Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

HOÀNG HẢI VÂN: TỰ CHỮA BỆNH TRĨ KHÔNG KHÓ

 TỰ CHỮA BỆNH TRĨ KHÔNG KHÓ

(Tái bản theo yêu cầu của nhiều người). Đeo một cục trĩ dưới đ.ít, nó muốn to hay muốn nhỏ, muốn co vào hay muốn thò ra là theo ý nó chớ không theo ý ta, quả là điều phiền phức nhất trên đời.

Các phương pháp chữa trĩ hiện nay na ná như … kiểm soát quyền lực. 

Cắt phăng nó đi giống như cách chức đưa vào lò một ông lạm dụng quyền lực, thì ngay chỗ đó tương lai sẽ mọc lên một ông lạm dụng quyền lực khác, tức là sẽ có một cục trĩ tái sinh ngay vào dấu cắt. Y thuật ngày nay có thể không cần cắt mà sử dụng dược liệu hoặc thủ thuật làm đứt đường dinh dưỡng của cục trĩ khiến cho nó rụng đi, về bản chất cách này không khác gì là cắt bỏ. 

Các cách chữa trĩ khác thì đại khái giống như nhốt quyền lực vào cái lồng, tức là tuy bạn không còn cảm thấy nó nhưng nó vẫn “ẩn dật” đâu đó trong đ.ít bạn và luôn luôn có nguy cơ sổ lồng thò ra.

Nếu như bạn vào mạng search về bệnh trĩ vài lần, thì sau đó mọi loại thầy chữa trĩ sẽ tự động trôi vào trang chủ facebook của bạn. Ấy là do cái con trí tuệ nhân tạo nghĩ rằng bạn đã bị bệnh trĩ nên nó đưa bạn vào danh sách khách hàng để các thầy trĩ quảng cáo. Nhiều thầy cam kết bảo đảm tiêu diệt cục trĩ vĩnh viễn, nhưng vấn đề là các thầy không cho bạn biết thuốc của họ làm bằng các nguyên liệu gì, nghĩa là thầy có thể làm tiêu hay làm rụng cục trĩ của bạn nhưng khi nó sổ lồng thò ra thì bạn lại phải mua thuốc của ông/bà thầy đó, chẳng có thầy thuốc nào trên đời chịu trách nhiệm về một căn bệnh tái phát cả.

Nói dài dòng như thế để giới thiệu một hảo công phu. Bạn có thể tự mình áp dụng công phu này, chẳng phụ thuộc vào thầy nào thuốc nào. Tôi dĩ nhiên không phải là một lang băm, đơn giản là tôi chỉ hướng dẫn miễn phí với vài thứ dược liệu hoàn toàn không độc hại. 

Công phu này đã được vài người bạn của tôi áp dụng thành công mỹ mãn. Các bạn tôi tuy không đánh giá cao mấy “y thuật” của tôi, nhưng rất tin tưởng vào sự tìm tòi lý giải của tôi nên đã tự nguyện mang cái đ.ít của mình cống hiến cho "y thuật" của tôi. Công phu này chỉ với 2 thứ ai cũng có thể kiếm được : Lá bàng và mật ong rừng. Đơn giản như thế này :

Bạn hái một mớ lá bàng tươi, không quan trọng liều lượng, cho vào nồi cùng một nắm muối nấu lấy nước. Đổ nước này vào một cái chậu, chờ cho giảm nhiệt độ, sao cho bạn có thể thò tay vào không thấy quá nóng (trên mức ấm và dưới mức nóng phỏng đ.ít). Bạn bố trí cái chậu làm sao có thể ngồi lên ngâm cái đ.ít có cục trĩ của mình ngập trong nước. Nếu bố trí được cái chậu có thể ngồi một cách thoải mái, dù cục trĩ của bạn bị sưng tấy và đau nhức, thì ngâm vào thứ nước này bạn lập tức thấy dễ chịu, đến mức trong thời gian ngâm đít trong vòng ít nhất 15 phút bạn có thể dùng điện thoại chém gió. 

Sau  khi ngâm đ.ít, bạn không cần rửa mà dùng khăn sạch lau khô. Sau đó, bạn lấy mật ong rừng bôi vào cục trĩ, có thể dùng một miếng gạc tẩm mật ong đắp vào hoặc cách gì tùy ý miễn sao toàn bộ cục trĩ đều được bôi mật ong. Bôi xong, bạn nằm trên giường đọc sách hoặc chém gió vô tư. Mỗi ngày bạn làm 2 lần như vậy, một lần vào ban ngày tại thời điểm thích hợp và một lần vào ban đêm trước khi đi ngủ.

Cần chú ý : sau khi đi ngoài, rửa nước bình thường, nhưng nên rửa lại bằng nước lá bàng . Sau khi ngâm nước lá bàng và bôi mật ong thì không cần rửa, vì bản thân mật ong có tác dụng sát khuẩn rất tốt, khi lưu giữ trong da còn có tác dụng nhuận da và bảo vệ da ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn. Tóm lại là với mật ong rừng, bạn có thể bôi lên người mọi lúc mọi nơi hoặc khi dính trên tay bạn có thể xoa lên mặt, cả tay cả mặt không cần rửa. Riêng đối với mật ong bán trên thị trường tôi không đủ căn cứ để bình luận về chất lượng.

Bạn tôi bị trĩ rất nặng (trên cấp độ 3), làm theo cách này 3 ngày thì cục trĩ co vào hẳn và đến ngày thứ  5 thì không cần ngâm nữa nhưng không còn cảm giác có cục trĩ dưới đ.ít, sau 10 ngày thì cảm thấy cái đ.ít của mình hoàn hảo như chưa từng bị trĩ. 

