Bài của bạn Phương Trần
Gửi chị Hoa Nguyễn
Em vốn định viết
một bình luận là xong. Nhưng chị đã gửi riêng cho em hẳn một bài viết phản hồi
vì vậy em xin dùng một bài viết để hồi đáp chị, bởi lẽ trong một bình luận ngắn
ngủi sẽ không đủ những ý em muốn trình bày. Thật xin lỗi chị, lẽ ra em phải phản
hồi sớm hơn nhưng cả tháng nay em không ngày nào ngủ hơn 4 tiếng cả. Thậm chí
bài chị viết cho em cũng là một người bạn nhắn riêng cho em thì em mới biết.
Trước nhất em
xin nói rõ em không phải người văn hay chữ tốt, viết giỏi và sắc bén, em vốn
không thuộc giới trí thức. Điều này em đã ghi hẳn lên fb của mình trong phần giới
thiệu.
Thứ hai, em hoàn
toàn đồng tình với chị trong vụ việc này có bàn tay tuyên giáo. Chuyện chửi và
vạch ra cái xạo láo của tuyên giáo thì có ngày nào em chả làm đâu ?
Thứ ba, trong
bài viết này em chỉ xin phản hồi về việc em phản ứng trước những phát ngôn của
các em sinh viên Hải Dương mà thôi. Mặc dù em sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn,
hơn nửa đời người em sống tại đây, em chưa khi nào chứng kiến được, nghe được
những lời ác độc đến nghiệt ngã như chị đã nghe kể.
Thứ tư, ngay từ
đầu trong bình luận của em ở bài viết đầu tiên của chị em đã nói rõ em không
phân biệt vùng miền. Nhưng chị vẫn cho rằng em phân biệt vùng miền khi nói lên
ý kiến về thái độ hành xử, phát ngôn của các em sinh viên Hải Dương. Thưa chị,
một lần nữa em xin khẳng định lại em không phân biệt vùng miền, là ai, đến từ
đâu mà có phát ngôn kiểu "đường Hồ Chí Minh trên không", "giải
phóng Sài Gòn", hay "mười sinh viên Hải Dương làm việc bằng ba mươi
người Sài Gòn" ....em đều phản ứng cả. Đây là vấn đề về văn hóa ứng xử và
giáo dục. Nếu kỳ thị vùng miền thì em đã không kết bạn cùng những người bạn xứ
bắc. Em cũng chưa bao giờ phát ngôn kiểu bọn bắc kỳ nó thế này, thế nọ... Việc
em chia sẻ, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn em chưa bao giờ bỏ một giây ra để
nghĩ ngợi xem họ là người ở đâu, nam hay bắc hay trung, tôn giáo nào...Em trước
đây và bây giờ vẫn luôn chống lại tất cả sự kỳ thị. Chả lẽ vì các em ấy đến từ
miền bắc rồi các em ấy giở giọng trịch thượng, em phải im đi vì sợ mang tiếng
kỳ thị vùng miền??? Đúng là các em sinh viên bị lợi dụng để tuyên truyền.
Nhưng phát ngôn là của các em ấy kia mà chị ? Chả có tuyên giáo nào đưa ra thay
các em ấy nên không thể nói các em ấy vô can đâu. Thử hỏi trong các em ấy, ai
đã từng vào Sài Gòn trước đây và làm việc chung với đội ngũ nhân viên y tế
trong này đủ lâu để có thể tự tin phán mười sinh viên Hải Dương làm việc
bằng ba mươi người Sài Gòn? Số liệu ở đâu? Căn cứ vào cái gì ? Là những bác
sĩ tương lai nhưng sao lại đưa ra một kết luận không có chút cơ sở khoa học vậy
sao ? Thật đúng là sinh viên trường y cấp tỉnh mà cứ nghĩ mình là tinh hoa cấp
vũ trụ là đây chứ đâu.
Sài Gòn với dân
số chính thức gần 9.000.000 người (thống kê năm 2019), còn không chính thức có
lẽ phải trên 10.000.000 người. Chỉ với 300 em sinh viên thì em không thể tin dựa
vào các em ấy có thể xoay chuyển thế cục cả Sài Gòn nhưng các em cứ tự cho mình
là đấng cứu rỗi, bậc cứu thế. Có nực cười quá không chị ? Nếu truyền thông lề đảng
thổi phồng làm các em bay bổng lên chín tầng mây thì hãy để người Sài Gòn như
em đây đưa các em ấy về mặt đất.
Ngày em còn là một
đứa trẻ, em được mẹ dạy rằng giúp ai cũng đừng làm họ tủi thân vì hoàn cảnh yếm
thế của mình. Của cho không bằng cách cho. Vì vậy, dù là một người ít chữ và bộc
trực nhưng khi san sẻ với ai em cũng cố gắng dùng câu chữ sao cho nhẹ nhàng, dễ
nghe nhất. Các em sinh viên trẻ nhưng không còn nhỏ, cũng đã thành niên rồi, phải
biết tiết chế lời nói của mình chứ? Đứa trẻ học ăn chỉ cần một vài năm, nhưng học
nói là chuyện cả đời ai cũng phải học. Chả thế mà có câu ăn bậy được chứ không
thể nói bậy.
Cụm từ "giải
phóng Sài Gòn" là một ký ức đau thương, bi phẫn của người Sài Gòn suốt
46 năm qua. Nhập gia phải tùy tục, nếu các em ấy chưa biết thì rất cần phải biết
ngay từ bây giờ. Nếu ta không nói, chả lẽ lại để cho VC mặc sức nhồi sọ các em?
