích, một huyền thoại nào đó: Từ bến bắt thuồng luồng đến đảo cá vàng Kim Ngư; Từ cây muỗm Quán Trấn Vũ đến cây thị cổ thụ trước sân đình Quán La; Từ đầm Xác Cáo gắn liền với sự tích Lạc Long Quân diệt hồ ly tinh, cho đến đền Kim Ngưu giải thích cho câu chuyện Trâu Vàng dưới đáy hồ; Từ miếu thần Cẩu Nhi kể chuyện Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi trong thời điểm Lý Công Uẩn dời đô, được vua phong làm Phúc thần và cho lập miếu thờ, đến bảy cây gạo huyền thoại, tương truyền là do bà Lạc phi – vợ của Lạc Long Quân – trồng để ghi dấu bảy trứng nở bảy rồng bay khắp nước non.
Và tất nhiên, cũng không thể không nhắc đến rất nhiều đền, chùa, miếu, quán, là nơi thờ cúng các vị Phật – Đạo – Thần và danh nhân lịch sử, như Phủ Tây Hồ thờ Tiên chúa Liễu Hạnh; đền Quán Thánh thờ Huyền Thiên Trấn Vũ – một trong bốn vị thần trấn giữ kinh thành Thăng Long; chùa Thiên Niên thờ bà chúa dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô – thứ phi của vua Lê Thánh Tông; hay chùa cổ Trấn Quốc – trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long dưới thời Lý, Trần.
Có ý kiến cho rằng, đứng trước Hồ Tây người ta luôn thấy choáng ngợp trước cái mênh mông và rộng lớn. Nhưng đó không chỉ là cái bao la của khoảng cách dài – rộng, mà còn là chiều sâu văn hóa và bề dày của hơn 4000 năm lịch sử nước nhà.
Vậy, yếu tố nào khiến Hồ Tây đặc biệt đến thế, khiến hồn thiêng núi sông ngàn năm có thể lắng đọng lại nơi này?