Tất nhiên mỗi người có cơ địa khác nhau, nên thời gian áp dụng cũng sẽ không giống nhau. Và nguyên nhân sinh ra bệnh trĩ ở mỗi người cũng khác nhau, đó cũng là vấn đề rất quan trọng. Bởi vậy, để bệnh trĩ không tái phát, ngoài công phu như nói ở trên, còn phải đặc biệt chú ý :

1- Ăn uống thuận với tự nhiên, tránh tối đa các thức ăn công nghiệp hoặc tẩm hóa chất. Việc ăn uống trái tự nhiên cũng là nguyên nhân quan trọng phát sinh bệnh trĩ.

2- Bớt hằn học cay cú với cuộc đời, nên mở rộng lòng khoan dung đối với những người xung quanh. Khó tánh cũng là nguyên nhân sinh ra bệnh trĩ, nên người dễ tánh ít bị trĩ hơn là người khó tánh.

3- Bớt tham vọng đè đầu cưỡi cổ thiên hạ. Kẻ theo đuổi nhiều tham vọng sẽ khiến lục phủ ngũ tạng bị trục trặc rất dễ phát sinh bệnh trĩ. Hình như các chính trị gia nhiều người bị trĩ hơn là người bình thường.

4- Cuối cùng là bớt chém gió. Lục phủ ngũ tạng của những kẻ muốn dạy thiên hạ thường không hanh thông nên tỷ lệ bị trĩ nhiều hơn là những người sống khiêm nhường.

Hết rồi ạ 😛

HOÀNG HẢI VÂN

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2022

Phạm Thị Hoài: NGÔN NGỮ BÁ QUYỀN

NGÔN NGỮ BÁ QUYỀN

Phạm Thị Hoài.

Trong một tiểu luận trên The New York Times Book Review năm 1985, Milan Kundera kể rằng ngay sau Mùa Xuân Praha ông bị treo bút. Một đạo diễn muốn giúp ông mưu sinh bằng cách đứng tên để ông chuyển thể tiểu thuyết Chàng ngốc của Dostoyevsky thành kịch bản sân khấu. Song khi đọc lại tác phẩm ấy, ông từ chối, dù chết đói cũng không thể bước vào "cái vũ trụ đầy những điệu bộ quá khích, những vực thẳm u ám và sự mùi mẫn hung bạo" của Dos. Không phải ông bài Nga từ tâm thế công dân của một quốc gia đang bị Liên Sô cưỡng chiếm. Ông vẫn giữ trọn tình yêu Chekhov, nhưng vô cùng dị ứng với thứ khí hậu trong các tác phẩm của Dos. Ở đó tất cả đều bị cảm xúc hóa và cảm xúc trở thành tiêu chí của chân lý, có thể biện minh cho mọi hành động. Tình cảm dân tộc cao quý nhất sẵn sàng biện minh cho tội ác khủng khiếp nhất và người ta nhiệt thành ưỡn ngực thực hiện những hành vi tàn bạo nhất nhân danh tình yêu. Quý vị cứ giết người đi, xong thì đấm ngực, phanh trái tim nồng nàn ra là được. Là trật tự đạo đức lại vãn hồi. Viên sĩ quan Sô-viết khám xe ông xong cũng tuyên bố rất yêu người Tiệp, tiếc rằng người Tiệp không chịu hiểu, không chịu chung sống với tình yêu đó, vì thế Liên Sô buộc phải dùng xe tăng để dạy Tiệp bài học về tình yêu. Tâm hồn Nga thừa cảm xúc mà thiếu lý trí và đại diện đáng ngại nhất là Dos. Đối trọng của nó là lý tính phương Tây, lên ngôi với Phong trào Phục Hưng, mở đường cho khu vực này bứt phá lên một tầm văn minh dẫn dắt thế giới.

Không lâu sau, một bài viết phê phán Kundera kịch liệt và nồng nhiệt bênh vực Dos xuất hiện, cũng trên trang Book Review của tờ Times, tác giả là một đại diện danh tiếng khác của văn giới Đông Âu lưu vong ở phương Tây: Joseph Brodsky.

Tôi vốn thích Brodsky hơn Kundera nhiều. So với nhà thơ Nga chói chang, giễu cợt, ngạo nghễ và tráng lệ ấy thì nhà văn Tiệp thâm trầm quảng bác kia luôn có chút gì như một công chức văn hóa quá mực thước. Lần này tôi cũng thích lập luận của Brodsky hơn, rằng không thể đơn giản đem thời cuộc vận vào nghệ thuật như thế, bởi lẽ nghệ thuật lâu đời và tất yếu hơn tất cả những thứ trọng đại, nào chính trị, nào tín điều, nào phe phái và hình thái tư tưởng. Và nếu Kundera đã quyết trộn cả Dos, Liên Sô, phương Đông, chủ nghĩa duy cảm vào cùng một bản cáo trạng thì cũng nên rà lại cái phương Tây văn minh kia, vì rốt cuộc thì bộ Tư bản được dịch từ tiếng Đức sang tiếng Nga, và bóng ma cộng sản đậu xuống phương Đông sau khi đã lang thang khắp phương Tây duy lý. Một lần nữa trí tuệ riết róng của Brodsky phân tích, rằng cặp phạm trù Tốt-Xấu của chúng ta nguyên ủy là sự phân biệt Đẹp-Xấu, là cảm quan mỹ thuật trước khi phái sinh thành cảm quan đạo đức phân biệt Thiện-Ác. Mỹ học quyết định nhân cách, đạo đức và tư tưởng chứ không ngược lại. Một sự cẩu thả nhỏ nhất trong chữ nghĩa có thể kéo theo một quyết định sai lầm trong cuộc đời. Người có thẩm mỹ vững chắc, nhất là trong phong cách, khó rơi vào cái bẫy của những điệp khúc thô thiển và những bùa chú rộn ràng đặc trưng cho mọi hình thức chính trị mị dân.