Ngày em bằng tuổi các em ấy bây giờ em cũng đỏ rực, đúng kiểu bê hồng. Nhưng rồi
nhờ những lời nói thật (đau như tát vào mặt) của người đi trước mà em đã tự tìm
hiểu thêm rồi dần dần thoát khỏi tuyên truyền của Việt cộng. Có những việc vì
thương, vì quý nên mới nói chị ạ. Trước đây em có một thói quen, em buồn lòng
ai là em tránh xa chứ không bao giờ nói ra hay bày tỏ gì cả. Sau này, nhờ bạn
bè nhắc nhở, em đã sửa đổi.
Em có một chị bạn
thân người bắc, chị ấy là trí thức, là một người tử tế và ấm áp dẫu đôi khi rất
ngô nghê. Em quý chị ấy lắm và em có thể nói em luôn đặt chị ấy trước bản thân
mình. Nhưng có những việc chị ấy làm em buồn, rất buồn, ngày qua tháng lại suốt
mấy năm trời sát cánh bên nhau, việc em buồn, tổn thương là vô kể. Đến một
ngày, sau khi gom đủ thất vọng, em nhìn vào mắt chị ấy thở dài và nói: "
Có lẽ bao lâu nay chỉ có em coi chị là chị em còn chị thậm chí đến việc coi em
là bạn cũng chưa từng". Chị ấy hoảng hốt đến suýt khóc. Và em cảm thấy thật
may mắn vì em đã nói ra, chị bạn em không hề cố ý làm em buồn, chưa từng. Chỉ
là chị ấy không hiểu những việc em cho là đương nhiên ấy. Mà người bạn của em
là trí thức, đi nhiều nơi, sống nhiều chỗ, tiếp xúc với rất nhiều thành phần xã
hội từ đông sang tây, tuổi đời ngoài 40 chị nhé.
Thế nên em phản ứng
(không phải tấn công hay sỉ vả) với các em sinh viên Hải Dương không phải vì em
kỳ thị hay ghét bỏ các em ấy mà bởi vì em mong rằng các em ấy đừng trở thành
công cụ lợi dụng của tuyên giáo nữa. Phải biết mình là ai, đứng ở đâu, bớt ảo
tưởng về bản thân đi, đừng tổn thương người Sài Gòn nữa, dẫu là vô ý. Sự hòa hợp
luôn phải đến từ hai phía. Cũng không phải em chưa từng nếm thử mùi vị bị kỳ thị
mà em nói như thế. Thời sinh viên, em phải đi làm thêm để kiếm sống. Những năm
cuối thập niên 90 khi Việt Nam vừa mở cửa, khi đó em đang làm thêm ở một khách
sạn lớn của Sài Gòn, sếp và khách đa phần là người nước ngoài. Họ khinh rẻ nhân
công người Việt ra mặt, chứ đâu cần bận tâm che giấu. Nhưng hơn 20 năm nay, em
có không ít bạn bè người nước ngoài, thậm chí bạn thân nhất của em còn là một
người da màu có quốc tịch Mỹ. Em đã bước qua sự kỳ thị đó như thế nào? Bước qua
bằng cách cố gắng sống đàng hoàng, ngay ngắn và tự trọng ạ. Khi mới bắt đầu học
tiếng Anh em có học một câu rất ngắn, nhưng em ghi sâu trong lòng đến tận hôm
nay "Respect is earned, not given".
Em nghĩ rằng lời
nói thật tạo ra sự rạn nứt (có thể), nhưng lời nói dối tạo ra sự đổ vỡ (chắc chắn)
nên dầu thế nào em cũng muốn nói ra sự thật là em tổn thương, người Sài Gòn bị
tổn thương vì lời nói của các bạn sinh viên Hải Dương. Việc làm tình nguyện là
đáng quý, nhưng không ai ép bạn làm thế cả. Nhắm làm được thì làm, không thì
thôi. Hơn một tháng nay em và bạn bè cũng tất bật ngày đêm san sẻ với các hoàn
cảnh khó khăn. Nắng chiếu thiêu da hay mưa lạnh tát vào mặt, đói đến run cả tay
chân, nuốt vội lát bánh mì hay viên kẹo rồi lại tất tả vào việc là bình
thường. Tụi em không muốn và cũng không cần ai mang ơn mình cả. Tụi em làm vì
lương tâm chúng em muốn thế. Em nói ra để chị em cùng thấu hiểu chứ không phải
để kể lể hay sa lầy vào cái bẫy phân biệt vùng miền. Bởi em biết trong những
ngày Sài Gòn đang cơn nước sôi lửa bỏng này, rất nhiều người bạn hay chưa hề
quen biết trên khắp mọi miền đất nước từ Cao Bằng cho đến Cà Mau đều gửi gắm tấm
tình, quan tâm ủng hộ, nhường cơm xẻ áo với Sài Gòn. Ơn này không chỉ riêng em
mà người Sài Gòn sẽ ghi khắc trong lòng. Nhưng người Sài Gòn sẽ không hoan
nghênh những kẻ kệch cỡm, lên giọng mẹ thiên hạ kể cả khi đang bị trọng thương.
Vài lời em xin gửi đến chị, mong chị tường minh.
------------------------------------
Bài liên quan:
1.
Cẩm nang để
người Miền Nam ra Bắc được an toàn http://quangdonquixote.blogspot.com/2019/11/chinh-quoc-duong-cam-nang-e-nguoi-mien.html
2.
Cẩm nang ứng
xử cho người Bắc khi chuyển vào sống ở Miền Nam http://quangdonquixote.blogspot.com/2019/10/cam-nang-ung-xu-cho-nguoi-bac-khi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét