Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

FB Võ Đức Phúc: Đừng ai lên tiếng vì người nông dân hay vì doanh nghiệp cả, hãy vì sự công bằng và sự thật đi.


Link: https://www.facebook.com/NgocBaoChau9999
Mệ ngó qua, ngó lại trên mạng thấy mấy anh chị chửi nhau vụ xuất khẩu hay dừng xuất khẩu gạo vui quá. Để Mệ nhắc lại chuyện cũ "cho đau lòng một số người ơi" luôn.
Lỗi đầu tiên phải nói thuộc về các anh Báo Sạch. Các anh có lòng bảo vệ nông dân nhưng viết thì chưa tới, chưa lột tả hết bản chất vấn đề của việc "tạm dừng hay "cho xuất" về xuất khẩu gạo, đã thế còn đùa cợt với người miền Tây nên mới sinh ra cái chuyện "bị chửi". Mệ nghĩ chẳng có phe nào làm truyền thông bẩn hay ăn gì của DN nào để lên tiếng với sứ mệnh của hạt gạo người nông dân làm ra đâu.
Mệ sẽ bắt đầu từ câu chuyện cũ, cách đây 11 năm rồi, sau đó sẽ nói đến câu chuyện mới về xuất khẩu gạo.
Đó là vào năm 2009, thời điểm này Mệ làm phóng viên của Báo Nông thôn Ngày nay thuộc Văn phòng đại diện tại TP.HCM. Còn anh Phụ Tình làm trưởng đại diện tại Đồng bằng sông Cửu Long, với hai thằng lính ruột là cậu Trương Châu Hữu Danh và Huỳnh Quốc Huy quậy tưng khắp miền Tây khiến Báo NTNN thời ấy khá nổi và có chỗ đứng ở khu vực đó.
Thời điểm đó, ông Trương Thanh Phong (tức Ba Phong, người súc miệng bằng Chivas như một số bạn kols chỉ mặt gọi tên) làm chủ tịch Hiệp hội lương thực VFA, kiêm TGĐ Tổng Công ty lương thực miền Nam Vinafood2, nay đã nghỉ hưu gần cả chục năm rồi.
Báo NTNN chọc đít ông Ba Phong bằng loạt bài điều tra gây tiếng vang về việc Vinafood2 lập công ty 1 đô ở Singapore tên Saigon Food PTE LTD do bà Cao Thị Ngọc Hoa (phó TGĐ Vinafood2 làm giám đốc điều hành) mục đích để mua gạo từ VN với giá rẻ mạt, ép người nông dân, rồi bán cho bên thứ 3 ở nước ngoài kiếm tiền chênh lệch, thực chất là chia chác nhau số lợi nhuận đó trên nỗi đau của người nông dân làm ra hạt gạo.
Mục đích của loạt bài là bảo vệ mồ hôi nước mắt và công sức của người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt lúa. Loạt bài do cậu Hữu Danh, Huỳnh Quốc Huy và anh Ngô Văn Tước dưới sự chỉ huy của anh Bùi Phụ (lúc đó mới nghỉ làm ở Báo Pháp Luật TP.HCM về Báo NTNN, giờ là trưởng đại diện Báo Giao thông tại TP.HCM) tâm huyết làm.
Báo NTNN chọc mũi kim vào đúng cái ổ xuất khẩu gạo đó thì các bà 8 biết chuyện gì xảy ra rồi. Báo lên được vài kỳ thì đột ngột ngưng, nhưng không phải do chỉ đạo từ cơ quan quản lý báo chí mà là do báo tự ngưng. Lý do lúc đó là do anh Lưu Phan, trưởng Văn phòng đại diện của báo tại TP.HCM (giờ là phó tổng biên tập của Báo) đi gặp anh Ba Phong "đàm phán" kiếm được cái hợp đồng truyền thông trị giá 3 tỷ đồng từ VFA trên danh nghĩa tài trợ cho Hội NDVN thông qua Báo NTNN tổ chức giải bóng đá nông dân toàn quốc. Ngầm hiểu đổi lại, báo sẽ không tiếp tục nữa. Anh Ba Phong sẽ được tiếng vì người nông dân mà tổ chức cho họ vui chơi.
Tất nhiên là nhóm tác giả phản ứng không đồng tình. Mệ nhớ lúc đó, Bùi Phụ đập bàn đòi nghỉ việc, còn cậu Huỳnh Quốc Huy thì hận báo quá nên một thời gian ngắn nữa thì chán nản nghỉ luôn, không thèm làm nữa. Cậu Hữu Danh và Ngô Văn Tước thì khéo léo hơn nhưng trong lòng thì ấm ức. Hồi đó, anh em văn phòng ai cũng khen anh Lưu Phan làm kinh tế giỏi, kiếm được hợp đồng truyền thông 3 tỷ đồng thời điểm năm 2009 to lắm, với mức hoa hồng cho người khai thác là 30% trên giá trị hợp đồng. Nhưng nếu những người nông dân miền Tây mà biết chuyện này, chắc chắn họ sẽ bưng chén cơm lên ăn mà chan hòa cả nước mắt.
Hiệp hội lương thực VFA do anh Ba Phong làm chủ tịch thì lấy tiền ở đâu ra để tài trợ 3 tỷ đồng cho giải bóng đá nông dân toàn quốc? Nếu không liên quan chó gì đến loạt bài của Báo NTNN phanh phui tiêu cực về xuất khẩu gạo thì sao phải phải bấm bụng chi tiền? Mà chưa dừng lại ở đó, năm sau VFA còn tiếp tục tài trợ cho giải bóng đá nông dân cao hơn số tiền này nữa. Tất nhiên, nhóm tác giả điều tra loạt bài này không được hưởng 1 đồng nào hoa hồng cả. Một đống người bò ra làm, một số người nằm ngửa hưởng lợi trên mồ hôi và sinh mạng chính trị của họ. Đó cũng là lý do mà cậu Huỳnh Quốc Huy bỏ báo mà đi, mãi đến bây giờ vẫn chưa nói một lời từ biệt.
Đó là câu chuyện cũ chôn giấu cả chục năm rồi về xuất khẩu gạo. Còn bây giờ điệp khúc đó vẫn lặp lại mà còn kéo theo cả một sức ì rất lớn làm nghèo đất nước của hai doanh nghiệp nhà nước lớn là Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood1) và Tổng Công ty lương thực miền Nam (Vinafood2). Báo Sạch phân tích, Vinafood1 ký hợp đồng bán gạo cho Cuba với giá 365 đô/tấn, ký với Malaysia giá 334 đô/tấn, nếu gạo vẫn xuất đều đều thì chắc chắn hai tổng này sẽ lỗ sặc máu khi bán gạo cho nước ngoài rẻ hơn giá thị trường 50 đô/tấn. Nếu ngừng xuất khẩu lúc này thì sẽ kéo giá lúa gạo trong nước giảm xuống vì đang mùa thu hoạch lúa ở ĐBSCL mà gạo không xuất thì thương lái nào dám mua, cho dù giá có rẻ hơn. Và hai tổng sẽ thừa cơ đục nước béo cò, thu mua đủ số lượng để đảm bảo cung ứng gạo cho các hợp đồng lỡ ký với giá rẻ mà không bị thua lỗ, vẫn giữ được cái chức.
Nói đi thì cũng phải nói lại, việc ngừng xuất khẩu gạo cũng khiến nhiều DN tư nhân khác sẽ điêu đứng vì không cung ứng được gạo cho đối tác trong khi đơn hàng đã có sẵn, nguy cơ vi phạm hợp đồng phải bồi thường, chứ không riêng gì người nông dân điêu đứng đâu.
Nông dân sống chết mặc nông dân. Hạt lúa làm ra không ai mua thì kệ mẹ người nông dân, liên quan gì đến các cụ ở các tổng công ty.
Lỗi lớn thứ hai, đó là cách điều hành của người đứng đầu Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Đề xuất Thủ tướng ra lệnh dừng xuất khẩu gạo từ Bộ Công thương mà đề xuất tiếp tục cho xuất khẩu gạo cũng từ đó. Ông Trần Tuấn Anh nghe từ lỗ tai này các tổng công ty lương thực báo cáo về vấn đề phải đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Người điều hành nhưng không biết phân tích vấn đề.
Năm nay Trung Quốc thu mua gấp 6 lần năm ngoái, khoảng 66.000 tấn (trong đó chỉ có hơn 10.000 tấn gạo, còn lại là nếp và các loại khác) nhằm nhò gì so với hàng trăm ngàn tấn gạo của các nước khác thu mua. Sản lượng gạo mỗi năm của VN khoảng chừng 31 triệu tấn, sản lượng dùng để ăn và làm nguyên liệu trong nước chỉ chiếm khoảng chừng 18 - 20 triệu tấn, còn lại là dự trữ và xuất khẩu. So với thông tin năm nay TQ mua gấp 6 lần năm ngoái, dẫu có như vậy, cũng chẳng nhằm nhò gì cả.
Thế nhưng, Bộ Công thương lại tham mưu cho Thủ tướng tạm dừng xuất khẩu để rồi hôm sau lại nghe bằng lỗ tai khác, các DN khác kêu, người nông dân than rớt giá, ảnh hưởng giá gạo trong nước, điêu đứng người trồng lúa, lại đề xuất xin cho xuất khẩu tiếp. Tư lệnh của một Bộ quan trọng về xuất nhập khẩu mà cứ như đùa giỡn trên vận mệnh nền kinh tế của quốc gia.
Cá nhân Mệ không ủng hộ xuất khẩu gạo trong thời điểm dịch này, cũng chẳng ủng hộ tạm dừng xuất khẩu gạo để người nông dân phải khổ vì đó là việc Chính phủ đang làm. Nhưng rõ ràng, khi quan sát sẽ thấy mọi tranh cãi đều có lý khi nhìn ở góc độ này để phê phán quan điểm kia. Mệ chỉ mong người đứng đầu chính phủ, hãy sáng suốt nhìn thẳng vấn đề, chặt cho bằng được cánh tay tài phiệt để nền kinh tế không bị thao túng, phá hoại của những kẻ có lòng tham vô đáy nhưng lại làm cho người nông dân tin tưởng và bớt khổ. Đừng ai lên tiếng vì người nông dân hay vì doanh nghiệp cả, hãy vì sự công bằng và sự thật đi.

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

Ai nắm rõ được quy luật của cuộc chơi, người ấy sẽ thắng.


Link : https://soha.vn/mat-500-do-vi-khong-biet-con-gi-di-len-doi-voi-3-chan-va-di-xuong-bang-4-chan-luat-su-sung-so-khi-nghe-dap-an-20200317224808906.htm

Câu chuyện thứ nhất: Tờ di chúc oái oăm và 17 con lạc đà 

Cách đây rất lâu rồi, có một người đàn ông thông thái sống cùng 3 cậu con trai. Khi tuổi đã cao, ông viết di chúc để lại toàn bộ tài sản cho các con. 

Sau khi lo xong chuyện mai táng, 3 cậu con trai của ông mở tờ di chúc của bố ra và phát hiện được rằng bố họ đã quyết định chia đều toàn bộ của cải của mình cho họ, trừ 17 con lạc đà. Để dạy cho các con một bài học cuối cùng, ông bố đã đặt ra điều kiện rằng 3 người bọn họ sẽ không nhận được một đồng xu nào trong số gia tài kia nếu không tìm được cách chia thành công 17 con lạc đà như trong di chúc. 

Theo bản di chúc này, người con cả sẽ nhận được một nửa số lạc đà, người con trai thứ sẽ nhận được 1/3 số lạc đà và người con út sẽ nhận được 1/9 số lạc đà. Suy đi tính lại, họ vẫn chưa tìm ra được giải pháp nào, thậm chí giữa họ còn xảy ra tranh cãi quyết liệt. 

Người con cả cho rằng nhất định trước khi chết, tinh thần của cha mình không được minh mẫn nên đã dẫn đến nhầm lẫn, vì 17 con lạc đà là số lẻ, làm sao mà chia được một nửa, một phần ba cũng như một phần chín? Có lẽ anh ta nên là người nhận được tất cả, vì đó là truyền thống của cộng đồng, con cả sẽ được thừa hưởng toàn bộ. 

Nghe thấy vậy, người con trai thứ phản bác ngay, lý do là vì vợ anh ta đang ốm yếu và anh ta cần số lạc đà này để nuôi sống gia đình mình. Trong khi đó, người con út thì cho rằng như thế thật không công bằng, lẽ ra anh ta phải được chia 1/6 số lạc đà chứ không thể nào là 1/9 như bản di chúc được. 

Vì không tìm được tiếng nói chung, mâu thuẫn lên cao, 3 anh em đã không thèm nhìn mặt nhau. Họ cũng không cho con cái mình chơi với nhau và thậm chí còn nghĩ đến việc giết bớt lạc đà của người kia đi. 

