Thứ Hai, 24 tháng 7, 2023

Kha Tiệm Ly: VONG QUỐC HÀNH

 Lời cảm thán

* Trong lịch sử nhân loại, một quốc gia đã mất vào tay địch quân mà giành lại được, thì phải mất hàng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm, (mà đếm không được trên đầu ngón tay!)

* Khi nước mất, thì thành phần vua quan nước bị mất có được nước thống trị tin dùng hay không? Lịch sử đã trả lời.


***

VONG QUỐC HÀNH


Tháp cổ ngàn năm đứng gục đầu,

Lá rừng nhỏ lệ ngậm ngùi đau.

Oán than nhạc suối sầu vong quốc

Sông núi tang thương phủ một màu!


Mòn mỏi bước chân tìm quá khứ,

Hoàng thành đâu, cung điện nơi đâu?

Đâu chiến mã, đâu thớt voi xung trận,

Đâu giáo gươm loang loáng áp tinh cầu?

Đâu tiếng quân reo, lá rừng ào ào rụng,

Đâu trường giang voi uống nước đục ngầu?

Đâu minh chúa làm rụng rời quân Đại Việt, 

Đâu hùng binh, đâu dũng tướng anh hào?


Tại vì đâu? Tại vì đâu?

Có phải Chế Củ đớn hèn đã dâng Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính,

Có phải Chế Mân mê mảnh yếm hồng  mà đành nạp hết hai châu?

Hay tại các hôn quân hoang dâm vô độ,

Với những trận cười bên rượu ngon, gái đẹp suốt đêm thâu?

Để Đồ Bàn tan tành dưới vó câu Đại Việt,

Cho máu anh linh pha sông suối đỏ ngầu?

Để bốn vạn chiến binh thi hài không thủ cấp,

Cho mười vạn dân lành xương chất non cao?


Chiêm vương hỡi! Người ở đâu? Người ở đâu?

Bao cung phi, bao trận cười nghiêng ngã, 

Còn có chăng ở dưới nấm mộ sầu?

Chế Bồng Nga, vị anh hùng dân tộc,

Nơi suối vàng người có ngậm hờn đau?

Bao dũng tướng, bao hùng binh oanh liệt,

Ngày ban sư máu giặc nhuộm nhung bào!

Thương Mỵ Ê vương phi tròn khí tiết,

Thà chết vinh nên mượn đáy dòng sâu!


Dân Chiêm hỡi! Người về đâu? Người về đâu?

Thành quách huy hoàng thành bãi vắng,

Núi rừng hùng vĩ hóa hoang vu!

Lê bước mỏi mòn không định hướng,

Cỏ cây sau trước vẫn dàu dàu!

Chỉ một chốc mang thân người mất nước,

Mà ngàn thu tổ quốc, giống nòi đau!

KHA TIỆM LY


Hình:

*Di tích của một quốc gia bị mất

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

Thanh Hoa Le: TOÀN TẬP VỀ LẠNH CHÂN...

 (Bạn nào bị lạnh chân tham khảo bài này).

 Thanh Hoa Le

 Nếu đi khám Tây y, họ không coi là bệnh vì bệnh chưa phát. Nếu đi khám đông y họ sẽ nói thận kém, thận dương suy, tâm thận bất giao... nói chung với dân mình thì cũng dễ hiểu dễ chấp nhận những kết luận của đông y. Nhưng thường các thầy cũng chỉ cho thuốc chứ không hướng dẫn bạn cách ăn uống hay dưỡng sinh nào để cải thiện hiện tượng này.

* HIỆN TƯỢNG

 Những người lạnh chân thường cũng hay lạnh bụng, tiêu hoá kém, nếu nặng thì bị mất cân bằng âm dương gây nên trên thì nhiệt mà dưới thì hàn, có cảm giác nóng trong mà ăn đồ lạnh mát thì lại làm lạnh bụng nên dễ bị đi ngoài, hay bị nhiệt miệng.

 Huyết áp không bình thường, thường là thấp.

 Với nữ, đến kỳ kinh sẽ bị đau bụng dữ dội hơn người bình thường. Với nam sinh lý bất ổn. Nói chung sức khỏe kém.

* NGUYÊN NHÂN

 Hiện tượng lạnh chân thường là biểu hiện của khí huyết kém (suy). Nguyên nhẫn dẫn đến khí huyết suy thì rất nhiều, do cảm mạo phong hàn, do ăn uống lung tung làm lạnh tì vị, rồi dẫn đến thận khí suy...

Khi trời lạnh, khí huyết không đủ thì phải rút về lục phủ ngũ tạng là nơi quan trọng hơn trong cơ thể để bảo vệ cơ thể nên những phần xa trung tâm như tay chân sẽ lạnh. Hiện tượng này cũng xảy ra khi bị ốm sốt. Khi ốm sốt cao kéo dài, nếu chân vẫn ấm thì chưa có gì nguy hiểm nhưng nếu người phía trên sốt cao phía dưới chân lạnh toát là đã sang giai đoạn nguy hiểm cần phải có biện pháp can thiệp hoặc đưa đi bệnh viện.

 Thận chủ về khí, giống như là nơi giữ sinh khí, năng lượng hay nhiệt trong cơ thể. Thận kém thì năng lượng nhiệt kém. Thận yếu, thận bị lạnh, thận dương suy dẫn đến tì vị hay bị lạnh, không có đủ nhiệt lượng để tiêu hoá thức ăn nên lại càng không sản sinh được năng lượng. Hễ ăn thứ lạnh vào là bị thải ra hoặc không tiêu hoá được, tiêu hoá không hết.

 Bạn có thể hình dung, thận giống như người canh củi, đút củi vào lò lửa để nấu thức ăn. Lò lửa đó chính là tì vị. Nếu củi không cho vào đủ thì tì vị lạnh không thể nấu được thức ăn. Thức ăn không có thì không tạo ra được năng lượng cho cơ thể. Thế nên việc giữ ấm bụng cũng rất quan trọng, giống như giữ lửa cho lò. Lạnh bụng sẽ khiến toàn bộ cơ thể lạnh. Người ta thường có phản ứng tự nhiên là đắp chăn lên bụng khi lạnh.

 Năng lượng nhiệt mà kém cũng dễ bị nhiễm lạnh, mắc các bệnh đau vai cổ gây, trúng gió, viêm phổi, viêm đường hô hấp.

 Thận yếu cũng không đủ năng lượng, không đủ khí để đẩy máu đi dẫn đến 2 trường hợp. Trường hợp 1 nhẹ hơn là huyết áp thấp hoặc hiện tượng kẹt huyết áp - thấp và cận trên dưới gần nhau.

Trường hợp 2 nặng hơn là thiếu máu lên não, não phải ra lệnh cho tim có bóp nhiều và mạnh hơn dẫn đến huyết áp tăng mà máu thì vẫn không đủ lên não., trở thành bệnh huyết áp cao. Thế nên, những người ghép thận thường bị huyết áp cao là vì trường hợp 2.

