Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

Theo FB Canh Le: Người Việt Dối Trá

 Năm 1965, khi quân đội Mỹ ồ ạt đổ bộ vào Miền Nam Việt Nam cùng với lối sống Mỹ, Vũ Hạnh viết “Người Việt Cao Quý” nhằm để người Việt khỏi tự ti trước sức mạnh của một cường quốc.

   Nhưng rõ ràng, Việt Nam là một nhược quốc, nên tâm lý tự ti của người Việt là khó tránh khỏi. Trước cường quốc, người Việt thường muốn tỏ rõ tinh thần "tự tôn dân tộc", nhưng cái hành vi "tự tôn" ở cái vẻ bề ngoài ấy đa phần chỉ phản ánh cái mặc cảm "tự ti" sâu thẳm bên trong, rất ít tinh thần "tự tin", "tự tại".

   Một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam nhược tiểu, khiến người Việt tự ti, chính là thói Dối Trá thâm căn mà người Việt tưởng là "khôn khéo", tự cho là "khôn ngoan", thực ra chỉ là "khôn lỏi", "khôn vặt" ...

   Người Tàu ngày xưa từng nhận xét : "Dân Giao Chỉ thích dối và ưa nổi loạn".

   Người Pháp đã gọi triều đình Huế là "Cái ổ dối trá", do sự bất nhất trong lập trường hòa - chiến.

   Người Mỹ cũng nhận xét người Việt "thường không thẳng thắn vì những lý do lặt vặt, vì thế hy sinh những mục tiêu quan trọng vì lợi ích của những mục tiêu nhỏ".

   Đành rằng, đó là những nhận xét của đối phương, hay thậm chí, kẻ thù, kẻ thù truyền kiếp, nhưng cũng không thể không xét đến.

   Còn người Việt, có tự nhận thấy mình Dối Trá không?

   Cải cách ruộng đất thì đấu tố Dối Trá gây oan sai tang tóc cho hàng vạn người ...

   Chiến tranh thì dùng "chiến tranh nhân dân" Dối Trá, dùng thường dân, thậm chí trẻ em, làm binh lính, dùng binh lính giả làm thường dân, đến khi bị giết thì la ầm lên là "thảm sát thường dân vô tội" ...

   Bao nhiêu năm nay, có phải ai cũng biết bầu cử là Dối Trá, nhưng ai cũng thờ ơ, cam chịu, thỏa hiệp, thậm chí đồng lõa với Dối Trá. Vậy người Việt có Dối Trá không !?!

   Ngay cả những người, bằng nhiều cách như vượt biên, HO, ODP, bảo lãnh, đoàn tụ ..., đã từ bỏ xã hội Dối Trá để đi đến được các xứ sở văn minh Trung Thực, nhưng cũng không bỏ được căn tính Dối Trá.

   Ở các xứ sở văn minh, con người đối đãi với nhau dựa trên niềm tin vào đức tính Trung Thực, nhưng người Việt đã lợi dụng để Dối Trá như thế nào?

   - Siêu thị không có bảo vệ, người Việt đã ... ăn cắp.

   - Hàng hóa cho đổi trả nếu mua về sử dụng mà không vừa ý, người Việt đã mua váy áo, comple về để đi dự tiệc, sau đó mang ra ... trả lại.

   - Chính sách trợ cấp tốt, người Việt khai thất nghiệp, đi làm chui lấy tiền mặt, khỏi phải đóng thuế mà vẫn được hưởng trợ cấp ... thất nghiệp.

   - Chính sách bảo trợ tốt, người Việt muốn được hưởng nhiều hơn bèn làm ... li dị giả.

   - Chính sách nhập cư tốt, người Việt muốn kiếm tiền bất chính bèn làm ... kết hôn giả.

   ... vv ... Muôn hình vạn trạng ...

   Công chức ở các xứ sở văn minh, nhìn vào hồ sơ đâu phải không biết năm sinh của người được bảo lãnh hay xin nhập cư, nhiều người qua định cư xong thì đã hết tuổi lao động, chưa đóng một đồng tiền thuế nào thì đã được hưởng tiền già, vậy mà họ vẫn xét duyệt. Rất nhân đạo!

   Những chính sách tốt ở các xứ sở văn minh không phải tự nhiên mà có, mà phải từ mồ hôi, nước mắt, máu xương đổ ra gian khổ tranh đấu mới có được, người Việt khi qua đó được mặc nhiên thừa hưởng, "tọa hưởng kỳ thành", đã không giúp gìn giữ, vun bồi mà còn ... phá.

   Cũng may, người Việt chỉ là thiểu số nên căn tính Dối Trá đó không gây ảnh hưởng nhiều đến xã hội, chứ nếu người Việt chiếm đa số thì chắc chắn sẽ biến các xã hội văn minh Trung Thực ấy thành xã hội man rợ Dối Trá, và sẽ dựng lên chính quyền độc tài Dối Trá.

   "Dân chúng nào thì chính quyền đó"!

   Đừng hỏi tại sao chính quyền độc tài Dối Trá tồn tại lâu dài ở Việt Nam, mà hãy nghiêm khắc tự xét xem người Việt có độc đoán và Dối Trá không. Câu trả lời nằm ở đó!

   Đã có những cá nhân ở các xứ sở văn minh kỳ thị người châu Á, trong đó có Việt Nam, nhưng may mắn nhờ tinh thần nhân đạo và chính sách tốt nên không bùng phát mạnh. Người Việt nên coi đó là "hồi chuông cảnh tỉnh"!

Một dân tộc Dối Trá thì sẽ phải chịu sự khinh bỉ, dù của đồng minh hay kẻ thù!

Một dân tộc Trung Thực thì sẽ nhận được sự tôn trọng, dù của đồng minh hay kẻ thù!

- fb Canh Le

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

CÁCH NGHĨ KHÁC VÀ NỀN VĂN HÓA KHÁC

 Câu chuyện 1.

Có buổi tối nọ đi lang thang và chán nản với công việc, tôi ghé ăn tại 1 xe hủ tiếu gõ nằm trên vỉa hè quận Bình Thạnh. Tôi đang ăn thì thấy một bác bán vé số bước vào gọi 1 tô hủ tiếu không, xin nhiều hủ tiếu. Lát sau còn có 1 lũ nhóc bán sing-gum vô ăn nữa.

Trước khi ngồi xuống ăn còn vội mời luôn mấy vị khách ở đó mua vé số nhưng cũng chẳng ai mua, bác ấy cũng chẳng buồn và ngồi xuống ăn.

Tôi nhìn thấy bác tuy bán vé số ngồi lui thủi một mình thấy thương nên lúc về nói với anh bán hủ tiếu tôi trả tiền cho ông bác ấy. Anh bán hủ tiếu cũng ra vẻ mặt thắc mắc nhưng tôi chặn ngay từ đầu: “Em là người quen của bác, em trả tiền đi trước thôi à”. Anh ta chấp nhận.

Vài ngày sau, ghé lại quán. Lúc này mới dọn hàng, chưa có khách nên anh ta lại nói chuyện vài câu với tôi. Anh nói:”Hôm trước em nói bác bán vé số là người quen của em hả?”

– Dạ, anh. Sao thế?

– Nhà bác cạnh nhà anh mà, kỳ vậy ta?

– À, thật ra em không quen, nhưng thấy bác tội tội nên em muốn trả tiền vậy thôi à. Em ngại nên nói người quen vậy thôi.

– À, à, hiểu rồi. Muốn giúp người nhưng không muốn phô trương ha. Nhưng em có biết hoàn cảnh bác ấy như thế nào không?

– Không anh, sao thế?

– Nhà bác khá giả, con cháu toàn làm lớn, mua hẳn cho bác ấy 1 căn nhà to nhưng chỉ có bác với người giúp việc ở nhà. Bác ấy ở nhà buồn nên lấy vé số bán dạo dạo cho vui vậy chứ tiền xài không hết. Bác ấy thừa tiền nên lấy danh bán vé số mà tập hợp lũ trẻ lại, cho tụi nó ít vốn bán sing-gum, kẹo,…để tụi nó tự kiếm tiền ấy.