Thăng Long – Tinh hoa của đất Việt

Khoảng 1200 năm trước, tướng Cao Biền nhà Đường sang nước ta làm An Nam tiết độ sứ. Vốn là bậc thầy phong thủy, Cao Biền đã phát hiện một mạch đất cực lớn thuộc loại “đại cán long” xuất phát từ núi Côn Lôn bên Trung Quốc, chạy đến Việt Nam chia làm ba chi lớn, trong đó có hàng chục ngôi đất xuất sinh thiên tử và hàng nghìn ngôi đất lớn nhỏ sẽ sinh ra các bậc anh tài. Bởi vậy, có thể nói vùng đất Giao Chỉ có linh khí đặc biệt, là nơi địa linh nhân kiệt, có thể sản sinh ra những bậc hiền tài.
Truyền thuyết dân gian kể rằng, Cao Biền đã đi khắp nơi để tầm long điểm huyệt, ông không ngờ trên dải đất phương nam nhỏ bé kia lại có nhiều điểm huyệt quý giá đến vậy. Thậm chí, ông đã ghi chép lại toàn bộ những địa điểm được cho là long mạch của Giao Chỉ và tổng hợp thành cuốn “Cao Biền tấu thư địa lý kiểu tự” trình lên vua Đường. Cho đến nay, người đời vẫn truyền tụng nhiều câu chuyện về việc Cao Biền trấn yểm long mạch, từng chạm trán Tản Viên Sơn Thần ở Ba Vì, hay gặp thần Long Đỗ trong giấc mộng ở thành Đại La.
“Đệ nhất đại huyết mạch, đế vương quý địa”
Sách “Lĩnh Nam Chích Quái” có câu chuyện kể về thuật phong thuỷ của Cao Biền, nhưng cả “Đại Việt sử ký toàn thư” và rất nhiều sách chính sử khác đều né tránh điều này. Nói cách khác, chính sử có xu hướng loại bỏ những yếu tố thần bí và tâm linh, trong khi các yếu tố huyền sử chỉ được tìm thấy trong truyền thuyết dân gian.
Tương truyền, Cao Biền sớm nhận thấy vùng đất mà về sau là kinh thành Thăng Long có vượng khí cực thịnh, nên gọi đây là nơi “đệ nhất đại huyết mạch, đế vương quý địa”, đáng chú ý là:
·         Giao châu hữu chi địa, thăng long thành tối hùng
(Giao Châu có một ngôi đất, thế rồng bay cực kỳ hùng mạnh)
·         Tam hồng dẫn hậu mạch, song ngư trĩ tiền phương
(Ba sông lớn dẫn mạch phía sau, hai con cá dẫn đường phía trước)
·         Tản Lĩnh trấn Kiền vị, đảo sơn đương Cấn cung
(Núi Tản Lĩnh trấn tại phương Kiền, núi Tam Đảo giữ tại cung Cấn)
·         Thiên phong hồi Bạch Hổ, vạn thủy nhiễu Thanh Long
(Nghìn núi quay về thành Bạch Hổ, muôn dòng uốn quanh tạo Thanh Long)
·         Ngoại thế cực trường viễn, nội thế tối sung dong
(Thế bên ngoài rộng dài, thế bên trong mạnh mẽ)
·         Chúng sơn giai củng hướng, vạn thủy tận chiều tông
(Mọi núi non đều quy phục, các dòng nước về chầu)
·         Vị cư cửu trùng nội, ức niên bảo tộ long
(Là nơi đế vương ở, bền vững chục vạn năm)
Cao Biền cũng sớm nhận ra vị trí trọng yếu của Hồ Tây. Nếu coi Thăng Long là long mạch vượng khí cực thịnh thì Hồ Tây chính là cái rốn trung tâm của long mạch ấy. Sử sách cũ có chép rằng, Cao Biền sang nước Việt đã trấn yểm nhiều long mạch nhưng chỉ Hồ Tây là không thể đụng chạm tới. Sách “Tây Hồ chí” chép: “Cao Biền sang phá những thắng địa của nước Nam ta, đến Hồ Tây thì thấy kiểu đất Phượng Hoàng ẩm thủy liền tâu sớ về triều. Lại xuống Sơn Nam, khai thông làm đứt long mạch, có thần núi hoá trâu vàng chạy ẩn vào hồ“. Như thế đủ thấy dù nhận ra vị trí đắc địa, huyệt mạch của Hồ Tây nhưng bậc thầy phong thuỷ Cao Biền cũng không cách nào phá giải được.
Long chầu hổ phục, sông tụ núi chầu
Quả thật, không ngẫu nhiên mà Thăng Long được gọi là nơi có thế đất “long chầu – hổ phục”, là nơi “sông tụ – núi chầu”. Hơn 1000 năm trước, khi Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (Hà Nội), vua đã viết trong “Chiếu dời đô” rằng:
“Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước (…) Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.”
Bởi vậy mà kể từ khi Lý Thái Tổ chọn Đại La làm kinh đô và đặt tên là Thăng Long, nước ta từ một quốc gia bé nhỏ mất quyền tự chủ gần 10 thế kỷ, đã vươn mình mạnh mẽ, thiết lập được nền thịnh trị lâu dài, không những thế còn nhiều lần đánh bại những đội quân phương Bắc hùng mạnh của các triều đại phong kiến Trung Hoa.
Điều ấy cũng được thể hiện trong hai câu đối trên cổng chùa Quán Thánh:
“Hữu quốc gia dĩ lai, vượng khí kinh kim tồn nhạc độc 
Trung thiên địa nhị lập, thần quang cái cổ trấn quy xà”
(Từ khi có quốc gia đến nay, vượng khí vẫn tồn giữ nguyên vẹn khắp sông núi,
Đứng trong trời đất, Thần quang trấn áp được các loài ác quái hơn cả khi xưa)
Điểm sáng “Mắt Rồng”
Và nếu nhìn xa hơn nữa, ta sẽ thấy cái đắc địa của thế đất, thế sông đều tụ họp ở nơi kinh kỳ này.
Đất nước Việt Nam cong cong hình chữ S giống như một con rồng uốn lượn. Trên “đỉnh đầu” là vùng núi phía Bắc với những dãy núi cao hiểm trở. Phần “mặt rồng” đất đai bằng phẳng với mạng lưới sông ngòi chằng chịt, được gọi là đồng bằng Bắc Bộ. Chạy dọc theo “thân rồng”, kéo dài từ phía Bắc tới cực nam Trung Bộ là những dãy núi trùng điệp, sát cạnh đó là dải duyên hải miền Trung dài và hẹp. Cuối cùng là “bụng” và “đuôi rồng”, chính là miền Nam Bộ, là đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn, đất đai màu mỡ phì nhiêu, hoa trái hai mùa tươi tốt.
Và ở đây ta bắt gặp một sự tương đồng, sự tương đồng đến lạ kỳ khi đặt tấm bản đồ Việt Nam bên cạnh “Nội kinh đồ” – bức đồ hình cổ xưa và bí ẩn trong Đạo gia.