 Trong đông y, thận là nơi giữ sinh khí nhưng thận chủ về thủy. Khi thận hư ở mức kha khá thì thận thủy không chế ngự được tâm hỏa gây nên trên thì nhiệt nóng dưới thì hàn lạnh. Người ta gọi hiện tượng này là tâm thận bất giao, mất cân bằng âm dương. Vì bạn thấy nhiệt, nên bạn lại càng muốn ăn thứ mát để giải nhiệt thì lại càng làm cho phần dưới lạnh, càng gây mất cân bằng, dưới càng lạnh thì trên càng nóng. Hoặc vì bạn thấy lạnh bụng, phía dưới lạnh bạn muốn ăn những thứ ấm nóng như ớt gừng tiêu rượu thì lại càng làm cho phần trên nhiệt. Cả 2 cách trên, càng ăn càng gây mất cân bằng, càng lạnh bụng, càng nhiệt miệng.

 Thường những người này hay lo sợ, hay không vừa ý.

 Thế nên thận lạnh hay thận kém là nguyên nhân của rất nhiều bệnh. Thận kém, thận suy thì thận rất dễ bị lạnh mà thận bị lạnh thì thận sẽ suy. Lạnh luôn tìm thận để xâm nhập. Thận sợ nhất là lạnh nên mùa đông phải dưỡng thận. Chỉ cần làm thận khỏe, ấm trở lại thì nhiều bệnh sẽ rút.

 Ngày nay thì lại quá nhiều các điều kiện để thận bị tổn thương, suy yếu. Ăn quá nhiều thịt đỏ, đồ chiên rán, lò vi sóng, chất kích thích, gia vị, hóa chất khiến thận khí bị suy, ham dục quá độ, rồi ăn mặc phong phanh, sử dụng điều hòa quá nhiều là nguyên nhân hàn khí xâm nhập cơ thể. 

 (Tham khảo bài Cảm mạo phong hàn).

* TIÊU CHÍ ĂN UỐNG...

 Có 2 tiêu chí, một là không làm ly tán năng lượng mà phải gom năng lượng, hai là không làm mất cân bằng - trên nóng dưới lạnh.

Những thức ăn nào làm ly tán năng lượng (chiều hướng âm - ly tâm)? Ly tán năng lượng thì lại có nhiều kiểu từ tinh tế khó nhận biết cho đến dễ nhận biết. Loại dễ nhận biết là nóng như rượu, ớt (ly tán bốc lên) và loại hàn lạnh gây ỉa chảy, lạnh bụng như dưa hấu, nhân sâm, mồng tơi, hải sản. Loại khó nhận biết là các dạng sóng từ làm phân rã năng lượng của thức ăn.

 Hạn chế những chất kích thích như rượu và những thức ăn có nhiều gia vị nóng như ớt, tiêu gừng mà không biết cách chế biến. Các loại này các bạn tưởng làm giúp ấm người nhưng đó là hiện tượng lôi năng lượng (dương lực) của chính bạn ra bên ngoài chứ bản thân các chất đó (rượu, ớt) không có năng lượng. Thường sau khi nóng sẽ là lạnh hoặc nóng trên mà lạnh dưới khi ăn các thức cay nóng này.

 Hạn chế các loại hoa quả gây lạnh bụng như dưa hấu, dưa chuột, các loại rau hàn lạnh như mồng tơi, rong biển, nhân sâm cần biết cách chế biến, hạn chế ăn các đồ để trong tủ lạnh.

 Hạn chế ăn các đồ đã qua chế biến nhiều khâu khiến năng lượng bị ly tán nhiều như bún.

 Những thức ăn nấu bằng lò vi sóng, bếp từ, chiên rán, nướng. Dù không biết âm dương thì các bạn cũng có thể hình dung tính nhanh & mạnh của các cách chế biến này đã truyền cho thức ăn tính ly tâm mạnh. Những thức ăn này thường gây nóng trong.

 Vậy phải ăn thức ăn như nào? Đây là câu hỏi khó. Loại thức ăn nhiều năng lượng, ấm nóng mà lại không bốc lên giúp cơ thể tăng năng lượng và ấm lên. Loại thức ăn mát mà lại không kéo xuống giúp mát cơ thể. Trong tự nhiên thì không có loại thức ăn nào sẵn như vậy mà phải dùng lý thuyết âm dương để chế biến. Ăn ớt, ăn gừng không nóng đầu, không gây nhiệt mà lại ấm chân, ấm bụng. VD bài canh gà nấu sâm, rong biển kho tiêu ớt...

* CÁC BÀI ĂN UỐNG ÁP DỤNG...

 Bài gừng muối của bác Hùng Y là một bài hiệu quả giúp ấm thận, gừng muối là một cách kéo nóng của gừng xuống dưới cho vào thận mà không bốc lên đầu. Bài này quá nổi tiếng nên tôi không muối chép lại. Trong bài này có lưu ý dùng 3 nghỉ 7 lý do là vì bài bày thuộc dạng tả, nghĩa là công hiệu khá mạnh, dùng một lực khá mạnh. Với những người suy nhược nặng, tì vị quá kém thì uống vào có thể đau bụng buồn nôn vì không chịu nổi lực của bài này thì cần phải giảm liều lượng (bài gừng muối xem phía dưới cùng).

 Bài lòng đỏ trứng gà ta luộc chấm bột gừng muối. Gừng sắt lát, sấy hoặc phơi âm can khô, rồi đem xao thật kỹ cho gần cháy đen, tán nhỏ, trộn với muối rang khô tán nhỏ.

 Bài nhân sâm và long nhãn ninh thành cao, có thể thay nhân sâm bằng sâm ta cũng được, đại loại 1 dạng củ bổ về khí và hàn lạnh. Nhân sâm bổ khí có tính hàn lạnh, năng lượng đi xuống. Nhãn bổ huyết có tính nóng đi lên. Ninh hai thứ này thành cao để ăn. Đại loại ninh thật lâu, cỡ cả 1 ngày, hết nước lại cho thêm nước, đến khi nhuyễn thì là được.

* CÁC BÀI DƯỠNG SINH BÊN NGOÀI...

 Bàn chân là nơi tập trung rất nhiều huyệt đạo. Có một câu chuyện nói rằng một bức thư cổ của một người thọ trên 100 tuổi có nói bí quyết để có sức khỏe tốt là luôn giữ bàn chân được ấm. Bạn có thể dùng đá muối hoặc ngâm chân nước nóng có pha dược liệu.

 Về đá muối, nó là thức rất dương nên sẽ hút âm hàn nên bạn thấy đá muối luôn ướt và lạnh. Nếu làm nóng nó lên thì nó có thể hút hàn khí và các khí bệnh rất tốt. Bằng chứng là dân gian vẫn dùng muối hạt rang nóng bọc lại và đánh cảm hoặc chườm vào chỗ bị xưng đau. Chất lượng của đá muối nói chung cả thế giới giống nhau hết vì đều được khai thác tại cùng một vùng của Pakistan và cũng không có đá giả. Nên bạn tiện hoặc thấy chỗ nào giá hợp lý thì mua đâu cũng được. Mình thì cũng bán đá muối, nếu ai mua thì có hướng dẫn riêng của mình.