Brodsky vẫn cực đoan như thường lệ, song lần này sự võ đoán của ông không ngoạn mục như những khi nó thuần túy là vũ khí để chàng hiệp sĩ cuối cùng của nghệ thuật ngôn từ ấy bảo vệ thánh địa thơ ca. Lần này nó xông ra, khá dữ tợn, để nhiếc móc Kundera và những ai không ưa Dos, tất nhiên không chừa cả Nabokov - người đồng hương lừng lẫy mà những phán xét thậm tệ về Dos đã thành huyền thoại -, và để giương cao ngọn cờ Dos còn thì văn hóa Nga còn. Văn hóa Nga còn thì đế chế Nga còn. Brodsky sống đời cầm bút như một mệnh lệnh tuyệt đối về tinh thần duy mỹ của cá nhân người nghệ sĩ, đứng ngoài mọi hệ lụy của thể chế và thời cuộc. Song nhà thơ đã đối đầu không khoan nhượng với đế chế Sô-viết ấy lại nuối tiếc một Tổ quốc là đế chế Nga hay đế chế văn hóa Nga mênh mông, nơi tiếng Nga yêu dấu của ông là ngôn ngữ bá quyền và cùng với nó là sự bá chủ của văn học Nga. Điểm mù ấy của ông rồi sẽ kéo theo một khoảng tối bất ngờ, một vết nhơ trên ve áo tuyệt đẹp của một bản lĩnh nghệ thuật khác thường.

Xung đột của ông với Kundera không ngẫu nhiên. Trước vụ hạ bệ Dos nói trên, trong tiểu luận vang dội “Un Occident kidnappé, ou la tragédie de l’Europe centrale” trên tạp chí Le Débat năm 1983, Kundera đã nêu bật sự khác biệt giữa Trung Âu và Nga, miêu tả "bi kịch của Trung Âu" trong sự giằng xé giữa phần hồn là cội nguồn văn hóa vốn thuộc về châu Âu và phần xác là hệ thống chính trị đã bị Nga đô hộ, và đưa ra luận điểm: Trung Âu là phần phương Tây "bị bắt cóc, phải lưu vong, chịu tẩy não nhưng vẫn luôn kiên trì bảo vệ căn tính của mình". Một hội thảo văn học vài năm sau ở Lisbon chứng kiến chiến tuyến giữa phe Nga với sự tham gia của Brodsky và phe Trung Âu với sự ủng hộ của các nhà văn phương Tây có mặt như Susan Sontag, Salman Rushdie, Derek Walcot, phê phán chủ nghĩa thực dân của nhà nước Sô-viết, đặc biệt là chính sách Nga hóa ngôn ngữ và văn hóa của mọi dân tộc trong đế chế cộng sản đó. Brodsky kiên quyết bác bỏ quan điểm mà ông cho là bài Nga mù quáng và vô dụng ấy của các nhà văn Tiệp, Ba Lan, Hungary và Nam Tư, trong đó có người bạn vong niên thân thiết Czesław Miłosz. Nhưng đó chưa phải điểm dừng của một mê lộ.

Khi Ukraine tuyên bố độc lập, rời Liên bang Sô-viết năm 1991, Brodsky viết tác phẩm đặc biệt nhất trong sự nghiệp của mình, bài thơ "Về nền độc lập của Ukraine" (На независимость Украины). Nhà thơ từng tuyên bố, cứ chống Sô-viết là đứng về phía lẽ phải, bỗng giận tím tái vì bọn nhãi Cô-dắc đầu trọc tóc mào dám hỗn hào bước khỏi quỹ đạo khổng lồ của nền văn minh Nga. Ông thấy mình và dân tộc Nga bị sỉ nhục bởi một lũ ly khai thô tục đang hí hởn đòi dựng một quốc gia Ukraine vốn chưa từng tồn tại. Ông mạt sát bằng những lời cay độc. Ông muốn nhổ một bãi xuống sông Dnepr cho nó chảy ngược về Nga. Ông đe, này đồ cặn bã, đồ chui ra từ lỗ nẻ, tưởng thế là ngon hả? Bỏ ta thì ta buồn năm phút, nhưng bọn Ba Lan hay bọn Đức sẽ cho mi nhừ đòn, rồi sẽ biết thế nào là ác mộng nhé. Mi muốn tàn đời trong u mê tăm tối hay sớm muộn sẽ rập đầu bó gối về với nước mẹ Nga thiêng liêng, hỡi đám nông nô vô ơn? Và ông tiên đoán: này lũ khốn, phút đau đớn cào giường cấu chiếu lìa đời, rồi mi sẽ quên sạch Taras (Shevchenko, thi hào Ukraine) nhảm nhí để thầm thì những áng thơ thứ thiệt của Alexander (Pushkin, thi hào Nga).

Có thể Pushkin xuất sắc hơn Shevchenko hay ngược lại, song xung đột dân tộc không phải là một cuộc tranh tài thơ phú. Hãy hình dung, một nhà thơ Trung Quốc mỉa vào mặt người Việt rằng này lũ mọi, chống Tàu thì cứ việc, ta chẳng chấp, nhưng lúc chết thì mi sẽ quên phắt Nguyễn Du nôm na để ngẩn ngơ ngâm Đường thi Đỗ Phủ!

