Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Đông Phụng Việt - Trương Tấn Sang, hãy nhớ anh là “con nhà luật”!

Link : http://quechoa.vn/2013/05/19/truong-tan-sang-hay-nho-anh-la-con-nha-luat/


quantoaMột người bạn vừa nhờ mình chuyển giúp vài dòng tâm sự của anh ấy tới ông Trương Tấn Sang (Tư Sang), hiện là Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng như bạn, mình không thể trao tận tay ông Tư Sang lá thư này, nên mình đưa nó lên blog, hy vọng ông Tư Sang có thể đọc thư qua Internet. 
Bạn mình là đồng môn của ông Tư Sang khi cả hai là sinh viên lớp 5LHC, khóa 5LH, trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, giai đoạn 1990 – 1995. 
Đây là khóa đầu tiên của chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật ở Đại học Tổng hợp TP.HCM. Chương trình đào tạo thử nghiệm này chỉ thực hiện được ba khóa thì người ta ra lệnh dừng.  
Để bạn đọc có thể hiểu thấu đáo tâm tình của bạn mình. Mình xin tóm tắt vài nét về lai lịch chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật của trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. 
Trước 1990, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ đào tạo Cử nhân Pháp lý tại trường Đại học Pháp lý. Mục tiêu đào tạo Cử nhân Pháp lý là cung cấp cán bộ thực thi pháp luật cho hệ thống tư pháp xã hội chủ nghĩa. Cũng vì vậy, lý lịch (nguồn gốc xuất thân) là tiêu chí đầu tiên trong việc xét tuyển sinh viên. Học lực, tư chất thuộc hang thứ yếu. 
Không rõ là từ bao giờ và các diễn biến bên trong ra sao nhưng đến năm 1990, trường Đại học Tổng hợp TP.HCM được phép tuyển sinh cho chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật.
Chương trình này có vài điểm mới: (1) Người muốn học chỉ cần hội đủ điều kiện (tốt nghiệp trung học trở lên) là có thể ghi tên nhập học, không cần phải dự kỳ thi tuyển sinh đại học do Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức hàng năm, cũng do vậy, người học còn được gọi là sinh viên “hệ ghi danh” (bên cạnh các hệ đã có như: chính qui, chuyên tu, tại chức). (2) Chương trình đào tạo được xem là “bản sao” từ chương trình đào tạo Cử nhân Luật của hệ thống Đại học Luật khoa ở miền Nam trước tháng 4 năm 1975. 
Nghe nói tác giả của chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật ở trường Đại học Tổng hợp TP.HCM là ông Triệu Quốc Mạnh. Ông Mạnh từng lấy Cử nhân Luật ở Đại học Luật khoa Sài Gòn. Từng học chương trình Tiến sĩ tại đại học này. Từng là công tố viên cao cấp trong hệ thống tư pháp của Việt Nam Cộng hòa và ông Mạnh còn là… “Việt cộng nằm vùng”. Tháng 4 năm 1975, ông Mạnh từng được ông Dương Văn Minh – Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia. Đây củng là lý do khiến ông Mạnh không được Đảng CSVN tin dùng sau khi Đảng đã “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. 
Với lập luận đã “đổi mới” thì phải có một đội ngũ am hiểu “luật pháp tư sản”, giúp Việt Nam dễ dàng “hội nhập”, ông Mạnh thuyết phục được ông Nguyễn Ngọc Giao – lúc đó là Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp TP.HCM, đứng ra vận động Bộ Giáo dục Đào tạo cho phép thực hiện chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật. 
Chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật khởi đầu vào năm 1990. Vì là thử nghiệm, Đại học Tổng hợp TP.HCM chỉ thành lập Bộ môn Luật, nằm trong Khoa Triết và tuyển sinh khóa đầu tiên, đặt tên là Khóa 5LH (1990-1995). Khóa 5LH có ba lớp: 5LHA, 5LHB và 5LHC. Nghe nói, có tới 3.000 người ghi danh theo học khóa 5LH. Trong đó có chừng 1/3 đã tốt nghiệp hoặc đang theo học một đại học khác. Người ghi danh theo học khóa này thuộc đủ mọi thành phần: thường dân, bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, tu sĩ Công giáo, tu sĩ Phật giáo, mục sư Tin Lành, viên chức chính quyền, cán bộ đảng, thẩm phán, thư ký tòa án, công tố viên, sỹ quan cảnh sát, sĩ quan an ninh, nhân viên hải quan,…   
Bởi chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật ở trường Đại học Tổng hợp TP.HCM là “bản sao” từ chương trình đào tạo Cử nhân Luật của hệ thống Đại học Luật khoa ở miền Nam trước tháng 4 năm 1975, nên gần như toàn bộ giảng viên của chương trình này là những vị đã từng làm giáo sư của các trường Đại học Luật Khoa, Hành chính Quốc gia của Việt Nam Cộng hòa hoặc đã từng theo học bậc Cao học (thạc sĩ) tại các trường này, hay đã từng du học ở phương Tây. Vì thời thế thay đổi, có vị quay trở lại bục giảng sau 15 năm ngồi sửa đồng hồ ở lề đường, có vị quay trở lại bục giảng sau hàng chục năm ngồi tù vì bị nghi là nhân viên C.I.A (do từng sang Mỹ du học)… 
Cũng bởi chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật ở trường Đại học Tổng hợp TP.HCM là “bản sao” từ chương trình đào tạo Cử nhân Luật của hệ thống Đại học Luật khoa ở miền Nam trước tháng 4 năm 1975, nên nó khác hoàn toàn với chương trình đào tạo Cử nhân Pháp lý của trường Đại học Pháp lý. Sinh viên được dạy gần như tất cả những gì mà các trường luật trên thế giới đã và đang dạy sinh viên luật của họ (tất nhiên phải trừ ra các trường luật của những quốc gia cộng sản). Cũng nhờ vậy, sinh viên theo học chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật ở trường Đại học Tổng hợp TP.HCM được học nhiều thứ về khoa học pháp lý liên quan tới lập pháp, hành pháp, tư pháp, hình sự, dân sự, kinh tế, tài chính,… đúc kết từ tiến trình phát triển của nhân loại. Nhiều môn học như: dân luật, kinh doanh, thương mại, hợp đồng,… được dạy trước khi Quốc hội và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành những bộ luật đó.    