Hình phải: Bản đồ địa hình Việt Nam ; Hình trái: “Nội kinh đồ”. Mô tả sơ lược về Nội kinh đồ hình: Trên đỉnh đầu là núi non trùng điệp; Sau đó chạy dọc theo xương sống với các dãy núi đồi và rừng cây; Cuối cùng xuống vùng bụng và đan điền, tương ứng với mảnh đất canh tác màu mỡ, phì nhiêu.
Vì sao lại có sự tương đồng kỳ lạ đến thế? “Nội kinh đồ” (內經圖) không phải là bản đồ quốc gia, cũng không phải là mô tả địa lý của bất kỳ vùng đất nào. Thực chất, đây là bức đồ hình về dưỡng sinh và tu luyện thân thể người, trong đó ẩn chứa các bí mật về tu tiên, luyện đạo, cũng như các đường kinh mạch và huyệt vị. Người nào giải mã được “Nội kinh đồ” sẽ có thể tu hành đắc đạo, đạt được trường sinh, do đó đây còn được gọi là “duyên thọ tiên đồ”. Điểm đặc biệt của “Nội kinh đồ” là các đường kinh mạch và huyệt vị, cũng như các nội tạng chủ chốt trong cơ thể được thể hiện trên một bức tranh sơn thủy, có hồ có núi, có con người, có lâu đài đền quách, có ruộng nương, v.v., giống hệt như tấm bản đồ địa lý hoàn chỉnh.
Tất nhiên, tác giả của “Nội kinh đồ” không hề có ý mô tả Việt Nam trong bức đồ hình. Nhưng từ sự trùng hợp lạ kỳ đó, thì xét từ góc độ phong thủy, ta sẽ thấy địa hình Việt Nam cũng giống như một cơ thể hoàn chỉnh, được tạo hoá hữu ý sắp đặt một cách thần kỳ. Chẳng thế mà cổ nhân vẫn thường nói: đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, văn hiến ngàn đời.
Vậy thì, nếu đối chiếu theo “Nội kinh đồ”, kinh thành Thăng Long đứng ở vị trí nào? Chính là Mắt Rồng – vị trí được minh họa giống như mặt trời đỏ rực trên đồ hình. Trong nguyên tác tiếng Hán, vị trí này được mô tả là “昇法之源 (thăng pháp chi nguyên), tạm hiểu là ‘cái gốc để pháp thăng cao’.