Hôm bữa em mời cả nhóm, bác có nói với anh:”Thật ra, bác có thể cho bọn nó luôn hẳn 1 cục tiền để bọn nó khỏi vất vả, nhưng bác không muốn, bác muốn tụi nó có thể có 1 công việc vừa học vừa làm tự bươn chải để quý trọng đồng tiền hơn và dù sau này không có ai giúp đỡ tiền bạc thì tụi nó vẫn có thể sống bằng chính đôi tay tụi nó”.

Việc làm của em là tốt, nhưng bác cũng nhờ anh gửi tiền lại cho em đây. Bác quý tấm lòng em, nhưng ai cũng vất vả mới có được tiền, chỉ cần trả đúng những gì mình xài, xài đúng những gì mình làm thì đồng tiền nó mới có ý nghĩa.

Sau lần ấy tôi đã không còn giành trả tiền cho bất cứ ai.

 

Câu chuyện 2.

Tôi có một người bạn sống lâu năm ở Mỹ về Việt Nam, trong một lần mời bố con người bạn cũ đi ăn, chúng tôi đã có một buổi nói chuyện rất vui vẻ. Nhưng đến khi thanh toán thì bạn tôi nhất quyết đòi chia tiền ăn chứ không để tôi trả. Tôi có phần không vui, nhưng người bạn này đã kể cho tôi nghe một câu chuyện, và nó đã làm thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của tôi.

Trên đường về nhà, người bạn cũ đã hỏi tôi, “Có phải việc chia tiền đã khiến cho cậu cảm thấy mất mặt?”. Vì chúng tôi là bạn thân nên tôi không có gì phải giấu, tôi đã gật đầu. Bạn tôi nói, để tớ kể cho cậu nghe một chuyện.

Ở một trường trung học tại tiểu bang Wisconsin có một học sinh Việt Nam và 1 học sinh Mỹ cùng nhau đi leo núi.

Trong khi hai cậu học sinh này đang leo núi thì bỗng nhiên họ bị những tảng đá ở trên sạt lở rơi xuống và bị kẹt ở trong đó. Học sinh người Mỹ bị tảng đá rơi vào chân và cậu cho rằng xương đã bị gãy.

Nếu như đợi đến buổi tối khi thời tiết lạnh và đói khát thì có thể sẽ khiến cho họ bị hôn mê bất tỉnh, thậm chí là lấy đi sinh mệnh của họ. Sau đó cậu học sinh người Mỹ đã bắt đầu thử trèo lên, những vết máu do bị thương ở đùi đã chảy khắp cả phiến đá. Khi trèo đến tảng đá cao nhất, do chân cậu bị thương nên không thể dẫm lên những mỏm đá. Cậu không thể tiếp tục treo lên chỉ bằng 2 bàn tay nên lại bị rơi xuống dưới.

Đã bị thương lại còn bị thương nặng hơn nữa, cậu bé người Mỹ gần như tuyệt vọng nằm trên bãi đá. Nhưng chỉ hơn 10 phút sau, cái lạnh và những vết thương đã khiến cho cậu bắt đầu cảm thấy tê dại, cậu cảm thấy rằng nhất định phải mau chóng thoát khỏi đây. Sau đó cậu bé người Mỹ này đã quyết định thử trèo lên một lần nữa, và lần này cậu đã thành công. Khi đã trèo lên tảng đá lớn nhất, nhưng việc trèo xuống để đi ra ngoài đối với đôi chân bị đau là việc không thể. Cậu đã nhắm mắt, và để cho cơ thể mình tự lăn xuống dưới…

Không ai ngờ được cậu học sinh người Mỹ này lại có thể kiên trì bò được về đến thị trấn. Thông qua kiểm tra cho biết, chân trái của cậu bé đã bị gãy, xương sườn cũng bị gãy 2 cái do lăn từ tảng đá xuống đất. Mọi người đã vội vã đưa cậu đến bệnh viện và phái người đi cứu cậu học sinh người Việt Nam. Trong cái giá lạnh và sợ hãi, học sinh người Việt Nam đang nằm thoi thóp thở, nếu nhân viên cứu hộ đến muộn chút nữa thì rất có thể sẽ khiến cậu mất đi tính mạng.

Khi bạn tôi kể đến đây, tôi phát hiện ra con của bạn tôi mặt hơi đỏ và nói,“chú ơi, học sinh Việt Nam đó chính là cháu.”

Bạn tôi hỏi, “tại sao học sinh người Mỹ kia lại kiên cường hơn con tớ, cậu có biết không?”, tôi lắc đầu tỏ vẻ không hiểu.

Bạn tôi trả lời, “thực ra nguyên nhân đằng sau là vô cùng đơn giản, bởi vì trẻ em Mỹ từ rất nhỏ, khi đi ra ngoài ăn đều phải tự trả tiền. Họ đều dạy con cái của mình lý do của việc tự trả tiền, đó là “cho dù có gặp phải chuyện gì thì cũng không có ai có thể trả tiền cho con, cho dù là bố mẹ, người thân hay bạn bè của con.”

Do đó cậu học sinh người Mỹ này hiểu được rằng, cho dù tình huống có nguy hiểm đến mấy, nếu muốn tiếp tục sống thì nhất định phải dựa vào chính bản thân mình.

Còn học sinh Việt Nam thì lại nhận được quá nhiều sự giúp đỡ, cho dù là họ không hành động thì rất có thể sẽ mất đi sinh mệnh, nhưng họ đã quen với việc chờ đợi sự giúp đỡ từ người khác.

“Không có ai sẽ trả tiền cho bạn”, chỉ một câu nói đơn giản nhưng đã tạo dựng lên một nét đặc trưng về sự tự lập và nghị lực của người Mỹ.

Sau khi nghe xong, tự nhiên tôi cũng muốn về nhà và kể cho con tôi nghe câu chuyện này, tôi muốn nói cho chúng biết, “đôi khi tiền không phải là vấn đề, giúp đỡ con cũng không phải là vấn đề, nhưng trong cuộc sống sau này, sẽ không có ai trả tiền cho con”.

(Sưu tầm)

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

FB Trihung Đo : Não trạng của nô lệ

 FB Trihung Đo : Lướt qua newfeed, đọc vài tút của tinh hoa bênh vực anh phó chủ tịch phường gì bảo bánh mỳ không phải là lương thực, mà buồn cười vãi.

Não trạng của nô lệ là vậy!

Dân mất dạy thì gô cổ nó lại, ai dung thứ được lũ vô pháp vô thiên? 

Nhưng quan mất dạy thì ta nên thông cảm đi, họ phải làm việc trong môi trường dịch dã căng thẳng, họ ăn nói cục súc nhưng thẳng thắn. Xét cho cùng, họ cũng chỉ vì nhiệm vụ mà thôi.

Rằng, bánh mỳ là quà ăn chơi, không phải “ thưc phẩm thiết yếu”. 

Có phải tư duy nô lệ thì luôn ý thức về thân phận nô lệ và bảo vệ cho sự chính đáng của ông chủ?

Câu hỏi rất sơ đẳng về quyền sẽ là: ai cấp cho anh cái quyền quyết định thứ này là “ thực phẩm thiết yếu”, thứ kia thì không? 

Về mặt cảm tính, đa số người ta ăn cơm, nên gạo là lương thực thiết yếu. Nhưng, giả sử có một thằng nó chẳng ăn cơm, hoặc ăn cơm như ăn quà thôi, thực phẩm chủ yếu của nó là rau củ quả, ăn chay, hoặc có thằng lai tây, chỉ hốc bánh mỳ nên bánh mỳ với nó là thiết yếu thì sao? Hoặc như ông Phong còi, tháng ăn phở 30 ngày, ba tháng ăn cơm một lần, phải chăng anh ta không có quyền coi phở là “ thiết yếu”

Cho nên các anh buộc phải cần một cái chỉ thị, và chỉ thị có rồi nhé!

Hóa ra, con người khác con lợn ở chỗ, những thứ gọi là thiết yếu của con người rất nhiều, từ giấy chùi đít đến bông ngoái tai. Và đó là quyền con người được sống cho ra con người.