Đôi khi tôi biết ơn lịch sử đã không để tiếng Việt có cơ hội thành một ngôn ngữ bá quyền. Ngoài sự thống trị tuyệt đối với ngôn ngữ của 53 sắc tộc khác trong phạm vi bờ cõi – tiếng nói của người Kinh đương nhiên bá chủ - nó chưa bao giờ là một công cụ của quyền lực mềm, theo chân người Việt đi chinh phục thế giới. Ở hải ngoại hiện tại với 4 triệu người sử dụng, nó không thực sự truyền bá văn hóa Việt Nam, có chăng chỉ mong làm phần nước sốt rưới lên một món đồng hóa toàn cầu nào đó cho phảng phất mùi vị Việt. Chỉ số ảnh hưởng của nó không đáng kể, song chỉ số hòa bình có lẽ cao.

Tôi đoán rằng Joseph Brodsky sẽ chẳng bận tâm nếu lãnh thổ hay quyền lực chính trị của đế chế Nga chỉ còn bằng kích thước con búp bê Matryoshka bé nhất khi lớp trong lớp ngoài đã tháo hết. Song sự nuối tiếc quyền lực của cái ngôn ngữ mà ông say đắm, trong một cơn đau mù quáng, đã biến một nhà thơ tận cùng duy mỹ thành một chiếc loa phóng thanh chính trị, dù bài thơ về Ukraine ấy vẫn đậm thi pháp Brodsky. Nó được truyền thông Nga bình chọn là bài thơ xuất sắc nhất năm 2014, sau vụ sáp nhập Bán đảo Krym. Và trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine từ gần nửa năm nay, nó cũng nổi tiếng như một sản phẩm ngôn ngữ khác: chữ Z. Một thứ không hề có trong bảng chữ cái tiếng Nga. Một thứ xiển dương tiếng Nga bá quyền. Ngôn ngữ có thể dã man. Tình yêu có thể sát thương. Tình yêu ngôn ngữ có thể hủy diệt.

Tuần báo Trẻ, 18.08.2022

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

"ĐÊM QUAN HỌ BÃO TÁP VÀ CÁI KẾT"

 Copy từ Facebook Pham Mylan.

"ĐÊM QUAN HỌ BÃO TÁP VÀ CÁI KẾT"

- Đả đảo văn công! Hạ màn xuống!

- Cất hết đi! Lãng mạn! Suy đồi!

- Đả đảo hòa bình chủ nghĩa! Đả đảo hưởng lạc!

- Chim chuột nhau trên sân khấu đấy! Đả đảo!

- Mèo mả gà đồng! Hạ màn xuống ngay!

Đấy là tiếng thét kinh người mà nhà thơ Hoàng Cầm ở tuổi 85 (năm 2007) - 9 năm trước khi vĩnh viễn nằm lại "Bên kia sông Đuống" nhớ lại. Những âm thanh kinh người kia là để phản đối ông trong tư cách Trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị - phản đối 20 phút quan họ mà ông trưởng đoàn này "dám" đưa lên sân khấu ngay trong đêm liên hoan mừng chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Hôm ấy Hoàng Cầm quyết định chọn 10 tiết mục, trong đó nhất thiết phải có một tiết mục về tình yêu, vì theo ông "như thế nó mới trọn vẹn". Hoàng Cầm kể lại: "Sau hàng loạt các bài hát khí phách, khiến hội trường cảm kích, vỗ tay rào rào như " Hò kéo pháo", "Quê em miền trung  du", "Trường ca sông Lô", "Du kích sông Thao"..., sân khấu cất lên môt màn quan họ. Tôi bảo tốp nữ hát phải thật bay bướm, cái nón quai thao phải thật e ấp, nửa thẹn thùng bỡ ngỡ, nửa mở ra tròn trịa mời đón người tình: " Yêu nhau cởi áo cho nhau/Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay...". Mặc dù đã dè chừng, đã tiên liệu thái độ của những vi sĩ quan vừa trở về từ khói lửa, nhưng đến câu thơ đỉnh điểm chót vót của tình yêu nam nữ: "Gió giục cái đêm đông trường/Nửa chăn nửa chiếu nửa giường để đó chờ ai..." thì hàng thứ tư xuống đến vài ba hàng nữa, các vị cán bộ trung đoàn đã bắt đầu ghé tai nhau bàn về một cái gì đó hơi nghiêm trọng. Đến khúc hát thứ ba, từ hàng ghế thứ tư phía bên trái sân khấu nhìn xuống, một tiếng sét đã nổ ra, dữ dội đến mức tôi giật thót người, chân tay run lật bật: Hạ màn xuống! Đả đảo!/Đả đảo văn công! Hạ màn xuống...".

Cùng với những tiếng kết tội đanh thép đến kinh người ấy, một góc hội trường xôn xao khiến Hoàng Cầm phải run run giơ tay ra hiệu cho người phụ trách hậu đài hạ màn ngay tức khắc.

Bây giờ, hơn 60 năm sau nhìn lại chúng ta có thể bất ngờ với màn đả đảo quan họ mà Hoàng Cầm gọi là "Đêm quan họ bão táp" này. Thế nhưng trong bối cảnh mà chiến dịch Điện Biên Phủ vừa kết thúc, mùi khói súng lẫn vào mùi liên hoan, trong bối cảnh mà bữa tiệc khao quân còn bừng bừng khí thế của những con người vừa bước ra trong máu lửa huy hoàng của một cuộc chiến thì cái logic "đả đảo quan họ", "đả đảo lãng mạn suy đồi", "đả đảo anh anh  - em em, chim chuột nhau trên sân khấu" là điều dễ hiểu. Càng dễ hiểu hơn nếu biết rằng người phát súng lệnh cho màn đả đảo đó là Trung đoàn trưởng, phụ trách tác chiến thuộc Bộ tham mưu chiến dịch Điện Biên Phủ - Thái Dũng, người tham gia đánh chiếm đồi A1, người đã cụt một tay sau một trận chiến với địch năm 1946, ngừơi thường xuyên xuất hiện trên những trang báo nóng hổi ở Paris, Hà Nội, Sài Gòn trong hình tượng của một ông "quan năm cụt tay" cực kỳ lẫm liệt. 