Hồ Tây – Tinh hoa của Thăng Long

Tất cả những điều trên nói với chúng ta rằng, Thăng Long là vùng đất linh thiêng, vùng đất thần thánh, là điểm sáng tâm linh, cũng là tinh hoa của nước Việt.
Vậy còn Tây Hồ? Hồ Tây nằm giữa đất kinh kỳ, cũng có thể coi là trung tâm của cố đô xưa. Khi xây thành Đại La (về sau là thành Thăng Long), Cao Biền đã gọi Hồ Tây là “não thủy”, ý nói rằng đây là nơi yếu huyệt của kinh thành. Trong sách ‘Tây Hồ chí’ cũng viết: “Thăng Long là thắng địa của phương Bắc, mà Tây Hồ là một thắng cảnh của đất Thăng Long” – điều ấy nói nên rằng, nếu như Thăng Long là tinh hoa của đất Việt, thì Hồ Tây lại là nơi tinh hoa trong cái tinh hoa ấy.
Trải qua hàng ngàn năm, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, Hồ Tây vẫn mãi là một địa danh linh thiêng với nhiều truyền thuyết thần kỳ. Tất cả những sự tích bên lề giống như chuỗi “vành đai tâm linh” ôm lấy hồ Tây. Nếu ví Hồ Tây là nhụy hoa thì những Trấn Quốc, Tĩnh Lâu, Thiên Niên, Tảo Sách, Kim Liên… lại tựa như cánh sen bao bọc lấy đài nhụy thuần khiết… Ở mỗi nơi tôn kính ấy là kho tàng câu chuyện về cõi tâm linh, là câu chuyện hư mà thật, thật mà hư bên màn sương mờ ảo Hồ Tây.

Hồng Liên

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Ly kỳ chuyện người phụ nữ tinh thông số mệnh muốn sinh con làm Thiên Tử

Muốn con mình trở thành Thiên Tử, người phụ nữ này lại sinh ra hai người con là Trạng Nguyên và đều là những nhân tài hiếm có trong lịch sử.

