Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Trithucvn.net - 9 câu ngụy biện điển hình của người Việt

Có một thói quen rất nguy hiểm mà người Việt thường xuyên sử dụng trong giao tiếp, đó là thói quen ngụy biện. Thói quen này đã lây nhiễm một cách vô hình từ giao tiếp thường nhật, từ tâm lý thắng thua khi tranh cãi, và nhất là trong cộng đồng cư dân mạng…

Ngụy biện hay Fallacy là khái niệm để chỉ những cách lập luận tưởng chừng là đúng, nhưng thực chất lại là sai lầm và phi logic trong tranh luận. Ngụy biện có thể biến một vấn đề từ sai thành đúng, và từ đúng trở thành sai. Ngụy biện có thể dẫn đến những cái nhìn sai lệch và tư duy sai lầm mà chính bản thân người nói cũng không nhận ra được.
Những ai đã có kiến thức về ngụy biện đều hiểu một điều đáng buồn rằng: Người Việt rất hay ngụy biện và tư duy ngụy biện! Chúng ta đều biết hai chữ “ngụy biện”, nhưng liệu chúng ta có thật sự hiểu về nó? Bạn có tin rằng tại Việt Nam, ngụy biện đã cướp đi mạng sống của con người?


Ngụy biện như một thứ mặt nạ xấu xí khiến người ta tư duy lệch lạc mà không hay biết (Ảnh minh họa: Qua wixsite.com)
Trên thế giới, ngụy biện đã trở thành một kiến thức được biết đến rộng rãi, và các nhà nghiên cứu đã thống kê khoảng trên dưới 100 loại ngụy biện khác nhau. Đáng tiếc là tài liệu về ngụy biện tiếng Việt chỉ có một vài nguồn, đó là trang GS Nguyễn Văn Tuấn, trang Thư viện khoa học, hay trang “Ngụy biện – Fallacy” của TS. Phan Hữu Trọng Hiền.
Dưới đây xin được tổng hợp lại 9 câu “ngụy biện” điển hình của người Việt đã được nêu ra tại các nguồn tài liệu trên:

1. “Nhìn lại mình đi rồi hẵng nói người khác”
Mình làm sai thì là sai rồi, sao lại không nhận sai, không nói thẳng vào vấn đề “mình sai” mà lại quay qua tìm điểm yếu của người khác? Việc này cũng giống như là khi nhận được góp ý: “Viết sai chính tả rồi kìa”, thì thay vì sửa sai, bạn lại bốp chát: “Thế mày chưa viết sai bao giờ à?”

2. “Có làm được gì cho đất nước đâu mà to mồm”
Người ta có làm được gì hay không thì là điều mình chưa biết, hơn nữa bạn đã “lạc đề” rồi. Vấn đề người ta nêu ra thì bạn không trả lời, không đưa ra luận điểm logic, mà lại đi đường vòng, chuyển qua công kích người khác.

3. “Nó ăn trộm chó thì cứ đánh cho nó chết”
Lập luận này đã khiến cho những kẻ trộm chó vốn không đáng phải chết bị giết chết bởi chính những người dân tưởng chừng “lương thiện”“Ăn trộm chó” là sai, nhưng “giết người” cũng là sai, hai sai thì không phải là một đúng, mà là sai lại càng sai.
4. “Làm được như người ta đi rồi hãy nói”
Lại một hình thức “lạc đề”. Luận điểm mà người ta đưa ra thì bạn không xoay quanh mà bàn luận, lại cứ phải công kích cá nhân người khác thì mới vừa lòng sao?
5. “Nếu không hài lòng thì cút xéo ra nước ngoài mà sinh sống”
Lời nói này không chỉ đánh lạc hướng vấn đề, mà còn rất bất lịch sự, chuyên dùng để làm người đối diện tức giận, chứ chẳng có một chút logic nào trong đó cả.
6. “Chỉ có những người chân lấm tay bùn từ nhỏ mới là người cần cù chăm chỉ xây dựng đất nước”
Câu khẩu hiệu này đã từng xuất hiện ở Việt Nam trong quá khứ. Người ta có câu “vơ đũa cả nắm”, ấy chính là để chỉ việc lập luận cảm tính, khái quát cảm tính, mà không hề đưa ra logic hợp lý nào cả. Cũng như vậy, khi phân chia giai cấp và tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp, thì người ta đã mắc sai lầm ngụy biện, ví như chủ đất không nhất định là xấu, chủ doanh nghiệp cũng không nhất định là xấu, và người làm công ăn lương hay nông dân chắc gì đã là một người tốt cần cù chăm chỉ?

7. “Nước nào mà chẳng có tham nhũng”
Vì nước nào cũng có tham nhũng nên Việt Nam được phép có tham nhũng hay sao? Vì mọi người đều vượt đèn đỏ nên tất nhiên tôi cũng phải vượt đèn đỏ? Vì xã hội thiếu gì nghiện hút nên trong nhà có người hút chích cũng là bình thường?
8. “Nếu anh là họ mà anh làm được thì hẵng nói”
Đặt mình vào vị trí người khác là một tiêu chuẩn người xưa dùng để tu sửa bản thân, hướng vào bản thân tìm lỗi, là một nét văn hóa rất độc đáo của phương Đông. Tuy nhiên câu nói đó chỉ sử dụng khi một người tự răn mình, chứ không phải là một câu nói dùng trong tranh luận. Việc sử dụng nó trong tranh luận không chỉ là sự bịt miệng những phê bình của người khác, không giải thích các luận điểm của người khác, mà còn chứng tỏ rằng chúng ta đang phá hoại và lãng quên văn hóa truyền thống của chính mình.
9. “Tại sao anh dám nói chúng tôi sai? Anh là một tên phản bội dân tộc”
Kiểu lập luận chụp mũ này mặc nhiên coi mình là đúng, họ là sai, và những người đồng quan điểm với họ cũng là sai. Nó không hề đưa ra một thứ logic nào, nhưng lại cắt ngang một cái giới tuyến, và tùy tiện định tội cho người khác.
Tất nhiên đây mới chỉ là những câu ngụy biện cơ bản nhất, thường thấy nhất. “Văn hóa ngụy biện” đã ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn, muôn hình vạn trạng, và luôn ẩn giấu trong tư duy của người Việt. Vậy nguyên nhân của thói quen này là từ đâu?
Trong phần nhiều các lỗi ngụy biện thường gặp của người Việt, có một tâm lý cơ bản hiện rõ ra khi tham gia thảo luận, đó chính là tâm tranh đấu, hiếu thắng, và không hề tôn trọng người đối diện. Ngoài đó ra, chúng ta cũng hay bị ảnh hưởng của tâm lý đám đông, lợi dụng tâm lý đám đông để che đi trách nhiệm của bản thân mình.
Muốn tránh cách tư duy ngụy biện, chúng ta không những phải sửa lối tư duy vòng vo, thiếu suy nghĩ, mà còn phải sửa chính từ tâm thái của mình khi trao đổi và luận bàn về mọi việc. Điều cơ bản nhất khi tham gia tranh luận là có trách nhiệm trong lời nói của chính mình và biết tôn trọng người đối diện.

Quang Minh tổng hợp

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Luật khoa tạp chí - Tóm lại, đại cử tri là cái chi chi? Tại sao Trump ít phiếu phổ thông hơn lại thắng?

Nhiều người Việt Nam đặt ra câu hỏi: tóm lại, cử tri Mỹ hay đại cử tri mới là người bầu ra tổng thống? Câu trả lời chính xác nhất là: cả hai.
o    Quỳnh Vi – Hữu Long
o    Thông thường, có hai cách để bầu ra Tổng thống:
o    (i) Trực tiếp: toàn bộ cử tri đi bầu, ai nhiều phiếu phổ thông hơn thì thắng. Mô hình này gọi là dân chủ trực tiếp.
o    (ii) Gián tiếp: toàn bộ cử tri đi bầu đại biểu Quốc hội, rồi đến lượt mình đại biểu Quốc hội bầu ra tổng thống. Mô hình này gọi là dân chủ đại diện.
o    Mỹ chẳng theo mô hình nào trong hai mô hình trên. Trên thực tế, mô hình của họ là rất hiếm thấy, nếu không muốn nói là có một không hai. Hãy xem quy trình bầu cử của họ trước:
1. Mỗi bang được phân bổ một số phiếu đại cử tri nhất định và khác nhau. Có tổng cộng 538 đại cử tri, cần quá bán (tức tối thiểu 270 phiếu) là thắng.
2. Các đảng giới thiệu người ra ứng cử tổng thống ở tất cả các bang. Ví dụ đảng Cộng hoà cử ông Donald Trump. Cá nhân cũng có thể ứng cử.
3. Các đảng/cá nhân ứng cử nộp cho chính quyền bang danh sách đại cử tri đúng bằng số đại cử tri của bang. Ví dụ bang Florida có 29 phiếu đại cử tri thì đảng Cộng hoà sẽ lên danh sách 29 người, nộp cho bang. Đảng Dân chủ cũng làm như vậy. Mỗi đảng/cá nhân ứng cử sẽ lên những danh sách khác nhau, nộp riêng. Các đại cử tri này là người thật, việc thật, chứ không phải con số ảo như nhiều người tưởng.
4. Cử tri toàn liên bang đi bầu. Họ không đi bầu cho đại cử tri, mà bầu trực tiếp cho ứng viên họ thích. Hãy xem lá phiếu cử tri trong hình này.

5. Ứng viên nào giành được đa số phiếu phổ thông ở bang nào thì sẽ “ăn” tất cả phiếu đại cử tri của bang đó (trừ bang Miane và Nebreska có cơ chế riêng). Ví dụ, nếu ông Trump giành được đa số phiếu phổ thông ở Florida, thì toàn bộ 29 đại cử tri mà đảng Cộng hoà đã lên danh sách trước đó, sẽ bỏ phiếu cho ông Trump trong hội nghị đại cử tri vào tháng 12. Lúc này, khi có đủ 270 phiếu đại cử tri, ông Trump mới chính thức trở thành Tổng thống Mỹ.
Để hiểu được cơ chế bầu cử có một không hai này của nước Mỹ, chúng ta cần hiểu mấy điều sau:
Vì sao Đại cử tri ra đời?
Lý do rất đơn giản: các nhà lập quốc Mỹ không tin vào mô hình dân chủ trực tiếp, vì chân lý không phải lúc nào cũng thuộc về số đông, và đa số cử tri không phải khi nào cũng đưa ra được quyết định đúng đắn. Sự độc tài của số đông (the tyranny of the majority) là thứ họ muốn tránh.
Do đó, họ muốn trao quyền quyết định chiếc ghế tổng thống cho một nhóm người được lựa chọn, với niềm tin rằng những người này sẽ đưa ra quyết định sáng suốt hơn là số đông dân chúng, vốn dễ bị cảm xúc và tâm lý đám đông chi phối.
Tóm lại, họ chọn mô hình bầu cử gián tiếp. Nhưng mô hình bầu cử gián tiếp của họ cũng chẳng giống ai.
Năm 1787, khi thảo luận về bản dự thảo Hiến pháp, các nhà lập quốc ban đầu muốn để cho Quốc hội bầu Tổng thống. Tuy nhiên, họ lo ngại khả năng tổng thống được bầu bởi những nhóm lợi ích gồm các dân biểu thường xuyên gặp nhau, thân quen với nhau ở thủ đô. Bên cạnh đó, sự độc lập của Tổng thống so với Quốc hội cũng bị đặt dấu hỏi.
Do đó, họ đồng ý với nhau lập ra chế độ đại cử tri. Mỗi bang được phân bổ một số đại cử tri bằng với số hạ nghị sĩ (dân biểu) và thượng nghị sĩ (mỗi bang 2 người) cộng lại. Việc lựa chọn các đại cử tri này như thế nào thì tuỳ mỗi bang quyết định.
Các đại cử tri từ tất cả các bang chỉ gặp nhau một lần để bầu tổng thống rồi giải tán luôn. Điều này giải quyết được nỗi lo sợ của các nhà lập hiến như đã nói bên trên.
Khởi thuỷ, các đại cử tri muốn bầu cho ai thì bầu, không cần biết đa số cử tri bầu cho ai. Sau này, các bang ràng buộc đại cử tri bằng luật, theo đó, đại cử tri phải bầu theo ý chí của đa số cử tri. Hiện có 24/50 bang có luật như vậy. Các bang khác không có luật ràng buộc nhưng tập quán chính trị buộc họ phải làm như vậy.
Lưu ý: nếu đại cử tri bầu trái ý đa số cử tri thì phiếu của họ vẫn được tính. Có xử phạt họ hay không là việc của tiểu bang, liên bang không liên quan gì nên vẫn kiểm phiếu và công bố kết quả như thường. Tuy nhiên, việc bầu trái ý này rất hiếm khi xảy ra và chưa bao giờ ảnh hưởng tới kết quả chung cuộc.
Tại sao số đại cử tri mỗi bang lại phải bằng số dân biểu và thượng nghị sĩ bang đó cộng lại?
Để hiểu được điều này, ta cần tìm hiểu về cách tính số dân biểu và thượng nghị sĩ trước.
Tưởng tượng Mỹ là một công ty cổ phần, các bang là cổ đông, dân số mỗi bang là vốn góp của mỗi cổ đông.
Như vậy, bang nào góp nhiều dân vào liên bang hơn thì được nhiều phiếu hơn. Đây chính là cách hình thành Hạ viện. Số dân biểu mỗi bang được chia theo tỉ lệ dân cư. Mỗi dân biểu đại diện cho một khu vực cử tri có số dân tương đối bằng nhau trên toàn liên bang. Bang nào nhiều dân hơn thì số dân biểu cao hơn. Cái này giống cách phân chia số đại biểu Quốc hội về các tỉnh thành ở Việt Nam. Hiện nay, Hạ viện Mỹ có 435 dân biểu.
Nhưng nếu chỉ như vậy thôi thì có thể xuất hiện hiện tượng cổ đông lớn chèn ép cổ đông nhỏ, bang lớn ăn hiếp bang bé. Các bang bé vì thế không có lý do gì để gia nhập liên bang, thà tách ra làm quốc gia riêng còn hơn.
Do đó, họ thoả hiệp với nhau và sinh ra Thượng viện. Bất kể đông dân hay ít dân, bang nào cũng có 2 ghế như nhau. Thượng viện Mỹ có 100 thượng nghị sĩ, đại diện cho 50 tiểu bang. Các dự luật phải thông qua cả hai viện mới có thể được ban hành (dĩ nhiên tổng thống phải phê chuẩn thì mới có hiệu lực).
Nhờ cơ chế này, các bang nhỏ ít bị “ăn hiếp” hơn, các bang lớn bớt “hung hãn” hơn.
Bên cạnh đó, lại một lần nữa, các nhà lập hiến Mỹ lo sợ sự độc tài của số đông. Trong trường hợp cụ thể này, họ không muốn trao toàn quyền lập pháp cho Hạ viện, vốn luôn bị số đông (đa số) cử tri chi phối. Họ muốn các dự luật của Hạ viện phải được Thượng viện thông qua. Mà Thượng viện thì ít bị đám đông chi phối hơn, vì nhiệm kỳ của họ tới 6 năm, trong khi nhiệm kỳ của thành viên Hạ viện chỉ là 2 năm.
Như vậy, Hạ viện đại diện cho dân cư, Thượng viện đại diện cho các bang. Đây cũng chính là nguyên tắc nền tảng hình thành nên Hiến pháp Mỹ: chính quyền phải là đại diện của cả dân chúng (population-based) và các bang (state-based).
Các nhà lập hiến muốn tổng thống cũng được bầu dựa trên nguyên tắc này. Do đó, họ sinh ra cách tính số đại cử tri mỗi bang bằng số dân biểu và số thượng nghị sĩ của bang đó cộng lại. Riêng thủ đô Washington D.C được 3 đại cử tri dù không có đại diện có quyền bỏ phiếu ở Quốc hội.
Nếu tính theo số dân biểu thì bang Alaska chỉ được 1 phiếu đại cử tri, nhưng cộng thêm số thượng nghị sĩ thì bang này có thêm 2 phiếu. Tiếng nói của họ do đó có giá trị hơn gấp 3 lần.
Trong khi đó, bang California có 53 dân biểu, nếu tính thêm 2 thượng nghị sĩ nữa thì cũng chỉ lên được 55 phiếu đại cử tri, không khác biệt là bao. Cơ chế này do đó khiến cho các ứng viên tổng thống chú ý hơn tới các bang nhỏ, thay vì chỉ tập trung vào các bang lớn, đông dân.
Xin hết sức lưu ý: các đại cử tri không phải là các dân biểu và thượng nghị sĩ. Họ là những người khác nhau. Khi cử tri đi bầu tổng thống thì song song với đó cũng bầu dân biểu và thượng nghị sĩ luôn, vì bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội được tổ chức đồng thời.
Vậy tại sao Hillary Clinton nhiều phiếu phổ thông hơn mà lại ít phiếu đại cử tri hơn Donald Trump? 
Lý do rất đơn giản: nguyên tắc “được ăn cả, ngã về không” (winner-take-all).
Theo đó, tại 48/50 bang của Mỹ, ứng viên nào giành được đa số phiếu phổ thông thì “ăn” toàn bộ phiếu đại cử tri. Trong hầu hết các trường hợp, người nhiều phiếu đại cử tri hơn cũng là người nhiều phiếu phổ thông hơn. Nhưng lịch sử Mỹ đã chứng kiến 5 lần mà người trúng cử Tổng thống lại có ít phiếu phổ thông hơn.
Để lý giải điều này, ta hãy nhìn vào mô hình giản lược sau, được điều chỉnh từ mô hình tương tự của Facebooker Tien Nguyen:
Hiện tượng lý thú này sẽ không xảy ra nếu phiếu đại cử tri được chia theo tỉ lệ phiếu phổ thông, ai được bao nhiêu phiếu phổ thông thì được tương ứng với chừng ấy phiếu đại cử tri. Nguyên tắc “được ăn cả” này khiến cho tương quan giữa các chỉ số thay đổi.
Bên cạnh đó, việc mỗi bang được “cho không” hai phiếu đại cử tri tương đương với số thượng nghị sĩ khiến cho bài toán phiếu đại cử tri – phiếu phổ thông trở nên phức tạp hơn, và xác suất xảy ra hiện tượng thắng phiếu đại cử tri nhưng thua phiếu phổ thông cao hơn.
Lịch sử của nguyên tắc winner-take-all này cũng khá nhiêu khê. Hiến pháp Mỹ không ràng buộc chuyện này, nó là do các bang đặt ra. Ban đầu, các đại cử tri muốn bỏ phiếu cho ứng viên nào thì bỏ, không có ràng buộc gì. Do đó, số phiếu đại cử tri của mỗi bang cũng phân tán cho nhiều ứng viên khác nhau.
Tuy nhiên, sau đó, một số bang muốn củng cố ảnh hưởng của mình, nhất là các bang nhỏ muốn các ứng viên quan tâm đến bang mình hơn, nên họ quyết định sẽ dồn phiếu cho một ứng viên thôi. Nhờ vậy, các bang này hấp dẫn các ứng viên tới vận động hơn.
Các bang khác không muốn mất ảnh hưởng, liền bắt chước theo mô hình winner-take-all này. Vậy là lần lượt các bang đều áp dụng cả, trừ hai bang đã kể.
Vậy cơ chế bầu cử tổng thống này có dân chủ không? Nước Mỹ đã chọn cơ chế đó. Hillary Clinton đã chọn chơi theo luật chơi đó và chấp nhận thua.
Còn bạn, bạn có thể tự đưa ra câu trả lời cho riêng mình.
Tài liệu tham khảo: 
o    The Reason for the Electoral College (Factcheck.org)

o    Wikipedia

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

Thiên ý thể hiện trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cho thấy bà Hillary Clinton chiếm ứu thế. Thế nhưng kết quả cuộc bầu cử thì ông donald trump thắng thế nhờ các phiếu đại cử tri, vậy nguyên nhân nằm ở đâu?

Ông Donald Trump, một ứng cử viên đầy tai tiếng cùng hình tượng không mấy tốt đẹp trong mắt dân chúng, lại vươn lên ngôi vị Tổng thống. Điều này đã khiến không ít chính khách, chuyên gia, giới truyền thông bất ngờ. Chuyện gì đã xảy ra?
Theo lời của không ít các kênh truyền thông trong và ngoài nước, trên con đường đắc cử của ông Trump đã xuất hiện không ít tình huống hiếm có. Ví như chi phí dùng cho việc tranh cử ít hơn bà Clinton rất nhiều; đã nói rất nhiều lời không nên theo nguyên tắc chính trị; không nhận được sự hoan nghênh của giai tầng cao cấp và giới truyền thông chủ lưu nước Mỹ, không được đảng phái hiện nay chào đón, thậm chí rất ít “nguyên lão” đảng phái hiện nay đứng ra ủng hộ. Từ khi bắt đầu tham gia tranh cử cho đến trước ngày tổng tuyển cử đều nhận được phản ứng không mấy tốt đẹp của đại đa số dân ý…
Tuy nhiên, ông Donald Trump trong tình huống như vậy, cuối cùng lại có thể trở thành Tổng thống Mỹ, dường như trong cõi huyền diệu đã có một bàn tay lớn đang kiểm soát tất cả. Và điều này đối với ông Donald Trump mà nói, nếu không phải là kỳ tích thì quả thực không biết phải giải thích thế nào!
Ông Donald Trump tiến vào Nhà Trắng, có thể nói đây không phải chỉ là dân ý, mà là hiển lộ rõ ràng của Thiên ý
Cuộc điều tra dân ý cho thấy, những người ủng hộ ông Trump đại đa số đều là những người da trắng thuộc giai tầng lao công tầng thấp trong đảng Cộng Hòa, những người này mạnh mẽ phản đối các loại hiệp định tự do kinh tế thương mại và gia tăng luật dự thảo di dân, đặc biệt là phản đối để cho những gia đình di dân phi pháp có được quyền cư trú. Nhiều người Mỹ đang phải đứng trước rất nhiều vấn đề xã hội ở Mỹ, cũng là lòng người đã đổi khác, họ bỏ phiếu cho ông Trump đi đến cục diện thắng lợi là điều cực kỳ quan trọng.
Tuy nhiên nếu như chỉ có dân ý ủng hộ ông Trump, thì vẫn không đủ để có được kết quả như vậy. Thử hỏi, nếu như không có sự sắp đặt của ông trời, thì ông Donald Trump làm sao có thể ngay trong tình huống nhiều tai tiếng bất lợi như vậy, trên chặng đường đã đánh bại 16 ứng cử vên của đảng Cộng Hòa giành được chính đảng, sau đó chiến thắng bà Hillary trước sự bất ngờ của mọi người?
Một vài điềm báo trước khi bỏ phiếu dường như đã nói rõ kết cục của cuộc bầu cử. Ở bang Florida, bà Hillary phát biểu chỉ được 7 phút đã bị cơn mưa lớn làm cho gián đoạn. Mấy phút sau, bà Hillary chỉ có thể tiến hành vận động qua điện thoại, hy vọng cử tri trẻ tuổi ủng hộ bà.
Ngoài ra, bà Janet Reno, nữ bộ trưởng tư pháp đầu tiên trong thời của Tổng thống Bill Clinton đã từng nói: “Trump sẽ mãi mãi sẽ không làm được Tổng thống trong những năm còn sống của tôi”. Kết quả, ngày 7/11, bà Reno đã qua đời vì bệnh tật, hưởng thọ 78 tuổi.
Chú khỉ Geda ở Trung Quốc, gấu bắc cực của Nga, một con cá ở Ấn Độ đều dự đoán Trump thắng cử, giống như con bạch tuộc của Đức đã dự đoán thắng lợi World Cup ngày trước, đây không chỉ vỏn vẹn là cung cấp đề tài nói chuyện sau bữa cơm trà cho mọi người thôi đâu, cần phải biết rằng, sự câu thông với giới tự nhiên của các loài động vật còn vượt xa hơn cả con người rất nhiều.
Như vậy, điều gì đã khiến cho ông Donald Trump có được sự ưu ái của Thiên thượng? Rất nhiều người tin vào Thần Phật đều cảm thấy buồn bực: Một Donald Trump bỡn cợt với đời, ăn nói thô tục, cách làm cực đoan, nhiều lần phá sản và ly hôn, còn liên quan đến lừa đảo và trốn thuế, hoàn toàn không phù hợp để Thượng đế tuyển chọn.
Có lẽ, điều chúng ta nhìn thấy chỉ là một vài điều vốn không hoàn mỹ của ông Trump, ông ấy có lẽ còn một mặt khác mà chúng ta không biết được, ví như ông coi trọng tình thân, giàu lòng yêu thương và trắc ẩn, vui vẻ giúp đỡ những người đang trong hoàn cảnh khó khăn, những phẩm chất đặc biệt như vậy có lẽ đã giúp ông hoàn thành sứ mệnh mà Thiên thượng giao phó cho mình.
Điểm khác biệt giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đối với vấn đề nhiều người quan tâm đó là Trung Quốc và việc bảo vệ đức tin rất khác nhau
Đài truyền hình Tân Đường Nhân tiếng Trung trước đó đã có buổi phỏng vấn đối với ông Shawn Steel, cựu chủ tịch đảng Cộng hoà bang California, và là Ủy viên Ủy ban Toàn quốc đảng Cộng hòa thuộc phe cánh ông Donald Trump và ông Gary Locke, cựu đại sứ Trung Quốc ở Hoa Kỳ, người ủng hộ bà Clinton, cũng đã cho thấy câu trả lời.
Trong buổi phỏng vấn, cả hai bên đều đã chỉ rõ ràng về vấn đề Pháp Luân Công vốn được xem là vấn đề nhạy cảm nhất trong mối quan hệ Trung – Mỹ, trong đó bao gồm cả vấn đề mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công. Trong đó có hỏi nếu như bà Hillary hoặc ông Trump đắc cử, bà ấy hoặc ông ấy sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Ông Gary Locke trả lời: “Hillary sẽ tiếp tục khởi xướng và thúc đẩy nhân quyền, bao gồm tự do và khoan dung tôn giáo lớn hơn ở bên trong Trung Quốc”. Đảng Dân Chủ đã nắm quyền 8 năm rồi, lẽ nào đối diện với tội ác diệt chủng xưa nay chưa từng có trong lịch sử như vậy, sao không phải là lập tức ngăn chặn, mà vẫn là “tiếp tục khởi xướng và thúc đẩy”? nó không khác gì so với biểu hiện trước đó,
Trong lúc được hỏi về “Những văn kiện mà Vương Lập Quân mang theo phải chăng có liên quan với tội ác mổ cướp nội tạng?”, ông Gary Locke nói rằng: “Có lẽ tôi không thể nói, tôi sẽ không xác nhận văn kiện này có hay không”.
Bà Hillarry nếu như đắc cử, thì làm sao có thể giương cao giá trị phổ quát mà các đời Tổng thống Mỹ trước đó đã khởi xướng?
Còn ông Shawn Steel lại trả lời: “Tôi không thể nói với mọi người rằng Trump nhất định sẽ làm những gì, nhưng tôi có thể chắc chắn với mọi người rằng, trong nhóm của ông ấy có những người hiểu rất rõ những thông tin này.
Chúng tôi biết chuyện ĐCS Trung Quốc mổ cướp nội tạng đã diễn ra mấy chục năm nay rồi, đây chẳng qua chỉ là thủ đoạn cũ rích của ĐCSTQ, rất tàn ác. Đối với một đoàn thể tín ngưỡng ôn hòa, lại mượn cớ này kia để gia tăng bức hại, đây là tội ác chưa từng xuất hiện trong xã hội nhân loại. Tôi mong rằng, đây là việc đầu tiên mà ông Donald Trump sẽ phải làm khi tiếp kiến người lãnh đạo Trung Quốc, nếu như ông (lãnh đạo Trung Quốc) phản đối tự do tôn giáo, chúng tôi sẽ không hợp tác với ông nữa.
Tôi không thể đoán trước, nhưng đây là điều cần phải làm. Một chính phủ tham gia tội ác mổ cướp nội tạng và giết hại người vô tội, đây đúng là chuyện đáng ghê tởm và bất bình. Những người ủng hộ ông Obama và bà Clinton vốn không quan tâm, nhưng làm sao có thể không quan tâm được? Không phải bạn cũng là con người hay sao. Một khi chúng tôi nắm quyền, chúng tôi nhất định phải đề cập đến đề tài thảo luận này, và để cho càng nhiều người hơn nữa biết được điều này tệ hại như thế nào”.
Hai câu trả lời như vậy, những người có đức tin vào Thần Phật sẽ chọn ai đây? Trong lòng quả thật đã quá rõ ràng, và hẳn đây chính là nguyên nhân mà Thượng đế đã giúp đỡ ông Donald Trump. Sau khi ông Trump lên nắm quyền, liệu có cô phụ sứ mệnh mà Thiên thượng đã giao phó cho ông hay không, chúng ta hãy cùng chờ đợi xem.
Tác giả: Dương Ninh