Mà thôi, ta không nên đếm xỉa bọn có tư duy nô lệ nhưng tưởng mình tinh hoa, bản thân tôi, cứ nhấn mẹ block cho nhẹ lòng, và với họ, chắc họ cũng chẳng có nhu cầu đọc hay quan hệ bè bạn gì với loại như tôi.

*

Tôi kể lại các bạn nghe cái ký sự pháp đình nổi tiếng thế giới của nữ triết gia Hannah Arendt, khi bà tham dự phiên tòa xử trùm phát xít Adolf Eichmann, tác giả của dự án “ Holocaust”, dự án dồn 6 triệu dân do thái vào lò nướng.

Câu chuyện này hình như tôi đã kể một lần rồi nhỉ?

Khi bị chất vấn về những tội ác của mình gây ra với người do thái, Eichmann trả lời rất hay, trên cơ sở thuyết nghĩa vụ của Kant:

“ Tôi hành động, trước hết bởi động cơ nghĩa vụ. Nghĩa vụ đòi hỏi tôi làm thế, và nghĩa vụ cao quí nhất là nghĩa vụ đối với tổ quốc. Chúng ta không là gì cả, cá nhân chỉ là mắt xích của hệ thống được thiết lập để phụng sự tổ quốc mà thôi và vì vậy, tôi vô tội”

Các anh quan lìu tìu mõm vẩu không thể trả lời hay ho được như vậy, các anh đã có bọn tinh hoa đầu bò trả lời thay rồi, rằng tôi đang làm nhiệm vụ, tất cả những gì xảy ra, chỉ vì tôi đang thực hiện nhiệm vụ với tổ quốc mà thôi.

Và, cô nàng triết gia chính trị xinh đẹp Hannal Arent đã biên như sau:

“ Sự nông cạn của hắn – Eichmann -  không đồng nhất với sự ngu dốt. Hắn không phải hiện thân của lòng căm hờn hoặc rồ dại, cũng không phải cơn khát máu khôn nguôi, mà là cái gì tồi tệ hơn nhiều. Bản chất phi nhân của cái ác Nazi bên trong một hệ thống đóng kín do một lũ kẻ cướp bệnh hoạn điều khiển nhằm triệt phá nhân cách các nạn nhân của chúng…”

Lịch sử từng miêu tả, hàng ngàn người do thái xếp hàng ngoan ngoãn đi vào lò thiêu, là vì sao vậy? Hẳn khi đó nhân cách họ đã bị hủy diệt bởi nỗi sợ, thậm chí, sự bạc nhược khiến họ tin rằng họ xứng đáng bị như vậy.

Anh quan của chúng ta cũng chẳng thù hằn gì thằng công nhân mặt đần, nhưng khoái cảm quát tháo, đe dọa sẽ đưa đến sự hủy diệt nhân cách của thằng công nhân mặt đần. Nó sẽ sợ hãi và rồi tin rằng mình là kẻ phạm tội…

Ta đã xem, khi bị lôi lên phường, thằng công nhân ngoan như cún.

Thật ra, dân mình cũng láo lếu, bật lại chính quyền tanh tách. Nhưng đa số người dân mu muội, dúm dó sợ hãi dù mình chả có tội đéo gì. Cứ thấy quan quát tháo là rúm mẹ lại. Bản thân tôi chứng kiến và trải nghiệm điều này vài lần. Và khi nạn nhân sợ hãi thì khoái cảm quát tháo lại càng được kích thích.

Hannah Arendt gọi đó là “ sự tầm thường của cái ác”

Bà viết tiếp:

“ Bọn Nazi thành công trong việc lật ngược trật tự pháp luật, lấy cái xấu, cái ác làm nền tảng cho một sự công chính mới”

Vâng, các bạn đang được xem các anh tinh hoa bênh vực anh phó phường nọ, đúng như nữ triết gia nhận xét, là biến cái xấu, cái bỉ ổi, cái ngu dốt, thậm chí là cái ác, trở thành nền tảng cho sự “công chính mới”.

Anh ấy làm vì trách nhiệm, vì công việc, anh ấy chửi bới nặng lời, thậm chí thô tục một chút, chẳng qua cũng vì công việc, bởi anh ấy chi là chi tiết của một guồng máy, chứ bản thân anh ấy đâu muốn thế!

Và thế giới sẽ dần bị lộn ngược khi một lũ quan chức lìu tìu hành xử như quân vô lại, lại được bào chữa bằng lý lẽ có vẻ như hợp lý để trở thành sự công chính mới.

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

HỮU DŨNG VÔ MƯU?

 Copy từ Facebook Nhật Huỳnh

Người Việt và người Tàu thường đề cao trí khôn và cho những người có sức mạnh mà không mưu mẹo là "hữu dũng vô mưu". Lại có câu cho rằng "kẻ mạnh chưa chắc là kẻ thắng nhưng kẻ thắng chắc chắn là kẻ mạnh". Đó là lý do khiến cả hai dân tộc này từ chỗ là các cường quốc văn minh cổ đi đến chỗ lạc hậu trong thời hiện đại so với Tây phương.

Theo tiến hoá chọn lọc tự nhiên trong thiên nhiên thì giống tốt nhất, có gen mạnh khoẻ nhất sẽ được chọn để nhân giống. Trong thế giới động vật, các con đực sẽ đấu với nhau để chọn ra con mạnh nhất, ngoài việc để được giao phối với các con cái và làm chủ đàn thì nó còn một ý nghĩa to lớn hơn, đó là duy trì gen tốt cho nòi giống của mình ở các thế hệ sau được mạnh khoẻ.

Các chiến binh La Mã như Ceasar, Antonio hay hoàng đế vĩ đại Alexander người Macedonia đã chinh phục thế giới bằng sức mạnh bản thân, chiến thuật quân sự trên chiến trường chứ không dùng kiểu mưu lược chính trị như phương Đông, lại càng không dùng bẫy để bẫy lén lút đối phương kiểu "bự dùng sức, nhỏ dùng mưu". Nếu những người này sinh ra ở Trung Quốc, chắc chắn sẽ được liệt vào dạng "hữu dũng vô mưu".

Vì sao vậy?

Nếu ai đã từng xem "Hán Sở tranh hùng" chắc chắn đều đánh giá Hạng Vũ là người hữu dũng vô mưu theo cách nhìn đầy thành kiến của các sử gia hủ nho. Nhưng xét lại các chiến công của Hạng Vũ đánh Đông dẹp Bắc chưa hề thua trận nào, đại phá quân chủ lực của Tần do danh tướng Chương Hàm trấn giữ, tiến thẳng Quan Trung làm chư hầu khiếp sợ thì liệu có phải là tay mơ về chiến thuật quân sự không? Thậm chí khi bị vây ở thành Cai Hạ, cả liên quân Anh Bố - Bành Việt - Lưu Bang - Hàn Tín đều không hạ nổi, phải nhờ tiếng sáo Trương Lương làm quân Sở nhớ nhà mới bình được Vũ, cái uy dũng ấy từ đâu mà có?

Ngược lại, Lưu Bang là một tên thất học, hèn hạ lại được một bầy mưu sĩ khôn lỏi như Trương Lương, Tiêu Hà phụng sự với mong muốn thao túng được hắn ta khi hắn nắm chính quyền thì kết cục như thế nào? (Trương Lương và Tiêu Hà vốn biết rõ Lưu Bang là một tên lưu manh nhưng vẫn theo phò tá nên không thể coi họ là trượng phu). Diệt sạch! Ấy là bởi vì đâu? Vì kẻ dốt luôn lo sợ và ghen ghét người giỏi hơn mình, lại càng muốn giấu giếm cái quá khứ bần tiện, các truyền thuyết mà các tay nho sinh nắm được hoặc tô hồng cho bản thân hắn. Vì thế mà phải giết đi để bịt đầu mối.

