Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Tâm sự của FB Michael Le : XUẤT CHÚNG (13-14) tiếp theo…hết


Tác giả : FB Michael Le (Lê Hồng Hà)
XUẤT CHÚNG (13)
Buổi tối đó ở Đà Lạt, ngồi nói chuyện với chị mà có cảm tưởng như chúng tôi đang ở ngày cuối của một... đợt tĩnh tâm! 
Tĩnh tâm đối với người Công giáo, tôi mạo muội định nghĩa ngắn gọn, là một đợt tạm lánh khỏi những bận tâm toan tính thường ngày (kể cả tạm rời khỏi khung cảnh sống thường nhật), để nhìn lại toàn bộ cuộc đời mình, dưới cái nhìn tâm linh. Khó tĩnh tâm một mình lắm. Thường thì người ta cần bạn đồng hành. Có một bậc thầy hướng dẫn thì quá tốt, nhưng dù là 'thầy', người đó có mặt không phải là để 'giảng dạy' cho bằng là để trở thành một người bạn, lắng nghe và đồng hành - một người bạn tâm linh. 
Tôi nói vậy, vì chị đang chia sẻ những cảm nghiệm và thao thức tâm linh của chị. Chị làm tôi rất ngạc nhiên. Một người đang mắc bệnh tâm thần - tâm thần phân liệt - lại có thể có một đời sống tâm linh sâu sắc và cảm động đến thế!
Tôi có quyền kể ra chi tiết không nhỉ? Ngay khi gõ những dòng này, tôi vẫn còn thấy áy náy. Chỉ có thể nói rằng tôi rất xúc động, vì có lẽ chính nhờ thân phận bệnh tật của mình mà lòng trắc ẩn của chị lại càng bừng cháy. Chị cảm thông sâu xa và rất thương những người nghèo khổ mà chị gặp. 
Tất nhiên trong tình cảnh như vậy, chồng chị phải giữ hết tay hòm chìa khóa gia đình. Anh 'phát tiền chợ' hàng ngày cho chị và còn phải trông chừng xem chị chi tiêu làm sao, không phải vì tiếc tiền hay tiết kiệm mà vì muốn theo dõi bệnh tình của chị. Mặt khác, anh cứ canh cánh lo, nếu chị lộ ra những biểu hiện tâm thần thì rất phiền, có thể mất chỗ trọ như chơi vì các chủ nhà không ai muốn chứa một người bệnh như thế.
Nhưng chị thì quá... 'bất bình thường'! Dọn đến ở đâu, chị cũng tìm ra ít là một người nghèo khổ bệnh tật ở đầu đường xó chợ, nhất là người già, và chị tận tình yêu thương chăm sóc họ, một cách... một cách mà trong xã hội này, e người ta sẽ nghĩ "chỉ có điên mới làm thế"!
Từ khi anh chị ra riêng, tôi có đến thăm và thỉnh thoảng ở lại dùng cơm với anh chị. Chị lo cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp trong nhà, chăm sóc con... tất cả đều rất chu đáo và cẩn thận. Chị nấu ăn ngon và khéo lắm. Chị luôn ngồi bên chồng con vào giờ cơm dù chị chỉ ăn cầm chừng chút chút, bời giờ ăn của chị còn tùy thuộc vào giờ uống thuốc. 
Nhưng chồng chị không ngờ, và tôi cũng không ngờ, chị nhịn bớt phần ăn của mình để nhường cho người nghèo! Có lần tôi đến thăm mà chồng chị chưa về, bắt gặp chị bưng một mâm cơm sạch sẽ đàng hoàng từ phòng trọ trên lầu chung cư xuống gầm cầu thang tầng trệt, nơi chị hẹn hàng ngày một bà cụ ăn xin neo đơn ngoài chợ. Chị ngồi đó, quạt cho cụ ăn, săn sóc y như săn sóc mẹ già của mình! Ôi... đúng là chị 'điên' rồi!
Chị kể tôi nghe những chuyện như vậy. Chị áy náy hỏi tôi chị có làm sai điều gì không? Chị rất thương sự vất vả khó nhọc của chồng, đâu dễ kiếm tiền ở đất Sài Gòn đắt đỏ, nhưng chị nói chị cầm lòng không được! Tôi trả lời làm sao bây giờ? Ôi chao! 'Điên' như chị thì quả là... xuất chúng! Trong lịch sử giáo hội từng có những vị thánh 'điên' rất nặng kiểu đó. Thánh Phanxicô, thánh Martinô da đen chẳng hạn. Hay ngay thời chúng tôi, Mẹ Têrêsa Calcutta cũng quá xá là điên!
Rồi chị kể tôi nghe câu chuyện thời thơ ấu của chị. Một lỗi lầm trẻ con làm chị cứ ân hận hối tiếc mãi. Chị muốn sống ngay lành và trong sạch để... "không làm Chúa buồn"! Chị nói giờ chị đón nhận căn bệnh của mình, chị biết nó sẽ kéo dài cả đời và chị "vâng theo ý Chúa". Không 'cãi' nữa! Không trách không buồn nữa! Chị chỉ cầu xin Chúa gìn giữ để không làm gì sai trái tội lỗi, và không trở thành gánh quá nặng cho ai...
"Anh Hà. Thỉnh thoảng em cũng đến nhà thờ xưng tội, nhưng hôm nay được nói hết với anh, được nghe anh khuyên như thế, em thấy nhẹ lòng lắm!".    
Ôi chao! Tôi nào dám khuyên chị điều gì? Chị thánh thiện hơn tôi nhiều! Tôi đã cảm thấy có luồng điện chạy khắp người và tôi đã... tự nhiên nổi cơn lên mà 'giảng đạo'. 
Tôi nói: Ôi, Chúa thương chị quá chừng! Tôi chỉ đứa con bé nhỏ ngủ trong tay chị và nói: "Nó có nhức răng hay đau bụng, hay lúc bị cơn sốt vỡ da, hay những lúc đái dầm ỉa đùn... chị là mẹ, có bao giờ chị trách nó đâu. Lúc nó càng yếu đuối bệnh tật chị càng thương hơn, phải không? Dù mình có tội lỗi đến đâu thì tội mình cũng chỉ như hạt bụi, còn lòng Chúa thương thì như biển như trời..."
Ôi chao, tôi bỗng nói một hồi như là cũng đang... 'lên cơn' rồi. Thật là giống một cuộc tĩnh tâm. Tôi và chị đều cảm thấy hạnh phúc, thấy bình an, thứ hạnh phúc bình an lạ lùng khi mình cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa tràn trời ngập đất! 
Mắt chị sáng ra. Khuôn mặt chị như tỏa ra ánh sáng bình an và niềm vui. Ngay lúc đó, ngay đêm đó, tôi hoàn toàn tin rằng chị đã được chữa lành. Chị sẽ sống hạnh phúc cho dù phải uống thuốc cả đời đi nữa, và chị sẽ còn đem hạnh phúc đến cho người chung quanh, trước hết là chồng con chị! 
Xuất chúng là gì? Xuất chúng là đón nhận trọn vẹn con người mình như nó là. Xuất chúng là ôm lấy số phận độc đáo của mình, là ôm lấy kiếp sống của chính mình, cái duy nhất, có một không hai trong vũ trụ này. Xuất chúng là sống tràn đầy từng phút từng giây chính đời mình bằng con tim đơn sơ quảng đại, yêu thương và rộng mở.
Chị và tôi đều biết tôi không tiện ở lại lâu trong căn nhà nhỏ này của người chị. Chị biết đó là buổi tối đặc biệt chắc khó có lại lần thứ hai, để kể tôi nghe những điều chị muốn kể. 
Tôi hoàn toàn an tâm rồi. Ngay hôm sau tôi sẽ về. Còn mấy ngày nữa mới Tết. Vẫn còn kịp, tôi không về Sài Gòn liền mà sẵn tiện, ghé thăm giáo xứ kinh tế mới mà nào giờ chỉ nghe kể chứ tôi chưa tới bao giờ. 
Đó là một cuộc thăm viếng rất thú vị. Tôi có cảm tưởng lòng mình đang tràn ngập niềm vui và không thể không đi... loan báo 'tin mừng' ấy cho bạn bè cũ của anh chị. Đúng là một tin mừng! Chúa đã sống lại thật rồi! Chúa đã sống lại trong người bệnh tâm thần phân liệt là chị!

XUẤT CHÚNG (14 - Hết)
Một người bạn của tôi, một cô giáo trong trường xưa, đọc thấy loạt bài này, bèn nhắn tin đến tôi, nói rằng có gặp chị bạn tôi mới gần đây nhân vợ tôi từ Úc về thăm quê hương mời bạn bè họp mặt. (A, tôi nói vợ đây, là người vợ cũ. Cuộc hôn nhân của chúng tôi đã đổ vỡ, khoảng 4 năm kể từ sau ngày đầu tiên chúng tôi quen biết anh chị).
Nghe kể anh chị giờ sống rất ổn, đã có nhà riêng. Cậu con trai của anh chị, bé lẫm chẫm năm nào, giờ đã có gia đình, đã sinh cho anh chị đứa cháu nội. Bữa họp mặt đó có chụp hình, cô giáo hứa sẽ tìm lại hình của chị, gởi tôi xem. 
Chị ấy giờ sống khỏe mạnh y như một người bình thường, dù chị vẫn uống thuốc. Vâng, một người bệnh tâm thần thì vẫn cần thuốc cả đời, nhưng ngày từ lúc còn ở Việt Nam, tôi biết chị đã có thể tự theo dõi sức khỏe mình, tự biết uống thuốc khi cần và tự biết liều thuốc cần bao nhiêu. 
Rất ổn rồi. Ngay từ lúc đó tôi đã thấy chị đi lại và hoạt động nhanh lẹ hơn, không kém người khỏe bao nhiêu. Và ngay từ lúc đó, tôi biết chị đều đặn đến nhà thờ dự thánh lễ mỗi chiều. Chị cũng dắt con theo để tập thói quen tốt cho con nữa. 
Thời gian đầu khi chúng tôi mới ly hôn, anh chị hay nhắn tôi đến nhà chơi, và tôi biết anh chị cũng hay mời riêng vợ tôi đến chơi nhà anh chị. Anh chị muốn an ủi chúng tôi, tôn trọng cả hai phía, không nỡ hạch hỏi điều tra hay trách móc phán xét bên nào cả.
Chị làm đồ nhắm cho chồng chị và tôi nhậu lai rai. Chắc là thời gian đó tôi phờ phạc rầu rĩ lắm. Chị ngồi ngó tôi một hồi rồi vừa cười vừa la: "Anh Hà thiệt là tình á! Sao anh để đến nông nỗi này? Lúc em mới biết chuyện, em buồn lắm. Nhưng thôi, số phận vậy rồi. Giờ em vẫn thường cầu nguyện cho anh và chị. Cầu cho hai người được bình an". Tôi cảm động thấy chị cư xử thật ấm áp và độ lượng, như một người bạn từng trải, hiểu đời.
Trước khi xuất cảnh đi Mỹ, tôi cũng đến thăm chào từ biệt anh chị. Anh từng vất vả và lo lắng nhiều nên tóc anh sớm bạc. Chị đã trở thành một phụ nữ tuổi 40, mạnh khỏe, chăm chỉ và đảm đang, khuôn mặt toát ra vẻ hiền lành phúc hậu. Tôi thấy anh chị thật hạnh phúc. 
Anh ấy cũng công nhận anh hạnh phúc. Anh cám ơn Trời đã cho anh một người vợ đặc biệt, người vợ đã giúp anh dù cũng 'ham vui' như bao nhiêu đàn ông khác, đã biết kềm mình trong kỷ luật để mà sống cho tốt.  
Thôi tôi xin lấy lại bản nháp mà tôi đã viết mấy bữa trước khi tôi muốn kết thúc sớm chuyện kể này. Tôi đã định kết thúc sớm vì ngần ngừ cân nhắc, sợ mình không được quyền tiết lộ bí mật nội tâm của chị. Nhưng đã lỡ kể thì phải kể cho hết. Tôi đã đành phải bật mí về sự xuất chúng lạ lùng của chị. 
Ai trong chúng ta cũng có thể trở thành xuất chúng, khi chúng ta dám đón nhận và đảm nhận cuộc đời của chính mình, số phận và 'ơn gọi' độc đáo duy nhất của riêng mình - không giống, và không cần phải giống bất cứ ai trên trái đất này. 
Tận kỳ tính! Sống đến kỳ cùng cái phận người trôi nổi và cái tính người linh thiêng của nhân loại, ngay trong hoàn cảnh tư riêng đặc thù của mình. Và vì là người, nên biết mở rộng con tim nữa để mà đón nhận và yêu thương mọi người khác - thông cảm và yêu thương người khác vô điều kiện như họ 'là', trong hoàn cảnh riêng tư duy nhất của họ. 
Xin cám ơn quý anh chị đã theo dõi và khích lệ tôi kể hết câu chuyện này. Xin cứ xem đoạn nháp này là cái kết của tôi ạ:

XUẤT CHÚNG (nháp)
Tôi đã phải khá dài dòng kể lại câu chuyện chị bạn từng bị bệnh tâm thần phân liệt, có lẽ điều tôi muốn nói, trước tiên là sự cảm kích sâu xa về những nỗ lực của loài người để giúp đỡ nhau, mang vác nhau, đùm bọc nhau và chữa lành nhau.
Có bệnh thì ta mới biết ơn ngành Y, cũng như ăn hạt cơm chúng ta biết ơn người trồng lúa. Tất cả chúng ta cần có nhau thì mới tồn tại được trong vũ trụ bao la huyền nhiệm này. Lòng biết ơn nhau giúp thế giới loài người chúng ta chung sống hòa bình và nhân ái.
Nếu đùng một cái mà Ông Trời, hay Ông Chúa, làm "phép lạ" để thế gian này không còn bệnh tật và khổ đau nữa, thì điều đó chưa chắc đã là "lạ". Cái lạ, là những bất hạnh và mong manh của phận người thúc đẩy chúng ta phải nỗ lực từng bước, có khi từ thế hệ này qua thế hệ kia, để tiến tới một thế giới nhân bản hơn, yêu thương hơn, "người" hơn.
Với tôi, "phép lạ" chính là chỗ đó! Trong cái nhìn đó, thì chúng ta biết ơn cả những người bệnh, những người bất hạnh, những người "nghèo", và cả những người "ác xấu".

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

Tâm sự của FB Michael Le : XUẤT CHÚNG (10-11-12) tiếp theo…


Tác giả : FB Michael Le (Lê Hồng Hà)

XUẤT CHÚNG (10)
Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa lúc ấy giống như ngôi làng nhỏ xây kiểu Pháp. Mỗi dãy nhà, (đúng hơn là mỗi căn nhà vì chỉ rộng hơn nhà tư nhân tí), lúc đó toàn là nhà trệt, đều có mảnh đất và hàng rào chung quanh. 
Vị y sĩ dẫn tôi đến nhà dành cho bệnh nhân nữ đã được "cắt cơn". Nhà này chỉ có hàng rào thấp bao quanh mảnh sân phía trước, với hai cây bông sứ thấp, trồng một ít hoa. Phía sau là sân tắm giặt, phơi đồ. Cổng rào không khóa, nhưng các cửa đi và cửa sổ của nhà đều có song sắt kiên cố, dòm y như nhà tù. 
Cô y tá mở cánh cửa sắt, lắc chùm chìa khóa leng keng, báo hiệu hết giờ ngủ trưa và được ra sân trước hóng mát rồi. Cô kêu tên chị bạn tôi, nói có người nhà đến thăm nè. Lập tức, cả phòng nhốn nháo hẳn lên. Mười mấy người xúm xít bu tới cửa đi và cửa sổ, tròn mắt dòm, nhưng lạ là không ai dám ra cả. 
Tôi thoáng thấy chị ngồi dậy, chậm chậm nhìn ra. Thấy tôi, chị chầm chậm xuống giường. Chị có vẻ vô cùng ngạc nhiên và mừng. Tôi cũng ngạc nhiên không kém, thấy chị tuy vội nhưng vẫn nhớ sửa sang lại áo sống, kẹp tóc lại cẩn thận trước khi bước ra. Mười mấy cô bệnh nhân dạt ra nhường lối cho chị. Tôi nghe những tiếng reo lên: "Có người nhà thăm rồi kìa! Có người nhà thăm kìa!". 
Vị y sĩ bảo tôi chịu khó gặp chị ở đây vì hôm nay ngày thường, phòng tiếp khách đóng cửa không có ai trực. Tôi mở cổng bước vào sân. Đã mấy tháng rồi tôi mới gặp lại chị. Chị vẫn đi chậm chậm như ngày nào. Chị mừng rớt nước mắt và đây là lần đầu tiên chị nắm lấy tay tôi, bằng cả hai tay chị. "Anh Hà. Sao anh tới đây được vậy? Em mừng quá! Em ở đây buồn lắm. Em nhớ con em lắm".
Có chiếc bàn đá tròn giữa sân và bốn ghế đá dài bao quanh. Tôi với chị ngồi đó. Chưa nói chuyện gì nhiều thì mười mấy nữ bệnh nhân ào ra hành lang, dòm chúng tôi một cách thèm thuồng, chỉ chỏ nói gì đó với nhau, người thì òa khóc, người thì mếu máo, người khác lại cười hí hí.
Tôi thực ngạc nhiên thấy chị nhìn những bạn đồng phòng bằng cái nhìn xót xa thương cảm. Chị nói với tôi: "Tội lắm anh Hà. Mấy chị thèm được người nhà tới thăm lắm, mà rất ít. Có chị ở đây lâu rồi mà không ai thăm cả". Chị cố gắng cất giọng yếu ớt, nói to lên: "Ra đây chơi đi mấy chị. Anh này là bạn của chồng em". 
Như chỉ chờ có thế, cả phòng ùa ra. Một chị lớn tuổi nhất, độ 40, nhanh chân nhất và bạo dạn nhất, chạy tới giành ngay chỗ kế bên tôi. Những cô khác rụt rè hơn, chạy tới rồi khựng lại chưa dám ngồi, miệng cười toe toét mà mắt rưng rưng như khóc. Tôi tươi cười mời các cô ngồi, lòng nhói lên, xót xa vì phần đông họ đều còn trẻ, thậm chí có cô còn rất trẻ.
May là tôi đã quen với các lớp Trẻ em Chậm phát triển nên cảnh này không làm tôi ngán. Ôi thôi là như cái chợ. Mạnh ai nấy nói. Có cô bỗng bật khóc hu hu. Cô khác la: "Im đi mày! Mày khóc bác sĩ cho mày lên phòng sốc điện bây giờ!". 
Nghe nhắc tới phòng "liệu pháp sốc điện", tôi thấy ai nấy mặt mày xanh lét. Cô kia càng kinh hoàng khóc to hơn, hai tay chắp lại vái lạy liên hồi, nhưng miệng thì la: "Không khóc nữa! Không khóc nữa!". (Phòng sốc điện là thế nào, tôi thực tình không dám kể. Ai muốn biết nó thế nào thì... hỏi ông Phạm Văn Thành, một cựu tù chính trị từng bị tra tấn bằng ghế điện). 
Chị tuổi 40 ngồi kế tôi thì nhắc đi nhắc lại cả trăm lần địa chỉ của chị, nhờ tôi đến nhắn người nhà rước chị về. Chị bảo cứ tới ngay chợ đó chợ đó, ghẹo bên trái đi tới một chút rồi ghẹo bên phải, ngay trân nhà có cây bông giấy là nhà chị....
Tôi rất ngạc nhiên, vô cùng ngạc nhiên vì sự bao dung tử tế của chị bạn tôi. So với tất cả bệnh nhân cùng phòng, chị là người ăn mặc chỉnh tề sạch sẽ nhất. Tóc chị gội chải mượt mà chứ không rối bời như những cô khác. Chị có vẻ còn rất mệt vì phải uống nhiều thuốc an thần. 
Một cô đứng dậy la lên: "Tụi bây có im hết đi không, cho người ta nói chuyện kìa! Người ta đến thăm người nhà chứ có thăm tụi bây đâu hả?". Cả nhóm lặng đi một chút, im re, rồi lại bùng lên như cái chợ! 
Mắt chị bạn tôi thỉnh thoảng sụp xuống và tôi thấy chị phải định thần, hít thở mấy hơi cho tỉnh. Chị nhìn người này người kia, mỉm cười với họ. Chị nói nhỏ với tôi: "Họ tội lắm anh à!".
Đã sống chung nhà với chị cả năm, thỉnh thoảng nghe chị kể chuyện. Dù là những mẩu chuyện rời rạc, tôi lờ mờ cảm nhận tấm lòng vị tha lạ kỳ của chị. Bây giờ ngồi đây, hơn hai tiếng đồng hồ ngồi bên chị và giữa nhóm bệnh nhân đáng thương này,  tôi vô cùng xúc động thấy chị "nhường" tôi cho các bạn đồng cảnh ngộ.
Ngay lúc ấy, tôi rúng động vì sự phi thường của chị. Tôi nghĩ tôi không sai khi nói rằng chị là một người "xuất chúng" (đó là một trong hai lý do tôi lấy chữ đó đặt tựa cho loạt bài này).    
Tôi quyết phải làm mọi cách để chị được xuất viện. Có mất bao nhiêu công sức và thời gian nữa, tôi cũng sẽ quyết đồng hành với gia đình anh chị. Tôi tin là chị sẽ được bình phục. Một người có trái tim nhân hậu đến thế thì nhất định sẽ được chữa lành. Nhất định Chúa sẽ chữa chị lành! Tôi tin chắc chắn thế!

XUẤT CHÚNG (11)
Từ bệnh viện thăm chị về, tôi ghé đến chỗ anh làm việc để "báo cáo tình hình". Tôi nói bẵng thời gian lâu không gặp chị, thấy chị thuyên giảm không ngờ. Trông chị khá lắm. Lần lên cơn trở lại vừa rồi có lẽ do thời tiết quá nóng và do chị sơ suất quên tăng liều thuốc hàng ngày lên chăng?
Anh báo tin mừng cho tôi. Đã có giải pháp. Một người chị vợ của anh nhân có việc đi Sài Gòn đã tìm đến thăm. Nghe tình hình như vậy, chị sẵn lòng rước em gái mình và cháu về ở chung, dự định vài tháng hay một năm. Chị ấy sống với chồng và hai đứa con nhỏ ở Đà Lạt. Chồng chị lại phải đi công tác xa nhà lâu ngày. Thôi thì hai chị em đùm bọc nhau một thời gian.
Tôi mừng quá! Tôi biết anh với gia đình bên vợ bất hòa đã lâu, và anh từng 'khắc khẩu' nhất, va chạm nhiều nhất là với với bà chị vợ này. Nay chị ấy không những đích thân tìm đến làm lành mà còn sẵn sàng góp một tay giúp hai em mình. Khí hậu Đà Lạt lại quá lý tưởng cho người bệnh. Ôi, cám ơn Trời! Quá tốt!   
Niềm tin! Niềm tin! Tin rằng người bệnh sẽ được hồi phục! Khi mà mọi người thân chung quanh người bệnh tâm thần đều dám TIN rằng bệnh nhân sẽ hồi phục, thì tôi nghĩ... đến Chúa cũng không dám 'cãi'.  
Người chị đã rước cháu về Đà Lạt trước. Anh bạn tôi đã có thể an tâm rồi. Mùa Tết đến, công việc đã rất nhiều mà chủ còn giao anh thêm nhiệm vụ trực Tết. Chúng tôi thống nhất với nhau: cuối tuần anh sẽ đến bệnh viện rước chị về, và hôm sau tôi sẽ tháp tùng đưa chị đi Đà Lạt.  
Sáng đó tôi ra bến xe, chờ một chút thì anh chở chị bằng xe đạp lọc cọc đến. Chị trông vẫn còn rất mệt. Mấy ngày cận Tết khó mua vé, rốt cuộc chỉ còn hai chỗ trên chiếc xe nhỏ chật cứng mà ghế tựa thì chỉ cao ngang lưng. Kiểu này ngồi rất mỏi. 
Tôi ngồi 'chặn' cửa sổ, chị ngồi bên. Đứng dưới xe, anh với tay nắm lấy tay chị. Lần đầu tiên tôi thấy anh nhìn chị bằng cái nhìn dịu dàng. tràn đầy yêu thương âu yếm, trước mắt tôi, không ngại ngần gì nữa. Anh dặn dò vài điều, rồi nói: "Em có mệt, cứ ngả vào vai Hà mà ngủ. Giữ sức khoẻ và chăm sóc con giùm anh. Anh thu xếp công việc sớm rồi sẽ rước hai mẹ con về với anh". 
Thật cảm động! Tự nhiên tôi có cảm tưởng anh vừa 'tuyên hứa' lần nữa lời thề yêu thương với vợ mình, trước mặt... 'người chứng hôn' là tôi: "Anh hứa lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh tật cũng như khi khỏe mạnh, sẽ tôn trọng và yêu thương em, suốt đời anh!".
Chiếc xe cà rịch cà tang, dừng tới dừng lui thả khách đón khách, chạy cả hơn nửa ngày mới tới Đà Lạt. Chị ngủ suốt, không ăn gì, chỉ ráng dậy khi tới giờ uống thuốc. Tôi quàng vai để chị ngả vào tôi mà ngủ, vừa như đứa em gái bé bỏng tội nghiệp, vừa như người chị mà tôi đã thoáng thấy vẻ đẹp kỳ lạ của tâm hồn, một người chị tôi vừa thân thiết vừa thực lòng kính trọng.       
Về tới Đà Lạt, chị vui và khỏe hẳn lên khi được gặp lại con. Hai chị em cũng rất mừng gặp lại nhau sau mấy năm xa cách. Người chị nói với tôi: "Vợ chồng em chỉ là bạn mà còn thương giúp đỡ đùm bọc tụi nó, chị là chị thì làm sao bỏ em bỏ cháu mình được".
Cả ngày ngồi bó chân trên xe, tôi xin phép đi bộ lòng vòng kiếm quán cafe, ngắm Đà Lạt xem nó ra làm sao, cũng là để hai chị em tha hồ tâm sự. Một dãy dài cả chục quán liên tiếp, tôi rảo một vòng, chọn quán nào có nhạc hạp gu nhất, ghé vô. 
Ngồi đó, hút thuốc liền tù tì, một cơn trống rỗng buồn bã bỗng từ đâu ập tới. Tôi ngẫm nghĩ thân phận lông bông của mình. Tôi ngẫm nghĩ về tình trạng hôn nhân của chính vợ chồng tôi. Chúng tôi rất thương nhau, có vẻ rất giống nhau rất hạp nhau nữa, nhưng không hiểu sao cứ khủng hoảng hoài! 
Tôi kêu thêm cafe, quên cả thời gian, trời tối hẳn lúc nào không hay, bỗng giật mình vì chị cùng đứa con đứng trước mặt tôi tự bao giờ. "Anh Hà! Trời đất! Chị em cứ sợ anh giận hay buồn gì chị. Đã dặn anh về ăn cơm sao anh không về?"
Tôi lật đật theo chị về nhà. Đi qua dãy quán cafe, chị đùa vui: "Trời tối quá, mẹ con em phải vô từng quán, đi tới từng bàn tìm anh. Mắc cười quá. Chắc ai cũng tưởng em đi tìm chồng bắt ghen".     
Về tới nhà thì người chị đã cho con đi ngủ rồi. Tôi ngại không dám ăn uống gì nữa. Nhà rất nhỏ. Chỉ một phòng ngủ cho chủ nhà. Có căn gác thấp phía trên bếp phía sau. Một cái mùng đôi cho hai mẹ con chị. Một mùng đơn cho tôi kế bên. 
Trong ánh đèn nhỏ mờ mờ, chị ngồi đó với đứa con ngủ trên tay. Tôi ngồi đối diện. Chị đã ngủ cả ngày trên xe nên lúc này thật tỉnh táo. Quen biết nhau đã gần 3 năm, từng sống chung nhà hơn 1 năm, vậy mà đây là lần đầu tiên chị với tôi nói chuyện với nhau nhiều đến thế, gần như suốt đêm. 
Lần đầu tiên người bệnh tâm thần ấy bộc lộ với tôi về nội tâm của chị, về những kỷ niệm của chị, những gì chị suy nghĩ, chị ước ao, chị thất vọng và hy vọng. Một cuộc trò chuyện vô cùng quý giá và ý nghĩa cho tôi!

XUẤT CHÚNG (12)
Ai làm việc trong ngành tâm lý trị liệu đều phải biết nguyên tắc giữ kín những điều riêng tư mà 'thân chủ' thố lộ, cũng gần như một linh mục phải giữ kín những 'bí mật tòa giải tội' vậy. Thực ra, tôi có phải nhà trị liệu trị liếc gì đâu. Tôi chỉ là người bạn, có duyên đồng hành với một người bạn từng mắc bệnh tâm thần phân liệt và thân nhân của người ấy, trong một thời gian khá dài. 
Tôi kể lại câu chuyện dài dòng này sau khi đã cân nhắc thật lâu mình có mạo phạm những điều riêng tư của người khác không. Tôi dám kể, bởi vì thấy câu chuyện của gia đình anh chị bạn tôi rất gần gũi với tất cả chúng ta - phận người mong manh khó nhọc của chúng ta giống nhau lắm. Tôi còn muốn kể, với hy vọng chia sẻ một kinh nghiệm mình may mắn được nếm trải, rằng thế giới nội tâm của một người bệnh tâm thần thì không khác gì chúng ta cả.
Những gì chị tâm tình với tôi trong đêm đó không có gì là quá bí mật nhưng có lẽ khá bất ngờ. Người bệnh tâm thần, ngay cả trong giai đoạn bệnh nặng nhất, cũng có thể cảm nhận đầy đủ về 'thực tại' chung quanh y như tất cả chúng ta, có khi còn nhạy cảm hơn chúng ta về vài khía cạnh nào đó của cuộc sống.
Chị hỏi tôi còn nhớ ngày đầu tiên chị đến ở với gia đình chúng tôi không? Tôi làm sao quên được. Cái 'máu nghề nghiệp' làm tôi luôn nhủ mình chăm chú 'lắng nghe' mọi thông điệp từ chị - những thông điệp bằng lời và quan trọng hơn nữa, những thông điệp không lời: cung giọng của câu nói, ánh mắt, sắc mặt, cử chỉ, hành động... 
Tôi vẫn thường xuyên ôn đi ôn lại những 'thông điệp' của chị trong suốt một năm sống chung nhà, để mong hiểu được chị thật chính xác và thật 'thấu cảm'. "Hãy để những thông điệp ấy vang đi dội lại trong tâm trí mình", cô Tô Thị Ánh, sư phụ môn tâm lý trị liệu của chúng tôi, thường hay nhắc chúng tôi thế.     
Tôi nhớ lắm. Hôm đó ngày nghỉ, vợ con đi vắng, tôi ở trường một mình. Anh chở chị đến, có lẽ ngay sau khi vừa rước chị về từ bệnh viện Tâm thần Biên Hòa. Tôi đưa anh chị lên phòng trên tầng 4 đã dọn dẹp sạch sẽ nhưng trống trơn chưa có giường chiếu gì cả. Chị lừ đừ, lên cầu thang rất chậm chạp, khuôn mặt trơ trơ như hoàn toàn vô tri vô cảm. Chị lăn ngay ra nền gạch bông nằm li bì, chắc là ngủ. Anh chỉ kịp chào hỏi tôi vài câu rồi phải đi ngay để đón đứa con nhỏ đang gởi nhờ ai đó. Hôm đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp mặt chị. 
Tôi xuống phòng vợ chồng tôi ở tầng 3, lấy lên cho chị chiếc gối và tấm chăn mỏng. Chị nằm chơ hơ trên nền gạch tội quá. Gọi mấy lần không thấy chị trả lời, tôi nhẹ nhàng nâng đầu chị lên để luồn chiếc gối vào dưới rồi đắp tấm chăn ngang bụng chị. Tôi làm những điều đó dịu dàng như một y tá chăm sóc bệnh nhân. Thấy trời nóng, tôi lại xuống rót cho chị ly nước và lấy chiếc quạt máy lên.
Chị kể lại, lúc đó đầu chị nặng chịch, mắt mở không lên vì thuốc, nhưng chị biết hết. Vào bệnh viện tâm thần, nhìn những bệnh nhân chung quanh lên cơn điên, chị biết hết, quan sát được hết và điều đó làm chị phải nhớ lại, ôn lại những lần lên cơn của mình. Thì ra bệnh tâm thần nó kinh khủng như thế đó, bi thảm và tội nghiệp như thế đó. Chị tuyệt vọng và chỉ muốn chết. Chết để giải thoát cho chồng con mình. 
Chị biết hết. Chị biết chồng chị phải để chị nằm lại căn nhà xa lạ này, có người đàn ông xa lạ này. Chị biết tôi đến gần bên chị, quỳ xuống bên chị. Chị nghe hết những lần tôi gọi tên. Chị muốn ngồi bật dậy mà không được, mắt mở không lên, miệng muốn nói mà không thốt ra lời. Chị cảm thấy bơ vơ, yếu đuối và bất lực, không thể tự vệ gì được nữa. 
Người đàn ông này là thế nào? Sao anh ta dám chạm vào mình? Sao anh ta nâng đầu mình lên? Chị kể từ khi bị bệnh, có nhiều lúc chị sợ hãi mọi người chung quanh. Ai cũng sẽ khinh bỉ và ghét bỏ mình vì mình không còn là con người bình thường. Ai cũng sẽ có thể trừng trị mình hay làm hại mình. Nếu người đàn ông xa lạ này làm bậy với mình thì sao, khi chung quanh không có ai để mình kêu cứu? 
Chị mỉm cười, anh mắt trở nên thật vui. "Anh Hà biết không? Ngay lúc đó mà em vẫn cảm thấy ngạc nhiên sao ông này cứ một hai kêu mình bằng chị. Em biết rõ em đang trên tầng lầu rất cao. Nếu anh làm bậy, em nghĩ em sẽ lao ra lan can cầu thang và nhảy xuống. Em buồn lắm rồi. Chán nản lắm rồi. Tuyệt vọng về bản thân mình lắm rồi..."
Chị kể ngay sau hôm đầu tiên đó, chị đã cảm thấy an tâm và tin cậy. Anh này là một người đàng hoàng tử tế. Tối đó khi gặp vợ con tôi lên phòng chào hỏi, chị càng cảm thấy an tâm hơn. Chị biết mẹ con chị đang được tá túc ở một gia đình hiền lành. Chị nói tuy vậy, phải mất một thời gian lâu nữa, chị mới bớt mặc cảm và thấy thoải mái hơn khi sống chung một nhà với chúng tôi.
"Anh Hà. Em xem anh như anh ruột của em. Còn thân thiết hơn anh ruột của em nữa. Không biết nói lời nào để cám ơn anh!".
Chị mở đầu những lời tâm tình như thế đó. Tôi chỉ còn biết chăm chú nghe, ngạc nhiên hết sức về những gì có thể diễn ra trong tâm trí một người đã bị xếp vào dạng "tâm thần phân liệt". Ôi, ai dám bảo là họ điên nhỉ? 
Ôi, những người vô tình buông ra những lời nhận xét cợt nhã hay thậm chí xúc phạm phẩm giá của những người bệnh tâm thần... Ôi, kể cả những đàn ông xấu tính xâm hại tiết hạnh của những nữ bệnh nhân... Ôi, thực ra, ai điên hơn ai?

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Tâm sự của FB Michael Le : XUẤT CHÚNG (7-8-9) tiếp theo…


Tác giả : FB Michael Le (Lê Hồng Hà)
XUẤT CHÚNG (7)
Vợ chồng chúng tôi được học (nói đúng hơn là được 'trị liệu') nhiều năm môn Tâm lý trị liệu Nhóm. Chúng tôi cũng có tham gia    những nhóm tĩnh tâm, cầu nguyện, học hỏi chia sẻ Kinh thánh nhiều năm, ngay từ hồi chưa kết hôn.
Tính tôi thì... 'ruột ngựa', có làm sao thì cứ toèn toẹt thành thật tâm tình hết cả, từ cái tật mê gái thượng thừa, gặp ai cũng mê, đến cả cái tật Thủ Thiêm Thủ Thừa Thủ Đức Thủ Dầu Một. Ôi, từ lúc trẻ tôi đã nghĩ những gì riêng tư nhất có khi lại phổ quát nhất. Đời mình có là gì đâu. Nội tâm mình có là chi đâu. Yêu thương là bộc lộ. Yêu thương là chia sẻ, chia sẻ cả những gì sâu kín nhất trong tim mình. 
Vợ chồng chúng tôi cũng không tránh khỏi những lúc cơm không lành canh không ngọt. Thời gian yêu nhau, ngay cả tuần lễ cận ngày đám cưới, sống với nhau mới một năm... chúng tôi đã trải qua nhiều lần khủng hoảng. Và những lần như thế tôi đều thành thật chia sẻ với các nhóm. Vợ tôi ít nói hơn nhưng cũng không phản đối.
Bạn bè quen biết chắc là ai cũng thấy tôi dễ thương, mỗi tội hơi... khùng. Và ai cũng rất thương mến vợ tôi, nên chuyện gì cũng thường là bênh vợ tôi hơn. Hì hì, ngay cả sư phụ Tô Thị Ánh cũng bênh vợ tôi hơn (đàn bà với nhau mà lị).
Cái thằng tôi thân đàn ông mà không lo gầy dựng sự nghiệp, không lo đi làm ăn kinh tế, đã ở nhà trông con lại còn đèo bồng thêm chuyện này thì còn ra làm sao? Hộ khẩu thì mất toi lâu rồi, chẳng có bằng cấp chính quy gì ráo trọi, rủi xảy ra chuyện gì thì ăn nói làm sao với pháp luật?
Chuyện chúng tôi sống chung với gia đình anh chị bạn trong ngôi nhà to đùng lặng lẽ như thế, còn có một vấn đề rất tế nhị mà ai cũng cảm thấy, chỉ ngại nói ra. Anh ấy đi làm tối ngày, cố dành dụm cho tương lai. Vợ tôi cũng bận bịu cả ngày với việc ở Trường. Tôi và chị ấy ở chung một nhà suốt tháng quanh năm, chuyện lửa gần rơm lâu ngày e cháy thì làm sao, có phải là tan nát cả hai gia đình không? Chị ấy bệnh tâm thần, rủi hôm nào... quên mặc áo quần, cứ hồn nhiên trần trụi như những lần ở quê thì sao?
Vân vân, đủ thứ vấn đề như thế, mà những người trưởng thành khôn ngoan trong xã hội phải biết dè trước phòng xa. Không ai thuyết phục tôi được, thì đúng là tôi cũng... khùng rồi. Tôi cảm thấy mình nổi giận khi biết có mấy người bạn hết thuyết phục vợ tôi lại còn tìm đến chỗ anh ấy làm việc và đặt thẳng vấn đề với anh ấy.
Học tâm lý không phải để được tinh đời hiểu biết tâm lý người ta đâu. Không đâu. Trước tiên và quan trọng nhất là để hiểu biết chính mình. Học biết mình là cái học cả đời chưa hết. Và càng biết mình thì càng khiêm tốn. Mình không thể tự mãn tự tin được. 
Chỉ có tin Chúa thì chúng tôi mới dám làm cái điều liều lĩnh này. Và giờ, nếu những trục trặc là dấu hiệu từ Chúa, thì tôi là ai mà dám cãi. Tôi đành phải tuân phục thôi. Đành phải chịu trận khi anh ấy tính đường dọn ra riêng. 
Tôi hạp với chị ấy hơn cả hạp với anh bạn tôi. Chị ấy trẻ hơn tôi nhiều nhưng tôi luôn kêu là chị (dù vợ tôi kêu chị bằng em). Thời gian khá lâu sống chung nhà, tôi nhận ra nơi chị ấy một tâm hồn trong sáng, thanh khiết và đầy trắc ẩn. Tôi kính trọng và thương chị ấy. 
Hai gia đình bịn rịn chia tay nhau. Phải phục anh ấy. Gia đình anh ấy ở Sài Gòn trước khi đi kinh tế mới. Anh ấy từng học trong nhà Dòng cũng ở Sài Gòn. Sài Gòn đúng là đất dụng võ của anh. Bạn học cũ trong Dòng cũng đông. Chỉ một năm thôi mà anh đã lấy lại được tinh thần. Có bạn bè hỗ trợ, anh dư sức bươn chải để bảo bọc gia đình. 
Thôi thì ý Chúa muốn thế, chắc chắn thì mọi chuyện rồi cũng sẽ tốt đẹp. Nhưng cái duyên hội ngộ giữa hai gia đình vẫn chưa hết. Cái duyên của chị ấy, người bệnh tâm thần ấy, với tôi vẫn chưa hết. Câu chuyện về sau đối với tôi càng rất ý nghĩa!

XUẤT CHÚNG (8)
Ông Trời luôn luôn có lý. Nói theo niềm tin của chúng tôi, Chúa luôn có lý. Những gì xảy đến, cho dù trái với ý muốn của mình, thì cứ khiêm cung đón nhận cái đã, tin rằng đó là điều tốt nhất. Chúng ta xét cho cùng chỉ là những đứa trẻ trong dòng đời cuồn cuộn chảy, biết đâu là bến là bờ. Chúng ta chả ai lường được ngày mai sẽ ra sao. Ông Trời thì như cha mẹ, thấy trước biết trước, âu yếm dọn trước những nẻo tốt lành nhất cho mình. 
Anh chị không còn ở với chúng tôi, dọn ra riêng, không ngờ mà thực là đúng lúc. Các cơ sở chăm sóc Trẻ Chậm phát triển bỗng nhận được quyết định chuyển từ ngành Y tế sang Giáo dục, xếp vào nhánh Trẻ khuyết tật, tức là gồm chung với Trẻ Điếc Câm, Khiếm Thị. Ở chỗ chúng tôi, phòng khám bệnh xã hội ở tầng trệt dọn đi. Hai căn nhà bốn tầng giờ hoàn toàn trở thành một ngôi trường, đã đầy học sinh. Một vị hiệu trưởng mới được bổ nhiệm về.
Con bé của chúng tôi đến tuổi vào nhà trẻ. Đã đến lúc tôi phải nghĩ đến chuyện đi làm. Khi đã lập gia đình, có con cái, mình mới thực sự trở thành một thành viên của xã hội, chịu sự chi phối của xã hội, gắn bó với 'nhịp thở' của xã hội ngay từ những chuyện nhỏ như bó rau lạng thịt, giá điện giá nước, tiền lương hàng tháng và học phí cho con... Đôi khi mình không còn được 'là mình' của những hoài bão ước mơ tuổi xuân nữa. 
Tôi quyết định bỏ mộng theo đuổi ngành tâm lý. Tôi học nghề sửa xe gắn máy. Sách vở dẹp qua một bên, bây giờ là cờ-lê mỏ-lết và tay chân áo quần đầy những dầu nhớt. Thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm anh chị, nhưng thường chỉ gặp anh ở chỗ làm, ngồi lai rai vài chai bia. Có lẽ anh cũng ngại, không muốn tôi đau lòng nhìn chỗ trọ chật hẹp nóng bức của anh chị. 
Thấy thương và phục anh. Anh phải gầy dựng lại từ số không ở đất Sài Gòn, chắt bóp từng đồng, tiết kiệm đủ thứ để dành dụm. Anh làm việc vất vả mà lúc nào cũng căng thẳng, canh cánh lo về bệnh tình của chị, không biết lên cơn lại lúc nào. Mái gia đình ấm cúng làm nơi an ủi, nghỉ ngơi, giải tỏa những nhọc nhằn sau ngày làm việc... có lẽ anh phải cắn răng chịu đựng, không có được những điều đó.    
Và cũng rất thương, rất phục chị. Sài Gòn vào mùa nắng thì nóng kinh hồn. Cái nóng bức, chỗ ở chật chội ồn ào là những điều rất bất lợi cho người bệnh tâm thần. Nghe anh kể, chị rất nỗ lực, kiên trì uống thuốc đều đặn. Anh tập cho chị đi chợ, nấu cơm, chăm con... chị nhất nhất tuân lời anh. Chị như đứa em gái hiền lành lớn lên ở nhà quê bình dị giờ bỡ ngỡ giữa Sài Gòn đông đúc phức tạp. Chị ấy thật là người vợ ngoan hiền. Sống chung một năm, chưa bao giờ tôi thấy chị cãi chồng, chưa bao giờ thấy chị to tiếng. Nói chuyện với chồng, luôn luôn chị một dạ hai thưa. 
Cứ thử duyệt lại mình bằng "con mắt chuyên môn", tôi tự hỏi vợ chồng chúng tôi còn thiếu sót gì không trong việc giúp chị hồi phục? Mà, bệnh tâm thần thì có thể chữa khỏi không, với tất cả những cố gắng của ngành y và ngành tâm lý? Liệu chị có thể được chữa khỏi hoàn toàn không?... 
Tôi đi đến kết luận rằng tâm lý tâm leo, tâm thần tâm thọt gì gì, thì cũng chẳng tới đâu nếu thiếu đi một điều vô cùng quan trọng: Tình thương! Tình thương yêu ấm áp và vô điều kiện! Người bệnh, và cả thân nhân người bệnh, cần điều đó hơn tất thảy. Chính điều đó là yếu tố quyết định giúp họ thêm nghị lực vượt qua số phận không may của mình. 
Anh ấy phải trở nên "không còn là mình" nữa để mà yêu thương một người vợ như thế. Anh ấy từng là một thanh niên đầy tự tin tự hào và ít nhiều tham vọng thành đạt. Tôi biết anh ấy có khiếu bẩm sinh về kinh doanh, quản trị, tổ chức. Anh ấy rất lanh lợi và hoàn toàn có thể trở thành "đại gia thời mở cửa", như một số bạn bè của anh ấy. Một cách nào đó, chính căn bệnh của chị đã kềm chân anh, kềm được khuynh hướng tranh đua và hiếu thắng của anh. 
Là đàn ông với nhau, tôi hiểu lắm, tương giao giữa mình với gia đình bên vợ không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Anh cứng cỏi và nhiều tự ái. Không biết thời gian chị phát bệnh ở quê, hai bên gia đình có va chạm điều gì mà anh rất giận bên nhà vợ, rất tự ái, quyết không nhìn mặt nữa. 
Tôi chỉ mong anh ấy dịu xuống, làm lành, hòa giải với bên vợ. Mối liên hệ máu thịt với gia đình gốc của mình là điều vô cùng quan trọng trong đời sống tâm lý/tâm thần của bất cứ ai, huống hồ là với chị. Cắt chị ra khỏi mối liên hệ ấy là điều hoàn toàn không thể, và không nên, thậm chí là không phải đạo. Tôi không dám ép anh ấy nhưng có lẽ anh ấy hiểu ý tôi. Thật vui khi biết hai bên gia đình, dù ở quê xa xôi đi lại khó khăn, đã nối lại được liên lạc với anh chị. 
Hơn một năm ra riêng, anh chị chuyển nhiều chỗ thuê trọ theo đòi hỏi của việc làm. Một hôm, cũng vào dịp gần Tết, anh đến tìm tôi. Tôi lặng người nghe anh báo tin chị bị lên cơn trở lại và anh đã phải đưa chị vào lại Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa. Tôi nhìn anh phờ phạc và đau đớn. Anh không nói gì nhiều, chỉ ngồi bên ly cafe, rũ cả người xuống. Tôi chỉ mong anh không ngã gục. 
Theo đúng 'nguyên tắc' đã học từ trường phái Carl Rogers, tôi không hỏi han, không điều tra, không cật vấn gì hết. Anh, người thân gần gũi nhất của bệnh nhân, mới thực là người cần trợ lực về mặt tâm lý hơn bất cứ ai, để anh chịu đựng được gánh quá nặng này. 
Nhưng tâm lý tâm lọt gì nữa bây giờ? Tôi chỉ còn biết ôm lấy vai anh: "Vợ chồng tụi Hà sẽ luôn ở bên anh chị, đến cùng. Cố lên anh!"... Tôi xin số phòng và nói sẽ đến bệnh viện thăm chị ngay. Anh không thể bỏ bê việc làm được, vả lại còn phải chăm sóc con nhỏ. Tôi hứa sẽ đến thăm chị thường xuyên cho tới ngày chị được xuất viện.