Đây cũng là lý do mà Lê Công Định, tuy đã từng tốt nghiệp Đại học Pháp lý, đang làm việc tại Phòng Công chứng TP.HCM, vẫn ghi danh theo học chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật ở trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. 
Vài người bạn của mình vốn là cựu sinh viên khóa 5LH kể thêm rằng, để bảo đảm chất lượng đào tạo và để có cơ sơ xin chuyển chương trình đào tạo Cử nhân Luật ở trường Đại học Tổng hợp TP.HCM từ thử nghiệm thành chính thức, Bộ môn Luật của Khoa Triết phối hợp với Phòng Đào tạo của trường Đại học Tổng hợp TP.HCM tổ chức thi cử hết sức khắt khe. Tuy chỉ là thi hết môn nhưng các đợt thi vẫn được thực hiện y hệt các kỳ thi đại học. Sinh viên được chia thành vài chục nhóm, mỗi nhóm chừng 20 người vào chung một phòng. Mỗi sinh viên phải ngồi đúng bàn mà giám thị đã ghi mã số sinh viên của họ… 
Dẫu gian lận trong thi cử là chuyện không thể loại trừ nhưng không sinh viên nào được ưu ái để làm chuyện đó. Năm 1995, trong kỳ thi tốt nghiệp của khóa 5LH, một vị, lúc đó đang là đại tá, Phó Giám đốc Công an TP.HCM bị giám thị lập biên bản, đuổi khỏi phòng thi, cấm thi tốt nghiệp vì quay cóp.     
Tổ chức dạy và thi kiểu này nên nghe nói, từ 3.000 sinh viên ghi danh lúc đầu, sau 5 năm đào tạo, chỉ có chừng 500 sinh viên được nhận bằng tốt nghiệp. Không ít người trong số rơi rụng dọc đường là viên chức chính quyền, cán bộ đảng, thẩm phán, thư ký tòa án, công tố viên, sỹ quan cảnh sát, sĩ quan an ninh, nhân viên hải quan,… 
Đáng tiếc là chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật ở trường Đại học Tổng hợp TP.HCM bị hủy khi vừa tổ chức tuyển sinh khóa thứ ba (khóa 7LH). Môt phần vì sự phản đối của Đại học Pháp lý, một phần vì “nội bộ lủng củng”. Khoảng năm 2004, trường Đại học Tổng hợp TP.HCM tách Bộ môn Luật ra khỏi Khoa Triết để thành lập Khoa Luật. Khoa Luật của trường Đại học Tổng hợp TP.HCM được bổ sung một Phó Tiến sĩ từng du học tại Liên Xô. Bà này tên là Mai Hồng Qùy, con dâu một vị lãnh đạo Bộ Giáo dục Đào tạo. Vì là Phó Tiến sĩ từ Liên Xô về, không tìm được chỗ trong chương trình đào tạo như chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật ở trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, bà Qùy bắt đầu “cảnh báo” về những “nguy cơ” khi “hệ thống đào tạo xã hội chủ nghĩa”, dung dưỡng chuyện đào tạo “tinh thần pháp luật tư sản”. Những “cảnh báo” này đi thẳng lên Bộ Giáo dục Đào tạo và đi ra… báo Sài Gòn Giải phóng. Nó được hệ thống báo Đảng lặp đi, lặp lại vài ba lần trong vài tháng. 
Cuối cùng, Bộ Giáo dục Đào tạo quyết định rút Khoa Luật, nhập vào Đại học Pháp lý TP.HCM, đổi tên Đại học Pháp lý TP.HCM thành Đại học Luật TP.HCM. Nhờ có công phát hiện và “dũng cảm cảnh báo” các “nguy cơ”, bà Qùy được bổ nhiệm làm Hiệu phó Đại học Luật TP.HCM. Cũng từ đó, các giảng viên của Đại học Luật TP.HCM đổi đời, mỗi tháng có thể kiếm vài chục triệu, nhờ những khóa “liên kết đào tạo cử nhân luật hệ tại chức” với các ngành, các địa phương…        
Tới đây thì mình tin rằng, các bạn đã có đủ những thông tin cơ bản để hiểu lá thư mà bạn mình gửi đồng môn Trương Tấn Sang. Cũng xin nói thêm, những thông tin mà mình vừa kể chỉ là tóm tắt từ lời kể của vài cựu sinh viên khóa 5LH, những thông tin đó có thể chưa đầy đủ, toàn diện nên rất mong các vị là cựu sinh viên khóa 5LH bổ sung thêm. Nếu mình không lầm thì phần lớn các vị đều thành đạt trong nghề luật… 
*** 
Sài Gòn ngày 18 tháng 5 năm 2013
Anh Tư thân mến,
Tôi là một cựu sinh viên lớp 5LHC, khóa 5LH của Đại học Tổng hợp TP.HCM.
Tôi suy nghĩ nhiều, đắn đo đã lâu và tới bữa nay thì quyết định phải viết cho anh vài dòng.
Chúng ta đã cùng ngồi với nhau một lớp, trong suốt năm năm. Tôi tin anh cũng như tôi và các bạn đồng môn, đồng khóa khác, vẫn cảm thấy tự hào bởi chúng ta nhờ may mắn mà được dạy dỗ tử tế hơn một chút.
Tôi tin sự tự hào và kết quả giáo dục mà chúng ta thụ hưởng vẫn còn nguyên vẹn trong anh, thành ra tôi quyết định chia sẻ với anh suy nghĩ của tôi.
Anh Tư thân mến,
Tôi vốn là kẻ không ưa Cộng sản nhưng tôi vẫn dành cho anh thiện cảm đặc biệt, bởi anh khác nhiều đảng viên, viên chức chính quyền Cộng sản mà tôi đã biết.
Tôi vẫn còn nhớ đồng môn Trương Tấn Sang, dẫu là Chủ tịch UBND TP.HCM, Phó Bi thư Thành ủy TP.HCM nhưng luôn đến trường bằng xe hai bánh gắn máy. Một đồng môn trầm lặng, không vênh váo, gần như không bao giờ bỏ học, trong lớp luôn nghe giảng, ghi chép hết sức nghiêm túc, thi cử ngay ngắn.
Tôi nhớ cả đồng môn Trương Tấn Sang thỉnh thoảng lại hỏi xin thuốc lá để hút trong giờ giải lao, vì sợ sẵn thuốc lá trong túi thì khó kiềm chế, bỏ dở giờ học ra ngoài hút thuốc như… tôi và nhiều anh em khác.
Tôi kính trọng đồng môn Trương Tấn Sang kiên nhẫn đeo đuổi khóa học kéo dài suốt năm năm, chấp nhận các thử thách để hoàn thành chương trình học vốn chẳng dễ dàng, nhẹ nhàng chút nào, dù rằng anh có thể chọn đường tắt để nhặt một hoặc vài mảnh bằng, dùng như “vé” trong chuyện “luồn sâu, leo cao”.
Tôi đánh giá anh rất cao khi là Chủ tịch UBND TP.HCM, Phó Bi thư Thành ủy TP.HCM nhưng anh vẫn lắng nghe các vị thầy của chúng ta phân tích, phê phán những nhược điểm, cảnh báo về các hệ quả của việc quản lý, điều hành xã hội theo kiểu Cộng sản.
Tôi nghe nói, anh từng là học sinh Petrus Ký – một trong những trường trung học danh gía nhất của miền Nam Việt Nam ngày xưa, nơi chỉ dành cho những đứa trẻ thật sự hiếu học và học lực thật sự xuất sắc.
Với những gì đã nghe và đã chứng kiến, tôi tin anh trọng sự học, yêu mến tri thức, tự trọng, biết giữ phẩm giá của mình. Song chừng đó chỉ đủ với cá nhân Tư Sang, chưa tương xứng với ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.         
Anh Tư thân mến,
Hẳn anh còn nhớ, nhiều vị là thầy của chúng ta đã cùng nhắc, cùng khuyên chúng ta về chuyện phải sống, phải hành xử sao cho xứng đáng là “con nhà Luật”.
Anh đã biết thế nào là “con nhà Luật” nhưng anh đã làm gì để xiển dương tư cách “con nhà Luật” như mong mỏi của các thầy, như khao khát và tâm niệm của chúng ta – những cựu sinh viên 5LH?
Một kẻ vừa là “con nhà Luật”, vừa là Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như anh, có nên ngồi im khi hệ thống tư pháp kết án những đứa trẻ như Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên? Đọc tới đây, có thể anh muốn nhắc tôi xem lại “tam quyền phân lập”, thành ra tôi xin thưa luôn, anh đang là Ủy viên Bộ Chính trị. Anh có thể làm được nhiều việc khi ở cương vị đó!
Một kẻ vừa là “con nhà Luật”, vừa là Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như anh, đã từng học đủ thứ về kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, hành chánh công quyền, tài chính công, dân luật, ngân hàng, thương mại, hình luật tổng quát, hình luật riêng biệt,… sao anh lại chấp nhận thực trạng kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục như hiện nay?