Theo epochtimes.com, tinhhoa.net

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

Donald Trump vừa làm “Cách mạng”!

Link : https://www.tindachieu.com/news/2016/11/donald-trump-vua-lam-cach-mang.html

Nước Mỹ sẽ tiếp tục là cường quốc hàng đầu? Những thay đổi hệ thống chính trị của ông Trump ảnh hưởng thế nào đến thế giới là câu hỏi còn mở vì tùy thuộc rất nhiều vào kết quả của những thay đổi tại Hoa Kỳ.
Trong thời gian tranh cử nhiều lần ông Trump tuyên bố ông không phải là một chính trị gia, cho đến khi ra tranh cử, chưa bao giờ ông tham gia vào hệ thống chính trị Hoa Kỳ.
Ông Trump là một tư bản địa ốc, khi thấy mảnh đất vàng Hoa Kỳ xây trên một hệ thống chính trị sụp đổ, thì việc của ông phải làm là phá hệ thống chính trị này để xây lên một hệ thống chính trị khác. Hành động của ông là hành động của một nhà cách mạng.
Ngày 8 tháng 11 vừa qua ông đã thực hiện được điều này khi nắm được đa số phiếu của cử tri đoàn trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Quyền lực Tổng Thống vững chắc hơn khi đảng Cộng Hòa chiếm được lưỡng viện Quốc Hội và ông Trump được quyền bổ nhiệm một Thẩm Phán Tối cao Pháp viện mới thay cho ông Antonin Scalia vừa qua đời.
Rõ ràng đa số người Mỹ muốn có một sự thay đổi mạnh mẽ, họ tin vào con người của ông Trump và muốn giao cho ông trách nhiệm cách mạng này.
Thay đổi từ trong đảng Cộng hòa
Ông Trump được mọi người chú ý và thắng trong cuộc tranh cử nội bộ của Đảng Cộng Hòa nhờ phương cách đập phá hệ thống chính trị của Đảng Cộng Hòa.
Ông cho biết ông cũng từng thờ ơ với việc tham gia chính trị chỉ biết đóng tiền cho các chính trị gia nhưng họ chẳng làm nên trò trống gì nên bây giờ ông mới phải tham gia chính trị.
Ông không cần Uỷ ban Quốc gia đảng Cộng hoà vận động gây quỹ và điều hành các chiến dịch tranh cử. Ông có tiền và có cách vận động riêng của ông.
Ông không cần truyền thông báo chí quảng cáo. Bằng cách riêng ông thể hiện rõ một người trực tính ăn ngay nói thẳng không như cách đóng kịch quảng cáo lừa dối của những chính trị gia chuyên nghiệp.
Trong khi ông thẳng tay công kích các chính trị gia thì ngược lại ông tỏ rõ thái độ lắng nghe và hiểu rõ ý nguyện những người dân lao động, đặc biệt là những người lao động gốc da trắng. Ông sẵn sàng vì họ hành động, nói và làm theo ý nguyện của họ. Nhờ đó ông loại được 16 ứng viên đảng Cộng hòa, đều là những chính trị gia chuyên nghiệp như các Thượng Nghị sĩ Marco Rubio, Ted Cruz, các Thống đốc Jeb Bush, Chris Christie, Rick Perry…
Đương nhiên cách chơi “phi chính thống” của ông gây lo sợ cho hầu hết các chính trị gia đảng Cộng hòa và nhiều người đã công khai phản đối ông. Chiến thắng vừa qua đã xóa đi phần nào những bất đồng nội bộ đảng Cộng hòa do ông gây ra.
Đối đầu cùng bà Hillary Clinton và đảng Dân Chủ
Ông Trump lại tiếp tục đối đầu với bà Hillary Clinton một chính trị gia lão luyện, một người từ lâu đã vận động để trở thành nữ Tổng Thống Hoa Kỳ đầu tiên.
Bà Hillary Clinton từng là đệ nhất phu nhân tiểu bang Arkansas khi ông Bill Clinton làm thống đốc từ 1979-92, đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ khi ông Bill Clinton làm Tổng thống 1993-2001, là Nghị sỹ đại diện cho tiểu bang New York 2001-09, là Ngoại Trưởng 2009-13 có quyền lực chỉ sau tổng thống Hoa Kỳ Obama.
Nhìn chung Bà Hillary Clinton là một chính trị thuộc loại kình ngư ông Trump không có gì để so sánh. Nhưng ông lại là một nhà cách mạng đang tiến hành đập phá hệ thống chính trị mà bà Clinton là người có không ít kẽ hở để ông tấn công.
Bà Clinton nắm khá rõ chiến lược và chiến thuật tranh cử của ông Trump, nên sử dụng sở trường ngoại giao nhằm chinh phục cử tri, nhưng vẫn không thể thoát khỏi gọng kìm công kích của ông Trump.
Có lúc bà phải tuyên bố ngừng đối đầu với ông, dành thời giờ đưa ra những chính sách mà bà muốn quảng bá đến dân chúng.
Lên đến 70 phần trăm thời gian tranh cãi ông Trump đã chủ động sử dụng chiến thuật đập phá. Đương nhiên ông cũng chịu đánh trả để phơi bày cho công chúng con người rất thật của ông.
Việc Tổng Thống Obama công khai đỡ đầu cho bà Clinton dường như không mang lại một kết quả như ý muốn. Di sản ông Obama để lại từ việc nội trị cho đến việc ngoại giao được ông Trump tận tình khai thác.
Bà Clinton vừa mang hình ảnh tiếp nối di sản của Obama, vừa không có thời gian để đưa ra những chính sách riêng của mình, vừa theo lề lối chính trị kiểu cũ thường chỉ thuyết phục được thành phần có học, và thất bại trong việc quảng bá cho chính sách riêng của bà.
Ngược lại tại thành phố Gettysburg tiểu bang Pennsylvania ngày 22/10/2016, ông Trump thông báo kế hoạch phải làm trong 100 ngày đầu nếu ông đắc cử tổng thống.
Bản thông báo ngắn gọn dễ hiểu khả thi và bao trùm mọi vấn đề từ việc làm sạch tham nhũng và lũng đoạn của nhóm đặc quyền ở thủ đô Washington DC, việc bảo vệ người lao động ở Mỹ, đến việc khôi phục an ninh và nền pháp trị theo Hiến Pháp.
Chiến thắng của ông Trump cho thấy ông hoàn toàn chủ động cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc. Ông đã cầm quyền và người dân đã giao cho ông các quyền mà mọi Tổng Thống Hoa Kỳ đều mơ ước là nắm được Lưỡng Viện Quốc Hội. Còn việc xây dựng lại một hệ thống chính trị đã tồn tại trên 200 năm là một điều không phải dễ và sẽ là công việc của ông trong 4 hay 8 năm tới.
Đối với thế giới
Trong bài diễn văn mừng chiến thắng ông Trump nhấn mạnh:
“Tôi muốn nói với cộng đồng thế giới rằng trong khi chúng ta sẽ luôn đặt lợi ích của nước Mỹ trước tiên, chúng ta sẽ đối xử công bằng với tất cả mọi người, với tất cả mọi người, tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia. Chúng ta sẽ tìm một tiếng nói chung, chứ không phải lòng hận thù, sự hợp tác chứ không phải xung đột.”
Lâu nay nhiều nước vẫn xem Mỹ như một cường quốc có bổn phận phải trợ giúp các quốc gia nhỏ hơn. Để giữ vai trò nước lớn các chính phủ Mỹ trước đây đã thực sự hy sinh quyền lợi người Mỹ.
Ông Trump nhấn mạnh cần đối xử công bằng cho người Mỹ cũng như mọi người ở tất cả các quốc gia, đây sẽ là chìa khóa cho chính sách đối ngoại của chính phủ Trump trong những ngày sắp tới.
Nước Mỹ sẽ tiếp tục là cường quốc hàng đầu? cuộc cách mạng hệ thống chính trị của ông Trump ảnh hưởng thế nào đến thế giới là câu hỏi còn mở vì tùy thuộc rất nhiều vào kết quả của những thay đổi tại Hoa Kỳ.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi, 10/11/2016