XUẤT CHÚNG (9)
Chị đã phát bệnh trở lại như vậy, anh rất khó thuê chỗ trọ ở Sài Gòn vì chủ nhà nào cũng ngại. Để chị ở lại trong bệnh viện thì dứt khoát không được. "Nhà thương điên Biên Hòa" tôi chưa đến bao giờ nhưng Chợ Quán thì hai lần rồi, nhân dự các khóa bổ túc chuyên môn. Ôi, người thường mà ở đó một ngày dám cũng điên luôn. Giam chị trong đó, biết chừng nào chị mới lành? Xã hội mình ra như chưa bao dung nổi người bệnh tâm thần! Không có chỗ cho họ!?   
Không thể mời anh chị trở lại sống chung với chúng tôi được nữa vì Trường giờ đã đầy hoc sinh. Giải pháp tốt nhất lúc này là về quê, dù tôi biết điều đó anh ấy rất không muốn. Không nên đòi hỏi anh điều ngoài sức anh chịu đựng, nếu không muốn đến lượt chính anh cũng đổ sụm. Chỉ còn cách... 
Tôi bàn với vợ, hay là để tôi về quê với chị và cháu vậy. Tạm gác chuyện học nghề sửa xe, tôi quay qua học nghề làm ruộng làm vườn cũng xong, vài tháng hay cùng lắm một năm cũng được. 
Cái chính là TIN rằng chị sẽ hồi phục. Cái gì cũng bắt đầu bằng niềm tin. Nếu chúng tôi không dám tin thì làm sao thắp lên được niềm tin nơi người khác? Thuốc thang y tế đã có rồi. Tâm lý tâm lọt cũng rồi. Giờ tôi đóng vai một cán sự xã hội, đến tận nơi, sống cùng... 
Vợ tôi lúng túng không biết tính thế nào. Anh ấy nghe tôi bàn thế cũng không biết tính sao. Nhưng trước hết tôi phải đi Biên Hòa thăm chị xem tình trạng chị ra sao đã. Có lẽ còn phải hỏi ý kiến bác sĩ. 
Đây là lần đầu tiên tôi được vào khu bệnh nhân của một viện Tâm thần. Bệnh viện Biên Hòa nghe nói có từ thời Pháp, khuôn viên rất rộng, chỉ tiếc là ít cây xanh. Vì chưa tới giờ được thăm, tôi phải chờ ở văn phòng và nhờ thế được trò chuyện khá lâu với vị y sĩ. Anh ấy lớn tuổi hơn tôi chút, rất cởi mở. Anh ấy biết cách gợi chuyện, hỏi chuyện, và biết lắng nghe. 
Tôi vốn kính trọng những người làm việc trong ngành tâm thần, và đúng là anh ấy không làm tôi thất vọng. Tôi vì muốn bảo lãnh cho chị xuất viện nên cũng hăng hái đặt câu hỏi này nọ, nghĩ bụng mình tỏ ra quan tâm tìm hiểu thì các bác sĩ sẽ yên tâm hơn chăng. 
Tới giờ được thăm, anh ấy cố tình dắt tôi đi vòng quanh, giới thiệu. Dãy nhà này dành cho những bệnh nhân nặng, hàng rào lưới sắt cao bao quanh, cổng có khóa cẩn thận. Bên này dành cho nam, bên kia cho nữ, tất nhiên là khuất tầm nhìn, không thể thấy nhau. Dãy nhà kia là nơi các bác sĩ thăm khám, tôi thấy mấy cái bảng: phòng phát thuốc, phòng điện não đồ... và một phòng đặc biệt có cái tên hơi lạ, nhớ mang máng là "liệu pháp sốc điện". 
Khung cảnh bên trong của một bệnh viện tâm thần thật là ấn tượng. Tôi càng tin rằng không thể để chị ở đây lâu được. Đây chỉ là nơi cắt cơn. Tôi hỏi vị y sĩ. Anh ấy đồng ý. Anh nói sau khi đã khá hơn, người bệnh cần về nhà. Bầu khí gia đình thân thuộc là nơi tốt nhất để người bệnh hồi phục. 
Có lẽ tôi không nên kể nhiều về những gì tôi thấy bên trong bệnh viện. Sau này tôi nghe bệnh viện Biên Hòa được đầu tư sửa sang thêm nhiều lắm. Đã gần 30 năm qua rồi, chắc là rất nhiều thay đổi. Mai đây về thăm quê hương, không biết tôi còn có duyên trở lại thăm nơi đó không.

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2018

Tâm sự của FB Michael Le : XUẤT CHÚNG (4-5-6)


Tác giả : FB Michael Le (Lê Hồng Hà)
XUẤT CHÚNG (4)
Cậu em kế tôi năm 17 tuổi, đến chơi nhà bà cô ở Long Khánh, chắc muỗi rừng đốt sao đó, bị sốt xuất huyết. Lúc đó tôi 18, ăn dầm nằm dề ở bệnh viện Tỉnh chăm sóc cậu, chứng kiến những lần chàng ta sốt cao và mê sảng. Đó có lẽ là ấn tượng đầu tiên của tôi về hoạt động kỳ lạ của 'bộ máy tâm thần' của loài người.
Cái thực và cái hoang tưởng cứ trộn lẫn với nhau trong nhận thức. Có những lời lẽ, cử chỉ, kể cả cảm xúc, có vẻ như chẳng ăn nhập gì với thực tại hay có lẽ trộn lẫn những ảo thanh ảo giác nào đó, chúng có thể đối với ta là vô nghĩa hoặc làm ta nhầm lẫn, chứ thực sự chẳng biết được điều gì đang thực sự xảy ra trong tâm trí những người lên cơn mê sảng hay cơn điên tâm thần.
Và có điều kỳ lạ là những lúc 'lên cơn', chẳng hiểu sức mạnh từ đâu nhập vào cậu em tôi. Bốn người vận hết sức mới giữ được cậu hết cục cựa vùng vẫy, để cô y tá với cái kim dài và to nhìn phát sợ, rút lấy tủy từ đốt xương sống cuối!
Tôi chỉ nghe kể loáng thoáng về những lần lên cơn của chị vợ anh bạn tôi lúc còn ở nhà quê. Thú thực tôi không muốn hỏi, không muốn biết, và nếu có nghe cũng không muốn nhớ.
Không cần hỏi, cũng có thể mường tượng ra người chung quanh, nhất là người thân, khổ sở đến mức nào. Có khi còn kinh hoàng nữa, vì không ai đoán trước được khi nào cơn điên bùng phát và lúc đó người bệnh tâm thần sẽ làm gì. Gần như 24/24 phải căng thẳng trông chừng, bởi có thể có những hành động nguy đến tính mạng của chính bệnh nhân hay của người khác.   
Tôi gạt hết những mường tượng đáng sợ đó ra khỏi đầu. Vợ chồng tôi cũng chẳng bao giờ nói hay bàn với nhau về những nguy cơ có thể xảy ra. Chúng tôi chỉ một mực tin rằng nếu mình làm điều tốt thì Trời che Đất chở, Chúa sẽ hộ phù để không bao giờ xảy ra tai nạn.
Vả lại, chăm sóc một người bệnh tâm thần, từ trực giác, chúng tôi biết là rất cần bầu khí bình an, yêu thương, ấm cúng. Anh chị đến ăn nhờ ở đậu, lại trong tình cảnh chị bệnh hoạn, đặt mình vào hoàn cảnh họ, mình cũng rất ngại, rất mặc cảm. Thành ra chỉ biết tế nhị nhẹ nhàng hết sức, tạo sự thân ái như trong gia đình.
Tôi nghĩ cứ làm sao cho anh ấy cảm thấy thoải mái bình an, đứa con trai 3 tuổi của anh chị vui vẻ khỏe mạnh, thì có lẽ đó là cách tốt nhất gián tiếp giúp chị hồi phục rồi.   
Nhìn đống thuốc mà bác sĩ buộc phải uống hàng ngày mà tội cho chị. Rất nhiều thuốc, mà phần quan trọng là thuốc an thần liều cao, thứ mà người lớn bình thường không được uống quá nửa viên. Không còn nhớ rõ, hình như mấy tháng đầu cứ 4 hay 6 tiếng chị phải uống một lần, mỗi lần mười mấy viên.
Tôi chỉ kín đáo quan sát xem chị có nhớ uống thuốc không, chứ tự dặn lòng không nhắc. Không muốn chị cảm thấy bị áp lực. Thầm phục chị. Có lẽ vì thương chồng, thương con, chị cố lấy hết nghị lực của mình ra mà hàng ngày uống đủ thuốc, đúng giờ.  
Thuốc nhiều quá, lúc nào chị cũng lừ đừ. Khuôn mặt nặng chịch. Ánh nhìn trơ dại vô cảm xúc. Tôi bày đủ trò cho hai đứa bé chơi. Cố chọc chúng cười. Cũng may đứa con trai của anh chị và đứa con gái của chúng tôi sàng
Thuốc nhiều quá, lúc nào chị cũng lừ đừ. Khuôn mặt nặng chịch. Ánh nhìn trơ dại vô cảm xúc. Tôi bày đủ trò cho hai đứa bé chơi. Cố chọc chúng cười. Cũng may đứa con trai của anh chị và đứa con gái của chúng tôi sàng sàng tuổi nhau, hai đứa đều đỡ buồn vì có bạn. 
Những lần hai đứa bé lẫm chẫm rượt nhau cười như nắc nẻ, tôi liếc nhìn chị, thầm mong chị nở nụ cười. Chỉ thấy ánh mắt chị sáng lên một thoáng, giống như một thoáng sáng lên khi chiều tối chồng chị đi làm về. Chỉ thế thôi, rồi dường như chị lại chìm vào bất động.   
Một năm trôi qua thật nhanh. Đúng là trời thương. Chúng tôi ở trên tầng 3, rộng rãi, thoáng mát, yên tĩnh. Chị rất ít khi dám chủ động nói gì với tôi, chỉ hỏi những gì cần. Tôi cũng tôn trọng không hỏi han không nói gì nhiều với chị. 
Chị ngồi thừ cả ngày đó. Khi mệt thì nằm luôn trên bộ salon dài mà ngủ. Có di chuyển thì đi rất chậm. Cái vẻ bên ngoài đó làm chúng ta tưởng thế giới nội tâm của người bệnh tâm thần là hoàn toàn ngưng đọng, 'bất động', đầu óc đặc sệt không nghĩ gì được cả. 
Nhưng không. Tôi lầm. Sau này tôi mới biết chị ấy suy nghĩ nhiều lắm, cũng như tất cả chúng ta vậy. Đầy cảm xúc, đầy cảm nhận, đầy vui buồn, lo âu, thất vọng, hy vọng... như chúng ta. Mà có khi còn hơn chúng ta, bởi chị không bị chia trí vì công ăn chuyện làm hàng ngày...
Ôi, tôi muốn viết ngắn thôi nhưng không biết cắt bớt chỗ nào. Đành phải thêm một kỳ nữa vậy.