Nếu tôi nhớ không lầm, khi phân ban, đa số đồng môn chọn chuyên ngành kinh tế, tư pháp thì anh và một nhóm rất nhỏ các bạn khác chọn chuyên ngành công pháp. Học công pháp mà không nói gì, không làm gì trước thực trạng quản trị – điều hành hệ thống công quyền như hiện nay thì… kỳ quá anh Tư à! 
Anh Tư thân mến,
Một vài bạn đồng môn, rành rẽ chính trường Việt Nam bảo tôi rằng, anh cô đơn lắm nhưng tôi thấy rất khó để đồng cảm với điều đó. Đến giờ, ít nhất, khóa 5LH cũng có Lê Công Định công khai thực hiện khao khát và tâm niệm của một “con nhà Luật”.   Gần đây, tôi tình cờ được biết, ngoài Định còn có một số bạn đồng môn khác, bằng cách này hay cách khác cũng đang cố gắng như vậy. Còn anh, Trương Tấn Sang, cựu sinh viên khóa 5LH thì sao?
Anh Tư thân mến,
Nhờ xem ảnh ông Trần Văn Huỳnh, cha của Trần Huỳnh Duy Thức trên Internet, tôi mới biết, ông chính là người đã dạy chúng ta “Thuật ngữ pháp lý”. Tôi không hiểu vì sao, ông chưa bao giờ nhắc tới điều đó. Tôi hy vọng không phải vì ông thất vọng về một thế hệ “con nhà luật” mà ông góp phần đào tạo.
Anh Tư thân mến,
Chúng ta là đồng môn, thành thử tôi thấy không cần phải đề nghị anh nên làm gì, làm như thế nào. Tôi tin anh đủ tri thức để nhận ra mọi thứ. Vấn đề chỉ là anh có dũng cảm hay không.
Với tình đồng môn, hãy cho phép tôi nhắc anh rằng, quỹ thời gian và cơ hội của anh không còn nhiều. Rằng, trước khi bắt đầu cuộc khởi nghĩa Yên Bái vào năm 1930, cụ Nguyễn Thái Học – lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng – bảo như thế này với các đồng chí của cụ: “Không thành công cũng thành nhân”. Khởi nghĩa Yên Bái không thành công nhưng Nguyễn Thái Học và những liệt sĩ Yên Bái đã trở thành một phần của lịch sử Việt Nam.
Làm gì đó thật sự có lợi cho xứ sở và tổ quốc của mình đi anh Tư!
Một cựu sinh viên khóa 5LH – “con nhà luật”     

Mẹ Nấm FB - Viết cho Nấm & Gấu


Mẹ Nấm FB
Nấm & Gấu thương yêu,
Mỗi ngày qua đi sẽ là một câu chuyện mà mẹ cần kể lại cho các con biết, và hôm qua là một ngày đáng để phải suy nghĩ khi mẹ lại bắt đầu kể cho hai đứa nghe chuyện của nước Việt mình.
Nước Việt một ngày như mọi ngày, ở giai đoạn mà ngoài biển Đông tràn ngập tàu cá Trung Quốc, và trên đất liền, trong mộtphiên tòa được gọi là công khai, người ta chặn các ngả đường, ngăn những bước chân của nhiều người đến để xem hai anh chị trong độ tuổi thanh niên, sinh viên bị xét xử.
Một chị bé xinh xắn đã lấy hòa máu trên tay mình viết nên dòng chữ “Tàu Khựa cút khỏi biển Đông”, chị bé ấy đã khẳng khái nói lên suy nghĩ và hành động của mình với lương tâm và trách nhiệm của những người trẻ. “Tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam tâm”. Chị bé ấy tên là Nguyễn Phương Uyên.
Một anh trẻ tuổi khác, đã khẳng khái nói rằng: “Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội”. Anh ấy tên là Đinh Nguyên Kha.
Các anh chị ấy còn rất trẻ các con à.
Như trong một câu chuyện mà mẹ đã kể cho hai đứa nghe, thời của mẹ, thời của những đứa trẻ lớn lên trong hai thế giới Đỏ và Vàng – những đứa trẻ tội nghiệp vì bị thiếu hụt dữ kiện và sự thật – những đứa trẻ tội nghiệp vì phải mang vác nuối tiếc, hoài bão và hận thù của những người lớn.
Và hôm qua, trong một ngày đau buồn của lịch sử Việt Nam, những người lớn ở thế giới Đỏ kết tội hai anh chị trẻ tuổi vì khơi gợi lại giấc mơ màu Vàng.
Và mẹ với vị trí là một người hơi lớn, đứng nhìn tất cả những điều đó với sự ngổn ngang trong lòng.
Các con thương yêu,
Có thể hôm nay, ngày mai và nhiều ngày nữa, mọi người sẽ nhắc nhở và ca ngợi hai anh chị trẻ tuổi trên như những người anh hùng, anh thư của Tổ quốc.
Mọi người hồ hởi vì hai anh chị ấy đã nói, đã làm, đã vượt qua sợ hãi giùm mình, và rồi cũng chỉ có vậy.
Tất cả những lời ngợi ca ấy đều bất lực trước bản án vô lương dành cho hai anh chị, và rồi vòng tròn cứ thế mà xoay vần.