Sau này, ông "quan năm cụt tay" lý giải cho hành động đả đảo quan họ của mình: "Từ năm 15 tuổi tôi theo cách mạng, 17 tuổi đi đánh trận, cứ liên miên trận mạc, rồi kiểm điểm, rồi tập luyện, rồi chỉnh huấn, chỉnh quân, tôi chưa thấy đoàn văn công nào hát những lời thế bao giờ. Quanh năm tôi chỉ lo sao cho trận nào mình chỉ huy cũng phải thắng. Cấp dưới mà có anh nào lơ là, nhớ nhà, nhớ vợ con là tôi "chỉnh" ngay, có khi đuổi ra khỏi đơn vị. Vì thế cái tính thẳng thắn, cứng ngắc ấy nó quen đi rồi, nên tôi mới quát to như thế, thành ra có lỗi. Nhưng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Đúng nó là dân ca từ xưa, nhưng anh Hoàng Cầm cố tình đưa ra lúc này, khi mà Bác Hồ vừa nhắc nhở toàn quân, toàn dân rằng chiến thắng Điện Biên mới là bước đầu. Chúng ta còn phải gian khổ chiến đấu đến khi thống nhất đất nước, thì cái màn hát đó chỉ làm giảm ý chí chiến đấu quân đội. Rõ ràng đây là sự tỏ tình thô lỗ, "yêu nhau cởi áo cho nhau", rồi con gái chờ con giai về nửa đêm, nửa chăn nửa chiếu nửa giường để đó chờ ai. Thật là như xúi dục chuyện trai gái nhảm nhí, có phải là giảm ý chí chiến đấu của bộ đội không?".

Nếu cứ theo cái suy nghĩ và cái logic "đả đảo quan họ" của ông Thái Dũng, người mới chỉ là Trung đoàn trưởng thì chúng ta có thể tưởng tượng xem những vi tướng có mặt trong lễ khao quân hôm đó như Tổng tư lệnh - Bí thư Tổng quân ủy Võ Nguyên Giáp và Phó bí thư Tổng quân ủy - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh cũng sẽ "đả đảo", sẽ giận dữ, sẽ nổi trận lôi đình như thế nào? Vậy mà bất ngờ thay và "phi logic" thay, trong khi các đại biểu ngồi im lặng thì tướng Thanh bước lên sân khấu nói to:

"Các ông làm loạn đấy à? Kia, có phải ông Thái Dũng không? Các ông toàn là quân đội lâu năm, các ông vô kỷ luật đến thế à? Tổng cục nuôi đoàn văn công để văn công nuôi lại các ông, nuôi toàn quân đội bằng những món ăn tinh thần. Vậy mà các ông chưa chi đã đả đảo người nuôi mình. Các ông vừa chiến thắng xong một trận lớn thật đấy, nhưng vẫn là nhỏ so với công lao xây dựng quân đội của dân. Đáng lẽ tôi thi hành kỷ luật các ông ngay lập tức, nhưng thôi, đây là tiệc mừng, các ông vừa chiến thắng, các ông hách dịch, ra oai tôi tạm tha. Vậy bây giờ ông nào không ưa văn công nữa, xin mời các ông về mà ngủ, ông nào muốn xem tiếp thì ở lại, nhưng phải trật tự, kỷ luật. Nào ai về thì về đi".

Trích: Nguyễn Chí Thanh những góc nhìn từ hậu thế.

Ảnh: Một buổi biểu diễn văn nghệ tại mặt trận Điện Biên Phủ

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

BÁN HÀNG ĐỈNH NHƯ CHỊ BÁN ỚT

 BÁN HÀNG ĐỈNH NHƯ CHỊ BÁN ỚT

Khách hàng hỏi “ớt có cay không”, thì trả lời sao bây giờ?

Những người bán ớt sẽ luôn gặp phải câu hỏi như thế này, “ớt của anh (chị) có cay không?”, gặp câu hỏi như thế thì phải trả lời sao đây nhỉ?

Nếu nói cay, những người sợ cay, họ sẽ bỏ đi ngay; còn nếu bảo không cay, cũng có thể khách hàng lại là người thích ăn cay, như vậy việc làm ăn lại gặp rủi ro.

------------------------

Một ngày kia, không có việc gì làm, tôi đến đứng bên cạnh chiếc xe ba gác của một chị bán ớt, thử xem chị ấy giải quyết hai vấn đề hoàn toàn tương phản này như thế nào. Nhân lúc không có người đến mua, tôi cố làm ra vẻ thông minh mà nói với chị ấy rằng:

“Chị hãy chia số ớt này thành hai đống đi, nếu có người muốn mua cay thì cho họ đống này, còn nếu không, thì cho họ đống kia”.

Chị bán ớt cười với tôi, dịu dàng nói: “Không cần đâu!”

Đang nói thì một người đến mua, và điều thần kỳ đã xảy ra, rốt cuộc bà chủ đã nói thế nào nhỉ? Hãy mau xem tiếp…..

Quả nhiên chính là hỏi câu đó: “Ớt của chị có cay không?”

Chị bán ớt rất chắc chắn mà bảo khách hàng rằng: “Màu đậm thì cay, còn nhạt thì không cay!”

Người mua ngỡ là thật, chọn xong liền trả tiền, vui lòng mà đi.

Chẳng mấy chốc, những quả ớt có màu nhạt chẳng còn lại bao nhiêu.

Lại có khách hàng đến, vẫn là câu hỏi đó: “Ớt của chị có cay không?”

Chị bán ớt nhìn vào số ớt của mình một cái, liền mở miệng nói …..

Lần này bà chủ trả lời: “Ớt dài thì cay, ớt ngắn không cay!”