 Ngâm chân thì chỉ cần cho muối và gừng vào nước nóng và ngâm chân ngập qua mắt cá là được. Ngâm thường xuyên sẽ có hiệu quả tốt, cho càng nhiều gừng càng tốt. Sắp tới mùa gừng, các bạn có thể mua cả yến gừng về để dùng dần. Tìm xem có chỗ nào gừng của vùng cao các bạn mang về bán ủng hộ có 10k 1kg. Mình thường mua về cho vào bình 20 lít đổ rượu vào dùng cả năm. Mình hay dùng cho vào nước tắm vì mình tắm nước lạnh vào cả mùa đông. Nếu tốt hơn thì dùng thêm các loại dược liệu chuyên cho ngâm chân như quế, lá lốt, hương nhu, bạc hà… Loại bột này mình cũng có bán. Loại bột này nhiều công dụng và cực thơm, dùng rất thích.

 Thường xuyên ấn matxa, kích thích các huyết dưới bàn chân. Nói chung cứ ấn chỗ nào được thì ấn, giữa lòng bàn chân, 2 mé bàn chân, các kẽ ngón chân, quanh cổ ngón chân cái, huyệt dũng tuyền, huyệt tam âm giao, huyệt túc tam lý và dọc ống chân.

 Tập thở bụng là một phương pháp rất hiệu quả. Về cách thở này các bạn có thể tìm hiểu của những người chuyên về thở như ThuậnNghĩa Lê, Nguyễn Khắc Viện. Cá nhân mình chỉ tự thở theo kiểu 4 chu kỳ hay thở hình vuông. Đơn giản là thở có ý thức, nghĩa là không phải vô thức, dùng ý thức điều khiển khiển cơ bụng co dãn chậm theo 4 nhịp: Từ từ hít vào thật chậm, hít đầy ngưng thở 1 lúc chứ đừng thở ngay ra, từ từ thở ra cho đến họp xẹp bụng hết cỡ, nhịn một lúc rồi từ từ hít vào. Nếu sự từ từ của bạn càng lâu thì nhiệt lượng sinh ra càng nhiều nhưng những người yếu thì không nên cố quá vì rất mệt, hoa mắt chóng mặt.

 Cuối cùng, phần này rất quan trọng. Cho dù bạn có ăn uống đúng, áp dụng các trợ phương như đá muối, ngâm chân… thì vẫn cần phải vận động, tập luyện hàng ngày. Tập luyên chính là cách dương hóa cơ thể, lưu thông khí huyết. Dù bạn có ăn toàn thứ tốt và bổ béo nhưng cơ thể bạn không đốt được chúng thì bạn cũng không thể hấp thu được. Vận động chính là cách làm sinh ra năng lượng để tiêu hóa thức ăn. Không thể dùng tất cả các phương trên để thay cho tập luyện được. Thời gian tập luyện tốt nhất là vào buổi sáng. Nói chung trong ngày bạn cần vận động, bài gì cũng được, yoga, khí công, vẩy tay, chạy bộ…

 Điều này quả thực khó với chúng ta nhưng chả còn cách nào khác. Trong cuốn Cẩm nang dưỡng sinh thông kinh lạc có nói bệnh của con người thời nay là bệnh lười. Hoặc cũng có thể do chúng ta quá ham công việc mà không có thời gian dành cho vận động, nấu nướng ăn uống tử tế. Đây là điều chúng ta cần chữa đầu tiên.

Trong các phương pháp này thì thở bụng, tập luyện là quan trọng nhất, vừa đẩy hàn khí ra ngoài, vừa làm khí huyết lưu thông, vừa tạo độ lửa bên trong cơ thể giúp chuyển hóa, giống như việc nội lực bên trong quan trọng hơn các trợ phương bên ngoài. Sau đó đến vấn đề ăn uống đúng thức ăn, đúng cách nấu, sau đó là các phương pháp trợ phương bên ngoài như ngâm chân, matxa...

***

BÀI THUỐC VỚI GỪNG...

Bài thuốc với gừng bản thân nó không chữa được bệnh nào cả, mà nó chỉ làm ấm thận lên, cho quả thận không bị héo, khô, lạnh. Khi thận ấm lên thì các bệnh tự hết:

Đổ mồ hôi tay – lạnh tay chân, cước khi gặp mưa lạnh.

 Hay bị cảm, sổ mũi, dị ứng, đau bụng khi ăn đồ lạ, 

 Nóng trong, mụn nhọt, mẩn ngứa,

Nhức mỏi chân tay khi thay đổi thời tiết, đau khớp, 

Mất ngủ, ho gió ho khan, ho không rõ nguyên nhân… 

Tụt huyết áp, rối loạn tiền đình, thiếu máu não.

Hậu sản: là sau khi sinh bị cảm, cúm, ốm sốt… gây nên mệt mỏi, biếng ăn, đắng miệng, sút cân…

Một miếng gừng tươi cắt vuông 2,5 – 3cm đập dập (khoảng 10g) + ½ thìa bé bằng móng tay muối (Khoảng 2g muối) + 100ml nước, sau đó đun sôi nhỏ lửa khoảng 3 – 5 phút. Rót ra cốc cho nguội bớt.  Uống nóng trước khi đi ngủ (Bỏ bã đi).

Uống 3 tối (tối nào làm tối đó uống), trước khi lên giường đi ngủ.

Rồi nghỉ 7 tối không uống.

Làm và uống tiếp 3 tối, nghỉ 7 tối không uống,

Làm và uống tiếp 3 tối lần 3.

* Lưu ý: Trước khi đi ngủ, làm xong uống luôn rồi lên giường đi ngủ (phải ngủ ngay mới hiệu nghiệm).

Sau 1 tháng sức khỏe thay đổi rất nhiều, thâm quầng mắt sẽ hết. 

1 tháng sau làm lại như trên. Sau 30 – 45 ngày của lần 2, làm lại lần 3. Nếu làm đúng, làm đủ, xin giã từ các bệnh kể trên. Nếu còn thì chắc chắn làm sai mà tôi chắc bạn đọc không thuộc bài làm không đúng hiểu chưa...!

Gừng làm nóng ấm, muối dẫn cái nóng ấm đó vào thận. Mật ong với gừng giúp thông mạch, nước dẫn các chất trên đi sâu vào từng mạch máu nhỏ li ti. Khi quả thận ấm nóng thì tự nhiên gan mát xuống, các bệnh bắt nguồn từ gan hết, thận ấm thì lọc máu sạch hết cặn bẩn, bổ sung khí trong huyết làm cho da dẻ hồng hào...!

Sưu tầm.

