Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

Ngô Nhật Đăng: KỶ NGUYÊN TIỀN DỄ KIẾM

 KỶ NGUYÊN TIỀN DỄ KIẾM

“Phần tử trí thức? 

Tôi muốn nói đến những người suy tư, không phải bọn lộng chữ, lợi dụng, bịp bợm và ăn bám”

Henri Barbusse

Barbusse là nhà văn người Pháp, một thương binh của Thế chiến thứ nhất, sang Moscow, lấy vợ người Nga và gia nhập đảng cộng sản Liên Xô, ông ca ngợi sự ra đời của Liên bang Soviet là "hiện tượng vĩ đại và đẹp đẽ nhất trong lịch sử thế giới". Lenin đánh giá rất cao ông này theo cách của ông ta, tức là Barbusse thuộc vào “những kẻ ngu xuẩn hữu dụng của phương Tây” là thứ mà Lenin dạy dỗ một cách thẳng thừng với các đồng chí của mình “Đó là sợi dây thừng mà chúng ta trao cho kẻ thù, để chủ nghĩa tư bản tự treo cổ chính mình”.

Gần đây, những phần tử trí thức “những người suy tư” đã bắt đầu nhắc đến “cái đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài của chủ nghĩa tư bản” với sự đóng góp to lớn của bọn ngộ chữ tự xưng danh trí thức, những kẻ “ngu xuẩn có ích”. Cái đinh ấy là gì, cái búa dùng để đóng nó là cái gì? Và nó bắt đầu từ đâu ? Và nếu chủ nghĩa tư bản sụp đổ thì cái gì sẽ đến ?

Hành động của con người thay đổi tùy theo nhận thức và nhận thức là một quá trình, bọn “lộng chữ, lợi dụng, bịp bợm và ăn bám” bằng trò tu từ đã phức tạp hóa chúng tạo nên những chủ thuyết, những “tư tưởng”, tất cả những thứ đó, tập quán, lịch sử, tư tưởng vv... đều được tạo ra từ một gốc gọi là “văn hóa”. Khác với các gốc vật chất của vũ trụ, văn hóa là gốc của tinh thần nên sự hoạt động của nó là trực tiếp nhưng ảnh hưởng lên xã hội loài người là gián tiếp. Ta sẽ xét một khía cạnh chịu ảnh hưởng từ văn hóa (gián tiếp) nhưng tại có tác động trực tiếp cực kỳ to lớn lên xã hội, đó là NỀN KINH TẾ.

Cả một kỷ nguyên dài, văn hóa coi người giàu có trong xã hội và được kính trọng là những người sản xuất ra của cải vật chất, những địa chủ với đồng ruộng và đồn điền làm ra lương thực thực phẩm, những ông chủ hãng xưởng sản xuất ra hàng tiêu dùng, những tiện nghi trong đời sống và cuối cũng là tầng lớp trung gian cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng theo thứ tự nghiêm ngặt “Nông, Công, Thương”, cùng với hệ thống này là sự gắn bó hữu cơ giữa “ông chủ” và người “làm công ăn lương” họ gắn bó với nhau bằng lợi ích chung.

Văn hóa này bắt đầu thay đổi rõ rệt từ những năm cuối của thập niên 70, ở Việt Nam là thập niên 90. Người ta gọi đó là Kỷ nguyên tiền dễ kiếm- Age of Easy Money. Hãy nghe “ Nhà đầu tư huyền thoại” Jeremy Grantham ,một người giầu lên nhờ Kỷ nguyên tiền dễ kiếm trả lời phỏng vấn về việc “Giải Ảo” Age of Easy Money, ông ta nói :

-  Trong đời tôi đã được chứng kiến một hiện tượng chưa từng xảy ra, đó là chỉ trong vòng 20 năm, tỷ lệ chứng khoán chiếm trong cơ cấu GDP đã tăng lên hơn gấp đôi, từ 3% lên 8,5%.

Hãy để ý : Đó là 8,5% của GDP toàn cầu. Theo tính toán của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), GDP toàn cầu năm 2020 là 88 ngàn tỷ Dollar, năm 2021 là 94 ngàn tỷ và năm 2022 là 104 ngàn tỷ. Một câu hỏi hợp lý được đặt ra : Đó là thời gian mà lĩnh vực sản xuất của cả thế giới tê liệt bởi đại dịch cúm Vũ Hán, tại sao GDP toàn cầu lại tăng ? Vậy số tiền ấy từ đâu mà ra, và nó chui vào túi ai ? Biểu hiện rõ nhất là sắc xanh trên sàn chứng khoán. Grantham nói tiếp :

“Được hưởng lợi là những người nắm cổ phiếu, họ ở trên đỉnh - chiếm 1% trong số 1% dân số toàn cầu” Và ông ta thú nhận : “Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã tạo ra chúng tôi, những con quỷ hút máu nền kinh tế”.

Năm 90, khi Đông Âu và Liên Xô cộng sản sụp đổ (giả vờ). Những người Marxist đã thay đổi tư tưởng của họ gọi là “chủ nghĩa Tân tự do”, kết luận cơ bản nhất là, từ nay phong trào cộng sản sẽ chuyển sang mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn cầu. “Chủ nghĩa cộng sản là một thử nghiệm sai lầm không đúng thời điểm của nhân loại”, một “ cuộc gặp gỡ lầm lạc kỳ quặc về mặt trí tuệ của thế kỷ 20” mặc dù cho cuộc thử nghiệm “lầm lạc” ấy có cái giá ít nhất là 200 triệu người bị giết trên toàn thế giới mà không bị lên án.

Việt Nam cũng thay đổi, lý thuyết “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” ra đời, cùng với nó là chính sách “cổ phần hóa”, cùng với việc thành lập các Tổng công ty 90 và 91 (năm 90 và 91) bước đệm cho thị trường chứng khoán và sự ra đời của các tập đoàn kinh tế. Phân tích về các định chế này sẽ là một bài khác. Nhân dân cũng được “cởi trói”, được thành lập các công ty tư nhân Trách nhiệm hữu hạn. Tôi cũng là một trong những người đầu tiên tham gia, thành lập công ty của mình hoặc tham gia các công ty của bạn bè, khi nhu cầu sản xuất cần phải mở rộng thì tiến tới việc thành lập các công ty cổ phần. Đến đây thì các “chuyên gia” kinh tế xuất hiện, họ tư vấn cho tôi rằng, mục đích của công ty cổ phần là “phải lên sàn” hay nói một cách bình dân nhất là tham gia sòng bạc với tư cách là một con bạc “không bao giờ thua”. Sòng bạc đã được mở, đó là thị trường chứng khoán Việt Nam, trò gian lận cũng đã được chuẩn bị, thị trường chứng khoán VN được cho một “thời gian quá độ” 20 năm (đến 2025) không phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt về “quản trị rủi ro”, tức là “nếu thành công thì chúng ta sẽ hưởng lợi, còn nếu thất bại thì nhà nước sẽ giải cứu”.

Đơn giản thế này, nếu tài sản công ty của anh qua kiểm toán và được định giá là 1 tỷ đồng thì khi lên sàn nó sẽ được định giá từ 2 đến 3 tỷ đồng, anh đem bán cái phần ảo (chênh lệch giữa giá trị thật và định giá) bằng cổ phiếu, các nhà đầu tư sẽ mua nó hoàn toàn tự nguyện, đó chính là lợi nhuận biến không thành có, thuật giả kim biến không khí thành tiền được pháp luật bảo hộ. Thậm chí một người còn đề nghị đóng cổ phần bằng một công ty được mua lại ở New York, có chức năng giao dịch chứng khoán, đã được Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ cho phép phát hành đợt đầu 10 triệu cổ phiếu với giá 10 xu (USD) một cổ phiếu. Anh ta nói “Anh đừng coi thường quy mô nhỏ bé của nó, khi nhà máy của anh xây dựng xong (180 ngày) và hoạt động sau 18 tháng, chỉ cần một vài bài báo trên tạp chí phố Wall, cổ phiếu của chúng ta theo các chuyên gia đánh giá sẽ có giá trị từ 2,5 đến 10 dollar”. Trời đất, chỉ trong khoảng 2 năm mà giá trị tăng gấp từ 25 đến 100 lần. Đến người điềm đạm như tôi mà còn choáng váng, một lợi nhuận siêu điên rồ. Sau khi hết bàng hoàng tôi mới tự hỏi “Vậy đâu mới là giá trị thật của công ty?” Và tôi từ chối, sau này cũng không hề ân hận. Tôi chỉ nghĩ nếu làm như vậy là hại dân hại nước, nhưng tôi cũng chỉ là một phần tử nhỏ bé không có chút ảnh hưởng gì đến xã hội, chỉ tự mình chọn nguyên tắc sống cho riêng mình. Lúc đó với bút danh Đông Chấn, Trần Huỳnh Duy Thức đã có một loạt các bài phân tích mang tên “Tiền đồng đi về đâu?”. Trên cơ sở Kinh Dịch anh đã chỉ ra một cách vô cùng dễ hiểu rằng thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ móc túi và bần cùng hóa người dân Việt Nam như thế nào ? Câu kết luận cuối cùng dưới mỗi bài viết của anh “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” luôn làm tôi bồi hồi. Tôi nghĩ đó là lý do chính để anh phải chịu một mức án nặng nề đến thế.