Quả nhiên, nguời mua liền dựa theo tiêu chuẩn phân loại của chị mà bắt đầu chọn lựa.

Kết quả lần này chính là, ớt dài rất nhanh đã hết sạch.

Nhìn những quả ớt vừa ngắn vừa đậm màu còn sót lại, trong lòng tôi nghĩ :

“Lần này xem chị còn nói thế nào đây?”

Tuy thế, khi một khách hàng khác hỏi: “Ớt có cay không?”

Chị bán ớt hoàn toàn tự tin mà trả lời rằng: “Vỏ cứng thì cay, vỏ mềm không cay!”.

Tôi thầm bội phục, không phải vậy sao, bị mặt trời phơi cả nửa ngày trời, quả thực có rất nhiều quả ớt vì mất nước mà trở nêm mềm nhũn đi. Chị bán ớt bán xong số ớt của mình, trước khi đi, chị nói với tôi rằng: “Cách mà cậu nói đó, thật ra những người bán ớt chúng tôi đều biết cả, còn cách của tôi thì chỉ có mình tôi biết thôi”.

Thật là thần kỳ vậy!

Thật ra bạn có bao giờ nghĩ rằng, những gì bạn bán đi không phải là hàng hóa, mà lại chính là …….

1. Đối với những khách hàng lạ, điều cần bán đi chính là sự lễ phép.

2. Đối với những khách hàng quen thuộc, điều cần bán đi chính là sự nhiệt tình.

3. Đối với những khách hàng nóng tính, điều bán đi chính là hiệu suất.

4. Đối với những khách hàng ngạo mạn, điều thật sự bán đi chính là lòng nhẫn nại.

5. Đối với những người có tiền, điều mà bạn bán đi chính là sự tôn quý.

6. Đối với những người nghèo khổ, điều bán đi chính là lợi ích thiết thực.

7. Đối với những người thời thượng, điều bán đi chính là sự sang trọng.

8. Đối với những người chuyên nghiệp, điều mà bạn bán đi chính là sự chuyên nghiệp.

9. Đối với những người hào sảng, điều mà bạn bán đi chính là sự phóng khoáng.

10. Đối với những người keo kiệt, điều thật sự bán đi chính là lợi ích.

11. Đối với những người sống hưởng thụ, điều cần bán đi chính là sự phục vụ.

12. Đối với những người hư vinh, điều bán đi chính là vinh dự.

13. Đối với những người hay bắt bẻ, điều bán đi chính là sự tinh tế.

14. Đối với những người hiền lành, điều cần bán đi chính là sự chân thành.

15. Đối với những người hay do dự, điều thật sự cần bán đi chính là sự đảm bảo.

Nếu như bạn muốn bán đi những sản phẩm của mình, có phải bạn thường hay nói với người tiêu dùng rằng sản phẩm của mình tốt như thế nào, sản phẩm của bạn có gì khác với những thứ khác, và sản phẩm của bạn rẻ như thế nào. Nếu như bạn bán hàng đều là dựa theo những cách này, thì bạn sẽ phát hiện rằng nhất định mình sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn.

“Công ty bán hàng hóa như thế nào, thường thường so với việc công ty bán những sản phẩm gì cũng quan trọng như nhau”

Đừng có vừa mới bắt đầu đã vội vàng bán sản phẩm, mà trước hết cần phải hỏi rõ vấn đề, nghe xem tiềm ẩn bên trong khách hàng cần những gì. Một khi biết được những yêu cầu tiềm ẩn bên trong của khách hàng, vậy thì việc bán hàng sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Chúc bạn có thể khởi đầu cho mình một công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió, và ngày càng phát triển.

Nguồn: Theo Tiểu Thiện, dịch từ cmoney.tw

Ảnh gốc: sưu tầm internet

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

FB Peter Pho: Đạo và Tiền

 Đạo và Tiền

Một học sinh nhắn tin cho lão, mong lão cho một chỉ dẫn về kiếm tiền. Em nói :”Khó quá thầy ơi, không biết bắt đầu từ đâu!”. Lão nói em phải nắm được Đạo, không nắm được thì không thể kiếm tiền. Không nắm được Đạo thì như mầy mò trong hầm tối không thoát được ra, như người mù sờ vào thân con voi nói rằng voi như bức tường, sờ vào chân voi nói rằng voi giống cột đình làng, sờ vào đầu voi nói voi giống cái đấu. Không có Đạo, không có thực lực, không có bản năng, không đủ đức độ để kiếm được tiền.

Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Thế giới ta bà bắt nguồn từ Đạo. Kẻ nào nắm được cái “Đạo” vô hình này thì có được tất cả. Trên đời có hai thứ gần nhất với phẩm chất của “Đạo”. Đầu tiên là "nước" và thứ hai là "tiền". Trong kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, thì Thuỷ đại diện cho “tiền”.  Bởi hai thứ này gần nhau nhất về chất lượng và hợp khẩu vị nhất. Người Hồng Kông hay gọi tiền là “Sủi” (nước). Ví dụ :”Hey, nỉ dảu kỷ tố sủi”, ( Này, anh có bao nhiêu tiền). Thủy vị tài, nên nhiều học trò thường đến xin lão phóng bút tặng bức thư pháp “ Trường lưu thủy”, ý nói tiền vào như nước. 

Cái gọi "Đại đạo là vô hình”, nước cũng vậy, nó không có hình dạng cố định, cho vào bình chứa hình gì thì thành hình ấy, trong hồ là hồ nước, ra sông thành dòng sông, ra biển thành đại dương. Dù đặt ở đâu cũng có thể hòa vào nhau nuôi dưỡng lẫn nhau. Nó chảy vào nơi trũng nhất, nơi nào cỏ cây khát nhất, nó làm tươi tốt vạn vật đến quên mình. 