Chỉ có ước vọng duy nhất: Sinh ra con là bậc Thiên Tử 

Vào thời là Lê ở làng An Tử Hạ, huyện Tiên Minh, xứ Hải Dương (nay thuộc xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) có người phụ nữ thông minh đặc biệt tên là Nhữ Thị Thục – sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng danh giá, con gái của quan Thượng thư bộ Hộ, tiến sĩ Nhữ Văn Lan.
Là gia gia đình khoa bảng nên bà thông minh và học rất giỏi, tính tình quyết đoán, thông kinh sử; không chỉ thế bà thông tỏ cả dịch lý, tướng số, mang chí lớn của bậc trượng phu.
Biết tướng mạo của mình sẽ sinh quý tử, lại thấy khí số nhà Lê đã đến hồi suy tàn và mất, nên bà quyết phải lấy được người người chồng có số làm vua hoặc có số sinh ra được con thành bậc Thiên Tử tử này.
Chính vì thế mà dù sinh trưởng trong gia đình quý tộc, có rất nhiều trang tuấn kiệt được giới thiệu hay để mắt đến bà đều lần lượt từ chối, bởi bà biết rằng vận mệnh họ chỉ làm quan phục tùng Vua mà thôi, tuổi trẻ của bà dần trôi qua với những cuộc giao du sơn thủy.
Vào những cuối của thời trẻ bà đã gặp được ông đồ nhà quê ít tiếng tăm tên là Nguyễn Văn Định ở huyện Vĩnh Lại (tức Vĩnh Bảo ngày nay), sở dĩ bà Nhữ Thị Thục đến với ông vì và biết rằng ông có tướng sinh ra quý tử.
Tương truyền thì bà Thục đã tính toán rất cẩn thận ngày giờ hợp cẩn nhằm sinh ra con có thể lên ngôi Thiên Tử – đây là mong ước lớn nhất cả đời của bà.
Đêm tân hôn bà dặn đi dặn lại chồng rằng khi trăng lên đến đầu ngọn tre mới được động phòng. Ông Nguyễn Văn Định cứ phải đi qua đi lại ngoài sân, rồi cứ liên tục ngước nhìn ngọn tre mong cho sớm đến giờ. Giai thoại lưu truyền trong dân gian kể rằng ông Nguyễn Văn Định sốt ruột mà động phòng hơi sớm vì thế mà dù sinh con là bậc thiên tài nhưng cũng không thể làm được Thiên Tử.
Sau đó bà thụ thai, sau khi sinh con đặt tên là Nguyễn Văn Đạt, là tên khai sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này.
Bà Nhữ Thị Thục rất kỳ vọng vào con nên ngày từ thuở nhỏ đã chăm sóc dạy dỗ rất chu đáo, từ khi mới sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm được mẹ hát ru bằng những câu dân ca hoặc những vần thơ do bà sáng tác.
Theo truyện kể trong dân gian thì Nguyễn Bỉnh Khiêm đầy thôi nôi đã biết nói, lên 4 tuổi đã được mẹ dạy học thuộc lòng các bài chính nghĩa của kinh, truyện cùng với mười bài thơ Nôm.
Công lao dạy dỗ của bà đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắc đến trong bài “Tựa Bạch Vân am” của ông.
Vì muốn con sau này làm Vua, vì thế mà bà Nhữ Thị Thục có những xích mích với chồng, trong dân gian vẫn còn lưu truyền lại câu chuyện những xích mích này.
Một lần khi bà Nhủ Thị Thục đi chợ, ông Văn Định ở nhà buộc dây vào cành tre, kéo lên, kéo xuống cho con chơi và nói “nguyệt treo cung, nguyệt treo cung!”
Tưởng con không biết gì, ai ngờ Nguyễn Bỉnh Khiêm nói “vịn tay tiên, nhè nhẹ rung”
Thấy vợ đi chợ về, ông Văn Định kể lại chuyện khoe, chẳng ngờ bà lại nói “nguyệt tượng trưng cho bầy tôi! Nuôi con mong thành Vua, thành Chúa, chứ thành bầy tôi thì nói làm gì”.
Lần khác lúc vợ đi vắng, ôngVăn Định lấy sách của vợ tìm một câu để dạy con, thấy câu: “Bống bống, bang bang, ngày sau con lớn, con tựa ngai vàng”.
Ông Văn Định hoảng sợ, lo con đọc có khi bị cho là tội phản nghịch bị chém đầu bèn sửa chữ “tựa” thành chữ “vịn”.
Bà Thục biết chuyện thì than “sinh con ra, mong con làm ‘vua’ thiên hạ. Nay thầy nó dạy con làm ‘tôi’, chán quá! Rất tiếc thân này là phận gái.”
Khi Nguyễn Bỉnh Khiêm dần khôn lớn, bà thục thấy con mình có tướng mạo rất tốt, hiềm nỗi da hơi dày nên biết dù có là thiên tài cũng chẳng thể làm Vua, bà chán nản bỏ đi, ít lâu sau bà gặp và lấy ông Phùng Chí Công và sinh được một ông Trạng nữa cũng nổi danh đất Việt là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.
Về việc này gia phả họ Phùng ở Phùng Xá, Thạch Thất, Sơn Tây, mang tên “Ký lục tiên tổ sự tích” có ghi như sau: “Khi thân phụ Phùng Khắc Khoan ở Từ Sơn, có gặp một thiếu phụ từ Hải Dương đến. lông mày lá liễu, sắc mặt hơi buồn. Bà đi cùng đường với ông, được chừng một dặm, ông thấy bà nhàn rỗi như đi dạo, bèn trò chuyện, hỏi han. Thấy ông có phúc tướng, bà mới bộc bạch nỗi lòng. Ông rơi lệ cảm động. Hai người kết nghĩa vợ chồng. Qua năm sau, sinh được con trai có tướng lạ, mới 5-6 tuổi mà đã có khí vũ của bậc trượng phu. Bà mừng rỡ bảo ông nên dạy cho nó học, nếu trời xanh không phụ, may gặp thời phò được thiên hạ nghiêng đổ thì chí thiếp mãn nguyện”.
Người dân làng Phùng xá cũng nhà nghiên cứu đều nhìn nhận rằng người phụ nữ Hải Dương ấy mang họ Nhữ, mẹ của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Không phải là Vua nhưng lại là người quyết định thế cuộc