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2023

FB Van-Nam DO sưu tầm : Những kẻ cản trở đại nghiệp quốc gia

 Mấy hôm trước, trên diễn đàn Vietnamphysics anh Dam Thanh Son có giới thiệu một bài báo viết bằng tiếng Trung với nội dung là trả lời phỏng vấn của một giáo sư sử học của Đại học Thanh Hoa về những điểm thắt mấu chốt của nền khoa học Trung Quốc so với nền khoa học Hoa Kỳ. Đọc bài viết qua google translate thấy ý kiến của vị giáo sư này là rất hay, rất bổ ích cho những suy nghĩ ở Việt Nam ta. Với mong muốn được hiểu sâu sắc hơn nội dung bài báo tôi đã nhờ một người bạn của tôi, bạn Huong Tran, người từng học tập tại Trung Quốc, dịch hộ bài báo này. Đọc bản dịch của tiến sĩ Văn học, tôi thấy ý kiến và phân tích của vị giáo sư ở Đại học Thanh Hoa kia quả là sâu sắc, chứa đựng nhiều điều mà tôi cho rằng chúng ta có thể học hỏi được. Cảm ơn bạn Huong Tran. Tôi đăng tải bản dịch ở đây để mọi người có thể tham khảo.

Những kẻ cản trở đại nghiệp quốc gia

原创 正和岛 2020-07-07 21:25:14

Nhiều năm qua, vì sao sức mạnh khoa học kĩ thuật của Mĩ luôn ở vị trí dẫn đầu? Khoảng cách thực sự giữa Mĩ và TQ là gì? Cái gì đã cản trở những sáng tạo khoa học của Trung Quốc? Chính phủ, giáo dục, giới khoa học và toàn xã hội cần thay đổi những gì? Dưới đây là chuyên đề phỏng vấn giáo sư Ngô Quốc Thịnh, chủ nhiệm khoa Lịch sử, ĐH Thanh Hoa. Trong giai đoạn bản lề hiện nay, quan điểm của ông thực sự sắc bén và mang tính thức tỉnh. 

1. Khoảng cách thực sự giữa Mĩ và Trung Quốc là gì?

Đối với tiềm lực khoa học kĩ thuật của hai nước Trung Mĩ, tôi cho rằng chúng ta cần có nhận thức rõ ràng hơn. Sự phát triển của khoa học hiện đại là một kết cấu lập thể, bao gồm ba phương diện: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, và nghiên cứu phát triển thị trường. Sức mạnh KHKT tổng hợp của một quốc gia cũng được quyết định bởi ba yếu tố trên. Chỉ cần một yếu tố yếu kém thì sức mạnh KHKT của quốc gia đó sẽ bị thiên lệch. Tại sao ba phát minh lớn nhất thế kỉ 20 là vô tuyến điện, máy tính, internet đều thuộc về nước Mĩ? Bởi vì nguyên nhân quan trọng nhất là cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng lẫn nghiên cứu phát triển của họ đều cực mạnh. Đặc biệt, Mĩ luôn chú trọng và không tiếc tiền đầu tư tối đa cho nghiên cứu cơ bản. Sau thế chiến thứ II, Mĩ thành lập quỹ khoa học quốc gia (NFS), liên tục rót tiền cho nghiên cứu cơ bản. Tại sao Mĩ lại coi trọng khoa học cơ bản đến vậy? Vì khoa học cơ bản quyết định trình độ phát triển của lĩnh vực nghiên cứu khoa học nền tảng, quyết định việc quốc gia đó sản sinh ra được bao nhiêu phát minh gốc, khiến cho “phát minh gốc” đó giống như quả cầu tuyết càng lăn càng lớn thêm, những nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu phát triển cũng theo đó mà lớn mạnh. Như vậy, tiềm lực khoa học kĩ thuật của Mĩ ngày càng mạnh. Trong khi đó, sở đoản của Trung Quốc lại chính là thiếu nhận thức chính xác về nghiên cứu nền tảng và khoa học cơ bản. Truyền thống văn hóa của ta vốn không cổ vũ cho khoa học, chân lí và sáng tạo. Trong cả giai đoạn lịch sử cận đại và hiện đại hóa, thứ khoa học được chúng ta phát triển hầu như không phải là thứ khoa học đơn thuần phục vụ việc theo đuổi chân lí, phát triển sức sáng tạo cá thể, khao khát khám phá vũ trụ huyền bí. Phần lớn chúng ta phát triển thứ khoa học phục vụ mục đích cứu nước cứu dân, chấn hưng Trung Quốc, phục vụ nhu cầu văn hóa. Điều đó dẫn đến việc chúng ta thường nhìn khoa học từ góc độ thực dụng, góc độ lợi ích.

Với một số người, anh làm khoa học nghĩa là anh sẽ phải mang vinh quang về cho dân tộc như Trần Cảnh Nhuận, sẽ ích nước lợi nhà như Tiền Học Sâm, sẽ nhiều tiền như Viên Long Bình, nếu chẳng có hiệu quả gì thì còn gọi gì là khoa học! Do vậy, phát minh khoa học của chúng ta, từ trong cốt tủy luôn bao hàm tính ứng dụng. Công trình khoa học những năm gần đây đều mang tính ứng dụng như thế, được nhà nước nhắm đến, dùng tiền nhà nước đầu tư, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, sự phát triển của nó rất rõ ràng, ví dụ như đường sắt, hàng không…

Thiếu vắng khoa học cơ bản, chúng ta hầu như đều thiên vị cho những phát minh khoa học “mì ăn liền”, chính là những công trình tạo ra chút đột phá cục bộ trên cơ sở nền tảng khoa học cơ bản sẵn có, miễn là với mục tiêu thực dụng thì đều đạt được thành công nhất định. Nhưng những phát minh khoa học nền tảng chân chính đều cần trí tưởng tượng, nghiên cứu cơ bản mà yếu ớt thì năng lực sáng tạo nền tảng của chúng ta trước sau không khá lên nổi, giống như người ta đã xây nền cả rồi còn anh chỉ có thể cải tiến một chút dựa trên cơ sở đó, nhưng tất cả những cái đó chỉ là tạm thời, tuyệt đối không thể duy trì tiếp tục. Tất nhiên, ở giai đoạn quốc gia non nớt, chúng ta cần loại khoa học mô phỏng, bắt chước, cần loại kiểu sáng tạo “từ 1 đến 100”. Nhưng giờ đây, Trung Quốc đã trở thành nước lớn thứ hai trên thế giới, chúng ta càng cần hơn loại phát minh gốc “từ 0 đến 1”. Đây mới chính là yếu tố căn bản quyết định sức cạnh tranh của Trung Quốc. Do vậy, tôi cho rằng khoảng cách KHKT giữa ta và Mĩ tương đối lớn, chỉ có  thay đổi quan niệm của chúng ta về khoa học, về nghiên cứu cơ bản, về văn hóa sáng tạo từ gốc rễ  mới có thể thực sự rút ngắn được khoảng cách đó. Tất nhiên, con đường đó có thể rất gập ghềnh.

2. Ba nhân tố cản trở sức sáng tạo của Trung Quốc

Nhìn đường dài, dân tộc Trung Hoa muốn duy trì phát triển thì rất cần bồi dưỡng văn hóa khoa học. Trong nền văn hóa Trung Quốc, chúng ta dễ dàng nhìn thấy khoa học và kĩ thuật luôn được coi như nhau. Thực ra chúng có những khác biệt về bản chất: kĩ thuật thực ra là thứ giống như cá thấy thính thì lao vào. Còn khoa học lại là thứ chứa đựng tính sáng tạo, là cái gốc của tự do nhân tính; không có tự do phát triển cá tính, không có không gian tự do thì phát minh và sáng tạo chỉ là cái cây không gốc, dòng nước không nguồn mà thôi. Điều đó cần các nhà giáo dục, giới khoa học và toàn xã hội cùng nỗ lực. Tôi thấy có ít nhất 3 vấn đề tồn tại mà nên làm rõ.