Đồng tiền cũng vậy, nó chảy từ nơi này sang nơi khác, từ túi này sang túi khác, không bao giờ câu nệ chủ nhân của nó, ai xứng đáng nhất và ai thực sự cần nó nhất mà có duyên với nó, nó sẽ chảy đến tay ai. Nó luôn ở đó, luôn được khám phá bởi những người hiểu rõ đạo và tiền.

Đạo sinh ra vạn vật, và tiền cũng có thể sản sinh ra vạn vật. Tiền có thể thay đổi mọi thứ trên đời, chẳng hạn như hạnh phúc, sung sướng, mãn nguyện, danh vọng, địa vị, quyền lực, nhưng cũng sinh ra mưu toan, đau đớn, đấu đá, giết chóc, tù tội, tàn phá, hủy diệt…

Kiếm tiền, kiếm tiền, trên thực tế, nhiều người đã sai! Tiền không phải kiếm, mà là sau khi bạn giúp người khác giải quyết vấn đề của họ, họ trả công cho bạn. Bạn giúp được bao nhiêu người thì bấy nhiêu người cho bạn tiền. Bạn giải quyết được bao nhiêu vấn đề, thì có thể nhận được bấy nhiêu tiền. Những người chỉ nhất tâm kiếm tiền mà bỏ đi đạo lý làm người thì càng không kiếm được tiền. Bởi họ đã rơi vào cạm bẫy của đồng tiền. Đôi mắt mở to loé sáng chỉ lăm le vào tiền, nhưng họ không bao giờ nghĩ đến giá trị mà mình có thể mang lại cho người khác thì làm sao những người như vậy có thể kiếm tiền được?

Mỗi chúng ta nên suy ngẫm ba câu hỏi:

Giá trị và sứ mệnh tồn tại của bạn là gì? Bạn có thể giúp đỡ người khác bằng cách nào? Bạn có thể giúp thế giới giải quyết những vấn đề gì? Khi nào ba câu hỏi này được trả lời thích đáng, hợp lý, thì khi ấy bạn thực sự có thể bắt đầu kiếm tiền!

99% vấn đề trong cuộc sống có thể được giải quyết bằng tiền, duy chỉ 1% vấn đề không thể giải quyết bằng tiền.Tuy nhiên, chính 1% vấn đề này tạo ra 99% vấn đề còn lại. Điều đó có nghĩa là: chỉ bằng cách giải quyết vấn đề 1% thì vấn đề tiền bạc mới có thể được giải quyết.Tuy nhiên, người ta luôn đổ lỗi cho nhiều nỗi đau do “không có tiền”, ba chữ này thực sự mang quá nhiều oan trái. "Không có tiền" là một kết quả, và nó thường là kết quả của sự thiếu giá trị và nhận thức.

Con người thường chỉ chú trọng đến bản thân “tiền” mà không nghĩ đến những trở ngại về tư duy của bản thân và giá trị khiếm khuyết, chỉ muốn có lợi trước mắt mà không bao giờ muốn khắc phục nhược điểm của mình. Điều này dẫn đến một vòng luẩn quẩn ác tính là bạn càng muốn kiếm nhiều tiền thì ngược lại bạn càng kiếm được ít tiền. Giống như các thầy dậy kiếm tiền nhanh trong nghề đa cấp, trên bục giảng thao thao bất tuyệt, nói thánh nói gió, hô hồn nhập thể, khiến các học viên từ rạo rực đến bùng cháy. Cứ như kiếm tiền dễ như trở bàn tay, thò tay vào túi lấy kẹo. Thực ra các thầy đang đói meo bụng, khát cháy họng, thèm thuốc lá đến chết nhưng có tờ 100 hôm qua mua mẹ nó con đề. Không kiếm được tiền vì không phải đạo, không thực sự giúp được mọi người, chém gió cũng đòi có tiền? Không dễ à!

Đằng sau tiền phải là sản phẩm và dịch vụ, nếu bạn làm ra sản phẩm và dịch vụ đến mức cực điểm, tiền sẽ đến một cách tự nhiên. Như dồi lợn của vợ chồng Thành Hoa, như giò chả của Nhàn Giò Chả, những sản phẩm ngon cực kỳ thì tiền tự nhiên sẽ đến. 

Đằng sau những sản phẩm và dịch vụ là “Nhân tâm”, dù xã hội có thay đổi thế nào thì nhân tâm vẫn vậy. Đằng sau nhân tâm là “Đạo”, sau khi “đắc Đạo” thì rất dễ “hái ra tiền”.

Sự thật luôn nằm trong tay một số ít người - nói theo cách khác là: đại đa số người đều là những kẻ ngốc nghếch, không thể nắm bắt được chân lý, và do đó cuộc sống cả đời của họ bị chi phối bởi nhiều hình dạng thương mại khác nhau.

99% số người trên thế giới suốt ngày chỉ mơ tưởng một đêm đã phát tài, họ thích tất cả các loại kích thích phát tài ngắn hạn, họ không thích suy nghĩ và học hỏi, thích sổ số, lô đề, cờ bạc, thích đầu tư cổ phiếu trái phiếu, thích cả những thể loại kinh doanh đầu tư hút vốn tiền vào nhanh. Bản chất của nhà kinh doanh là dựa vào những điểm yếu này của con người để kiếm tiền. Nhất là các mô hình kinh doanh phi pháp.

Tất nhiên, có một tiền đề quan trọng ở đây, đó là trước hết bạn phải có khả năng khắc phục những điểm yếu này, chỉ khi khắc phục được những điểm yếu này, bạn mới có thể tránh cho mình bị vướng vào những hành vi kinh doanh đầy hầm hố, và bạn có thể đi lại tự do, ứng xử thoải mái trong xã hội con người.