Cái trí khôn của người phương Tây là để vận dụng nghiên cứu khoa học, chế tạo vũ khí, trang thiết bị phục vụ con người. Trí khôn của người phương Đông là dùng để lưà gạt, biến của người ta thành của mình, nói trắng ra là ăn cướp và dùng xảo ngữ để bao biện cho các hành vi xấu xa của bản thân. Vì hai cái tính cách khác nhau này mà cái câu "kẻ mạnh chưa chắc đã thắng, kẻ thắng sau cùng mới là kẻ mạnh" khi áp dụng vào thực tế giữa hai nền văn hoá sẽ tạo ra sự khác biệt. Ở phương Tây, anh mạnh tôi sẽ mạnh hơn anh để chiến thắng, nghĩa là, kẻ chiến bại không phải là kẻ yếu mà đơn giản, kẻ thắng anh là kẻ mạnh hơn và chiến thắng đó ngoài sự thống trị còn kéo theo sự phát triển bởi kẻ thua sẽ được tiếp nhận một trình độ cao hơn mình, thuận với quy luật tiến hoá. Ở phương Đông, quan niệm về kẻ chiến thắng chưa chắc là kẻ có sức mạnh vượt trội mà là kẻ dám bất chấp mọi thủ đoạn. Vì thế, sự chiến thắng này thường kèm theo sự gian trá, suy đồi về đạo đức bởi ở đó, kẻ yếu thắng kẻ mạnh bằng sự khôn lỏi thì nó sẽ tìm mọi cách triệt tiêu các mầm mống mà nó cho rằng có khả năng uy hiếp sự thống trị của nó hoặc đơn giản là để xoá đi mặc cảm về sự yếu kém của mình, đó là lý do tại sao đa số các triều đại lập quốc của Việt Nam và Tàu đều diệt các công thần khai quốc, làm cho bao thế hệ tài năng bị chôn vùi và thoái hoá nòi giống bởi một hệ tư tưởng luôn lấy sự khôn lỏi của những kẻ không có năng lực đè đầu cưỡi cổ những người có chuyên môn thật sự và cho rằng đó là mưu chước.

Mưu ma chước quỷ, bầy khỉ thành người. Khi nào mà người Việt còn mở miệng chê người khác "hữu dũng vô mưu" mà không hiểu rõ ý nghĩa của nó thì lúc đó chúng ta mãi còn trong tiến trình đi từ văn minh về đến mọi rợ theo thuyết tiến hoá...ngược.

Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

FB Phương Trần : Phản ứng về những phát ngôn của các em sinh viên Hải Dương giúp Sài Gòn chống dịch

Bài của bạn Phương Trần

Gửi chị Hoa Nguyễn

Em vốn định viết một bình luận là xong. Nhưng chị đã gửi riêng cho em hẳn một bài viết phản hồi vì vậy em xin dùng một bài viết để hồi đáp chị, bởi lẽ trong một bình luận ngắn ngủi sẽ không đủ những ý em muốn trình bày. Thật xin lỗi chị, lẽ ra em phải phản hồi sớm hơn nhưng cả tháng nay em không ngày nào ngủ hơn 4 tiếng cả. Thậm chí bài chị viết cho em cũng là một người bạn nhắn riêng cho em thì em mới biết.

Trước nhất em xin nói rõ em không phải người văn hay chữ tốt, viết giỏi và sắc bén, em vốn không thuộc giới trí thức. Điều này em đã ghi hẳn lên fb của mình trong phần giới thiệu.

Thứ hai, em hoàn toàn đồng tình với chị trong vụ việc này có bàn tay tuyên giáo. Chuyện chửi và vạch ra cái xạo láo của tuyên giáo thì có ngày nào em chả làm đâu ?

Thứ ba, trong bài viết này em chỉ xin phản hồi về việc em phản ứng trước những phát ngôn của các em sinh viên Hải Dương mà thôi. Mặc dù em sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, hơn nửa đời người em sống tại đây, em chưa khi nào chứng kiến được, nghe được những lời ác độc đến nghiệt ngã như chị đã nghe kể.

Thứ tư, ngay từ đầu trong bình luận của em ở bài viết đầu tiên của chị em đã nói rõ em không phân biệt vùng miền. Nhưng chị vẫn cho rằng em phân biệt vùng miền khi nói lên ý kiến về thái độ hành xử, phát ngôn của các em sinh viên Hải Dương. Thưa chị, một lần nữa em xin khẳng định lại em không phân biệt vùng miền, là ai, đến từ đâu mà có phát ngôn kiểu "đường Hồ Chí Minh trên không", "giải phóng Sài Gòn", hay "mười sinh viên Hải Dương làm việc bằng ba mươi người Sài Gòn" ....em đều phản ứng cả. Đây là vấn đề về văn hóa ứng xử và giáo dục. Nếu kỳ thị vùng miền thì em đã không kết bạn cùng những người bạn xứ bắc. Em cũng chưa bao giờ phát ngôn kiểu bọn bắc kỳ nó thế này, thế nọ... Việc em chia sẻ, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn em chưa bao giờ bỏ một giây ra để nghĩ ngợi xem họ là người ở đâu, nam hay bắc hay trung, tôn giáo nào...Em trước đây và bây giờ vẫn luôn chống lại tất cả sự kỳ thị. Chả lẽ vì các em ấy đến từ miền bắc rồi các em ấy giở giọng trịch thượng, em phải im đi vì sợ mang tiếng kỳ thị vùng miền??? Đúng là các em sinh viên bị lợi dụng để tuyên truyền. Nhưng phát ngôn là của các em ấy kia mà chị ? Chả có tuyên giáo nào đưa ra thay các em ấy nên không thể nói các em ấy vô can đâu. Thử hỏi trong các em ấy, ai đã từng vào Sài Gòn trước đây và làm việc chung với đội ngũ nhân viên y tế trong này đủ lâu để có thể tự tin phán mười sinh viên Hải Dương làm việc bằng ba mươi người Sài Gòn? Số liệu ở đâu? Căn cứ vào cái gì ? Là những bác sĩ tương lai nhưng sao lại đưa ra một kết luận không có chút cơ sở khoa học vậy sao ? Thật đúng là sinh viên trường y cấp tỉnh mà cứ nghĩ mình là tinh hoa cấp vũ trụ là đây chứ đâu.

Sài Gòn với dân số chính thức gần 9.000.000 người (thống kê năm 2019), còn không chính thức có lẽ phải trên 10.000.000 người. Chỉ với 300 em sinh viên thì em không thể tin dựa vào các em ấy có thể xoay chuyển thế cục cả Sài Gòn nhưng các em cứ tự cho mình là đấng cứu rỗi, bậc cứu thế. Có nực cười quá không chị ? Nếu truyền thông lề đảng thổi phồng làm các em bay bổng lên chín tầng mây thì hãy để người Sài Gòn như em đây đưa các em ấy về mặt đất.

Ngày em còn là một đứa trẻ, em được mẹ dạy rằng giúp ai cũng đừng làm họ tủi thân vì hoàn cảnh yếm thế của mình. Của cho không bằng cách cho. Vì vậy, dù là một người ít chữ và bộc trực nhưng khi san sẻ với ai em cũng cố gắng dùng câu chữ sao cho nhẹ nhàng, dễ nghe nhất. Các em sinh viên trẻ nhưng không còn nhỏ, cũng đã thành niên rồi, phải biết tiết chế lời nói của mình chứ? Đứa trẻ học ăn chỉ cần một vài năm, nhưng học nói là chuyện cả đời ai cũng phải học. Chả thế mà có câu ăn bậy được chứ không thể nói bậy.

Cụm từ "giải phóng Sài Gòn" là một ký ức đau thương, bi phẫn của người Sài Gòn suốt 46 năm qua. Nhập gia phải tùy tục, nếu các em ấy chưa biết thì rất cần phải biết ngay từ bây giờ. Nếu ta không nói, chả lẽ lại để cho VC mặc sức nhồi sọ các em? Ngày em bằng tuổi các em ấy bây giờ em cũng đỏ rực, đúng kiểu bê hồng. Nhưng rồi nhờ những lời nói thật (đau như tát vào mặt) của người đi trước mà em đã tự tìm hiểu thêm rồi dần dần thoát khỏi tuyên truyền của Việt cộng. Có những việc vì thương, vì quý nên mới nói chị ạ. Trước đây em có một thói quen, em buồn lòng ai là em tránh xa chứ không bao giờ nói ra hay bày tỏ gì cả. Sau này, nhờ bạn bè nhắc nhở, em đã sửa đổi.