Những người lớn có trách nhiệm quên rằng việc chỉ ra những cái bẫy, việc tính toán, cân nhắc làm sao để mỗi ngày những người trẻ can đảm như chị Uyên, anh Kha tránh được tù tội.
Có người lạc quan rằng: “Nước Việt sẽ hưng nếu có những người như anh Kha, chị Uyên”.
Mẹ thì khác, thật chua chát khi phải nhìn nhận sự thật rằng: “Nước Việt ta khó mà thay đổi nếu tất cả những người trẻ đều phải vào tù”.
Ai cũng biết rằng cuộc chiến để giành lấy tự do ở thế giới Đỏ – không hề đơn giản một chút nào.
Ở cái thế giới mà người ta đang cố gắng bôi đen sự thật, xóa nhòa hai chữ Tự Do thì việc giữ gìn, nâng niu và bồi dưỡng kiến thức cho các anh, các chị trẻ là một việc cần phải làm và phải chú trọng hơn việc đẩy các anh chị ấy ra đối diện với tòa án, với những bản án bất công.
Mọi người đang bận quay cuồng với lý luận, phân tích để bảo vệ/công kích, tung hô/bôi nhọ hành động của các anh chị trẻ mà quên rằng, họ có quyền được biết sự thật, có quyền được tự do bày tỏ suy nghĩ của mình.
Và cuộc chiến ở thế giới Đỏ này vẫn sẽ còn tiếp tục vì sự dấn thân của những người trẻ như chị Uyên, anh Kha, mẹ tin là như vậy.160513_phap-luat_xu-an01_dan-viet
Không ai có thể sống mãi với cái màu đỏ ngột ngạt, đầy phỉnh phờ và dối lừa kia.
Nấm và Gấu thương yêu,
Mẹ đã hứa với lòng mình là sẽ không để tụi con và những bạn nhỏ khác phải mang vác quá khứ của người lớn nên việc duy nhất mà mẹ có thể làm là nỗ lực giành lấy cho con sự thật, giành lấy cho con quyền được nhìn nhận và phán xét sự việc do chính nhận thức của mình, để từ đó có thể lựa chọn phản ứng và hành động bằng chính bản năng và suy nghĩ của mình chứ không do bất kỳ một ai phán xét.
Nấm và Gấu thương yêu,
Đã đến lúc phải nhìn nhận rằng, những người lớn như mẹ, phải nỗ lực giành quyền được nói, được bày tỏ cho các con,
Và cũng đã đến lúc để nói một cách sòng phẳng rằng, những người như chị Uyên, như anh Kha hoàn toàn không có tội khi viết những dòng này.

Trần Quốc Hưng - Dáng đứng Uyên, Kha

Link : http://quechoa.vn/2013/05/18/dang-dung-uyen-kha/


Trần Quốc Hưng
nguyenphuonguyen-dinhnguyenkha-toaan-danlambao
Các em đứng như cây măng mọc thẳng
Trong áo trắng tinh khôi, net mặt tươi ngời
Vóc dáng nhỏ nhưng đời đời kiêu hãnh
Tạc vào lòng nhân dân sừng sững những CON NGƯỜI.

Các em nhé, đừng bao giờ buồn hết
Tuổi trẻ các em giờ đã của muôn người
Thân thể các em dù giam trong lồng sắt
Tinh thần các em đang bát ngát giữa đời.

Các em có tội gì, tội chống quân xâm lươc?
Tội các em đấy ư, tội yêu nước thương nòi?
Nhìn các em non tơ, trắng trong đến thế
Tự hào dậy trong lòng, sao nước mắt tôi rơi

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Ngô Minh - Đi theo Tàu là mất nước, mất đảng

Link : http://quechoa.vn/2013/05/16/di-theo-tau-la-mat-nuoc-mat-dang/#more-38145

Ngô Minh


Mấy hôm nay tôi vô cùng bức xúc với việc, ngày 13-5, 32 tàu cá Trung Quốc đã kéo đến vùng biển phía tây nam quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đoàn tàu “đánh cá” của bọn Đại Hán này hoàn toàn nằm trong thềm lục địa của Việt Nam. Ấy thế mà Việt Nam không một lời lên tiếng*. Nghĩa là Trung ương đã để mặc lãnh hải cho bọn Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Uất quá, buộc phải lên tiếng.
Trong lịch sử Việt Nam, nước ta bị giặc Tàu đô hộ ngàn năm, nhưng từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn , không có triều đại nào đi theo Tàu, bán đất nước cho Tàu. Nhiều triều đại còn xưng “ĐẾ” ngang với Thiên Triều. Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tuyệt nhiên định phận tại Thiên Thư-“Đế”, con trời do Sách Trời định , ngang hàng với Đế Tàu, chứ không phải vua do Tàu phong…. Hay như Nguyễn Huệ tự xưng là Hoàng đế Quang Trung.