Sức người không thay đổi được thiên định, dù không được làm Vua nhưng hai đứa con của bà Nhữ Thị Thục đều là những nhân tài hiếm có trong lịch sử.
Nguyễn Bỉnh Khiêm dù không phải là vua, nhưng các bậc vua chúa thời đó đều phải tới hỏi ý kiến ông.
Khi vận nước rối bời, vua Mạc Mậu Hợp đến hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm về thế cuộc, Trạnh Trình đã đáp rằng “Ngày sau nước có việc, đất Cao Bằng tuy nhỏ, cũng giữ được phúc đến vài đời”. 7 năm sau vua Mạc bị quân Trịnh đánh bật khỏi Thăng Long, nhớ lời dặn cụ Trạng liền về đất Cao Bằng, quả nhiên giữ thêm được 96 năm nữa.
Khi Nguyễn Hoàng lo lắng bị chúa Trịnh sát hại bèn hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Trình không trả lời chỉ nói rằng
“Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”
Nghĩa là:
“Hoành sơn một dãy, dung thân ngàn đời”
Nguyễn Hoàng liền đến phía nam dãy Hoàng Sơn chính là vùng đất Thanh Hóa, xây dựng cát cứ lập ra nhà Nguyễn sau này.
Khi vua Lê Trung Tông mất, Trịnh Kiểm muốn nhân cơ hội này muốn chiếm ngôi Vua của nhà Lê, bèn hỏi ý kiến Phùng Khắc Khoan, nhưng ông cũng không phải nên làm thế nào bèn phái người bí mật hỏi anh mình là Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm nói rằng “Năm nay thóc giống không tốt, chúng bay nên tìm thóc cũ mà gieo mạ”, “Giữ chùa, thờ Phật thì được ăn oản”
Phùng Khắc Khoan hiểu ý anh mình, nói với chúa Trịnh rằng phải thờ vua Lê thì mới được lâu dài
Sau này con cháu nhà Trịnh nhiều người muốn cướp ngôi nhà Lê, tìm đến Nguyễn Bỉnh Khiêm thì ông đều nói rằng “Lê tồn, Trịnh tại; Lê bại, Trịnh vong” khiến chúa Trịnh không dám cướp ngôi vua Lê. Đến đời vua cuối cùng của nhà Lê là Lê Chiêu Thống mất ngôi thì nhà Trịnh cũng bị diệt.
Nguyễn Bỉnh Khiêm dù không là là Vua nhưng tiếng nói của ông lại quyết định cuộc cờ của các thế lực Vua Chúa thời bất giờ.
Sau này những nhà nghiên cứu về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đều đánh giá cao vai trò của bà Nhữ Thị Thục trong việc giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, giáo sư sử học Trần Quốc Vượng có nhận xét rằng: “Bà Nhữ Thị Thục – thân mẫu danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong ba người phụ nữ nổi tiếng, tài trí hơn người của Việt Nam ở thế kỷ XVI. Đó là Trạng nguyên Linh phi Nguyễn Thị Duệ, Quận công Nhữ Thị Thuận và phu nhân Nhữ Thị Thục”.

Trần Hưng

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

ĐÂY MỚI CHÍNH LÀ CẢNH GIỚI CAO NHẤT CỦA GIÁO DỤC, ĐỌC XONG CHẤN ĐỘNG SÂU SẮC


Một vị giáo viên người Mỹ đang sinh sống và làm việc tại Trung Quốc đã kể câu chuyện như sau:
Buổi sáng sớm sau cơn bão, trong lúc đi dạo bên bờ biển, người đàn ông nhìn thấy ở vũng nước cạn trên bờ cát có rất nhiều cá nhỏ bị cơn bão đêm qua thổi trôi dạt vào bờ. Những vũng nước trên bãi biển này sẽ nhanh chóng bị cát hút khô hoặc bị ánh mặt trời làm cạn kiệt. Khi ấy thì mấy trăm ngàn con cá nhỏ này sẽ bị chết khô.
Người đàn ông này đột nhiên phát hiện trên bờ biển ấy có một bé trai không ngừng nhặt những con cá nhỏ trong vũng nước cạn thả về biển lớn.
Thấy tò mò, anh bước tới hỏi: “Cậu bé, trong vũng nước cạn này có mấy trăm ngàn con cá nhỏ, cháu không cứu hết được đâu.”
“Cháu biết chứ.”, cậu bé trả lời mà không ngoảnh đầu lại nhìn.
“Ồ? Vậy tại sao cháu vẫn còn thả cá đi? Có ai quan tâm đâu?”
“Con cá nhỏ này quan tâm!”, cậu bé vừa trả lời vừa nhặt con cá nhỏ thả về biển lớn.
Câu chuyện này mang ý nghĩa rất hay, lại còn tương ứng với một câu nói của nhà thơ Tagore: “Mục đích của giáo dục là phải truyền tải hơi thở của cuộc sống cho con người.
Vì vậy, giáo dục nên bắt đầu từ việc tôn trọng sinh mệnh, làm con người hướng thiện, mở rộng tấm lòng, giúp con người tự đánh thức “thiện căn” tốt đẹp sẵn có bên trong.
Làm vậy cũng chính là để học sinh có được suy nghĩ “con cá này quan tâm”. Có nghĩa là việc làm của cậu bé không nhất thiết để người khác nhìn nhận, đánh giá ra sao, chỉ cần cậu làm một việc có ích, xuất phát từ tấm lòng lương thiện của mình để cứu những sinh mệnh đang cần giúp đỡ.
Một người may mắn sống sót tại trại tập trung của Đức Quốc Xã được bầu lên làm hiệu trưởng của một ngôi trường trung học ở Mỹ.
Mỗi lần có một vị giáo viên mới đến trường, ông luôn đưa cho vị giáo viên đó một bức thư. Trong thư viết rằng:
Gửi cô/ thầy,
Tôi đã tận mắt nhìn thấy những cảnh tượng mà con người không nên nhìn thấy: Phòng hơi ngạt được kỹ sư có chuyên môn tạo ra; trẻ em bị bác sĩ có học thức uyên bác đầu độc; trẻ sơ sinh bị y tá được huấn luyện chuyên môn sát hại.
Chứng kiến tất cả những điều này, tôi suy nghĩ rằng: “Giáo dục rốt cuộc là vì cái gì?”
Lời thỉnh cầu của tôi là: “Xin hãy giúp đỡ học sinh lớn lên trở thành người có nhân tính thực sự. Chỉ có trong tình huống đó thì khả năng đọc-viết-tính toán mới có giá trị.”
Rõ ràng là con người có mặt tốt và mặt xấu, mặt độc ác và mặt lương thiện. Tuy vậy bản chất của con người là lương thiện, bởi vậy người xưa luôn nói câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện”.
Tuy vậy trong quá trình trưởng thành, người ta phải đối mặt với những cám dỗ về danh-lợi-tình, phần thuần chân, thuần thiện, trong sáng trong bản tính dần bị “mài mòn”. Thay vào đó là sự khôn khéo, lõi đời, tính toán, đố kỵ… Vì vậy, mục đích của người làm giáo dục là rèn luyện con người, khắc phục ác-xấu để chuyển hóa về mặt lương thiện, tốt đẹp.
Cốt lõi của giáo dục là cần thay đổi tâm hồn, thay đổi bản chất của con người chứ không phải chỉ đơn giản là việc truyền đạt khối lượng kiến thức khổng lồ và nắm bắt tri thức.
Chỉ có như vậy con người mới có thể duy trì tiêu chuẩn đạo đức cao thượng để đối đãi với những vấn đề xảy ra trong cuộc sống, chứ không bị cuốn theo dòng chảy của cảm xúc hoặc ngoại cảnh.
Chỉ có như vậy con người mới có thể dùng tấm lòng chân thành để lắng nghe cảm xúc của người khác, dùng trái tim thiện lương để tha thứ cho lỗi lầm của người khác, dùng thái độ bao dung để chấp nhận sự khiếm khuyết của người khác.
Thực tế cũng từng có những bài học quá đau thương về việc không coi trọng bồi dưỡng đạo đức mà chỉ chú trọng thành tích và kiến thức.
Một học trò xuất sắc của một vị Tiến sĩ vì bị loại trong giải thưởng luận văn không ngờ đã nổ súng bắn chết 4 nhà vật lý học không gian, rồi tiếp tục sát hại bạn học được giành giải của mình. Đó là do sự thất vọng về bản thân, sự đố kỵ với người khác đã tạo nên những hành động thiếu lý trí như vậy. Một người có nhiều trí thức nhưng tâm hồn lại không thánh thiện, mang nhiều tâm không tốt thì sẽ tạo họa khôn lường.
Một thiếu niên vì cãi nhau với bạn gái đã chán nản nên lái xe hơi đâm thẳng vào đám người đi bộ trên đường, dẫn đến 2 người chết và 13 người bị thương. Đây cũng là một ví dụ đáng sợ khi con người không có nhân tâm lương thiện.
Ngày nay, giáo dục trong nhà trường chúng ta nhiều khi vẫn bỏ sót vấn đề nhân cách, đạo đức và sự trưởng thành trong tình cảm cơ bản của học sinh. Điều đó dẫn đến sự lạnh lùng và vô cảm đáng sợ của một số học sinh khi đối xử với người khác.
Một nhà giáo dục Nhật Bản từng nói rằng chúng ta phải đào tạo học sinh để chúng “đối mặt với một đám hoa cục dại mà cảm xúc dâng trào phấn khích”. Loại cảm xúc này cũng giống như cảm xúc mà cậu bé quan tâm đến sinh mệnh của mỗi một con cá nhỏ trên bãi cát có được.
Trân trọng con người, kính nể vũ trụ, trời đất là điều mà con người nên làm. Con người không nên vô cớ sát hại những sinh mệnh khác, cho dù nó vô cùng thấp kém. Một người không có chút lòng thương xót đối với động thực vật bậc thấp vốn không có khả năng phản kháng thì có thể mong đợi người đó tôn trọng sinh mệnh khác sao? Ngược lại, khi một người chứa đầy tình yêu thương đối với cỏ cây, hoa lá thì đối với sinh mệnh con người, anh ta có thể không tôn trọng sao?
Người xưa nói: “Không gì đáng buồn hơn trái tim nguội lạnh”. Một người lạnh nhạt vô tình đối với thế giới bên ngoài là người ích kỷ, không quan tâm đến người khác, không biết hy sinh vì người khác. Nếu như cả một thế hệ, hoặc cả một dân tộc trở nên lạnh lùng, thờ ơ thì dân tộc ấy tương lai sẽ như thế nào đây?
Những người làm giáo dục có rất nhiều kiến thức cần truyền đạt cho học sinh. Nhưng bồi dưỡng phẩm chất tư tưởng và giá trị nhân văn tốt đẹp cho học sinh là điều tối quan trọng, đặc biệt là việc đánh thức thiện niệm cơ bản, sự tôn trọng các sinh mệnh trong tâm hồn học sinh.

Châu Yến Lâm