Em có một chị bạn thân người bắc, chị ấy là trí thức, là một người tử tế và ấm áp dẫu đôi khi rất ngô nghê. Em quý chị ấy lắm và em có thể nói em luôn đặt chị ấy trước bản thân mình. Nhưng có những việc chị ấy làm em buồn, rất buồn, ngày qua tháng lại suốt mấy năm trời sát cánh bên nhau, việc em buồn, tổn thương là vô kể. Đến một ngày, sau khi gom đủ thất vọng, em nhìn vào mắt chị ấy thở dài và nói: " Có lẽ bao lâu nay chỉ có em coi chị là chị em còn chị thậm chí đến việc coi em là bạn cũng chưa từng". Chị ấy hoảng hốt đến suýt khóc. Và em cảm thấy thật may mắn vì em đã nói ra, chị bạn em không hề cố ý làm em buồn, chưa từng. Chỉ là chị ấy không hiểu những việc em cho là đương nhiên ấy. Mà người bạn của em là trí thức, đi nhiều nơi, sống nhiều chỗ, tiếp xúc với rất nhiều thành phần xã hội từ đông sang tây, tuổi đời ngoài 40 chị nhé.

Thế nên em phản ứng (không phải tấn công hay sỉ vả) với các em sinh viên Hải Dương không phải vì em kỳ thị hay ghét bỏ các em ấy mà bởi vì em mong rằng các em ấy đừng trở thành công cụ lợi dụng của tuyên giáo nữa. Phải biết mình là ai, đứng ở đâu, bớt ảo tưởng về bản thân đi, đừng tổn thương người Sài Gòn nữa, dẫu là vô ý. Sự hòa hợp luôn phải đến từ hai phía. Cũng không phải em chưa từng nếm thử mùi vị bị kỳ thị mà em nói như thế. Thời sinh viên, em phải đi làm thêm để kiếm sống. Những năm cuối thập niên 90 khi Việt Nam vừa mở cửa, khi đó em đang làm thêm ở một khách sạn lớn của Sài Gòn, sếp và khách đa phần là người nước ngoài. Họ khinh rẻ nhân công người Việt ra mặt, chứ đâu cần bận tâm che giấu. Nhưng hơn 20 năm nay, em có không ít bạn bè người nước ngoài, thậm chí bạn thân nhất của em còn là một người da màu có quốc tịch Mỹ. Em đã bước qua sự kỳ thị đó như thế nào? Bước qua bằng cách cố gắng sống đàng hoàng, ngay ngắn và tự trọng ạ. Khi mới bắt đầu học tiếng Anh em có học một câu rất ngắn, nhưng em ghi sâu trong lòng đến tận hôm nay "Respect is earned, not given".

Em nghĩ rằng lời nói thật tạo ra sự rạn nứt (có thể), nhưng lời nói dối tạo ra sự đổ vỡ (chắc chắn) nên dầu thế nào em cũng muốn nói ra sự thật là em tổn thương, người Sài Gòn bị tổn thương vì lời nói của các bạn sinh viên Hải Dương. Việc làm tình nguyện là đáng quý, nhưng không ai ép bạn làm thế cả. Nhắm làm được thì làm, không thì thôi. Hơn một tháng nay em và bạn bè cũng tất bật ngày đêm san sẻ với các hoàn cảnh khó khăn. Nắng chiếu thiêu da hay mưa lạnh tát vào mặt, đói đến run cả tay chân, nuốt vội lát bánh mì hay viên kẹo rồi lại tất tả vào việc là bình thường. Tụi em không muốn và cũng không cần ai mang ơn mình cả. Tụi em làm vì lương tâm chúng em muốn thế. Em nói ra để chị em cùng thấu hiểu chứ không phải để kể lể hay sa lầy vào cái bẫy phân biệt vùng miền. Bởi em biết trong những ngày Sài Gòn đang cơn nước sôi lửa bỏng này, rất nhiều người bạn hay chưa hề quen biết trên khắp mọi miền đất nước từ Cao Bằng cho đến Cà Mau đều gửi gắm tấm tình, quan tâm ủng hộ, nhường cơm xẻ áo với Sài Gòn. Ơn này không chỉ riêng em mà người Sài Gòn sẽ ghi khắc trong lòng. Nhưng người Sài Gòn sẽ không hoan nghênh những kẻ kệch cỡm, lên giọng mẹ thiên hạ kể cả khi đang bị trọng thương. Vài lời em xin gửi đến chị, mong chị tường minh.

------------------------------------

Bài liên quan:

1.    Cẩm nang để người Miền Nam ra Bắc được an toàn  http://quangdonquixote.blogspot.com/2019/11/chinh-quoc-duong-cam-nang-e-nguoi-mien.html

2.    Cẩm nang ứng xử cho người Bắc khi chuyển vào sống ở Miền Nam http://quangdonquixote.blogspot.com/2019/10/cam-nang-ung-xu-cho-nguoi-bac-khi.html

Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

NGUYỄN QUANG DUY : CHỦ NGHĨA NÀO ĐÃ LÀM VNCH SỤP ĐỔ NĂM 1975?

 *Bài viết có cái "nhìn" xuyên suốt về cuộc chiến 54-75 từ phía "bên kia":

CHỦ NGHĨA NÀO ĐÃ LÀM VNCH SỤP ĐỔ NĂM 1975?

•Sau 46 năm chấm dứt chiến tranh, nhiều người, kể cả những học giả ngoại quốc, vẫn tin rằng cuộc chiến tại miền Nam là cuộc chiến giữa hai ý thức hệ quốc gia và cộng sản. Nhưng ý thức hệ quốc gia hay chủ nghĩa quốc gia Việt Nam là gì, và lý do ý thức hệ cộng sản thắng thế vẫn chưa được tìm hiểu và phân tích cặn kẽ, để biết đâu là sự thật.

1-Chủ nghĩa quốc gia đến với Việt Nam:
-Trước thế kỷ thứ 20, nước là của vua, dân là con vua. Việc bảo vệ và mở mang bờ cõi là trách niệm của nhà vua, làm dân có bổn phận phải trung thành với vua và sẵn sàng chết theo lệnh của nhà vua.
Cụ Phan Chu Trinh, cụ Phan Bội Châu là hai trong số những người Việt quốc gia đầu tiên - một người chịu ảnh hưởng chủ nghĩa quốc gia Pháp còn một người chịu ảnh hưởng chủ nghĩa quốc gia Trung Hoa và Nhật Bản - nên có hai khuynh hướng phụng sự quốc gia rất khác biệt.
Nhà cách mạng Nguyễn Thái Học (Quốc Dân Đảng), Đức Huỳnh Phú Sổ (đạo Hòa Hảo), Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc (đạo Cao Đài), Vua Bảo Đại, ông Phạm Quỳnh, ông Ngô Đình Diệm, ông Trần Trọng Kim, học giả Lý Đông A (đảng Duy Dân), ông Trương Tử Anh (đảng Đại Việt) và rất nhiều người khác là những người Việt quốc gia của thời kỳ tiếp theo.
Những người kể trên về mặt tư tưởng họ khác nhau một trời một vực, có khi còn đối chọi với nhau, cho thấy ở thời điểm 1945 vẫn chưa có một hệ tư tưởng có thể coi là hệ tư tưởng quốc gia hay chủ nghĩa quốc gia.

Năm 1949 khi người Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam, Quốc trưởng Bảo Đại đặt tên nước là Quốc Gia Việt Nam, lập Quân Đội Quốc Gia, Chính Phủ Quốc Gia, và cờ Vàng ba sọc đỏ được gọi là cờ Quốc Gia. Vua Bảo Đại từ lâu đã muốn xây dựng một chủ nghĩa quốc gia riêng cho Việt Nam, nhưng vì hoàn cảnh đất nước chưa hoàn toàn độc lập, và vẫn còn chiến tranh nên không thực hiện được ý muốn.