  Bọn Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc  ôm chân giặc Tàu để mong chúng giúp giành ngôi để làm tôi mọi cho Tàu, bị lịch sử lên án ngàn đời. Lịch sử Việt Nam thời cận đại có ba triều đại Lê Trịnh, Tây Sơn và Nguyễn, đối nghịch lăm le tiêu diệt lẫn nhau, gây cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn hàng thế kỷ, tuy nhiên có điều là cả ba cùng một ý nguyện tìm cách đòi lại phần đất bị mất bởi Trung Quốc, đòi lại 10 châu thuộc phủ An Tây, Hưng Hóa, là địa phận tỉnh Điện Biên, Lai Châu hiện nay . Ðại Nam Nhất Thống Chí xác nhận rằng 6 châu bị mất vào nhà Thanh gồm : Tung Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Tuyền, Tuy Phụ, Khiêm. Riêng 4 châu còn lại thì đời đầu Nguyễn thuộc phủ An Tây, đến thời Thiệu Trị trích lấy đất lập Châu Lai, tiền thân của tỉnh Lai Châu, năm Tự Ðức thứ 4 [1851] trích lấy châu Quỳnh Nhai và châu Luân cho lập phủ Ðiện Biên, tiền thân của tỉnh Ðiện Biên ngày nay. Đó mới là người Việt Nam
Đau đớn thay, từ giữa thế kỷ XX đến nay, nước ta dưới thời CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN, với khẩu hiệu “Bốn phương vô sản đều là anh em”, ngây thơ “đi theo” Trung Quốc đã bị mất đất, mất người nhiều lần. Chúng lấm chiếm biên giới lấy mất Mục Nam Quan, lấy mất 2/3 Thác Bản Dốc. Theo nhà báo Huy Đức trong tác phẩm ”Bên thắng cuộc”, thì Trung Quốc đã dừng mọi thủ đoạn để lấn chiếm 50.000 m2 Việt Nam dọc biên giới. Năm 1974, giặc Tàu chiếm Quần đảo Hoàng Sa, 1988, chúng đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa của Việt Nam. Các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam là đội quân thiện chiến vừa mới thắng Mỹ, nhưng “lệnh trên” để “giữ tình hữu nghị”, không được bắn trả, chỉ ôm lá cờ chịu chết , chịu mất đảo . Đau đớn thay. Việt Nam chiến tranh 20 năm, trên 5 triệu người cả hai miền Nam-Bắc bi chết, để thực hiện âm mưu “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” của Mao Trạch Đông. Hiện nay, sâu trong lãnh thổ Việt Nam, hàng ngàn lính Tàu gian manh đã đứng chân trên đất Tây Nguyên với kế hoạch khai thác boxite ký kết giữa Tổng Bí thư 2 đảng. Boxite là thứ rẻ độn, mua đâu cũng có hàng tỷ tấn, tại sao chúng đòi cho bằng được Tây Nguyên? Vì ai chiếm được Tây Nguyên thì kẻ đó chiếm được Đông Dương. Quân tàu cũng đang chiếm cứ 300.000 ha rừng đầu nguồn phía Bắc, do bọn quan tỉnh tham lam bán đất cho chúng. Nếu chiến tranh xẩy ra thì đất ấy là hậu cứ của Tàu.
Ở trên là nói về đất. Bây giờ xin nới về người. Ngoài việc hàng triệu người hy sinh trong “chiến tranh lạnh” để bảo vệ Trung Quốc và “phe XHCN”, 74 chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng hòa hy sinh ở Hoàng Sa, 64 chiến sĩ Hải Quân Việt Nam hy sinh ở Gạc Ma, còn một kiểu “mất người” tàn bạo khác do đi theo Tàu. Đó là thảm họa Cải cách ruộng đất theo mô hình thổ địa cải cách của Mao Trạch Đông , cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc được tổ chức với tinh thần đấu tranh giai cấp triệt để với sự chỉ huy trực tiếp của cố vấn Trung Quốc với phương châm: “Trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ”. Kết quả từ 1953- 1956 đã phá nát hệ thống thiết chế văn hóa nông thôn Việt Nam, làm cho nông thôn tan nát. Theo thông kế chưa đầy đủ, cả nước , Đội CCRĐ đã bắt tù đày đọa 5% nông dân, nghĩa là gần 500.000 người bị bắt tù, bị đấu tố, nhục mạ. Đội CCRĐ đã giết 15 vạn địa chủ, thực ra là những người có tài kinh doanh, biết sử dụng ruộng đất hiệu quả, nên đời sống cao hơn người khác và cả những chí sĩ yêu nước bị ghép vào tội “Quốc dân đảng”, bị quy địa chủ bị bắt tù rồi chết oan trong tù như Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm ở Hà Tĩnh.
Sau CCRĐ là Cải tạo Công thương nghiệp tư doanh ở miền Bắc năm 1956 và ở miền Nam sau năm 1975, cũng là cách làm theo Mao Trạch Đông và Stalin, đã phá nát nền công nghiệp non trẻ của Việt nam, đẩy các chủ doanh nghiệp tài giỏi đến cùng quẫn phải đi bán hàng rong hoặc vượt biên, làm mồi cho cá trên đại đương.