XUẤT CHÚNG (5)
"Người điên không biết nhớ và người say không biết buồn", câu đó chỉ là... văn nghệ, hát cho vui thôi, chứ trật lất rồi. Sư phụ môn tâm lý của chúng tôi, soeur Tô Thị Ánh, nói rằng sở dĩ ngành tâm thần rất cần sự hỗ trợ của khoa tâm lý trị liệu là vì người bệnh không phải lúc nào cũng chìm trong cơn điên. Họ cũng có những lúc buồn, nhớ, khổ đau, hạnh phúc, ghét hận, thương yêu... như tất cả chúng ta thôi.
Có những lúc thần kinh dịu lại, họ nhớ hết, buồn bã đau đớn vì căn bệnh của mình, thấy mình vô dụng và làm khổ người thân biết bao nhiêu. Họ thường tuyệt vọng không muốn sống nữa. Nếu ý nghĩ tiêu cực ấy không biết tỏ cùng ai, không được giải tỏa, thì không ai lường trước được họ sẽ làm gì, nhất là khi cơn điên trở lại. Nhiều bệnh nhân tâm thần đã tự tìm đến cái chết, có khi bằng những hành động tự sát khủng khiếp. 
Bệnh tâm thần, nhất là tâm thần phân liệt, thì là bệnh phải uống thuốc suốt đời rồi. Chỉ có bác sĩ chuyên ngành, đôi khi cần cả những xét nghiệm và kỹ thuật y khoa hỗ trợ (như máy điện não đồ chẳng hạn), thì mới có đủ thẩm quyền để kê toa thuốc và liệu pháp. Thành ra, nhất thiết phải đến bác sĩ, đi bệnh viện, và như các loại bệnh khác: khám và chữa càng sớm càng tốt! 
Ngoài ra, những mối tương giao xã hội của người bệnh cũng rất quan trọng. Phản ứng của người thân quen, của họ hàng, làng xóm láng giềng... đóng vai trò không nhỏ trong việc giúp bệnh tình thuyên giảm hay vô tình làm nặng thêm. 
Người ta đã hiểu ra rằng việc 'giam' người bệnh vào những viện tâm thần chỉ là biện pháp tức thời những lúc cần 'cắt cơn' thôi, chứ không giải quyết được vấn đề. Vì thế mà mạng lưới phòng khám và cấp thuốc ở Sài Gòn, ngay từ thời chúng tôi, đã được rải khắp các quận huyện. Người bệnh cũng như chúng ta, cần được sống hòa nhập với gia đình và xã hội. 
Ở các nước tiên tiến, ngoài bác sĩ y khoa và nhà trị liệu tâm lý, cần có những cán sự xã hội nữa. Đó là những nhân viên đến tận môi trường sống của bệnh nhân để tìm cách tác động vào đó, giúp tạo ra bầu khí quan hệ tốt đẹp nhất có thể chung quanh cuộc sống của người bệnh. 
Phải nhấn mạnh lần nữa rằng bệnh tâm thần trước tiên là bệnh thể lý. Chúng ta đừng vội gán vào đó những suy diễn vô căn cứ mà làm khổ người bệnh và thân nhân họ, như là bị... 'ma nhập', bị bùa ngải, bị thất tình, bị ngược đãi, bị 'quả báo' vân vân... Sự sai lầm đó rất tai hại! Đơn giản, cũng như một người yếu bao tử chẳng hạn, phải kiêng ăn và có khi phải dùng thuốc suốt đời, bệnh tâm thần cũng vậy thôi. 
Khi người bệnh tâm thần đã bình an chấp nhận căn bệnh của mình như là đón nhận số phận; đã tự giác chăm đến phòng khám, tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, uống thuốc đều đặn theo toa... là xem như căn bệnh đã được giải quyết đến hơn một nửa rồi. Nửa còn lại, là giúp người bệnh và thân nhân tìm thấy bình an và ý nghĩa ngay trong sự không may của đời mình. 
Về phía xã hội cũng thế. Làm sao mỗi cộng đồng dân cư chúng ta cũng có thể cảm thấy bình an và ý nghĩa nơi sự có mặt của những người bệnh tâm thần. Đó là cách tốt nhất giúp họ mà cũng là giúp chính chúng ta. 
Phận người, sinh lão bệnh tử là chuyện thường mà! Đời người ngẫm cho kỹ, cũng chỉ là vô thường và phù vân thôi mà! Biết phận người là thế, lẽ đời là thế, chúng ta lại càng thấy cuộc sống này có gì quý báu hơn là tình người với nhau, thương nhau, giúp nhau. Mưu cầu hạnh phúc cho người chung quanh thì cũng chính là làm điều đó cho mình và người thân của mình. 
Bởi, xét cho cùng, ai trong chúng ta cũng... điên cả, không nhiều thì ít. Bộ máy tâm thần của loài người chúng ta vẫn còn là cả một thế giới bí ẩn khôn dò thấu. Biết đâu, chính những người bệnh tâm thần lại ít điên - đảo điên mộng tưởng - hơn chúng ta.

XUẤT CHÚNG (6)
Bán đất bán nhà, bồng đứa con 3 tuổi, đưa người vợ đang bệnh nặng ra đi, hai bên gia đình và cả giáo xứ không ai biết anh đi đâu, chỉ biết chỗ cuối cùng anh ghé là bệnh viện Tâm thần Biên Hòa, trung tâm chuyên ngành lớn nhất ở phía Nam.
Một sự tủi thân tủi phận, hờn giỗi cuộc đời nào đó khiến anh chỉ muốn biệt tích, người thân thuộc không còn ai biết đến mình. Mà thực ra, anh có nói đến ở với vợ chồng chúng tôi thì cũng chả ai hiểu mô tê ra sao cả, vì chúng tôi và anh chị chẳng hề quen biết nhau trước. Vợ tôi thì có gặp anh một lần, ở một dịp tĩnh tâm chung ở Đà Lạt dành cho trưởng các nhóm trẻ ở vài giáo xứ thuộc các tỉnh khác nhau. 
Lúc đó vào dịp gần Tết. Anh chị đã ở với chúng tôi hơn 1 năm. Tôi khuyên anh liên lạc lại với hai bên gia đình và giáo xứ cũ, để họ đỡ lo lắng và điều đó sẽ tốt cho chị. Anh nghe lời. Anh chị đã phấn khởi hơn nhiều vì số thuốc mà bác sĩ kê toa uống hàng ngày đã giảm xuống chỉ còn 1/3, chứng tỏ bệnh chị đã thuyên giảm rất nhiều.
Một chú ở giáo xứ kinh tế mới đó, nhân có dịp đi Sài Gòn, đã được hai bên gia đình và bà con giáo xứ "ủy quyền" đến thăm chúng tôi. Chú ấy mang theo cây trái miền quê làm quà.
Người bệnh mừng lắm. Chị bặt hẳn tin tức từ gia đình và làng quê quá lâu rồi. Chị hoạt bát hẳn lên, tíu tít hỏi han chuyện nhà. Chúng tôi tế nhị tránh đi để hai chú cháu nói chuyện. Nhưng, tôi không ngờ cuộc chuyện trò ấy làm ông chú hoảng kinh hồn vía và phải đi đến một quyết định khó khăn.
Chú thực lòng kể lại tôi nghe những lần chị lên cơn kinh khủng ở nhà quê, ví dụ những tiếng ảo thanh trong đầu cứ thúc giục chị đem đứa con mới sanh... nhúng vào nồi cháo heo sôi sùng sục để tẩy trùng, để nó sẽ không bị mắc bệnh như mẹ! Cả làng xóm hoảng kinh vì những cơn điên của chị. 
Chú không yên tâm chút nào. Chú nói chị ấy tâm sự rằng chị rất áy náy nghĩ ngợi vì đã làm phiền chúng tôi quá nhiều. Trong mấy tháng ở với chúng tôi, đã mấy lần có tiếng nói trong đầu thúc giục chị tự sát để không thành gánh nặng cho ai nữa. Đã có lần chị bồng đứa con, đưa ra khỏi lan can cầu thang tầng 3. Chị muốn hai mẹ con chết cùng nhau, giải thoát cho chồng chị và cho cả chúng tôi.
Tôi cảm thấy chú ấy rợn cả tóc gáy lên, mặt xanh không còn giọt máu khi kể tôi nghe. Theo chú thì bệnh không thể dứt được và tai họa sẽ tới không biết khi nào. Chú nghĩ rằng phải gởi chị vào hẳn bệnh viên tâm thần, không thể để như thế này được!
Tôi năn nỉ chú đừng nói cho ai nghe cả, kể cả vợ tôi và càng không nên nói lại với chồng chị. Tôi khăng khăng nói chú phải tin Chúa. Chúa nhất định không để xảy ra tai họa gì đâu. Có điều tôi không thể thuyết phục được chú ấy an tâm.
Những sự rắc rối bắt đầu xảy ra cho chúng tôi từ đó. Câu chuyện lan ra, nhiều người biết. Khổ nhất là bạn bè thân thiết của vợ tôi, những người rất yêu quý chúng tôi, cũng biết. Mọi người đều lo lắng. Nhiều tiếng nói can gián góp ý đủ điều!
Bây giờ, chính vợ chồng chúng tôi lại trở nên mất bình an! Thiệt là khổ!

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

Tâm sự của FB Michael Le: XUẤT CHÚNG


Tác giả : FB Michael Le
XUẤT CHÚNG (1)
Hơn mười năm sau 1975, chúng tôi thành thế hệ 25, 27, 30... Ôi, xã hội có làm sao, thời thế có làm sao... thì cũng là đến tuổi yêu thương và lập gia đình.
Bạn có giam củ khoai tây hay củ hành trong kẹt tủ chật chội tối tăm thì một ngày nào đó sẽ vẫn ngỡ ngàng thấy chòi ra những chồi non, xanh mơn mởn, mạnh mẽ ngoi tìm ánh mặt trời. Cuộc sống tự nó đã có một sức vươn lên tươi mới mãnh liệt bất kể hoàn cảnh, bất kể ở đâu, bất kể dưới 'chế độ' nào.
Anh ấy và chị ấy quen nhau rồi yêu nhau ở một vùng 'kinh tế mới' đất đai màu mỡ, lại nhanh chóng trở thành một giáo xứ vì hầu hết là giáo dân, lại may mắn có được một linh mục trẻ nhiệt thành tận tụy.
Lớp thanh niên lớn lên ở đó vui lắm. Tối tối về, sau ngày lao động vất vả, họ họp nhóm chia sẻ Kinh thánh, chia sẻ những suy tư, cầu nguyện, hát thánh ca. Hàng năm họ có những đợt tĩnh tâm với nhau... Ôi thì chế độ nào, kiểm soát nào và cấm đoán nào, hộ khẩu hộ khoét chứng minh nhân dân kiểu nảo kiểu nào... thì rồi cũng chẳng bóp nghẹt được sức sống.
Anh ấy là một tu sinh tu xuất, tháo vát và đa tài, một ngôi sao năng nổ của giáo xứ. Chị ấy hiền, rất ngoan đạo. Và chị ấy đẹp lắm, mọi người công nhận chị là hoa khôi không chỉ của giáo xứ mà của cả vùng.
Hai anh chị thật đẹp đôi. Lập gia đình xong, họ đã có một mảnh vườn và một mái nhà riêng, đón đứa con đầu lòng. Mọi sự dường như rất tốt đẹp thì căn bệnh tâm thần ở đâu ập đến với chị ngay sau lúc chị sanh em bé. Nghe kể chị bị sốt rất nặng và sốt dài ngày trong giai đoạn hậu sản.
Căn bệnh của chị dường như làm đổ sụp tất cả, không những mái gia đình nhỏ bé của anh chị mà cả hai họ hai bên. Và cũng là một cú chấn động cho toàn giáo xứ. Sau này tôi có dịp đến thăm, gặp gỡ nhiều người, biết rằng cả giáo xứ đã từng rất bối rối và đau buồn trong thời gian đó. 
Xét về mặt y khoa, thì quả là xã hội VN (có lẽ cho đến tận giờ này), lúng túng không biết phản ứng sao khi trong cộng đồng xuất hiện một hay những người bệnh tâm thần. Thường là phản ứng của xã hội mình rất bất lợi cho người bệnh và thân nhân họ.
Người ta xếp nó vào nhóm 'bệnh xã hội' (lao, da liễu, tâm thần). Hiểu ra sao về cụm từ 'bệnh xã hội' nhỉ? Vì nó có thể lây lan qua các giao tiếp xã hội? Vì nó có ảnh hưởng, có tác động khá trực tiếp đến cộng đồng?
Riêng về bệnh tâm thần, tôi nghĩ căn bệnh như một cú sốc về mặt tâm lý, tinh thần, và nếu nói đao to búa lớn chút, một 'cú sốc văn hóa' nữa, không chỉ cho người thân mà cho cả cộng đồng. Hoặc nếu bạn đọc cho phép, tôi nghĩ rằng căn bệnh đó là một 'dấu chỉ' cho xã hội. 'Dấu chỉ thời đại'. Nó làm chúng ta phải suy nghĩ về chính chúng ta và về cộng đồng chúng ta.
Khi người 'điên' làm những điều gọi là kỳ quặc, lạ lùng, vượt ra khỏi những chuẩn mực, quy ước chung, và làm những điều đó một cách rất hồn nhiên, tự phát, không ai ngờ được nó xảy đến khi nào, làm sao, chả thể ngăn chặn, chả biết cách nào điều chỉnh lại cho 'chuẩn'... thì sao nhỉ?
Và tự nhiên nảy ra câu hỏi: thế nào mới là 'chuẩn', là 'tỉnh', là 'không điên'?
Giáo xứ bối rối không biết xử trí cách nào khi một người nữ bỗng chẳng cần ăn mặc gì nữa, không mảnh vải che thân, cứ hồn nhiên trần trụi thế, đến nhà thờ ngay giờ lễ, tọt luôn lên tòa giảng của cha xứ và... ca tụng Chúa?     
Tôi nhớ lại cụ Bùi Giáng thâm sâu trác tuyệt đi lại múa may ở Sài Gòn, làm cả Sài Gòn ngẩn ngơ bối rối. "Ông điên mà vui vẻ thập thành. Còn chúng tôi tỉnh lại đành buồn thiu..."
Chuyện về đôi vợ chồng anh chị bạn của tôi khá dài. Tôi cân nhắc mãi vì có phần là riêng tư. Nhưng chúng tôi đều đã lớn tuổi cả rồi, hàng sáu bó hết rồi. Tôi hy vọng anh chị và những người liên quan rộng lòng cho tôi chia sẻ. Bởi, một lần nữa, tôi nghĩ rằng những gì chúng ta tưởng là riêng tư sâu kín nhất, cứ chia sẻ ra đi, không chừng lại là những gì phổ quát nhất của phận người. 
Xin viết thành... nhiều 'kỳ' vì sợ quá dài ạ.