Vì vậy, kinh doanh cũng là một loại tu dưỡng, là một quá trình để tâm mình ngày càng trưởng thành và hoàn thiện hơn. Để kiếm tiền, bạn phải liên tục từ bỏ những khiếm khuyết khác nhau trong bản chất con người.

Vậy đạo đức lớn nhất trong kinh doanh là gì? Chính là để thỏa mãn nhân tính. Có rất nhiều người trên thế giới này còn chưa chín chắn, thiếu lý trí và không thích suy nghĩ. Họ giống như những đứa trẻ khổng lồ chờ sữa mẹ. Bạn có thể đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người như vậy, và bạn có thể khiến họ sống trong bình yên vô sự và mình thì thu được về những khoản tiền chính đáng. Đấy là đạo đức, thậm chí là một công đức.

Tại sao hầu hết mọi người đều không thích hợp để phát tài? Mặc dù lợi ích của đồng tiền là rất lớn nhưng sự phản xung lực của nó còn dữ dội hơn, nếu một người không có đức hạnh cao, không có cống hiến, không trí tuệ thì khó có thể chống chọi được với phản ứng dữ dội này. Hãy nhìn xung quanh chúng ta, khi nhiều người kiếm được một số tiền nhất định, họ bắt đầu nông nổi, ra oai tác quái, họ kiêu ngạo, ngông cuồng, bỏ qua các quy tắc và đạo đức, phá hoại trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục. Sự giàu có cả đời của một người có một vạch giới hạn. Khi thói hư tật xấu của họ bị tiền bạc bộc lộ ra ngoài, cũng là lúc giới hạn tài phú đã hết. 

Hãy ghi nhớ năm câu sau:

Một: Khi bạn không có tiền, hãy chăm chỉ làm việc rồi cơ hội sẽ đến. Đấy gọi là “Thiên Đạo Thù Cần”. Đạo Trời sẽ đền đắp xứng đáng cho sự cố gắng nỗ lực của bạn.

Hai: Cơ hội đến, hãy thành tín đón nhận, tiền sẽ đến. Đấy gọi là thành tín vị bản. Lấy chữ “Tín” làm vốn cho mình.

Ba: Khi bạn có tiền rồi nên làm điều công đức, cho bớt đi một ít, mọi người ta sẽ tìm đến bên bạn. Đây được gọi là tán tài tích phúc.

Bốn: Khi có người rồi, nên san sẻ yêu thương, thì sự nghiệp sẽ đến, đó gọi là “Thượng thiện nhược thủy, hậu đức tải vật”. 

Năm: Sự nghiệp đến lại dùng trí tuệ thì hạnh phúc sẽ đến. Đây được gọi là “Đức hạnh thiên hạ”.

Tại sao các thánh nhân như Khổng Tử và Lão Tử không cần tiền? Trên thực tế, cái gọi là cần "tiền" của con người chỉ là cái cớ để cần những thứ khác, và nó là biểu hiện của sự khiếm khuyết bên trong chúng ta, chẳng hạn như nhu cầu cấp thiết muốn được chấp nhận ngay, hố sâu của lòng tham không lấp đầy, tính tự ti, mặc cảm cực độ. Thánh nhân thường là những người có nội tâm viên mãn, vì họ viên mãn nên họ không có gì để đòi hỏi. Không có ham muốn trần tục, thì có thể đạt được cảnh giới của sự đại nghĩa chính trực đáng kinh ngạc.

Tiền bạc chỉ là công cụ và thủ đoạn, có thể giúp chúng ta qua sông. Nhưng thánh nhân có thể qua sông chỉ bằng một ý nghĩ, một ý nghĩ vừa thoáng thì họ đã ở bờ bên kia. Thậm chí một ý nghĩ thôi, họ đã ở bên kia bờ Đại Tây Dương, trở về New York yêu thương…kkk

Mọi người luôn nghĩ rằng hạnh phúc là phải sở hữu một cái gì đó, nhưng ít ai nhận ra rằng “không có gì” cũng là một loại hạnh phúc, chẳng hạn như không ốm đau, không lo lắng, không hoảng sợ, không bất an ...

Thánh nhân không phải thanh cao, mà vì họ đã “đắc Đạo”. Bản thân họ là Đạo, cũng là tiền, nên họ không cần "tiền" nữa. Giống như sư phụ mà lão PP đã được gặp trên núi Long Hổ. Người đã là tiên, muốn gì chả biến ra được. Nhưng Người vẫn ẩn dật, đi theo đạo Kim Cương của mình, ở cõi trần nhưng sống thanh bạch như một đám mây, khi ẩn khi hiện, có không không có, thâm sâu nan tả. 

Bản thân thánh nhân sống như nước chảy muôn nơi. Giống như tiền bạc, họ được tất cả chúng sinh cần đến và được cúng dường. Thánh chỉ cần có giá trị, không cần kiếm tiền. Có giá trị quan trọng hơn nhiều so với việc kiếm tiền, bởi vì có giá trị là "tiền cầu người", còn kiếm tiền là "người cầu tiền", hai ý nghĩa hoàn toàn khác. Ví dụ, chỉ có lão PP mới viết được những lời quảng cáo hắc búa thu hút khách hàng nhất. Vậy là có các nhà kinh doanh tự động tìm đến nhà xin ra tay. Lão chẳng cần đi tìm tiền, tiền tự tìm đến nhà…kkk

Loại thuế đắt nhất trên thế giới được gọi là "Nhận thức” (Cognition), và mọi người phải trả cho nhận thức cả đời. Nhưng hôm nay, bài viết chứa đựng nhiều lý thuyết quý báu này xin dâng cho các bạn mà không phải đóng xu thuế nào. Hãy trân trọng!