Về văn hóa, chính trị, 2 lần làm theo lệnh Trung Quốc, làm cho hàng ngàn vạn trí thức lớn Việt Nam bị bắt bớ, tù đày, bị quản thúc. Đó là vụ Nhân Văn-Giai phẩm và vụ Chống xét lại. Vụ Nhân Văn Giai phẩm bắt đầu diễn ra đấu tố năm 1958. Hàng trăm văn nghệ sĩ , trí thức lớn như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trần Dần, Văn Cao, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang… và những người liên quan vị bắt tù, bị treo bút hoặc mất việc. Có người như ông Nguyễn Hữu Đang- nhà văn hóa lớn, Trưởng ban tổ chức Lễ tuyên ngôn Độc lập Quảng Trường Ba Đình 2-9 1945, bị tù ở nhà tù heo hút ở sát biên giới Trung Quốc, dài đến mức ông không biết có một cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc do không quân Mỹ tiến hành. Nhà văn Lê Hoài Nguyên tên thật là Thái Kế Toại, nguyên Đại tá công an, công tác tại A25 (chuyên theo dõi văn nghệ sĩ và văn hóa) sau này đã có chuyên luận dài về Nhân Văn Giai Phẩm, đã nhận định: VỤ NHÂN VĂN–GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN MỘT TRÀO LƯU TƯ TƯỞNG DÂN CHỦ, MỘT CUỘC CÁCH MẠNG VĂN HỌC KHÔNG THÀNH. Ông Thái Kế Toại cho rằng, NVGP không phải là một vụ án gián điệp phản động. Các văn nghệ sỹ trí thức NVGP không có mục đích lật đổ chế độ. Họ chỉ mong muốn ĐCSVN, chính phủ sửa chữa những sai lầm và xây dựng ngay một nền dân chủ pháp trị, một đời sống tinh thần có tự do tư tưởng, một đời sống văn học nghệ thuật tự do sáng tạo”. Vụ án đã tiệt tiêu một thế hệ văn nghệ vàng của Việt Nam.
 Vụ án Xét lại hiện đại cũng xuất phát từ việc đi theo và làm theo Trung Quốc. Vụ này có hai giai đoạn : giai đoạn đầu , bắt đầu từ đầu những năm 1960, đối tượng đấu tố là các văn nghệ sĩ có các tác phẩm yêu đương, buồn rất người, theo cách của các tác phẩm Khi đàn sếu bay qua, Người thứ 41.v.v.. ở Liên Xô sau chiến tranh thế giới thứ 2, như : Mở hầm của Nguyễn Dậu, Mùa hoa dẻ của Văn Linh.v.v..Các văn nghệ sĩ và các giáo viên dạy văn cấp 3 bị quy là xét lại phải kiểm điểm. Có người mất việc trong cơ quan nhà nước. Vụ án xét lại lớn thứ hai được gọi là Vụ án Tổ chức chống Ðảng, chống Nhà nước, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài” do Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn trực tiếp chỉ đạo, là vụ bắt giam lâu năm không xét xử nhiều nhân vật quan trọng trong nội bộ Đảng và bộ máy chính quyền tại miền bắc Việt Nam từ năm 1967, với cáo buộc là đi theo Chủ nghĩa Xét lại. Vụ án bắt đầu từ việc, tại đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô, Khrushchyov TBT Đảng CS Liên Xô đã đọc báo cáo về Tệ sùng bái cá nhân của I.V. Stalin. Ông chủ trương chung sống hòa bình với thế giới Tư bản (“Các nước không cùng lập trường chính trị có thể sống chung”). Đường lối của Khrushchyov bị Mao Trạch Đông, chống lại và gọi là “Chủ nghĩa Xét lại”. Việt Nam đi theo Mao nên cũng triển khai bắt giam và giết hại “bọn xét lại trong nước”. Ước lượng trong Vụ án Xét lại Chống Đảng, khoảng 300 người bị bắt trong đó có 30 nhân vật cao cấp. Đây là thế hệ trí thức, cán bộ cấp cao có trình độ nhất Việt Nam thời bấy giờ. Có nhà phân tích cho rằng, vụ án xét lại này cũng là do Lê Đức Thọ muốn dùng “hiểm họa xét lại” để hạ bệ tướng Võ Nguyên Giáp. Dù phân tích theo hướng nào thì những vụ án như thế cũng là do Trung Quốc chỉ đạo nhằm tiêu diệt giới trí thức hàng đầu Việt Nam.
Trung Quốc là quốc gia do bọn bành trướng Đại Hán thống trị. Chúng không bao giờ là “anh em hòa hảo” với ai mà coi các nước lân bang là miếng mồi để chiếm đất. Chúng đã chiếm Tây Tạng, gây hấn với Mông Cổ, Liên Xô , Ấn Độ, Việt Nam …Theo tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một trong số ít người Việt nam hiểu Trung Quốc nhất, thì chúng không bao giờ có truyền thống văn hóa với Việt Nam, không chung ý thức hệ với Việt Nam (Lãnh đạo Trung Quốc đã từ lâu rời bỏ ý thức hệ Mác-Lê Nin, để trở thành một tập đoàn Hán tộc tham lam, muốn đầu độc cả thế giới bằng hàng hóa độc hại và chiến tranh, lấn đất, lấn biển). Cho nên đi theo Tàu là chết !
o0o
Chỉ có 2 lần lãnh đạo Việt Nam không nghe theo Trung Quốc và đã giành thắng lợi vang dội : Đó là Chiến dịch Điện biên Phủ ( 1954) và Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 và Chiến dịch Hổ chí Minh năm 1975. Trong Chiến dịch Điên Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã không nghe theo sự chỉ đạo của cố vấn Trung Quốc, dù kế hoạch của cố vấn đã được Bộ chỉ huy chiến trường phê duyệt, đã thay đổi cách đánh từ “Đánh nhanh tiến nhanh” của Trung Quốc thành “Đánh chắc, tiến chắc” của Việt Nam . Nên kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra. Kết quả là Võ Nguyên Giáp đã đúng. Việt Nam đã thắng Pháp và thắng cả mưu mô của Trung Quốc. Còn thời đánh Mỹ, TBT Lê Duẩn đã không nghe theo Mao Trạch Đông “Đánh Mỹ đến người Việt nam cuối cùng”, nên đã tổ chức các cuộc tấn công năm 1968, 1972, 1975 và đã giành thắng lợi. Việt Nam đã thắng Mỹ và thắng cả mưu mô thâm hiểm của Trung Quốc.
Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là giới trí thức hiểu rất rõ bản chất thâm hậu của bọn Tàu. Nhưng đáng buồn thay , một số lãnh đạo Đảng CS Việt Nam lại mơ hồ ( hay giả vờ mơ hồ ?) về người bạn “16 chữ vàng”, “4 tốt “ lừa mị, để hướng đất nước theo chúng. Một số học giả chính trị của Quân Đội nhân dân Việt Nam mà tiêu biểu là Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Trần Đăng Thanh thuộc Học viện Chính trị của Bộ Quốc phòng, người đã đăng đàn bảo vệ quan điểm “đi theo Trung Quốc” để “bảo vệ cái sổ hưu”. Họ cho rằng: “Trung Quốc có đánh ta, nhưng là ân nhân của nước ta”. Thậm chí họ còn vạch chiến lược huấn luyện tác chiến của Quân đội Việt Nam với đối tượng tác chiến là Quân Mỹ chứ không phải quân Trung Quốc. Tôi cho rằng, đó là nhận định sai lầm, có nguy cơ dẫn đến mất nước và mất cả đảng ( đối với những người cộng sản chân chính). Vì ta đánh Mỹ là bảo vệ Trung Quốc và phe XHCN, không có nợ nần gì chúng. Nếu có chút nợ nần thì cuộc chiến xâm lược Việt Nam mà Trung Quốc phát động tháng 2- 1979 và cuộc chiến Gạc Ma 1988, hàng chục vạn người Việt Nam dọc biên giới đã bị giết hại, không những xóa sạch nợ nần, mà chúng còn gây nợ máu đối với nhân dân Việt Nam rất lớn. Thế thì làm sao gọi là “ân nhân” hỡi ông Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú ” bảo vệ cái sổ hưu”?
Cả ngàn năm Bắc thuộc, đất nước ta nghèo, không biết gì thế giới bên ngoài, mà các triều đại tuyệt đối không theo Trung Quốc, không bị Trung Quốc đồng hóa. Ngày nay Việt Nam có thế lực và tiềm năng rất lớn để giữ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trước bọn bành trướng Đại Hán, vì chúng ta có Nhân Dân cực kỳ yêu nước, Quân đội nhân dân thiện chiến, có điểm tựa là khối ASAEN với 10 nước liền kề, lại còn có các nước bè bạn khắp năm châu như Nga, Ấn Độ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…Nếu chúng ta biết khai thác những lợi thế đó thì bọn Đại Hán không làm gì được ta.
Trung Quốc là nước láng giềng. Chúng ta phải tôn trọng và ứng xử hữu hảo theo luật lệ thế giới. Nước Việt Nam là nước độc lập có chủ quyền, nếu Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông hay biên giới, nhân dân Việt Nam biểu tình phản đối sao lại “bắt tù “ nhân dân ? Phải ngay lập tức triệu đại sứ Trung Quốc tới, trao công hàm, nói với họ rằng, nếu các ông sống hữu hảo, đừng xâm phạm lãnh hải Việt Nam thì nhân dân Việt Nam sẽ không biểu tình chống Trung Quốc. Sao không nói với họ như thế, lại đi đàn áp nhân dân mình ? Nước có chủ quyền gì mà lạ thế !
Có người bảo:” Đi với Trung Quốc thì mất nước, nhưng còn đảng” . “Đi với Mỹ thì mất đảng, nhưng còn nước”. Nên các vị lãnh đạo ĐCS Việt Nam đã chọn con đường đi theo Trung Quốc, vậy còn đất nước và nhân dân thì sao ? Đây là một thực tế rõ ràng, 86 triệu dân Việt Nam ai cũng biết, chứ không phải là luận điệu của “bọn thù địch”. Người viết bài này là một người từng đi đánh Mỹ, vào Đảng nhân dân Cách mạng miền Nam, là nhà văn sống bằng lương tâm và lao động của mình, không bao giờ bị bọn thù địch nào mua chuộc nổi .
Vì thế tôi cầu mong các vị hãy tỉnh trí lại , và khắc sâu vào tâm can : Đi với Trung Quốc, nghe theo Trung Quốc sẽ mất nước và mất cả đảng !
……………………….
* Sự lên tiếng như ông Lương Thanh Nghị vẫn lên tiếng đã nhàm, rập khuôn và giả tạo, dân không còn coi đó là “sự lên tiếng” nữa. (QC)