XUẤT CHÚNG (2)
Mười năm đầu sau năm 1975 thực là đáng sợ, ít là cho người miền Nam. Cái ăn cái mặc còn không đủ. Đi lại từ địa phương này qua địa phương khác phải có... giấy giới thiệu hay giấy công tác. Rồi xếp hàng đã đời mòn mỏi trước các phòng vé. Ấy là chưa kể trầy da tróc vảy lắm mới dành dụm được tiền đi đường. 
Nhưng với tôi, cái đáng sợ nhất lúc đó là tôi chợt nhận ra người ta không còn dám tin vào nhau nữa. Tôi mới 16, một hôm lên 4 tầng cầu thang chung cư nọ, thấy một chị ốm o xơ xác bồng đứa con cũng xơ xác ốm o, tay còn xách cái túi khá nặng. Thương quá, nói chị ơi, để em xách giùm chị. Chị ấy lật đật né hẳn sang bên, đáp lại bằng ánh mắt sợ hãi nghi ngờ, pha lẫn căm ghét nữa. Cái nhìn làm tôi tê tái buồn và nhận ra rằng xã hội này đang vuột mất điều gì đó vô cùng cần thiết và quý giá! 
Nhưng làm sao khác được trong cái thời "mánh mung chôm chỉa" đó? Ai nấy đều phải... "thủ", theo đủ mọi nghĩa của từ này. Thủ thế. Thủ thân. Và cả... thủ đoạn. Ở thành thị cũng thế mà nông thôn và các vùng kinh tế mới cũng vậy. Mười năm đầu là thời 'hợp tác xã', 'kinh tế tập trung', là thời 'dzác ngộ cách mạng', cái gì cũng là của chung nên rốt cuộc chẳng ai có gì, ra đường mạnh ai nấy... thấy cái gì ngộ ngộ là dzác dzìa. 
Anh bạn tôi lớn hơn tôi mấy tuổi, đã đủ dày dạn để lăn lóc giữa đời. Anh ấy lanh lợi lắm, hơn tôi rất nhiều về mặt này. Dân tu xuất được cái có vốn liếng kiến thức khá, kỷ luật bản thân cũng quen, anh ấy rất có nghị lực và có chí vươn xa. Dù gia đình phải đi kinh tế mới nhưng anh không chịu giam mình nơi xã ấp nông thôn. Anh từng đi lại nhiều và làm ăn xoay sở rất được, từng có nhiều tiền và từng 'chọc trời khuấy nước' chứ không vừa. 
Vợ anh ấy thuộc thế hệ đàn em, trẻ hơn nhiều. Chị lớn lên trong bầu khí giáo xứ kinh tế mới mà như tôi đã kể, rất may mắn có được một cha xứ trẻ nhiệt thành, tận tụy phục vụ, sống giản dị và hiền hòa gần gũi mọi người. Chị ấy đơn sơ, ngoan đạo một cách có thể nói là 'bình dân', 'thành tín'. Chị chăm chỉ làm lụng như các thiếu nữ khác trong xứ dù có lẽ chị 'tiểu thư' hơn vì gia đình chị cũng giống gia đình anh, thuộc hàng có kinh tế vững trong xứ. Hơn nữa, chị lại là hoa khôi của cả vùng.
Có lẽ tình yêu với chị càng làm anh chọn 'dừng bước giang hồ' để ở lại với giáo xứ. Anh cộng tác đắc lực với cha xứ. Anh trở thành trưởng nhóm trẻ, trưởng nhóm giáo lý, trưởng ca đoàn. Anh là gương mẫu và là ngôi sao nổi bật. Thế nên anh chị đúng là cặp trai tài gái sắc rất xứng đôi. Bạn bè vui chúc mừng đám cưới của anh chị. 
Tôi được nghe nhiều tâm sự của anh chị em trẻ trong giáo xứ, hiểu rằng họ từng trải qua một giai đoạn phấn khởi và đầy hy vọng. Một giáo xứ/ một ấp kinh tế mới mà giới trẻ ở đó thương nhau, gắn bó và đoàn kết, lại bắt đầu tới 'thời mở cửa', 'xóa bao cấp', kinh tế bắt đầu dễ thở hơn... Vâng, thì thời nào thì thời, chế độ nào đi nữa thì cũng chẳng ngăn được sức sống! Qua thời bĩ cực, ánh thái lai đang lấp ló đây kia. 
Mọi chuyện đang tốt đẹp như vậy thì họa vô đơn chí. Vị linh mục mà họ xem như người anh rất thân thương gần gũi có chuyện ngoài ý muốn, phải trở về nhà dòng. Giáo xứ như rắn không đầu. Chính trong giai đoạn thử thách này, chị sinh đứa con đầu và căn bệnh ập tới. 


Bệnh tâm thần trước hết là căn bệnh thể lý. Những cơn sốt hậu sản kéo dài, thường xuyên trên 40 độ, có thể là nguyên nhân gần nhất dẫn đến bệnh. 


Tôi không phải bác sĩ tâm thần. Tôi mù tịt về y khoa. Chỉ vì thích học tâm lý tâm lọt mà hơi méo mó nghề nghiệp, tôi tự hỏi thế về mặt tâm lý, có điều gì có thể là cú sốc tinh thần cho chị không để mà dẫn đến bệnh tình như thế. 
Sống chung nhà với nhau hơn một năm, được trò chuyện với anh rất nhiều, nhất là được lắng nghe chị hàng ngày, tôi ngạc nhiên về 'cú sốc' của chị, nếu có thể gọi đó là cú sốc tâm lý. 
Gia đình hai bên đều khá. Trong khung cảnh nhỏ bé của giáo xứ thôn quê ấy, chị có thể xem là tiểu thư 'cành vàng lá ngọc', từ nhỏ đến lớn chị ít đi đâu xa. Anh cũng rất cưng yêu chị. Khi đi bệnh viện tỉnh để sinh con, anh cố gắng lo cho chị được hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất có thể. 
Nhưng tất cả những may mắn về gia cảnh ấy đã không ngăn được chị nhận ra một điều: Ôi, Chúa ơi, sao xã hội quanh mình nhiều người nghèo khổ thế? Tội quá! Thương quá! Có những cha mẹ sắp tới ngày sinh con mà túi không có một đồng. Có những người bệnh nghèo đến cái ăn cái mặc còn không đủ nói gì đến thuốc thang... Những ngày đi khám thai và lúc chuẩn bị lên bàn sanh, hình như là những điều ấy cứ làm chị nghĩ ngợi.   
Hơn một năm sống chung nhà. Anh ấy đi làm. Vợ tôi cũng đi làm. Chị ấy ở nhà chăm sóc đứa con 3 tuổi của anh chị. Tôi cũng ở nhà chăm sóc đứa con gần 3 tuổi của chúng tôi. Và tất nhiên, tôi còn phải chăm sóc trông chừng hai mẹ con chị nữa. Tôi đã trò chuyện với chị không biết bao nhiêu lần.
Tôi vô cùng ngạc nhiên về 'cú sốc tâm lý' - nếu được gọi là thế - gần nhất trước khi căn bệnh tâm thần ập đến với chị. Ánh mắt luôn đỏ những tia máu như đang sốt và khuôn mặt trơ trơ ra vì phải uống quá nhiều thuốc an thần nặng đô mỗi ngày, thường xuyên dịu xuống, đầy cảm xúc mỗi khi chị nhắc lại điều đó: "Anh Hà. Từ nhỏ đến lớn em đâu biết có nhiều người khổ đến vậy. Tội nghiệp lắm anh à".

XUẤT CHÚNG (3)
Thời "mở cửa" bắt đầu từ 1986. VN hạ bức màn sắt xuống chút để "làm bạn với mọi quốc gia". Thế là có những chính phủ và xã hội dân sự Âu Tây trở lại giúp VN, mà một trong những giúp đỡ đó đã trở thành một quan phòng tiền định cho vợ chồng chúng tôi: ngành giáo dục đặc biệt chăm sóc trẻ em chậm phát triển tâm thần. 
Hai ngôi nhà đúc 4 tầng kề nhau trong một khu phố yên tĩnh, vốn xưa kia là của hai gia đình gốc Hoa "tư sản mại bản" chuyên kinh doanh Đông dược. Thế nên sau khi "tiếp thu", hai căn đó được giao cho Phòng Y tế Quận quản lý. Một bên tầng trệt trở thành điểm khám và cấp thuốc cho nhóm 'bệnh xã hội', trong đó có bệnh tâm thần. Mặt tiền kế bên trở thành văn phòng của trường dạy trẻ chậm phát triển. Ba tầng phía trên có cửa đục thông nhau, trở thành những lớp học.      
Lý lịch "ngụy quân ngụy quyền" làm cả hai chúng tôi dở dang việc học, nhưng may có cái ngành mới mà chả mấy ai muốn vào này. Chúng tôi quen nhau ở khóa đào tạo đó, rồi kết hôn, có con đầu. Vợ tôi trở thành giáo viên biên chế, tôi thì không, vì mất hộ khẩu từ lâu rồi, đành chỉ là cộng tác viên của trường. Tôi lo ở nhà chăm con nhỏ là chính, rảnh thì làm thêm bậy bạ nghề tự do. 
Cô thủ trưởng phòng khám bệnh xã hội này là một cựu bộ đội, là đảng viên, người miền Bắc. Cô cũng là thủ trưởng, quyền hiệu trưởng của các lớp dạy trẻ chậm phát triển này. Cô ấy không phân biệt vùng miền, cũng không kỳ thị lý lịch của chúng tôi. Cô đánh giá cao sự nhiệt tình yêu nghề và phục vụ trẻ của chúng tôi. 
Thương tình, cô cho chúng tôi vào trường ở, vì lúc đó học sinh còn vắng lắm, mấy tầng trên trống trơn. Vợ tôi dạy học ở đó, tôi lãnh cái chức bảo trì cơ sở kiêm bảo vệ đêm. Thế là bọn tôi may phúc có số "ở nhà lầu". Chiều tối học sinh về hết thì gia đình nhỏ của chúng tôi có cả một giang san 2 căn nhà đúc bề thế rộng mênh mông. 
Nhưng chúng tôi cảm động nhất là khi trình bày hoàn cảnh của vợ chồng anh bạn tôi, xin cho họ đến tá túc với chúng tôi, cô thủ trưởng ngần ngừ một lúc rồi vì thương hoàn cảnh của một gia đình có người bệnh tâm thần, cô đồng ý. Cả cô đảng viên thủ trưởng lẫn các nhân viên phòng khám tròn mắt ngạc nhiên vì chúng tôi 'dám' đón một người bệnh tâm thần về ở chung, dù chẳng phải máu mủ ruột rà.
Nói nào ngay, chúng tôi đã giới thiệu để anh bạn đem vợ tới khám ở phòng khám ấy. Lúc đó bệnh tình của chị còn nặng lắm, vừa được xuất viện khỏi Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa. Nhưng ở chị, người bệnh tâm thần phân liệt ấy, có vẻ gì đó rất đáng thương, rất trong sáng và hiền lành, khiến từ trưởng phòng khám, vị bác sĩ và các nhân viên đều có cảm tình. 
Ngôi trường gồm hai căn 4 tầng ấy quả cũng là ơn quan phòng tiền định cho anh chị bạn tôi cùng đứa con 3 tuổi của anh chị. Vì ở một giáo xứ kinh tế mới xa xôi, đi lại khó khăn, nên suốt 3 năm, bệnh tình của chị đã không được chăm chữa đúng mức và khoa học. Bệnh chị ngày càng nặng, đến độ gần như đến hết ngưỡng thử thách lòng kiên nhẫn chịu đựng của cộng đồng nhỏ bé ấy. 
Anh đã tán gia bại sản. Suốt 3 năm không làm ăn gì được. Bán hết đất đai lo chạy chữa cho chị. Cuối cùng, anh tuyệt vọng bán luôn nhà, quyết bỏ xứ mà đi, buồn đau đến độ thề không quay về nữa! 
Sau này tôi nghe kể, một người đàn ông bấy nay tháo vát, tự tin, đầy nghị lực và yêu đời như anh đã ngồi trước hiên nhà khóc nức nở như một đứa trẻ thế nào. Anh chị em bạn hữu thân thiết trong xứ gạt nước mắt tiễn gia đình anh đi về phương trời vô định. Thương lắm, nhưng bó tay rồi, không biết giúp sao nữa! Anh chị đã bỏ xứ ra đi rồi, sau này tôi đến đó thăm, các cụ lớn tuổi và các bạn trẻ ở đó kể rằng họ đã để lại cho giáo xứ một vết đau chung xót xa buồn thảm. 
Gia đình có người bệnh tâm thần, nhất là ở cái nơi như Việt Nam mình thuở đó, thì người thân khổ lắm, vô cùng khổ, cực kỳ đau khổ. Khi tôi nói với anh tin vui, là anh chị và cháu hãy đến ở với chúng tôi ở giữa đất Sài Gòn đông đúc này, đã "có bảo kê" từ chị thủ trưởng đảng viên cấp Quận, nên chả ngán thèng nào sất, chả cần tạm trú tạm vắng hộ khẩu hộ kheo gì hết trọi. Anh sững sờ không dám tin vào tai mình. 
Ngồi ở quán cóc uống bia. Anh uống liên tu bất tận mà không say. Anh ứa nước mắt, thú thực với tôi là anh đã có cám dỗ bỏ mặc chị lang thang sống chết ra sao ở Sài Gòn thì cũng đành. Anh đã tính đường bồng con trốn đi thật xa. Kể cả vượt biên. "Hà ơi. Thà cha con mình chết ngoài biển hay trong rừng rú gì đó mình cũng chịu. Khổ quá! Khổ quá rồi! Đau khổ quá khiến mình không còn chút hy vọng nào nữa, không thiết sống nữa!..."  
Còn tôi, tôi cảm động nghĩ rằng sự khổ đau của một cá nhân hay một gia đình, có khi lại là một ơn phúc cho cả cộng đồng. Trong cái thời buổi mạnh ai nấy sống và không ai còn dám tin ai đó, lạ lùng là chính những cán bộ nhà nước, những người "bên thắng cuộc", đã động mối từ tâm. 
Người miền Nam lúc ấy đã có hơn 10 năm chung sống cận kề với nhiều người đến từ miền Bắc mà phần đông là cán bộ đảng viên. "Bên thắng" và "bên thua" đã bắt đầu có những mối giao cảm, xóa nhòa bớt những ranh giới ly tán hận thù, vâng, một khi tình người nở hoa!


Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

Phạm Tín An Ninh: NGƯỜI BÁN SÁCH TRÊN BÃI BIỂN NHA TRANG


Nguồn : FB Miền Nam Việt Nam

PHẠM TÍN AN NINH

Tôi trở về thăm quê hương sau hơn mười lăm năm, kể từ ngày vượt biển ra đi. Tôi quyết định điều này qua bao nhiêu đêm ưu tư trằn trọc. Tôi chẳng còn ai thân quen bên ấy để về thăm. Mẹ tôi mất hồi tôi mới lên năm. Cha tôi chết cuối năm 1977 trong trại tù cải tạo Đá Bàn, khi tôi đang ở một trại tù khác tận núi rừng Việt Bắc và mãi năm năm sau tôi mới nhận được tin buồn. Đứa em gái mà tôi thương quí nhất, mang hình ảnh của người mẹ mà tôi chỉ còn mơ hồ trong ký ức, cũng đã kết liễu cuộc đời ở cái tuổi tưởng chừng lúc nào cũng có cả một bầu trời xanh bao la trước mặt. Còn bạn bè tôi, thằng chết, đứa ra đi, gởi thân khắp bốn phương trời.

Biết là lần trở về này, rồi cũng chẳng khác gì cái ngày cách đây mười sáu năm, từ một trại tù miền Bắc trở về, tôi bơ vơ lạc lõng trên chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tôi cũng không có ý định về đây để tìm lại những kỷ niệm ngày xưa. Những “hang động tuổi thơ” chắc cũng đã biến mất trước bao nhiêu giông tố năm nào bất ngờ ụp xuống. Bây giờ chỉ còn sót lại chút ít trong lòng những người tha phương lưu lạc. Bản thân tôi có quá nhiều đớn đau và mất mát ngay trên chính cái thành phố một thời xinh đẹp này. Tôi sợ phải nhìn lại cái quá khứ hãi hùng và tang thương đó. Tôi về chỉ để làm một điều, mà nếu không làm được, lòng tôi sẽ ray rứt khôn nguôi. Có lẽ đến khi chết tôi vẫn không làm sao nhắm mắt.

Tôi về để tìm lại phần mộ của cha và em tôi, cải táng đem về an táng bên cạnh phần mộ của mẹ tôi trong nghĩa trang gia tộc ở quê tôi ngoài Vạn Giã. Điều ước mơ của cha tôi, mỗi lần ông kể cho tôi nghe về mẹ tôi và chuyện tình khá lãng mạn nhưng cũng nhiều cay đắng của ông bà. Cha tôi được chôn cất sơ sài trên núi Đá Bàn, bên ngoài một trại tù cải tạo lúc xưa. Còn em gái tôi, được gia đình một cô bạn thân chôn cất tại một nghĩa trang ngoài Đồng Đế. Khó khăn và may mắn lắm tôi mới tìm được tin tức về mộ phần của cha và em tôi sau hơn hai mươi năm. Nhờ một người bạn cùng tù với cha tôi, chính tay ông đã đào huyệt cho cha tôi; và gia đình cô bạn thân của em gái tôi, vượt biên từ năm 1978, hiện định cư tận bên Hòa Lan, cung cấp chi tiết và vẻ cả bản đồ hướng dẫn cho tôi.

Ngồi trên máy bay, tôi lo lắng đủ điều. Mộ em tôi nằm trong một nghĩa trang, dù chưa được xây, nhưng có tấm bia đúc bằng xi-măng nên có lẽ dễ tìm; nhưng phần mộ của cha tôi, nằm trong núi và cái trại cải tạo ngày xưa bây giờ đã biến thành một khu kinh tế mới. Gần ba mươi năm rồi, có biết bao sự đổi thay.

Cuối cùng thì tâm nguyện của tôi cũng hoàn thành được một nửa. Trái ngược với những lo lắng ban đầu, tôi dễ dàng tìm ra phần mộ của cha tôi. Mặc dù bối cảnh chung quanh thay đổi, nhưng bà con ở vùng kinh tế mới này đa số là dân thành phố bị cưởng bách “tự nguyện” lên đây, một số ngày xưa là lính và công chức. Biết đây là mộ của những người tù cải tạo, nên họ thương mà rào lại và giữ gìn. Những dịp cuối năm họ đều thắp hương, tảo mộ và kẻ lại tên trên những tấm bia bằng gỗ, dù đã rong rêu qua bao nhiêu mùa mưa nắng. Riêng phần mộ của em tôi, mò mẫm suốt cả hai tuần tôi vẫn tìm không ra. Cả khu nghĩa trang bây giờ thay đổi. Người chết nhiều quá. Nhiều ngôi mộ mới xây, nhưng cũng có một số đã được cải táng, dời đi nơi khác. Nhà cửa cất san sát bên nghĩa địa. Người sống bây giờ ở chung với người chết. Tôi bắt chước người xưa khấn vái, xin hồn thiêng em tôi về chỉ cho tôi ngôi mộ của em nằm. Nhưng lời vái của tôi vẫn không thiêng.
Tôi thuê người cải táng phần mộ của cha tôi. Đi từng nhà trong khu kinh tế mới cám ơn lòng tốt của mọi người. Đưa hài cốt của cha tôi về an táng bên cạnh mẹ tôi, trong nghĩa trang gia tộc, thuê thợ xây lại tất cả những ngôi mộ đã bao nhiêu năm không có ai chăm sóc.

Còn một ngày nữa là hết hạn visa. Tôi muốn đi một vòng, tìm lại chút gì của Nha-Trang xưa. Mùa hè Nha-Trang bây giờ dường như nóng bức hơn ngày xưa. Tôi thuê một chiếc xích lô chạy dọc theo con đường Duy-Tân cũ. Vừa để cho mát, vừa muốn tìm lại những lùm cây dương ngày trước, thuở chúng tôi và bạn bè hẹn hò sau những lúc tan trường. Một số lùm dương vẫn còn đó, nhưng trơ trọi, điêu tàn. Tôi bảo anh phu xe cho tôi xuống trường Võ-Tánh. Anh phu xe còn trẻ, thắng xe lại, ngạc nhiên. Tôi hiểu, nên tôi bảo tôi sẽ chỉ đường, anh cứ theo tôi. Ngôi trường cũ, nơi tôi có biết bao kỷ niệm của ba năm theo học, bây giờ không những cái tên trường, mà tất cả đều trở thành xa lạ. Những hàng cây phía trước không còn. Ngôi trường đứng chơ vơ, chẳng còn sót lại chút gì thơ mộng, gây trong tôi một cảm xúc bẽ bàng hơn là thương tiếc. Bất giác tôi nhớ đến em tôi. Đứa em gái xinh đẹp dễ thương, đã cho tôi cái ấm áp của cả một gia đình, trong những ngày chúng tôi lớn lên không có mẹ. Em học bên trường Nữ Trung Học, nhưng thường đến đây chờ tôi để hai anh em cùng ra biển. Em tôi thích tắm biển, nhưng ngại đến đó một mình nên thường rũ tôi đi theo hộ tống. Tôi tha hồ làm tình làm tội mấy anh chàng muốn đến làm quen, tán tỉnh em tôi. Tôi đi bộ dọc theo bãi biển, tìm đến khu có nhiều cây dừa trước trường Bá-Ninh lúc trước, nơi ngày xưa em tôi thường ngồi ở đó.

Tôi đưa mắt nhìn một vòng từ xa. Nơi bậc xi măng tiếp giáp bãi cát, một người tàn tật đang khó nhọc dùng cánh tay duy nhất còn lại giữ thăng bằng trườn xuống. Trông anh ta giống như một con cóc. Len lỏi trong đám người đi tắm, anh hướng về phía tôi ngồi. Lưng anh mang túi vải chứa đầy sách, và kéo lê trên cát một cái túi vải nữa, cũng toàn là sách. Anh lê lết từng quãng, từng quãng ngắn. Bất ngờ anh ta ngước lên. Thấy tôi gật đầu chào, anh ta nhìn tôi cười rạng rỡ, để lộ hàm răng trắng. Khuôn mặt tuấn tú, râu quai hàm, vầng trán cao với mấy sợi tóc vắt ngang rất nghệ sĩ. Anh dùng bàn tay duy nhất lôi một cuốn sách trong túi vải đang nằm trên mặt cát và từ từ mở ra. Tôi liếc qua. Cuốn sách có cái tựa viết bằng tiếng Anh, nói về chuyện chuyến tàu Titanic. Tôi nhớ đến cuốn phim cùng tên, mới quảng cáo rầm rộ trên truyền hình Nauy mà tôi chưa kịp đi xem. Bỗng tôi tròn mắt ngạc nhiên khi nghe anh mở lời chào và giới thiệu cuốn sách bằng tiếng Anh mà anh phát âm rất lưu loát, không thua kém gì những người Việt đã sinh sống lâu năm ở nước ngoài. Anh lầm tưởng tôi là người Nhật hay Đại Hàn gì đó. Tôi thán phục anh vô cùng và bảo với anh tôi là người Việt, định cư ở Nauy, nên trình độ tiếng Anh của tôi chỉ vừa đủ nói dăm ba câu xã giao, chứ làm gì có thể thưởng thức được văn chương. Tôi cám ơn anh và móc ví ra định biếu anh một chút tiền, nhưng anh vội đưa tay ngăn lại

- Cám ơn anh, nhưng xin anh để dành tiền cho những người còn nghèo khổ hơn tôi.

Anh nhỏ nhẹ bằng một giọng thân thiện và lễ độ.

Câu nói và thái độ của anh làm tôi rất đỗi ngạc nhiên. Vì từ khi trình giấy thông hành vào nước, trước những người mang lon, đội mão đại diện cho cả môt quốc gia mà cũng không có được phong thái thanh tao như anh; và chẳng lẽ ở trong cái thành phố ”mũi nhọn du lịch” này lại còn nhiều người khốn khổ hơn anh ?

Tôi đành mua một cuốn sách để anh vui lòng nhận tiền, nhưng rồi thấy anh cứ loay hoay moi hết túi nọ đến túi kia, để tìm đủ tiền thối lại cho tôi.

Tôi muốn hỏi thăm anh vài câu, nhưng anh đã nhoẻn miệng cười và gật đầu chào tôi rồi vội vàng lết sang mấy người khách nước ngoài đang nằm phơi nắng trên hàng ghế phía trước.

Từ hôm ấy, hình ảnh người tàn tật bán sách trên bãi biển Nha-Trang cứ lẩn quẩn trong đầu và theo tôi về tới Nauy; để rồi nếu có ai đó lỡ lời nói điều gì không mấy tốt về những người nghèo khổ ở Việt nam, tôi có cảm tưởng như đang xúc phạm đến anh, người bán sách khả kính mà tôi bất ngờ được gặp.

Năm sau, tôi lấy một tháng hè về lại Việt Nam. Lần này tôi mua vé và nhờ cha cô bạn của em tôi, từ Hòa Lan, cùng về với tôi. Ông là người đã giúp chôn cất em tôi ngày trước. Tôi không ngờ là mình phải về lại Việt nam lần thứ hai. Một điều mà trước đây tôi không hề nghĩ tới.. Nhưng tôi phải làm tròn bổn phận của người anh với cô em gái, mà nếu trước kia tôi lo lắng cho nó chu đáo hơn, biết đâu bây giờ nó còn sống để cho tôi khỏi cảnh côi cút một mình.

Sau một chuyến bay dài, tôi mệt đừ người. Tôi trở về từ vùng Bắc Âu lạnh lẽo, bây giờ lại gặp cái nắng oi nồng của vùng nhiệt đới. Sau khi thuê khách sạn xong, tôi chạy ngay ra biển tắm. Nằm dài trên bãi cát, tôi bỗng nhớ tới người bán sách năm xưa. Tôi thả bộ theo bờ biển về hướng mấy cái lều có bóng dáng nhiều người ngoại quốc đang từ khách sạn kéo ra, bỗng mắt tôi sáng lên khi nhìn thấy người tàn tật đang lê lết theo sau. Cũng hai cái túi vải đựng sách. Đúng là anh tàn tật bán sách năm trước chứ còn ai. Tôi mừng thầm như sắp sửa được gặp lại con người mà bấy lâu nay tôi thường nghĩ tới với lòng mến mộ. Tôi suy nghĩ làm cách nào để anh ta vui lòng nhận sự giúp đỡ của mình. Nhưng người tàn tật lúc nào cũng bám sát vào những người nước ngoài. Tôi để ý thấy người ta cũng không mua sách và chỉ cho anh tiền. Tôi ngạc nhiên khi thấy anh ta cười, hớn hở nhận tiền rất điệu nghệ, không nghe anh nói cái câu thật tử tế mà một năm trước anh đã lễ phép nói vơ’i tôi “Cám ơn anh, nhưng xin anh để dành cho những người còn nghèo khổ hơn tôi”. Một cái gì đó thật đẹp vừa bị sụp đổ trong lòng. Tôi cảm thấy người nóng hừng hực. Không biết là sức nóng giữa ban trưa hay vì máu nóng bốc lên đầu. Tôi cắm đầu chạy lao vào những đợt sóng cuồng nộ đang từ ngoài khơi đổ vào bờ.

Nước biển trong xanh, sóng biển như những cánh tay ôm tôi vào lòng vuốt ve, dỗ dành. Mặt nước mênh mông, trãi rộng đến những dãy núi mờ xanh tận cuối chân trời. Tôi nghe văng vẳng trong không gian như có ai đang dạo đàn bản Nha Trang Ngày Về. Thiên nhiên phần nào giúp tâm hồn con người rộng mở và dễ cảm thông hơn.

Sau một hồi quần với sóng biển, tôi cũng tạm quên người tàn tật bán sách đã làm tôi hụt hẫng. Nhưng khi vừa bước lên bờ cát thì tôi lại trông thấy anh ta đang o bế mấy người nước ngoài và đưa tay xin cả thức ăn thừa. Tôi nghi ngờ, có thể là người tàn tật này không phải là người tàn tật năm xưa. Tôi đến gần hỏi thăm. Nhưng chưa hỏi hết câu hắn đã “Đ.m. cái khứa đói rã họng ra mà còn làm cao ấy hả. Chết mẹ nó rồi..”
Chỉ nghe cái giọng lỗ mãng của hắn, tôi đủ biết chắc hắn ta không phải là anh – người tàn tật bán sách mà năm trước tôi đã gặp -. Tôi theo người bán sách này với ý định hỏi thăm thêm về anh cho ra lẽ, nhưng thấy hắn ta chẳng mấy tha thiết. Hắn di chuyển chậm, nhưng mắt hắn lại quan sát thật nhanh về những đám người đang xuống bãi ở quãng xa. Và khi đi ngang qua chỗ ngồi của người đàn bà bán cua luột, hắn hất hàm bảo: ” Đó, vợ khứa đó!”

Tôi liền chụp ngay cơ hội, hy vọng tìm ra manh mối. Nhưng khi tôi lân la lại gần, thấy chị bán cua luột này có vẻ nghiêm trang khác với những người bán hàng rong bình thường, tôi không biết phải bắt đầu làm sao. Tôi mua hết con cua này tới con cua khác mà chẳng ăn con nào. Và cứ mỗi lần chị định quảy gánh đi chỗ khác, tôi gọi giật lại mua thêm một con nữa để giữ chân chị. Vừa lúc chị nhận ra người khách mua cua này cũng có gì khác thường, tôi buột miệng : “Chị là vợ của người tàn tật bán sách trên bãi biển này mấy năm trước ?”. Chị ngớ người ra, im lặng nhìn tôi. Có lẽ thấy tôi là một người xa lạ sao lại tò mò vào một chuyện riêng tư. Tôi kể cho chị nghe cái cảm tình đặc biệt mà tôi đã dành cho anh ấy. Tôi muốn tìm cách giúp anh một phần nào nỗi thống khổ tật nguyền. Tôi tha thiết muốn biết về anh. Dường như những lời chân thật của tôi làm cho chị xúc động. Chị nhìn tôi, đôi mắt thật buồn:

- Em không phải là vợ của anh ấy. Tụi em cùng cảnh khổ nên đùm bọc lấy nhau mà sống. Một số người đùa, gán ghép tụi em rồi quen gọi thế thôi, anh ạ. Anh ấy đã chết cách nay hơn tám tháng. Em đã lo chôn cất anh ấy.

Lòng tôi thắt lại, một phần vì cảm thương anh trong cảnh khốn cùng, một phần ân hận là giá năm trước mình tìm cách giúp đỡ anh, biết đâu đã cứu được anh. Tôi có ý muốn nhờ chị đưa tôi ra mộ để thắp cho anh nén hương. Chị ngại ngùng nhưng cuối cùng gật đầu hẹn bốn giờ chiều chờ tôi trước khách sạn tôi ở.

Tôi thuê chiếc taxi, và xin phép cùng ngồi với chị ở băng ghế sau để dễ dàng trò chuyện. Trên đường ra nghĩa trang, chị say sưa tâm tình cùng tôi, như từ lâu lắm chị không có dịp nói ra những điều bao năm dấu kín trong lòng. Chị tên Trang. Cha chị trước kia là một trung sĩ địa phương quân, bị thương năm 1968, trong trận tết Mậu Thân, nên được giải ngũ. Mẹ chị mất từ khi chị còn bé lắm. Cha chị không chịu tục huyền mà ở vậy nuôi đứa con độc nhất của mình. Nhờ số tiền trợ cấp ban đầu, ông mua được một căn nhà tôn trong khu dành cho thương phế binh, nằm phía sau ga xe lửa. Ông xin được cái chân bán vé cho hãng xe đò Phi Long ở bến xe Xóm Mới. Lương ba cọc ba đồng cộng với tiền hưu bỗng hàng tháng, ông dành dụm cố lo lắng cho cô con gái học hành. Năm 1974, xong lớp 12, chị thi đậu vào trường sư phạm. Sau ngày Nha-Trang “giải phóng”, chị bị loại ra bởi lý lịch “ngụy quân” của cha. Lúc này, gia đình trở nên bi đát. Cha chị, tất nhiên, không còn được lãnh tiền hưu bỗng ngày trước, chị không tìm ra bất cứ việc gì làm. Cuối cùng cha chị đành phải bán một nửa căn nhà vốn đã chật chội để mua một chiếc xích lô làm phương tiện sinh nhai. Còn chị thì đi bán hàng rong từ dạo ấy.

- Đến bây giờ ông cụ vẫn còn đạp xích lô? Tôi tò mò hỏi.

- Ông mất lâu rồi anh ạ. Tội nghiệp, ông thương anh Bá lắm, xem anh ấy như con.

Tôi ngạc nhiên:

- Anh Bá nào?

- Người tàn tật bán sách đó.

Đến bây giờ tôi mới biết tên của anh.

Chị cho biết anh Bá ngày xưa là trung úy phi công. Máy bay của anh bị bắn rơi vào những ngày Sài gòn nguy khốn, khi yểm trơ cho mặt trận Long Khánh của Sư Đoàn Tướng Đảo.
Anh được anh em bộ binh tiếp cứu, nhưng anh bị thương rất nặng, phải đưa về tổng y viện Cộng Hòa. Sau cuộc giải phẫu khá dài, anh tỉnh lại. Nhưng khi biết được mình bị mất hai chân và một cánh tay, anh ngất xỉu và hôn mê suốt cả một tuần. Ngay sau khi Sài gòn vừa “giải phóng”, anh bị đuổi ra khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa khi vết thương chưa lành. Gần hai tháng sau cha em gặp anh ấy trên bến xe Xóm Mới. Biết được phần nào hoàn cảnh thương tâm, cha em lấy xích lô chở anh về nhà chăm sóc vết thương và anh sống với cha con em từ dạo ấy.

- Anh ấy không có thân nhân. Tôi hỏi

- Anh có một cô em gái ở đây, nhưng mà chết lâu rồi. Ban đầu không nghe anh nói điều này. Mãi sau này thấy trên đầu giường của anh có thờ tấm ảnh của một cô con gái và có nhiều đêm rất khuya anh ngồi bất động trước tấm ảnh, cha em hỏi mấy lần, anh mới bảo đó là cô em gái duy nhất của anh.

- Anh không còn bạn bè?

- Nghe nói anh đang học một khóa phi hành ở đâu bên Mỹ, rồi nhờ có trình độ anh ngữ khá, anh được lưu lại Mỹ làm sĩ quan liên lạc không quân. Nghe tin miền Nam nguy khốn, anh tình nguyện xin về chiến đấu. Vừa về nước, anh ra chiến trường ngay và bị nạn khi đang bay phi vụ thứ hai. Có lẽ vì vậy mà không nghe anh nhắc tới bạn bè.

Xe dừng lại, tôi bước xuống trả tiền và bảo anh tài xế chờ tôi hoặc có thể quay lại sau 30 phút. Tôi bước vào nghĩa trang khi lòng còn vương vấn một câu chuyện buồn. Tiếng chuông nhà thờ từ đâu vọng lại càng làm cho lòng tôi chùn xuống. Đi quanh co một lúc, chị Trang bảo tôi dừng lại và chỉ cho tôi ngôi mộ của anh Bá, nằm bên cạnh ngôi mộ của cô em gái. Cả hai ngôi mộ được xây bằng đá đơn giản, trên tấm bia có cả tấm ảnh

Tôi ngạc nhiên khi thấy trên mộ bia anh Bá có hình một thập tự giá, vì đây là nghĩa trang Phật giáo. Tôi đến trước mộ anh, thắp ba nén hương thâm khấn vái cho anh được sống an bình trong một thế giới chẳng còn thù hận, và nói lên lòng cảm mến của một người đồng đội cũ. Tôi nhìn kỹ tấm ảnh của anh trên mộ bia, tấm ảnh chụp lúc anh còn là sinh viên sĩ quan không quân, phong độ, hào hùng. Trông khuôn mặt quen quen. Có lẽ do bộ quân phục làm tôi nhớ tới khuôn mặt của những bạn bè ngày trước.

Tôi bước sang mộ cô em gái, thắp ba nén hương cho một người không hề quen biết. Tôi tò mò bước lên xem tấm ảnh trên mộ bia. Bỗng đầu óc tôi choáng váng, mắt tôi mờ đi như chẳng còn trông thấy những gì trước mặt. Trời ơi, có điều gì lầm lẫn hay không? Người trong tấm ảnh chính là An Bình, cô em gái yêu dấu của tôi.

Tôi cố gắng lấy lại bình tĩnh, mở đôi mắt thật to để nhìn kỷ lại tấm ảnh. Không thể lầm lẫn được. Chính tấm ảnh của em tôi mà tôi vẫn treo trên bàn thờ cùng với ảnh của cha và mẹ của tôi. Tôi vẫn thường đứng hằng giờ trước những tấm ảnh này mỗi khi thấy mình quá đỗi cô đơn trên xứ lạ quê người. Làm sao tôi có thể nhầm lẫn được. Bỗng dưng tôi khóc sụt sùi.
Trang nhìn tôi ngạc nhiên:

- Anh có quen biết em gái anh Bá?

Tôi im lặng không trả lời, bảo chị cùng đi với tôi. Chiếc taxi vẫn còn đợi tôi tự nãy giờ. Tôi móc bóp tìm địa chỉ của cha cô bạn thân của em tôi, đã từ Hòa Lan về đây trước tôi hai ngày, và chúng tôi hẹn gặp nhau ngày mai. Bác trọ ở nhà một người em trong khu cầu Xóm Bóng. Tôi đưa địa chỉ cho anh tài xế. Chỉ hơn năm phút sau là anh ta đã tìm được. May mắn là bác có ở nhà. Tôi xin lỗi bác là đã đến tìm bác sớm hơn ngày hẹn. Báo cho bác là tôi đã bất ngờ tìm được mộ của em tôi. Xin bác cùng đi với tôi ra nghĩa trang để xác nhận lại vị trí ngôi mộ của em tôi mà ngày trước bác đã có lòng chôn cất hộ.

Trở lại nghĩa trang, tôi đề nghị bác dẫn đường, như muốn để xác minh chắc chắn là bác biết rõ ngôi mộ ấy. Bác mò mẫm gần 30 phút mới tìm được ngôi mộ của em tôi. Bác ngạc nhiên là ngày ấy bác chỉ kịp dựng một tấm bia, chứ không có xây mộ đá như bây giờ, và trên bia cũng chỉ có tên chứ không có hình ảnh của em tôi.

Tự nãy giờ Trang vẫn còn ngạc nhiên, không biết rõ việc gì. Tại sao cô gái này là em gái duy nhất của anh Bá mà cùng là em gái của tôi ? Tôi xin lỗi vì xúc động quá, tôi sẽ kể cho Trang nghe trên đuòng về nhà.

Tôi đưa cha cô bạn của em tôi về lại nhà trọ, cám ơn bác và hẹn gặp lại bác vài hôm sau. Trên đường về, tôi kể lại cho Trang nghe về hoàn cảnh của gia đình tôi. Tôi đi lính xa nhà, mỗi năm chỉ về phép một đôi lần.

An Bình, đứa em gái duy nhất của tôi ở Nha-Trang với cha tôi. Ông là một thầy giáo, ngày xưa dạy ở trường Pháp-Việt lúc tôi mới lên ba. Sau ngày về hưu ông được bà con mời làm chủ tịch hội đồng xã. Ông bị bắt vào trại cải tạo Đá Bàn sau ngày Nha-Trang ”giải phóng”, rồi vì tuổi già sức yếu, không chịu nổi sự tra tấn, ông đã chết gần một năm sau đó. Em gái tôi nối nghiệp cha, sau khi tốt nghiệp ở trường sư phạm Qui Nhơn, vì hoàn cảnh gia đình, được về dạy ở Nha trang. Có lần tôi về phép, em kể cho tôi nghe về mối tình của em với một chàng sinh viên sĩ quan không quân. Em có đưa cả tấm ảnh cho tôi xem và hẹn sẽ giới thiệu với tôi khi chàng ta ở Mỹ trở về. Em lo lắng vì anh là người Bắc di cư, công giáo, không hiểu có khó khăn gì cho cuộc hôn nhân. Tôi bảo nó yên tâm, ba tôi theo tây học, nên ông quan niệm về tôn giáo rộng rãi lắm.

Sau khi cha tôi vào trại cải tạo, căn nhà của chúng tôi bị chính quyền mới tịch thu để làm hợp tác xã mua bán. Em tôi không được tiếp tục dạy học nữa nên ra Xóm Bóng ở chung với cô bạn học nối khố tự ngày xưa, chắt chiu số tiền còn dành dụm được để thăm nuôi cha tôi. Ngay sau ngày Sài-gòn mất, em có vào tìm thăm tôi và người yêu của cô. Hơn hai tuần đi thăm hỏi khắp nơi, em tôi về nằm khóc cả mấy ngày liền, nói với tôi là người yêu của nó đã chết mất xác ở chiến trường Long-Khánh. Tôi an ủi em tôi, bảo nó về Nha-Trang cố gắng thay tôi lo lắng cho cha, chờ ngày cha và tôi trở về sum họp. Tôi vào tù hơn sáu tháng, hai lần được phép gởi thư về nhà, vẫn không thấy em gái hồi âm. Cho mãi trước khi được chuyển ra Bắc, tôi mới nhận được thư của cô bạn thân của nó, báo tin là nó không kiếm được việc gì làm, túng quẫn, buồn chán, nên đã uống nguyên một ống thuốc ngủ. Gia đình cô chở vào bệnh viện, nhưng không cứu được, vì không tìm ra thuốc giải.

Chị Trang suy nghĩ miên man và như chợt nhớ ra được điều gì. Chị bảo khi còn sống, anh Bá không đi làm vào ngày chủ nhật. Anh đi lễ nhà thờ rồi ra mộ suốt cả ngày. Chính anh đã dành dùm tiền bạc thuê người xây lại ngôi mộ và mua phần đất dành cho mình. Khi chôn cất anh xong, chị tìm thấy một tập nhật ký dấu kỹ dưới đầu giường. Chị vẫn còn để trên bàn thờ, chờ ngày giáp năm thì đốt luôn. Chị bảo tôi cùng về nhà với chị, để chị trao lại cuốn nhật ký, kỷ vật duy nhất của một người cùng sống chung trong cảnh khốn cùng với cha con chị trong gần ba mươi năm, và bây giờ mới biết đó là người yêu của cô em gái thương quí của tôi.

Chị bảo taxi dừng lại trước một ngõ tắt phía sau ga xe lửa. Tôi trả tiền, theo chị băng qua hai con đường sắt, đi quanh co theo mấy con hẻm thì đến nhà. Tôi xin phép thắp hương trước bàn thờ của ba chị và Bá, trên một cái kệ nhỏ bằng gổ treo trên vách. Tôi khẩn khoản xin chị nhận một số tiền để chăm sóc ngôi mộ của ông cụ, em gái tôi và Bá, một ít làm vốn buôn bán để đỡ vất vả hơn xưa. Tôi xin nhận Trang là cô em kết nghĩa và từ nay Trang là ngưỡi thân quen duy nhất của tôi còn lại ở Nha-Trang. Chia tay, tôi đi bộ về khách sạn, cầm theo cuốn nhật ký trên tay, mà cứ tưởng như mình vừa nhận một món quà quí giá của người thân gởi về từ một cõi nào đó thật xa xăm.

Ngày 2/5
Vết thương còn đau đớn và máu còn thấm đỏ qua mấy lớp băng, vậy mà mình bị người ta đuổi ra khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa, trong hoàn cảnh tứ cố vô thân. May mắn nhờ một ân nhân nghèo nhưng lại giàu lòng bác ái, đùm bọc, nuôi nấng và chăm sóc vết thương.
Nhiều lần, trong vực sâu tuyệt vọng, mình không muốn sống thêm một ngày nào nữa, nhưng lòng mình lúc nào cũng hướng về chúa Kitô, và xin phó thác tất cả ở nơi Ngài.
...
Ngày 20.6
Cuối cùng, thì mình quyết định trở về Nha-trang, bởi lẽ mình không còn có một chỗ nào khác để trở về. Mình về đây để tìm lại những kỷ niệm đẹp đẽ nhất của đời mình, của những ngày mình còn có An-Bình. Từ ngày gặp An-Bình, mình nghĩ là mình đã thuộc về Nha-Trang, miền thùy dương rạt rào thơ mộng này. Đau đớn thay, hôm nay mình chẳng phải là mình ngày trước, mà chỉ là một kẻ tật nguyền thê thảm. Mình sẽ không bao giờ gặp lại An-Bình, mà chỉ mong về đây để được sống với hình ảnh của nàng

Ngày 08/7
Ngày hôm nay có lẽ là ngày đau đớn nhất trong đời mình. Đau đớn hơn cả cái ngày mình tỉnh dậy trong quân y viện và biết mình trở thành một người tàn phế. Mình lê lết khắp nơi hỏi thăm tin tức An-Bình, được biết là em đã quyên sinh. An-Bình ơi, xin em hãy tha thứ cho anh. Trong vận cùng của một đất nước mà anh chỉ là một thằng lính hèn mọn nhỏ nhoi, làm sao có thể giữ được bầu trời Nha-Trang này cho em, và cho những kỷ niệm của chúng mình..

Một hồi chuông nhà thờ làm tôi giật mình. Ngẫng đầu lên mới biết mình đang đừng trước nhà thờ đá. Tôi thẩn thờ bước lên những bậc “tam cấp”, đến trước tượng Đức Mẹ. Tôi là người ngoại đạo, không biết phải cầu nguyện như thế nào. Tôi chấp hai tay trước ngực, kính cẩn xin Thiên Chúa Từ Bi và Đức Mẹ Maria cứu vớt linh hồn của hai người hoạn nạn và xin cho họ được cùng phục sinh với Chúa để tình yêu của họ mãi mãi vĩnh hằng trong một thế giới bình an, không còn có hận thù.
Tôi không còn ý định dời ngôi mộ em tôi về bên cạnh cha mẹ tôi. Tôi về quê, quỳ trước mộ cha mẹ tôi để xin phép được xây lại hai ngôi mộ của em tôi và Bá chung trong một vòng thành. Không ai có quyền chia rẽ họ thêm một lần nữa, dù bây giờ chỉ còn là một thế giới vô hình.

Cũng như lần trước, ngày cuối cùng, tôi thuê xích lô đi một vòng dọc theo con đường Duy Tân cũ. Con đường đẹp nhất của Nha-Trang. Những cơ sở công quyền, những dinh thự của cán bộ bây giờ đựơc dựng lên nguy nga đồ sộ. Nhìn lá cờ màu đỏ trên mấy nóc nhà, bỗng dưng tôi lạnh toát cả người. Chẳng lẽ những thay đổi “to lớn”ấy mà phải xây trên máu xương, trên những đớn đau, chia lìa thảm khốc của bao nhiêu thế hệ đã từng một thời góp sức tạo nên cái thành phố hiền hòa thơ mộng này. Bỗng chốc, tôi không còn nhìn thấy thành phố Nha-Trang đâu nữa. Trước mắt tôi bây giờ chỉ còn là một bãi tha ma, dài ra, vô tận. Tôi nghe trong gió văng vẳng tiếng đàn dạo bài Nha-Trang, mà ngày xưa đài phát thanh Nha-Trang dùng làm nhạc hiệu mở đầu. Tôi nhớ tới cái chết thảm khốc của nhạc sĩ Minh-Kỳ, tác giả bản nhạc quen thuộc một thời này, ông cũng đã bị giết vào tháng 8/75, khi cùng bị nhốt chung với tôi trong trại tù cải tạo An Dưỡng, Biên Hòa.

Phạm Tín An Ninh