1) Phương diện giáo dục: trong việc xây đắp nền văn hóa khoa học, chủ yếu có 3 điểm mấu chốt: Thứ nhất, mô hình giáo dục hiện nay và mô thức tư duy sáng tạo, đổi mới cần tương phản. Phương thức giáo dục phục tùng, học vẹt, thuộc bài hiện nay cần phải được cải cách ngay tập tức. Cụ Trịnh Dã Phu có câu nói rất hay: “La kéo cả đời cũng chả theo kịp thiên lý mã”. Thiên lí mã cần không gian tự do rộng lớn để phát huy năng lực của nó, còn lao động của con la tương đối đơn giản, giáo dục hiện nay của chúng ta đang đi theo khuynh hướng đáng sợ đó, biến bọn trẻ thành những con la mà không cho chúng trở thành thiên lí mã. Trịnh Dã Phu còn nói: “Phàm những học sinh đã tiếp thu nền giáo dục phổ thông và đại học của Trung Quốc đều không thể trở thành những nhà khoa học có những phát minh gốc trong tương lai”. Có thể cách nói của Trịnh Dã Phu khắc nghiệt, nhưng những vấn đề đằng sau đó, tôi cho rằng cực kì nghiêm trọng. Nếu tư tưởng giáo dục của chúng ta không phát huy cá tính của trẻ thì cải cách KHKT của Trung Quốc hoàn toàn không có nền tảng. Giống như chúng ta vẫn thường nói đùa là từ nhỏ đến lớn bắt các con nghe lời, áp đặt quy tắc, học đến tiến sĩ thì đột ngột bắt chúng sáng tạo, vậy chúng sáng tạo cái gì, sáng tạo bằng cách nào?

Thứ hai, đừng coi trường học là “chốn quan trường”: Hiện nay, rất nhiều hiệu trưởng điều hành trường học giống như vận hành hệ thống hành chính. Đây là vấn đề nghiêm trọng. Trường học giống như một kết cấu văn hóa, nó có chuỗi logic vận hành riêng, nhưng vấn đề lớn nhất của chúng ta hiện nay là vận hành kết cấu văn hóa này giống như hệ thống hành chính. Ví dụ hiệu trưởng cũng có nhiệm kì, tại sao chức vụ hiệu trưởng lại bị hạn chế bởi nhiệm kì? Hiệu trưởng là một chức vụ văn hóa đặc biệt. Một vị hiệu trưởng giỏi có thể làm hiệu trưởng cả đời, như vậy ông ta mới có thể thực hiện một cách triệt để lí trưởng giáo dục của mình tại cơ sở giáo dục của ông ta. Nếu cứ coi hiệu trưởng là một cán bộ cấp trường, cấp sở, liên tục luân chuyển như một viên chức thì làm sao có thể điều hành tốt trường học, hoặc nếu may mắn vận hành tốt thì cũng chỉ là một kiểu công xưởng sản xuất dây chuyền mà thôi.

Thứ ba, tư tưởng của các nhà giáo chưa khai phóng: thực ra, thay đổi tư tưởng giáo dục là việc rất khó khăn. Đội ngũ nhà giáo của chúng ta hiện nay đa phần được đào tạo bởi hệ thống tư tưởng giáo dục thủ cựu, cứng nhắc. Mặc dù xã hội kêu gọi đổi mới, nhưng những người thực hiện cụ thể vẫn là những nhà giáo dục đó, nếu họ không tự thay đổi bản thân thì việc đổi mới giáo dục là cực kì khó khăn. Hiện nay, lĩnh vực giáo dục đại học đang tiếp cận tương đối tốt với lí tưởng giáo dục tiên tiến, nhưng giáo dục phổ thông thì vẫn phong bế, nhiều “góc chết”, ví dụ những vụ bạo hành học sinh, trẻ em tự tử… đã phản ánh sự yếu kém trong giáo dục phổ thông của chúng ta, thậm chí đó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

2) Phương diện cộng đồng các nhà khoa học: cộng đồng các nhà khoa học được coi là văn hóa khoa học. Hiện nay có một hiện tượng rất dở, đó là nội bộ cộng đồng các nhà khoa học nước ta đang dần biến thành một cơ cấu quan liêu. Ví dụ viện sĩ trở thành đội ngũ tiếp nhận và cung ứng tài nguyên học thuật chủ yếu, trở thành tiêu điểm lợi ích béo bở. Đây thực ra là vấn đề rất nghiêm trọng, viện sĩ tiền trong tay tiêu không hết, lúc nào cũng nghĩ đến việc tiêu tiền, còn nhà khoa học trẻ thì không kiếm đâu ra tiền, chẳng có tiền để tiêu, cộng đồng các nhà khoa học cần có cơ chế để cải cách. Tất nhiên, nước ta vài năm trở lại đây cũng đang cải cách, như quỹ khoa học tự nhiên quốc gia đã làm rất tốt, họ có cả một hệ thống cơ chế và chế độ đánh giá nặc danh. Nhà nước nên cổ vũ những cải cách tự thân như vậy, chứ không phải làm ngơ hoặc là cấm đoán. Tóm lại, nội bộ cộng đồng các nhà khoa học cần hình thành chế độ phân phối lực lượng hợp lí. 

3) Phương diện xã hội: xã hội cần có nhận thức chính xác về khoa học. Tôi cho rằng, trên phương diện xã hội, ta cần có một phong khí chuẩn xác chứ không cần một tổ ong, kiểu như một nhà khoa học được coi trọng thì mỗi lĩnh vực nghiên cứu khoa học phải có những đột phá to lớn, nếu nhà khoa học thất bại liền cho rằng anh ra có vấn đề. Phần trên chúng ta nói về sáng tạo, chính là nhấn mạnh việc cần hướng ra thị trường, hướng ra mũi nhọn khoa học, nhưng thứ văn hóa khoa học còn cần hướng đến toàn dân, cần làm cho toàn dân có ý thức khoa học, tạo được không khí cổ vũ cho những sáng tạo. 

3. Chủ nghĩa thực dụng đã giết chết sự sáng tạo của Trung Quốc

Hiện nay, chủ nghĩa thực dụng tồn tại phổ biến trong xã hội, là thứ cực kì độc hại cho bầu không khí sáng tạo.Từ gốc rễ của khoa học mà nói, tất cả những phát hiện và nghiên cứu mang tính sáng tạo đều là phi lợi ích. Giữ được một trái tim trong sáng đứng trên lợi ích mới có thể thâm nhập được vào trạng thái sáng tạo. Đừng cứ luôn nghĩ làm ra cái này có lợi gì, có tác dụng ra sao. Bởi những việc có lợi đều được tổng kết bởi kinh nghiệm của quá khứ, mà sáng tạo thì cần phá vỡ mọi rào cản của kinh nghiệm để khai mở một thứ hoàn toàn mới, do đó, cái tâm lợi ích quá nặng thì không bao giờ tạo ra được những thứ mang tính sáng tạo cao. Đây cũng lại là bộ phận thiếu khuyết trong văn hóa Trung Quốc, khuynh hướng văn hóa thực dụng của ta quả thật quá nặng. Tôi lấy một ví dụ điển hình, những danh hiệu trong cộng đồng các nhà khoa học của ta kì thực đều là hệ thống lợi ích do chúng ta chế tạo ra. Một số nước phát triển cũng có hệ thống giải thưởng nhưng nó là những tổ chức tự phát trong cộng đồng khoa học. Ví dụ như giải thưởng khoa học phương Tây không có chế độ khai báo, tôi chưa bao giờ nghe nói chủ nhân giải thưởng Nobel nào phải viết đơn đăng kí xét giải. Còn các hạng mục giải thưởng của TQ đều phải đăng kí xét giải, phải xin xét thưởng, theo quan điểm của tôi, đây là một kiểu xúc phạm nhân phẩm, bởi hành động đó biến nhà khoa học trở thành tôi đòi của công danh lợi lộc. Đăng kí xét thưởng còn tạo nên phong khí hư vinh, chính là tự mình khen mình, giới khoa học kĩ thuật của ta đầy rẫy những ví dụ như vậy, những việc giả dối cũng từ đó mà ra cả. Rõ ràng biết là giả mà vẫn khen, khen mãi khen mãi đến mức chính mình cũng tưởng đó là thật, cuối cùng tạo thành những ảnh hưởng tai hại khủng khiếp. Ngoài ra, khi xét giải, chúng ta còn phải nghiên cứu cân bằng khu vực, cân bằng ngành nghề, thậm chí là cân bằng các mối quan hệ giao tế, lâu dần, anh đạt giải mọi người cũng chẳng ghi nhận trình độ của anh mà cho rằng đó là kết quả của sự sắp xếp đó. Chỗ này luôn tồn tại các tuyệt chiêu, đến mức có một số loại người chuyên tung hứng giải thưởng, ví dụ như cấu kết với nhau, lần này anh bầu cho tôi, lần sau tôi bầu anh, hoàn toàn không có chút tác dụng khích lệ nào. Hiển nhiên, đây là hạn chế lớn của chế độ giải thưởng của giới khoa học. Nếu giải thưởng không được trao bằng trái tim phi lợi ích mà bằng chế độ sắp xếp, không phải bình bầu dựa trên thực tài mà do đơn vị sắp xếp cho anh thì giải thưởng đó còn có ý nghĩa gì, nó chỉ có ý nghĩa lợi ích chứ làm gì có chút vinh dự nào. Do vậy, cứ có cơ hội là tôi liền đề nghị, quy trình xét giải đừng bắt khổ chủ phải viết đơn xin mà chúng ta có thể để các chuyên gia đề xuất danh sách, sau đó thảo luận nội bộ, dần dần để cho giải thưởng đó tự hình thành thương hiệu. Giống như “Giải thưởng khoa học tương lai” hiện nay, do các chuyên gia trong ngành đề xuất, sau đó hội đồng các chuyên gia tiến hành bình xét, giải thưởng kiểu này mới là vinh dự to lớn cho các nhà khoa học. Nhưng thực tế thì, biết rõ rất nhiều giải thưởng quốc gia là kết quả của sự sắp xếp, trong hệ thống đánh giá môn học và trên bảng xếp hạng đại học, chúng ta lại chỉ thừa nhận giải thưởng quốc gia, đây chẳng phải là ta đang củng cố thêm lần nữa cho mục tiêu lợi ích sao? Anh làm khoa học là để theo đuổi chân lí, anh đạt giải không phải vì người khác nhận ra chân lí đó của anh mà là họ đang cảm ơn anh, khi biến nghiên cứu khoa học thành thương vụ kiếm tiền, dân tộc ấy còn có thể hi vọng được gì nữa. Do đó, muốn thực ra tạo ra một bầu không khí sáng tạo, thì cần chế độ thưởng phạt phân minh, để những phần thưởng xứng đáng đến được tay những nhà khoa học chân chính. Tất nhiên, vấn đề căn bản nhất vẫn là đào tạo được những con người yêu chân lí, hiếu kì trước những bí ẩn của vũ trụ, đó mới là nhân tố then chốt thúc đẩy sáng tạo trong KHKT.

4. Sự đổi mới của Trung Quốc cần nỗ lực của toàn dân

Vậy, làm thế nào để giải được bài toán khó của chủ nghĩa thực dụng trong văn hóa khoa học? Tôi cho rằng đó là một vấn đề mang tính hệ thống, dường như nút thắt có thể mở ra mọi vấn đề chính là kêu gọi toàn dân thức tỉnh. 

Nhìn đại thể, đổi mới khoa học kĩ thuật chính là bộ phận hữa cơ của chuyển giao văn hóa. Gần 200 năm nay, mô hình chuyển giao xã hội Trung Quốc chính là từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ bảo thủ sang khai phóng. Cuộc chuyển giao này rất toàn diện, nhưng nó vẫn chưa hoàn thành. Từ đổi mới KHKT của xã hội TQ cho tới tạo lập chế độ KHKT đều dựa vào sự thành bại của cuộc chuyển giao chỉnh thể văn hóa, nếu chỉnh thể văn hóa không chuyển giao được thì KHKT cũng không thể nào chuyển giao thành công.

Nhìn tiểu tiết, nhà khoa học, nhà giáo dục cho tới tất cả mọi người đều có thể trực tiếp đóng góp một phần sức lực cho cuộc chuyển giao này.

Thứ nhất, nhà khoa học phải chủ động nói ra, có ý thức đề xuất quan điểm thảo luận. Nếu nhà khoa học không nói ra, một số ngậm miệng ăn tiền, một số khinh đời đen bạc, như vậy đều không hay. Rất nhiều sự việc không có phương án sẵn có, chỉ khi các nhà khoa học phát ngôn thì mới tạo ra tình thế cân bằng, vì vậy cần khuyến khích các nhà khoa học đưa ra ý kiến. 

Thứ hai, giáo dục phải khai phóng, nhà nước nên tạo điều kiện cho giáo dục tư thục phát triển. Bàn đến văn hóa khoa học, tôi luôn nhấn mạnh tính quan trọng của giáo dục, ảnh hưởng của giáo dục vô cùng sâu rộng. Vào thời kì phát triển thần kinh não bộ của trẻ, nếu trói buộc sức sáng tạo của trẻ, giết chết tiềm năng của trẻ, 10 năm, 20 năm sau, rất có thể sẽ gây ra sự thoái hóa về sức sáng tạo và IQ của cả dân tộc. Trước mắt, cơ cấu giáo dục công lập của ta rất đồ sộ, quán tính lớn, cũng khó để có thể chuyển hướng.

Chúng ta có thể xếp giáo dục công lập vào bộ phận cơ bản, giúp cho tất cả mọi người đều có thể được tiếp nhận 9 năm giáo dục nghĩa vụ, sau đó phát triển thật mạnh giáo dục tư thục, từ đó thúc đẩy sự chuyển biến của tư duy giáo dục. Nếu giáo dục không khai phóng, văn hóa sáng tạo khoa học lâu dài của chúng ta sẽ chịu tổn thất nặng nề.

Thứ ba, bất kể thân phận xã hội của anh là gì, nếu là một người Trung Quốc, anh phải lí giải được đầy đủ thực chất của cạnh tranh hiện đại là gì, cạnh tranh có nghĩa là gì. Có một thực tế cần nói rõ, quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc là bị ép buộc, nó không phải là kết quả của phát triển văn hóa tự thân mà là do văn minh phương Tây mang vào. Do vậy có vài vấn đề khiến chúng ta không khỏi cảm thấy khó xử. Nhưng chúng ta phải hiểu được chỗ khó xử ấy, nhận thức rõ ràng rằng trong chỗ khó xử ấy có những gì ta có thể tiếp nhận, những gì trong thâm tâm ta không bằng lòng nhưng vẫn phải tiếp nhận, những gì ta không thể tiếp nhận, hoặc những gì cần tránh. Đây là việc vô cùng quan trọng.

Trong giai đoạn bản lề hiện nay, nếu không có suy nghĩ sáng suốt và nhận thức đúng đắn về cục diện văn minh nhân loại, cục diện thế giới và cục diện văn hóa Đông Tây thì rất có thể chúng ta sẽ mất lạc lối trong cuộc đổi mới và chuyển giao mạnh mẽ này.

Tôi nghĩ, đây cũng chính là ý nghĩa của chủ đề văn hóa khoa học mà chúng ta bàn đến hôm nay.

Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2023

Đỗ Trí Hùng : BI KỊCH MACBET

 BI KỊCH MACBET

1 – Shakespeare – đọc mẹ là Sếch pia cho dễ nhỉ - là nhà viết kịch thiên tài của thời phục hưng. Bản thân thời đại phục hưng là thời đại rực rỡ, đỉnh cao về sự phát triển văn hóa của nhân loại, và Sếch pia là đại diện tiêu biểu của thời kỳ đó.

Toàn bộ sự nghiệp biên lách của ông để lại chừng 20 kiệt tác và hầu hết đều là đỉnh cao về tư tưởng thể loại. Chẳng hạn nếu là bi kịch tình yêu thì có Romeo Juliet, Otenlo, về bi kịch chính trị thì có Julius Xeza, Macantoni và Cleopatre, về tranh đoạn quyền lực thì có Macbet và tuyệt phẩm bi kịch của mọi bi kịch, bao gồm quyền lực, tình yêu, chính trị, chính là vua Lia.

Giờ tôi bàn về Macbet,

Macbet là tổng tư lệnh quân đội dưới triều đại vua Duncan, ông có tài năng quân sự thiên bẩm, đánh là thắng, nên được vua Duncan sủng ái, tin tưởng, coi như cánh tay phải của mình.

Trong một “ chiến dịch quân sự đặc biệt”, Macbet, như mọi lần lại giành chiến thắng, ca khúc khải hoàn. Trên đường hành quân về kinh đô để báo công, đoàn quân của Mac bet đi qua một khu rừng, và nửa đêm bỗng xuất hiện ba mụ phù thủy. Ba mụ phủ thủy mõm khắm đều nhất trí với nhau rằng, tương lai của Macbet sẽ làm vua và thông báo cho Macbet biết điều đó.

Sau đó, trước khi về kinh, Macbet nghỉ ngơi tại dinh thự của mình. Vua Duncan, vì quá yêu viên mãnh tướng, bèn thân chinh ngự giá tới tận biệt thự của Macbet để thăm hỏi và trong đêm còn đòi ngủ chung với viên sủng thần của mình.

Kết quả, nửa đêm Macbet, cùng sự giúp đỡ của bà vợ, đã đầu độc vua Duncan chết tốt, rồi đoạt mẹ ngai vàng…

Đến đây, câu hỏi sẽ là, rốt cuộc Macbet là phản thần, muốn làm vua nên giết Duncan, hay viên mãnh tướng này chỉ là con rối của ba mụ phù thủy?

Chẳng ai ngu lại đi kết luận Macbet là con rối của phù thủy cả. Bản thân Macbet, từ tâm khảm, đã quá kiêu ngạo với thành tích của mình, và sự thèm muốn ngai vàng cũng có từ lâu rồi. Ý kiến của ba mụ phù thủy chỉ là tác động, tạo niềm tin cho việc làm của ông ta mà thôi!

2 – Từ quả kiệt tác của Sech pia, ta liên tưởng tới cú phạng của Putin và Ucraina.

Rất nhiều nhà trí thức mõm khắm kết tội cú phạng này là do Phương Tây và Mỹ gây ra, rằng, Ucraina chỉ là con rối của Mỹ và Phương Tây mà thôi. Thật buồn cười vãi…

Trong khi các nhà nghiên cứu số má, tên tuổi của dân mõm bương chỉ nghiên cứu hành trình tâm lý cũng như sự nghiệp chính trị của Putin, để cố lý giải hành động của ông ấy với Ucraina, thì các trí thức mõm khắm lại cố đổ tội cho Mỹ và phương Tây.

Việc tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn, với phần còn lại của thế giới, là chuyện xưa nay vẫn thế. Quốc gia nào nhô lên, muốn làm cường quốc, chả làm như vậy. Đến anh khựa thiện lành hai chục năm trước còn đói thối mồm, còn đi nhẹ nói khẽ đánh rắm xịt, giờ cũng tinh tướng ra phết đấy thôi!

Vậy, ngả theo ai, muốn ảnh hưởng bởi ai, là do lựa chọn của chính quốc gia đang chịu ảnh hưởng, đâu phải cứ bắt họ thành con rối là họ sẽ thành con rối đâu?

3 – Ucraina thiện lành, nhiều gái đẹp, từ năm 91 khi tách khỏi Soviet, vốn chưa bao giờ bình yên cả. Trong lòng đất nước này chứa nhiều xung đột, căn bản là xung đột phía Đông với phía Tây.

Phần phía đông thì muốn ngả theo Nga, phần phía tây thì hướng tới EU, bởi vậy cả phương Tây và Nga đều thò tay vào để giành người đẹp về mình. Đã có lúc phe thân Nga thắng thế, và các tổng thống thân Nga đã lên ngôi. Cú cách mạng Maidan khét tiếng, chính là hành động quyết đoán cuối cùng của chuỗi giằng xé bi thương suốt 14 năm đó.

Và như bao đất nước mới thực tập tự do dân chủ, Ucraina nảy sinh nhiều vấn đề. Các tư tưởng cực đoan trỗi dậy. Ai từng ở Đông Âu thời hậu Soviet đều đã được thưởng lãm điều này…

Nhưng họ đã lựa chọn EU, tương tự Belarus chọn theo Nga vậy!

Chọn theo ai, cũng như chọn ăn món gì , nó phụ thuộc vào chính tâm tư bên trong của bạn, vào cơ địa của bạn, chứ chả có con rối nào sất.