“Trùm cuối là ai?” Đó là các ngân hàng nhà nước, các ngân hàng trung ương và đứng đầu là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) với các đòn bẩy có thể dễ dàng thao túng thị trường toàn cầu.

Công việc chính trên danh nghĩa của FED là tăng việc làm và giảm lạm phát chủ yếu bằng cách tăng và giảm lãi suất ngắn hạn. Ở đây bắt đầu có sự tháu cáy, đánh tráo khái niệm.

Các đòn bẩy của FED là những tổ chức Phi Ngân Hàng gồm các ngân hàng trung ương hay ngân hàng nhà nước (không có chức năng cho vay), các quỹ quản lý tài sản gồm các khu đất “vàng”, các chuỗi khách sạn nhiều sao phục vụ giới siêu giàu, các công ty Big tech và tất nhiên là chứng khoán, nó được thiết kế để hầu như thoát khỏi mọi sự kiểm soát và một thuật ngữ ra đời : “Shadow bank” - Ngân hàng ngầm, con quái vật đầm lầy.

CÁCH MÀ FED TẠO RA “KỶ NGUYÊN TIỀN DỄ KIẾM”

Nới lỏng định lượng - Quantitative Easing (QE) - đó là thuật ngữ mà FED đưa ra lần đầu tiên vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, người Mỹ sửng sốt, những người dẫn chương trình trên tất cả các phương tiện truyền thông đều kêu to “Nới lỏng định lượng, nó là cái quái gì vậy???”

Còn tiếp.

Thứ Năm, 2 tháng 3, 2023

ĐÀO HIẾU: ĐƯỜNG ĐI CỦA SỰ THẬT

 ĐƯỜNG ĐI CỦA SỰ THẬT

Tác giả: Đào Hiếu.

*

Nhiều người vẫn tin rằng trong vũ trụ chỉ có mỗi trái đất là có sự sống và có nền văn minh như hiện nay.

Suy nghĩ đó cũng đơn giản như kiểu “trái đất quay quanh mặt trời theo một quỹ đạo hình ellipse” với tốc độ 107.000 km/giờ, trong khi thực tế nó đang quay theo một “ma trận” rối bòng bong, với nhiều loại vận tốc khác nhau, và vô số lộ trình phức tạp, phụ thuộc vào hệ mặt trời, thiên hà… Còn vũ trụ, lúc thì giãn nở, lúc thì co cụm lại không biết đâu mà lường.

Vậy thì những gì đang có mặt, đang xảy ra, đang diễn biến trên hành tinh này cũng “nhảy tưng tưng” như một quả bóng trên sân cỏ… thực hư thế nào, đúng hay sai, tốt hay xấu… làm sao chúng ta biết được.

So với vũ trụ, quả đất chúng ta nhỏ bé đến nỗi nếu nó biến mất thì cũng chẳng ai hay biết. Cũng giống như một chiếc lá trong rừng Amazone ngút ngàn dày đặc, nó rụng lúc nào chẳng ma nào để ý. Cũng giống như một hạt bụi trên vai áo, nó bị thổi bay mất lúc nào chúng ta đâu có hay.

Ấy vậy mà loài người đang sinh sống trên cái “hạt bụi” đó lại cư xử với nhau như một lũ điên: chiến tranh, cướp đất, cướp biển, xâm phạm biên giới, bắn giết nhau bằng đủ thứ vũ khí từ thô sơ cho tới bom nguyên tử. 

Tất cả những thứ khốn kiếp ấy đều được sự láu cá của con người nhân danh các “giá trị thiêng liêng” như Tổ Quốc, Lòng Yêu Nước, “Tự Do”, “Dân Chủ”, “Độc Lập” “Công Bằng Xã Hội”, “Nhân Quyền”… rồi nào là Tôn Giáo, Triết học, Văn Học Nghệ Thuất… để chia bè kết đảng, coi nhau như kẻ thù.

Ít ai ngờ rằng “những giá trị thiêng liêng” ấy cũng chỉ là một mớ bòng bong rối mù như đường đi của trái đất mà chúng tôi vừa nói ở phần trên.

Hãy thử nhặt ra vài thứ trong cái “mớ thiêng liêng” ấy, đem soi trên kính hiển vi xem nó là cái gì?

1.TỔ QUỐC GIẢ CẦY

Chúng ta, ai cũng yêu tổ quốc mình. Tôi cũng vậy. Nhưng thực ra chúng ta yêu tổ quốc y hệt như những cổ động viên yêu bóng đá. Chúng ta thắng một cuộc chiến tranh cũng giống như “sút” được một quả vào lưới đối phương. Chúng ta đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ tổ quốc nào có khác gì giữ được khung thành không bị thủng lưới, và hiên ngang đi tiếp vào vòng trong.

Nhưng bạn có bao giờ nghĩ rằng khi Ronaldo hay Messi (hay bất cứ cầu thủ nào) đá thủng lưới đối phương thì anh ta được thưởng hàng triệu đô la, còn những người lính đem máu mình để thắng một cuộc chiến, bảo vệ tổ quốc thì vẫn cứ là một anh lính nghèo, hoặc đã mất xác trên chiến địa.

Có người sẽ bắt bẻ tôi: “Nhưng người chiến sỹ ấy đã anh dũng hy sinh để bảo vệ tổ quốc”.

Tổ quốc nào?

Rừng? Biển? Dầu mỏ?... đang đi về đâu? Thậm chí mảnh đất của tổ tiên bạn để lại, đã chắc gì bạn  giữ được khỏi tay bọn cướp đất?

Viết đến đây tôi chợt nhớ nhân vật Alexis Zorba trong một kiệt tác của nhà văn Hy Lạp Nikos Kazantzakis. Tuy Zorba chỉ là một thợ mỏ nhưng cũng là một “quái kiệt”. Anh ta đã truyền kinh nghiệm sống cho ông chủ của mình như sau:

“Ông nói “tổ quốc” à?... Ông tin những chuyện vớ vẩn mà những cuốn sách nhảm nhí đã kể với ông sao? Ông phải tin vào tôi đây này! Khi nào còn có những “tổ quốc”, con người còn là một con thú, một con thú dữ... Nhưng đội ơn Thượng Ðế! Tôi đã giải thoát khỏi tất cả những thứ đó. Ðối với tôi thế là hết, không còn gì nữa!”

Nghe sốc quá phải không? 

Nhưng rõ ràng là đường đi của tổ quốc còn ngoắc ngoéo hơn quả bóng trên sân cỏ. Vậy mà thời trẻ, tôi (và có lẽ cả bạn nữa) cứ tưởng nó chỉ là một đường thẳng, đi từ non sông gấm vóc, từ hồn thiêng sông núi, từ quê cha đất tổ… đến ngay trái tim mình. 

Có ai ngờ tổ quốc lại đi theo một ma trận âm u từ Tàu sang Pháp, từ Pháp sang Nhật rồi Mỹ rồi Nga rồi bị ném vào phòng thí nghiệm của đủ thứ chủ nghĩa nhảm nhí… bị quay trên lửa, bị nướng, bị chặt thành từng khúc trong chiến tranh, bị xào nấu, pha trộn đủ thứ gia vị chua chát đắng cay… để cuối cùng biến thành một tổ quốc giả cầy, một tổ quốc thất học, một tổ quốc tàn tật, đui què mẻ sứt, ngồi xe lăn, chống nạng gỗ.

 2.TRUNG QUÂN, ÁI QUỐC

Ngày nọ Tề Hoàn Công nói với cận thần là Dịch Nha: “Đời ta từng ăn đủ thứ cao lương mỹ vị, duy có thịt người là chưa từng nếm”. Hôm sau Dịch Nha đem dâng vua một món ăn lạ. Vua nếm thử thấy ngon quá bèn hỏi đó là thịt gì, Dịch Nha thưa rằng anh ta vừa làm thịt cậu con trai của mình để nấu cái món ăn mà vua “chưa từng nếm”.

Đó là cái kiểu gì vậy? Trung với vua hay chỉ là một thứ xu nịnh man rợ của con quái vật đội lốt người?

Ngày nay, cái kiểu “trung quân” đó phải bị xử tử hình theo điều 123 bộ luật hình sự 2015. Tuy nhiên chúng ta vẫn thấy nhiều cái chết “khó hiểu” như Dương Chí Dũng, Trần Bắc Hà… phải chăng cũng là một thứ “trung quân” thời đại mới?

Nhưng thời đại mới thì làm gì có vua để mà trung? Thôi, thì cứ trung với anh Ba, anh Bảy… cho nó phải đạo “quân-thần”, cho nó được chút ơn mưa móc sau khi xuống suối vàng theo kiểu “hy sinh đời bố, củng cố đời con”…

Hóa ra thời thế thay đổi, con người thay đổi nhưng cái “chữ trung” vẫn cứ còn cái mùi thum thủm. Ngày nay các cận thần không ai làm thịt con để dâng lãnh đạo vì thịt người sao hấp dẫn bằng đô là Mỹ, đồng bảng Anh hay những biệt điện, biệt phủ, những khu du lịch sinh thái, những hòn đảo giá hàng ngàn hàng vạn tỷ?...

“Thịt con” tuy được thay thế bằng hiện vật, nhưng bản chất của vấn đề vẫn là “trung quân vì tiền tài, địa vị”. Không thấy ai “trung với nước, hiếu với dân” như  “Đảng ta” đã dạy bảo.

Tề Hoàn Công đã ăn thịt người và khen ngon. Nhưng khi hắn chết, các con trai của hắn bận tranh giành ngai vàng nên bỏ mặc hắn, không thèm mai táng, đến nỗi thi thể hắn thối rữa, giòi bọ đục khoét nhầy nhụa trong cung cấm.

3.KHÔNG TRẢ VỐN LẪN LÃI

Tôi vẫn tự hỏi: Ai là anh hùng dân tộc vậy?

Trần Hưng Đạo? Hai Bà Trưng? Ngô Quyền? Lê Lợi, Quang Trung? Còn ai nữa? Trần Nhân Tông, vị vua thiền sư núi Yên Tử?

Có lẽ Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Nhân Tông… là những anh hùng. Nhưng còn Lê Lợi, Quang Trung… và những tên tuổi lớn khác thì sao?

“Lê Lợi được coi là anh hùng, vị Hoàng đế huyền thoại của Đại Việt với tài năng quân sự, khả năng cai trị và lòng nhân ái đối với dân” (Wikipedia).

Nhưng theo tôi thì Lê Lơi vốn xuất thân là một địa chủ không có tài năng gì nổi trội. Ông sẽ không lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống quân Minh nếu không có người trí thức đầy mưu lược là Nguyễn Trãi và những nhân tài như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo. Tiếc thay khi kháng chiến thành công thì cả ba vị công thần này đều bị giết chết. Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo thì bị Lê Lợi giết, còn Nguyễn Trãi thì bị con trai của Lê Lợi là Lê Thái Tông tru di tam tộc.

Tưởng cũng nên nói thêm là các con trai của Lê Lợi đều mang trong mình dòng mau cuồng dâm. Ví dụ như con trưởng của Lê Lợi là Lê Tư Tề sau mỗi lần quan hệ tình dục với các tỳ thiếp và cung nữ đều giết họ theo kiểu bạo dâm. Bằng chứng đó cho phép ta suy luận rằng em trai hắn là Lê Nguyên Long (tức Lê Thái Tông) cũng bạo dâm với Thị Lộ. Và hành động dâm dục cuồng bạo ấy có thể dẫn tới đột tử (mà dân gian gọi là thượng mã phong), khiến cho vị anh hùng kiệt xuất Nguyễn Trãi phải bị tru di tam tộc.

Thế còn Lê Lợi? Ông chết khi mới 49 tuổi (năm 1433), ở ngôi chỉ được 5 năm. Trường hợp chết quá trẻ của Lê Lợi há chẳng làm chúng ta suy nghĩ sao?

*

Bây giớ tới vua Quang Trung. Ông chết năm 39 tuổi, ở ngôi được 3 năm. Tại sao cả Lê Lợi lẫn Quang Trung đều yểu mệnh như vậy?

Nhưng chúng ta hãy tạm gác chuyện “chết yểu” sang bên để trả lời câu hỏi: “Ba anh em Tây Sơn có phải là anh hùng không?”

Trước hết phải thừa nhận Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự, từng đánh tan quân Xiêm ở Mỹ Tho, từng đại phá quân Thanh ở Ngọc Hồi, giúp Việt Nam thoát khỏi ách thống trị của Tàu (nhưng chúng ta phải hiểu là – cũng giống như Lê Lợi – Nguyễn Huệ chỉ đánh thắng một bộ phận nhỏ của quân viễn chinh nhà Thanh chứ không phải đánh thắng Nhà Thanh). Và sau chiến thắng, vua Quang Trung cũng như các triều vua Việt Nam trước đây, đều phải sang Tàu triều cống và xin thụ phong.

Dẫu sao, những chiến công lừng lẫy của Nguyễn Huệ cũng đáng được ghi bằng chữ vàng trong sử sách.

Tuy nhiên về tầm nhìn chiến lược thì ba anh em Tây Sơn gần như không có.

Với một gã Ba Tàu khổng lồ ở phía Bắc, với một tài năng chính trị, quân sự và ngoại giao xuất chúng như Nguyễn Ánh ở phía Nam, thế mà ba anh em nhà Tây sơn không biết đoàn kết, lại tham quyền cố vị, chia rẽ trầm trọng. 

Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ từng đánh tay đôi với nhau giữa ba quân. Nguyễn Nhạc bị một đòn của Nguyễn Huệ hất văng xuống ngựa, chạy trối chết về Quy Nhơn cố thủ. Nhưng Nguyễn Huệ đâu có buông tha, ông kéo quân về vây thành Quy Nhơn, cắt lương thực, nước uống, cho đại pháo từ trên núi nã vào thành Quy Nhơn tới tấp khiến Nguyễn Nhạc phải khóc lóc đưa mẹ ra năn nỉ cầu hòa.

Trận đụng độ khốc liệt giữa ông Nhạc và ông Huệ đã làm hơn 40.000 binh sỹ hai bên thiệt mạng.

Một “Nhà Tây Sơn” với tầm nhìn chiến lược hạn hẹp, với sự ích kỷ và tham vọng chính trị tầm thường như vậy, thì việc sụp đổ trước một tài năng lớn như Nguyễn Ánh là điều không tránh khỏi.

Tôi là “dân Tây Sơn”, là đồng hương của ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ. Nhà tôi chỉ cách nhà bảo tàng Quang Trung có một dòng sông Kôn nhỏ hẹp chừng hơn một ngàn mét. Sao một kẻ hậu bối như tôi lại có thể nói về những “người hàng xóm vĩ đại”, những “thiên tài quân sự” bằng lời lẽ bất kính như vậy?

Câu trả lời xin dành cho bạn đọc.

*

Qua câu chuyện về nhà Hậu Lê (Lê Lợi) và nhà Tây Sơn, đối chiếu với các “triều đại” gần đây, tôi có thể nói rằng: các vị lãnh đạo chính trị, quân sự khi tiến hành kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm, thường áp dụng quy trình của một nhà kinh doanh.

Nếu như một doanh nhân cần vốn để làm ăn thì họ vay tiến ngân hàng. Còn những lãnh tụ chính trị và quân sự thì thay vì vay vốn ngân hàng, họ vay máu của dân.

Dân cho họ vay mà không đòi một tờ giấy lộn nào.

Nhưng đến khi kháng chiến thành công, họ nắm quyền lãnh đạo đất nước, thì họ chỉ lo quyền lợi và địa vị của họ, họ chỉ lo thanh toán nội bộ để giữ vững ngai vàng (như trường hợp Lê Lợi giết Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lê Thái Tông hoang dâm với Thị Lộ dẫn đến việc Nguyễn Trãi phải bị tru di tam tộc, Lưu Bang diệt Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố…)

Và họ quên một thứ rất quan trọng: Đó là máu của dân mà họ đã vay. 

Họ chẳng những không trả “lãi” mà “vốn” họ cũng phớt lờ luôn. Có những chính quyền còn tệ hại hơn nữa: Không trả lãi, không trả vốn đã đành, họ còn sưu cao thuế nặng, họ còn cướp đất, cướp cả ruộng vườn của dân.

Vì thế tôi luôn tự nhắc mình: Xương máu là của cha mẹ ta ban cho. Đừng bao giờ cho ai vay, vì họ sẽ không bao giờ trả.

(Trích trong tập TRIẾT HỌC VỈA HÈ của Đào Hiếu)