2-Chủ nghĩa quốc gia là gì?:
-Là hệ tư tưởng soi sáng và hướng dẫn chúng ta làm những việc có ý nghĩa, có đạo đức, biết việc gì cần làm và tạo cho chúng ta sáng kiến đạt được kết quả tốt nhất trong cạnh tranh sinh tồn và phát triển đất nước.
Mỗi quốc gia đều có những khác biệt về lịch sử, sắc tộc, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, bởi thế chủ nghĩa quốc gia Việt Nam phải khác hẳn với chủ nghĩa quốc gia ở các quốc gia khác.
Chủ nghĩa quốc gia Việt Nam phải nối kết được những tư tưởng, những tình cảm, những truyền thống, những ước mong, những ý hướng trong tâm trí của mọi người thuộc mọi sắc tộc sống trên đất nước Việt Nam.
Có chủ nghĩa quốc gia mới có thể định hình được một cách rõ rệt những khái niệm về tổ quốc, về nòi giống, về lòng yêu nước, về tình đồng bào, xây dựng lý tưởng làm chuẩn mực cho đời sống của người Việt Nam.
Chủ nghĩa quốc gia chính là những nguyên tắc căn bản để chính phủ đề ra những chiến lược và đường lối kinh tế, văn hóa, xã hội hợp lòng dân và để người dân biết cách suy nghĩ và hành động vì lợi ích quốc gia dân tộc.

3-Việt Nam chưa có hệ tư tưởng quốc gia:
-Tháng 8/1945, cộng sản nổi dậy cướp chính quyền, đến năm 1947 khi những người Việt quốc gia muốn ôn hòa giành lại độc lập phải cộng tác với người Pháp, thì đảng cộng sản cướp luôn cả chính nghĩa quốc gia.
Trong hoàn cảnh chiến tranh, những người Việt quốc gia chỉ duy trì tinh thần quốc gia rời rạc, không thể kết lại một cách chặt chẽ như một ý thức hệ hay một hệ tư tưởng có luận lý (lô gích), có đạo đức, dựa trên lợi ích quốc gia và dân tộc.
Vì thiếu một ý thức hệ quốc gia làm căn bản, nên người quốc gia và các đảng phái quốc gia liên tục chia rẽ không thể tập trung được sức mạnh chiến đấu và tồn tại trong hoàn cảnh chiến tranh 1945-75.

4-Xem lại Đệ Nhất Cộng Hoà:
-Chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa thay vì tìm cách xây dựng ý thức hệ quốc gia, lại lo xây dựng chủ nghĩa nhân vị. Ông Cao Xuân Vỹ Thủ lãnh Phong trào Thanh niên Cộng Hòa từng nghe Tổng thống Ngô Đình Diệm than phiền: “Ngay cả đến các vị Bộ trưởng cũng không hiểu được (chủ nghĩa) nhân vị là gì, thì làm sao mà chúng ta thực hiện được cuộc cách mạng quốc gia ?”
Ông Diệm nói rất đúng, vì khi tầng lớp lãnh đạo không hiểu được đường lối chiến lược quốc gia thì làm sao tầng lớp cán bộ có thể hiểu được để truyền bá chính nghĩa (việc làm đúng). Và làm sao người dân, nhất là những nông dân chiếm đến 90% dân số lại có thể biết đến đường lối, chiến lược và viễn kiến của tầng lớp lãnh đạo quốc gia.
Năm năm vàng son 1955-60 nhanh chóng trôi qua, khi cộng sản từ miền Bắc bắt đầu xâm nhập và cộng sản ở miền Nam nổi dậy, thì rõ ràng Việt Nam Cộng Hòa không có một chủ nghĩa đúng mức để vừa giữ được đất, vừa giữ được dân.
-Chính phủ Mỹ sợ cộng sản thắng thế muốn trực tiếp mang quân vào tham chiến thì bị Tổng thống Ngô Đình Diệm phản đối họ mới nhúng tay vào cuộc đảo chánh 1/11/1963 lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa.

5-Mỹ Hóa chiến tranh:
-Miền Nam lọt vào vòng khủng hoảng chính trị, đảo chánh này sang đảo chánh khác, miền quê càng ngày càng mất an ninh, nhiều địa phương sáng quốc gia đêm cộng sản.
-Ngày 8/3/1965, Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào bãi biển Đà Nẵng, người Mỹ mở rộng chiến tranh thả bom miền Bắc và trực tiếp điều khiển chiến tranh từ Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài.
-Người Mỹ nhúng tay đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm đã là một sai lầm lớn, việc Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam là sai lầm lớn hơn khiến họ phải trả một giá rất đắt về sinh mạng và tiền bạc. Cho đến phút cuối người Mỹ vẫn không hiểu người Việt cả phía quốc gia lẫn bên cộng sản, nên trong chiến tranh Việt Nam người Mỹ liên tục mắc sai lầm là nguyên nhân chính dẫn đến ngày 30/4/1975. Chiến tranh càng leo thang, người miền Nam càng phải tập trung bảo vệ miền Nam, nên càng ít quan tâm đến mặt lý thuyết xây dựng một ý thức hệ quốc gia.

6-Nói về Chủ nghĩa tự do:
-Khi ý thức hệ quốc gia chưa hình thành và khi người Mỹ đổ quân vào miền Nam, chủ nghĩa tự do kiểu Mỹ đã phát triển một cách vô cùng mạnh mẽ.
Lẽ ra, trong thời chiến cá nhân cần đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên trên, thì chủ nghĩa tự do lại dựa vào cá nhân để phát triển từ văn hóa, xã hội, kinh tế và nhất là chính trị (thể chế dân chủ pháp trị).

•Một số thí dụ dưới đây cho thấy phần nào chủ nghĩa tự do đã dẫn đến ngày 30/4/1975:
-Ở miền Nam tự do báo chí không khác gì ở Mỹ các nhà lãnh đạo thường xuyên được đưa lên mặt báo.
-Tờ Tin Sáng là nhật báo đối lập với Chính phủ có mục “Tin Vịt” do “Tư trời biển” viết nêu đích danh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là tham quyền cố vị, hiếu chiến, thất học, tham nhũng, bất tài hay gọi ông là "Tổng Thẹo", "Sáu Thẹo"…
-Báo chí có quyền chỉ trích Chính phủ và chỉ trích cá nhân các nhà lãnh đạo miễn là không nhằm mục đích tuyên truyền cho cộng sản, nhưng các tờ báo vẫn thường dịch các bài viết từ phe cánh tả chống chiến tranh thì có khác gì tiếp tay tuyên truyền cho cộng sản?.
-Báo chí ngoại quốc cũng được tự do xuất bản tại miền Nam. Người Việt vốn suy nghĩ người ngoại quốc đưa tin khách quan và trung thực, nên nhiều bài viết thuộc phe cánh tả chống chiến tranh cũng được rất nhiều người đọc và tin theo.
-Về truyền hình thì có đài Quân đội Hoa Kỳ phát trên băng tần số 11 đưa những hình ảnh chiến trường mà lính Mỹ thua đến nỗi phải tháo chạy bằng các trực thăng, những hình ảnh này ảnh hưởng nặng đến tâm lý người Việt và rất có lợi cho phe cộng sản.
-Giáo dục thì phi chính trị nên học sinh và sinh viên đều ít quan tâm đến tình trạng đất nước, một số còn xuống đường biểu tình chống chiến tranh hay leo núi theo cộng sản, số khác sống phóng túng, đua đòi theo cách sống Hippie kiểu Mỹ…
-Văn học, âm nhạc, nghệ thuật ở miền Nam bao gồm đủ mọi khuynh hướng, từ tự do cá nhân, đến chuyện đất nước, tình tự dân tộc, nhân bản, khai phóng, hiện thực, chống chiến tranh và chống cả chính phủ.
-Kinh tế thì tự do nên vì tiền mà một số thương gia sẵn sàng cung cấp hàng hóa cho cộng sản hay đầu cơ tích trữ phá hoại thị trường và cũng vì tiền mà một số giới chức tham nhũng đã tiếp tay với gian thương nuôi dưỡng cộng sản.
-Ngay trong Quốc Hội, Khối Đối Lập liên tục chỉ trích Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, họ còn chủ trương nói chuyện với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (một tổ chức ngoại vi của đảng Cộng sản), chính trị miền Nam không khác gì sinh hoạt chính trị tại Hoa Kỳ.

7-Tự do thua cộng sản?:
-Một số người quan sát cuộc chiến ở miền Nam rồi vội vã cho rằng chủ nghĩa cộng sản đã thắng chủ nghĩa tự do. Nhưng nếu so Tây Đức và Đông Đức, Nam Hàn và Bắc Hàn, Trung Quốc và Đài Loan, Khối Tự Do chống lại Khối Cộng Sản thì rõ ràng ý thức hệ tự do đã là bên thắng cuộc (trên bình diện thế giới).
-Đại Hàn và Đài Loan là hai quốc gia Á châu bị phân đôi, chủ nghĩa quốc gia ở đó đã phát triển thành những ý thức hệ có thể đón nhận và hài hòa chủ nghĩa tự do kiểu Mỹ. Sau một quá trình chọn lọc nhiều thập niên cho mãi đến những năm đầu của thập niên 1990 Đài Loan và Nam Hàn mới tiến hành dân chủ hóa đất nước của họ.
-Còn Việt Nam Cộng Hòa vì chưa có được một chủ nghĩa quốc gia, một ý thức hệ quốc gia, một hệ tư tưởng hướng dẫn, nên chủ nghĩa tự do đã phản tác dụng, phá hoại và tiêu hủy nền Cộng Hòa non trẻ ở miền Nam Việt Nam.

-Theo tôi, đây là bài học cho cả hôm nay: Việt Nam vẫn đang cần chủ nghĩa quốc gia.
Chiến tranh đã chấm dứt hơn 46 năm, so với các quốc gia trong vùng, Việt Nam vẫn thua kém cũng vì thiếu một chủ nghĩa quốc gia đúng đắn.
Trước thời chiến tranh, Đài Loan và Đại Hàn về kinh tế chỉ tương đương với Việt Nam, nhưng ngày nay hai quốc gia này đã vượt xa chúng ta. Đài Loan và Đại Hàn áp dụng chiến lược xuất cảng thúc đẩy tăng trưởng (export led growth strategy), nhưng nhờ họ có được hệ tư tưởng quốc gia vững chắc, nên có được chiến lược xây dựng kinh tế dựa trên nội lực quốc gia và kết quả tăng trưởng kinh tế thuộc về người dân của xứ họ.

-Hà Nội cũng áp dụng chiến lược xuất cảng thúc đẩy tăng trưởng nhưng lại xây tổ đón phượng hoàng xứ người, nên người Đài Loan và người Đại Hàn nay đã trở thành những ông chủ, những con phượng hoàng trên đất nước Việt Nam. Còn người Việt phải làm công bộc cho chủ nhân ngoại quốc hay phải sang tận xứ người để làm công cho họ.
Chiến lược tăng trưởng dựa trên xuất cảng biến Việt Nam thành một quốc gia lắp ráp trong chuỗi dây chuyền sản xuất của các công ty đa quốc gia. Việt Nam được giao cho sản xuất các mặt hàng dựa trên lao động tay chân, mang lại rất ít giá trị gia tăng cho quốc gia.
-Các nghiệp đoàn tự do bảo vệ quyền lợi công nhân thì chưa có nên người Việt làm công nhận được một mức lương thật thấp, thậm chí không đủ sống qua ngày, còn lợi nhuận thì vào tay tư bản ngoại quốc và được họ đưa về chính quốc.
-Dựa trên tỉ lệ thương mãi xuất và nhập cảng, Việt Nam nay là nước có mức độ toàn cầu hóa cao nhất thế giới, nguyên liệu chủ yếu phụ thuộc vào nhập cảng từ Trung cộng và sản phẩm sản xuất thì chủ yếu xuất cảng sang Mỹ. Chủ quyền kinh tế nay phụ thuộc nặng nề vào hai quốc gia này, Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt kinh tế cũng sợ, mà Trung cộng đe dọa trừng phạt kinh tế thì cũng lo.

-Nếu các hãng xưởng Đài Loan và Đại Hàn rút khỏi Việt Nam thì nền kinh tế Việt Nam xem như sụp đổ, rõ ràng chủ quyền quốc gia Việt Nam đã bị lệ thuộc quá nặng vào ngoại bang. Còn các mặt khác như văn hóa, giáo dục, xã hội, chính trị, và cả quân sự Việt Nam đều thua xa hai quốc gia Đài Loan và Đại Hàn.
Ở trong nước ai biểu lộ bất đồng chính kiến thì bị đảng Cộng sản cho công an cô lập và đàn áp.
Người Việt hải ngoại sống trong môi trường tự do nhưng vì thiếu một chủ nghĩa quốc gia dẫn dắt nên người đấu tranh luôn bị động, chẳng ai nghe ai, càng ngày càng chia rẽ và càng xa lìa chính những đồng hương đang sống ở hải ngoại.

-Ôn lại lịch sử Việt Nam Cộng Hòa và nhìn vào hiện tình đất nước, người Việt muốn giữ được chủ quyền quốc gia vẫn cần phải xây dựng một hệ tư tưởng cho chính người Việt Nam, một chủ nghĩa quốc gia Việt Nam vẫn thật sự cần thiết.

NGUYỄN QUANG DUY (Bài gởi cho blog Thụy My)

Melbourne, Úc Đại Lợi

(Thụy My RFI)

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

FB Matthew Nguyen Chuong: Chịu tìm hiểu, sự thật lịch sử mở ra đầy bất ngờ... CHỈ TRONG 10 THẾ KỶ THÔI THÌ ĐÃ CÓ ĐẾN 7 THẾ KỶ NGOẠI TỘC CAI TRỊ HÁN TỘC, "TIỂU QUỐC" THỐNG TRỊ TRUNG HOA!

 

* Các "tiểu quốc" nhỏ hơn nước Tàu, dân số ít hơn hẳn so với người Hán, nhưng họ tấn công và đều chiến thắng, cai trị nước Tàu cái rụp!

Khi nào thì "tiểu quốc" mới thua TQ? Khi và chỉ khi giới cầm quyền "tiểu quốc" tự quì mọp (bởi vậy mới thấy TQ cao hơn) mà thôi.

1/ Sắc tộc du mục Khitai (tiếng Ba Tư: ختن‎; phiên qua chữ Hán là 契丹: Khiết Đan) cư trú ở vùng Bắc Á, Trung Á. Họ tấn công nhà Tống của Trung Hoa, chiếm kinh đô Bắc Kinh và toàn bộ phía Bắc Trung Hoa, đẩy nhà Tống xuống phía Nam (sử gọi là "nhà Nam Tống").

Người Khitai (Khiết Đan) lập ra "Khiết Đan quốc" ((契丹國), còn gọi là nhà Liêu ( ). Cho dù là "ngoại tộc" ít hơn người Hán, nhưng họ buộc "đại quốc" Trung Hoa (Nam Tống) hàng năm phải triều cống cho họ!

Người Khiết Đan chiếm lĩnh Bắc Kinh, cai trị toàn bộ phía Bắc Trung Hoa kéo dài những 218 năm, hơn hai thế kỷ (907-1125)! Họ kết thúc sự cai trị chẳng phải do người Hán đủ mạnh, mà do những "ngoại tộc" (không phải Hán) mạnh hơn.

2/ Vào năm 1038 người Tangut ( མི་ཉག་ ) tấn công vùng phía Tây Trung Hoa, lập nên một triều đại mà sử Trung Hoa ghi là "nhà Tây Hạ" (西 ). Nhà Nam Tống của người Hán thúc thủ, "xuống nước" tới mức hàng năm cũng triều cống cho người Tangut giống như nộp cống cho người Khitai (Khiết Đan).

Nhà Tây Hạ của sắc tộc Tangut kéo dài đến năm 1227.

3/ Sắc tộc Tungus (phiên qua chữ Hán: 女真, "Nữ Chân") (về sau này được gọi là sắc tộc Manchu: ᠮᠠᠨᠵᡠ, phiên qua chữ Hán là 滿 Mãn tộc) vào năm 1126 đánh bại tộc Khitai (nhà Liêu), sau đó đánh bại tộc Tangut (nhà Tây Hạ) - để lập nên, mà sử Trung Hoa, gọi là "Nhà Kim".

Nhà Kim của tộc Tungus kéo dài đến năm 1234, thống trị được 108 năm (1126-1234).

4/ Tiếp theo đó là tộc Mongol (ᠮᠣᠩᠭᠣᠯ , phiên qua chữ Hán là 蒙古, Mông Cổ). Vào năm 1271, Mongol đánh bại sắc tộc Khitai (nhà Liêu), đánh bại sắc tộc Tungus (nhà Kim) và tiêu diệt Nam Tống của tộc Hán.

Người Mongol thống nhứt toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa, lập ra triều đại mà sử Trung Hoa gọi là "nhà Nguyên".

Người Mongol cai trị Trung Hoa cho đến năm 1368, tổng cộng được 97 năm (1271-1368).

5/ Vào năm 1636, người Mãn Châu bắt đầu cai trị trên toàn lãnh thổ Trung Hoa, sử gọi là "nhà Thanh". Triều đại của Mãn tộc kéo dài cho đến năm 1912, đây là triều đại của một ngoại tộc cai trị người Hán dài nhứt trong lịch sử: 276 năm.

Tổng cộng thời gian mà các sắc tộc từ những tiểu quốc đặt sự cai trị đối với Hán tộc, trên lãnh thổ Trung Hoa, là BẢY THẾ KỶ!

Chỉ trong khoảng một ngàn năm, tức mười thế kỷ - từ năm 907 của "nhà Liêu" bởi tộc Khitai (Khiết Đan) cho đến năm 1912 của "nhà Thanh" bởi tộc Manchu (Mãn Châu) - thì đã có đến bảy trăm năm, tức bảy thế kỷ, người Hán tuy đông ơi là đông nhưng bẹp dí dưới sự cai trị của ngoại tộc!

Khách quan mà nói, lịch sử của Hán tộc như rứa có đáng để vênh vang kiêu ngạo?

So với người Việt, cũng trong khoảng một ngàn năm (kể từ nhà Ngô cho đến hết triều đại nhà Nguyễn), thời gian bị ngoại tộc cai trị tròn trèm 1 thế kỷ - gồm 20 năm thời Minh (1407-1427) cộng với 83 năm thời Pháp thuộc (kể từ năm 1862 khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ cho đến năm 1945).

Cùng một độ dài 10 thế kỷ, Hán tộc bị "ngoại tộc" cai trị suốt 7 thế kỷ, dài đăng đẳng, dài dằng dặc không thể tưởng! Trong khi Việt tộc dù bị ngoại xâm nhiều đợt nhưng đều chiến thắng, chỉ bị cai trị 1 thế kỷ thôi, thử nghĩ tộc nào có ý chí bất khuất, kiêu hùng hơn?

Điều ĐÁNG CHÚ Ý là: Hán tộc chỉ mới giành lại sự cai trị tại Trung Hoa vào thế kỷ 20.

Cai trị toàn bộ Hoa lục, hiện nay, là chế độ Bắc Kinh xưng là "Trung quốc" (nghĩa là nước Giữa), bắt đầu từ cuối năm 1949, tức là chỉ mới được ngoài 70 năm thôi. Nghĩa là mới "chớm", vẫn còn ngắn ngủi lắm khi so với quãng thời gian mà những "tiểu quốc" của ngoại tộc cai trị Trung Hoa.

Rất có thể đến lúc nào đó, Trung Hoa lại bị một "tiểu quốc" (được hiểu là có diện tích nhỏ hơn, dân số ít hơn hẳn, nhưng nghệ thuật quân sự giỏi giang hơn) xâm chiếm và đặt quyền thống trị.

Đây không phải là giả tưởng, mà dựa vào lịch sử Trung Hoa tuy dân đông ơi là đông, đất rộng ơi là rộng nhưng vẫn bị các tiểu quốc nhảy vào "làm gỏi" như thường!

FB Nguyen Khan : THIÊN ĐƯỜNG MÙ

 

Ngày xửa ngày xưa có một ông vua già cố chấp, không chịu bắt chước các nước giàu có khác để canh tân vương quốc, cứ khoác lác tự hào vương quốc mình trị vì là hiện đại và văn minh nhất, con đường phát triển của vương quốc mình do một pháp sư vĩ đại kiến trúc nên đó là con đường đúng đắn duy nhất dẫn vương quốc đến thiên đường.

Khốn nỗi công dân vương quốc ngày càng nghèo khó cơ cực nên đon ren bóng gió quốc vương hoang tưởng, mù quáng, cố chấp... Thiên đường mà quốc vương lãnh đạo toàn dân hướng đến là thiên đường mù, ăn nhang khói, uống nước rảy, thắp sáng bằng đèn cầy (bạch lạp), xài giấy vàng bạc, mua bán và tiêu thụ hàng mả...

Quốc vương nghe vậy buồn lắm, ngài cố cải cách thật tốt cho dân sáng mắt khi nhìn thấy sự vĩ đại của ngài, có lúc làm cật lực đến nỗi đi đứng không vững phải nhờ phụ tá dìu đi, song ngài vẫn không ngại gian khổ, vẫn miệt mài nghiên cứu... Nghiệt là càng cải cách nhân dân càng ta thán trách móc, mỉa mai, cho rằng quốc vương tham quyền mù quáng, lì lợm dẫn đưa vương quốc đến thiên đường mù.

Bữa nọ, sau một cơn trọng bệnh "thập tử nhất sinh", mắt quốc vương mờ dần, ngài quyết tìm pháp sư kiến trúc thiên đường nhờ chữa bệnh mù. Pháp sư kê toa thuốc đặc trị và đặc biệt, yêu cầu quốc vương tuân thủ đúng theo toa :

- Chặt một cây sầu đông (xoan) dài 1,2 met, đường kính 3 - 3,5cm.

- Lột hết vỏ ném cây lên mái nhà phơi. Lấy vỏ sao khử thổ bỏ vào siêu đất, đổ 3 chén nước đái con nít sắc lửa nhỏ..

- sắc ba chén còn 1 chén, bỏ vào lọ thủy tinh nút kín, phơi nắng 3 tháng 10 ngày.

- phần xác vỏ sầu đâu sau khi sắc xong, đem rang cháy đen tán mịn bỏ vào lọ pha lê nút kín thả xuống giếng sâu.

- 3 tháng 10 ngày sau, một chén nước sắc trong chai thủy tinh phơi nắng bị bốc hơi còn khoảng trên dưới 100cc. Lấy bột than vỏ sầu đâu ngâm dưới giếng lên trộn với 100cc nước thuốc nói trên thành một hỗn hợp thuốc nước xềnh xệch màu đen tuyền.

- Bỏ hỗn hợp thuốc này vào trong trái bầu hồ lô già rỗng ruột (loại bầu nhỏ trái), thêm vào một chút xíu lọ nồi, treo bầu thuốc lên giàn khói. Nam 7 vía treo giàn khói 7 ngày 7 đêm, nữ 9 vía treo 9 ngày 9 đêm. Sau đó đem nhỏ vào hai con mắt, mỗi giờ nhỏ một lần cho đến khi hết thuốc.

Vua sai quan ngự y chấp hành đúng theo toa thuốc của pháp sư. Sau khi nhỏ hết thuốc, mắt quốc vương không còn nhìn thấy gì nữa, bèn nhờ pháp sư khám lại. Pháp sư mĩm cười ôn tồn hỏi :

- Cái cây sầu đâu dài 1,2m ta căn dặn ném lên mái nhà phơi có còn không, lấy xuống chưa?

Quốc vương thưa :

- Bẩm pháp sư cây ấy còn phơi trên mái nhà, vì không thấy pháp sư giải thích công dụng trong toa thuốc nên chưa lấy cây ấy xuống.

Pháp sư mắng yêu :

- Quốc vương ơi là quốc vương, sao ngài khờ khạo vậy, không thấy đường thì lấy cây ấy xuống làm gậy chống chứ còn chờ gì nữa. Chẳng lẽ việc đương nhiên ấy cũng phải chờ ta chỉ dạy sao ? Có gậy chống thì sợ gì mù ? Chẳng phải quốc vương muốn dẫn đưa vương quốc của ngài đến thiên đường ? Có gậy này chống dẫn đường thì thiên đường nào mà quốc vương không đến được !