4 – Nhân tiện, nói về phương Tây ngày nay, ta lại phải hỏi phương Tây nào?

Phương tây gộc, phương tây cộm cán thì phải kể đến Anh, Pháp, Đức và một số nước Bắc Âu, Tây Âu. Mấy ông già dơ này tuy ủng hộ Ucraina, nhưng vẫn thận trọng lắm nhé.

Sau thảm họa Bucha, Mỹ kêu gọi phương Tây gia tăng trừng phạt Nga, thì ông Đức lại bảo “ phải từ từ, để đánh giá kết quả của các gói trừng phạt trước đã”

Nhưng, phương tây “ mới”, tức khối Đông Âu thuộc Soviet cũ tách ra, như Ba Lan, Tiệp Khắc, Litva… thì không. Họ kêu gọi trừng phạt liên tiếp, trừng phạt không ngừng, phải ép cho Nga ra bã mới được.

Nên, nếu đổ tội cho phương Tây, thì phải xem là phương Tây nào?

Cái bọn phương Tây căm hận Nga nhất, căm đến xương tủy, lại chính là cái đám anh em cũ của Nga đấy, thế mới lạ!

5 – Một số bạn thiện lành của tôi share cái clip của ông tướng quân đội người Ấn độ lên án chửi rủa Mỹ và phương tây về cuộc chiến Ucraina, giọng điệu y hệt mấy ông tướng dimbabuoi…. Nghĩa là rất vớ vẩn!

Tôi không khuyên các bạn thiện lành phải theo ai, ủng hộ ai. Việc đó các bạn phải tự quyết định bằng trí não của mình, và khi lựa chọn thì cần đếch gì phải trái, cứ hợp là chọn thôi.

Chứ đem lý lẽ lăng nhăng ra để thuyết phục rằng mình chọn đúng, thì nó khắm vãi, nó biến các bạn thành con bò mà thôi!

Bê ét:

Tình huống Ucraina cũng tương tự Cuba thời chiến tranh lạnh, tức là mối đe dọa sát nách Mỹ mà Mỹ chả dám làm gì ngoài việc tổ chức ám sát phiden mà không thành. Vì sao? Mỹ sợ Nga sô ư? Có lý, nhưng lý ấy bé thôi. Quan trọng là Mỹ chưa bao giờ có tổng thống độc tài. 

Ảnh, tôi luôn chọn các em mông to, bất chấp việc dây dưa với mông to thì rất hại sức khỏe.


Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

FB Jimmy Nguyen Nguyen: Geisha


 Geisha

    Hình như "bia ôm" là xuất phát từ Nhật Bản hay sao ấy. Việt Nam  ta chỉ bắt chước mấy ảnh thôi . Nói vui vậy chứ ở nước nào cũng vậy, nhậu phải có nam có nữ mới vui , mấy đực rựa nhậu hoài cũng chán. Hồi sống bên Nhật lúc rảnh rảnh cũng hỏi mấy ông già : "Geisha" là cái gì vậy. Mấy ổng cũng làm như rành lắm. Hừm hừm...!!! Là một nàng cũng đẹp đẹp lại giỏi giang kiến thức rồi cũng phải biết hát hay....   để ngồi tiếp chuyện với khách. Tui hỏi có "touch" được không?... "đa mê đa mê" ( hỏng được) người ta là "lá ngọc cành vàng"...Thế ông già có "hưởng" được lần nào không?... Hừm hừm .... cũng chỉ nghe nói thôi... 

Thế là huề vốn.

Nhưng ở Nhật phổ biến là các quán rượu gọi là "izakaya". Quán nhỏ nằm trong hẻm, chủ yếu là khách quen.Quán thường chỉ có một cái quầy bar, khách ngồi quây quần để uống rượu và tán dóc với bà chủ. Chai rượu mua ở quán uống chưa hết thì ghi tên và để lại, lần sau uống tiếp.Đàn ông Nhật độc thân sau giờ làm việc căng thẳng về nhà ... cũng buồn. Sực nhớ còn chai rượu đâu đó, thôi thì vài đồng một dĩa mồi nhỏ cũng được nghe giọng nói ngọt ngào "anh khoẻ không?" "hôm nay trông anh buồn!!! Để em hát cho anh nghe nhé...."  Ôi! Cuộc đời chỉ là chót lưỡi đầu môi mà cũng tác dụng bằng bao viên "Panadol" chứ bộ.

Mỗi quán tuỳ theo chủ đều có nét hấp dẫn khác nhau ( mới sống được chứ!) nhưng tựu chung bà chủ phải là người tâm lý, đã từng trải mới làm nghề này được. Khách càng ở lâu thì càng phải uống nhiều, kinh doanh là vậy.Đa số các bà nhan sắc cũng thường thôi . Cũng may là đàn ông , có một hai ly rồi thì ai ....cũng đẹp hết. Mấy em xinh gái thường không làm được lâu vì trước sau cũng có người "vớt". Là dẹp tiệm...

Về đêm quán treo vài cái đèn lồng chào mời khách. Vén miếng rèm cửa bước vào là thế giới khác. Đi làm căng thẳng , đôi khi bị chủ càm ràm nhưng vào đây mình là chủ... nhất thời cũng xả được "xì trét" ....rồi lấy lại thăng bằng mà mai làm việc tiếp. Ngoài đời là con ... tép riu nhưng vô quán mình thành ... tôm hùm. Vợ con không có với căn phòng cô đơn thì về sớm làm chi... Thôi "campai" một cái rồi tới đâu thì tới... Nhất là đang "sương sương" mà nghe bà chủ hát bài "koibito yo"... Người yêu dấu ơi - Về đây với tôi - Nép bên bờ vai - Bên tôi một lần- và hãy quên đi buồn vui... Chậc chậc, ai mà chẳng có người để thương để nhớ mà không thành...nghe bài này chỉ muốn rơm rớm...Đành phải "dzô ô..." nữa chứ sao!

Hồi còn ở Nhật tui cũng hay đến một quán ở ga Totsuka. Cô chủ dễ thương cũng làm mình một thời xao xuyến chứ bộ. Lần này trở lại cũng hơn mười năm rồi. Để thăm cô chủ coi ra sao... Ôi ! May sao nàng vẫn còn sau quầy, dĩ nhiên là da mặt đã đầy nếp nhăn nhưng như thói quen nghề nghiệp, nàng vẫn nhớ tên người khách xưa....Nàng hét lên :"Uy san... ô sôiiii desu ne" (Ông Uy... lâu quá....)   - chai rượu ông uống dở dang vẫn còn trong tủ nè... Tiếng reo mừng rỡ mà khoé mắt rưng rưng (người Nhật dễ khóc)

Bà con thấy không, nói là quán mà đã như là nhà.... Cái hay của Izakaya là vậy. Dĩ nhiên hôm ấy một chai đâu có đủ....Ngày mai ra phi trường sớm trở lại Úc làm sao quên được bài hát mà nàng hay ca...

        Người yêu dấu...

        Biết bao giờ được trông thấy nhau...