Tuy nhiên, đến một ngày, được người khác khuyên nhủ, họ đã cùng nhau tới gặp một người thông thái ở trong thành phố và nhờ người này giúp họ giải quyết vấn đề. Sau khi nghe họ kể rõ sự tình, người đàn ông đã suy nghĩ trong vài phút rồi đột nhiên tuyên bố: "Ta đã già rồi. Ta chẳng cần con lạc đà của mình nữa. Ta sẽ cho 3 cậu, các cậu đã có 18 con lạc đà, và giờ đã có thể giải quyết bài toán này rồi đấy". 

Ba anh em chưa hiểu chuyện gì xảy ra, vì thế người đàn ông thông thái bắt đầu đọc lại di chúc cha họ để lại một lần nữa. Người anh cả nhận được một nửa số lạc đà, nghĩa là 9 con, người con thứ nhận được 1/3 số lạc đà, nghĩa là 6 con, người con út nhận được 1/9 số lạc đà, nghĩa là 2 con. 9 + 6+ 2 đúng bằng 17 con, còn thừa một con, họ lại đem trả cho người đàn ông thông thái, không quên kèm theo việc bày tỏ sự khâm phục cũng như lời cảm ơn của họ.

Lời bàn: Câu chuyện về con lạc đà thứ 18 chính là một trong những phương pháp quan trọng khi giải quyết các mâu thuẫn. Nó cũng cho ta thấy khi gặp bế tắc, hãy nhìn vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, nhất định sẽ tìm ra giải pháp.

 

Câu chuyện thứ 2: Ai nắm rõ luật chơi, người ấy sẽ thắng

Một hôm, có một phụ nữ và một nam luật sư ngồi cạnh nhau trên một chuyến bay từ Los Angeles tới New York, Mỹ. Luật sư hỏi người phụ nữ có muốn chơi một trò chơi vui để giết thời gian không. 

Người phụ nữ đang mệt, chỉ muốn nghỉ ngơi, lịch sự từ chối và kéo chớp cửa sổ xuống, ngầm ý báo hiệu bà ta muốn đi ngủ. Tuy nhiên, luật sư thì tiếp tục nài nỉ, giải thích rằng trò này rất dễ và rất vui. "Tôi sẽ hỏi bà 1 câu, và nếu như bà không có câu trả lời thì bà mất 5 đô la và ngược lại". 

Người phụ nữ lại từ chối và cố nhắm mắt ngủ. Thế nhưng, luật sư vẫn chưa bỏ cuộc. "Nếu bà không biết câu trả lời, bà chỉ trả tôi 5 đô, còn nếu tôi không biết câu trả lời, tôi sẽ trả bà 500 đô". 

Ngay lập tức, điều  này thu hút sự chú ý của người phụ nữ. Vả lại, bà ta nghĩ rằng nếu không đồng ý chơi thì sẽ không thể kết thúc được "sự tra tấn" này nên đành phải gật đầu. "Khoảng cách từ trái đất lên mặt trăng là bao nhiêu?", luật sư hỏi trước. Người phụ nữ không nói gì, rút ví ra đưa cho luật sư tờ 5 đô la. "Được rồi, đến lượt bà", luật sư lên tiếng. 

Người phụ nữ hỏi: "Con gì đi lên đồi với 3 chân và đi xuống bằng 4 chân?".

Luật sư cảm thấy bối rối, lấy laptop ra và tìm kiếm đủ nguồn tra cứu nhưng đều không có câu trả lời. Thất vọng, ông ta gửi thư đến hỏi tất cả bạn bè và đồng nghiệp nhưng cũng thất bại. Sau một tiếng đồng hồ, ông ta đánh thức người phụ nữ dậy và đưa cho bà 500 đô la. 

Người phụ nữ nói, "Cảm ơn" rồi tiếp tục giấc ngủ. Quá nôn nóng muốn biết câu trả lời, luật sư lay người phụ nữ dậy và hỏi, "Vậy đáp án là gì?". 

Chẳng nói lời nào, người phụ nữ lại với tay lấy cái ví, và đưa cho ông luật sư tờ 5 đô, rồi lại lăn ra ngủ tiếp. 

Lời bàn: Khi nắm rõ được quy luật của cuộc chơi, biết được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, khả năng nắm chắc phần thắng của bạn sẽ cao hơn.